CHAP 50: HIỆN TẠI

Kính thưa Hội đồng,

Tôi xin phép được mở đầu phiên điều trần hôm nay không phải bằng một lời cáo buộc, mà bằng một lời nhắc nhở: rằng không một hệ thống nào, dù tinh vi đến đâu, có quyền định nghĩa lại nhân tính. Và rằng, đằng sau những thuật ngữ khoa học hoa mỹ, những bảng dữ liệu chính xác đến sáu chữ số thập phân, vẫn luôn tồn tại những con người. Những trái tim biết yêu thương, biết tổn thương, và có quyền được là chính mình.

Dự án SIREN dưới danh nghĩa cải thiện năng lực kiểm soát hành vi, hỗ trợ điều hòa cảm xúc cho các cá thể Omega đã và đang đi chệch khỏi mọi ranh giới đạo đức y học và pháp lý. Từ một hệ thống phản xạ sinh học ban đầu mang tính nhân đạo, SIREN đã bị thao túng, bị chuyển hóa thành công cụ thao túng ký ức, hành vi và cảm xúc cá nhân. Nó không còn chỉ là một hệ thống, mà đã trở thành biểu tượng của sự vi phạm nghiêm trọng quyền con người.

Trước mặt quý vị hôm nay là những tài liệu, hồ sơ và lời khai đã được kiểm chứng bao gồm cả các đoạn video nội bộ rò rỉ từ chính viện Chaewha, nơi được cho là trung tâm nghiên cứu chính thức của SIREN. Những hình ảnh từ video không chỉ cho thấy sự vô nhân đạo trong quá trình thử nghiệm, mà còn là bằng chứng sống cho hàng loạt hành vi vi phạm nhân quyền có hệ thống, được bảo vệ bởi vỏ bọc hành chính và danh nghĩa khoa học.

Chúng tôi không đến đây để đưa ra cảm xúc. Chúng tôi đến đây với chứng cứ. Với sự thật. Với mong muốn Hội đồng với tư cách là đại diện tối cao của pháp lý và đạo đức sẽ không làm ngơ trước những vết rạn đang lan rộng trong hệ thống chúng ta đang phục vụ.

Bởi nếu chúng ta không thể bảo vệ ký ức một đứa trẻ, nếu chúng ta chấp nhận việc tái định nghĩa tình yêu, tình thân và sự thật theo đơn đặt hàng của quyền lực, thì liệu xã hội mà chúng ta đang xây dựng còn có thể gọi là công bằng, còn xứng đáng để được tin tưởng?

Hôm nay, chúng tôi trình bày tất cả những gì có thể phơi bày. Không để tấn công, mà để thức tỉnh. Không để đòi hỏi, mà để cảnh báo. Và cũng không phải để trả thù, mà để bảo vệ lấy phần nhân tính cuối cùng đang dần bị đẩy đến bờ vực bị xoá sổ.

Kính mong Hội đồng lắng nghe không chỉ bằng lý trí, mà cả bằng lương tâm.

Xin cảm ơn.

Trước khi phiên điều trần chính thức bắt đầu, hội trường lặng đi trong vài nhịp chờ đợi. Bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Seoul, Hàn Quốc, toà nhà chín tầng với thiết kế kính chịu lực bao phủ toàn bộ mặt đứng, hàng trăm người xếp hàng trong trật tự, vượt qua các trạm kiểm tra an ninh đa tầng để được vào tham dự.

Phiên điều trần lần này không chỉ mang tính quốc nội. Đây là một sự kiện quốc tế quy mô đặc biệt, được tổ chức bởi Khối Liên minh Nhân quyền Toàn cầu phối hợp cùng Chính phủ Hàn Quốc, đánh dấu lần đầu tiên một vấn đề nội bộ của một quốc gia được đưa ra thảo luận công khai với sự tham dự của cộng đồng quốc tế.

Hơn 60 phái đoàn từ các quốc gia và tổ chức nhân quyền lớn có mặt tại hội trường. Bên cạnh đó là hàng chục học giả, chuyên gia đạo đức sinh học, nhà hoạt động, và nhân chứng từng bị ảnh hưởng bởi dự án SIREN. Mỗi một hàng ghế đều chất chứa sự kỳ vọng, hoài nghi, hoặc quyết tâm.

Truyền thông quốc tế hiện diện đông đảo, với hơn 120 đơn vị báo chí và nền tảng phát sóng toàn cầu cùng các kênh livestream bằng hơn 30 ngôn ngữ. Mỗi lời nói vang lên tại hội trường đều được ghi hình và lưu trữ như một phần trong biên niên sử nhân quyền hiện đại.

Không gian hội nghị không đơn thuần là một phòng họp. Đây là điểm chạm của mọi giới tuyến: giữa khoa học và đạo đức, giữa quyền lực và nhân phẩm, giữa ký ức cá nhân và lý thuyết chính sách. Điều sắp diễn ra tại đây không chỉ nhằm chất vấn một dự án. Mà là để định nghĩa lại một giới hạn: con người có quyền bước xa tới đâu trong việc thiết kế lại cảm xúc, ký ức và hành vi của đồng loại?

Không ai có mặt tại đó mà không nhận thức rõ: phiên điều trần này có thể là khởi đầu cho một chương mới trong hệ sinh học nhân tạo hoặc là lời cảnh tỉnh cuối cùng trước khi ranh giới đạo đức bị xóa nhòa hoàn toàn.

Đúng 8 giờ sáng, cánh cửa hội trường lớn mở ra. Tất cả ống kính lập tức hướng về nhóm người vừa tiến vào.

Yoo Tae Joon là người đầu tiên bước qua thảm đỏ dẫn vào hàng ghế dành cho bên bị chất vấn. Vẫn là vẻ ngoài điềm đạm quen thuộc: áo măng tô xám than, cà vạt đen, bước đi chậm rãi nhưng kiên quyết. Ông không nhìn quanh, không cúi chào, chỉ hướng thẳng về phía ghế ngồi của mình như thể cả hội trường chỉ là một buổi họp nội bộ mở rộng. Trên tay ông là một chiếc cặp da khóa kim loại, dán nhãn tối mật.

Ngay phía sau là Nam Byeong Jin, gương mặt trẻ trung và thư thái, mang khí chất lạnh lùng của một người lớn lên giữa quyền lực và chuẩn mực. Bộ vest đen cắt may hoàn hảo ôm gọn dáng người cao, mái tóc đen chải gọn, kính gọng mảnh làm nổi bật đôi mắt sắc. Hắn bước đi nhẹ nhàng nhưng đầy tự chủ, như thể cả hội trường chỉ là sân khấu phụ.

Tiếp theo là Han Myungho, gương mặt góc cạnh, ánh mắt bất động, từng bước đi như thể đã được lập trình. Vest tối màu không cà vạt, đường nét gọn gàng, dáng điệu lạnh tanh. Gã là kiểu người khiến người ta quên mất hắn còn quá trẻ để nắm vai trò quá lớn.

Sau cùng là Giáo sư Kang, dáng người gầy guộc, tóc hoa râm mỏng chải lệch, ánh mắt sâu và sắc ẩn sau cặp kính gọng đen cũ kỹ. Ông khoác áo blouse trắng bên ngoài sơ mi tối màu, tay ôm chặt một tập hồ sơ như thể đó là chiếc khiên duy nhất giữa ông và sự phán xét đang chờ phía trước.

Và lặng lẽ nhất, bước sau cùng, là Yoo Jaeyi. Không cần đến tên bảng hay thẻ chức vụ, nàng khiến cả hàng ghế xoay lại nhìn. Tóc dài búi cao, bộ suit trắng ngà cắt may tinh xảo, không một nếp gấp dư thừa. Dáng đi thẳng, ánh mắt trầm tĩnh, gương mặt không biểu lộ cảm xúc, nhưng sự hiện diện ấy lại khiến cả không gian trở nên bất an một nhịp. Dưới ánh đèn hội trường, mọi cử động của nàng đều gợi nên thứ im lặng sắc như dao: không phải vì quyền lực, mà vì ai cũng hiểu cô gái ấy không có mặt ở đây để im lặng.

Năm người, bốn trụ cột sống còn của hệ thống Siren hiện tại ngồi vào hàng ghế riêng được ngăn cách bằng rào chắn bảo vệ và tường kính chống đạn. Bên trong, họ bình thản như thể đây chỉ là một sự kiện trình bày học thuật. Nhưng bên ngoài, từng ánh mắt đổ dồn về phía họ mang đầy phán xét, căm giận hoặc dè chừng.

Họ biết rõ: hôm nay, những gì họ từng cố che giấu bằng quyền lực, mật mã và hành lang chính trị sẽ được kéo ra dưới ánh đèn công lý toàn cầu.

Phía đối diện, cánh cửa bên phải mở ra gần như cùng lúc. Nhóm nhân vật chính bước vào không cần ống kính hướng theo, sự xuất hiện của họ đã quá quen thuộc với những ai theo dõi cuộc chiến Siren từ ngày đầu tiên.

Choi Kyung đi đầu, tóc cắt ngắn, kính gọng tròn, dáng đi cứng cáp và ánh mắt không một lần chớp trước đèn máy quay. Gương mặt cô nàng nghiêm nghị, kiên định, toát lên một vẻ công lý khiến cả những người không quen cũng phải dè chừng. Là luật sư từng trực tiếp điều tra các hành vi vi phạm nhân quyền liên quan đến Siren, cô nàng đại diện cho mũi tấn công pháp lý, mang theo hàng chục hồ sơ và lời khai được mã hóa kỹ thuật số. Không chỉ như một người làm nghề, mà như hiện thân của hệ thống pháp luật khi nó không còn bị chi phối bởi quyền lực.

Ngay sau là Kim Sejeong, áo sơ mi trắng bên trong blazer xám nhạt, tóc cột thấp, gương mặt không trang điểm nhưng sáng rõ, ánh mắt sắc và nghiêm nghị. Là bác sĩ tâm lý và cũng là người nhà một nạn nhân từng bị can thiệp bởi hệ thống Siren, cô ấy là người đã đi khắp các khu vực cư trú, liên hệ và thuyết phục các nạn nhân đứng ra làm chứng. Trong tay cô không chỉ là một chiếc laptop chứa hàng trăm lời khai, mà còn là nỗ lực cá nhân để giành lại công bằng cho em gái mình.

Tiếp theo là Joo Yeri, mái tóc dài uốn nhẹ, trang điểm tinh tế, áo khoác nâu nhạt phủ ngoài bộ váy ôm màu tro. Một diễn viên nổi tiếng, người từng khiến hàng triệu người rơi lệ bằng một cái siết tay trên màn ảnh, giờ trở thành biểu tượng kết nối giữa nạn nhân và cộng đồng. Cô nàng không chỉ là tiếng nói của truyền thông độc lập, mà còn là người tiên phong đưa câu chuyện của các nạn nhân Siren lên sân khấu công luận, qua phim ngắn, bài diễn văn và các chiến dịch truyền cảm hứng.

Và cuối cùng, giữa họ, bước đi chậm nhất nhưng vững nhất là Woo Seulgi.

Không cần giới thiệu. Những ai từng theo dõi hồ sơ Siren đều biết tên cô đã xuất hiện trong rất nhiều đoạn băng, lời khai và tường thuật. Gương mặt không biểu cảm, mái tóc xoã dài còn vương chút ẩm như vừa gội, sơ mi xanh nhạt cài kín cổ, đôi mắt như mang theo cả một kho tư liệu sống chưa bao giờ được công bố. Seulgi là người mang trong mình di sản khoa học ban đầu của mẹ cô, người đặt nền móng cho dự án Siren với mục tiêu trị liệu cảm xúc và phục hồi trí nhớ hậu sang chấn, chứ không phải để tạo ra công cụ kiểm soát ký ức hàng loạt. Cô không chỉ đấu tranh để giành lại công trình khoa học bị bóp méo, mà còn để giành lại ký ức và tình yêu từng bị Siren cưỡng đoạt khỏi tay mình. Tình yêu ấy có tên Yoo Jaeyi. Hôm nay, cô không đến để kể lại một câu chuyện, mà để đòi lại sự thật, cả khoa học lẫn con người, và cả phần ký ức đã từng bị biến mất khỏi vòng tay cô.

Bốn người người, năm tiếng nói từ bốn mũi nhọn khác nhau: pháp lý, dữ liệu, truyền thông, và nhân chứng. Họ không mặc đồng phục. Không mang biểu tượng. Nhưng mỗi người đều là một lát cắt không thể thiếu trong toàn cảnh mặt trận phản kháng SIREN.

Và hôm nay, họ bước vào không chỉ để đối đầu, mà để làm rõ sự thật.

Tiếng chuông vang lên ba hồi ngắn, cắt ngang mọi tiếng thì thầm trong hội trường. Một nữ điều phối viên bước ra giữa bục trung tâm, giọng rõ ràng qua hệ thống âm thanh đã được hiệu chỉnh hoàn hảo:

"Phiên điều trần số 01-AC-0719, về việc đánh giá tính pháp lý, đạo đức và nhân quyền liên quan đến hệ thống SIREN, chính thức bắt đầu."

Ánh sáng dịu đi, chỉ còn sân khấu chính và hai hàng nhân chứng sáng rõ. Dọc theo các dãy ghế, hàng trăm cặp mắt đồng loạt hướng về phía bục điều trần, nơi sự thật, một lần nữa, sẽ được gọi tên giữa ánh đèn và biên bản ghi hình toàn cầu.

Chủ tọa phiên điều trần, Thẩm phán Lee Jiwon, đại diện trung lập đến từ Uỷ ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc chậm rãi mở tập hồ sơ đầu tiên, liếc nhìn từng đại diện ở hai bên, rồi ngước lên:

"Bên nguyên, mời trình bày lời khai mở đầu."

Choi Kyung bước lên trước, đứng ngay chính giữa bục phát biểu. Không cần giấy tờ, không nhìn vào màn hình, cô ngẩng cao đầu, giọng nói vang rõ, từng từ như chạm vào từng lớp kính trong suốt của hội trường.

"Chúng tôi đại diện cho những ký ức đã bị đánh cắp."

Không một tiếng động. Không ai cử động.

"Thưa Hội đồng, khi một hệ thống nhân danh trật tự để tái lập lại tình cảm, khi một chính sách cho phép xóa bỏ mối quan hệ ruột thịt để giữ ổn định xã hội, thì đó không còn là công nghệ. Đó là tội ác."

Kyung đưa mắt nhìn khắp căn phòng, ánh mắt không giận dữ, mà như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng lạnh buốt.

"Trong hồ sơ trước mặt quý vị là hàng chục lời khai, video, biên bản y tế và dữ liệu hệ thống được trích xuất từ bên trong viện Chaewha, trung tâm thí nghiệm của Siren. Nhưng quan trọng hơn cả là những người ngồi phía sau tôi: những nhân chứng, những người đã sống sót, những người vẫn đang chiến đấu để nhớ lại mình từng là ai."

Cô nàng dừng lại một nhịp, rồi lùi về, trao lại không gian.

Woo Seulgi bước lên, không nhanh, nhưng vững. Cô nhìn thoáng qua khán phòng, dừng lại một giây nơi hàng ghế bên kia, ánh mắt cô bắt gặp ánh nhìn của Jaeyi, rồi nhẹ nghiêng đầu như một lời chào không lời. Khi cô ngẩng lên nhìn Chủ tọa, giọng nói vang ra rõ, từng chữ như tách khỏi cổ họng với sự cân nhắc tột độ:

"Thưa Hội đồng."

"Có một sự thật mà không đồ thị hay mô hình nào có thể hiển thị: Siren từng là một hy vọng. Nó được tạo ra bởi mẹ tôi, không phải để lập trình lại con người, mà để trao lại cho họ cơ hội được là chính mình một lần nữa. Để giúp những đứa trẻ từng chịu đựng xâm hại, bị lạc mất tiếng nói giữa thế giới vì sang chấn, có thể nghe lại tên mình được gọi bằng yêu thương thay vì sợ hãi. Để giúp những người lớn lên với những vết thương vô hình biết rằng ký ức đau đớn có thể được chữa lành, chứ không phải bị tẩy xóa như thể chưa từng tồn tại. Để mỗi người, dù từng gãy vỡ đến đâu, vẫn có thể tìm lại đường về với bản thể thật sự của mình."

Seulgi đặt lên bục một mô hình in nổi, rồi chiếu lên hai đoạn video: một bên là bản nguyên thủy, với biểu đồ dao động cảm xúc mềm mại; bên kia là bản hiện tại, lạnh băng, cắt khúc và biến dạng.

"Cùng một công trình. Nhưng hai linh hồn. Một bên là bàn tay đưa ra cho những ai từng lạc lối giữa tổn thương, một nơi để bắt đầu lại. Bên kia là bàn tay bóp nghẹt, xóa sạch từng dấu vết cuối cùng của con người trong ký ức họ."

Giọng cô thấp đi, không giận, không sợ, chỉ là nỗi tiếc nuối rõ mồn một.

"Còn tôi, tôi đứng đây không chỉ để làm rõ cấu trúc hệ thống. Tôi đứng đây để đòi lại một thế giới nơi ký ức không bị mua bán, nơi con người không bị lập trình lại theo nhu cầu của quyền lực. Một thế giới nơi sự dịu dàng, tổn thương và cả sai lầm của chúng ta được coi là điều đáng bảo vệ, chứ không phải là lỗi hệ thống cần xóa bỏ. Tôi đứng đây vì muốn giành lại một cuộc sống công bằng cho tất cả những ai từng bị biến thành con số."

"Và sau cùng, tôi đứng đây vì mẹ tôi, người đã tin vào chữa lành và vì người tôi yêu, người đã từng nhớ tôi, rồi bị Siren xóa sạch, rồi lại nhớ lại bằng chính nỗi đau."

"Tôi từng chứng kiến một người, một người đã bị xóa sạch ký ức, bị lập trình lại theo một khuôn mẫu an toàn, hợp lý, hoàn hảo đến mức không còn chỗ cho chính họ. Nhưng sâu bên trong người ấy, vẫn còn một điều gì đó không thể bị lập trình. Cảm xúc. Tình yêu. Bản năng. Những run rẩy rất nhỏ khi nhìn thấy điều quen thuộc, những phản ứng mà không một mã lệnh nào có thể tạo ra."

"Người ấy không biết mình là ai, không nhớ vì sao tim mình đau, không lý giải được vì sao nước mắt rơi khi chạm vào một mùi hương cũ. Họ không thể phân biệt đâu là ký ức được cấy vào, đâu là sự thật đã từng có. Và họ buộc phải sống trong hoang mang, trong nghi ngờ chính bản thân mình cho đến khi nỗi tuyệt vọng ấy trở thành một vết rạn không thể hàn gắn."

Cô dừng lại, ánh mắt rọi thẳng về hàng ghế thẩm phán: "Hôm nay, nếu Hội đồng thật sự muốn lắng nghe, thì xin đừng chỉ nghe bằng lý trí. Hãy nghe bằng chính những gì Siren đã cố làm tắt đi chính là trái tim."

Seulgi lùi lại. Kyung gật đầu. Rồi nói khẽ, nhưng dứt khoát: "Và bây giờ, người tiếp theo sẽ xác nhận, không bằng suy đoán, mà bằng những gì chính ông ấy từng chạy trốn để bảo vệ."

Một làn sóng xôn xao khẽ lan ra khi cửa phụ phía sau khán đài mở ra. Một người đàn ông bước vào, dáng gầy, áo khoác dài màu tối phủ kín gần tới gót chân. Ánh đèn chiếu xuống để lộ khuôn mặt hốc hác, cằm râu lởm chởm, đôi mắt trũng sâu nhưng tỉnh táo, là Chung Dae Soo.

Yoo Tae Joon nheo mắt. Han Myungho hơi nghiêng người. Nhưng chính Nam Byeong Jin là người duy nhất không giấu nổi sự bàng hoàng. Hắn khựng lại, mắt mở lớn, lưng bất giác thẳng lên như thể vừa bị kéo ngược về một điều mà hắn từng cố quên. Ánh nhìn của hắn quét nhanh qua Yoo Tae Joon, đầy căng thẳng như đang đợi xác nhận rằng điều này là không thể.

Bởi hắn từng cam đoan rằng Chung Dae Soo đã bị "xử lý xong". Hắn từng có cơ hội giết ông, nhưng thay vì ra tay dứt điểm, hắn đã để mặc nhiệm vụ ấy cho cấp dưới, rồi bỏ đi trong một ngày chạy theo dỗ dành Yoo Jaeyi. Thay vì tận diệt mối nguy, hắn chọn lấy lòng nàng bằng những buổi tối sang trọng và những lời lẽ thuyết phục. Và giờ, khi Chung Dae Soo hiện ra giữa hội trường này, gầy guộc, tàn tạ, nhưng sống và chính hắn là người cảm thấy lạnh toát nhất.

Chung Dae Soo được hộ tống bởi hai nhân viên an ninh đặc biệt, mỗi người mang huy hiệu Liên minh Nhân quyền Toàn cầu. Một bên kính chống đạn rọi thẳng ánh sáng trắng vào đôi mắt ông, nhưng ông không né. Ông dừng lại trước micro, bàn tay khẽ run, nhưng giọng nói không hề.

"Tên tôi là Chung Dae Soo. Tôi từng là thành viên trong nhóm nghiên cứu đầu tiên phát triển hệ thống SIREN. Và vâng, may mắn rằng tôi vẫn còn sống."

Một cơn chấn động lan khắp hội trường. Phía sau lớp kính, có người lặng lẽ siết chặt hai tay.

"Tôi không chỉ vận hành SIREN. Tôi là người trực tiếp tham gia thiết kế nền tảng phản hồi thần kinh của nó. Khi dự án còn là một hy vọng, một hướng đi trị liệu cho những người mất khả năng điều hòa cảm xúc sau sang chấn."

Giọng ông trầm xuống: "Nhưng tôi cũng là người đầu tiên chứng kiến nó bị biến dạng. Chứng kiến các mẫu thử nhân đạo ban đầu bị thay thế bởi những quy trình thí nghiệm lạnh lùng, nơi đối tượng là trẻ vị thành niên bị bóc tách khỏi ký ức như một phép thử hiệu suất. Khi tôi phản đối, tôi bị đe dọa. Khi tôi bỏ trốn, tôi bị truy lùng. Tôi đã sống trong bóng tối suốt ba năm, đổi tên, đổi gương mặt, sống như một kẻ ngoài lề chỉ vì dám giữ lại phần người của mình."

Ông kéo tay áo lên, để lộ vết sẹo dài bạc trắng nơi cổ tay: "Vết này không phải để minh chứng tôi từng suýt chết. Mà để nhắc tôi mỗi ngày: nếu mình còn sống, mình phải nói ra."

Ông nhìn thẳng về phía Chủ tọa: "Tôi không thể sửa lại quá khứ. Nhưng tôi có thể xác nhận, bằng chính đôi tay từng lập trình nên Siren, rằng hệ thống này, hiện tại là một công cụ thao túng, không còn là liệu pháp như ban đầu."

Ông dừng lại một nhịp, rồi tiếp tục, giọng thấp hơn nhưng rõ ràng hơn: "Giai đoạn đầu của Siren là địa ngục đội lốt học thuật. Dưới danh nghĩa 'thử nghiệm tăng cường ổn định học đường', hàng trăm học sinh trung học được đưa vào viện Chaewha mà không có sự đồng thuận thực sự từ gia đình. Họ bị tiêm các phiên bản chưa hoàn thiện của Siren, và không ít em đã tử vong sau khi hệ thần kinh sụp đổ."

Ông siết nhẹ bàn tay: "Và rồi, hồ sơ được chỉnh sửa. Bản báo cáo lâm sàng thay thế bằng đồ thị lý tưởng hoá. Các em được ghi nhận là 'chuyển viện vì biến chứng nền'. Một số thì 'tự ý bỏ học'. Có những cái tên không bao giờ được nhắc lại như thể chưa từng tồn tại."

Ông ngẩng lên, lần nữa đối diện với cả hội trường: "Những đứa trẻ đó không chết vì thất bại y học. Chúng chết vì lòng tham và sự im lặng. Hôm nay tôi không đến để kể công hay thanh minh. Tôi đến để khai báo: Siren đã cướp đi sự sống trước khi nó cướp ký ức. Và nếu chúng ta không gọi đúng tên tội ác này, thì chúng ta đang tiếp tay cho nó tiếp diễn."

Một khoảng lặng buông xuống. Không ai nhúc nhích. Chủ tọa Lee Jiwon nhẹ nghiêng đầu về phía nhóm cố vấn phía sau. Không cần lời, chỉ một cử chỉ như muốn đảm bảo rằng những gì vừa nghe thật sự đã được ghi lại chính xác.

Dọc các dãy ghế, nhiều đại biểu quốc tế đã đặt tay lên headphone phiên dịch chặt hơn. Một vài đại diện từ khu vực Đông Nam Á rì rầm qua mic nội bộ, gương mặt tối đi.

Ở hàng ghế khán giả, một người phụ nữ bật khóc. Có người khác lặng lẽ đứng lên rồi ngồi xuống, như để thoát khỏi cảm giác nghẹt thở. Rất nhiều trong số họ là phụ huynh, những người từng nhận về từ bệnh viện chỉ một tờ giấy kết luận mơ hồ và một thi thể lạnh ngắt. Họ từng được bảo rằng đó là tai biến, là biến chứng hiếm gặp. Nhưng hôm nay, họ biết rằng con mình không phải chết vì số phận mà vì bị thử nghiệm. Tiếng khóc không còn là tiếng than mà là tiếng giận dữ bị dồn nén bao năm nay giờ mới vỡ òa.

Trong hàng ghế bên nguyên, Kim Sejeong cúi gập người, hai bàn tay che mặt, bờ vai run lên từng đợt. Không còn là bác sĩ, không còn là người giữ bình tĩnh thay nạn nhân, lúc này, cô ấy chỉ là một người chị, từng nhận xác em gái mình với một tờ giấy chuẩn đoán lạnh lùng. Cô ấy đã chờ khoảnh khắc này suốt nhiều năm, để có người dám nói ra rằng cái chết đó không phải là ngẫu nhiên, và nỗi đau đó không phải là riêng mình Sejeong gánh chịu.

Ngay cả bên trong buồng kính bên bị, không khí cũng thay đổi rõ rệt. Yoo Tae Joon khoanh tay chặt hơn. Giáo sư Kang cúi đầu, ngón tay bấu vào gáy. Han Myungho nhắm mắt, còn Nam Byeong Jin thì không quay đầu, nhưng hai tay siết lấy nhau rất chặt dưới bàn, cổ họng hơi giật lên một lần.

Và trong vài giây ngắn ngủi đó, không ai còn nghi ngờ: đây không còn là một phiên điều trần. Đây là phiên truy nhận một sự thật đã bị chôn vùi quá lâu và cũng là lúc những nhân chứng sống bước ra khỏi bóng tối.

Một nhóm nhỏ được dẫn lên từ hàng ghế sau, chậm rãi tiến về bục nhân chứng. Họ là những người từng bị thí nghiệm, những người sống sót may mắn, nhưng không còn nguyên vẹn. Có người phải chống gậy, có người phải có người dìu, có người cúi đầu như sợ ánh đèn. Mỗi người là một phần ký ức sống, không còn trọn vẹn nhưng vẫn hiện hữu. Họ không nói nhiều. Chỉ cần đứng đó, với những vết sẹo, cả bên ngoài lẫn bên trong đã là lời buộc tội hùng hồn nhất.

Phía sau họ là một nhóm khác: người thân của các nạn nhân đã mất. Mỗi người cầm theo một ảnh nhỏ, một vật kỷ niệm, chiếc cặp sách, cuốn nhật ký, một bản nhạc chưa hoàn tất. Họ không gào lên, không nổi loạn. Họ chỉ nhìn, ánh mắt đầy đủ cả tang thương, chấp nhận và phẫn nộ.

Không ai trong hội trường còn quay đi được nữa. Vì sự thật, giờ đã có hình hài, là ánh mắt trũng sâu của người sống sót, là nét mặt mỏi mòn của người đã mất người thân mà không biết vì sao.

Một thanh niên đứng giữa, tên Gotak, từng là học sinh trung học bị đưa vào viện Chaewha với danh nghĩa "thử nghiệm học sinh ưu tú có biểu hiện rối loạn cảm xúc". Cậu kể về những đêm dài không nhớ mình là ai, những tiếng khóc phát ra từ căn phòng kế bên, rồi bỗng một ngày, bạn cùng phòng biến mất không dấu vết. Giọng cậu không run, nhưng mắt không một lần ngẩng lên.

Kế bên cậu là một người phụ nữ lớn tuổi, tay run run ôm khung ảnh cũ mờ của con trai: "Nó bảo con đau đầu quá, mẹ ơi. Con nhớ có ai tiêm gì đó... rồi hôm sau nó nằm trong phòng lạnh." Bà nói không thành tiếng, nhưng những từ ngắt quãng ấy như cứa từng nhát vào bầu không khí.

Một cô gái khác, cựu học sinh bị đem ra thí nghiệm của chương trình Siren đứng gần cuối hàng, chỉ nói đúng một câu: "Em vẫn còn sống, nhưng không biết phải sống với ký ức nào cho đúng." Rồi cô khóc.

Và từ khoảnh khắc đó, sự thật không chỉ hiện hữu. Nó trở nên không thể chối từ.

Choi Kyung tiến lên, đứng giữa ánh đèn. Giọng cô nàng trầm lại, nhưng từng chữ vang rõ như tiếng gõ búa lên bề mặt sự thật:

"Những người đứng đây hôm nay là những nhân chứng sống, nhưng họ cũng là đại diện cho một tầng lớp không có tiếng nói. Những người không đủ quyền lực để tự bảo vệ, không có luật sư riêng để đòi lại công bằng, không có nền tảng chính trị để lên tiếng mà không bị dập tắt. Và đáng tiếc thay, đó lại là nhóm đối tượng đầu tiên bị nhắm tới bởi một hệ thống vốn được tạo ra dưới danh nghĩa 'cải thiện xã hội'."

Giọng Kyung chậm lại, rồi trầm xuống:

"Nhưng đừng nghĩ rằng Siren chỉ nhắm đến người yếu thế. Có những người từng ngồi ở nơi quyền lực cao nhất, cũng đã bị đẩy vào đau khổ bởi chính hệ thống mà họ từng tin là tiến bộ."

"Quý vị hẳn vẫn còn nhớ Bộ trưởng Jung Yong Chan, người từng là hình mẫu cho một chính khách nhân văn, nguyên tắc và đầy lòng tin vào công lý. Ông ấy đã phải chứng kiến chính con trai mình sụp đổ, khi người con gái nó yêu bị Siren tái lập ký ức theo đơn đặt hàng của một nhà tài phiệt. Một đứa trẻ bị bán đi ký ức để đổi lấy món tiền trả nợ cho mẹ. Một thanh niên phải gánh lấy cả mùa đông tan nát vì chỉ còn lại một câu hỏi từ người mình yêu: 'Cậu là ai?'"

"Còn bà Han Mi Kyung, Phó Chủ tịch Uỷ ban Đạo đức Sinh học Quốc gia. Một người từng đặt đạo đức lên đầu mọi phát ngôn, từng đối đầu với cả chồng cũ vì niềm tin vào giá trị con người. Nhưng Siren đã khiến chính con gái bà không nhận ra mẹ mình. Những ký ức thiêng liêng nhất giữa hai mẹ con bị chuyển giao sang cho người cha, người được cho là 'ổn định hơn'. Và bà ấy, người từng không bao giờ lùi bước trong tranh luận, đã lần đầu tiên rút lui khỏi chính trường chỉ để hỏi một câu duy nhất: 'Ai đã động đến con tôi?'"

Kyung ngẩng đầu nhìn thẳng về phía Chủ tọa:

"Đó không còn là câu hỏi riêng của một người mẹ. Mà là của tất cả chúng ta, những người từng tin rằng nhân tính là thứ không thể lập trình lại, và rằng công lý không phải là đặc quyền, mà là quyền tối thiểu của mỗi con người, dù họ có quyền lực hay không, dù họ còn sống hay đã bị quên lãng."

"Hôm nay, chúng tôi đã trình bày tất cả: những bằng chứng không thể chối cãi, những lời khai đã mất nhiều năm mới đủ can đảm để nói ra, và cả sự im lặng của những người không còn có thể đứng ở đây cùng chúng tôi. Chúng tôi không mang đến sự hoàn hảo, cũng không tìm kiếm lòng thương hại. Chúng tôi chỉ mang theo một lời khẩn cầu rằng sự thật, dù đã từng bị bóp méo, vẫn xứng đáng được gọi tên nguyên vẹn."

"Giờ đây, chúng tôi xin trao lại quyết định cho Hội đồng. Không phải để chọn một bên trong cuộc tranh luận, mà để xác lập một điều quan trọng hơn tất cả: rằng ký ức có thể bị lập trình lại, nhưng sự thật khi được lắng nghe đến tận cùng vẫn có thể mở đường cho công lý quay về."

Câu nói cuối cùng của Kyung vừa dứt, hội trường nín thở như bị giữ lại trong một nhịp chậm. Rồi hàng loạt máy ảnh bắt đầu chớp sáng. Màn hình livestream trên các nền tảng đồng loạt hiển thị hơn một triệu lượt xem trực tiếp.

Hashtag #HearingSiren bùng nổ trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Các nhà đài quốc tế chuyển sang phát sóng đặc biệt. Cộng đồng quốc tế, từ các nhóm hoạt động nhân quyền đến người dân bình thường, bắt đầu gọi tên từng nhân vật, từng chi tiết vừa được phơi bày.

Trong hội trường, một vài đại biểu rút khăn chấm mắt. Một số khác vội ghi chú, bàn bạc. Nhưng ánh nhìn đã không còn giống trước, sự lạnh nhạt, nghi ngờ, hoài nghi đã được thay thế bằng sự lặng lẽ trĩu nặng.

Trong buồng kính bên bị, không khí như đặc quánh lại. Yoo Tae Joon nhíu mày, mắt đăm đăm. Nam Byeong Jin cố giữ mặt tỉnh, nhưng quai hàm cứng lại. Han Myungho bất động. Giáo sư Kang cúi đầu không nhúc nhích. Jaeyi nhắm mắt, không ai biết nàng đang nghĩ gì.

Còn bên ngoài, trên khắp các diễn đàn, hàng triệu người lần đầu tiên biết đến tên những đứa trẻ đã mất, những vết sẹo vô hình, và những giọt nước mắt chưa từng được lắng nghe. Nhiều gia đình từ khắp nơi trong nước bắt đầu chia sẻ câu chuyện của chính mình, những đứa con từng 'chuyển trường đột xuất', những bản chẩn đoán thần kinh vô lý, những lần con họ về nhà mà như biến thành người khác.

Trên các nền tảng truyền thông, phóng viên khóc khi đọc bản tin. Những bản tin đặc biệt kéo dài không nghỉ hàng giờ. Các tổ chức quốc tế đưa ra tuyên bố khẩn cấp. Hàng nghìn người xuống đường với ảnh các nạn nhân dán trên ngực áo, tay cầm biểu ngữ viết nguệch ngoạc: 'Chúng tôi không quên.'

Ở những bệnh viện thuộc JMC hợp tác với Siren, những tấm biển 'Hãy kể sự thật cho chúng tôi' được dán trước cổng. Các nhóm tình nguyện viên thành lập ngay trong ngày để hỗ trợ nạn nhân còn sống sót tìm lại danh tính thật sự của mình.

Sự thật, một lần nữa, đã chạm được tới thế giới. Nhưng lần này, nó không chỉ được nghe. Nó được tiếp nhận bằng nước mắt, bằng giận dữ, và bằng những lời thề rằng sẽ không để điều đó tiếp diễn thêm một lần nào nữa.

Cùng lúc đó, tại trụ sở chính của Viện Chaewha, hàng loạt xe cảnh sát và đơn vị điều tra đặc biệt từ Cơ quan Tư pháp Trung ương Hàn Quốc đã xuất hiện, dẫn đầu bởi đội điều tra tội phạm nhân quyền. Truyền thông lập tức chuyển cảnh sang hiện trường: từng tầng trong khu nghiên cứu bị phong tỏa, dữ liệu máy chủ được niêm phong, và các khu vực từng là phòng thí nghiệm bí mật đang bị lục soát kỹ lưỡng.

Theo phát ngôn nhanh từ phía công tố viên trưởng Seoul, lệnh khám xét được ký chưa đầy một giờ sau khi lời khai từ Chung Dae Soo và nhân chứng được xác minh trùng khớp với hồ sơ độc lập thu thập trước đó. Đây là lần đầu tiên một vụ việc bị nghi ngờ vi phạm nhân quyền cấp quốc gia được xử lý song song giữa tòa điều trần và hành pháp.

Cảnh sát cũng đã áp giải tạm thời một số nhân viên kỹ thuật và phụ tá giám sát dữ liệu thần kinh từng tham gia chương trình Siren giai đoạn đầu. Mạng xã hội bùng nổ với hình ảnh cổng viện bị niêm phong, dòng người tụ tập bên ngoài giơ cao biểu ngữ: 'Công lý không đến từ im lặng.'

Và lần đầu tiên sau nhiều năm, những hành lang từng che giấu ký ức giả bắt đầu phát ra tiếng vang thật sự, từ sự thật, từ công lý, và từ những con người chưa bao giờ ngừng đòi lại tiếng nói của mình.

Sự thật đã được gọi tên. Giờ đây, trong ánh sáng của toàn cầu và dưới áp lực từ hàng triệu ánh mắt, Hội đồng bước vào một giai đoạn không thể tránh khỏi: chất vấn.

Không còn là người nghe. Họ giờ đây là người phản chiếu.

Chủ tọa Lee Jiwon chậm rãi gấp lại tập hồ sơ, ánh mắt đảo một lượt quanh hội trường trước khi cất tiếng: "Trước khi chuyển sang phần phản hồi của bên bị, Hội đồng sẽ đặt một số câu hỏi làm rõ dành cho bên nguyên."

Cả khán phòng lặng lại. Ánh đèn trên bục chiếu thẳng xuống vị trí bên nguyên. Choi Kyung tiến lên.

Thành viên đầu tiên của Hội đồng, một nữ chuyên gia nhân quyền từ châu Âu lên tiếng: "Luật sư Choi, trong lời khai vừa rồi có đề cập đến những nhân chứng từng bị thí nghiệm và các bằng chứng liên quan đến dữ liệu nội bộ. Xin hỏi, những thông tin này được thu thập theo phương thức nào và có đảm bảo tính hợp pháp về mặt thủ tục không?"

Choi Kyung đáp, không cần nhìn giấy: "Vâng, một phần dữ liệu đến từ các bản sao lưu nội bộ được truyền ra ngoài trong một thời điểm cực kỳ nhạy cảm, bởi một người có quyền truy cập hợp pháp. Danh tính người này được giữ kín để bảo đảm an toàn tuyệt đối, nhưng chúng tôi có thể xác nhận dữ liệu không bị giả mạo. Ngay sau khi nhận được, nhóm chúng tôi đã lập tức trình báo lên công tố viên đặc biệt và xin lệnh từ Tòa án Seoul để hợp thức hóa toàn bộ quá trình xử lý. Tất cả dữ liệu đều được mã hóa an toàn, chuyển giao thông qua hệ thống độc lập và được kiểm định bởi ba đơn vị giám sát quốc tế. Hội đồng cũng đã nhận bản xác minh tính xác thực trước khi phiên điều trần chính thức diễn ra."

Một thành viên khác, đến từ khu vực Nam Mỹ, hỏi tiếp: "Những nhân chứng từng bị thí nghiệm liệu có thể bị ảnh hưởng tâm lý hoặc cảm xúc trong quá trình khai báo, đặc biệt là khi hệ thống Siren vốn được cho là có tác động mạnh tới khả năng tự định vị của họ?"

Kyung gật đầu, trả lời không do dự: "Chúng tôi đã lường trước nguy cơ này. Vì thế toàn bộ nhân chứng đều trải qua đánh giá tâm lý độc lập từ ba đơn vị: Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, Tổ chức Tâm lý Quốc tế khu vực Đông Á và một nhóm quan sát viên độc lập thuộc Ủy ban Chống Tra tấn. Đây là những chuyên gia không chịu ảnh hưởng từ bất kỳ phía nào, có nhiệm vụ theo dõi và đánh giá khách quan tình trạng tâm lý của nhân chứng trong suốt quá trình chuẩn bị. Họ chỉ được mời ra làm chứng sau khi vượt qua ngưỡng ổn định cảm xúc, năng lực ghi nhớ, và khả năng nhận định cá nhân một cách vững vàng."

Một thành viên khác tiếp lời: "Liệu có tồn tại nguy cơ nhân chứng bị ám thị hoặc gợi nhớ sai lệch trong quá trình chuẩn bị lời khai?"

Kyung đáp ngay: "Chúng tôi có quy trình riêng biệt để kiểm định tính tự phát và tính nhất quán của ký ức, bao gồm cả phỏng vấn chéo và kiểm chứng mù thông tin. Nhân chứng không được biết trước nội dung câu hỏi từ các đơn vị độc lập."

Một đại diện Nam Á hỏi thêm: "Sau điều trần, bên nguyên có kế hoạch gì để hỗ trợ các nhân chứng về lâu dài?"

Kyung gật đầu: "Chúng tôi đã phối hợp với một nhóm chuyên gia y tế và pháp lý để lập hồ sơ phục hồi cho từng nhân chứng, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận trị liệu, bảo vệ danh tính, và theo dõi tâm lý lâu dài."

Chủ tọa gật nhẹ, rồi hỏi một câu cuối cùng bằng giọng trầm hơn: "Nếu SIREN từng được thiết kế như một liệu pháp thì theo cô, ranh giới giữa hỗ trợ trị liệu và can thiệp hành vi bắt đầu bị phá vỡ từ đâu?"

Cả khán phòng im phăng phắc.

Kyung không trả lời ngay. Cô nàng ngẩng nhìn lên màn hình chiếu phía sau lưng mình, nơi các đồ thị hệ thần kinh từng hiển thị như biểu tượng của khoa học. Rồi cô nàng nhìn thẳng vào Chủ tọa:

"Ranh giới đó bắt đầu bị phá vỡ từ khoảnh khắc người ta không còn hỏi: 'Điều này có giúp ai đó hồi phục không?', mà bắt đầu hỏi: 'Làm sao để khiến họ trở nên dễ kiểm soát hơn?'"

"Và khi câu hỏi đổi chiều, mục tiêu của khoa học cũng đổi theo. Từ trị liệu sang thao túng. Từ phục hồi sang xóa bỏ. Từ nhân đạo sang nhân tạo."

Kyung cúi đầu nhẹ.

"Chúng tôi đã sẵn sàng để bên bị phản hồi."

Chủ tọa Lee Jiwon nhìn sang phía bên bị, nơi một hàng người im lặng từ đầu buổi. Không khí như chậm lại khi cái tên được xướng lên:

"Đại diện bên bị, Yoo Jaeyi."

Tiếng xì xào nhỏ vang lên trong hội trường, nhưng lần này là vì sự bối rối không giấu nổi. Cái tên đó vang lên đủ khiến không khí đổi chiều. Mọi cái nhìn đổ dồn về phía Jaeyi.

Phía bên nguyên, Woo Seulgi hơi khựng lại. Hàng lông mày cô nhíu lại trong thoáng chốc. Người từng thân thuộc với Jaeyi nhất, giờ đây là người đầu tiên cảm nhận được điều bất thường: Yoo Jaeyi không đáng lẽ phải lên tiếng. Không trong tình huống này.

Choi Kyung cũng hơi nghiêng đầu, ánh mắt lộ vẻ hoang mang. Cô nàng hiểu: nếu đến mức Jaeyi phải tự đứng ra phản biện, thì nghĩa là tình hình đã vượt qua tầm kiểm soát. Nghĩa là bên kia đang gặp nguy hiểm thật sự. Nghĩa là Yoo Jaeyi... có thể sẽ không trở về nguyên vẹn nữa.

Đó không chỉ là bất ngờ. Đó là một cú giáng thẳng vào hàng phòng ngự của họ vì họ biết Jaeyi. Họ biết rằng nàng không phải lựa chọn đầu tiên, càng không phải là người dễ để lộ mình trên chiến tuyến. Họ đặt cược niềm tin vào nàng, chấp nhận để nàng mạo hiểm trở lại hang địch, hy vọng rằng nếu không thể lật ngược được cả hệ thống, ít nhất nàng có thể giúp vạch ra đường dây sai phạm bên trong.

Nhưng giờ đây, nàng đứng đó, một mình, đối đầu trực tiếp với họ.

Không có gì nguy hiểm hơn một con người bị đẩy đến ngưỡng không còn đường lùi. Và nếu Jaeyi đang phải ra mặt, nghĩa là đã có điều gì đó đổ vỡ bên trong. Nghĩa là nàng đang gặp nguy hiểm và không còn cách nào để giữ vị trí trung lập nữa.

Seulgi khẽ nín thở. Cô đã quá quen với ánh mắt Jaeyi, nhưng hôm nay, ánh mắt ấy như một lưỡi dao lạnh, không chừa lại một kẽ hở để thấu cảm. Tay cô siết lấy mép bàn, ánh mắt dõi theo từng bước chân Jaeyi, vừa hoài nghi, vừa lo lắng. Không phải vì sợ nàng phản bội. Mà vì sợ nàng đã không còn đường nào để quay đầu.

Yoo Jaeyi bước lên. Gót giày nàng chạm nền đá tạo nên âm thanh sắc gọn, lạnh như tiếng dao rạch qua mặt kính. Dáng đi của nàng chậm rãi, nhưng không ai nhầm lẫn đó với sự dè dặt mà là sự chủ ý. Bộ suit màu trắng ngà, cắt thẳng và tối giản, như thể từng đường may đã được cân nhắc để triệt tiêu mọi cảm xúc thừa. Tóc búi cao, không lòa xòa, không một món trang sức dư thừa, chỉ có đôi mắt, sáng, lạnh và không hề chớp khi lướt qua cả hội trường.

Nàng không mang theo giấy tờ. Không cần. Sự hiện diện của Yoo Jaeyi đã là một bản cáo trạng lạnh lẽo dành cho bất kỳ ai yếu bóng vía.

Ánh mắt nàng vẫn lạnh, dáng đứng bất động như tượng điêu khắc giữa băng tuyết. Không một tiếng xì xào. Không một máy quay nào dám lỡ nhịp.

Nàng bước tới bục phát biểu.

[Mình sẽ chia nhỏ ra các luận điểm để mọi người dễ theo dõi và dễ hiểu hơn về sự xuất sắc của Yoo Jaeyi nhé.]

Nàng bước tới bục phát biểu. Giọng nói vang lên, trầm và chuẩn xác như một lưỡi dao cắt qua sương mù:

[Mở đầu: xác lập vị trí và thái độ.]

"Kính thưa Hội đồng."

"Tôi biết." Jaeyi tiếp tục: "Rằng sự xuất hiện của tôi khiến nhiều người thất vọng. Có lẽ các vị từng kỳ vọng tôi sẽ là nhân chứng, là một phần của bên nguyên. Nhưng tôi không đứng ở đây để thanh minh, mà để làm rõ."

"Trước hết, tôi sẽ không phủ nhận: những gì vừa được trình bày, đau đớn, chấn động, và cần được lắng nghe. Và tôi ở đây không phải để gạt bỏ điều đó."

[Đặt vấn đề: chất vấn tính toàn vẹn của "sự thật".]

"Nhưng tôi muốn đặt ra một câu hỏi ngược lại. Chúng ta đang đứng giữa một cơn giận dữ toàn cầu, được đốt lên bởi sự thật. Nhưng trong đó, có bao nhiêu phần trăm là sự thật chưa hoàn chỉnh? Bao nhiêu phần trăm đến từ nỗi đau không thể xác minh? Và bao nhiêu phần trăm là ký ức bị dẫn dắt bởi chính cảm xúc, yếu tố mà hệ thống Siren từng được tạo ra để kiểm soát?"

"Tôi không ở đây để tẩy trắng. Tôi ở đây để đặt ra sự phức tạp. Không một hệ thống nào được tạo ra chỉ từ tàn ác. Và không một ký ức nào, kể cả đau đớn nhất, không có nguy cơ bị bóp méo."

"Và nếu hôm nay, tất cả mọi sự thật đều đến từ những ký ức từng bị thao túng, thì ai đang kiểm chứng những lời khai đó? Ai đang giám sát người giám sát?"

[Phản biện: đặt lại bối cảnh và giá trị của Siren.]

"Đúng. Siren đã thay đổi. Và đúng, có những lỗi lầm đã xảy ra trong quá trình phát triển. Nhưng để bảo vệ một xã hội, không thể chỉ dựa vào cảm xúc. Cũng như để tạo ra một phiên bản con người có khả năng chống lại khủng hoảng tinh thần, phải có hy sinh."

"Tôi không phủ nhận nỗi đau của các nạn nhân. Tôi không phủ nhận sự thật đã được đưa ra. Nhưng hãy hỏi ngược lại: nếu không có Siren, liệu các cuộc bạo loạn vị thành niên năm trước đã dừng lại? Nếu không có sự can thiệp hệ thống, bao nhiêu vụ sát hại do rối loạn cảm xúc sẽ còn tiếp diễn? Nếu không lập trình ký ức để cứu lấy đám đông, ai sẽ chịu trách nhiệm khi một cá nhân đánh mất kiểm soát?"

"Tôi hiểu những lời chỉ trích. Tôi từng là một phần của phía bên kia. Tôi từng nhớ. Tôi từng yêu. Tôi từng tin mình đang điều khiển hệ thống. Nhưng rồi tôi phát hiện ra, không ít lần, chính hệ thống đang điều khiển tôi. Nhưng tôi cũng từng chứng kiến cái giá của sự mềm yếu. Khi cảm xúc dẫn dắt, lý trí sẽ chết. Và khi một hệ thống đặt nhân tính lên trên sự sống còn của tập thể, đó là lúc nhân loại quay về hỗn loạn."

[Lập luận trung tâm: logic đánh đổi và vai trò của khoa học.]

"Sự thật không bao giờ tuyệt đối. Công lý cũng vậy. Mọi xã hội đều được xây trên sự đánh đổi. Khoa học không tồn tại để vỗ về cảm xúc. Nó tồn tại để đi trước. Để làm điều không ai dám làm, nói điều không ai dám nói. Để bảo vệ phần lớn, đôi khi phải hy sinh phần nhỏ. Đó không phải là tội ác. Đó là lựa chọn. Và tôi... là người đã lựa chọn, và trong lựa chọn đó, tôi cũng là một phần của cái giá phải trả."

[Bằng chứng và dữ liệu: hỗ trợ lập luận.]

"Bên bị sẽ phản hồi bằng toàn bộ tài liệu, phân tích hệ thống và chuỗi sự kiện chưa từng được công bố để chứng minh rằng: sự thật, nếu muốn trọn vẹn, phải được nhìn qua cả vùng sáng lẫn vùng tối, phải được nhìn từ cả hai phía."

"Trong đó, có cả dữ liệu liên quan đến những cá nhân như tôi, từng tham gia các giai đoạn hiệu chỉnh ký ức ban đầu, từng trái nghiệm trực tiếp sự mất mát định hướng trong hệ thống mà sau này trở thành Siren."

"Chúng tôi cũng sẽ công bố các mô hình tương tác thần kinh mà các nhóm công tố chưa từng tiếp cận bao gồm cả đoạn ghi nhận sóng ở pha ổn định, chứng minh rằng Siren, trong điều kiện được giám sát đúng chuẩn, không gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Tất cả các phân tích sẽ được minh bạch hóa, sẵn sàng đối chiếu trước các chuyên gia độc lập."

[Kết luận: định hình lại câu hỏi cốt lõi.]

"Không ai phủ nhận tổn thương đã xảy ra. Nhưng nếu phủ nhận luôn tính khả thi của Siren là phủ nhận luôn hy vọng chữa lành cho hàng triệu người từng đứng bên bờ vực ký ức tan rã."

"Tôi không khẳng định mọi điều Siren từng làm đều đúng. Nhưng chúng ta có thể vừa thừa nhận lỗi, vừa tiếp tục sửa sai. Phá bỏ không bao giờ là giải pháp duy nhất. Và công lý, nếu thật sự khách quan, không thể chọn đứng về phía một nỗi đau mà bỏ quên những người vẫn còn cơ hội sống tiếp."

"Để đạt đến một hệ thống gần như hoàn hảo, luôn cần có những thử nghiệm. Những thử nghiệm đó không bao giờ vô nghĩa vì chúng vạch ra ranh giới của thất bại, để không ai khác phải bước nhầm vào nữa."

"Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà khủng hoảng tâm lý là dịch bệnh mới. Nếu không có một công cụ như Siren, ai sẽ đứng ra xử lý khi trí nhớ trở thành vũ khí, khi cảm xúc không còn kiểm soát được bằng ý chí?"

"Siren chưa từng tự vận hành. Nó không tước quyền con người. Chính xã hội đã quyết định áp dụng nó. Vậy câu hỏi không nên chỉ là 'Siren sai ở đâu', mà là 'chúng ta đã dùng nó như thế nào'?"

"Chúng ta có thể trách rằng Siren đã gây ra tổn thương. Nhưng cũng nên nhìn nhận rằng, không một phương pháp đột phá nào từng đi đến hoàn thiện mà không có những cái giá phải trả. Nếu ngày hôm nay, chúng ta chỉ nhìn vào phần mất mát và gạt bỏ toàn bộ nỗ lực cải tiến thì chúng ta đang tự làm mù mình trước tương lai."

"Đau thương không nên bị im lặng. Nhưng cải tiến cũng không nên bị triệt tiêu vì sợ hãi. Sự tiến bộ luôn phải đánh đổi và câu hỏi thực sự không phải là có hi sinh hay không, mà là: chúng ta có để những hi sinh ấy được dùng đúng cách hay không."

Nàng hít một hơi, không phải vì xúc động, mà như nạp thêm dữ liệu:

"Siren không hoàn hảo. Nhưng nếu ta tiêu diệt nó, cái gì sẽ thay thế? Những chiếc máy ghi âm lời khai? Những đoạn băng đau thương? Những hashtag?"

"Không. Cái thế giới mà các người đang cố gắng níu giữ bằng nước mắt, tôi đã nhìn thấy nó sụp đổ rồi. Và tôi không đứng đây để giữ ký ức. Tôi đứng đây để giữ lại tương lai."

Yoo Jaeyi lùi lại một bước. Mắt vẫn không rời hàng ghế bên nguyên.

Seulgi siết chặt tay. Gương mặt cô trắng bệch. Đôi mắt không còn giận dữ. Chỉ còn lại nỗi sợ. Nỗi sợ của người biết: để Jaeyi bước ra khỏi vùng an toàn, dùng đến ngôn ngữ của lý trí, là khi nàng đã không còn tin vào bất kỳ ai có thể bảo vệ được mình nữa.

Và tất cả hiểu rằng: từ khoảnh khắc này, phiên điều trần đã bước sang một trận tuyến khác. Không còn là sự thật đối đầu dối trá. Mà là tình yêu đối đầu lý tưởng. Là người đứng ra để chống lại chính người mình từng yêu thương. Là Yoo Jaeyi người nguy hiểm nhất trong hội trường, không vì sức mạnh, mà vì nàng đã lựa chọn hy sinh cả trái tim mình để bảo vệ thứ gọi là tương lai.

Phía bên nguyên, không khí như bị tạt nước lạnh. Cả bốn người đều bất động trong thoáng chốc.

Yeri là người phản ứng đầu tiên, hay chính xác hơn là... không thể phản ứng. Cô nàng há hốc miệng, mắt tròn như chén cơm, tay chới với như muốn tìm một cái thành ghế để bấu vào.

"Seulgi... chết rồi. Cậu ấy... cậu ấy có bị tiêm thứ thuốc gì không vậy? Có khi nào... có khi nào là hàng giả? Không thể nào Jaeyi lại nói như vậy được, đúng không? Ai để cậu ấy về lại bên đó vậy trời?!"

Seulgi không đáp. Cô chỉ nhìn chằm chằm vào Jaeyi. Đôi mắt không còn sợ, chỉ còn một nỗi lặng căm nín. Như thể chính cô cũng không biết mình đang đau lòng vì ai nữa.

Kyung thì ngửa mặt lên trần, thở dài bất lực như thể muốn gửi lời xin lỗi đến tất cả các giáo sư ngành luật trên thế giới: "Trời ơi... hên thật đấy... hồi xưa nhỏ đó không học luật. Không thì bây giờ người ngồi chỗ tớ chắc là nó."

Phía bên bị, Yoo Tae Joon hơi nhướng mày, tay đặt hờ lên cằm như đang ngẫm lại một nước cờ cũ vừa được vận dụng lại theo cách ngoài dự tính.

Giáo sư Kang rút nhẹ kính xuống một nấc, ánh mắt nhíu lại trong sự pha trộn giữa ngạc nhiên và... tự hào chua chát.

Nam Byeong Jin thì nhếch môi một cách khó đoán. Hắn từng tin mình là người duy nhất hiểu rõ Jaeyi sẽ phản ứng ra sao trước áp lực, nhưng không hắn chưa từng thấy phiên bản này. Và hắn biết, hắn vừa mất quyền kiểm soát.

Han Myungho không nói gì, chỉ gật đầu khẽ, như thể đang lưu lại từng câu chữ nàng vừa thốt ra để dùng làm lý thuyết cho chính mình sau này.

Trên bục cao, Chủ tọa Lee Jiwon khép tập hồ sơ lại lần nữa. Tay bà không run, nhưng gương mặt đã mất đi vẻ trung lập tuyệt đối. Trong ánh mắt ấy là một sự kính trọng bất ngờ dành cho một đối tượng vốn dĩ bị chất vấn. Bà liếc sang hai vị cố vấn bên cạnh, cả hai đều không viết gì thêm trong sổ tay. Một người chỉ lẩm bẩm: "Đây không còn là một nhân chứng. Đây là một học thuyết."

Và cả hội trường, những người đứng, người ngồi, người im lặng, người vẫn còn run vì lời khai trước đó đều đang bị hút vào Yoo Jaeyi như thể nàng vừa dán lại những vết rạn lý luận trong lòng họ bằng thép nung.

Đèn camera chớp sáng liên tục. Bàn phím gõ điên cuồng. Hashtag #YooJaeyi bỗng nhảy lên top 5 toàn cầu chỉ trong vòng ba phút. Trên mạng xã hội, một cuộc chiến đang nổ ra không phải giữa đúng và sai, mà giữa một câu hỏi lớn hơn: "Chúng ta có sẵn sàng đánh đổi không?"

Một bên gọi nàng là quái vật mặc suit trắng. Một bên gọi nàng là người duy nhất còn giữ được lý trí trong cơn đại dịch cảm xúc. Và giữa những luồng ý kiến trái chiều đó, chỉ có một điều tất cả đều thống nhất: kể từ giây phút này, không ai có thể làm ngơ trước cái tên Yoo Jaeyi nữa.

Ngay lúc ấy, phía bên nguyên đã yêu cầu một quyền phát biểu ngắn.

Choi Kyung bước tới, lần này không còn dáng vẻ tự tin như lúc đầu, mà mang theo một vẻ căng thẳng rõ rệt. Cô nàng nhìn lên hội đồng, giọng giữ nhịp bình tĩnh một cách gượng gạo:

"Thưa Chủ tọa, xét đến lượng thông tin mà bên bị vừa đưa ra bao gồm cả tài liệu chưa từng công bố, bên nguyên đề nghị được tạm hoãn phản hồi để xem xét kỹ lưỡng và đảm bảo mọi lập luận đều dựa trên nền tảng kiểm chứng rõ ràng."

Lee Jiwon gật nhẹ đầu. Bà quay sang hai vị cố vấn, trao đổi trong im lặng vài giây, rồi hướng ra toàn hội trường:

"Hội đồng ghi nhận diễn biến mới. Với quy mô và mức độ ảnh hưởng của vụ việc, chúng tôi quyết định tạm dừng phiên điều trần tại đây để tiến hành xác minh độc lập toàn bộ dữ liệu mà bên bị cung cấp. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố trong vòng bốn mươi tám giờ tới, sau khi hoàn tất quy trình thẩm tra."

Một làn sóng âm thanh trào lên rồi bị chính sự bất ngờ dập tắt. Phiên điều trần vốn tưởng sắp khép lại, lại mở ra thêm một vòng tranh luận mới.

Ngoài kia, truyền thông đã bắt đầu cắm trại. Dưới các dòng hashtag, tranh cãi tiếp tục leo thang. Người ta chia sẻ từng đoạn clip Jaeyi nói, chèn caption, viết lại quote, cắt ghép biểu cảm. Nhưng điều khiến các nhà báo không thể dự đoán chính là: lần này, người châm ngòi không phải bên nguyên, không phải hội đồng, mà là chính Yoo Jaeyi, người từng im lặng đến lạnh lùng.

Cơn bão dữ liệu mà nàng vừa tung ra đã khiến tất cả phải dừng lại. Và trong lúc những chiếc micro vẫn còn bật sáng, câu hỏi lơ lửng sau cùng vẫn chưa có lời đáp: "Nếu Yoo Jaeyi đúng... thì tất cả những điều chúng ta tin tưởng đến giờ, là gì?"

_________________________________

Ê viết xong thấy nhỏ Jay nói hay quá ai phản biện lại mấy cái luận điểm của nó đi💆🏻‍♀️

Viết xong sớm nên đăng sớm hơn giờ hẹn nhé🫶🏻

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip