05. Xuân rồi lại hạ

Tấm màn hoàng hôn buông xuống mỏi mòn bên sông.

Những cơn gió khe khẽ lướt qua ngọn tre, xào xạc như khúc nhạc réo rắt của đất trời. Vài tia nắng cuối ngày len lỏi qua kẽ lá, vẽ lên mặt đất những đốm sáng lung linh, nhảy múa theo nhịp gió đưa. Thấm thoắt, mùa hoa gạo thứ bảy đã về trên con xóm nhỏ. Đỏ rực một góc trời, như máu chảy giữa những tán lá xanh ngắt.

Lý Hy Thừa dừng chân trên con đường đất quen thuộc, đôi mắt chất chứa hướng về nơi xa xăm. Đằng kia, có ngọn đồi xưa cũ anh đã trao đi tâm tình thuở đầu tiên, có những hàng gạo nơi đôi tình nhân từng bịn rịn, có chân trời xanh trải dài đến vô cùng.

Cảnh vật sau ngần ấy năm dường như vẫn vậy, nhưng lại thay đổi rất nhiều. Cũng con đường này, cũng bóng tre già nghiêng mình che nắng, cũng những hàng gạo đỏ thắm nơi bến sông, nhưng anh chẳng thấy thứ gì có hồn. Hy Thừa nhắm mắt lại, để gió vuốt ve gò má gầy hơn ngày nào. Anh đã đếm từng ngày, từng giờ chờ đợi, đếm đến khi hoa gạo tàn rồi lại đơm bông. Đếm cho đến khi con số trong lòng trở nên vô nghĩa.

- Lẻ một mùa rồi đấy, Tại Luân à...

Tiếng thì thầm nhẹ trôi theo gió, tan biến như bọt nước giữa dòng sông cuộn chảy. Hy Thừa mở mắt, nhìn lên bầu trời chiều đang dần ngả sang màu tím nhạt. Những đám mây trôi lững lờ tưởng như vô tình. Anh mỉm cười, một nụ cười nhàn nhạt. Anh đã không còn cảm thấy đau nữa. Bảy năm ngóng đợi, hay là cả một đời người? Chiến tranh đã kết thúc được gần một năm, đất nước đã thống nhất, nhưng người xưa vẫn biệt tăm. Không một bức thư, không một lời nhắn. Những lá thư anh gửi đi như những con thuyền giấy trôi vào hư vô, không bao giờ cập bến.

Thời gian đã làm thay đổi và hao mòn Hy Thừa. Bây giờ anh đã hai tư tuổi, sắp được nửa cái năm chục rồi. Đám con trai trong xóm ngày ấy bây giờ cũng đã lớn phổng phao, và anh cũng vậy: đứa nào đứa nấy "vai năm tấc rộng, thân mười thước cao." Đôi con người tròn vo không còn vẻ thuần khiết, nhu mì như giọt sương sớm, và đuôi mắt đã thêm những nếp nhăn. Gương mặt anh cũng chín chắn hơn nhiều phần. Nom anh ra dáng đàn ông lắm. Cô gái nào nhìn thấy Hy Thừa cũng muốn lấy anh làm chồng.

Nhưng Hy Thừa đã học cách sống với khoảng trống mà Tại Luân để lại. Anh đã hứa sẽ đợi, và anh vẫn đang đợi, dù đã quá một năm so với những gì mà nó từng thề thốt. Một năm thôi, anh còn hi vọng mà. Có lẽ vậy. Mà có lẽ, những lá thư gần nhất anh gửi đi đã bị lạc mất, hoặc đã bị Tại Luân gạt phắt đi, và nó đã tìm được một cuộc sống mới cho riêng mình, nơi không có chỗ cho những ký ức hão huyền về mối tình đầu thơ mộng, ngây ngô với người con trai ở chốn xưa.

Không sao cả, Hy Thừa tự nhủ, Người đến, người đi cũng là lẽ thường tình. Huống chi, Tại Luân còn trẻ và giàu có như vậy, còn một tương lai rộng mở, đầy hứa hẹn ở phía trước.

Chẳng có lí do gì để nó phải chịu trói với một gã nhà quê không có tiền đồ như anh.

Hy Thừa tiếp tục bước đi, túi vải đeo trên vai đựng đầy những cuốn sách mượn từ trường huyện. Từ khi trở về xóm, anh đã dành nhiều thời gian hơn cho việc học. Anh dạy học cho trẻ em trong làng mà không lấy tiền - chỉ dạy những cái cơ bản nhất của tiếng Việt là đọc và viết thôi, vì bản thân anh cũng chẳng học rộng tài cao gì. Và anh cũng bén duyên với viết lách. Viết những dòng thơ không bao giờ gửi đi, những vần thơ chẳng có người đọc. Ấy là cách Hy Thừa trò chuyện với Tại Luân trong tưởng tượng, là cách anh giữ cho ký ức về người ấy không chết.

Hy Thừa dừng chân trước quán tạp hóa nằm khiêm tốn dưới tán tre xanh. Biển hiệu gỗ đã nhuốm màu thời gian. Anh định hôm nay sẽ không đi dạy học mà ở đây bán hàng, nên anh chỉ mượn vài cuốn sách để tranh thủ đọc trong lúc trông quầy. Ở trong góc cửa sổ đã phủ bụi, có chiếc đồng hồ con con màu bạc chẳng dính hạt bụi nào đang yên vị. Dường như ai đó mỗi ngày đều lau nó. Bỗng, lớp vỏ ngoài lóe lên một ánh bạc do phản chiếu một tia nắng cuối cùng còn sót lại từ mặt trời. Anh bị chói mắt trong chốc lát và tự kéo mình ra khỏi vài dòng suy nghĩ vẩn vơ đang chực chờ tràn vào tâm trí.

Hy Thừa vẫn chưa thôi được thói hay nghĩ ngợi ấy.

Nếu Tại Luân ở đây, nó sẽ ôm lấy anh, lặng lẽ xoa gáy anh và thì thầm rằng nó thương anh nhiều như thế nào, nên anh không cần phải nghĩ nữa.

Nếu Tại Luân ở đây...

Thôi đi mà, Lý Hy Thừa ơi...

Một lần nữa, tiếng sột soạt của bước chân người đưa anh trở về thực tại. Là một vị khách. Thật hiếm thấy vì bây giờ trời đã sẩm tối, và đáng ra người làng đang ăn cơm. Một gã đàn ông cao, gầy, đội mũ rộng vành che khuất nửa gương mặt và đeo kính râm dù trời chẳng còn sáng. Hy Thừa không nhìn ra mặt hắn ta, phần vì không có đủ ánh sáng, phần vì anh cũng đang chẳng tập trung. Hắn mặc áo sơ mi trắng, quần tây đen - là trang phục của người từ thành phố, không phải dân làng quê.

- Chào anh, tôi muốn mua mấy thứ.

Giọng người khách trầm ấm, nghe có hơi lạ tai, như thể đã lâu không nói tiếng Việt. Hy Thừa gật đầu, lịch sự và đon đả như mọi khi.

- Anh cần gì tôi lấy cho.

- Để tôi tự xem.

Nghe chừng là một vị khách vội vã, không mấy muốn giao lưu. Anh cũng để cho hắn tự do. Hắn dáo dác đi quanh cửa hàng, chậm rãi nhìn ngắm từng món đồ như thể đang lưu luyến gì đó chứ không phải tìm hàng hóa, rồi dừng lại trước kệ bánh kẹo - nơi có món kẹo sô cô la mà ngày xưa cậu ấm nào đó rất yêu thích. Dù người ấy đã rời đi nhiều năm và chẳng còn ai mua món kẹo ấy, nhưng Hy Thừa vẫn xin gia đình bày bán nó. Anh nghe hắn lẩm bẩm:

- Tiệm đã thay đổi nhiều nhỉ, nhưng có những thứ thì không.

Hy Thừa nhìn hắn với ánh mắt dò xét. Có điều gì đó về người này khiến anh thấy thân thuộc đến kỳ lạ: cách nói chuyện, cách đứng, những cử chỉ nhỏ bé như là cái cắn môi dưới thoáng qua thôi. Nhưng làm sao có thể? Anh đã gặp quá nhiều người suốt những năm chiến tranh, có lẽ chỉ là sự trùng hợp.

- Anh không phải người làng này.

Hy Thừa cất lời, nửa như khẳng định, nửa như đang hỏi. Hắn vẫn chỉ chăm chăm vào quầy bánh kẹo, rồi mỉm cười. Cái nhoẻn miệng kia... Quen lắm. Anh không thể nhầm được. Hoặc anh thực sự nhầm.

Tim Hy Thừa đập nhanh hơn một chút. Anh tự nhủ đừng để hy vọng nhấn chìm mình một lần nữa. Đã bao lần anh tưởng nhìn thấy bóng dáng quen thuộc trên con đường làng, đã bao lần giật mình vì tiếng gọi giống như giọng nói ấy, chỉ để rồi thất vọng tràn trề trong lòng.

Vị khách tiến đến quầy, đặt xuống vài món hàng lẻ - một gói kẹo, một bịch bánh, một gói bông tăm. Những món đồ vô thưởng vô phạt, như chỉ là cái cớ để bước vào cửa hàng này. Hắn lên tiếng lần nữa:

- Tôi đang tìm một món đồ mà chỉ ở đây mới có.

Ánh mắt sau cặp kính râm hướng thẳng vào chiếc đồng hồ cổ trong góc cửa sổ của Hy Thừa.

Anh giật mình, vô thức đưa tay che nó đi.

- Thứ gì mà quán tạp hóa nhỏ bé của tôi lại có độc quyền?

Anh chỉ thấy hắn yên lặng một lúc. Rồi, hắn không giả vờ nói giọng trầm nữa. Anh nghe hắn ghim từng câu chữ vào tai mình:

- Một cái đồng hồ bấm giờ của Pháp. Là kỉ vật tôi tặng cho một người rất đặc biệt, vào ngày hai mươi lăm tháng sáu cách đây bảy năm, dưới tán cây gạo ở bến sông kia.

Và thời gian như ngừng trôi.

Không gian đông cứng lại.

Hy Thừa đứng đó, không thở nổi, không nghĩ nổi.

Hai chân anh khẽ run lên, phải bám vào quầy hàng mới đứng vững. Bỗng nhiên, mọi chi tiết đều rõ ràng đến đau đớn - cách người ấy đứng nghiêng người về bên trái như thói quen xưa, bàn tay phải mân mê cạnh quầy hàng theo một nhịp điệu quen thuộc, và đặc biệt là giọng nói - giọng nói mà dù có qua bao năm tháng, anh vẫn không thể nào quên.

- Không thể nào...

Hy Thừa thì thào khi hơi thở anh không còn vững. Thẩm Tại Luân từ từ cởi mũ, tháo kính, và khuôn mặt điển trai mà hằng đêm anh mơ thấy đã xuất hiện trước mắt anh. Nó đã thay đổi. Không chỉ là gương mặt mà cả dáng vẻ. Bờ vai rộng và vững chãi hơn như đã phải gánh vác quá nhiều. Làn da đã ngả màu bánh mật, khắc khổ dưới ánh chiều tà. Mái tóc nó cắt ngắn hơn theo kiểu những người từ phố thị trở về, tạo nên vẻ hiện đại mà Hy Thừa chưa từng thấy ở con xóm nhỏ này. Đôi mắt nó vẫn ngời sáng và dịu dàng như chất chứa cả ngàn vì sao trong đó, nhưng đã thêm phần từng trải, như đã nhìn thấu quá nhiều đau thương của thế gian. Những ngón tay nó cũng thô ráp hơn, có những vết chai sần mà trước đây không có.

Còn Hy Thừa, Tại Luân nhận ra anh cũng đã đổi thay. Gương mặt anh gầy hơn, góc cạnh hơn, với đường nét già dặn hơn. Đôi mắt vẫn trong veo nhưng đã có thêm chiều sâu của người biết đợi chờ và đau đớn. Ngày xưa anh mới cao hơn nó một chút thôi, mà bây giờ chắc đã hơn nửa cái đầu. Cậu thanh niên mà Tại Luân để lại đã trưởng thành rồi, thành một người đàn ông đã học cách đứng vững trước những cơn sóng xô của cuộc đời.

- Tại Luân...

Tên người kia thoát ra khỏi môi anh như một lời nguyện, một tiếng thở dài, một nỗi nhớ vỡ òa.

Hy Thừa lê từng bước chậm rãi về phía trước, nửa sợ hãi, nửa khao khát. Từng bước một, cho đến khi anh đứng trước mặt Tại Luân, gần đến mức có thể đếm được từng hơi thở. Anh sợ lắm. Anh sợ mình nhìn nhầm, sợ mình đang mơ ngủ. Sợ mình mệt mỏi mà sinh ra ảo giác.

Ngắm nhìn khuôn mặt khôi ngô vô thực của nó, nhìn nó đứng đó cười mỉm, anh thì thầm, giọng run rẩy:

- Luân trở về rồi, Luân thực sự trở về rồi.

- Về rồi đây, Hy Thừa ơi.

- Có thật là Luân đấy không, hả...

Hy Thừa lẩm bẩm, vẫn chưa dám tin vào mắt mình.

- Tại sao... tại sao không trả lời thư của tôi? Sao lại về muộn như thế?

- Tôi đã nhận được tất cả thư của Thừa, cả thảy hai mươi ba bức. Ngày nào tôi cũng đọc đi đọc lại, nhưng tôi không thể hồi âm...

Tại Luân phân trần, cổ họng nó khô khốc, hai hàng mi đã ngấn lệ. Dường như xa cách quá lâu khiến cách xưng hô của cả hai cũng bị xáo trộn, không còn "anh" và "em" mà trở về "tôi" và "Luân", "Thừa". Cảm giác của Tại Luân và Hy Thừa lúc này chợt trở lại bỡ ngỡ như thuở mới yêu nhau. Dẫu sao thì, ngày ấy, hai chữ "anh", "em" chưa kịp làm quen đã bị vùi đi bởi năm tháng mất rồi.

- Vì sao vậy, hở, Luân?

Hy Thừa gặng hỏi cho ra nhẽ. Anh muốn một lời giải thích cho bảy năm chờ đợi, bảy năm tự hỏi liệu người mình yêu có còn nhớ đến mình.

- Tôi cứ ngỡ Luân đã quên tôi, đã có một cuộc sống mới ở nơi xa...

- Không bao giờ! Làm sao tôi có thể quên Thừa được...

Nó chầm chậm lấy từ túi ra một xấp thư đã cũ, ngả vàng, được buộc gọn gàng bằng một dải ruy băng xanh.

- Tôi đã viết rất nhiều thư cho Thừa. Nhưng không một bức nào được gửi đi.

- Vì cớ gì?

- Vì chiến tranh, Hy Thừa à. Đất nước bị chia cắt, đường thư từ bị gián đoạn. Mỗi bức thư tôi gửi về đều bị trả lại với dòng chữ 'không thể chuyển phát do tình hình chiến sự'. Sau một thời gian, tôi chỉ còn có thể viết và giữ lại, hy vọng một ngày nào đó sẽ đích thân trao chúng cho Thừa.

Hy Thừa nhìn xấp thư, trái tim anh thắt lại. Vậy ra trong khi anh ngày đêm tự hỏi liệu Tại Luân có còn nhớ đến mình, thì nó cũng đang viết những bức thư không bao giờ được gửi đi, cũng đang nhớ thương, cũng đang đợi chờ. Hy Thừa đáp, giọng khàn đặc:

- Nhưng chiến tranh đã kết thúc gần một năm rồi. Hòa bình đến đúng vào mùa gạo thứ sáu. Sao Luân không về đúng hẹn?

Mặc dù anh chẳng hề muốn trách cứ người thương, nhưng cái tủi thân đang trào dâng trong lòng thôi thúc anh đặt câu hỏi. Hai người lẽ ra đã có một cuộc hội ngộ đẹp sau ngày giải phóng, dưới gốc cây gạo, cùng ôn lại chân tình xưa cũ. Ngày hai miền Nam, Bắc tụ họp, Hy Thừa đã ôm niềm hi vọng có thể mừng vui cho đất nước cùng Tại Luân. Mà cớ sao...

Chỉ thấy Tại Luân im lặng một lát lâu trước khi nó thừa nhận, giọng thật nhỏ như một tiếng thì thầm:

- Tôi không thể.

- Vì sao nữa?

- Vì tôi sợ. Tôi sợ Thừa đã không còn đợi tôi nữa. Bảy năm là quãng thời gian quá dài. Tôi sợ Thừa đã có một gia đình nhỏ cho riêng mình, có một cuộc sống mới.Tôi sợ việc tôi trở về sẽ phá vỡ hạnh phúc của Thừa.

Hy Thừa không nói nên lời. Khoảng thời gian xa nhau đã biến cả hai thành những người trầm lặng hơn, cẩn trọng hơn với cảm xúc của mình. Chẳng còn là những chàng trai ngây thơ, hồn nhiên tin vào tình yêu vĩnh cửu nữa. Anh nghẹn ngào:

- Tôi đã từ chối bao nhiêu lời tỏ tình vì Luân, Luân có biết không? Người ta bảo tôi điên, bảo tôi sống mãi với ảo tưởng. Bảy năm, Tại Luân à, gần chục năm trời đấy.

- Tôi xin lỗi. Tôi thực sự xin lỗi.

Và rồi, dòng nước mắt nóng hổi bên khóe mắt của hai người không hẹn trước mà cùng trào ra như thác. Không thể chịu đựng được nữa, Tại Luân gấp gáp ôm chầm anh vào lòng. Nó siết vòng tay thật chặt như nó chưa bao giờ được ôm anh. Anh thấy cánh tay nó cũng run run như cách anh đang bấu lấy tấm lưng cứng cỏi của nó. Khoảnh khắc ấy, đôi trái tim của hai người áp sát vào nhau, như dung hòa làm một cùng nhịp đập vội vã, mạnh mẽ, như muốn bật tung ra khỏi lồng ngực. Mọi âm thanh và cảnh vật xung quanh mờ đi trong tai của đôi tình nhân. Vì điều quan trọng nhất đang ở trước mặt nhau đây rồi. Giọng Hy Thừa vỡ ra trong khoảng không im ắng:

- Tôi nhớ Luân lắm. Nhớ đến phát điên, Luân ơi!

Tại Luân chẳng nói chẳng rằng, chỉ siết thêm vòng tay như thể sợ rằng nếu buông ra, người kia sẽ lại biến mất. Lực tay nó đã khỏe hơn trước rất nhiều, và nó ôm anh chặt đến nghẹt thở thay cho những lời muốn nói. Hy Thừa vùi mặt vào cổ nó, đôi vai gầy đầy những hờn tủi run lên trong niềm xúc động khôn kể. Giữa quán tạp hóa nhỏ, nơi họ gặp nhau lần đầu, nơi mọi thứ bắt đầu, có hai người từng yêu nhau trở lại yêu một lần nữa.

- Thứ lỗi cho tôi vì tôi đã về muộn. Nhưng tôi vẫn giữ lời hứa, tôi đã về rồi đây mà.

Tại Luân thì thầm bên tai người mình thương nhất trên đời, và Hy Thừa không trả lời. Anh chỉ giữ chặt cái ôm lặng lẽ, như thể muốn hòa làm một với người kia, như thể muốn xóa đi những năm tháng xa cách, những năm tháng chẳng thể ngừng nhớ thương trong một vòng tay. Mọi hoài nghi và đau khổ dày vò nhau bấy lâu nay, vào khoảnh khắc ấy, tất thảy đều tan biến vào hư không. Chẳng ai còn quan tâm điều gì nữa ngoài người trước mặt.

Ở bến sông xa, gió đã ngưng rít. Tiếng sóng vỗ ì oạp vào bờ cứ đều đặn từng nhịp, như hơi thở bình yên của đất trời đang dõi theo một cuộc hội ngộ viên mãn của cặp tình nhân.

***

Tại Luân và Hy Thừa ngồi trong căn gác nhỏ phía sau cửa hàng, nơi Hy Thừa vẫn sống một mình suốt những năm qua. Căn phòng đơn sơ với chiếc giường gỗ, một bàn viết nhỏ và kệ sách đơn giản. Trên tường treo một bức ảnh cũ: Tại Luân và Hy Thừa dưới tán hoa gạo, chụp ngày nó tỏ tình.

- Thừa vẫn giữ nó.

- Tôi giữ tất cả mọi thứ.

Mắt Hy Thừa không rời khỏi gương mặt người đối diện, như sợ nếu chớp mắt, nó sẽ biến mất.

- Những món quà Luân tặng, những lá thư Luân viết, những kỷ niệm chúng ta có với nhau. Tôi không muốn quên bất cứ điều gì, dù rằng tôi đã cố quên đi.

Tại Luân nhìn quanh căn phòng, mọi thứ đều mang dấu ấn của người con trai nó yêu - giản dị, ngăn nắp và ấm cúng. Nó để ý thấy trên kệ sách có một ngăn nhỏ chứa một hộp thiếc, bên trong đựng đầy thư từ. Những bức thư nó viết cho Hy Thừa mấy năm trước khi đường bưu điện chưa bị cắt, được xếp gọn gàng, cẩn thận. Nó nói, giọng đầy ân hận:

- Tôi tưởng Thừa đã quên tôi. Tôi tưởng bảy năm là quá dài để một người đợi chờ.

- Tôi đã hứa rồi mà. Tôi đã hứa sẽ đợi Luân trở về.

Hai người ngồi cạnh nhau, vai kề vai, tay nắm tay. Họ đều cảm thấy lâng lâng như người còn lại chỉ là một giấc mộng đẹp. Tại Luân kể cho Hy Thừa nghe về những năm tháng du học, về ngôi trường đại học ở phương Tây, về những kiến thức nó học được, về cuộc sống nơi xứ người. Nó kể về nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ anh, những đêm không ngủ được vì nhớ đến nụ cười của anh, giọng nói của anh, hơi ấm của anh.

- Thừa có biết mỗi mùa đông ở nước ngoài lạnh đến mức nào không? Lạnh đến thấu xương, nhưng lạnh nhất vẫn là trái tim tôi. Vì tôi chẳng có Thừa ở bên.

Hy Thừa mân mê tay nó, không nói gì. Anh không phải người giỏi ăn nói, không biết diễn tả bằng những lời lẽ hoa mỹ. Anh chỉ thấy tay nó đã gân guốc hơn trước nhiều. Tại Luân cũng yên lặng một lát, trước khi hỏi một điều mà nó đã biết rõ câu trả lời:

- Thừa có giận tôi không?

Có giận không ư? Có lẽ đã từng. Nhưng giờ đây, khi người anh yêu đã trở về, khi anh biết rằng nó chưa bao giờ quên anh, chưa bao giờ ngừng yêu anh, thì còn giận làm gì nữa? Anh lắc đầu.

- Không, tôi không giận. Tôi chỉ mừng vì Luân đã trở về. Luân hãy nhớ, chỉ thế thôi.

Tại Luân tựa đầu vào vai anh. Nó thở dài, nghe như là tự trách, mà cũng như là nhẹ nhõm.

- Tôi đã sợ... sợ Thừa sẽ không tha thứ.

- Không có gì phải tha thứ cả. Cả tôi và Luân đều là nạn nhân của hoàn cảnh, của thời cuộc. Quan trọng là bây giờ, Luân đã ngồi ở đây rồi.

Giọng thủ thỉ dịu dàng của Hy Thừa vẫn xoa dịu tâm hồn Tại Luân như ngày xưa ấy. Hai người ngồi trầm ngâm trong căn gác nhỏ, lắng nghe tiếng mưa rơi bên ngoài. Cơn mưa đầu mùa bất chợt đổ xuống làng quê yên bình. Mưa như xối, như trút xuống những mái ngói rêu phong, những lối đất đỏ; mưa rửa trôi mọi buồn đau, mọi xa cách của năm tháng đã qua. Mưa pha vào những lời ngọt bùi của Tại Luân:

- Tôi không muốn xa Thừa nữa. Không bao giờ nữa.

- Vậy đừng đi.

- Tôi sẽ ở lại. Tôi không quan tâm bố mẹ muốn tôi đi đâu, làm gì nữa. Vì tôi muốn ở đây. Và tôi cũng mong họ sẽ hiểu. Chúng ta sẽ không xa nhau một ngày nào nữa.

Hy Thừa mỉm cười đáp lại. Đuôi mắt anh cong lên, hai mi mắt khép hờ. Ánh đèn vàng mờ mờ của căn gác nhỏ rọi lên nửa gương mặt của người Tại Luân thương, đẹp đến nao lòng. Nó nhận ra điều gì đó, không tự chủ được mà chậm rãi đưa mặt lại gần anh.

Và rồi, Hy Thừa nhướng mình, đặt lên môi nó một nụ hôn. Nụ hôn đầu tiên trong cuộc đời của cả hai người, thực nhẹ nhàng, đằm thắm, như nhành hoa gạo rơi vãi trên mặt sông. Một cái chạm môi bồi hồi đầy những nhung nhớ của tháng năm, và cả tương lai dài rộng phía trước. Bờ môi ươn ướt, mềm mại của Hy Thừa khiến Tại Luân không nhịn nổi mà đưa lưỡi liếm một cái, rồi lại cắn nhẹ nó. Nó làm Hy Thừa đỏ bừng mặt. Màu mận chín lan rộng trên gò má phiếm hồng của người yêu càng khiến Tại Luân muốn chiếm lấy anh hơn. Nó vòng tay qua eo anh, áp sát anh vào người nó. Cảm nhận được hơi thở nóng bừng của Tại Luân, Hy Thừa chỉ bẽn lẽn đẩy nó ra, không dám nhìn thẳng vào mắt nó.

- Luân làm gì đấy...

- Làm gì là làm gì? Thừa nghĩ người yêu với nhau thì hay làm gì?

Câu đáp tỉnh bơ mà khàn khàn của nó khiến anh ngượng chín, mặt cúi gằm. Hai tay anh cuộn tròn lại, đấm đấm vào ngực nó mấy cái thật yêu. Nó chỉ thấy anh dễ thương lắm. Anh vẫn luôn dễ thương như vậy. Bây giờ anh ngồi khép nép một cục, nom rất giống con chuột hamster ở nhà vị giáo sư nơi nó du học.

- Xưng hô còn chưa đổi lại mà đã đòi hôn tôi...

- Vậy bây giờ anh đổi.

Tại Luân cười xuề xòa, mà Hy Thừa nhìn ra một nét rất đểu trong nụ cười ấy của nó. Cách khóe môi nó nhếch lên, và cách ánh mắt si tình của nó rót lên môi anh đều khiến anh thấy rộn rạo trong lòng. Đi nước ngoài về, Tại Luân đã học được những gì vậy?

- Mai anh lại chở em ra bến sông ngắm hoa gạo nhé? Vừa hay đến độ hè về.

- Ừm.

- Anh sẽ cố gắng hết sức mình để bù đắp cho em.

- Em cũng vậy.

- Anh yêu em, Hy Thừa à.

- Em cũng vậy.

***

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip