CHAP 19: KÍ ỨC

"Có những người còn sống, nhưng không còn đang sống. Họ chỉ đang mang theo tro tàn đi nốt đoạn đường cuối."

Trái tim Seulgi không còn là trái tim nữa. Chỉ là một khoảng trống biết đập theo thói quen của cơ thể.

Tang lễ được tổ chức ba ngày sau đó. Một buổi sáng lặng như tuyệt giao giữa người sống và người đã khuất, không mưa, nhưng từng đợt gió lùa qua mái nhà tang lễ cũng nghe như tiếng thở dài của một ai đó không còn hiện hữu.

Seulgi tự mình đứng ra làm tất cả. Từ chọn ảnh thờ, đặt hoa, đến việc ký xác nhận với nhà tang lễ. Không ai tranh giành. Không ai xuất hiện để phản đối quyền của cô nữa.

Vì người duy nhất có tư cách đã chọn im lặng suốt thời gian mẹ cô hấp hối.

Yeri luôn ở bên, lo phần hậu sự và xử lý người đến viếng. Kyung thì âm thầm đi theo sau Seulgi, chuẩn bị nước ấm, nhắc cô ăn từng muỗng cháo loãng.

Không ai nói lời nào về chuyện đang diễn ra. Nhưng cả hai đều biết đây không còn là Woo Seulgi mà họ từng quen. Cô không khóc, không nổi giận, không nói gì ngoài những lời cần thiết để hoàn tất nghi thức cuối cùng.

Khi linh cữu được đặt giữa phòng lễ, Seulgi đứng lặng nhìn di ảnh mẹ. Đôi mắt trống rỗng, như thể đã dùng hết nước mắt cho những ngày không ai thấy. Trái tim cô không đau thêm được nữa, vì nó đã vỡ tan từ lâu chỉ còn mảnh vụn rơi vãi trên nền gạch lạnh.

Giữa buổi lễ, cha cô xuất hiện.

Ông mặc vest đen, bước vào với dáng vẻ điềm đạm, gật đầu chào từng người đến viếng như một người chồng vừa mất vợ. Khi bước đến bên Seulgi, ông chạm nhẹ vào tay cô, một động tác vừa đủ để lọt vào ống kính phóng viên.

Không ai biết bức ảnh ấy được lan truyền từ đâu. Nhưng chỉ vài giờ sau, hình ảnh cha con đứng bên nhau trước bàn thờ đã phủ đầy mạng xã hội "Gia đình đoàn tụ trong đau thương."

Seulgi không phản ứng. Cô không gạt tay ông ra. Cũng không đáp lại. Cô chỉ cúi đầu, như thể điều đó chẳng còn gì quan trọng. Có những vai diễn đã tập đến thuộc lòng, chỉ là giờ cô không còn muốn lên sân khấu nữa.

Ngay hôm sau, tất cả những bài viết vu khống Seulgi bỗng biến mất không dấu vết. Những hình ảnh cắt ghép được gỡ xuống. Các bình luận ác ý biến mất như chưa từng tồn tại.

Và một email từ phòng nhân sự bệnh viện được gửi đi "Thực tập sinh Woo Seulgi – khôi phục toàn bộ tư cách thực tập và quyền tiếp cận bệnh án."

Không một lời xin lỗi. Không một ai thừa nhận sai lầm.

Chỉ là, đột nhiên thế giới trả lại cho Woo Seulgi thứ họ từng cướp, như một cái gật đầu ngầm cho thỏa hiệp không ai lên tiếng. Đổi lại là một bức ảnh được tô vẽ bằng cái chết, một người cha được tẩy trắng bằng tro của vợ mình.

Ở một nơi khác, trời Tây, Yoo Jaeyi sống trong một căn hộ áp mái sang trọng nhưng lạnh lẽo, được thuê dưới tên cha cô và được giám sát bởi trợ lý riêng.

Hằng ngày, cô nhận được một bản tin tổng hợp ngắn gọn do thư ký của cha gửi đến: tình hình tài chính, dự báo thời tiết, lịch trình học. Một góc nhỏ cuối thư luôn có một dòng "Bệnh nhân trong tình trạng ổn định."

Không tên, không chi tiết. Nhưng Jaeyi vẫn tin đó là thông điệp ám chỉ mẹ Seulgi.

Nàng đọc đi đọc lại dòng đó như một câu thần chú cứu rỗi. Tin rằng mình rời đi là có ý nghĩa. Rằng bằng cách đánh đổi, cô đã cứu được mạng sống quan trọng nhất với người mình yêu.

Yoo Jaeyi không biết rằng tang lễ đã kết thúc từ lâu.
Rằng người nằm trong chiếc quan tài phủ hoa trắng không bao giờ tỉnh lại được nữa.

Và rằng Woo Seulgi, người nàng yêu nhất, đã tiễn mẹ bằng đôi tay run rẩy và một trái tim vỡ vụn mà không có ai đứng bên.

Chiều hôm đó, sau khi tiễn hết người đến viếng, Seulgi ngồi lại một mình trên bậc thềm nhà tang lễ. Trời chuyển mưa phùn. Áo tang trên vai cô thấm nước, nhưng cô không đứng dậy.

Yeri và Kyung đứng cách một đoạn, không chen vào. Họ biết có những nỗi buồn cần được một mình giữ lấy.

Seulgi cúi đầu trước di ảnh mẹ lần cuối. Một bó hoa trắng được đặt nhẹ nhàng xuống. Và một câu gần như không thành tiếng.

"Con xin lỗi. Con đã không cứu được mẹ. Con cũng không giữ được ai cả."

Tối đó, cô không về nhà cũ. Cô trở lại căn phòng kí túc xá gần bệnh viện, cởi áo tang, treo lên móc, rồi tắm nước lạnh như muốn rửa trôi tất cả.

Cô ngồi trước bàn học, mở một cuốn giáo trình đã cũ. Những con chữ vẫn nằm đó, nguyên vẹn và vô cảm, như thể chúng không hề biết người đang đọc chúng vừa mất đi mọi điều quan trọng nhất trên đời.
Điện thoại vẫn nằm lặng trên bàn, màn hình im lìm suốt đêm. Không còn ai gọi, không còn ai nhắn như thể cả thế giới cũng đã học được cách im lặng cùng cô.

Và có những mất mát không khiến người ta gục ngã. Chúng chỉ khiến người ta ngừng lại. Mãi mãi.

Sau lễ tang, Seulgi không dừng lại để than khóc. Cô vùi mình vào năm cuối đại học, biến những ca trực kéo dài thành cách duy nhất để không phải nghĩ ngợi. Cô không về nhà cũ. Không đi chơi, không nhắn tin, không cho ai cơ hội lại gần. Chỉ còn một mình cô, trong những hành lang bệnh viện lạnh lẽo lúc ba giờ sáng, nơi tiếng máy đo nhịp tim vang lên như lời nhắc nhở rằng ít nhất vẫn còn người đang sống.

Seulgi bắt đầu mất ngủ. Ban đầu là một, hai đêm. Rồi thành chuỗi dài vô tận. Cô quen với việc thức trắng, với ánh sáng trắng của đèn phòng trực, với tiếng bước chân mình lạc lõng trên nền gạch. Khi cơ thể bắt đầu không chịu nổi, cô dùng thuốc an thần. Loại nhẹ ban đầu, rồi nặng dần. Thứ gì cũng thử, miễn là khiến mình chìm đi vài giờ, dù không mộng mị. Có những đêm, Seulgi ngồi một mình trên sân thượng bệnh viện, điếu thuốc cháy dở trong tay, mắt nhìn về bầu trời không sao. Khói thuốc cay xè, nhưng là thứ duy nhất khiến cô cảm thấy mình còn tồn tại. Rượu cũng vậy. Không phải để say. Mà để làm mờ đi khoảng trống bên trong.

Trong những năm ấy, Seulgi không yêu ai. Cũng không để ai đến gần đủ để có thể bắt đầu một thứ gì đó gọi là yêu. Cô khước từ mọi ánh mắt, mọi lời ngỏ, mọi va chạm tưởng như vô tình. Không phải vì kiêu ngạo, mà vì cô biết rõ: trái tim mình không còn đủ nguyên vẹn để người khác bước vào. Cô không trao cơ hội cho ai, cũng không tha thứ cho chính mình. Chỉ còn lý trí kéo lê một hình hài đã rỗng ruột, sống sót bằng kỷ luật và nỗi trống không.

Hồ sơ của cô luôn đứng đầu. Ca trực nào cũng nhận. Ca mổ nào cũng xin vào. Có lần, trong một ca mổ kéo dài hơn mười giờ, Seulgi ngã gục ngay khi vừa bước ra khỏi phòng phẫu thuật. Người ta nói đó là do hạ đường huyết. Nhưng Yeri biết đó là cơ thể bắt đầu phản bội ý chí. Seulgi tỉnh dậy sau vài giờ nghỉ, rút truyền và quay lại phòng mổ như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Khi Yeri trách cô liều mạng, Seulgi chỉ mỉm cười "Lỡ có chết thì cũng chết ở đúng chỗ mình chọn." Từ đó, không ai dám hỏi thêm điều gì nữa.

Yeri đôi lần cố tình ghé qua phòng trực, tạo tiếng động lớn hơn bình thường, mong Seulgi ngẩng lên hay ít nhất là cất một câu nào đó. Nhưng đáp lại chỉ là cái gật đầu nhẹ và nụ cười nhạt nhòa đến lạnh người. Cái kiểu cười của một người đã thôi hy vọng vào việc có ai đủ kiên nhẫn để ở lại và lắng nghe. Như thể, trong lòng Seulgi, đau đớn đã thôi là cảm xúc, mà trở thành cơ chế tự tồn tại.

Seulgi đã tự tay đập nát trái tim mình bằng cách tàn nhẫn nhất là không quên. Cô tìm kiếm Jaeyi trong tin tức, trong các bài viết về Nam Byeong Jin, trong những hình ảnh báo chí thỉnh thoảng nhắc đến họ như một cặp đôi sáng giá của giới thượng lưu. Cô không ghen. Không trách. Cô chỉ cần biết Jaeyi đang ở đâu, sống ra sao, có bình yên không.

Và khi không thể chịu nổi cảm giác mình đang chết dần trong cô độc, Seulgi lại đặt vé máy bay. Hai tháng một lần, suốt bốn năm.

Cô bay đến thành phố nơi Jaeyi đang sống, đứng cách vài con phố, lặng lẽ nhìn vào căn hộ sáng đèn ở tầng cao, hoặc dõi theo bóng dáng quen thuộc bước ra từ thư viện hay tiệm sách quen. Không bao giờ đến gần. Không bao giờ xuất hiện. Chỉ nhìn từ xa, đủ để biết người đó còn sống. Và nếu có thể, Seulgi sẽ cố gắng có mặt trong mọi dịp quan trọng của nàng, từ các buổi lễ tốt nghiệp, hội nghị, đến sự kiện học thuật nhỏ nhất. Cô theo dõi trang web khoa, lịch sự kiện của trường Jaeyi học, đánh dấu từng ngày có thể nhìn thấy bóng dáng ấy từ xa. Không phải vì hy vọng. Mà vì những khoảnh khắc ấy là thứ duy nhất còn sót lại giữa cô và thế giới đã từng có tên Jaeyi.

Mỗi lần như thế, cô tự nhắc mình một câu, như thể là câu thần chú để tiếp tục tồn tại: "Nhớ một người là đủ để sống sót, dù có bị bỏ lại."

Thỉnh thoảng, trong những đêm mưa dầm, Kyung tan làm muộn và tiện đường ghé ngang bệnh viện. Cô không vào khoa, chỉ dừng ở quán cà phê đối diện, mang theo một ly Americano nóng rồi nhắn một dòng vỏn vẹn "Còn thức không?" Nếu có tiếng bước chân vọng ra từ sảnh phụ, Kyung sẽ chờ. Nếu không, cô rời đi, không hỏi thêm. Vào những hôm Seulgi bước đến nhận ly cà phê bằng bàn tay hơi run, Kyung sẽ chỉ nói "Tớ không cần biết cậu mang cái gì trong lòng. Chỉ cần biết cậu còn đứng được đến sáng mai là đủ." Và Seulgi chưa từng hứa. Nhưng lần nào cũng cầm ly cà phê, uống một ngụm, và gật đầu như thể đó là cách duy nhất để nói mình vẫn còn ở lại.

Còn Yeri, một lần khi dọn phòng cho Seulgi, đã lỡ làm rơi sổ tay ghi chú của cô. Giữa những trang ghi chi chít số liệu y học là một trang trắng duy nhất, trên cùng có ghi đúng một cái tên Yoo Jaeyi. Không có gì khác. Không ai hỏi. Và Yeri cũng không bao giờ nhắc lại nữa.

Và suốt bốn năm ấy, không ai nhắc đến cái tên Yoo Jaeyi nữa. Nhưng mỗi khi mùi hổ phách thoáng qua từ hành lang nào đó, Seulgi vẫn khựng lại. Chỉ một giây. Rồi bước tiếp. Cô không quay đầu. Vì có những người, dù sống thế nào đi nữa... cũng sẽ không trở lại nữa.

Seulgi đã tự mua một căn hộ nhỏ ở tầng 16, nơi đủ cao để tách biệt khỏi âm thanh thành phố, và đủ xa để không ai bất chợt tìm đến. Trong căn hộ ấy, không có gì nhiều ngoài những món đồ giữa cô và Jaeyi: khung ảnh cũ, tách sứ sứt miệng, cuốn sách đã gập góc, chiếc áo sơ mi nàng từng để quên. Cô không bỏ món nào cả. Không phải vì giữ lại quá khứ. Mà vì đó là phần còn lại duy nhất của cuộc đời cô từng có thật.

Và trong những dịp lẽ ra nên là cột mốc của đời người, như ngày tốt nghiệp, ngày nhận quyết định được vào làm chính thức tại bệnh viện trung ương, Seulgi đều chỉ làm qua loa. Mặc áo blouse, chụp vài tấm ảnh theo yêu cầu của Yeri và Kyung, rồi nhanh chóng rút lui khỏi đám đông.

Đa phần những ngày ấy, sau khi mọi thứ kết thúc, cô sẽ kéo tay Yeri ra khỏi bệnh viện, bắt cô nàng dẫn đến những buổi tiệc ồn ào, những bar nhỏ kín tiếng, nơi người ta không hỏi lý do vì sao một bác sĩ lại uống như thể đang trốn chạy điều gì. Và Yeri, lần nào cũng đi cùng, chỉ ngồi bên lặng thinh nhìn Seulgi uống cạn ly này đến ly khác. Chỉ khi men rượu đã ngấm, Seulgi mới thở ra một câu duy nhất: "Vậy là xong một cột mốc. Nhưng người cần chứng kiến lại không có ở đây."

Bốn năm trôi qua như một đường thẳng không dấu chấm. Không khởi đầu, không kết thúc. Chỉ là một hành trình sống sót của một người đã chọn không chết, nhưng cũng chưa từng thật sự sống.

"Người ta bảo tự do là được lựa chọn. Nhưng Yoo Jaeyi chưa từng được chọn chính mình một lần nào."

Ở một đầu khác của thế giới, Jaeyi sống trong một lịch trình được thiết kế sẵn, từng chi tiết nhỏ đều được lập trình như một phần mềm không có quyền từ chối. Mỗi ngày trôi qua đều giống như một bản lặp, lạnh, đều và vô nghĩa.

Mỗi tuần, sẽ có một bản tin được gửi tới. Không từ bệnh viện, mà từ trợ lý riêng của cha nàng. Trong đó, một dòng cuối cùng lặp đi lặp lại: "Tình trạng ổn định. Không thay đổi."

Không tên. Không hình ảnh. Không giọng nói. Nhưng Jaeyi biết chỉ có một người duy nhất khiến nàng còn đủ lý do để tiếp tục tồn tại.

Suốt bốn năm, Yoo Jaeyi chưa từng quay đầu. Không phải vì không muốn, mà vì không được phép. Hộ chiếu bị giữ, điện thoại bị giám sát, từng bước chân đều có người theo dõi. Nhưng ngay cả khi không ai ngăn, Jaeyi cũng không dám tìm đường về. Sau tất cả, nàng tin chính mình là kẻ có tội. Là người đã để tình yêu chết trong tay mình, và không có quyền đòi lại.

Nàng học. Nàng sống. Nàng hoàn thành mọi điều cha yêu cầu như một con rối tinh xảo, khoác lên lớp vỏ trí tuệ, tử tế, ngoan ngoãn. Nhưng bên trong chỉ là một cơ thể trống rỗng đang cố gắng không sụp đổ.

Nàng học, tốt nghiệp, lên cao học, dự hội thảo, nghiên cứu khoa học. Mọi thứ đều đầy đủ, chỉn chu và hoàn hảo như một món hàng được gói lại đẹp đẽ để trưng bày. Nhưng chưa một lần, Jaeyi cảm thấy mình thực sự đang sống.

Vào những ngày đáng lẽ nên được ôm chặt nhất, sinh nhật của nàng, sinh nhật của Seulgi, ngày hai người gặp nhau, hôn nhau lần đầu, ngày Seulgi ngỏ lời yêu, Jaeyi sẽ khoá trái cửa, tắt điện thoại, tự tay nướng bánh, nấu lại những món ăn cũ, rồi ngồi đối diện chú chó bông đã sờn lông vì thời gian. Một mình. Thắp nến. Nhắm mắt. Tưởng tượng như Seulgi vẫn đang ngồi đó, nhìn nàng mà cười.

Mỗi khi ai đó ngỏ lời làm quen, nàng chỉ lắc đầu "Trái tim tôi đã có nơi để thuộc về rồi." Không ai hỏi lại. Vì ánh mắt nàng khi nói câu đó... như một vết sẹo chưa từng lành.

Có những ngày, nàng băng qua đường và thoáng thấy một dáng người khiến tim ngừng đập. Một ánh mắt. Một dáng đứng. Một mùi hương. Nàng đã từng chạy theo. Ba lần. Bảy lần. Rồi quá nhiều lần. Nhưng lần nào cũng là ngõ cụt. Cuối cùng, nàng học cách mỉm cười với chính mình, và tự nhủ "Chắc mình lại nhớ quá thôi."

Nhưng Jaeyi không chỉ ngồi yên trong nỗi đau. Lén cha, nàng đến phòng khám tư, khai tên giả, lặng lẽ xin một toa thuốc ức chế loại mạnh nhất dành cho Omega dù biết đó là thứ có thể hủy hoại vĩnh viễn hệ thần kinh. Bác sĩ đã ngồi xuống, nhìn nàng thật lâu trước khi nói "Cô không cần phải làm vậy."

Nhưng nàng vẫn nhận thuốc. Vẫn uống. Không phải để sống khoẻ. Mà là để không bao giờ lặp lại đêm kinh hoàng ấy. Không để bất kỳ Alpha nào khác chạm được vào mình. Không để bản thân phải biến mất một lần nữa... theo đúng nghĩa.

Đêm nào cũng vậy, nàng sẽ viết nhật ký, nhưng không viết bằng thì hiện tại. Mà là thì quá khứ "Hôm nay mình từng nhớ em đến nghẹt thở." "Mình từng ngồi dưới cửa sổ, tưởng tượng ánh mắt em vẫn dõi theo." "Mình từng ước có thể quay về đúng giây phút đó, để ôm em lần cuối, dù phải tan biến ngay sau đó." "Mình từng ngồi giữa đêm và bật khóc vì nhớ tiếng em gọi tên mình."

Mỗi tháng, nàng gửi một món quà vô danh về địa chỉ cũ của Seulgi. Không tên. Không lời. Chỉ là bó hoa khô, một quyển sách, một hộp trà. Như thể, nếu ký ức có lối đi, thì sẽ tìm được người để dừng lại.

Mỗi năm, vào đúng ngày nàng quyết định bỏ lại Seulgi và trái tim mình, Jaeyi sẽ viết một lá thư tuyệt mệnh. Không để chết. Mà để khắc ghi đã từng muốn chết. Trên phong bì, nàng ghi "Nếu em từng yêu mình, thì hãy tha thứ. Vì mình đã tồn tại sai cách."

Trong điện thoại, nàng vẫn giữ đoạn ghi âm cuối cùng từ Seulgi "Mình nghe thấy không? Nói gì đi... em đang đợi." Tệp ấy được đặt tên "Don't Delete." Vì nàng biết, nếu xóa nó đi... thì bản thân cũng không còn gì để giữ nữa.

Và suốt bốn năm, Jaeyi chưa từng gọi tên "Seulgi" thành tiếng. Trong mọi bản thảo, mọi giấc mơ, mọi lần bật khóc giữa đêm, nàng chỉ gọi "Cô ấy." Hoặc im lặng.

Bởi nàng hiểu một khi gọi tên đó thành tiếng, thì trái tim nàng... sẽ vỡ thật sự.

Và trong một thế giới nơi mọi thứ đều bị kiểm soát, thứ duy nhất còn nguyên trong Jaeyi... là nỗi đau không ai nhìn thấy.

Bốn năm ấy, Yoo Jaeyi đã sống như một bóng ma có nhịp tim. Và nếu có điều gì duy nhất nàng giữ được giữa ký ức và tàn tro, thì đó là một tình yêu chưa từng chết chỉ bị giam cầm trong im lặng.

Cho đến khi cha nàng gọi về một buổi tối, không báo trước.

"Chuyến bay của con là vào thứ ba tuần tới. Hợp tác đầu tư giữa nhà họ Nam và bệnh viện đã đi đến bước cuối. Con sẽ là đại diện nhà Yoo, chính thức gia nhập ban điều hành khoa hồi sức đặc biệt tại Seoul."

Không phải lời đề nghị. Càng không phải cho phép.
Đó là mệnh lệnh. Được ngụy trang bằng hai chữ "cơ hội".

Jaeyi cúp máy, không nói một lời. Nàng đứng trước gương thật lâu, tự hỏi liệu đây là ân sủng... hay một hình phạt khác mà số phận gửi đến. Nhưng cuối cùng, nàng cũng không từ chối.

Vì giữa hàng ngàn ngày sống mà như chết ấy, trái tim nàng vẫn chưa một lần ngừng gọi về phía một cái tên duy nhất.

Và nếu đây là định mệnh cho phép nàng được quay đầu thì cho dù có bị thiêu sống trong ngọn lửa cũ, nàng cũng muốn bước lại thêm một lần.. Và nếu có điều gì duy nhất nàng giữ được giữa ký ức và tàn tro, thì đó là một tình yêu chưa từng chết chỉ bị giam cầm trong im lặng.

Suốt cả chuyến bay, Jaeyi không ngủ. Trong đầu nàng là hàng trăm viễn cảnh về việc gặp lại Seulgi ở hành lang bệnh viện, trong một cuộc họp, hoặc tệ hơn... là khi vô tình lướt qua nhau như hai người xa lạ. Nàng không biết nên hy vọng điều gì, cũng không rõ mình có đủ tư cách để đối mặt không.

Sau bốn năm, cuối cùng nàng cũng được tự do liên lạc. Không còn ràng buộc, không còn giám sát. Nhưng điện thoại trong tay, Jaeyi lại không đủ can đảm gọi đi một cuộc nào. Mỗi lần nhập dòng chữ "Tình yêu Seulgi", tay nàng sẽ khựng lại, rồi xoá đi.

Cuối cùng, nàng chỉ gửi một tin nhắn duy nhất, không phải cho người nàng muốn gặp nhất, mà là cho người duy nhất có thể giúp nàng giữ khoảng cách an toàn:
"Kyung, tớ sẽ về nước ngày mai. Nếu cậu rảnh... có thể đến đón tớ rồi đưa thẳng tới bệnh viện được không?"

Nàng không muốn Nam Byeong Jin tới. Cũng không muốn gặp bất kỳ người nào liên quan đến vết thương cũ. Nàng chỉ muốn lặng lẽ quay về với vai trò một bác sĩ. Và nếu có thể... chỉ đứng từ xa để nhìn thấy người mình yêu vẫn đang sống.

Nhưng mọi thứ không bao giờ đơn giản.

Ngay trong đêm đầu tiên về nước, nàng bị ép tham dự một buổi tiệc riêng do nhà họ Nam tổ chức, danh nghĩa là chào mừng, nhưng nàng hiểu rất rõ đó là một màn khẳng định chủ quyền từ phía Byeong Jin. Nàng cố gắng giữ khoảng cách, từ chối uống rượu, tránh mọi va chạm, nhưng không thể chống lại được loại thuốc không màu hòa trong ly rượu duy nhất nàng uống vì phép lịch sự.

Khi tỉnh dậy trong phòng tắm khách sạn, cơ thể nàng đã ngập trong cơn sốt pheromone mất kiểm soát, tuyến sinh học hoảng loạn đến mức khiến nàng ngất lịm giữa nền gạch lạnh. Từng nhịp thở gấp gáp, từng cơn run lẩy bẩy đều như đang reo lên tiếng gọi tuyệt vọng, nhưng nàng biết, không ai tới cứu mình lần này cũng như địa ngục năm đó.

Nhưng nàng không ngờ và cũng không biết bằng cách nào Seulgi lại có mặt ở đó. Chỉ biết, khi mí mắt hé mở và nhìn thấy người mà nàng tưởng mình chỉ dám mơ... đứng đó, giữa mùi gỗ tuyết tùng và đèn vàng, cả thế giới trong nàng như vỡ vụn thêm lần nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip