08. 30 Tết (19)
Bà Hạnh thoáng gật đầu. "Cô có những manh mối gì?"
"Khá nhiều ạ." Khuê đáp và chỉ vào từng tấm ảnh trên bàn. "Đầu tiên là có người chụp trộm và vẽ tranh khoả thân của cháu nên ông và cháu mới đến nơi điều tra..." Khuê nhớ tới bức tranh đã táng mình trong biển lửa. Em chỉ vào ảnh chụp bức tiên tri câm. "Sau đó, ông mang hai bức tranh về nhà. Người ta vẫn gửi ảnh và ông điều tra đến tiệm LightRun..."
"Tranh kiểu gì đây?" Bà Hạnh soi xét. "Chả ra thể thống gì cả..."
"Dạ, đây là một loại biến tấu ạ." Khuê chuyển sang vai trò giải thích. "Một số người thích phá cách và thay đổi các tác phẩm kinh điển cho phù hợp với hơi thở thời đại..." Xin cảm ơn nguồn văn thơ bất tận của cô cả Đặng. Khuê căng đầu bịa thêm. "... như bức tranh này ấy ạ, có lẽ người vẽ muốn tuyên truyền về việc đeo khẩu trang phòng chống dịch bệnh chẳng hạn..."
Đáp lại em là một tiếng hừ khẽ - bà Hạnh rõ ràng là không thích cái kiểu dông dài không đi vào trọng tâm này. Khuê im bặt và chuyển sang chủ đề khác. "... chuyện sau đó thì bác chắc cũng rõ rồi ấy ạ. Ông bị hại và người ta vẫn tiếp tục gửi ảnh ạ..."
"Nếu nó không giả mạo cơ quan tổ chức thì ai tố cáo được nó..." Bà Hạnh nói, Khuê lập tức rút lại câu biện hộ vừa ra tới đầu lưỡi. Nói chuyện đúng sai lúc này là không khôn ngoan.
"Cháu tình cờ đoán được manh mối và tố cáo chuyện đe doạ, sau đó thì bị xe đâm ạ. Cháu lần theo manh mối ông để lại thì phát hiện ra ba ký tự 312 ở nhà của người đàn ông tự sát ban đầu. Tình hình đại khái là như thế ạ."
"Thằng Huy để lại manh mối gì?"
"Bản sao của chương trình hài kịch cuối năm ạ."
"Là cái chiếu vào đêm ba mươi Tết?"
Khuê gật đầu. "Đúng rồi ạ. Nhờ đó cháu mới nghĩ ra 312 là chỉ ngày âm, ông cũng từng nói là ông không dùng ngày dương mà chỉ dùng ngày âm thôi ạ..." Khuê khựng lại. "Không đúng, nếu muốn ám chỉ ngày cụ bà qua đời thì dùng ngày âm là xong rồi mà, sao phải rắc rối thế?"
"Khoảng cách thế hệ." Bà Hạnh thay em trả lời. "Biết được ngày giỗ theo lịch dương của mẹ tôi thì chắc chắn là người quen - trên bia không ghi ngày tháng. Còn biến tấu... các cô cậu giờ gọi thế nhỉ - đây là dấu vết của người trẻ."
"Ý bác là..."
"Có ít nhất hai người - một già, một trẻ - đứng sau chuyện này." Bà Hạnh thản nhiên. "Người lớn tuổi hơn, có lẽ đã từng có quan hệ thân thiết với gia đình tôi..."
***
"Mẹ tôi không phải thước đo cho sự trưởng thành của cô." Bà Hạnh nói thêm.
Khuê cúi đầu, mím môi.
"Hẳn là từ lúc thấy cái ảnh này, thằng Huy đã đoán được phần lớn câu chuyện. Nhưng nó vẫn im lặng, vẫn chui vào bẫy..." Bà dừng lại một nhịp rồi mới tiếp tục, giọng nhiễu nhại. "... không phải tạo điều kiện cho cô điều tra thì còn là gì. Nó vốn chẳng để mấy trò vặt này vào mắt..."
"Khoan đã..." Khuê đột nhiên cắt ngang, bỏ qua vẻ không tán đồng của bà Hạnh. "Bác ơi, sao bác lại nói ông biết ngay từ đầu ạ?"
"Không nhờ thằng Huy dọn đường, cô nghĩ cô có thể yên ổn đến thành phố Hà à?" Bà Hạnh hỏi lại, không trả lời câu hỏi của em. Với cái thói làm không nghĩ này, cô đã bị bắt vì phá hoại mồ mả từ lâu rồi."
"Không thể nào." Khuê khựng lại, hoàn toàn đã bị lái chệch khỏi hướng ban đầu. "Làm sao bác biết được?"
"Tôi không có nghĩa vụ phải giải đáp thắc mắc của cô." Bà Hạnh đáp, mắt nhìn về phía bức ảnh trên bàn. "Đây là ảnh mẹ tôi thời chưa ốm đau. Ảnh này không công khai ra ngoài, chỉ có một dịp duy nhất..." Bà dừng lại, đột nhiên thốt ra một câu nói tục. "... khốn thật."
Người cảnh vệ được gọi vào phòng. Bà Hạnh thầm thì với anh ta gì đó và người đàn ông rời đi. Cái đèn cũ kỹ đung đưa nhẹ nhàng theo gió, in những vòng tròn nguệch ngoạc lên mặt đất, Khuê nhìn theo đầy chăm chú, muốn dùng cái bóng để xua đi cảm giác bất an đang không ngừng bủa vây.
Trực giác của em lại đúng. Chừng năm phút sau, người cảnh vệ trở lại, vừa định nhỏ giọng báo cáo thì đã bị bà Hạnh cản lại. Bà bảo thẳng. "Cậu cứ nói đi, đừng ngại."
Anh cảnh vệ lộ vẻ khó xử. Mặt bà Hạnh tái đi với tốc độ có thể trông thấy bằng mắt thường. Bà xoay người, vượt qua Khuê rồi đi ra ngoài, đi thẳng về phía những ngôi mộ phía xa. Khuê vội vàng chạy theo. Có chuyện gì đó ngoài khả năng tưởng tượng của em vừa được phát hiện.
Nhờ ánh đèn pin, Khuê thấy lờ mờ thông tin trên tấm bia đá. Vẫn là cái tên quen thuộc, vẫn là những thông tin đó, nhưng mộ lại là kiểu cũ. Thông tin ngày mất cũng được giữ kín, chỉ thấy được năm sinh năm mất - chiến thuật thông minh giúp gia đình tránh được phiền phức từ những kẻ tọc mạch thích lôi kéo quan hệ và những giỏ quà sai ngày.
Chỉ là...
Tại sao một người lại có đến hai ngôi mộ là câu Khuê không dám hỏi bà Hạnh, em chỉ đành mở điện thoại lên tra cứu. Thanh tìm kiếm xoay tròn và kết quả được trả về trong chốc lát. Xin cảm ơn công ty viễn thông đã không bỏ ai lại phía sau, dù là những người khuất núi cũng không bị lạc hậu.
Cải táng. Câu trả lời ngắn gọn làm Khuê lạnh gáy.
Người phụ trách đào mộ đứng cách em một khoảng đang không ngừng chỉ huy mọi người xử lý phần đất mới bị xới lên. Đột nhiên, ông ta dừng tay, mặt nhăn lại, rồi khẽ cúi xuống, lấy tay gạt lớp đất mỏng. "Đất ở dưới..." Ông nói, mắt vẫn dán chặt vào lớp đất chẳng rõ màu sắc. "Hình như từng bị xới từ trước."
Bà Hạnh vội vàng tiến lên phía trước, Khuê rón rén bước theo. Sự chú ý của bà đã hoàn toàn bị ngôi mộ cuốn lấy. Ông phụ trách vẫn tiếp tục. "Chỗ này không đồng đều. Lớp lót bị lệch. Ai đó đã đào ngôi mộ này lên."
HẾT QUYỂN 01
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip