II
Sơn, thư hồi đáp Lê
Lê yêu dấu,
Nhận được thư của cậu, mình cảm động lắm. Cảm ơn cậu đã viết thư cho mình! Lúc được đồng chí giao liên gọi tên, bảo là đại đội trưởng Lê từ Hà Nội gửi cho, mình vui tới nỗi chạy ào ra nhận, vấp phải một cái mũ cối thằng nào để bừa, bị ngã, nên mình sẽ phải nói là mình còn đau! Nhưng vết thương cũ ở bụng thì khỏi hẳn rồi, Lê đừng lo nữa nhé.
Đọc thư cậu gửi, ai dám nói đây là bút tích của người lần đầu biên thư! Cậu viết hay lắm, hay hơn lũ con trai ở trường cũ mình viết nhiều. Từng chữ cậu viết mình đọc lên đều tưởng như cậu đang ở sát bên tai mình, thủ thỉ cho mình nghe, như những đêm dài không ngủ được cậu vẫn thường làm. Thú thật với cậu, mấy tháng đầu nằm cạnh cậu, mình chẳng hiểu cậu nói gì, vì lúc đấy cậu nói bằng giọng quê hương. Thế mà giờ mình đã nói tiếng Nghệ sỏi như người bản địa - dân ở đây không biết mình là trai thủ đô đâu! Các đồng chí mới đến, ai cũng tưởng mình đẻ ở đây! Công lao của đồng chí Lê cả đấy!
Lê bảo nhớ mình, mình cũng nhớ Lê. Vừa đọc thư mình vừa nghĩ ra nên hồi đáp thế nào. Đáng lẽ mình đã viết ngay thư trong hôm đấy, để đồng chí giao liên mang luôn về Hà Nội, khỏi phải đợi lần sau, nhưng vì đại đội trưởng Lê đã "giao nhiệm vụ", mình đành thôi. Tranh mình vẽ xong rồi đây. Khiếp, sao phải mua bộ màu đắt thế! Chỗ chiến trường chẳng mấy chốc lại mất cả... Mình cũng đã mất bộ màu của mình hồi còn học trò...
Nhưng chắc cũng chỉ có màu này mới tả hết được cảnh đẹp nơi đây. Quả là sông Lam đẹp thật, Lê ạ, vậy mà chẳng bao giờ nghe cậu kể cho mình. Lúc nào cũng chỉ có mỗi mình mình lải nhải về phố phường thủ đô, cậu thì cái gì cũng giữ trong lòng. Mình thì nhí nhảnh, cậu thì là một anh vệ quốc quân nghiêm chỉnh, đứng đắn. Non sông đất này, càng ở lâu, mình càng thấy hiểu Lê. Cậu không cần thấy có lỗi khi tưởng mình là một tên công tử vô dụng đâu. Quả là lúc đó, mình còn bay bổng lãng mạn, chưa hiểu hết cuộc đời. Mình cứ tưởng con phố lát gạch nung màu đỏ ở nhà là nhất, chẳng biết rằng, hóa ra phù sa sông Lam cũng thật đẹp, thật thân thương. Quê hương của cậu mở rộng vòng tay ôm lấy mình, Lê ạ, Hà Nội có yêu mến cậu như thế không? Mình tin là có, mình mong là có, vì mình cũng muốn ôm cậu lắm, và mình biết cậu đang nhớ tới mình khi mình nhìn lên bầu trời thật xanh, thật lặng, như dáng vẻ cậu lúc đăm chiêu suy nghĩ một điều gì.
Cậu thường nghĩ gì, Lê ơi? Mình chẳng mấy khi hỏi han cậu. Xa nhau thế này, mình lại có cơ hội đọc thư của cậu, trong cái rủi cũng có cái may, Lê nhỉ. Cậu phải viết cho mình thường xuyên đấy. Chẳng mấy ai viết cho mình cái gì nữa. Những người bạn ngày xưa mình quen ở nhà, giờ họ đều nhập ngũ, đi xung phong cả rồi, đều bận bịu với công việc chung của Tổ quốc - việc tất nhiên hệ trọng hơn mình nhiều. Nhưng với Lê, mình nghĩ, chắc trong lòng cậu, mình hệ trọng không kém...
Với mình, Lê cũng hệ trọng tương đương...
Thôi, không nói nữa. Tự dưng viết xuống rồi, mình lại thấy ngượng. Xóa đi thì không nỡ. Lê thông cảm cho mình nhé.
Lê hỏi mình bao nhiêu tuổi, mình xin trả lời, mình hai mươi mốt tuổi. Thế ra mình bé hơn cậu tận bốn tuổi, phải gọi cậu bằng anh. Cậu có thích mình gọi bằng anh không? Nếu cậu thích, thì bảo mình, mình sẽ sửa. Lê muốn mình sửa cái gì cũng dễ, chỉ riêng việc hút thuốc lá là mình không dám hứa. Cậu có nghe chuyện ông Trần Đại Nghĩa vừa nghiên cứu thuốc nổ vừa hút thuốc không? Cụ Hồ cũng hút. Người vĩ đại thế còn vậy, mình không sửa được... âu cũng là lẽ thường tình!
Mình đùa đấy, mình biết hút thuốc là xấu. Nhưng mình hút là vì căng thẳng. Có khi sau này hòa bình rồi, chẳng có việc gì đau đầu, cần tập trung cao độ nữa, mình lại không hút. Biết đâu! Lê lúc đấy cứ theo sát mình, bắt mình bỏ cho bằng được thì thôi, mình xin hứa sẽ luôn nghe lời chỉ huy Lê!
Tương lai sẽ đẹp lắm, Lê ạ, càng đánh Mỹ lâu mình càng tin như vậy. Việc ta cần làm là hoàn thành nhiệm vụ, cống hiến thật nhiều, ngày hòa bình chắc chắn sẽ đến. Xin Lê đợi đến ngày đó, mình chắc chắn sẽ dẫn cậu đi rạp chiếu bóng, ngồi đúng cái chỗ đẹp nhất, xem bộ phim hay nhất. Và mình sẽ tự tay mở cửa nhà mình mời cậu vào. Giường phòng mình êm lắm, Lê ạ, chúng ta không cần nằm tấm giát cứng như đá và đắp bằng áo ám mùi đạn đâu, mà sẽ có nệm và gối, có chăn thơm mùi lá ổi mà mẹ mình vẫn dùng để giặt đồ. Bấy giờ cậu cứ nói bằng tiếng quê hương. Mình sẽ hiểu hết và sẽ nhớ hết.
Hay nếu Lê muốn về Nghệ An sống với bà dì, mình cũng không ngại nằm chiếu giữa sàn, ăn lạc rang đâu. Đất nước hòa bình rồi thì ở đâu mà chẳng là nhà, phải không Lê?
Thương nhớ cậu nhiều và mong sớm ngày gặp cậu,
Sơn.
Tái bút: Có phải cậu để bụng chuyện mình được nhiều người viết thư cho không?
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip