Chương 1


Rừng Khe Bai, năm 1971.


Sáng hôm ấy, không quân vỗ phành phạch, rợp trời, chúng nó cứ dí vào mấy cánh rừng rậm dập bom xối xả, theo sau lưng là bọn phục kích cùng đủ loại súng ống. Đạn lạc như mưa, bom dội mà tưởng sấm, không khác gì cảnh Thiên Lôi đến đòi đoạt mạng.

Mấy quả bom ném thẳng vào cứ địa, tan tác, đến mấy khu cũ rích cũng không tha. Đất ẩm, lụp xụp, thêm vài lỗ giấu mìn rồi lại giật tung lên, nổ đùng đoàng. Vài chiến hạm cố cầm cự trong vô vọng, co cụm rồi vỡ toang hoang, chết chìm trong lò lửa luyện ngục. Dọc đường xuống khe suối nhỏ là con đường xây bằng xác, xác chồng xác, đắp đều lên nhau, lính Tây lính ta lẫn đủ.

Máu tung xối, chảy òng ọc, Trọng trượt dài một cú ngã nhào xuống dốc suối, ôm chặt cái thây của chiến sĩ đã chết mà che thân, nằm nín thở, ẩn nấp đến khi bọn giặc đi khỏi. Ban nãy tiểu đội 27 bị phục kích một trận lớn, nghe đồn là có cả đoàn dân công hỏa tuyến tiếp tế nên bọn nó dập hẳn luôn một lần. Dọc đường chống cự, anh ăn hẳn viên kẹo đồng ngay cạnh sườn, vết thương không nặng, nhưng nếu không cầm máu thì dăm ba phút mốt vẫn chết như thường.

Nửa tiếng sau, khu rừng quay lại khung cảnh im ắng như nó vẫn là, Trọng mới lổm ngổm bò dậy, mon men ngồi cạnh suối, thở dốc. Một cơn mưa nặng hạt đi ngang, trộn lẫn xác người. Từ trên dốc, máu tua tủa trượt dài, thấm tháp vào đất rồi lại bị nước mưa gột sạch sẽ, dưới suối, máu ngập ngụa lênh láng như con kênh nhuốm đỏ. Máu trộn đất, trộn cát, trộn thêm cả nước mưa, trỗi dậy như đống bùn tanh tưởi trực chờ dìm lấy Trọng.

Anh lôi băng gạc từ trong túi áo, vừa cởi áo mình dúi thẳng vào có lỗ rỉ òng ọc máu, miệng khô khốc, nghiến răng ken két mà buộc vết thương. Xong xuôi, Trọng lại chui vào căn cứ, dù chỉ là mỏng manh, nhưng anh thà ngu ngốc tin rằng vẫn có người còn sống, một người nào đó cũng kì tích như anh.

Nhưng chẳng ai cả. Chết, chết hết rồi.

Anh lặng lẽ bước đến bên tiểu đoàn trưởng, người đầu tiên phát hiện bọn địch. Trọng nhớ mãi, chỉ phút trước, tiểu đoàn trưởng còn gào to, như điên, mặt tái nhợt: "Anh em, thà chết... thà chết chứ không để địch..." còn chưa dứt, đã tự giương súng đọp vào đầu, phọt óc ra khỏi tai. Trọng sững người, giọng còn ú ớ, bọn Mỹ đã xông tới kẹp tiểu liên bên sườn. Anh còn nhớ, người đồng chí mà anh mượn thây ẩn nấp đã đẩy anh lao xuống dốc, người đồng chí ấy chết ngay sau đó. Ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau vài giây.

Trọng cẩn thận khép mi mắt lại cho những người đồng đội đã ngã, kéo lê lại một chỗ, cho tới khi chất thành đống. Anh nhìn quanh, chẳng còn ai ở lại, cũng chẳng còn tuyến nào để liên lạc, không có cứu viện, cuộc đột kích quá bất ngờ nên chắc chẳng ai nhận được tin, chẳng lẽ cứ vậy mà chết? Sống được qua đợt dội bom rồi lại chết, đạp qua xác bao người rồi cứ chết lay lắt mãi thế? Mỉa mai làm sao.

Anh cười khẩy, rồi ngất lịm trong cơn mê man.


—------------------------------------


Một âm thanh nhỏ, lách tách, le lói sáng trong cái hầm tối mịt. Trọng tỉnh dậy trong cơn hoảng loạn, theo phản xạ lần đai thắt lưng, dao găm vẫn còn đó. Ánh đèn dầu tuy yếu nhưng đủ để soi thấy mấy thứ trong hầm, là cái hầm tránh bom cũ bị bỏ xó. Trong góc, một cái bóng đang cặm cụi ngồi xổm, trông như đang cần mẫn với thứ gì. Anh bật dậy, lật tung tấm chăn mỏng, lập tức chĩa mũi dao về phía bóng lưng đối diện mà gằn giọng.

"Ai!!!?"

Bóng lưng kia giật thót, cái cối cái chày rơi loảng xoảng. Một cậu nhóc sợ hãi quay người, lấp ló sợ hãi trong đáy mắt.

"Khoan..." Cậu mấp máy. "T-tôi người mình...A-". Rồi cậu kéo căng áo, để lộ đường thêu trên miếng vải sờn. "Dân công hỏa tuyến, đội 4."

"...Sao lại ở đây?" Trọng hỏi, tay vẫn nắm chặt chuôi dao găm.

"Tôi bị lạc..." Cậu dân công run rẩy. "Lúc thồ hàng bị phục kích, chạy loạn cả, tôi men theo con suối thì đến được đây."

"..."

"Tôi là người mình, tôi thề." Cậu nhìn cái bao tải trong góc tường, Trọng theo đó cũng liếc một cái, xác nhận là bao hàng của dân công. "Tôi cũng không có vũ khí." Tay chân cậu vụng về móc ngược túi áo, túi quần, thật sự không có gì.

"Tên?"

"Huấn..."

"Mở cái bao ra!" Anh ra lệnh. "Đổ hết đồ ra. Nhanh!"

Huấn hoảng hồn, vụng về đổ hết đồ trong bao tải, lương khô, muối, gạo, băng gạc, đồ khô, cứ mỗi thứ một ít, nhưng tuyệt nhiên không có vũ khí. Sau một hồi xác nhận người trước mặt hoàn toàn vô hại, Trọng mới buông lỏng dao găm, hạ chuôi xuống nhưng vẫn lăm lăm không rời mắt. Huấn lúc này mới quay lại giã nốt đống thuốc, thêm nước thành thứ chất lỏng sền sệt, nhúng băng gạc qua, mắt len lén nhìn Trọng nhưng vẫn cúi gằm, không dám nhìn thẳng. Anh thì khác, lại nhìn chằm chằm như thể tên trước mặt sẽ tặng anh thêm viên kẹo đồng trong phút nữa.


"Làm gì thế?" Trọng ngờ vực.

"Giã thuốc." Huấn khe khẽ, mi mắt rung lên. "Thuốc nam này tôi mang theo... đồng chí bị thương, đắp cái này cho đỡ." Tay cậu run bần bật, nhưng vẫn cố chìa miếng băng gạc ướt sũng mùi thuốc về phía anh.

"Nhỡ có độc thì sao?"

"..." Huấn im lặng, nghĩ nghĩ một lát rồi rụt tay lại, đưa ngón trỏ lên miệng mút. "Ui, đắng..." Mặt cậu nhăn nhúm. "Đấy, không có độc đâu, tôi đảm bảo."

Anh nhìn cậu, cảm giác nghi ngờ cũng đã vơi đi nửa, sườn mặt anh không còn căng cứng, thay bằng thứ cảm xúc lạ lùng đang nhen nhóm.

"Cậu chắc cậu là người mình?" Trọng lặp lại lần nữa, giọng điệu đã dịu đi đôi chút.

"Tôi thề." Cổ họng Huấn khô khốc. "Tôi chỉ muốn giúp anh thôi..."

"Được rồi." Anh hạ giọng. "Đưa cho tôi."

Trọng nhận thuốc, tháo băng, để lộ vết thương nhớp nháp máu, máu đen, máu cục rỉ ra, mặt Huấn tái mét, nhắm chặt mắt quay đi chỗ khác.

"Sao thế? Sợ à?" Anh đắp băng gạc tẩm thuốc lên bụng, rên khẽ, răng nghiến ken két.

Huấn gật đầu. Trọng nhìn cậu rồi bất giác bật cười, cái đau đớn ngay miệng vết thương như cũng bay biến đi mất.

"Nhát cáy thế này... mà lại đòi tham gia cách mạng à?"

"Tôi không có nhát!" Huấn cãi cùn. "Chỉ là hơi sợ máu, vậy thôi..."

Trọng nghe xong cũng không đáp trả nữa, anh im, cậu im nốt, bầu không khí kỳ lạ bùng lên giữa hai người, có chút lúng túng, cũng không biết dập tắt thế nào.


Băng bó xong xuôi, Trọng lại quay ra nhìn chằm chằm Huấn. Nước da trắng hếu, cái mặt non choẹt, mái tóc đen, lởm cha lởm chởm, chắc vì lâu ngày chưa cắt tỉa, đôi mắt pha đặc một màu ngây thơ như thể chưa từng biết chiến tranh là gì. Trong anh cảm thấy có chút mủi lòng, lẽ ra sự vô tư này cần được giữ gìn thật kỹ, chỉ cần những người như Trọng lao ra chiến trường là đủ.


"Cậu bao tuổi?" Anh hỏi.

"Tôi 18..."

"18?"

"Vâng..."

"..."

"Tôi 24." Trọng trầm ngâm. "Gọi anh đi, anh Trọng được rồi."

"Dạ." Không hiểu sao, Huấn cảm thấy có chút nhẹ nhõm, như thể vừa được gỡ bao tải hàng cả chục ký khỏi lưng, tông giọng không giấu được vui vẻ. "Anh Trọng!"

"... Không cần vui vẻ thế."

"Anh Trọng!!!" Huấn cười toe. "Hì hì, anh Trọng ơi~"

"Im dùm đi..." Trọng mệt mỏi, bọn trẻ bây giờ tụi nó đứa nào cũng lạ lùng thế hay sao? Lần đầu tiên có người gọi tên anh mà hào hứng vậy đấy.


Trời sập tối, Trọng vác theo con dao găm và khẩu súng ngắn, một mình dò la xung quanh. Khu Huấn trị thương cho Trọng cách khu bị đột kích vài cây, lui về cuối rừng Khe Bai. Sau khi chắc chắn mọi thứ an toàn, không còn lại gì ngoài sự hiện diện của anh và Huấn, Trọng mới lặng lẽ trở về. Trong cái lều tạm, xập xệ, hay đúng hơn là tấm vải bố Huấn cột vào nhành cây rồi dựng thẳng, gió lùa tứ phía, một cái bếp hoàng cầm dư tro, mấy thứ lương thực còn dư được Huấn xếp cẩn thận một góc, đủ tằn tiện mấy bữa.

Giữa cái nơi khói đạn, thuốc súng mù mịt lại có chốn ăn chốn ở đàng hoàng thế này, Trọng nhìn mãi cũng không quen mắt. Trước giờ đi lính chẳng ai câu nệ chuyện sạch sẽ, ngày đêm lem lấm bùn đất, bạ đâu nằm đó, hôm ngủ đứng, lúc ngủ ngồi, cả người chỉ ôm độc khẩu tiểu liên phòng thân. Có những đêm Trọng còn tưởng mối mọt đã xây tổ trên người mình, máu khô lại dưới gót chân vì chẳng còn nước rửa.

Anh ngồi xổm sau Huấn, nhìn bóng dáng người con trai đang lom khom phủi bụi từng gói lương khô, anh cứ ngỡ như thằng út nhà mình. Thằng cu lanh lợi, kháu khỉnh, mắt tròn xoe như con mèo, cười lên lại thoắt thoắt ẩn ẩn cái lúm đồng tiền, trông duyên lắm. Nó cũng từng tỉ mẩn như vậy, trước khi bị đạn cối tiện mất cái đầu, máu nó phun vào áo Trọng, ướt sũng cả ngực. Từ lúc đó, Trọng lên đường làm lính, mà cũng từ dạo đó, chẳng ai thấy anh khóc nữa. Người ta đi lính vì tiếng gọi của Tổ Quốc, Trọng đi lính vì một thằng em trai đã chẳng còn thở, nghe cũng chẳng vẻ vang gì cho cam.

Huấn không phải người hay than vãn, cậu không khó ở, ai kêu gì làm đó, được cái vụng về, đụng gì không hư thì cũng hỏng. Nhưng cái tính chân thành thì hiếm, lòng dạ sáng như hòn than đỏ hỏn, dai dẳng chẳng tàn. Giữa chiến trường mà còn vác về một tên thương binh như Trọng, người như cậu, tại sao lại lăn lộn nơi chiến trường toang hoang?

Trọng toan nói gì đó lại thôi, cũng không biết sao mình lại thở dài. Anh khều Huấn, đưa cậu cái bi đông đầy nước, rồi cầm gói lương khô lên, bẻ đôi mỗi người một nửa.

"Ăn rồi uống nước nhiều cho nhanh no."

"Dạ." Huấn chìa hai tay nhận lương khô, lại cười toe như con nít, móng tay vàng khè màu thuốc. Cả hai cứ thế ngấu nghiến trong đêm đen, ăn rồi uống cạn bi đông, chỉ còn lại ánh sáng lay lắt từ chiếc đèn dầu, hắt nhẹ lên mặt mỗi người một nửa.

"Ăn xong ngủ sớm đi." Giọng Trọng trầm khàn. "Hôm nay bị đột kích mà còn sống là phước lớn."

"Dạ." Huấn thẫn thờ. "Ngày mai nhắc em giã thêm thuốc, em thay băng cho anh."

"Ừ." Trọng đáp, cụt lủn, độ nửa phút sau lại đơm thêm một câu. 

"Cảm ơn."

"Dạ?"

"Anh biết cậu lê cái thây này cả cây số, cả chuyện đắp thuốc..." Anh khịt mũi. "Cảm ơn cậu."

"..."

Huấn ngẩn người nhìn tấm lưng xoay ngược về phía mình, tấm lưng gầy ẩn sau lớp áo sờn cũ. Trong cái ánh sáng sắp tắt, đâu đó vẫn lóe lên một ngọn lửa bập bùng, như cái hi vọng nhỏ nhoi về việc có hai kỳ tích tìm thấy nhau giữa lằn ranh sống chết. Huấn ngồi canh lửa, đến khi ánh đèn dầu tắt hẳn đi, gió lùa lạch phạch, mới chậm rãi ngả lưng.

"Anh Trọng ngủ ngon."

Trọng không đáp. Chỉ có hơi thở khe khẽ và tiếng côn trùng vỡ ra trong đêm tối.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip