07. Cáo Ăn Gà Rán (14)
Sáng hôm sau, trời không nắng nhưng cũng chẳng mưa. Không khí xám xịt phủ một lớp ánh sáng mờ đều lên mọi thứ như thể ngày hôm đó sinh ra chỉ để lặng lẽ trôi qua. Khuê bước vào trụ sở cảnh sát mà không cần dừng lại trước cổng. Em mặc xếp ly dài quá đầu gối phối với sweater cổ tim, tất trắng không dính bùn, nhưng đầu gối có miếng dán cá nhân màu da nhạt - cái này do Trâm Anh gợi ý. Cô nàng có lý do rất hùng hồn. "Ấn tượng từ lần gặp đầu tiên rất quan trọng."
Em đi thẳng, không rẽ trái rẽ phải, gặp đúng người trực ban. Đó là một người đàn ông trung tuổi, mặc sắc phục vừa vặn, mặt nghiêm nhưng chưa đến mức lạnh. Em hít sâu một hơi, đặt túi hồ sơ lên bàn. Chiếc túi không nặng, nhưng tiếng chạm xuống mặt bàn vang khẽ. Khuê thở ra.
"Cháu bị đe dọa." Giọng em đều, không run, không cao giọng, như đang đọc một đoạn văn thuộc lòng. "Có người gửi ảnh về nhà cháu. Cháu muốn nộp đơn tố cáo."
Người cảnh sát ngẩng lên, hơi khựng lại. Khuê biết ông ta đang nghĩ điều gì. "Con nhóc vị thành niên" là kết quả mà em mong muốn. Trước khi ra ngoài, em vốn định chọn quần áo hơi già dặn, nhưng vừa mới tháo đồ khỏi móc treo đã bị Trâm Anh cản lại.
"Trẻ vị thành niên luôn có sức hút đặc biệt." Cô nàng chỉ vào một cái váy phong cách Nhật Bản em chẳng mặc bao giờ. "Cái này phù hợp hơn."
Thế là sau nhiều phút thảo luận, phần lớn là Trâm Anh nói, em điều chỉnh, hai người cũng ra được kết quả cuối cùng - tóc buộc gọn sau gáy, mắt không đỏ, môi không sưng, dáng không xiêu vẹo nhưng tay thì giữ rất chặt quai túi, như thể bên trong không phải chỉ có giấy ảnh, mà là một thứ gì nặng hơn.
Yếu ớt, sợ hãi, mong manh.
"Cháu có mang căn cước không?" Ông cảnh sát hỏi, rõ ràng là không tin em đủ tuổi để tố cáo. "Bác nghĩ là cháu nên đi cùng người giám hộ."
"Dạ, không cần đâu ạ." Khuê trả lời, đưa căn cước cho ông ta. "Cháu muốn tự tố cáo ạ."
Ông cảnh sát nhận căn cước, nhìn ngó chán chê mới đưa ra được kết luận - người trong ảnh và người trước mặt là cùng một người. Ông ta ngó qua tên em, hỏi thêm. "Cháu là cháu của ông Huy hả?"
"Dạ." Khuê đáp ngắn gọn. "Cháu có bằng chứng, cháu có thể báo án không ạ?"
Ông cảnh sát gật đầu. "Cháu có nghi ngờ ai không?" Ông hỏi, giọng hạ thấp như đang dò xét một khe cửa vừa hé.
Khuê lắc đầu. "Không." Em đáp, mắt không chớp, giọng nhẹ mà như rạch vào im lặng. "Mọi thứ cứ rối tung rối mù lên, lúc đầu cháu chỉ nghĩ là mấy bức ảnh thôi, nhưng hôm trước có người đâm cháu trên đường ạ."
"Đường trong nội đô, tốc độ bị giới hạn, nhưng người đâm cháu phóng nhanh như chớp vậy ạ. Cháu cũng đã xin trích xuất máy quay an ninh của mấy hộ dân gần đó, người đâm cháu che biển số xe ạ." Em đưa ra một tờ giấy ghi địa chỉ bằng tay trái, sau đó thì rụt lại, chuyển sang tay phải. "Đây là địa chỉ gia đình họ ạ, bác có thể đến xem ạ."
"Với cả..." Em hạ giọng, có vẻ chần chừ. "Chuyện lần này có thể không báo cho ông cháu được không ạ? Cháu không muốn ông cháu lo lắng ạ."
Người cảnh sát gật đầu, không nói gì thêm. "Cháu ra kia, theo hướng dẫn ghi lại lời khai, có gì thì để ý điện thoại."
"Dạ, cháu cảm ơn bác ạ." Em cúi đầu chào rồi đi theo chỉ dẫn, đi ra một cái bàn trống, bắt đầu viết những gì đã kể lúc nãy.
***
Hôm nay ông luật sư có việc xuống thị trấn. Trời rét căm căm, không gian xám xịt như bị ai đó đổ chì, cây cối hai bên đường cũng chung cảnh héo úa, cảnh vật điêu tàn càng khiến cho nỗi bất an trong lòng ông ta lớn dần.
Ông luật sư liếc cái điện thoại phiên bản mới nhất đặt ở giá đỡ, màn hình từ sáng đến giờ vẫn tối om, dù ông ta đã cài chuông ngoài ở mức cao nhất. Có một dạo, từ sáng tinh mơ tới tối muộn, ông ta liên tục bị oanh tạc bởi mấy đầu số ngoại lai, hết gạ mua bất động sản, đầu tư một món vô hình nào đó, rồi đến bán cả hàng vĩnh hằng. Cũng đành chịu thôi, số ông ta không phải là hàng khó kiếm, danh thiếp mạ vàng của ông ta đã qua tay vô số người, và đám gọi điện gạ hàng sẽ chẳng bao giờ quan tâm người chúng đang gọi là ai.
Đỉnh điểm là khi ông ta phải nhận tới hơi hai chục cuộc gọi tiếp thị một sáng, đến nỗi ông ta ném vỡ cái điện thoại đắt tiền, miệng thì không ngừng chửi rủa đám nhà mạng, chửi chúng không có những biện pháp đảm bảo an toàn cho người dùng và cấm cửa cái đám lừa đảo viễn thông. Sau đó, ông ta quyết tâm đổi số điện thoại, số hiện tại chuyển sang cho con nhỏ trợ lý mới nhận việc, để nó nghe đủ rồi báo lại, vừa tiết kiệm thời gian, vừa đỡ khiến ông ta tăng xông vì độ ngu xuẩn của đám cò đất.
Ngày thường, điện thoại mà im thì tức là không có chuyện gì xảy ra, ông ta có thể có một ngày vui vẻ, thậm chí có thể tan làm sớm và dành thời gian cho những cú swing ưa thích. Nhưng hôm nay, sự im lặng đến lạ kỳ khiến ông ta có cảm giác rờn rợn, giống như việc có việc gì đó, dù âm thầm, nhưng vẫn đang dần dần trượt khỏi tầm kiểm soát mà ông ta giăng ra.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip