10. Trăng dưới nước, trăng trên trời
Ngoài đình tấp nập người đi kẻ lại, trăng đêm nay vẫn lặng lẽ rơi bên hồ, sương đêm lành lạnh thấm dẫm lên da thịt. Chí Mẫn đi trước, Chính Quốc sải bước theo sau. Cậu luôn muốn đi phía sau em, để mỗi bước chân của em đều được cậu in dấu lại, dù là em bước trên sỏi đá, hay bất cứ nơi đâu xa lạ, cậu vẫn phía sau em, để tìm đôi chút cảm giác như thể đang về nhà.
Phác Chí Mẫn, anh ở đây, dang tay chờ em này.
Phác Chí Mẫn, anh nơi này, ngoảnh lại sẽ nhìn thấy.
Còn khoảng nửa giờ đoàn hát mới mở cửa, em và cậu không đi dạo chợ đêm, không hòa vào đoàn người nhộn nhịp. Hai người chỉ đứng ở trên hồ nước ngắm trăng. Mùi đất ẩm đầu thu khiến từng tấc thịt trong người dễ chịu đến lạ. Những làn gió tê lạnh tựa như một dòng nước chảy, đi qua mọi ngóc ngách trong tâm, rồi dần trở nên ấm áp bởi nhịp đập của đôi trái tim.
Cậu muốn ôm lấy em từ đằng sau, trở thành điểm tựa để em trốn chạy khỏi thế giới. Cậu muốn gửi tất cả dịu dàng vào tiếng yêu, để chỉ mình em thấy được tấm chân tình rộng lớn. Cậu gieo vào tim em những hạt giống nhỏ bé, để nó dần lớn lên, sinh trưởng thành một tình yêu ngọt ngào.
Cậu và em đều là những thiên sứ chỉ với một chiếc cánh mỏng, và chỉ kề cạnh nhau mới có thể bay lên bầu trời. Người đời bảo đôi thiên sứ ấy dị tật, là phế vật. Nhưng nào biết rằng, họ là duy nhất, là độc tôn, chẳng đại trà.
Cậu nhớ khi bé, em đã từng hỏi cậu có phải trên thế gian này tồn tại hai Mặt Trăng, một dưới nước và một trên trời. Cậu bảo đúng là có hai Mặt Trăng, nhưng là một dưới nước và một trong tim. Em cũng từng hỏi liệu trên màn đêm thăm thẳm kia có phải có hàng vạn vì sao. Cậu chỉ cười, bảo hàng vạn vì sao ấy chỉ thu gọn bằng đôi mắt của em.
Đến bảy giờ, đoàn hát đã mở cửa cho mọi người vào. Có Hạo Thạc, Tại Hưởng, có cả Thạc Trân và anh hai Doãn Kỳ đang ngáp ngắn ngáp dài ở đó. Là khi nãy, em và Chính Quốc nài nỉ Doãn Kỳ cùng đi, cuối cùng bằng quyền lực của một người chủ nhà, Chính Quốc đã thành công lôi kéo Doãn Kỳ ra ngoài đình xem ca nhạc.
"Chí Mẫn, đi coi ca nhạc đó à?"
Thạc Trân thấy em liền vẫy tay gọi, em chỉ gãi đầu mỉm cười. Còn Tại Hưởng bên cạnh thì liếc xéo anh, buông lời chế giễu.
"Vậy cũng hỏi. Vào đây không coi ca nhạc chẳng lẽ đi uống nước mía nhà anh."
Ai bảo cứ là anh em ruột thịt thì sẽ luôn bảo vệ chở che lẫn nhau. Điều đó chỉ chính xác đối với Doãn Kỳ và Chí Mẫn thôi. Còn anh em nhà Kim còn lâu nhé.
Đất trời reo ca, đoàn người nhộn nhịp. Nhưng vẫn không xua được cảm giác trống vắng. Lũ trẻ ngày ấy đều có mặt ở đây đầy đủ cả, chỉ thiếu mỗi Kim Nam Tuấn thôi. Nam Tuấn đi sang bên Tây học từ năm ngoái rồi, nó muốn học nghành y để về làng chữa bệnh cho các cụ. Nghe bảo học tận sáu năm, lâu kinh.
Nam Tuấn với anh Thạc Trân đó giờ mến nhau lắm, mà không ai dám nói, cứ vờn qua vờn lại cho đỡ nhung nhớ chứ không đâu vào đâu cả. Hôm Nam Tuấn đi, Thạc Trân chân trần chạy ra đầu làng níu Nam Tuấn lại, không cho Tuấn lên xe. Nam Tuấn khi ấy hứa sẽ học tập thật chăm để còn mau về cưới Thạc Trân, mua cho Thạc Trân chiếc xe nước mía thật xịn để anh bớt cực.
Mà cái tánh vô tư nhởn nhơ của Thạc Trân đã in sâu vào máu anh rồi, nên có buồn rầu đến mấy cũng liền tung tăng bay nhảy vài ngày sau đó. Ảnh nghĩ tới cái cảnh Nam Tuấn một thân tây trang kim sa hột lựu đắt tiền từ trời Tây trở về, liền hí hửng cười khoái chí. Sáu năm thì có bao lâu đâu chứ, đợi sáu năm nữa, tuy trông có vẻ hơi ế tí, nhưng liền cưới được thằng chồng ngon lành, ngu gì hổng chịu.
Khi ấy, anh sẽ cùng Nam Tuấn choàng tay sải bước từ đầu làng đến cuối làng, ngẩng cao đầu khoe chồng Việt Kiều với mấy con quỷ chê anh ế già ế nhăn. Nghĩ tới thôi đã sướng run cả người. Mà nó hứa sẽ cưới anh rồi, sau nuốt lời anh bẻ đầu nó ép thành nước mía luôn.
Sân khấu bắt đầu sáng đèn, một chị gái mặc đầm dài tầm hai lăm tuổi từ cánh trái bước ra. Cái mặt bà chị đó chả biết bôi trét cái giống chi mà trắng như ma, cái môi đỏ chót như bị dính tương ớt vậy. Người gì kì ghê, lên sân khấu cũng không biết rọi gương cho chỉnh tề, mặt mũi như vậy người ta họ cười cho. Thế mà Chí Mẫn nghe lóng ở phía sau có mấy anh trai hát ngêu ngao, cái gì mà 'môi son má đào, chân guốc cao gót trông duyên dáng chưa kìa'. Ối giồi ôi gu người lớn giờ lạ thiệt.
Sau khi bà chị đó nói một dây dài không ngừng nghỉ, nhạc bắt đầu vang lên, có mấy người bôi trét y hệt bà chị đó từ từ tiến vào. Chí Mẫn công nhận hơi mấy người đó dài kinh khủng, em nghe mà muốn tắt thở tại chỗ.
Mấy lần trước em chỉ đứng ở ngoài nghe lỏm, nay được coi tận mắt thì mê say đến nỗi chẳng để ý gì đến xung quanh, vẫn không hề nhận ra ánh mắt của Chính Quốc bên cạnh. Chính Quốc nhìn em như thể vạn vật xung quanh đều bị lu mờ, chỉ còn mỗi mình em là rõ bóng. Giữa biển người bao la rộng lớn, ánh mắt đầu tiên anh bắt gặp được chính là em. Giữa hàng vạn kiếp đời có sang giàu có đói nghèo có, vậy mà anh có thể đường đường chính chính đặt bước chân vào cuộc đời em. Anh chẳng có thể một tay giấu hai ánh trăng trong lòng, cũng chẳng thể nào nhặt hết những vì sao trên cao, anh chỉ ước ao cùng em đi đến mai này và mãi mãi.
Mãi mãi là bao lâu? Là bao xa?
Chắc chắc chẳng phải tận cùng trái đất, cũng không phải phía cuối chân trời.
Mãi mãi là gì anh cũng không biết. Phải chăng em là mãi mãi hỡi người ơi?
Anh thương em lắm đấy, xem em là tất cả trên đời. Em ở đây, và anh không còn cảm thấy đơn độc.
Khi ca nhạc kết thúc thì cũng sang canh hai. Người trong làng mọi khi đến giờ này thì ai cũng đang ngủ phè thây ra cả. Riêng hôm nay, đường làng tấp nập người ra về.
Tại Hưởng và Hạo Thạc bảo mọi người về trước, hai nó quay ngược ra chợ đêm mua thêm vài món đồ. Gì chứ Chí Mẫn biết hết rồi nghen, hai nó khi nãy nhắm trúng đôi vòng sợi màu xanh ngọc, chắc hẳn ra đó rinh về đeo chứ gì. Mà không phải riêng Chí Mẫn biết hai đứa nó thương nhau đâu, cả Chính Quốc cũng biết nữa.
Cậu biết từ bảy đời xứ rồi.
Ngang qua cái miễu thờ ở đầu ngõ. Xui rủi sao mà bốn người Chính Quốc, Chí Mẫn, Doãn Kỳ và Thạc Trân thấy tụi nhỏ trong làng đang chơi ma lon. Tụi nó nắm tay đứng vòng tròn xung quanh cái lon rỗng có khoét lỗ cắm nhang, đồng thanh hô:
"Mấy hồn có rãnh, lên chơi với tụi con."
"Mấy hồn có rãnh, lên chơi với tụi con."
"Bắt dí lò cò, dui lắm mấy hồn ơi."
Đọc xong, tụi nó hét lên chạy tán loạn. Khoảng vài giây sau, có một thằng lớn xác chạy tới đá văng cái lon, một tiếng 'keng' giòn tan vang lên, cái lon bay thẳng vào đầu Thạc Trân. Ma đâu chẳng thấy, chỉ có cái cục u của Thạc Trân nổi chình ình trên trán.
Tụi nhỏ điếng người, tưởng anh sẽ phóng tới nhéo lỗ tai chửi banh xác tụi nó. Nào ngờ anh đứng yên không nói gì, suýt xoa cục u trên trán rồi cầm cái lon đi tiếp. Kỳ, Quốc, Mẫn cứ nghĩ Thạc Trân đang rầu vì nhớ Nam Tuấn, không có tâm trạng chửi tụi nhỏ. Ngờ đâu, anh đi thẳng sang nhà từng đứa một mắng vốn cha má tụi nó, cho đến khi tụi nó vòng tay cúi đầu xin lỗi ảnh mới tha.
Doãn Kỳ hỏi anh sao không bẻ đầu đám đó tại chỗ luôn, chạy tới nhà họ quấy làm gì. Anh nghĩ dù gì tụi trẻ đó cũng ngoan, đâu bố láo bố toét như mấy thằng ranh làng bên.
Người ta nói thương cho roi cho rọt mà. Anh thương anh méc cha méc má tụi nó.
Nghĩ thế thôi, chứ lời anh buông ra lại khác.
"Chỗ đó gần miễu, lỡ tao chửi không cho mấy ông thần ngủ, mấy ổng trù tao bán ế."
Phải xui lắm mới lỡ đắt tội trúng anh hai Trân nước mía.
Về đến nhà, Chính Quốc đi ngang qua phòng của Chính Kiên. Cuộc trò chuyện của hai mẹ con họ khiến đôi chân Chính Quốc đang nhịp nhàng sải bước bất chợt dừng lại. Họ đang nói về em, Phác Chí Mẫn. Giọng bà hai lanh lảnh, từ chữ, từng chữ một đều rõ ràng lọt vào tai Chính Quốc.
"Tao đã nói rồi, mày không được dây vào cái thằng tôi tớ đó."
"Nhưng con thương Mẫn, thưa má."
"Mày là đồ thất bại. Tao chỉ yêu cầu mày học hành cho giỏi giang, có bấy nhiêu đó mà bao năm nay không làm được, toàn học những thứ ma quỷ mê tín ở cái phường chợ nào đâu không. Nay to gan, thương cả cái thằng tôi tớ thấp hèn đó. Tao nói rồi, còn dây dưa vào thằng Mẫn tao liền sai người chặt chân nó, tống luôn cổ nó ra khỏi Điền gia."
"Má, con xin má. Má ép con làm gì cũng được, nhưng đừng cấm con thương Mẫn."
Chính Quốc phía ngoài tuy không hề thấy vẻ mặt hai mẹ con bà Hai lúc này như thế nào. Nhưng dựa vào giọng điệu sụt sùi khản đặc của Chính Kiên cũng đủ hình dung rằng nó đang rất khốn khổ. Nếu Chính Quốc là nó, cậu cũng như vậy thôi. Cơ mà nếu chuyện cậu thực sự là Chính Kiên, cậu sẽ không chịu để yên cho bà Hai chi phối đâu, cậu sẽ sống cho bản thân, đấu tranh kể từ khi còn nhỏ chứ chẳng phải đợi đến khi đủ lông đủ cánh như hiện giờ.
Chính Quốc đã từng đọc qua một câu: "Trên thế giới này có hai thứ bất hạnh nhất. Một là không có việc gì khiến bạn khao khát, hai là không có người nào khiến bạn muốn yêu". May mắn thay, Phác Chí Mẫn chính là đáp án của cậu cho câu nói đó.
Chính Quốc không tự thừa nhận bản thân giỏi giang hơn Chính Kiên về mọi mặt, nhưng cậu chắc chắn cậu hạnh phúc hơn nó rất nhiều. Bởi vì Điền Chính Kiên không có một Phác Chí Mẫn xuất hiện trong đời.
Chính Kiên thương thầm Chí Mẫn, Chính Quốc đã từng mông lung về cái suy nghĩ ấy ở dạo trước, nhưng đến hôm nay, cậu đã hoàn toàn chắn chắn điều này. Nhưng mà bà hai bảo nó học mấy cái thói mê tín, vậy là ở hôn lễ của cậu và em khi trước, người cố tình mang con búp bê vải bị đứt cả đầu đặt ở phòng tân hôn không ai khác là Chính Kiên.
Cậu nhớ, có một lần cậu thấy Chính Kiên ngồi ở hiên nhà, đọc một trang sách. Ghi rằng, vào ngày lễ kết hôn, không được trưng bày búp bê bị rách trong nhà, càng tránh nhận búp bê từ người ngoài. Thông thường, khi những kẻ muốn phá hoại hôn nhân của một đôi phu thê mới cưới, họ sẽ mang búp bê hỏng đặt trong phòng. Búp bê bị rách đầu đồng nghĩa với người mang ánh sáng của gia đình sẽ gặp tai họa, rách tay chân cả hai sẽ chia xa, rách phần người tương lai gia đình sẽ mù mịt.
Lúc đó, cậu có hỏi vì sao Chính Kiên lại thích những cuốn sách đó. Kiên im lặng một hồi, rồi bảo đó là hy vọng duy nhất của nó.
Nực cười vì một người như Điền Chính Kiên lại tin vào những thứ mê tín bại hoại ấy. Chính Quốc đã từng nghĩ, có tên kẻ ở nào trong nhà đem lòng thương Chí Mẫn, bèn giở ba cái trò tâm ma quỷ quái. Thằng Bờm cũng từng bảo thấy cậu út sang phòng cậu khi lễ cưới đang diễn ra, nhưng dù một chút cậu cũng không nghĩ kẻ thiếu não ấy lại là Chính Kiên.
Thế mà má nó cứ luôn ngẩng đầu lên trời mà chê bai phê phán những người trong làng trưng tín đồ may mắn như nhau mèo, lông đuôi voi, sừng nai, đầu trâu mặt ngựa. Họ mà biết con bà cũng mê tâm linh ma quỷ, còn là mê cái bùa búp bê băng hoại đạo đức, họ lại cười vào cái bản mặt phách lối của bà.
Đợi đến khi mọi thứ yên ổn, Chính Quốc muốn ngồi lại, kể cho Chính Kiên nghe về hành trình quay về quá khứ của mình, không biết vẻ mặt khi ấy của Chính Kiên sẽ kinh ngạc đến mức nào.
Cuộc tranh cãi của má con bà Hai cuối cùng cũng kết thúc. Chính Kiên đuối lý, bị bà Hai phun một tràng đạo đức làm người vào mặt, mà cái đạo đức ấy cũng chỉ là 'phải cho thằng anh mày thất bại', 'phải cưới một đứa môn đăng hộ đối để người đời tôn trọng',...
Chẳng qua là bà Hai biết rõ Chính Quốc thương Chí Mẫn, không muốn con mình xen vào. Để sau này cậu cưới em, bị mang tiếng cưới kẻ ở thấp hèn. Lúc đó, bà lại ép Chính Kiên cưới một công tử tiểu thơ nhà giàu nào đó, người ta nể phục, tiện dìm cậu xuống cho người người nhà nhà chê cười.
Đối với Chính Kiên, tuy không hòa hợp nhưng cậu vẫn thương nó. Ít gì nó cũng cùng huyết thống với cậu, lại sống một cuộc sống bất hạnh như vậy.
Nhưng mà lựa chọn như nào thì phụ thuộc vào nó, cậu không thể nào can thiệp được.
Lắc đầu ngán ngẩm, cậu quay về phòng, đánh một giấc đến sáng. Cuộc sống của cậu rõ sung sướng.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip