Chương 4


"...

Em có biết không, miền nam trong này đẹp lắm, nhưng dù có đẹp cũng không thể làm anh quên đi nỗi nhớ quê. Nhìn từng làn khói bếp bốc lên, nhìn những đứa trẻ con hồn nhiên vui đùa, anh lại nhớ về khi còn bé. Trên tay cầm nắm cơm nóng hổi các bà các mẹ trong này cho, anh nhớ lắm miếng xôi gấc anh em mình chia đôi dưới gốc đa già.

Anh nhớ rất nhiều, lại không có nỗi nhớ nào mãnh liệt như nỗi nhớ em. Bởi vì đối với anh, có em anh mới có nơi để trở về, mới có nơi để nhớ, mọi hình bóng quê hương đều gói gọn trong những ký ức về em.

...

Tường An, anh yêu em, dù là hiện tại hay là mai sau.

Lời cuối thư: Em phải giữ gìn sức khoẻ, ngủ đủ giấc, đói thì nấu cơm ăn, bị ốm thì phải ra trạm xá, không thể giấu bệnh sợ thầy,... Nhớ nghe lời anh Vũ của em dặn dò đấy nhé!

..."

Tôi bật cười, anh vẫn luôn coi tôi như đứa trẻ mà chăm sóc, giờ không ở nhà cũng phải gửi thư thúc giục tôi nghe lời, giống như mấy năm trước khi tôi còn đang học đại học trên thủ đô.

...

Năm ấy, cậu thanh niên Nguyễn Tường Vũ không ngại đường xá xa xôi, lóc cóc đạp chiếc xe đạp cà tàng từ quê lên thủ đô chỉ để ngó qua đứa em trai của anh một chút. Anh không nói cho tôi biết mà cứ lẳng lặng đứng chờ trước cổng trường, mặc cho cái nắng gay gắt của mùa hè hun đỏ làn da anh.

Lúc tôi nhìn thấy anh, mồ hôi đã thấm ướt chiếc áo phông bạc màu, từng giọt thuận theo cằm nhỏ xuống nền đất nóng bỏng. Tôi chỉ biết đứng ngơ ra đó, nhìn anh chằm chằm như thể sợ đó chỉ là ảo giác mà cái nóng đang lừa dối tôi. Anh nhìn tôi cứ trơ ra mãi bèn vẫy tay, đôi mắt anh cong cong như vành trăng khuyết, cười cười gọi tôi một cách vui vẻ.

"An! Mau tới đây, anh lên thăm em này!"

Tôi giật mình, hít sâu một hơi rồi nhoẻn miệng cười, chạy như bay đến ôm chầm lấy người anh trai mà lâu rồi tôi chưa gặp, ước chừng cũng phải hơn một năm rồi. Quê tôi cách thủ đô khá xa, việc học lại bận rộn, tôi không thể về quê thường xuyên, mọi năm cũng chỉ tranh thủ được dịp Tết mới có thể bắt xe về, còn năm nay thì tôi sắp tốt nghiệp, tranh thủ cái Tết ở lại học thêm một chút nên không về nhà được. Nhưng cũng không vì thế mà tôi và gia đình mất liên lạc, chúng tôi vẫn thường gửi thư qua lại cho nhau.

Trong bức thư tháng trước, anh không nhắc tới chuyện sẽ lên đây thăm tôi, nên tôi thực sự rất bất ngờ. Tôi vừa bóc cái bánh chưng bé bằng lòng bàn tay mà anh mang cho vừa hỏi anh:

"Sao anh lại lên tận đây thế, còn không thèm báo cho em một tiếng."

Vũ cười cười rồi chụp lên đầu tôi một cái mũ vải rộng vành, còn anh thì đội nón lá, tay phe phẩy chiếc quạt mo cũ. Đến lúc tôi vừa bóc xong bánh, anh bèn cúi đầu cắn trộm một miếng to rồi mới ung dung trả lời câu hỏi của tôi.

"Còn không phải do em hả? Lúc nào trong thư em cũng nói sống rất tốt, không phải lo lắng gì, đến cả tiền sinh hoạt cũng nói không cần phải gửi cho em nữa, ba lo lắng em chịu khổ, chịu uất ức lại không dám nói với gia đình nên mới bảo anh lên đây thăm em, xem em sống thế nào."

Tôi vẫn đang mải nhìn cái bánh chưng thơm dẻo đã mất một góc, bĩu môi, dùng dằng huých vào tay anh một cái. Lúc anh nhìn lại, tôi liếc xéo anh một cách đầy bất mãn, lẩm bà lẩm bẩm.

"Có mỗi cách bánh tí tẹo mà cũng giành ăn với em, anh có còn là người lớn không?"

"Hả, em nói cái gì cơ?" Anh cố tính nghiêng người, dí sát tai vào tôi, trêu chọc hỏi lại tôi với cái kiểu rất ư là thiếu đánh.

Tôi phớt lờ anh, cắn một miếng bánh thật to, cảm nhận hương gạo nếp quyện với nhân đậu mềm tan ra trong miệng, thật sự rất ngon!

"Em nói là, anh với ba cứ lo lắng quá lên, em cũng đâu còn bé bỏng gì nữa đâu, đã tự biết lo cho mình rồi."

"Em lại còn không biết tính ba sao? Ông hay lo trước lo sau, lại còn thích suy diễn mấy chuyện linh tinh. Người làm ba ấy mà, có ai mà không lo cho con cái đâu." Anh dựa người vào bờ tường tróc sơn phía sau, thở dài thườn thượt: "Còn anh có mỗi đứa em là em, anh không lo cho em thì biết lo cho ai bây giờ, tiền anh làm ra cốt cũng chỉ để chăm sóc ba lúc về già và nuôi em ăn học đến nơi đến chốn."

Tôi nhìn vào mắt anh, thấy được sự dịu dàng, và dường như cũng thấy được một thứ cảm xúc lạ lẫm mà tôi chưa từng gặp qua, khẽ nói: "Anh với ba đừng lo lắng, em đã tìm được một công việc ở tiệm sách gần trường, cũng coi như là có tiền để tiêu. Nhà mình thì làm gì có điều kiện đâu, mỗi tháng gửi tiền cho em xong chắc chắn cũng chẳng còn bao nhiêu, anh với ba lại phải nhịn cái này, nhịn cái kia."

Tôi rũ mắt, nhìn chiếc bánh chưng còn một nửa trong tay, nó vẫn ngon như thế, vẫn là hương vị của món bánh ba Tám hay mua hồi nhỏ, vẫn giống y như vị của cái bánh chưng Vũ nhét cho tôi vào ngày mà tôi xách túi rời quê lên thủ đô đi học.

"Em biết ba với anh lo em chịu khổ ở nơi đất khách quê người, nhưng em cũng xót hai người ở nhà phải nhịn ăn nhịn mặc lo từng đồng cho em đi học."

Sống mũi hơi cay, đôi mắt trở nên ẩm ướt, tầm nhìn nhòe đi, tôi khụt khịt, giọng nói cũng có chút lạc đi.

"Anh với ba thương em thế nào em đều cảm nhận được, nhưng em cũng thương hai người có kém gì đâu."

Tôi nói xong lại tiếp tục nhấm nháp cái bánh bị bỏ dở giữa chừng, ăn chậm nhai kỹ, cảm thụ sâu sắc hương vị quen thuộc thấm đẫm trong từng miếng bánh.

Lúc ấy, bỗng dưng tôi muốn về nhà.

Vũ không nói gì cả, chỉ nhìn tôi một cách chăm chú, chiếc quạt mo cũ trên tay anh vẫn phe phẩy đều đều, xua tan bớt hơi nóng trong không khí. Đến khi tôi ăn xong, anh lục lọi trong cái túi to bự ở giỏ xe, lấy ra một bình nước được bọc nilon kín mít và một cái cốc nhựa nhỏ.

Tôi tò mò nhìn chai nước trong tay anh, rồi lại nhìn anh gỡ lớp nilon, vặn nắp bình đổ nước ra cốc. Ngó thấy thứ nước trong veo màu trà cùng với hương thơm quanh quẩn ở chóp mũi, tôi vui hẳn lên.

"Nước vối hả anh?"

"Ừ, nước vối đấy, anh xin của một thím ở ngoại thành, anh uống thử rồi, vối nhà thím ấy uống ngon lắm."

Tôi vội vã nhận lấy cốc từ tay anh, uống một hơi cạn sạch, đã lâu lắm rồi tôi chưa được uống nước vối, cái hương vị ngọt ngọt thanh thanh lan tràn trong khoang miệng khiến tôi mê mẩn từ bé đến lớn. Nhớ cái hồi trước cổng nhà còn cây vối nhỏ, khi nào thèm tôi lại ra hái vài lá về đun nước, nhưng sau một trận mưa to nó bị gió quật gãy, không thể sống được nữa.

"Giá mà cây vối nhà mình còn sống thì tốt, mỗi lần thèm thì có thể hái về đun."

"Ba cũng thích nước vối giống em, nhiều khi đang uống chè cũng phải nhắc lại cây vối năm nào, ba tiếc nó dữ lắm!" Vũ gật đầu đồng tình với tôi, còn lầm bầm: "Thôi thì để hôm nào họp chợ huyện anh đi ngó xem người ta có bán vối không, đến lúc ấy sẽ mua một cây về trồng."

"Thật hả?" Tôi không nhịn được mà nhìn anh với ánh mắt đầy hi vọng.

"Thật hơn cả thật, anh đã bao giờ lừa em đâu." Anh búng trán tôi một cái rồi cất lại đồ vào trong túi, vỗ vỗ vào phần yên sau đã được lót bằng một tấm nệm vải của xe đạp: "Lên xe đi, anh đèo đi ngắm hồ Tây, muốn ăn gì cứ bảo, anh mua cho."

Tôi xoa chỗ trán bị búng đỏ, vui vẻ ngồi lên xe, hai tay ôm chặt lấy vòng eo rắn chắc của anh, tựa như hồi còn ở quê anh hay đèo tôi đi học, đi chơi.

Trời đã ngả về chiều, cái nắng cũng bớt gay gắt hơn, tôi cảm nhận được cơn gió hiu hiu thổi qua, mang theo hơi nóng đặc trưng của mùa hè, bên tai là tiếng đường xá tấp nập với tiếng ve thấp thoáng ở đâu đó. Tôi dựa đầu vào tấm lưng vững chãi của anh, ngáp một cái, đôi mắt khép hờ vì buồn ngủ.

"Ngủ gật đấy hả An?" Giọng trầm ấm của anh vang lên từ phía trước khiến mí mắt tôi càng muốn sụp xuống. Tôi mơ hồ đáp lại anh theo thói quen: "Đâu có."

Anh không nói thêm cái gì, chỉ vỗ nhẹ vào cánh tay đang ôm eo anh của tôi. Chiếc xe đạp cũ kỹ vẫn vững vàng đi trên đường lớn, vang lên những tiếc lọc cọc của sỏi đá. Tôi mơ màng chìm đắm trong cơn gió chiều hè và hơi ấm quen thuộc của anh.

Chiều hôm ấy, anh đèo tôi đi khắp các phố phường, đi từ lúc trời còn trong xanh đến tận khi trời ngả màu hoàng hôn. Dọc đường đi, trên tay tôi chốc lại là miếng bánh cốm nhỏ, chốc lại là cốc chè đậu đen ngọt lịm. Tôi như trở lại thời còn học ở quê, anh cũng đèo tôi đi học rồi lại đèo tôi về như thế này, đôi khi có vài đồng dắt túi sẽ lại mua cho tôi dăm ba thứ quà bánh mà tôi thích.

Suốt một buổi chiều, tôi hết mơ màng ngủ gật rồi lại huyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới biển đã gặp được ở chốn thủ đô này. Tôi cũng kể cho anh nghe về công việc ở tiệm sách của tôi, mỗi tháng kiếm được mấy đồng, chuyện học hành ra sao. Vũ cứ lặng lẽ lắng nghe như thế, thi thoảng anh lại bật cười vì một câu chuyện nào đó. Từng phút giây của ngày hôm ấy đều yên bình đến khó tả, tôi chỉ ước khoảng thời gian thoải mái ấy sẽ chẳng bao giờ trôi qua.

Anh chở tôi về trường khi trời đã tắt nắng, chúng tôi kề cạnh nhau đứng dưới tán cây nhìn bóng tối dần nuốt chửng tia sáng cuối cùng. Sau đó chúng tôi nói cái gì tôi cũng chẳng còn nhớ nữa, chỉ biết trước khi ra về, anh dặn dò tôi rất nhiều chuyện, rồi lại nhét cho tôi rất nhiều đồ dưới quê mà anh cất trong túi ở giỏ xe.

Lúc anh chuẩn bị ra về, tôi có chút không nỡ, nắm chặt lấy vạt áo anh như đứa trẻ con nũng nịu đòi mua quà. Anh bật cười vò loạn mái tóc tôi, khi ấy, tôi lại nhìn thấy thứ cảm xúc lạ lẫm khó hiểu kia trong ánh mắt anh.

Sau này tôi đã biết, tia cảm xúc mà tôi chẳng thể hiểu nổi lúc đó chính là yêu, một thứ tình cảm mà chẳng biết từ bao giờ đã xuất hiện trong ánh mắt anh mỗi lần nhìn tôi.

Nhìn bóng dáng lẻ loi đạp xe trên con phố vắng, tôi chạy thật nhanh rồi gọi với theo, chỉ sợ anh không nghe thấy.

"Anh Vũ, đợi em về nhà rồi một ngày nào đấy chúng ta nhất định sẽ lại quay về Hà Nội, đi hết ba mươi sáu phố phường nhé!"

"Tường An, anh sẽ cố gắng để trở về, em nhất định phải đợi anh, một ngày nào đấy của tương lai chúng ta sẽ lại được ôm lấy nhau."

Câu hứa trong quá khứ chồng lên với câu hẹn trong thư, tôi bất giác mỉm cười, ánh mắt trông mong nhìn về phương nam xa xôi.

Một ngày nào đấy...

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip