04. Đông
Trong thoáng chốc, những kí ức, những cơn mơ trong sáng và nồng nàn hóa thành đợt lũ chảy ào qua tâm hồn Hy Thừa. Cơn mơ vang lên nhưng như là âm thầm vỡ ra trong anh, vỡ ra cuối nguồn dòng sông nơi cửa bến.
Trở về nhà, Hy Thừa không kiềm nổi lòng mình mà cắn môi khóc. Nước mắt chảy ào ra như thác lũ, giàn giụa trên gương mặt tinh khôi. Cha mẹ anh hốt hoảng khi thấy con trai chưa bao giờ mau nước mắt lại đột nhiên khóc lớn như thế, còn nghĩ chẳng lẽ Tại Luân mắc bệnh nan y.
Hôm ấy, con sông vắng nước. Làng quê cũng vắng mất nửa bóng hình.
***
Dòng thời gian chảy trôi đưa nửa bóng hình còn lại đến mùa hoa gạo đầu tiên. Chẳng mấy lâu, đã nửa năm kể từ ngày Tại Luân ra nước ngoài. Đời sống tinh thần của Hy Thừa bắt đầu sa sút. Bên ngoài, anh vẫn vậy thôi, nhưng mấy ai biết bên trong đã khô cạn từ lâu. Như thiên nhiên dần cằn cỗi khi đông đến.
Bạn bè và cha mẹ của Hy Thừa đều vô cùng lo lắng cho anh. Nhưng, tất nhiên, chẳng ai rõ lí do là gì. Họ chỉ biết anh hay ở một mình nhiều hơn, mặt mày thì ủ dột, chẳng được vài tia sức sống. Anh thu mình lại hơn trước với bọn Nguyên và Lực, mấy đứa anh cho là "nít ranh", chỉ có thằng Trọng là người bình tĩnh và chín chắn nhất để làm điểm tựa cho mình. Dù cũng không đáng kể lắm.
Một ngày trời trong xanh, như thường lệ, Trọng sang nhà Hy Thừa chơi và hỏi han vài thứ cho anh bớt cô đơn. Không hẳn vì Trọng tự nguyện, mà ấy là một trọng trách Tại Luân đã giao phó cho thằng bạn trước khi đi: "Giúp tao, chăm sóc anh Thừa thay tao, Trọng nhé". Là một đứa có trách nhiệm với bạn bè, dĩ nhiên, Trọng đã đồng ý. Chỉ là, sau khi Luân rời đi, Hy Thừa thay đổi nhiều quá. Anh như trở thành một đứa trẻ con hờn dỗi, một đứa trẻ khó giao tiếp và dỗ dành. Anh đang học lớp mười hai phổ thông ở trên trường, sắp tốt nghiệp rồi, không thể cứ u sầu, chểnh mảng mãi được. Đó có lẽ cũng là điều Tại Luân ít mong đợi nhất.
Trọng bước vào quán tạp hóa, thấy Hy Thừa đang lặng lẽ kiểm kê hàng trong góc. Trọng đến gần, đưa cho anh túi xoài vừa hái ké ở nhà thằng Huấn hồi nãy.
- Anh Thừa, em có ít xoài này cho anh.
- Cậu lại mua gì cho tôi đấy? Sang chơi thôi là quý rồi, mua mấy món này làm gì cho tốn tiền.
Hy Thừa cất lời nói đầy khách sáo, đôi mắt dường như chứa đựng nhiều tâm sự.
- Vài quả xoài thôi, có đắt gì đâu. Nhà em giàu mà.
Ừ thì giàu.
- Em đùa thôi, xoài nhà trồng em mới bứt đấy.
- Tôi nhận nốt lần này thôi đấy nhé. Nhà tôi chẳng có gì cho lại cậu đâu.
- Anh cứ khách sáo quá. Vậy lần sau em không mang gì sang nữa.
Trọng cười xuề xòa, anh cũng nhoẻn miệng đáp lại. Thằng cu này xem thế mà chu đáo ra phết. Mấy phút sau, Trọng tự nhiên như ở nhà mình mà leo tót lên ngồi trên cái chõng gần đó, tay bốc một thanh kẹo lạc nhai chóp chép. Đúng nhà tạp hóa có khác, lúc nào cũng sẵn bánh kẹo. Thấy Hy Thừa không có vẻ muốn tiếp chuyện, Trọng lại gặng hỏi:
- Anh Thừa sắp tốt nghiệp rồi nhỉ?
- Ừ.
- Thế ra trường làm gì, anh đã tính chưa?
- Chưa. Chắc tôi tiếp quản cái hàng này của bố mẹ tôi thôi. Họ cũng đến tuổi nghỉ hưu rồi, dù với dân buôn bán thì không có cái gọi là "nghỉ hưu".
Hy Thừa cười nhạt, không muốn nói trắng ra là bản thân định ăn bám gia đình đến khi nào tìm được công việc phù hợp.
- Anh không tính học cao hơn à?
- Học gì chứ. Tôi học không giỏi, mà nhà cũng chẳng có điều kiện. Sau này ra đời kiếm đủ ăn là ấm rồi.
Hy Thừa nói dứt lời thì im lặng. Trọng đang nhai dở cây kẹo lạc, nghe xong cũng gật gù. Nhưng rồi Trọng suýt nghẹn khi nghe anh bôi thêm một câu nhẹ bẫng:
- Có khi tôi vào Nam tham gia chiến tranh.
Câu nói nhẹ tựa lông hồng đối với Hy Thừa mà như sét đánh ngang tai Trọng. Hai mắt Trọng mở to, ánh lên nỗi ngạc nhiên không thể nói rõ khi thấy vẻ mặt của anh. Nửa trống rỗng, nửa kiên quyết. Một tên cậu ấm nhà thương nhân như Trọng khó có thể hiểu ý định này. Trọng lắp bắp hỏi lại:
- Anh... Anh nói sao?
- Tôi không ra tiền tuyến đâu. Chỉ làm công tác dọn vệ sinh trong các bệnh viện thôi. Chỉ là tôi muốn góp chút sức mọn cho đất nước.
Hy Thừa nói như thể nhìn thấu lo âu trong đầu Trọng. Nhưng Trọng không cam tâm. Không thể cứ thế để Hy Thừa đi được. Tại Luân sẽ giận lắm.
- Thế còn... Tại Luân thì sao, anh Thừa?
- Tại Luân... thì liên quan gì? Tôi viết thư báo cho em ấy là được mà.
- Nó sẽ buồn lắm nếu trở về mà không gặp được anh...
- Khi nào Luân về, tôi cũng về.
- Bọn em cũng buồn nữa... Thôi vậy, em cho anh mượn tiền gửi thư cho Luân nhé.
- Không cần, tôi cũng góp được kha khá rồi.
Lại là điệu bộ xa cách ấy. Trọng muốn giúp Hy Thừa lắm, nhưng anh thực lòng muốn giữ khoảng cách với mọi người ư? Một lần nữa, đó sẽ là điều Tại Luân ít mong muốn nhất. Trọng nhướn mày nhìn người anh lớn hơn mình một tuổi, ra vẻ không hài lòng. Nhưng thôi, đàn ông ai chẳng có tự tôn riêng. Cuối cùng, Trọng không hỏi ép nữa, mà chỉ rụt rè thắc mắc một điều cuối cùng - nhưng là điều cần biết nhất:
- Tại Luân đi cũng ngót nghét nửa năm giời rồi. Bây giờ... anh cảm thấy thế nào?
Hy Thừa yên ắng một lát lâu.
Trọng tưởng ý anh không muốn trả lời, định bụng xin lỗi rồi đứng dậy ra về. Bỗng sau đó, Hy Thừa chầm chậm lấy ra từ dưới gầm chõng một hộp thiếc con đã gỉ nhiều. Bên trong chứa đầy những bức thư tay. Anh chẳng nói chẳng rằng, chỉ cẩn thận phủi ít bụi sót trên từng lá thư trắng muốt còn vương mùi mực.
Thời gian qua, Hy Thừa đã nhận được không ít thư từ Tại Luân. Chủ yếu là hỏi thăm sức khỏe anh và kể về cuộc sống mới của nó ở nơi nước bạn. Hy Thừa đã đọc hết, đọc rất kĩ, không sót một câu chữ, một nét viết tay nào. Nhưng, hiển nhiên, anh không đủ tiền để gửi thư hồi âm cho nó. Bưu phí gửi qua nước ngoài quá đắt đỏ khiến Hy Thừa phiền não vô cùng. Nghĩ cũng tội nghiệp Tại Luân, phải sống tha hương một mình thì chớ, lại không biết tin tức gì về người thương ở quê nhà. Chắc nó tủi thân lắm. Vì thế, anh càng không muốn từ bỏ. Anh đã hạ quyết tâm gom góp tiền để mỗi năm gửi lại ít nhất một bức cho Tại Luân. Một bức thật dài.
Một lát sau, Hy Thừa ôm chiếc hộp ngồi cạnh thằng Trọng. Giọng anh nhẹ nhàng, từ tốn trả lời câu hỏi ban nãy, cũng như trút ra bao nhiêu tâm tư thầm lặng bấy lâu:
- Tôi cũng chả thấy sao cả. Cay đắng, chia phôi, chúng tôi đều trải qua rồi. Nhưng tôi vẫn vui, vì ít nhất, không ai trong hai đứa phải chịu tức tưởi. Còn liên lạc được với nhau là còn hạnh phúc. Tôi không muốn Luân phải bận lòng nhiều về tôi, nên tôi vẫn luôn dặn lòng phải sống cho thật tốt. Chỉ là, điều ấy khó quá, khó hơn tôi tưởng tượng nhiều. Nhưng tôi vẫn đang cố gắng. Tôi cũng chẳng mong cầu gì hơn ngoài mong Luân ở nước ngoài học tập thật tốt, không phụ công cha mẹ. Trước khi Luân đi, lời cần nói đã nói, việc cần làm đều đã làm. Thứ cần trao... cũng đã trao.
Những tâm tư hết sức thấu hiểu, điềm tĩnh và khiêm nhường, mà nghe xong không khỏi xót xa. Hy Thừa vẫn luôn là một người trưởng thành và hiểu chuyện - vốn là một đức tính sẽ bù trừ hoàn hảo cho Tại Luân, nhưng hiểu chuyện quá lại thành ra đáng thương. Trọng, và cả những đứa khác nữa, đều thương hai người thật nhiều. Vậy nên chúng nó vẫn luôn ra sức giúp đỡ Luân và Thừa, từ khi cả hai thành đôi cho đến nay. Không khí trở nên mùi mẫn, nghẹn ngào trong giây lát.
Chỉ là, chưa xúc động được bao lâu, thằng Trọng lại tỉnh bơ hỏi tiếp:
- Thế đã hôn nhau chưa?
Thái độ thản nhiên ấy khiến vành tai Hy Thừa đỏ lựng. Nghĩ lại rồi, nó hết chu đáo rồi. Anh khẽ cau mày, hắng giọng:
- Chưa... Nhưng tôi sẽ coi đó là một điều đang dang dở. Tiếc nuối thì không phải không có, nhưng nếu không tồn tại những dở dang, thì sau này đâu còn gì để tiếp tục.
- Phải rồi, cần có những điều chưa thực hiện được để có cái cớ mà níu nhau lại...
Trọng bình luận thêm một câu rồi mới thôi hẳn. Hai người con trai cùng trở nên trầm ngâm, khuôn mặt đượm nét suy tư. Nắng trưa hắt vào song cửa sổ nhà Hy Thừa, chói chang từng vệt. Trên bệ cửa, có ai đặt vào trong góc một chiếc đồng hồ cũ kĩ, be bé ánh bạc, điểm mười một giờ đêm.
- Nhưng cậu cũng đừng nghĩ nhiều. Tôi tin tưởng Luân tuyệt đối mà.
- Không ai chắc chắn được điều gì đâu, nhất là cái tâm con người. Nhưng mà thôi, em cũng có niềm tin vào cả hai người.
***
Mùa hoa gạo thứ hai, Lý Hy Thừa tốt nghiệp trường phổ thông. Mấy đứa nhóc dạo trước còn bày mưu tính kế cho Tại Luân tỏ tình anh, bây giờ cũng sắp lớn cả. Chúng nó khóc và nhớ anh nhiều lắm. Vì chúng nó biết, sau khi ra trường, anh đã quyết định sẽ vào trong Nam luôn mà không ở lại đây thêm năm nào nữa.
Hy Thừa vội vàng, cũng vội như ngày Tại Luân đi, rời khỏi chốn thân thuộc đầy những kỉ niệm xưa cũ. Anh sẽ nhớ chúng lắm, nhưng anh muốn đi nơi nào đó thật xa để giải tỏa tâm trạng bí bách, u ám đã đeo bám anh hơn một năm nay. Vừa hay, ở xã mới có đợt chiêu mộ lực lượng tự nguyện vào Nam hỗ trợ đồng bào, nên anh theo họ luôn.
Ở nửa bán cầu kia, Tại Luân cũng đã bắt đầu quen với nhịp sống ở đất nước mới. Thời gian đầu, nó viết trong thư rằng mình còn bỡ ngỡ nhiều, và nó nhớ anh nhiều lắm. Nhưng trong mấy bức thư gần đây thì không còn nữa rồi, mà nó háo hức và tràn trề hi vọng nhiều hơn là nhung nhớ. Anh cũng mừng cho nó. Tất nhiên là anh mừng cho nó. Chỉ là xen vào đâu đó một chút chạnh lòng. Bỗng anh thấy sao mình ích kỉ quá.
Ngày cuối cùng ở lại miền Bắc, Hy Thừa đi gửi lá thư tay đầu tiên cho Tại Luân. Lá thư dài hơn bất cứ bài văn nào anh từng viết khi còn đi học. Mấy tờ giấy trắng phau cùng vài nhành hoa gạo khô được Hy Thừa gói ghém cẩn thận trong phong bì. Anh đạp xe ra bưu điện cách nhà vài cây số, cầm thư trong tay mà nghe trái tim bồi hồi. Cũng không trách được anh, bởi một đôi tình nhân gửi thư cho nhau luôn là câu chuyện lãng mạn nhất trên đời.
Trao xấp tiền cho chị nhân viên ở đó, anh tự hỏi, liệu Tại Luân sẽ phản ứng thế nào khi biết tin anh vào Nam. Chắc nó cũng hiểu cho anh thôi. Anh hi vọng là thế. Lòng vui phơi phới vì đã thực hiện được điều hằng mong mỏi, Hy Thừa trở về thu dọn hành lí. Anh sẽ rất ngóng trông hồi âm của Tại Luân, dù lại một năm sau nữa có lẽ anh mới được gửi thư thêm lần nữa.
***
Mùa hoa gạo thứ ba.
Mới đó mà Hy Thừa đã vào miền Nam được một năm. Để mà nói thì, cả cuộc sống lẫn công việc đều khá hơn anh tưởng tượng. Anh được phân công làm người chăm sóc các thương binh ở một bệnh viện dã chiến, âu cũng là cái may mắn vì đỡ hơn phải đi dọn vệ sinh. Dù vất vả, rất vất vả, và có thể là nguy hiểm đến tính mạng, và bệnh viện còn chật chội hơn cả tiệm tạp hóa nhà anh, nhưng nó giữ anh bận rộn, không phải suy nghĩ nhiều. Anh thà làm công việc ấy hơn là ngồi suy nghĩ vẩn vơ cả ngày, chẳng được tích sự gì.
Duy chỉ có điều anh nuối tiếc là không được ngắm hoa gạo mỗi độ hè về nữa. Ngay bây giờ đây, có lẽ những nụ gạo đỏ thắm đang rải rực rỡ bên bờ sông năm xưa. Cứ rảnh rỗi là anh lại nhớ về hoa gạo, nhớ về cả Tại Luân, dù anh đã rất cố gắng không nghĩ đến.
Nhắc đến Tại Luân, năm ngoái, sau khi anh gửi đi bức thư đầu tiên, nó vui lắm. Nó kể với anh nó đã mừng rỡ đến nhường nào trong lá thư tiếp đó. Việc anh vào Nam, nó không ngăn cản, cũng chẳng quá buồn, mà nó còn ủng hộ anh. Tại Luân nói, miễn sao anh khỏe mạnh và hạnh phúc, thì nó cũng hạnh phúc.
Nhiệm vụ công tác bận rộn ở chiến khu cũng khiến Hy Thừa chẳng thể ngồi nghiền ngẫm những bức thư gần đây của Tại Luân như trước nữa. Dạo này, tần suất nó gửi thư cũng ít đi hẳn, vì nó dường như bận rộn học hành lắm, mà nó giấu anh, chưa bao giờ viết trực tiếp trong thư. Đứa trẻ ngây thơ, nghĩ Hy Thừa là thằng ngốc hay sao? Hay là anh ngốc thật?
Mặc dù không quá cam lòng, nhưng Hy Thừa buộc phải chấp nhận rằng hai người sẽ dần trao đổi thư từ ít đi. Còn bản thân anh vẫn giữ thói quen tích góp tiền, thường xuyên ra tiệm gọi điện thoại bàn về cho gia đình, cho lũ trẻ Nguyên, Lực và Trọng ở làng.
***
Mùa hoa gạo thứ tư.
Hy Thừa được điều chuyển lên làm công việc tay chân ở một bưu điện trọng điểm.
Ở đây, các cô bưu tá trẻ đẹp dần để ý đến anh. Một người con trai non nớt hai mươi mấy tuổi xuân, cao ráo, sáng dạ, chăm chỉ lại chung tình, có ai mà không mê. Các cô dốc sức tiếp cận anh, tán tỉnh anh, hết người này đến người khác, khiến anh cảm thấy tột cùng bức bối, phiền phức và khó xử. Mặc dù anh đã nói mình có người thương ở xa đang đợi, nhưng ai cũng tự tin mình xuất sắc ăn đứt Tại Luân của anh. Đến độ, anh phải từ chối thật thẳng thừng thì họ mới buông tha cho anh, nhưng kể từ sau đó, chẳng ai còn nói chuyện với anh nữa. Hy Thừa lại một thân một mình, đơn độc. Anh vẫn chỉ luôn ngóng đợi một người. Người có thể xoa dịu tâm hồn luôn cuộn trào như sóng vỗ trong anh.
Anh bắt đầu nhớ nhà, và nhớ Luân nhiều hơn.
Hy Thừa tự hỏi, liệu ở nơi xa, có ong bướm nào cũng đang ve vãn Tại Luân không? Liệu nó có thích những thú vui vồn vã ở đô thị phồn hoa, hơn là bông hoa gạo nhỏ bé chốn quê mùa này hay không? Còn anh, anh vẫn luôn chắc chắn với lòng mình.
***
Mùa hoa gạo thứ năm.
Hy Thừa và Tại Luân dường như đã quên đi nhau, mà cũng dường như còn nặng tình. Quên đi nhau vì, hiện tại, họ chẳng còn thư từ gì. Một năm nhiều lắm thì được hai bức từ Hy Thừa, còn Tại Luân có lẽ chẳng ngó ngàng đến nữa. Mặc dù anh đã nhắc trong thư không ít lần rằng "đừng quên nhau", điều ấy có lẽ để làm khó hơn là nói.
Cảm xúc của anh lẫn lộn vô cùng. Nhớ thương cứ đầy rồi lại vơi. Khuôn mặt và giọng nói của Tại Luân như ngày càng phai dần đi trong tâm trí anh. Dẫu rằng trong số những lá thư hiếm hoi mà Tại Luân gửi, nó vẫn bày tỏ tình yêu da diết nó còn dành cho anh như thuở trước, nhưng anh chỉ cảm thấy thật gò bó. Giống như ai đó bắt nó dập khuôn để viết ra những bức thư đó vậy. Mà cũng có thể chỉ là do anh suy diễn quá nhiều.
Mệt mỏi vô cùng. Giá như, chỉ một phút thôi, anh có thể chìm vào vòng tay ấm áp của người anh yêu lần nữa. Cho anh được an ủi, cho anh được nhẹ lòng.
Mà thôi, đằng nào thì bây giờ, cả hai cũng không còn là ưu tiên trong cuộc sống nhiều bộn bề của nhau nữa. Hy Thừa không nên, tốt nhất là không nên, suy nghĩ quá nhiều. Vừa không giải quyết được việc gì, vừa làm khổ bản thân.
***
Mùa hoa gạo thứ sáu.
Lý Hy Thừa ôm hi vọng trở về con xóm nhỏ.
Nhưng thiếu niên năm ấy thề hứa với anh bao điều, lại chẳng thấy bóng dáng đâu.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip