Để cậu trong dạ (2)
Những câu hỏi đó, mãi đến khi rời nhà cụ bá một ngày một đêm để sang làng bên gánh nước nó vẫn
chưa có lời giải đáp.
Chuyện rằng, cụ bá Minh thường mời đám bạn đồng niên hay chữ của mình đến nhà thưởng chè, ngắm trăng vào hôm mười bốn tháng giêng. Mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo, có người hỏi cụ vì sao không nhè hai hôm ấy mà đãi trăng đãi nước, cụ nghe xong cười thật từ tốn. Cụ bảo cụ từng đọc ở đâu đó, rằng trăng mười lăm tuy tròn nhưng lại biểu trưng cho cái gì sắp tàn, sắp phai phôi. Trái lại, đón trăng mười bốn khiến cụ có thêm cái thú chờ đợi sự tròn đầy, tuyệt mỹ và toàn bích của trăng hôm sau hơn. Cũng bởi cụ ưng con trăng mười bốn nên từ hôm nay - tức mười ba, đám hầu trong nhà đã sốt sắng chăm chút cho buổi quần ẩm của cụ. Đứa lo chè, đứa tìm hoa, đứa mải lau chiếc bình quý từ đời cụ kỵ đến kỳ sáng bóng. Phần Liệt Phu, nó được giao cho việc lấy nước hãm chè ở làng cạnh bên. Chỉ có nước giếng nằm cuối làng đấy mới đủ trong, đủ ngọt để hãm thứ chè trăm đồng một lạng của cụ bá.
Thường thường đấy là việc của người khác, nhưng năm nay nhà thiếu đinh nam nên sự mới đến tay Liệt Phu. Sợ lạc đường, nó xin sang làng bên từ chiều mười ba, rồi đến nghỉ nhờ ở ngôi chùa nhỏ dưới chân đồi như lời mách của thằng hầu buồng cách vách, sớm hôm sau mới về.
Ấy là một ngôi cổ tự thanh vắng, chẳng có ai ngoài sư cụ trông chùa và hai chú sa di. Sư cụ là người dễ tính, thuần hậu, hai sa di không quá kiệm lời. Ba người có lẽ đã quen việc khách thập phương đến đây ngủ nhờ, tiếp đón quen tay, thành ra Liệt Phu đỡ phần ngần ngại.
Sau bữa cơm chiều đạm bạc, chú sa di lớn hơn ra giếng làng gánh nước. Liệt Phu đi cùng, vừa nhờ chỉ đường vừa đỡ phần chú một đôi quang. Dọc đường, chú bắt chuyện:
- Trông thí chủ không giống khách vãng lai nhỉ?
- Vâng. - Nó thật thà - Tôi là người làng bên, sang đây gánh nước về cho chủ pha chè. Vì lần đầu đến làng thầy, sợ lạc đường trễ nải nên tôi đi sớm một buổi.
Chú sa di cười xòa:
- Lúc thí chủ đến có mang theo gánh nước, thế mà tôi lại quên mất, còn ngỡ thí chủ chờ sáng giời để lên đồi xin quẻ.
- Lên đồi xin quẻ ạ?
Thấy Liệt Phu tò mò, chú sa di trỏ tay về ngọn đồi trước mặt, chậm rãi giải thích. Chú bảo, đồi ấy tên đồi Giời, trên đồi có ngôi miếu thờ ông tơ bà nguyệt. Nghe đồn hễ ai xin được quẻ tốt là y rằng nên vợ nên chồng với người mình mến, hoặc chí ít cũng được mối lương duyên. Rằm tháng giêng năm nào người tứ xứ cũng nườm nượp về đây. Nhằm khi quán trọ kín chỗ, họ ghé lại chùa nghỉ chân, trò chuyện đôi câu nên chú mới biết tục ấy.
Cách giếng làng không xa, ngọn đồi trong lời sa di sừng sững áng ngữ hoàng hôn, thoạt trông như hòn than cháy. Mây chiều chờn vờn quanh đỉnh đồi, giăng rộng ra vòm trời, thảng như báo hiệu một trận mưa xuân sắp sửa. Đường đất sẫm màu lại, không biết vì bóng đồi hay bóng mây trĩu nặng phủ lên. Liệt Phu hết tìm bóng mình trên đất, tìm mãi không thấy, lại nhìn lên đỉnh đồi tít trên cao. Hốt nhiên nó nhớ đến Thiên Long. Mai kia mốt nọ khi cậu tìm được người thương rồi, cậu sẽ đưa người ta đến đồi kia xin ông tơ à nguyệt tác hợp cho duyên đôi lứa; trong khi nó mãi là con sâu cái kiến, loay hoay ngó bùn đen để kiếm bóng dáng mình.
Biết rõ cậu và nó khác nhau nhường ấy, xa nhau nhường ấy, vậy mà hễ nghe nhắc đến duyên phận tâm thức nó lại nhớ đến cậu. Nó không cam lòng đâu, còn bất mãn số phận trêu ngươi là đằng khác! Nhưng, chính số phận này dẫn lối nó đến gặp cậu, để nó bên cậu, khiến cậu khắng khít với nó. Thành ra thi thoảng - như bây giờ - nó ghét phận hèn của mình vô kể, thi thoảng lại biết ơn vô bờ.
Liệt Phu tặc lưỡi, thở dài tiếp tục bước đi. Hai đầu đôi quang trên vai từ khi nhẹ tênh đến hồi ăm ắp nước cũng chẳng nặng bằng quả tim nó. Nó dợm nghĩ, chắc là thương quá hóa dại rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip