Lời hứa
Ngày ấy, làng vẫn còn những đêm tối không đèn, chỉ có tiếng dế gáy và ánh trăng vắt ngang mái tranh nghèo. Chiến tranh chưa đi qua, đất nước còn chia đôi, những người mẹ vẫn khâu áo cho con dưới ngọn đèn dầu leo lét, và những người con trai thì lần lượt gói ghém tuổi trẻ mình vào ba lô, gửi lại sau lưng cả làng quê và người thương.
Làng ấy, có hai đứa trẻ lớn lên bên nhau như mầm non dưới gốc đa đầu làng – nơi mùa hạ thì ve kêu, mùa đông thì gió rít. Một đứa là Huy Quốc, da rám nắng, người to lớn, mạnh mẽ, đôi mắt lúc nào cũng rực lửa như thể sinh ra để làm điểm tựa cho người khác. Đứa còn lại Chí Huân, gầy gò, da trắng như bột, giọng nói nhẹ như mưa bụi, thể trạng yếu đuối, mỗi lần trái gió trở trời lại nằm bẹp cả tuần trên chiếc phản gỗ ọp ẹp, để Quốc ngồi bên, quạt bằng lá chuối khô cho mát trán.
Họ không có nhiều. Một đôi guốc gỗ, một cái áo vá vai, vài củ khoai, ổ ngô luộc. Nhưng những buổi trưa nằm dưới gốc đa, nghe Quốc kể chuyện lính Tây, chuyện người bay lên mặt trăng, chuyện sau này Huân khỏi bệnh rồi hai đứa sẽ đi khắp miền, cũng đủ làm Huân cười quên cả ho.
Tình cảm ấy, chẳng ai gọi được thành tên. Nó len lỏi như khói bếp giữa những ngày mưa dầm, như cái chạm khẽ của đầu ngón tay khi Quốc buộc lại khăn quàng cổ cho Huân mỗi sáng mùa đông. Là những lần Quốc lén lấy kẹo của hợp tác xã cho Huân ngậm, rồi giả vờ quát mắng cho người khác khỏi nghi ngờ.
Năm họ hai mươi tuổi, chiến tranh rực lên như một ngọn lửa đỏ lòm phía chân trời. Đất nước cần những chàng trai khỏe mạnh ra chiến trường, và Huy Quốc, dĩ nhiên, là người đầu tiên trong làng được gọi tên đầu tiên
Chí Huân xin đi cùng. Cậu muốn góp một phần tuổi trẻ mình để bảo vệ quê hương,đất nước một phần cũng vì muốn kề vai sát cánh bên người bạn thuở nhỏ của mình nơi chiến trường Nhưng bác sĩ từ huyện về chỉ cần nhìn sơ qua bệnh án đã lắc đầu:
“Thằng nhỏ yếu lắm, gió mạnh thổi còn nghiêng người, lấy gì ra trận.”
Tối trước ngày đi, Quốc gọi Huân ra gốc đa nơi hai đứa từng trốn cha mẹ vào những buổi trưa hè oi bức để ra bắt ve , bắt chấu, từng nằm ngửa nhìn trời bàn chuyện sau này ai cưới vợ trước. Hôm đó họ ngồi rất lâu, không ai nói điều gì to tát. Chỉ có tiếng dế kêu, tiếng gió lùa qua tán lá, và cái im lặng nhòe nước mắt mà chẳng ai dám lau.
Sáng hôm sau, xe bộ đội đỗ trước sân đình. Người làng kéo nhau ra tiễn, đông như trẩy hội. Mọi người trong xóm ai cũng nắm tay Quốc, dặn dò đủ điều. Người dúi cho anh gói chè khô, người gói đường, người cân sắn, bảo để dành ăn dọc đường cho đỡ nhớ cơm nhà Giữa dòng người xôn xao ấy, Huân đứng yên bên gốc cột đình, hai tay ôm chặt chiếc khăn tay nhỏ, mắt nhìn về phía Quốc không rời.Khi tiếng còi xe vang lên báo hiệu chuẩn bị xuất phát, Huân như bừng tỉnh, chạy vội ra giữa sân. Không nói gì, cậu ôm chầm lấy Quốc, vòng tay nhỏ bé siết chặt lấy thân hình to lớn đã thân thuộc suốt bao năm tháng Cậu đưa cho Quốc chiếc khăn tay – vải màu trắng ngà, ở góc khăn là một đóa hoa đỏ được thêu bằng tay, nét chỉ còn vụng về nhưng chứa chan tình ý. Giọng Huân run lên:
“Cậu đi... nhớ giữ gìn sức khỏe, và… nhớ quay trở về với tôi…”
Quốc sững người trong giây lát. Rồi anh cúi xuống, dịu dàng đưa tay lau đi hàng nước mắt đang lăn dài trên gương mặt trắng trẻo của Huân. Mắt anh nhìn sâu vào mắt cậu, giọng trầm hẳn xuống, khàn như làn khói lam chiều vắt qua mái nhà tranh:
“Chờ tôi nhé… Khi nào chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất… chúng ta sẽ sống bên nhau.”
Nói rồi, Quốc xoay người bước lên xe, nhưng trước khi cánh cửa đóng lại, anh còn ngoái nhìn – một ánh nhìn dịu dàng, đầy lưu luyến, như muốn khắc ghi hình bóng người kia vào tận đáy tim.
Chiến tranh vẫn kéo dài. Bom đạn tàn phá khắp nơi. Trong làng, tên những người ra đi rồi không về cứ dài thêm theo năm tháng. Huân vẫn sống, vẫn làm thơ, đọc sách , vẫn làm những việc lặt vặt trong hợp tác xã. Nhưng mỗi chiều, khi mặt trời nghiêng bóng, cậu lại ra gốc đa, nơi gió vẫn thổi theo hướng cũ lá vẫn rụng theo mùa. Huân ngồi đó chờ đợi ngày tháng qua đi,thầm cầu mong sao cho chiến tranh kết thúc, đất nước được yên bình để cậu được gặp lại người mà cậu yêu
Rồi một ngày tháng Tư năm 1975, làng rộn ràng tiếng trống, tiếng loa báo tin miền Nam giải phóng. Cờ đỏ treo khắp đường làng, người người chộn rộn đợi bộ đội trở về.
Huân cũng có mặt. Cậu đứng từ sớm, mặc chiếc áo sạch nhất, tay nắm chặt , lòng cậu hồi hộp, trái tim cứ đập liên tục từng nhịp. Ai cũng cười. Riêng Huân, môi run run, mắt đau đáu nhìn về cuối con đường đất đỏ.
Đoàn người về, từng người một bước xuống xe trong sự hò reo của người dân.Nhưng trong đoàn người ấy, cậu ngóng mãi vẫn không có hình bóng của Quốc Bỗng một anh bộ đội bước tới chỗ cậu đứng, người đó không phải ai xa lạ mà là thằng Sửu – đứa con của ông bà Lại đầu xóm chạc tuổi với cậu, nó nhập ngũ cùng ngày với Quốc. Thấy nó cậu liền vội vã hỏi
“ Sửu Quốc đâu ,sao nãy giờ tao không thấy nó xuống xe”
Nghe cậu hỏi, thằng Sửu chỉ run run đưa cho cậu một tập giấy cùng chiếc khăn tay có hình bông hoa đỏ đã ngả màu vàng mà nói
“ Thằng Quốc nó hi sinh rồi, năm 1972 tại mặt trận Quảng Trị, trước khi mất nó có dặn tôi đưa cái này cho cậu”
Chí Huân sững người. Trong một thoáng, cậu tưởng như mọi âm thanh quanh mình đều biến mất. Không còn tiếng trống chào đón, không còn tiếng người làng reo vui gọi tên nhau, chỉ còn tiếng giấy lạo xạo trong tay, và cái tên “Trần Huy Quốc” in rõ trên tờ báo tử, như nhát dao cứa sâu vào lòng.Tay cậu run lên bần bật,môi mấp máy, nhưng không thốt nên lời. Cậu nhìn chiếc khăn, chiếc khăn năm xưa cậu đã trao cho Quốc trước ngày lên đường – giờ đã sờn rách, vết chỉ thêu đã phai mờ theo gió bụi chiến trường. Cậu đưa tay khẽ chạm vào đường chỉ ấy, như thể chạm vào chút hơi ấm cuối cùng còn sót lại của người xưa. Cậu ôm chặt chiếc khăn vào ngực, ngã khuỵu bên lề đường, vùi mặt vào đó mà thổn thức – những tiếng nấc nhỏ, ngắn, đứt quãng như hơi thở cuối cùng của niềm tin bị bóp chết. Những lá thư từ chiến trường rơi xuống đất, giấy đã ố vàng, nét chữ xiêu vẹo nhưng vẫn nguyên một giọng văn quen – là lời của Quốc, là những dòng viết cho Huân vào mỗi đêm dài giữa bom rơi lửa đạn.Huân nhặt từng lá thư, ôm vào lòng, như thể ôm cả người thương năm ấy, như thể nếu ôm đủ chặt, thì Quốc sẽ quay về thật. Sau ngày nhận tin Quốc hy sinh, Chí Huân không còn như trước nữa. Cậu sống chậm hơn, ít nói hơn, và có một khoảng lặng nào đó luôn thường trực trong ánh mắt. Người ta hay thấy cậu ngồi một mình dưới gốc đa cũ, nơi từng có hai đứa trẻ năm nào ngồi ăn ổi, nằm ngửa nhìn trời và hứa hẹn chuyện mai sau.
Nhiều năm về sau,làng có nhiều đổi thay. Những mái nhà tranh được thay bằng ngói đỏ. Đường làng đổ bê tông, trẻ con đi học bằng xe đạp mới. Những người từng ra trận cũng lần lượt về quê, có người thành cán bộ, có người mở cửa hàng, ai nấy đều lo chuyện áo cơm, ruộng đồng, gia đình.
Còn Huân, vẫn sống một mình. Không vợ, không con. Căn nhà nhỏ lợp lá nằm lọt thỏm giữa khu vườn um tùm hoa dại. Trong nhà cậu treo ảnh Bác Hồ và một khung gỗ, bên trong là chiếc khăn tay cũ và tờ giấy báo tử ố vàng. Bên dưới là một dòng chữ viết tay:
“Tôi chờ một người không trở lại, nhưng lòng vẫn gọi là yêu.”
Người làng lúc đầu còn bàn tán, sau rồi cũng quen. Trẻ con gọi cậu là ông Huân gốc đa, người già thì thở dài mỗi khi thấy bóng dáng quen ấy đi chầm chậm qua sân đình. Người thương thì lặng lẽ đem cho cậu bát chè, cái bánh, nhưng cậu chỉ cười rồi từ chối, nói:
“Tôi chờ người… chưa về kịp.”
Mùa xuân năm ấy, hoa cau sau nhà nở trắng cả một khoảng trời. Người ta không còn thấy Huân ra gốc đa nữa. Hôm sau, một đứa trẻ đi hái hoa bắt gặp ông nằm yên, tay ôm cuốn sổ cũ, miệng còn hé nụ cười rất nhẹ. Trên trang giấy cuối cùng, nét chữ run run:
“Quốc à, tôi giữ lời rồi đó.Tôi đã chờ cậu… chờ cả một đời.”
Gió tháng Ba thổi qua vòm đa rì rào như tiếng ai gọi khẽ. Lá rơi lác đác phủ lên vai áo bạc màu của người đã chờ đợi trọn kiếp – như thể gốc đa cũng biết, hôm nay… người kia cuối cùng cũng được gặp lại người thương.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip