4.

Sáng đầu tuần, anh Kỳ phải mau mau đi làm công việc kiếm những đồng tiền chân chính. Anh mặc lên người bộ đồ công nhân chế biến thực phẩm màu vàng nhạt thếch, cầm theo chìa khóa, xỏ vào chân đôi giày cao su đã mòn phân nửa đế. Trên đường chạy ra bắt tàu điện, có những chuyến xe bộ đội đi rục rịch thu hút sự chú ý của anh. Không lạ. Kỳ tự nghĩ. Chẳng sớm mà muộn, tình hình chiến sự cũng sẽ căng thẳng lên. Bọn giặc lúc nào cũng có trăm nghìn kế tráo trở. Bây giờ chỉ có cách tin cả vào cụ Hồ thôi.

Hôm nay anh không phải nhảy tàu, mà thật thì đã lâu rồi anh không còn làm thế nữa. Cái hồi mới lên đây, nghèo tới mức không tưởng ra nổi, bất đắc dĩ anh cũng phải học cách bám càng như bao con người khổ sở khác. Nhảy tàu của dân mình cũng như nét văn hóa, nên ông Tây mới cầm máy quay suốt đó thôi. Bây giờ anh có tiền rồi, thiết nghĩ chịu khó sống sao cho đường hoàng, cống hiến, thì sống.

Những thức rau cải đem từ Ninh Bình lên hôm nay mới cứng, ngập ngụa từ đầu xưởng. Anh nhận việc đi phân tán rau tới từng tiểu khu khác nhau. Đội của anh chắc chắn là phải làm việc thật năng suất, nếu không thì sẽ chẳng xong trước khi rau chúng nó thối hết cả ra. Bây giờ thực phẩm quý lắm, hỏng của, người dân giận nhất chứ mình giận nhì.


- Các anh em cố gắng nhé!

- Sáng nay Đồng Xuân cần gấp gạo nếp!

- Anh Kỳ ơi đưa tôi xin vài cái xe! Ôi chao, tôi để đâu mất tờ chấm công rồi nhỉ?


"Ở các xí nghiệp và công trường, thanh niên phải thi đua tăng gia sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm hạ giá thành, thực hiện khẩu hiệu "nhiều, nhanh, tốt, rẻ"

Thanh niên các ngành, các nghề đảm bảo thực hiện vượt mức kế hoạch năm nay và chuẩn bị tốt cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Các cô các chú có quyết tâm thực hiện được không?"

Lời cụ Hồ nói mấy năm trước vang lên trong tim họ, mỗi tâm tưởng hăng hái lao động như hát một bài ca anh hùng công nhân trong mỗi giờ làm việc.

- Bao giờ cho thằng Kỳ lên chức?

- Suỵt, nhỏ tiếng thôi, đấy là tôi nói hy vọng thế, chứ còn nhiều năm nữa lắm cơ. Mà quyền cũng chẳng phải ở tôi. Cậu ấy chăm, siêng lắm, rất giỏi. Nhưng muốn lên làm quản lý, Kỳ phải đi học tại chức một khóa, không đủ điều kiện cô ạ!

Xôn xao không biết bao nhiêu là thứ âm thanh ở trong các phân xưởng. Người ta còn bàn chuyện quần áo, giày dép, đồ ăn thức uống giáp Tết sẽ ra làm sao.

Đa số người ở Công ty này cũng là thanh niên như Kỳ, nhưng anh và bọn họ quá bận rộn để làm quen với nhau. Họ thường xã giao. Có những cô gái trẻ măng cũng đồn đoán nhau về chuyện đời tư của anh, nhưng chủ yếu anh bỏ ngoài tai. Anh muốn sống những tháng ngày yên bình lặng lẽ trong một thời đại chẳng dễ gì để có thể độc lập tự do, nhưng con người ta kiên cường hết mực vì nó.

Bỗng nhiên anh nghĩ tới chuyện cưới vợ, rồi anh chẳng hiểu mình có sống nổi tới ngày ấy không nữa.

Giá buốt khắp nơi cũng theo chiều thời sự mà dần đến. Đã vào nửa quý tư của năm rồi. Doãn Kỳ ngơi tay sau một buổi sáng vất vả. Người đồng nghiệp nọ chạy lại gần chỗ anh ngồi, hỏi lém lỉnh:

- Này, hôm lâu lâu tôi chỉ cho anh cái việc ấy, thế anh có làm không?

Kỳ hiểu ra ngay, anh cười rất vui:

- Có chứ sao lại không? Cảm ơn anh Bình, tôi kiếm được cũng kha khá, dù mất giờ nghỉ trưa nhưng bù lại cũng sướng lắm.

- Thấy chưa, đời này, không kiếm tiền chỗ nào dễ hơn kiếm từ nhà giàu – Bình rít một hơi thuốc lá, múa may bàn tay trong ánh mắt Kỳ - Cứ chạy vặt theo yêu cầu của họ mà chẳng mấy chốc thành dạng khá giả. Đến lúc đó tha hồ góp tiền cho các anh bộ đội.

- Thế đấy, tôi hiểu mà. Nên tôi mới làm.

- Đẻ cậu dưới quê sao rồi?

- Bố mẹ tôi vẫn sống được lắm. Mỗi sáng ra chăm gà, chiều vào chăm cây, tối đi ngủ sớm...

Nói đến đây, Kỳ thấy hơi ứa nước mắt. Anh có cảm giác mình chẳng thể dễ gì để được gặp lại gia đình. Kỳ rất nhớ nhà, nhớ bố mẹ thân yêu. Nhưng anh không có cách gì hơn được. Bây giờ anh đẩy họ về quê gốc để sơ tán, rồi mình ở lại làm ăn. Mai này ngộ nhỡ anh đi xa, đến một lần kịp về khéo cũng chẳng có.

- Còn anh thì sao?

- Hồi quý hai, tôi có định về thăm ông bà bu, nhưng rồi nhà máy mình tăng gia công suất đó, tôi lại chả về. Mà hè năm sau nếu vẫn còn ổn ổn như này, tôi sẽ chớp lấy một cơ hội để đi ngay!

Tối muộn. Kỳ đi làm về, tự dưng thấy cậu Tích giàu có kia ngồi lù lù trong phòng trọ của mình.

Thằng Quốc ngồi bên cạnh. Không, Quốc đứng pha chè ở góc cửa, chỉ có mỗi Tích là đang yên vị, khép đùi khép tay lịch sự ở giữa mép giường.

- Anh Kỳ cũng về rồi đấy à! Anh xem bạn anh đến nhà chơi, đợi anh cả mấy tiếng đấy ạ.

- Ô, cậu đến thật cơ á?

Kỳ hỏi dở ương.

- Chào anh ạ. Em tới chơi cho đỡ chán.

Nghe Tích xưng "em", Kỳ hết hồn liền. Quốc pha chè xong thì rót mỗi người một chén bé tẹo. Cái món này cậu toàn làm đặc quánh, đắng uống không nổi. Ấy vậy mà sống chung nhiều nó quen đi, Kỳ kham được, Kỳ chỉ sợ khách nuốt không trôi. Quốc vừa nhìn cậu Tích nhâm nhi một cách rất sang trọng cái chén chè trên tay, vừa đánh ý với anh Kỳ - "Cậu ấm giỏi ghê nhỉ".

- Em đã dành thời gian kể vài chuyện cho Tích nghe – Quốc lên tiếng – Tích biết anh lớn hơn cậu hai tuổi rồi đó. Còn chúng em thì bằng tuổi nhau, nhỉ cậu nhỉ?

- Vâng ạ, cho phép em nói chuyện trên dưới đàng hoàng. Em không thể bỗ bã với người lớn hơn ạ...

Tích khép nép, cười hiền như vậy mãi. Nên là Kỳ ngồi dưới chiếu cứ thấy ngài ngại. Anh hiểu rồi, vậy thì để cho cậu làm cái gì cậu muốn. Trong cuộc đời này, những người giàu mà ngoan như Tích thật là đáng để trân quý.

- Cậu Tích đợi tôi lâu thế à?

- Vâng ạ. Nhưng em trò chuyện với Quốc cũng hay.

- Tớ với Tích nói đủ thứ mà anh Kỳ mãi không có mặt để nghe, thôi anh mất phần, tự chịu đi.

- Ông Nghiêm có biết Tích chạy đến đây không?

- Ông biết chứ ạ. Hôm nay em nhờ ông chở đi. À, em đem cái này sang muốn mời Kỳ với Quốc ăn.

Rồi cậu đứng dậy bước đến gần cửa phòng, trên cái bàn nhựa màu xanh cạnh đó có để một cái hộp, cậu cầm lên rồi lại quay về giường, nghĩ mấy giây bỗng ngồi thụp xuống chiếu với hai anh em Kỳ luôn.

Tấm chiếu quá bé để chứa vừa tới ba con người lớn. Thế là anh Kỳ cuống quýt đẩy cái thân mình ra khỏi đó, vơ tạm một nửa đôi dép lào nằm ở góc nhà rồi nhét xuống mông.

Nhưng vốn dĩ Tích có định tranh chỗ của họ đâu, cậu đang đà ngồi thẳng xuống nền đất. Vậy là thành Kỳ ngồi dép, Tích ngồi đất, còn mỗi Quốc chễm chệ giữa cái chiếu nhăn nheo. Cậu Quốc chưa hiểu mô tê công ten nơ gì cả, trố mắt ra trước phản xạ quá nhanh chóng của hai cái thanh niên bên cạnh mình.

- Úi, anh với Tích làm trò gở gì thế? – cậu day day trán.

- Tôi nhường chỗ cho Tích ngồi đấy chứ.

- Ơ, nhưng em định ngồi xuống sàn...

- Thôi này này, đã thế để tớ lên trên giường nằm, cho các cậu giành nhau cái chiếu rách! Tớ nhường! Nhá!

Thằng Quốc nói vậy thôi mà làm cả phòng trọ bé tẹo cười phá lên. Chẳng phải đùa, Quốc leo lẻo chui luôn lên trên chăn ấm, sung sướng giãn cơ tứ phía.

Bỗng có tiếng súng, cả ba anh em đang trong cơn vui thì giật nảy, thót hết tim. Cả xóm trọ nháo nhào lên chạy vội ra ngoài định nhảy xuống các hố. Nhưng chưa ai kịp làm gì thì lại có tiếng cười nói rộn vang, liền luôn là những tiếng đàn ghi-ta từ phía tít xa không xác định ấy vọng lại. Mọi người nghển hết mắt ra nhìn nhau. Được một lúc, bác trai chủ nhà mới thở hắt ra rồi lên tiếng giải quyết tinh thần hoang mang của dân cư:

- Chắc là quân đội họ đang tập bắn. Thôi, có gì đâu, ai về nhà nấy đi!

Tất cả mới tản ra, xì xào đủ thứ câu rồi đóng cửa, cài then lại.

Lúc ấy sự việc rất chớp nhoáng, Quốc còn chưa kịp mở cửa chạy ra xem xét thì đã thấy hàng xóm loạn lên. Bây giờ ổn định rồi, cậu bỏ chiếc cằm tròn tròn khỏi cái khung cửa sổ rồi quay vào với anh Kỳ và Tích vẫn đang ngồi bên trong. Họ phản xạ chậm hơn cả cậu. Lúc này mới thấy Tích đang ngớ người, mặt nhìn như mới đi lội ruộng về giữa trưa bị tụt đường huyết, còn anh Kỳ thì túm chăn trên giường xuống phủ cả lên trên người cậu, dáng điệu trông như mẹ sắp bọc con đem đi. Quốc nhìn hai người, hai người nhìn lại. Ba cặp mắt chòng chọc xuyên qua nhau. Kỳ bối rối quá, nhẹ nhàng cầm chăn nhung đứng dậy gấp cho gọn rồi cười choáng váng, chữa sượng trên mặt mình:

- Tôi phản ứng hơi quá rồi. Tại nếu có chuyện gì xảy ra với cậu Tích thì...

Anh không nói hết câu, nhưng cả phòng ai cũng hiểu ý tứ.

Im lặng...

- À, Tích, cậu nói có gì muốn cho chúng tớ ăn cơ mà!

Quốc kêu lên một tiếng cắt ngang cái bầu không khí. Thế là Tích mới nhớ ra việc cần làm, khuôn miệng của cậu hé mở trở lại ngay. Cậu vui vẻ ôm chiếc hộp lên trên tay rồi cậy nắp, mở bằng một lực hơi mạnh, cuối cùng giơ lên cao cho hai người bạn của mình ngắm nhìn.

Cậu phấn khích:

- Đây là một loại bánh có tên Macaroon. Em đã tính để mang cho Kỳ với Quốc thưởng thức.

Mắt Quốc phát sáng, cậu ngồi sụp xuống cái dép ban nãy anh Kỳ để ghé đít còn lăn trên nền đất, đoạn háo hức nhìn gần hơn vào hộp bánh. Kỳ cũng ngạc nhiên chẳng kém. Cả cuộc đời cha sinh mẹ đẻ của anh chưa từng bao giờ được nhìn thấy thứ này. Thực ra trong các nhà hàng cao cấp như Bodega chẳng hạn, cũng có chứ, mà Kỳ nghèo, làm sao dám đặt chân vào. Những chiếc bánh nhìn lạ lạ, có kích thước gần bằng mấy miếng mứt hồng xiêm người ta hay ăn mỗi dịp Tết. Chúng mỗi đứa một màu, có chừng mười đứa. Hồng, xanh, vàng, tím, cam, đỏ,... Cả chiếc hộp như bừng sáng giữa cái phòng thuê lụp xụp tường vôi bong tróc của Kỳ. Tích hạ thấp hộp xuống để trên chiếu vì cậu thấy mỏi. Cậu bắt đầu giải thích:

- Bây giờ em có bạn rồi, nên là em mới... Hai người đừng từ chối nhé, cũng đừng cảm thấy lo lắng!

- Cậu siêu thật đấy Tích! Bánh gì cơ? Ma cơ rôn?

- Cậu gọi như nào cũng được mà. – Tích bật cười.

Anh Kỳ vẫn cứ đứng sau lưng làm cậu phải ngửa cổ ra nhìn. Trong lúc Quốc vẫn đang trầm trồ suýt xoa trước thức đồ ngọt mới mẻ đến từ nước ngoài xa xôi, thì Kỳ với Tích một lần nữa lại vô ý chạm mắt nhau.

Ánh mắt Tích đẹp như những ngôi sao sáng vậy.

Anh thấy vẻ mặt cậu như thế thì ngồi xổm xuống, gãi đầu gãi tai, thốt ra một câu khen thật thà nhưng hơi kiểu cách:

- Người bạn của tôi ơi, Hiệu Tích, cậu tốt bụng quá...

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip