PN: Trùng phùng là để biệt ly
Năm 1996, Trịnh Văn Huân nhận công tác xa, rời Hà Nội vào Sài Gòn. Trước ngày đi, y hẹn Hách uống rượu. Đêm ấy, trời Hà Nội có mưa phùn, những giọt mưa nhỏ như tơ, giăng mờ mặt kính cửa sổ quán rượu nơi họ thường ngồi mỗi lần gặp lại.
"Cậu Hách có từng nghĩ... nếu tôi không nhận đi công tác thì liệu chúng ta có thể làm bạn với nhau đến khi già hay không?" Huân ngồi đối diện Hách, chậm rãi hỏi, giọng nói như tan vào tiếng mưa bên ngoài, nhỏ đến mức tưởng chỉ là một ý nghĩ bật ra trong lòng.
"Không đâu. Cậu và tôi vẫn là hai kẻ không thuộc về nhau" Hách rót rượu, giọng bình thản như bao lần giảng bài, như thể câu trả lời ấy hắn đã lặp đi lặp lại với chính mình hàng trăm lần trong những đêm khuya vắng. Huân lặng lẽ nhìn hắn, đôi mắt không còn trách cứ, chỉ còn một chút gì đó như mỏi mệt và chấp nhận.
Một lúc sau, y khẽ cười, buông ra câu nói: "Có lẽ vậy."
Họ uống cạn chung rượu, không cụng ly, không chúc tụng, như thể đang tiễn biệt một điều gì đó vô hình, thứ mà ngay từ đầu đã không thể gọi thành tên. Bên ngoài, mưa vẫn rơi như một bản nhạc cũ, dằn dặt, dai dẳng.
Sáng hôm sau, Huân rời đi. Không một cuộc gọi báo trước, không một lời tạm biệt thêm. Hách chỉ biết y đã đi khi quay lại quán rượu cũ, thấy chiếc ghế trống quen thuộc, và người chủ quán già nua lắc đầu, khẽ nói: "Anh ấy đi rồi. Từ sáng sớm."
Từ đó về sau, họ không gặp lại.
Thành phố đổi thay, những khu tập thể cũ dần được thay bằng nhà cao tầng, những quán cà phê quen giờ cũng chẳng còn. Nhưng mỗi độ xuân về, khi mưa phùn lại giăng, Hách vẫn bất giác đi qua con phố ấy, đứng lại nơi góc bàn cũ, như thể chỉ cần quay đầu, Huân sẽ lại ngồi đó tay cầm ly rượu, cười mà không nói.
Có những người, dù gặp lại bao nhiêu lần, dù có cơ hội ở bên nhau thêm một kiếp, vẫn chẳng thể thành duyên. Có lẽ, duyên giữa họ vốn chỉ là để gặp gỡ, rồi lỡ nhau.
Vào một chiều cuối đông năm 1997, Hách nhận được một bưu phẩm nhỏ, không đề người gửi. Bên trong là một tập bản thảo báo cũ, giấy đã ngả vàng, bên mép lót một mảnh giấy mỏng viết tay: "Khi viết những dòng này, tôi nhớ đến cậu nhiều hơn tôi tưởng." Nét chữ nghiêng nghiêng, vẫn là lối viết Huân hay dùng, nhanh nhưng có chút cố kìm nén cảm xúc.
Hách đọc bản thảo đến khuya. Truyện ngắn, ghi chép, bài ký... đều xoay quanh những con người sống giữa hai thời đại, những lựa chọn không có đúng sai, chỉ có mất mát và im lặng. Ở trang cuối cùng, có một đoạn như ghi riêng cho hắn:
"Có những cuộc đời không bao giờ song song, nhưng vẫn đi gần nhau một đoạn rất dài. Nếu có kiếp sau, tôi ước mình đủ can đảm để bước chệch khỏi con đường của mình, chỉ một chút thôi... để được ở lại."
Hách gấp tập bản thảo lại, cẩn thận xếp vào ngăn kéo bàn làm việc. Đêm ấy, Hà Nội không mưa, nhưng hắn vẫn thấy trong lòng lạnh như gió đầu mùa.
Sài Gòn, tháng Tư năm 1997
Đêm nay trời đổ mưa. Không phải mưa phùn như Hà Nội, mà là cơn mưa bất chợt, nặng hạt và dữ dội, rửa trôi mọi bụi bặm của phố xá miền Nam. Tôi ngồi trong căn phòng thuê nhỏ, nhìn mưa rơi ngoài ban công mà nhớ đến một người.
Hà Nội cách đây mới một năm thôi, tôi đã rời đi trong một sáng sớm mù sương. Không tiễn biệt. Không thư từ. Không một lần ngoái đầu. Chỉ sợ nếu tôi chần chừ thêm một giây, sẽ chẳng bao giờ bước nổi khỏi thành phố đó.
Tôi từng nghĩ, rời xa là cách tốt nhất. Không phải cho tôi. Mà cho cả hai.
Lý Tương Hách là người thuộc về sự yên tĩnh. Còn tôi, cả đời vẫn chỉ biết sống trong những cơn gió nổi. Hà Nội khi ấy là một đoạn ký ức chưa kịp lành, còn tôi thì cứ cố vá víu những điều đã nát vụn bằng vài cuộc hẹn vội vàng, vài ly rượu uống cạn trong lặng thinh.
Có một câu hỏi mà tôi từng hỏi hắn, trước ngày đi:
"Nếu tôi không nhận đi công tác thì liệu chúng ta có thể làm bạn với nhau đến khi già hay không?"
Tôi hỏi, không mong một lời hứa. Chỉ để biết mình vẫn còn can đảm đối diện với điều không thể. Và dĩ nhiên, Hách không hứa. Hắn là người chưa bao giờ hứa điều gì cả. Hắn lặng, rồi nói: "Không đâu. Cậu và tôi vẫn là hai kẻ không thuộc về nhau."
Lúc đó tôi cười. Nhưng trong lòng, tôi tan đi từng mảnh.
Có đôi khi tôi nghĩ: biết đâu, nếu tôi ở lại, nếu tôi viết một lá thư, nếu tôi dũng cảm thêm một chút thôi mọi chuyện sẽ khác? Nhưng rồi tôi lại tự đáp: khác thế nào được? Chúng tôi đã lạc nhau từ kiếp trước. Và kiếp này, chỉ đơn giản là một lần chạm lại, để tiếc nuối nhau thêm lần nữa.
Tôi vẫn viết. Những bài báo, những ghi chép, những đoạn ký sự không ai nhớ tên tác giả. Nhưng giữa những dòng chữ ấy, tôi luôn lẩn vào một người hắn và một Hà Nội u hoài, nơi có mùa thu rơi trên mái ngói cũ, nơi có một chiều uống rượu không lời.
Tôi giữ lại bản thảo ấy, từng định gửi, rồi lại thôi. Viết cho Hách một dòng ngắn ngủi:
"Khi viết những dòng này, tôi nhớ đến cậu nhiều hơn tôi tưởng."
Rồi gói lại, không đề tên, gửi về địa chỉ trường đại học nơi hắn dạy. Không mong được hồi âm. Cũng chẳng biết liệu hắn có đọc. Nhưng tôi tin, nếu là hắn, chỉ cần một câu, một nét chữ, cũng sẽ nhận ra tôi.
Đôi khi tôi vẫn mơ thấy Hà Nội. Mơ thấy đêm mưa phùn năm nào. Mơ thấy hắn rót rượu, ngẩng lên nhìn tôi, không nói gì như mọi lần.
Và tôi, trong giấc mơ đó, chỉ muốn nói với hắn một câu:
"Nếu có kiếp sau, tôi ước mình đủ can đảm để ở lại."
Hà Nội, mùa thu năm 2002
Một buổi chiều muộn. Hách ghé vào một quán cà phê nhỏ trên phố Nguyễn Du, nơi hắn hay đến mỗi khi muốn đọc báo hoặc ngồi lặng nhìn dòng người qua lại. Quán nằm sâu trong một biệt thự cũ, tường đã loang màu mưa gió, nhưng vẫn giữ lại được cái hồn của Hà Nội mấy mươi năm trước – ấm, cũ kỹ, và nhiều lặng thinh.
Hắn gọi một tách cà phê đen, lấy tờ báo cũ trên giá. Mắt vô tình lướt qua một bài ký sự nằm ở trang trong một cột chữ nhỏ, không hình ảnh, không có tiêu đề giật gân. Hắn định lật qua, nhưng rồi một đoạn văn khiến bàn tay dừng lại.
"...Tôi từng gặp một người, ở một thành phố khác, vào một thời khác. Người ấy sống như thể trên vai luôn có gió, lúc nào cũng sẵn sàng quay lưng, nhưng ánh mắt thì lại luôn ngoái nhìn. Người ấy không nói yêu, nhưng lại khiến tôi tin rằng, nếu có một nơi nào đó là nhà – thì chính là nơi người đó từng đứng chờ tôi..."
Hách chậm rãi gấp báo lại, dựa lưng vào ghế. Cà phê đã nguội. Hắn ngồi yên một lúc lâu, tay vẫn giữ lấy trang báo như thể sợ gió sẽ cuốn mất.
Hắn không biết người viết là ai. Không có tên thật. Chỉ là bút danh: V.H.
Nhưng từng câu, từng nhịp xuống dòng, từng cách đặt dấu chấm – tất cả đều quen thuộc đến đau lòng.
Có lẽ, là vô tình.
Cũng có thể, là hữu ý.
Hắn không nhắn ai, không hỏi ai. Chỉ ngồi đó, nhìn trời bắt đầu sẫm lại phía hồ Thiền Quang. Hà Nội vào thu, lá vẫn rơi vàng mặt đường, và những cơn gió lùa qua ô cửa sổ vẫn mang theo mùi ẩm ướt của quá khứ.
Người ta nói, những mối nhân duyên không thành thường để lại dấu vết sâu nhất.
Có lẽ vì vậy, hắn vẫn nhớ dù không còn chờ đợi.
Và dù không gặp lại, hắn vẫn ngồi đây, đọc một bài báo vô danh như thể đang nghe ai đó kể lại một phần đời của chính mình.
Ngoài trời, chiều Hà Nội xuống dần.
Hách thở ra khói thuốc, nhẹ như một tiếng thở dài cũ kỹ đã cất trong lòng suốt mười mấy năm.
HOÀN VĂN.
Mới trồng có hai trên tổng số rau tôi dự định mà tôi thấy bản thân sắp thành lão nông dân cần nghỉ ngơi rồi
( ◜‿◝ )💔
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip