Chương 14: Tiền tham qua.

Buổi sáng thứ hai hôm nay tại lớp 10A1 không khác các buổi sáng thứ hai khác là bao. Trống vào tiết vừa dứt, cả lớp 10A1 vẫn còn đang lơ mơ. Người gục xuống bàn, người nhét bánh mì vào miệng, người cuống cuồng học tủ nốt môn Lý. Bầu không khí đặc quánh mùi buồn ngủ và tiếng giấy sột soạt.

Bỗng...RẦM!

Cánh cửa lớp bật tung như trong phim hành động. Chỉ thiếu điều là gãy luôn cái cửa. Cả lớp giật mình nhìn lại, cái đứa đang nhai nốt bánh mì cũng đột nhiên bị nghẹn, quay đi quay lại xin nước.

Hân, vẫn mang cái năng lượng điên khùng của mình thường ngày đến lớp, nhưng hôm nay không chỉ có thế mà còn có một gương mặt xinh đẹp rạng rỡ và một tin vui bất ngờ:

"CẢ LỚP MÌNH ƠIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIIII" Giọng Hân ré như còi báo cháy khiến vài đứa hét lên, một đứa khác đánh rơi cả bút.

"Tụi mình sắp được đi tham quan rồi đó!!!!"

"Hả?" Cả đám loạn hết cả lên. Bọn nó nhốn nháo đến mức bàn ghế xô lệch, mấy đứa đang úp mặt ngủ lồm cồm bò dậy như zombie vừa tỉnh cơn mộng mị. Có đứa con gái đột nhiên bộc phát sức mạnh bế phốc con bạn mình lên quay mòng mòng.

Đây là chuyến đi chơi chung đầu tiên của cả lớp.

Trang ngồi bên cửa sổ gần cửa ra vào, vỗ trán thở dài:

"Hân, cái kiểu xuất hiện của mày mỗi lần có tin sốc làm lớp mình dễ đột quỵ lắm luôn á."

Trang không kịp trách lâu, vì cũng quá vui vẻ vì chuyến đi sắp tới. Trang thấy đi đâu không quan trọng, quan trọng là đi cùng với ai.

Trang cảm giác được đây sẽ là một cuộc tham quan thật sự vui vẻ.

Cả lớp: "AAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAkA!!!". Nam nữ ôm nhau lẫn lộn, đập vào vài nhau vài cái nói nhỏ thứ gì đó. Có đứa còn nghĩ trước xem nhà đứa nào bán đồ ăn để kêu chúng nó mang đi.

Một bạn nữ tên Hà bật dậy hú hét:

"Tao vừa gỡ móng tay tuần trước! Trời thương rồi! Tao phải chơi tới bến."

Một bạn nam gào to:

"Mẹ tao vừa tặng tao một đống quần áo hôm qua. Đúng là điềm báo đi chơi!!!"

Cô Hiền bước vào giữa cơn nhiễu loạn như người lính chạy dưới làn mưa bom đạn.

Tay cô cầm sổ đầu bài, mặt chưa kịp nghiêm đã bật cười vì không khí náo nhiệt.

"Đúng như Hân nói. Lớp mình sẽ được đi tham quan cuối tuần này. Cô đang chốt hồ sơ để phòng tài vụ hỗ trợ một phần kinh phí."

Một giây sau, cả lớp lại vỡ òa. Cứ nghe thấy từ "tham quan" là lại có đứa rít lên. Bên A2 hình như cũng đã được thông báo thì phải, tiếng hét vang vọng khắp cả hành lang khối 10.

Hân nhún vai kiểu "tao nói rồi mà", rồi vỗ bàn "bộp bộp" để lấy lại trật tự. Nó hít một hơi, giọng nghiêm túc như đang phát biểu trong Đại hội đoàn:

"Tao biết... không phải ai cũng rảnh tiền để đi. Có người còn chưa kịp đóng học phí, chưa chắc xin được tiền kịp..."

Giọng nó nhỏ dần, như thể đang lạc đi trong lớp học đông người. Ánh mắt nó lia sang mấy bạn hay ngồi cuối lớp, mấy người ít nói, hay vội ra về sau giờ học. Họ im lặng, cúi đầu hoặc giả vờ lật sách.

Hân nuốt nước bọt:

"Tao không muốn đứa nào phải ở lại. Không vì chuyện tiền bạc. Nên nếu cần, lớp mình có thể góp ít ít, giấu tên cũng được, giúp thêm được bạn nào đó đi được cùng tụi mình..."

Lớp chọn của chúng nó - ai cũng nghĩ toàn con nhà khá giả, học giỏi từ đầu vào. Nhưng thật ra, cũng có những bạn đến đây bằng nỗ lực gấp mười lần người khác.

Không học thêm, không có máy tính riêng.

Đôi khi đến lớp bằng xe đạp cũ, buổi chiều còn phải phụ bố mẹ bán hàng.

Chỉ nhờ kết quả thi tuyển thật tốt, mấy bạn ấy mới được đặt chân vào lớp này - lớp chọn danh giá nhất khối.

Nhưng vì hoàn cảnh, các bạn ấy thường im lặng khi lớp bàn chuyện đi chơi, mua đồng phục hay góp quỹ. Không phải vì không muốn.

Các bạn ấy không bao giờ giơ tay xin hỗ trợ. Cũng chẳng than vãn gì.

Chỉ âm thầm nhét từng đồng tiền lẻ mẹ cho vào ống tiết kiệm, mong kịp đủ trước hạn chót.

Trong lòng mấy bạn ấy, cái cảm giác bị coi là "đặc biệt" còn khiến người ta còn tủi thân hơn là nghèo.

Không ai muốn bị chỉ vào, bị nhắc tên, hay được trao phong bì giữa sân trường với ánh mắt thương hại xung quanh.

Ai cũng muốn được sống như bao người. Được đi chơi như bạn bè. Được lặng lẽ đóng tiền như người bình thường. Không phải nghe một "câu chuyện vượt khó" bị đem ra nhắc hoài trong buổi họp phụ huynh.

Trong lớp, khó khăn nhất là nhà của Việt Bân.

Cậu bạn ấy ngồi ở dãy bàn gần cuối lớp, sát cửa sổ.

Không ai chú ý nhiều tới Bân.

Cậu học khá, hiền, không nghịch phá, không ồn ào. Vẫn mặc đồng phục gọn gàng, vẫn cười khi bị gọi tên trả bài. Nhưng cũng chính vì không nổi bật, nên ít ai biết: nhà Khoa bán đậu phụ và nước đậu mỗi sáng.

Sáng nào cũng vậy, 4h30 là Bân đã dậy phụ bố gánh từng thùng nước đậu ra đầu hẻm, kê tạm mấy chiếc ghế nhựa để bán cho khách quen.

Có hôm còn bưng cả những miếng đậu vừa ép ra chợ cho mẹ kịp giao. Mùi đậu còn dính đầy hai tay, cậu phải rửa sạch bằng xà phòng trong nhà vệ sinh trường trước khi vào lớp.

Bân chưa bao giờ kể với ai.

Không phải vì xấu hổ. Mà vì cậu nghĩ...

chỉ cần nói ra thôi, người ta sẽ nhìn mình khác đi.

Cậu ghét cái cảm giác bị nhìn như "người vượt khó".

Cậu từng được tuyên dương đầu năm học, là "học sinh hoàn cảnh khó khăn vẫn nỗ lực vào được lớp chọn". Lúc đứng trên sân khấu, cả trường vỗ tay, cô hiệu trưởng mỉm cười động viên.

Nhưng Bân chỉ thấy trống rỗng.

Ánh mắt từ bạn bè bên dưới như một thứ mỉa mai vô cùng chiếu thẳng vào sự bất lực của cậu.

Chẳng lẽ chiếc lá nhỏ trên cây sẽ mãi sẽ tầm thường.

Chẳng lẽ, những người có hoàn cảnh khó khăn... sẽ mãi là những người đặc biệt?

Đó không phải là động lực.

Đó là một vết cứa.

Bây giờ, khi nghe Hân reo vang tin lớp sẽ đi tham quan, cậu vẫn mỉm cười.

Nhưng tim lại khẽ nhói lên.

Không phải vì không muốn đi - cậu rất muốn.

Cũng không phải vì cậu không vui - cậu rất vui.

Chỉ là cậu không chắc là vài bìa đậu sẽ đủ tiền cho cậu.

Đi đến những nơi mà cha mẹ cậu còn chưa được đặt chân tới. Ăn những món đồ mà cha mẹ cậu còn chẳng ước là sẽ được nếm thử một lần trong cuộc đời.

Tối hôm qua, Việt Bân đã âm thầm đếm lại từng đồng tiền lẻ trong ống nhựa cậu tiết kiệm để đóng tiền học tháng sau.

Vẫn thiếu gần một nửa.

Nhưng cậu không nói với ai.

Không muốn cô giáo nhìn mình với ánh mắt dịu dàng.

Không muốn bạn bè lén hỏi "có cần giúp không?".

Không muốn ai phải thương hại.

Cậu chỉ muốn...

Được là một phần của lớp 10A1 - như bao người khác - một người bình thường.

Việt Bân nghe Hân nói định đứng bật dậy. Nhưng Trung Anh đã nhanh chóng giành lời nói trước. Lời cậu cất lên, mắt Việt Bân như trực trào vài giọt lệ.

Cậu lớp trưởng cao lớn ấy vẫn giữ giọng trầm đều, ánh mắt quét qua cả lớp - nhưng lần này có gì đó rất khác.

Cậu nhìn Hân, rồi nhìn từng gương mặt bạn bè, chậm rãi nói:

"Tụi mình đi học chung một lớp, mang cùng màu áo, cùng một ước mơ thi vào trường này. Nhưng không phải ai cũng có một xuất phát giống nhau."

Cả lớp im bặt. Đến cả cô Hiền cũng phải ngồi xuống lắng nghe.

"Có bạn bố mẹ làm công nhân, sáng chạy ca đêm, tối đạp xe về vẫn cười với con. Có bạn nhà bán đậu, sáng gánh đậu đi bộ ra chợ, rồi mới chạy vào trường học.
Có bạn sợ nhất là đến giờ đóng tiền không phải vì không muốn, mà vì không biết kiếm đâu ra để phụ cha phụ mẹ."

Việt Bân khựng lại trong ghế. Môi cậu mím chặt.
Những lời đó như thể Trung Anh đang nói thay cả những điều cậu giấu kín lâu nay.

Trung Anh nói tiếp, ánh mắt không lay động:

"Mình biết Hân không có ý xấu. Nhưng chỉ muốn nói, không ai ở đây muốn được nhìn bằng ánh mắt thương hại....

Tụi mình chỉ cần được đối xử như một phần của tập thể.

Không hơn, không kém."

Hân ngồi đó, ánh mắt lặng đi.

Nó vẫn cố cười - cái kiểu cười gượng gạo nhất trong tất cả các kiểu cười nó từng làm.

Nó đâu có ý gì đâu. Nó chỉ... chỉ muốn ai cũng được đi, ai cũng có kỷ niệm đẹp. Bức ảnh lớp được gửi lên nhóm sẽ có đầy đủ thành viên...

Vậy mà lời nói của nó, không suy nghĩ - lại như một nhát dao, cắt vào lòng những người bạn từng ngày lặng lẽ chống chọi với cuộc sống ngoài cổng trường kia.

Không khí lớp học bỗng nhiên như ngưng đọng.

Tiếng quạt trần quay lặng lẽ.

Tiếng ve đầu hè cũng không át nổi sự yên ắng lạ kì đang bao trùm căn phòng ngập nắng.

Mặt trời sáng rực rỡ vậy, mà mắt Hân lại cay xè.

"Xin lỗi..." Hân lẩm bẩm. Giọng run run như tự trách bản thân mình rất nhiều.

"Tao không... không có ý đó..."

Nó cắn môi. Mắt vẫn nhìn xuống. Ngón tay siết lại đến mức trắng bệch.

"Tao chỉ muốn tụi mình được đi chơi cùng nhau... chỉ vậy thôi mà..."

Rồi không hiểu sao, nước mắt cứ thế tuôn ra.

Nó òa lên như một đứa bé, tay cứ liên tục lau mắt, như bất lực cố giấu đi sự yếu đuối của chính bản thân mình. Không ai nghĩ một người như nó sẽ khóc.
Đứa con gái cả ngày bày trò, đầu óc không lúc nào ngừng nghĩ ra đủ kiểu "kế hoạch phá làng phá xóm" lại là người đầu tiên... ôm mặt nức nở giữa cả lớp.

Nó chỉ biết tự trách mình, chỉ biết rúc vào trong cái vỏ bọc yếu ớt vừa bung ra.

"Xin lỗi... vì tao nói ngu... Tao tưởng là nói ra thì bọn mày sẽ cảm thấy được quan tâm, ai dè lại khiến bọn mày cảm thấy tủi thân hơn..."

Không ai biết làm gì.

Không ai cười, cũng chẳng ai nói "nó làm quá"...

Vì cả lớp đều thấy đau lòng theo cách nào đó.

Một tiếng ghế kéo kẽo kẹt.

Việt Bân - cậu bạn ngồi cuối lớp, người luôn đến sớm nhất, luôn rời lớp trễ nhất, luôn lặng lẽ như một chiếc bóng - đứng dậy.

Cậu bước về phía Hân, chẳng cần ai nhắc.

Đôi chân nhỏ gầy của Bân hơi run, nhưng ánh mắt lại chắc chắn đến kỳ lạ.

Cậu không nói gì lúc đầu.

Chỉ khẽ cúi người xuống, đặt tay lên lưng Hân.

"Bọn tao hiểu mà." Giọng Bân nhỏ, ấm, và chậm. Nhưng từng chữ như rơi vào lồng ngực từng người trong lớp.

Hân không nói gì.

Chỉ gục đầu vào tay Bân, nước mắt rơi càng lúc càng nhiều.

"Bọn tao biết mày tốt. Biết mày thương lớp mình nhiều cỡ nào. Mày không sai gì hết."

"Chỉ là..." Cậu ngập ngừng một chút "...đôi khi, tụi tao đã quen sống yên lặng quá rồi, nên không biết cách giãi bày. Tao cảm ơn mày. Cảm ơn vì đã lên tiếng thay cho tụi tao."

Một cái ôm khác nữa từ phía sau.

Rồi thêm một cái.

Ba, bốn, năm cái ôm cùng lúc.

Là những đứa học sinh mà người ta hay gọi là "học sinh nghèo vượt khó", là "tấm gương sáng", là những đứa trong lễ tổng kết được mời lên sân khấu để nhận phần thưởng, rồi lại phải nhanh chóng trở về chỗ ngồi vì "đặc biệt nhưng không cần quá quan tâm".

Hân ngồi giữa đám bạn ấy.

Khóc òa.

"Đừng khóc nữa, bà nội. Bà mà còn khóc là tụi con khóc theo bây giờ đó." Một giọng con trai khản đặc phía sau.

"Bà không hiểu mày quan trọng với tụi con cỡ nào đâu!" Một giọng nữ nghẹn ngào.

Diệp nhìn thấy ở bên cạnh, cắn môi. Lại mỉm cười.

Trung Anh vẫn đứng đó, mắt dịu lại, như thấy được một điều gì rất sâu xa từ những câu chữ mà mình buột miệng nói ra.

Cô Hiền, giáo viên chủ nhiệm, từ nãy giờ vẫn im lặng ngồi trước lớp.

Cô nhìn cả lớp ôm lấy nhau, một cô học trò bé nhỏ đang òa khóc giữa vòng tay bạn bè

và nước mắt cô cũng lặng lẽ rơi.

Dư âm của trận mưa nước mắt từ Hân vẫn còn đó, nhưng chưa kịp khô hẳn, không khí lớp 10A1 đã dần nóng trở lại - lần này không phải vì xúc động mà là vì sức nóng của những chiếc ví.

Bắt đầu từ bàn đầu dãy trái - Quý "Điện Máy Xanh", bố có công ty bán đồ gia dụng - Mai Hòa đột nhiên đứng bật dậy, vỗ bàn đôm đốp, giọng vang lên như đang livestream bán hàng:

"Tao xin góp 1 triệu! Chốt đơn một bạn tham quan!! Ai nâng lên không? Mạnh dạn lên chốt đơn giúp em!"

Cả lớp "ồ" lên.

Trang quay sang Diệp thì thào:

"Ủa má, bữa trước nó còn rên không đủ tiền tiêu vặt để mua ốp điện thoại mà..."

Diệp nhếch môi:

"Chắc mới trúng tờ vé số 100 triệu."

Ngay lập tức, từ bàn cuối, An - cháu đích tôn của bà, người nổi tiếng với biệt tài được bà nội lì xì quanh năm và luôn mang theo mùi dầu gió ngẩng đầu lên khỏi đống đề ôn thi:

"Cho tao góp năm trăm! Nhưng yêu cầu là những đứa được đi phải mặc cái áo màu hồng!"

Không ai biết An nói thật hay giỡn. Nhưng cái dáng với giọng nói nghiêm túc đến mức vô lý đó khiến cả lớp cười như bị chích điện bên Campuchia. Đứa nào cũng cười nghiêng ngả nhìn rất hoang dã, vài đứa còn ậm ừ bảo:

"Ờ thì, áo hồng cũng được, cũng cũng đại đại đi."

Tiếp theo là Bình "Học thêm nhiều nhất lớp", lặng lẽ rút ví - trong đó không phải tiền, mà là sổ phụ tiền lì xì từ hồi Tết lớp 7.

Cậu ngẩng đầu nhìn Hân, nói nhỏ nhưng rõ từng chữ:

"Tao góp 200. Không nhiều...Thật lòng thôi."

Một đứa khác từ dãy giữa la lớn:

"Tao góp 300! Nhưng với điều kiện: cho tao mang loa bluetooth để mở nhạc EDM trên xe!"

Hân đột nhiên buồn cười, mắng: "MÀY MANG TAO CHẶT LOA."

Quang cũng đứng lên, khoanh tay dựa vào bàn. Cậu không nói gì, chỉ nhẹ nhàng để bốn tờ năm trăm lên bàn Trung Anh - người đang bị ép làm thủ quỹ bất đắc dĩ - rồi gật đầu:

"Không cần ghi tên. Ai cần thì lấy. Nhưng nhớ rủ tao chụp ảnh nhóm nha."

Trang nhìn cái tờ tiền mà cười phì, quay sang bảo:

"Nhìn vậy chứ trap boy này cũng ấm lòng ghê."

Và rồi đỉnh điểm là khi Trường Anh quay xuống, rút trong balo ra một xấp tiền lẻ:

"Tiền bán mô hình Gundam. Tạm thời bán bớt. Góp 4 triệu. Tao lấy tiền thừa đi mua dây thừng trói mấy đứa không đi."

Hân lúc đó lau nước mắt chưa xong, ngồi thừ như vừa tỉnh sau giấc mộng. Nó nhìn từng đứa bạn - người giàu có, người chắt chiu - đang cùng nhau gom góp từng đồng.

Không ai xem đây là "bù tiền cho người nghèo."
Mà là: "Mày là bạn tao. Tao muốn mày đi cùng."
Trung Anh thở dài, bưng cả đống tiền vừa gom được:

"Làm lớp trưởng đúng là lương tâm không bằng lương thực..."

Nhưng ánh mắt cậu lại ánh lên một niềm tự hào.

Tự hào vì được làm lớp trưởng của một tập thể mà dù có người ăn bánh mì pate, có người gọi trà sữa topping gấp đôi, có người đi xe đạp cà tàng hay xe ga êm ru - thì khi cần, tất cả đều nhìn về một hướng.

Có vài đứa nhìn đống tiền vẫn còn khó hiểu. Trang và Hân khoác vai hét lớn: "Chính là bọn tao muốn chúng mày đi đó, chúng mình là một gia đình mà!"

Tiếng hét của Hân và Trang, như cơn sóng vỡ òa sau những lớp cảm xúc dồn nén suốt từ sáng đến giờ, khiến cả lớp 10A1 một lần nữa bật cười rôm rả.

Nhưng lần này, tiếng cười ấy không chỉ vì trò đùa hay câu nói hài hước, mà là tiếng cười của sự giải tỏa, của sự hóa giải khúc mắc, của tình cảm được nhìn thấy qua sự sẻ chia.

Một bạn nam ngồi cạnh Bân- tên là Đình - mắt đỏ hoe, không giấu nổi sự xúc động, đứng lên lí nhí:

"Tao cũng tính ở nhà... Tại ngại, chứ thật ra tao cũng muốn đi."

Vài đứa gần đó không nói gì, chỉ gật đầu - nhưng cái gật đầu ấy mang theo sức nặng như hàng ngàn lời vỗ về:

"Ừ. Đi đi. Mày xứng đáng mà."

🎐Một chút chia sẻ của tác giả: Thực ra tên chương "Tiền tham quan" mà tớ nghĩ ra lúc đầu có nghĩa "trước khi tham quan". Nhưng không hiểu sao:))) Nó lại trở thành cả "tiền tham quan" đúng theo nghĩa đen thật rồi. Cái này tớ không tính toán trước được. Nhưng khá thú vị. Hoặc do tớ nhạt=)))🎐

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip