4. Bến bồi bến lỡ


Chính Kiên ngồi dưới đất, nó lặng lẽ chùi hai hàng nước mắt lăn dài trên má. Chí Mẫn đến níu níu tay áo Chính Kiên khiến nó giật mình, nó ngước mặt nhìn em và Quốc. Đôi tay nó càng chùi, nước mắt càng rơi lã chã. Chính Quốc thấy rõ sự tù túng hiện lên trên gương mặt người em trai của mình. 

"Anh ba đi đâu thế? Cho em đi nữa có được không?"

Chính Quốc hơi nhíu mày. Khi nãy, cậu có nghe bà Hai bảo Chính Kiên ăn sáng xong thì mau lên phòng chuẩn bị sách bút đợi thầy đồ đến dạy chữ. Thầy cũng vừa đến, sao Kiên còn không mau vào nhà, lại còn ngồi đây khóc.

Bên cạnh, Chí Mẫn híp mắt cười bảo Chính Quốc đưa cậu út đi theo nữa. Em còn nhỏ có biết gì đâu, cứ nghĩ càng đông thì càng vui nên nhảy cẫng lên vỗ tay vui cười. Chính Kiên thấy thế nín khóc hẳn, phủi quần đứng dậy thập thò nhìn vào nhà, chắc hẳn út sợ bà Hai phát hiện.

Chính Quốc không phải không muốn cho Chính Kiên đi cùng, nhưng cậu đâu thể giúp em trai mình trốn học như thế được. Không phải sợ mọi người rầy la, chỉ sợ Chính Kiên học thói tham chơi không ngó ngàng gì đến sách chữ. Rồi nhỡ đâu bà Hai phát hiện, kiếm chuyện với má cậu nữa thì rắc rối lắm.

"Hổng mấy Chính Kiên vào nhà đi, thầy đến rồi, kẻo má Hai tìm."

Chính Quốc vừa dứt lời, nụ cười trên gương mặt Chính Kiên chợt dập tắt. Vừa lúc đó, bà Hai từ trong nhà bước ra, nắm chặt cổ tay Chính Kiên lôi sền sệt vào nhà. Bà còn không quên đưa mắt liếc xéo Chí Mẫn, Chính Quốc một cái rõ bén.

Đứng ngơ ngác nhìn bà Hai đang bước vào nhà. Chí Mẫn chả hiểu mô tê gì cả, chỉ gãi đầu cười cười. Chính Quốc thì chả bận tâm, má cậu hiền lành thế kia, có đời nào thái độ với Chính Kiên như cách bà Hai đối xử với cậu đâu. Bà Hai còn tự cho rằng trong cái Điền gia không ai đối xử tốt với bà, cứ suốt ngày giở trò đáng thương trước mặt phú ông nhằm nói bóng nói gió, bảo má con cậu tệ bạc với hai má con bả. 

Cơ mà có khi nào phú ông để lọt vào tai đâu, phú ông thương bà Cả còn không hết, hơi đâu rảnh rỗi ngồi xem bà Hai diễn tuồng.

Chính Quốc thở dài, ở dạo trước, cậu chỉ biết sống cho chính mình, luôn ngoảnh mặt thờ ơ với đời, có những sự tình rõ ràng hiện ra trước mắt mà cậu vẫn không nhận ra. Ông trời cho cậu cải tử hồi sinh, không những tạo cơ hội cứu sống gia đình, mà còn cho cậu thấu rõ nghĩa tình thế gian.

Mà vốn dĩ Điền Chính Quốc từ nhỏ đã thông minh hơn người, học chữ chỉ mới một tuần đã có thể đọc được một tờ sớ cỡ lớn. Phú ông vốn đã thương yêu, lại càng thêm tự hào, lên tận nội thành mời thêm thầy về dạy số, dạy khoa học. Chính Quốc đi đến đâu, thiên hạ nể phục đến đó, còn hay gọi cậu là 'tiểu thần đồng họ Điền'. 

Bà Hai thấy phú ông cả ngày chỉ biết ngó ngàng đến má con bà Cả, thêm cái bà con chòm xóm người người nhà nhà tung hô cậu ba, nên đem lòng tị nạnh. Bà đích thân tìm thầy đồ về ép Chính Kiên phải học sao cho giỏi giang bằng anh trai, suốt ngày ở trong phòng rèn chữ luyện đọc, nào có thời gian cùng lũ trẻ trong làng thả diều đuổi bắt.

Trẻ con không có đứa nào chịu nổi sức ép của người lớn dồn lên mình được, sống theo vạch chỉ dẫn khắt khe của người lớn dù sớm dù muộn chúng nó cũng sẽ gây họa, tệ hơn là làm những điều trái đạo lý.

Nhìn theo bóng lưng Chính Kiên. Chính Quốc có thể nhìn ra được những gánh nặng mà Kiên đang phải gánh chịu. Cái ngoảnh đầu nhìn lại của Chính Kiên như thể đang van xin, đôi mắt ngập nước trông u ám đến lạ thường, sự ngây ngô của tuổi trẻ của cậu út nhà họ Điền đã bị lấn át bởi những tham vọng lớn lao của đấng sinh thành.

Lục soát lại mớ ký ức hỗn độn trong tâm trí, Chính Quốc cảm thấy tình cảnh này rất lạ, dường như không hề xảy ra ở đời trước. Nhưng nghĩ cũng phải, chỉ cần một thay đổi nhỏ ở quá khứ thôi, thì đã có hàng vạn sự tình chẳng thể đoán trước ở tương lai rồi. Mọi chuyện có lẽ đã bắt đầu rẽ qua hướng khác kể từ lúc cậu tìm anh Doãn Kỳ để tâm sự rồi.

Khẽ thở dài, cậu mong rằng những bi ai kia sẽ đừng bao giờ ập đến, hy vọng thế giới này sẽ đừng tàn nhẫn mà cướp đi những người cậu yêu thương.

Nắm tay Chí Mẫn đến quán nước mía của anh em Kim Thạc Trân, Kim Tại Hưởng. Anh Thạc Trân năm nay mười ba tuổi, hơn Doãn Kỳ một tuổi thôi mà cao to ngất ngưỡng, nhìn cứ như mười sáu mười bảy tuổi không chừng. Tại Hưởng thì bằng tuổi Chí Mẫn, nhưng cái bản tính láo kinh, miệng mồm leo lẻo, lại thêm cái tướng to lớn y sì thằng anh. Tụi nhỏ hay tụ tập ở quán nước mía của hai anh em họ Kim để sanh kế phá làng phá xóm. Anh hai Trân hay chửi chửi thế thôi chứ cũng trông tụi nó đến lắm, thiếu một ngày thôi đã buồn muốn chết.

Khi đến nơi thì đã thấy Hạo Thạc đã ngồi đó, cái vẻ mặt phê phê nhâm nhi ly nước mía mát lạnh trông rõ ghét, chỉ muốn bước đến vả đôm đốp vào mồm nó cho đến khi sưng vù như con ễnh ương mới thôi.

Tại Hưởng, Thạc Trân đang ngồi nạo vỏ mía, mồ hôi lấm tấm ướt nhẹp một mảng lưng. Thấy Chính Quốc và Chí Mẫn đến, Thạc Trân đứng dậy lựa vài cây mía mọng nhất, ngon nhất ép nước cho hai đứa nó. Hạo Thạc kéo cái ghế đặt ở cái bàn nhựa đỏ, vỗ vỗ vào ý bảo hai đứa mau đến ngồi.

"Chính Quốc, Chí Mẫn. Ngồi đi, uống nước rồi lát ra bãi bồi. Tao nhắm được cây mận trông ngon kinh."

"Mận của ông Tư lé phải không? Ổng biết ổng chửi ổng tát cho vêu mồm."

Nghe Chính Quốc nói thế, Hạo Thạc liếc cậu khinh khỉnh. Nó vòng tay lại, ngồi dựa ngửa ra sau, rồi té cái rầm bởi ghế của quán anh Thạc Trân có phải ghế dựa đâu mà ngửa người ra. Chí Mẫn ngồi đối diện thì bụm miệng cười, riêng Chính Quốc, Tại Hưởng và Thạc Trân thì vỗ tay cười ầm lên, phán câu: "Dừa lắm."

Hạo Thạc xoa xoa cái lưng va đập xuống đất, ngượng nghịu ba hồi rồi lại hất mặt lên, làm như chưa hề có chuyện xấu hổ gì xảy ra. Thứ quỷ ở đâu không.

Tay nó cầm lấy ly nước hút một ngụm, còn phà ra một hơi làm giống như mấy ông già đang uống rượu nặng độ không bằng.

"Tao tính cả rồi. Nay ổng đi lên thành thăm con gái ổng, hổng có ở nhà."

Chính Quốc hơi nghi hoặc, nhưng rồi chỉ ừ hử chép miệng nhìn anh Thạc Trân đang rót nước mía ra ly. Anh vắt nửa quả tắc vào, cho thêm một tí muối hầm rồi bưng ra cho Mẫn, Quốc. Nói gì thì nói chớ nước mía của anh Thạc Trân là ngon nhất trần đời, có cái anh hơi hâm, hay xàm nói láp, dở hơi vô cùng. À ngoài ra, anh Thạc Trân còn có cái giọng cười mà người đời gọi là 'đờn gãy nát bà nó tai trâu'.

"Anh hai!!"

Cả bọn giật mình bởi tiếng gọi lớn của Chí Mẫn. Từ phía xa xa, Doãn Kỳ ôm một bó mía đi đến. Em thấy anh hai thì mừng rỡ chạy ra nhảy cẫng lên lưng anh, Doãn Kỳ một tay giữ lấy em trai mình, tay còn lại đặt bó mía cạnh Thạc Trân, quay sang gật nhẹ đầu chào Hạo Thạc, Chính Quốc.

"Anh hai Trân, chú Sáu bảo mười hai đồng tiền mía."

"Ừa. Đợi tao chút."

Thạc Trân lấy trong túi quần ra đúng mười hai đồng, đếm đi đếm lại hai ba lần rồi đưa cho Doãn Kỳ. Chí Mẫn thấy mồ hôi anh hai mình chảy nhễ nhại, liền nhảy xuống khỏi lưng, chạy đến lấy ly nước đưa anh. Doãn Kỳ mỉm cười lắc đầu bảo anh không uống, bẹo má Chí Mẫn một cái nhẹ rồi quay lưng đi.

Anh hai Doãn Kỳ trước giờ vẫn ít nói như thế đấy, anh hai còn bị cuồng làm việc nữa, cày thuê cuốc mướn từ sáng đến tối không ngừng nghỉ, anh cũng chưa bao giờ than mệt với Chí Mẫn cả. Nhiều khi, Chí Mẫn muốn anh hai than vãn đôi ba câu, sau đó em sẽ đến đấm bóp vai cho anh, hát đôi ba câu ca cho anh ấm lòng. Vậy mà anh hai chuyện gì cũng giấu kín trong lòng, chẳng chịu tâm sự với ai cả.

Tụi trẻ ngồi hối tới hối lui cả buổi thì Tại Hưởng cũng đã nạo xong bó mía, Hạo Thạc liền nhanh tay kéo Hưởng đi trong cái la hét ỏm tỏi của anh Trân nước mía. Bốn người Mẫn, Quốc, Thạc, Hưởng bẻn lẻn ra bãi bồi. Duy chỉ mình nhà ông Tư lé nằm cô quạnh ngoài đó.

Mắt láo liên nhìn quanh, thấy không có ai bén mảng gần đây, Hạo Thạc và Tại Hưởng chui vào cái lỗ chó ở góc nhà ông, nơi có cây mận đỏ ngọt lịm to đùng xum xuê trái. Chính Quốc thấy tình hình ổn thỏa mới chui theo sau, còn riêng Chí Mẫn được phân công đứng ở ngoài gác cửa, ai đi tới là rít lên ngay. Dù ở thời nào thì "bác hàng xóm" vẫn luôn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong công cuộc xây dựng tai tiếng của con em. 

Sân nhà ông Tư lé vương vãi toàn những mận rụng. Tính ra tụi nó đến hái trộm là làm phước cho nhà ổng đó. Mận héo rụng cả nùi thế này có phải hoang phí không? Coi bộ rồi xuống âm phủ Diêm Vương bắt nuốt hết đồ ăn thừa. Nhà chỉ có mình ông, ông cũng già rồi, răng rụng chỉ còn lấp ló vài cái, ăn mận thế nào được. Thế mà ông không cho ai động vào, ai đi ngang ngó tới ngó lui ông vác cùi chổi ông dí cho.

Chính Quốc mon men đâu đó được cái bịch ni lông, đứng ở dưới hứng mận từ trên cây Hạo Thạc ném xuống. Hái được tầm nữa bịch, Chính Quốc nghe tiếng gì đó gầm gừ đâu đây, nhưng mà mải mê chỉ chỏ Hạo Thạc trên cao hái bùm này bùm nọ, mận nhiều mận ngon nên cậu vui lắm, có để ý cái khỉ gì đâu.

Cho tới khi Tại Hưởng mặt mày tái mét khều khều, Hạo Thạc đang trèo xuống thì chết lặng đứng bất động như bị điểm huyệt, Chính Quốc mới chậm rãi quay đầu về sau.

Cha má ơi, cậu thấy con chó bạc rê bự tổ chảng của ông Tư lé đang há họng gầm gừ. To to bự bự, lông lông lá lá, cái hàm răng sắc nhọn vương đầy nước dãi. Cái vẻ mặt già đanh dữ tợn cùng đôi mắt lé không khác chủ của nó một tẹo nào.

Cả ba đứa hét lên chen lấn nhau chui qua lỗ hổng. Hạo Thạc là người chui cuối cùng, bị con chó cắn gặm cái quần, rách một mảng ngay mông. Ừ cho chừa, cái tội hóng hớt lèo, biết ông Tư lé vắng nhà mà lại không biết nhà ổng nuôi con chó bự như con voi.

Chui ra đến bên ngoài, Chính Quốc vác Chí Mẫn đang ngơ ngác chạy về phía quán nước mía của anh Thạc Trân, em nhẹ xều à, lại nhỏ xíu nữa, Quốc lại bay nhảy từ bé nên khỏe lắm, vác em chạy lòng vòng khắp làng cũng không thấy mệt. Còn Hạo Thạc và Tại Hưởng lại chạy hướng ngược lại. Chẳng hiểu hai đứa nó ăn cái giống ôn gì mà dốt thế, hướng đó là đường ra bãi dưa hấu, chạy ra ngoài đó cho họ tưởng trộm dưa, họ lại quánh cho. Nhưng mà kệ thôi, hơi đâu mà quan tâm, bịch mận ngon lành nằm trong tay Chính Quốc rồi, chúng nó chạy đi đâu chả được, đừng về luôn thì tốt, số mận này cậu và em xơi hết, không để phần lại đâu nha.

Ấy mà lời Chính Quốc nói linh thật. Hạo Thạc và Tại Hưởng trở về khóc lóc om xòm, méc với anh Thạc Trân rằng bị mấy ông canh bãi dưa cầm cuốc rượt chạy vòng quanh. Thạc Trân im im không nói không rằng, lắng nghe Tại Hưởng mếu máo kể xong đầu đuôi câu chuyện thì 'an ủi' em trai một trận.

"Mã cha chúng mày, quán nước không ai phụ giúp, rảnh rỗi ăn không ngồi rồi đi rong chơi sanh chuyện. Mai nay họ tới họ mắng vốn là tao lôi cái đầu chúng bây ra tao tuốt vào mông. Ngu thì tự chịu đi, khóc cái rắm."

Cứ ngỡ anh hai Thạc Trân sẽ đến tìm mấy ông ngoài bãi đòi lại công bằng cho Tại Hưởng, ngờ đâu lại bị mắng xối xả lên đầu. Hưởng giận lắm, nó muốn đoạn tuyệt với anh hai, muốn về xin má nấu một nồi chè cúng bái chia ly. Cơ mà giọng anh hai cao thật, lúc rống lên giống hệt như mấy con lợn éc khi sắp bị đưa vào lò mổ.

Nghĩ trong lòng là thế, chứ dại gì nói ra cho Thạc Trân nổi điên chửi tiếp, không chừng anh hai còn treo cậu lên cây mận nhà ông Tư lé để con chó của ông cạp nát mông. Mông xinh mông đẹp, mông là để yêu thương. Ứ chịu để chó cạp nhé.

"Thằng Hưởng về nhà xách cơm ra đây. Tao đói."

Tại Hưởng giương mặt hằm hằm sải bước về nhà, vừa đi vừa dặm mạnh xuống đất cho bỏ ghét. Hai cái má ỉu xìu như mấy cái bánh bao hổm bữa Chính Quốc chơi ngu đem nhúng vào nước. Thêm cái Hạo Thạc đi bên cạnh cứ lãi nhãi về cái quần rách làm Tại Hưởng càng thêm bực mình.

Nắm lấy cái lỗ thủng trên mông của Hạo Thạc, Tại Hưởng xé cái toẹt khiến cái nó rách thêm một đường dài xuống đáy. Kiểu này về má Hạo Thạc không tét nát mông nó mới lạ đó. Chính Quốc và Chí Mẫn đi đằng sau nhìn cái mông Hạo Thạc phấp phới trong gió mà cười sằng sặc.

Sáng đến giờ rong rượt tám phương bốn hướng, cũng sắp đến giờ ăn trưa rồi. Cả bọn quay về, nghỉ trưa để chiều còn tụ tập ngoài đồng tràm thả diều.

___________

Sơ lượt về tuổi tác các nhân vật ở phần này:

Phác Chí Mẫn và Kim Tại Hưởng 7 tuổi.
Điền Chính Quốc, Trịnh Hạo Thạc và Kim Nam Tuấn 9 tuổi.
Mẫn Doãn Kỳ 12 tuổi.
Kim Thạc Trân 13 tuổi.

Hello, gần một năm trời vắng bóng rồi nhỉ? Sau khi bị wattpad dọa một phen hú hồn hú vía thì đến bây giờ mình mới có thể up lại fic này. Fic này mình viết cũng sắp xong rồi, mình sẽ beta lại và up dần trong thời gian tới.
Thank u and love all <3


Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip