Chương 4: Tri tâm
Một ngày mới khác lại bắt đầu, hôm nay Haibara theo chân một người tỳ nữ tên Băng Tâm [1] trong phủ Nhật Duật đến cửa hàng mua giấy bút nghiên mực. Băng Tâm có cha làm quan thông ngôn cho triều đình nên nàng ta cũng biết chút ít tiếng Phù Tang. Vì vậy mà Nhật Duật mới để nàng ta đi cùng Haibara. Vừa bước chân vào cửa hàng giấy bút, Haibara đã thấy phảng phất hương mực tàu cùng mùi giấy mới. Băng Tâm nhìn nàng:
- Em có biết chọn giấy mực như thế nào là tốt không? Nếu chọn loại dở về e sẽ bị tổng quản khiển trách.
- Em không. – Haibara lắc đầu – Hỏi người bán thì bao giờ họ cũng nói tốt cho hàng của mình. Chị ở trong phủ đã lâu chắc cũng biết trong phủ hay dùng loại giấy nào, e nghĩ mình cứ mua loại ấy là được chị ạ.
- Giấy tốt là giấy khi soi lên nắng có độ dàn trải đều, khong được có chỗ dày quá, chỗ mỏng quá. Độ trắng vừa phải, mặt giấy mịn. Còn mực khi cho nước vào mài không được vón cục, có độ sóng sánh và màu đen giống như thế này, khi viết lên giấy dưới ánh sáng sẽ thấy nét mực óng ánh. Đầu bút lông làm bằng lông chồn mềm như thế này là thích hợp dùng để vẽ - Băng Tâm tận tình chỉ vào đống giấy mực bày bán trong hàng, những điều căn bản cho Haibara.
Sau đó Băng Tâm cùng nàng đi vòng quanh cửa hàng và mua 10 thếp giấy dọc rồi, 3 cuộn giấy lớn dùng để vẽ tranh và 30 bút lông các loại. Đến lúc ra quầy đưa ông chủ tính tiền, Băng Tâm kêu đau bụng phải đi cầu tiêu, nàng đưa cho Haibara túi tiền trong đó có 100 quan, kêu Haibara trả tiền cho ông chủ.
- Của cháu là 30 quan – Ông chủ gảy lách cách trên cái bàn tính bằng gỗ nhỏ có những hạt đầy màu sắc.
- Đây ạ - Haibara lấy từ trong túi tiền ra 3 xâu tiền đưa cho chủ quán. Hôm qua Nhật Duật tính chỉ dạy nàng một số câu như chào hỏi, tên tuổi thôi nhưng chàng không ngờ nàng lại học nhanh như vậy nên dạy được cả số đếm, đủ để hôm nay Haibara hiểu được lời ông chủ quán và trả lời ông ấy, dù phát âm của nàng chưa hoàn toàn giống như người An Nam được. Đơn vị tiền tệ ở đây, sáng nay trước khi đi, Băng Tâm cũng đã chỉ qua cho nàng.
Khi Băng Tâm trở lại, thì ông chủ đã cho người đóng gói hàng rồi cho một người sai vặt giúp hai nàng đem đồ về nhà. Băng Tâm bảo ông ta, đây là số đồ Chiêu Văn vương sai nàng đi mua, ông ta hãy cho người đưa đến phủ Chiêu Văn Vương trước cho nàng khiến ông ta há hốc mồm ngạc nhiên vì không ngờ hôm nay lại có nhân vật lớn như vậy mua hàng của mình. Hàng của vương gia, em của Thái thượng hoàng, chú ruột của đương kim hoàng thượng, nào ai dám sơ sẩy.
Trên đường về, Haibara cùng Băng Tâm đi qua khu chợ. Những quầy hàng bày dưới các lán lá đầy màu sắc. Các bà các cô chít khăn mỏ quạ, mặc áo mơ ba mơ bảy dập dìu tấp nập cắp rổ đi chợ. Tiếng chào mua gọi bán rôm rả cả một góc trời. Cái nắng vàng như mỡ gà của mùa hè làm Băng Tâm phải đội cái nón quai thao. Đi qua quán hàng của một bà lão trong góc chợ, Băng Tâm níu tay áo Haibara:
- Vào đây uống miếng nước cho đỡ khát đã em.
- Nhưng em thấy chú đã sai em và chị đi làm việc thì nên đi đến nơi về đến chốn, không nên để chú ấy phải đợi – Nhật Duật dặn Băng Tâm đừng nói cho Haibara biết thân phận của mình nên nàng không ngạc nhiên khi thấy Haibara chỉ là một thư đồng nhỏ bé mà lại gọi vương gia quyền cao chức trọng như vậy.
- Ôi dào, lo gì. Nếu em sợ cứ về trước đi. Người của cửa hàng sẽ đem đồ về phủ, chỉ cần nhìn thấy thứ mình cần là đức ông hài lòng rồi – Băng Tâm phẩy tay, đoạn nàng kéo tay Haibara rồi ấn nàng ngồi xuống chiêc ghế con trước cái bàn che bầy trầu thuốc của của bà lão tóc bạc phơ như cước.
Haibara tần ngần rồi cũng ngồi im, nàng không biết đường về thôi thì đành đợi cô nàng này ăn vặt xong vậy.
- Hai cháu ăn gì – Bà lão đon đả, bàn tay lốm đốm đồi mồi nhiệt dùng phe phẩy cái quạt mo cau cho khách, nở nụ cười đôn hậu để lộ hàm răng đen nhánh như hạt na của mình khiến Haibara ngạc nhiên. Nhuộm răng đen là một tập tục lâu đời của người Việt, trong suốt hơn 1000 năm Bắc thuộc, tập tục này vẫn chẳng hề bị phai nhòa hay mất đi.
- Cho cháu hai bát tào pha (phớ)[2] - Băng Tâm nhanh nhảu.
- Có ngay – Bà lão mở vung cái niêu đất lớn rồi dùng cái vỏ trai to óng ánh lớp xà cừ hớt từng lớp tào pha cho vào hai cái bát chiết yêu, rồi rót nước đường ướp hoa nhài đựng trong một cái ấm cho ngập những miếng tào pha trắng ngà, đoạn đẩy hai cái bát trước mặt hai người khách, tươi cười – Hai cháu ăn đi.
- Ăn đi em, ăn cho mát. – Băng Tâm giục Haibara.
Haibara nhìn món ăn dân dã trước mặt, những miếng trông gần giống như caramen hay thạch trắng mịn trong nước đường. Nàng ăn thử thì thấy cái vị ngọt thanh phảng phất hương hoa nhài của nước đường hòa cùng với vị bùi của miếng tào pha mềm mại tan ra trong miệng, khiến người ta ăn rồi lại muốn ăn nữa. Hôm qua, cái món cốm dẻo thơm từng hạt như hạt ngọc và bánh đậu xanh mà Nhật Duật mời cũng làm nàng thầm tấm tắc khen ngon. Genta mà có ở đây chắc phải ăn mấy món này đến không ních nổi mới thôi mất.
Băng Tâm lấy tiền trong chiếc túi gấm mà nàng đã đưa cho Haibara để trả tiền giấy bút để gửi bà cụ. Mua thêm mấy cái kẹo lạc với hai bát tào pha, bà cụ chỉ lấy một hào.
- Khi về, tổng quản có hỏi mua đồ hết bao nhiêu tiền thì em nói mua hết 40 quan nhé, số dư chị em mình chia nhau, chị 7 quan, em 3 quan – Trên đường từ quán bà lão về phủ, Băng Tâm dụ dỗ Haibara.
Cô nàng này không những la cà quán xá lại còn muốn bòn rút tiền rồi lôi kéo nàng theo. Nếu nàng nói không thì e rằng sẽ sợ gây thù với cô ta, sau này cũng khó sống bình yên, còn nếu có thì nàng cũng không thể. Cô ta sống trong phủ đã lâu dĩ nhiên có được lòng tin hơn nàng, giả nàng từ chối chống lại ý cô nàng, túi tiền tổng quản giao cô ta đang giữ, cô ta có thể lấy đi một ít rồi đổ nàng ăn cắp. Người ta sẽ tin người lâu năm trong phủ hơn là mọt kẻ chân ướt chân ráo mới đến lại lai lịch bất minh như nàng. Thấy Haibara im lặng thì Băng Tâm tưởng nàng đồng ý, ngoài mặt vui vẻ nhưng đôi mắt Băng Tâm đang thẫm dần lại.
Về đến phủ, Băng Tâm đưa lại túi tiền cho lão tổng quản, lễ phép thưa:
- Tiểu tỳ mua hết 40 quan ạ
- Có đúng vậy không – Tổng quản nhìn Haibara hỏi.
Băng Tâm đinh ninh Haibara sẽ gật đầu nhưng không ngờ nàng lấy trong người ra một tờ giấy gấp tư:
- Chủ cửa hàng đưa cho cháu tờ giấy này nhưng cháu không biết chữ, ông xem hộ cháu được không – Haibara đưa tờ giấy cho tổng quản.
Ông tổng quản xem tờ giấy rồi gật đầu bảo Haibara về phòng. Nàng vâng lời yên tâm rời đi, tờ giấy đấy không phải chủ cửa hàng cho nàng mà nàng đã yêu cầu ông ta viết tên, số lượng rồi giá cả và tổng tiền các mặt hàng vào đó, nó giống như hóa đơn ở hiện đại. Trên tờ giấy có chữ ký và dấu tay cũng như ấn ký của cửa hàng để làm chứng. Nhìn tờ giấy đó, tổng quản khắc biết nên làm gì. Còn nàng chưa từng gật đầu hay đồng ý với đề nghị của Băng Tâm, lại thêm nàng không biết chữ do đó không biết bên trong viết gì nên mới nhờ tổng quản đọc hộ, Băng Tâm cũng chẳng thể đổ lỗi cho nàng làm cô ta bị lộ chuyện bớt xét.
Khi Haibara đã đi khuất, lão tổng quản bảo Băng Tâm:
- Trong tờ giấy này ghi số tiền phải trả chỉ có 30 quan, tiểu thư đến thư phòng thưa kết quả cho đức ông được rồi.
- Tờ giấy này là do cô bé đó chủ động xin chủ cửa hàng, lúc đó tôi giả vờ ra hậu sảnh rồi lấp sau tấm mành trúc mà quan sát. - Băng Tâm mỉm cười.
Giờ cơm trưa, Haibara ăn cùng những gia nhân trong phủ ở một căn phòng rộn lớn, khoảng 5 người một bàn. Trên bàn có một bát canh to. Ấy là canh cáy với cái màu xanh của rau đay và màu nâu pha trắng của gạch. Thêm bát cà pháo cùng món cá bống kho tộ, đĩa thịt ba chỉ luộc và rau muống xào tỏi. Đối với nàng những món ăn này hết sức lạ lẫm. canh không phải ăn riêng mà chan vào cơm để ăn cùng. Món canh ăn vào đến đâu mát ruột đến đấy với vị ngọt bùi của gạch cáy, vị thanh mát của rau đay ăn cùng cái món cà pháo cay cay chua chua ngọt ngọt giòn tan. Cá kho mềm đậm đà, miếng rau muống xào tỏi vừa thơm vừa đằm.
Chiều đến. Nhật Duật giản dị trong chiếc áo sồi nâu, ngồi trên chiếc chõng tre kê trước cử thư phòng, vừa thưởng trà hoa mai vừa đọc cuốn Binh thư yếu lược của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Vốn định sắp tới sẽ về thăm thái ấp ở Quảng Xương, Thanh Hóa ra sao nhưng có lẽ không được, sáng nay thiết triều, các quan báo lên quan gia[3] rằng vùng người Man phía Tây Bắc đang có biến. Có lẽ sắp tới thể nào cũng có nổi loạn không yên, gây hấn với triều đình.
Nghe tiếng guốc mộc lạch cạch trên nền gạch, Nhật Duật không rời mắt khỏi trang sách cũng biết người đang đến là học trò nhỏ mới nhận hôm qua của mình. Chiều qua rảnh rỗi, chàng đã dẫn Haibara đi xem một lớp học củ thầy đồ trong kinh thành. Ở đó bọn trẻ rất lễ phép và cung kính với thầy giáo. Thầy đồ áo the khăn xếp đạo mạo cầm chiếc roi ngồi trên sập gỗ giảng bài, bọn trẻ tóc chỏm đào ngồi dưới ê a đọc theo. Chúng một điều bẩm thầy, hai điều bẩm thầy, đều khoanh tay cúi đầu thưa rất lễ phép. Ấy là truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt. Không phải không có lý do mà Nhật Duật dắt nàng đi xem, bởi vậy hôm nay khi đến trước mặt Nhật Duật, Haibara phải khoanh tay cúi đầu nói:
- Bẩm thầy, trò đã đến rồi ạ - Qua sông thì phải lụy đò, từ nhỏ nàng đang hưởng nền giáo dục từ Mỹ một đất nước ưa chuộng tự do nên thực sự ngạc nhiên khi thấy ở đây vào thời này, thầy đồ lại được nể trọng như vậy, bọn trẻ có thể không sợ bố mẹ nhưng đều nghe lời thầy dạy một phép, lại hết sức cung kính. Nhập gia tùy tục, Nhật Duật đã nói rõ một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy, nếu Haibara đã theo học tiếng An Nam chàng dạ thì phải đối đáp ứng xử theo lễ nghĩa sư trò ở đây. Chắc Conan có nằm mơ cũng chẳng thể có ngày tin được cô bạn ăn nói “xấc xược” của mình có ngày lại ăn nói nghe có vẻ cung kính với người khác như vậy. Tại sao lại nghe có vẻ bởi lời nói là vậy, lễ phép đó nhưng ngữ điệu của nàng thì vẫn như cũ từ trước đến giờ, lãnh đạm thờ ơ.
- Thầy sẽ nhận trò vào làm thư đồng cho thầy, mỗi tháng trò lĩnh 10 quan, không kể ăn ở. Thế nào? – Nhật Duật buông cuốn binh thư xuống…và bóc kẹo lạc nhấm nháp. Vị ngọt thanh của mạch nha cùng vị bùi bùi giòn giòn của lạc quấn quýt nơi đầu lưỡi. Nhấp ngụm trà để làm tan cái ngọt trong miệng, Nhật Duật hỏi.
- Chẳng phải hôm qua thầy nói còn một thử thách cuối cùng nữa sao? – Haibara ngạc nhiên, rồi một chuyện lướt qua trong tâm trí nàng – Có phải chuyện sáng nay chính là thử thách đó.
- Thông minh – Nhật Duật vừa tiếp tục công cuộc nhai kẹo lạc cồng cộc vừa nói – Băng Tâm vốn dĩ không phải tỳ nữ trong phủ, vì cô ấy cũng biết chút ít tiềng Phù Tang nên ta nhờ cô ấy đi cùng trò, cô ấy bảo trò biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, trả tiền thành thật, không bớt xén, không la cà quán xá, không bị dụ dỗ ăn bớt tiền. Có điều ta ấn tượng với cái cách trò nói sự thật với tổng quản.
- Vậy là thầy chính thức nhận trò làm thư đồng – Nàng khẳng định
- Nhất ngôn cửu đỉnh – Nhật Duật nhấp ngụm trà.
- Vâng. Vậy thầy hãy làm hợp đồng lao động – Haibara trả lời.
- Hợp đồng lao động ? – Nhật Duật không hiểu hỏi lại
- Nghĩa là một tờ cam kết có nội dung ghi rõ về việc thầy thuê trò làm thư đồng. Trong đó ghi cụ thể những công việc mà một thư đồng phải làm, tiền lương phải trả trong một tháng, trả vào ngày nào, thuê trong bao lâu, nếu ai vi phạm hợp…cam kết sẽ bị phạt như thế nào – Haibara giải thích cho rõ ý kiến của mình.
- Được thôi – Đôi mắt yên tĩnh trong suốt của Nhật Duật ánh lên những tia sáng khác lạ trong chốc lát rồi biến mất, có điều nụ cười thản nhiên điềm tĩnh trên bờ môi kiên nghị của chàng mà theo Haibara là phớt đời vẫn không đổi - Nhưng nhóc thực sự bao nhiêu tuổi vậy – Nhật Duật đột ngột nhìn xoáy thẳng vào đôi mắt tĩnh lặng như mặt hồ soi bóng mây của Haibara. Cái nhìn tinh anh đó giống như đôi mắt của con hổ sáng quắc, đầy uy quyền và ngạo khí lấn át người khác, cái nhìn xuyên thấu tâm can như muốn đọc rõ nội tâm người đối diện, khiến người đó vô thức cúi đầu. Người thanh niên có gương mặt trẻ con trước mặt nàng sao lại có thể thay đổi nét mặt nhanh đến như vậy chưa đầy cái chớp mắt. Cái nhìn của chàng làm cho đôi mắt mênh mang như làn thu thủy ấy xao động.
- Nhóc thông minh nhưng không phải là cái thông minh của trẻ con, cũng không phải của thần đồng. Cách cư xử và ứng phó càng không. – Ngừng lại, cầm quyển binh thư lên tiếp tục đọc, Nhật Duật nói tiếp mà không nhìn Haibara, ngữ điệu không đổi bình thản nhưng mang sắc thái lạnh lẽo – Giống như là một người lớn trong lốt trẻ con. Ta đã cho người điều tra những lời nhóc nói về việc lên lầu xin lau lan can đổi thức ăn rồi bị ngã xuống. Là nói dối. Ngoài ra người của ta cũng chẳng điều tra được bất cứ thông tin gì về nhóc. Lúc nhóc kể về hoàn cảnh của mình cho ta và An Tư trong lần đầu gặp mặt, sự đáng thương và đau khổ trên mặt nhóc là diễn kịch. Không chỉ ta nhận ra mà An Tư cũng vậy. – Nói xong, Nhật Duật chú tâm vào những dòng chữ màng như không cần câu trả lời hay giải thích của Haibara, gương mặt vẫn điềm tĩnh như cũ chỉ có điều phảng phất làn sương lạnh khiến người ta nhìn nét mặt chàng mà khó đoán tâm ý.
Trước giờ nàng vẫn luôn tự tin vào khả năng diễn xuất y như thật của mình nhưng lần này lại bị người khác phát hiện dễ dàng đến vậy. Nhật Duật thì thôi, không nói làm gì, anh ta cũng đã 25 tuổi, sự đời chắc cũng nếm trải không ít, nhưng ngay cả một thiếu nữ non trẻ mới 14 tuổi như An Tư cũng có thể nhận ra nàng đã diễn kịch ư?
- Tôi nói anh sẽ tin chứ. – Sau một thoáng xao động, làn thu thủy ấy lại yên ả như cũ. Haibara cân nhắc, suy nghĩ kỹ, nếu không nói những gì thực sự xảy ra nàng cũng không biết phải giải thích thế nào. Sự thật cũng chẳng có gì phải giấu vì ở đây không có tổ chức áo đen, thân phận của nàng người ta có biết cũng chẳng nguy hiểm, nhưng chỉ là quá khó để người ta có thể tin, đến bản thân nàng còn chẳng thế tin được nữa là người khác. Vì vậy nàng mới phải nghĩ ra một lý do, bịa ra một hoàn cảnh khác để nói.
Trước cách thay đổi xưng hô đột ngột của Haibara, Nhật Duật vẫn im lặng không đáp, chẳng rõ không quan tâm hay đang chờ đợi câu trả lời.
- Tôi sẽ rời khỏi đây. Cảm ơn anh và An Tư đã giúp đỡ mấy ngày qua. – Haibara quay lưng rời khỏi, tà áo tứ thân màu anh đào phất phơ lay động trong gió.Tiếng guốc mộc nện trên nền gạch xa dần.
Nhật Duật không giữ lại. Thực ra từ trước đến giờ và sau này cũng thế, chàng vốn dĩ không cần thư đồng. Những việc như cắt giấy, mài mực, dọn dẹp thư phòng chàng muốn tự mình làm. Việc tuyển chọn thư đồng chẳng qua chỉ là một cái cớ để chàng kiểm tra và thử Haibara mà thôi.
Khi bóng nàng khuất hẳn, từ trong thư phòng của chàng, có 4 thiếu nữ bước ra. Một mặc áo tứ thân mau thủy lam tóc vấn đuôi gà, ba mặc võ phục màu tím hoa sim, tóc búi cao gọn gàng sau gáy. Đó là An Tư, Hát Giang, Lô Giang và Như Nguyệt.
- Như Nguyệt và Lô Giang, hai cô hãy đi theo cô bé đó – Nhật Duật lên tiếng.
- Thuộc hạ hiểu – Hai nàng chắp tay thưa.
An Tư ngồi xuống chõng tre cạnh Nhật Duật. Chàng mỉm cười:
- Đứa trẻ này cũng dễ tự ái quá.
- Là tự trọng – An Tư sửa lại.
- Thưa, liệu có phải đức ông và công chúa đa nghi quá không. Thuộc hạ thấy đó chỉ là một đứa bé sao có thể là gián điệp được. – Hát Giang đứng bên cạnh thắc mắc.
- Cẩn tắc vô ưu. Phù Tang và Đai Nguyên sắp có chiến tranh, họ có thể cho người sang bên này để gây mâu thuẫn giữa Đại Việt và Đai Nguyên nhằm phân tán sự chú ý của quân xâm lược vào nước họ. Nếu giữa Đại Việt và Đại Nguyên có biến, chẳng phải họ sẽ có lợi hơn sao. – Nhật Duật đáp.
- Vì là trẻ con nên sẽ ít người khác đề phòng. Một đứa trẻ dù có thông minh đến đâu thì cũng chẳng thể mạo hiểm dùng nó làm gián điệp được, nhưng nào ai dám chắc đằng sau nó không kẻ giật dây chỉ dẫn. Lại thêm cô bé này quá kỳ lạ – An Tư vuốt lọn tóc đuôi gà lắc lư trên vai. – Anh, lần này phiền anh rồi.
- Lâu lâu mới thấy em nói được một câu tử tế với ông anh này – Nhật Duật sau một hồi cố tình trưng ra bộ mặt ngạc nhiên sửng sốt hết sức khoa trương liền “cảm kích” quá mà run run nói ra một câu.
- Khi nào cô bé dùng được tiếng An Nam, em sẽ đón vào cung, không làm phiền anh nữa – An Tư vỗ bốp một cái vào vai anh.
Rời khỏi phủ của Chiêu Văn, Haibara lạc lõng nhìn tứ phía không biết đi đâu về đâu. Nàng mặc lại bộ quần áo hiện đại cũ, không một xu dính túi. Người tên Chiêu Văn đó thật khó hiểu. Nàng vốn không thích nói cho người khác quá nhiều chuyện của mình. Hồi đầu, khi mới ở nhà bác Agasa, ông bác cũng có hỏi tên và tuổi thật của nàng nhưng nàng không nói. Đến lúc ở sân vận động bóng đá, Conan có hỏi thật ra thì nàng bao nhiêu tuổi, lúc đó nàng đã trả lời là 84 tuổi khiến cậu ta choáng váng.
Haibara đi lang thang qua các con phố và cứ tiếp tục đi trong vô định. Nàng phải làm gì để tiếp tục sinh tồn ở nơi này bây giờ trong khi tiếng nói ở đây mới chỉ bập bõm biết được vài câu. Bản năng sinh tồn trong nàng chính nàng cũng không biết nó có mãnh liệt hay không nữa. Nàng đã từng nhiều lần nghĩ đến việc tự tử và đã tự tử nhưng hình như Diêm vương không thèm đón nhận nàng đến quỷ môn quan. Có lẽ nàng sẽ xin vào làm ở một quán ăn nào đó, còn việc học tiếng, ở một thời gian thì con người ta sẽ tự thích nghi được, việc học ngoại ngữ quan trọng nhất là phải có môi trường giao tiếp. Sống, nàng sẽ sống, cố gắng sống. “Đừng chạy trốn số phận” Việc nàng lạc đến nơi này phải chẳng cũng do bàn tay của số phận sắp đặt. Nếu thực sự như vậy nàng có muốn cũng không thể chạy trốn được rồi mà phải đối mặt với nó.
Xưa nay trực giác của nàng vốn rất nhạy cảm vì vậy mỗi lần có người của tổ chức ở gần, nàng đều cảm nhận được sát khí từ chúng. Và giờ đây nàng đang cảm giác có người đi theo mình. Nhưng nhìn chung quanh thì chẳng thấy ai cả. Có lẽ nàng nhầm rôi, nơi này nàng chỉ có một mình, lại trông bộ dạng quần áo thê thảm thế này thì chắc chẳng có ai thừa hơi mà đi theo nhằm cướp giật gì của nàng. Nàng dừng chân ngồi nghỉ chân ở bậc tam cấp của một cửa tiệm đóng kín. Mây đen vần vũ trên bầu trời, gió bắt đầu nổi lên mang theo cái hơi ẩm của nước và mùi ngai ngái của đất. Sấm rền lên từng hồi kèm theo vài tia chớp nhay nháy phía đông. Mưa, mưa rào. Cơn mưa lớn nặng hạt trút xuống bất ngờ không báo trước, khiến hàng quán hai bên đường vội vã thu dọn, người người cũng nhanh chóng rảo bước tránh mưa. Haibara cứ ngồi nguyên ở chỗ cũ bởi nàng chẳng biết phải đi đâu. Trận mưa lớn quá, gió rít lên từng hồi tạt cả màn mưa trắng xóa đang giăng kín con đường lát đá ong. Mái hiên của cửa tiệm nơi nàng đang ngồi không đủ để che mưa cho nàng. Thời tiết nơi này thật thất thường quá đi, rõ ràng trời đang đổ nắng như lửa đốt, chớp mắt một cái đã lại mưa ngay được, không những thế lại còn mưa to là đằng khác. Không thấy mưa hắt vào người mình từng đợt từng đợt nữa, Haibara ngẩng lên nhìn. Người đang che ô cho nàng không ai khác chính là thiếu nữ áo trắng như tuyết hôm nào tên An Tư. Hôm nay nàng ấy mặc y phục giản dị màu thủy lam nhàn tĩnh như nước, vấn tóc đuôi gà giống các tỳ nữ trong phủ của người anh. Theo sau là hai thiếu nữ khác mặc võ phục màu tím cũng đang cầm ô. An Tư một tay cầm ô, một tay chìa ra có ý bảo Haibara nắm lấy. Nàng đứng đó dịu dàng nhìn Haibara mỉm cười trìu mến, tà áo phất phơ lay động trong gió. Hình ảnh đó khiến Haibara nhớ đến bóng dáng người chị thân thương của mình. Ngần ngừ, cuối cùng nàng từ từ đưa bàn tay nhỏ bé của mình ra, đặt vào lòng bàn tay búp măng đang đưa ra của An Tư. Khi đó nụ cười trên môi An rạng rỡ hơn nữa như ánh nắng mặt trời át cả màn mưa. Bàn tay của An Tư ấm, thực sự ấm áp nhưng nó lòng bàn tay không hoàn toàn mịn màng và mềm mại như Haibara tưởng, nó có những vết chai. Những vết chai ấy là do An Tư không chỉ biết đến kim chỉ bút mực như bào nàng công chúa cành vàng lá ngọc hay thiên kim tiểu thư xuất thân danh môn khuê các khác mà nàng còn chăm chỉ cùng quyết tâm luyện võ, cưỡi ngựa, bắn cung từ nhỏ đến giờ. An Tư dắt tay Haibara trở về phủ đệ của Chiêu Văn vương. Khác với cái đêm chạy trốn khỏi nơi giam giữ của tổ chức, lần này cũng đi trên con đường bị màn mưa giăng trắng xóa, nhưng nàng không chỉ có một mình mà còn có một người ân cần nắm lấy tay nàng, dù rằng đây mới là lần thứ hai nàng gặp An Tư và nàng cũng chưa biết gì về người thiếu nữ này nhưng không hiểu sao nàng cảm thấy người này thật quen thuộc, thật gần gũi, nhất là nụ cười ấy. Khoảnh khắc này làm Haibara nhớ lại rất nhiều năm về trước, khi ấy chị Akemi cũng nắm tay nàng đi dưới bầu trời tuyết rơi như ông trời đang rải những cục bông trắng tinh khôi xuống thế gian. Giây phút này, Haibara thực sự là một đứa bé 7 tuổi, thực sự nhỏ bé cần sự dìu dắt của người chị, nàng để mặc cho ký ức của những ngày thơ ấu, những ngày thơ ấu đúng nghĩa trở về, tưới mát và xoa dịu trái tim khô cằn lẫn băng giá của mình. Mưa vẫn rơi, gió vẫn thổi nhưng lòng người như đang có mặt trời chiếu rọi. Hai chữ bình yên đôi khi cũng chỉ đơn giản như vậy mà thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip