Mãi đừng xa tôi (c1-c5)
Mãi Đừng Xa Tôi - Kazuo Ishiguro
Đôi lời về tác phẩm:
Thế giới những “phó bản” người
Tác giả không đưa ra bất cứ một thông tin tiết lộ nào về sự phi thực của tác phẩm, thậm chí còn là một dòng khẳng định ngay sau đề từ: "Nước Anh, cuối thập niên 1990", kèm theo đó là một lối hành văn đầy tiết chế. Thế nhưng người đọc có thể nhận biết một không khí khác lạ nào đấy đang bao trùm lên những nhân vật chính, bối cảnh, đời sống sinh hoạt của họ... Một không khí gợi nhớ Jane Eyre, Đồi gió hú của chị em nhà Bronte xưa, trên gam màu chủ đạo lạnh lẽo, âm u, điểm lên vài hình bóng câm lặng, những ngày dài lê thê không thấy bóng dáng mặt trời và gió phương bắc hú dài qua những mỏm đá xanh, lạnh sắc địa y...
Đấy là một ngôi trường đặc biệt, với sự hiện diện của tôi, Ruth, Tommy và những... cái bóng khác. Trên đầu họ là những giám thị khắc nghiệt, quái đản, bao quanh họ là những bức tường cùng rừng cây âm u huyền bí, nơi bảng lảng một hồn ma con gái... Vẫn có những lúc họ được ra ngoài những bức tường ấy, một chuyến đi chơi, một buổi dã ngoại, nhưng dường như họ chẳng bao giờ nghĩ đến một cuộc đào thoát.
Họ được xuất hiện trong cuộc đời, ăn học, lớn lên, để cuối cùng phục vụ cho một mục đích phi lý mặc nhiên. Đấy là ngôi trường nội trú của những đứa trẻ sinh ra bằng phương pháp sinh sản vô tính. Và những "phó bản" người này được nuôi lớn, chờ đến ngày hiến tạng. Họ sống, kết bạn, yêu thương, bình thường như mỗi con người, và lặng lẽ chờ đến ngày bị cắt đi từng phần thân thể. Cắt một lần, hai lần, nếu chưa chết thì cắt đến ba lần cho tới ngày gục hẳn! Và nơi cuộc sống ngoài kia là những chính bản của họ.
Kazuo Ishiguro, tác giả, dường như hoàn toàn biến mất trên những trang viết. Ông để cho cái phi lý ấy trôi an nhiên, đối mặt với người đọc. Ông tạo ra một thế giới đầy quái gở rồi để cho những nhân vật tiến bước trong cái logic dễ sợ đó. Và độc giả phải đi tiếp cuộc đi nhức nhối của mình cho đến dòng cuối cùng.
Nước Anh của thập niên cuối cùng thế kỷ XX, nơi chú cừu Dolly nhân bản đầu tiên ra đời. Một bước tiến quá đà của khoa học kỹ thuật. Có thể liên tưởng đến anh hề Charlot xưa trong Thời đại tân kỳ, khi con người bị cưỡng đoạt bởi máy móc, nhân tính hoàn toàn biến mất dưới một sức mạnh quái gở vô hình. Mãi đừng xa tôi là một phiên bản đau lòng mới, cảnh báo cho một thế giới viễn tưởng.
Nguyễn Danh Lam (Theo báo Thanh Niên, 1/5/2008)
Mãi đừng xa tôi từng được Alex Garland chuyển thể thành kịch bản phim tuy nhiên sau đó nó không được đưa vào thực hiện. Năm 2008 kịch bản phim Never Let Me Go được bầu chọn là một trong số các kịch bản xuất sắc nhất của điện ảnh Anh chưa được hiện thực hóa thành phim.[2] Đầu năm 2009, bộ phim đã được khởi quay với vị trí đạo diễn do Mark Romanek đảm nhiệm, vai Kathy được giao cho Keira Knightley, đồng diễn với cô là Andrew Garfield và Carey Mulligan.
PHẦN MỘT
Chương Một
Tên tôi là Kathy H. Tôi ba mươi mốt tuổi, đã làm người chăm sóc được hơn mười một năm nay. Nói vậy nghe cũng đã đủ lâu rồi, tôi biết, nhưng thật ra người ta còn muốn tôi làm thêm tám tháng nữa, cho đến cuối năm nay. Chừng đó thì hầu như đúng mười hai năm cả thảy. Giờ thì tôi biết tôi làm người chăm sóc lâu đến vậy chẳng nhất thiết bởi vì người ta cho rằng tôi làm việc ấy rất cừ. Có một số người chăm sóc thực sự giỏi nhưng nghe nói chỉ làm được hai, ba năm là người ta bảo phải thôi. Tôi lại còn biết có ít nhất một người chăm sóc khác đã làm việc này suốt mười bốn năm trời dẫu hoàn toàn chẳng được tích sự gì. Thế nên tôi không có ý khoe khoang. Nhưng tôi biết rõ rằng người ta hài lòng về công việc tôi làm, mà nói chung bản thân tôi cũng hài lòng. Những người hiến mà tôi chăm sóc luôn luôn có tình trạng khả quan hơn nhiều so với người ta tưởng. Họ thường phục hồi nhanh đến độ ngoạn mục, và ít ai trong số họ được phân loại là “bị kích động” ngay cả cho đến lần hiến thứ tư. Phải, có thể giờ thì tôi đang thực sự khoe khoang đây. Nhưng làm tốt công việc của mình, nhất là giữ cho những người hiến mà mình chăm sóc luôn luôn “bình thản”, điều đó có ý nghĩa với tôi lắm. Tôi đã dần dần phát triển được một thứ bản năng đối với những người hiến. Tôi biết khi nào cần ở bên họ và an ủi họ, khi nào cần để họ một mình; khi nào cần lắng nghe bất cứ điều gì họ muốn nói, còn khi nào chỉ cần nhún vai bảo họ ngủ một giấc cho quên chuyện đó đi.
Dù thế nào đi nữa, tôi không đòi hỏi gì nhiều cho bản thân. Tôi biết có những người chăm sóc hiện vẫn đang làm việc, họ cũng giỏi như tôi nhưng chẳng được đối xử tốt dù chỉ bằng một nửa tôi. Nếu bạn là một trong số họ, tôi có thể hiểu bạn hẳn sẽ phẫn uất lắm khi nhìn nào phòng khách kiêm phòng ngủ của tôi, nào xe hơi của tôi, và trên hết là cái kiểu tôi được tự do chọn người mình chăm sóc. Tôi lại là học sinh của Hailsham, nội chuyện đó đôi khi cũng đủ khiến người ta nổi giận. Người ta bảo Kathy H. muốn chọn ai để chăm sóc thì chọn, mà chị ta thì luôn luôn chọn những người mình thích: những kẻ từ Hailsham ra, hoặc một trong những người từ nơi danh giá khác. Thảo nào chị ta có thành tích cao đến vậy. Tôi nghe người ta nói thế nhiều rồi, thành thử chắc bạn còn được nghe nhiều hơn thế nữa, mà có lẽ trong đó cũng có phần đúng. Nhưng tôi không phải kẻ đầu tiên được quyền chọn người để chăm sóc, mà chắc hẳn cũng chẳng phải kẻ cuối cùng. Dù có thế nào, tôi vẫn chăm sóc chu đáo những người hiến dù họ được nuôi dạy ở nơi đâu. Trước khi tôi ngừng lời, hãy nhớ rằng tôi đã làm việc này mười hai năm, mà chỉ trong sáu năm gần đây người ta mới cho tôi cái quyền chọn người để chăm sóc.
Mà sao họ lại không có quyền chọn nhỉ? Người chăm sóc không phải là cái máy. Ta cố làm hết sức mình để chăm sóc từng người hiến, song rốt cuộc chính mình kiệt sức. Lòng kiên nhẫn và sức lực của ta có hạn. Thành thử một khi có cơ hội lựa chọn, dĩ nhiên ta chỉ chọn những người hợp với mình. Chuyện đó tự nhiên thôi. Chẳng cách gì tôi kham nổi việc này lâu đến vậy nếu tôi thôi cảm thông với những người hiến của tôi từng bước một trên con đường ấy. Và dù sao, nếu như tôi chẳng bao giờ có quyền chọn thì làm thế nào tôi được gần gũi Ruth và Tommy sau ngần ấy năm trời?
Song dĩ nhiên hồi ấy ngày càng ít những người hiến mà tôi biết mặt nhớ tên, thành thử trên thực tế tôi cũng chẳng kén chọn gì lắm. Tôi đã nói rằng, nếu không có sự gắn bó sâu sắc với người hiến thì công việc của người chăm sóc nặng nề hơn gấp bội, và dẫu tôi vẫn còn quyến luyến nghề này, song đến cuối năm nay ngưng hẳn thì có lẽ cũng đúng thôi.
Tình cờ, Ruth chỉ là người hiến thứ ba hoặc thứ tư mà tôi chọn. Lúc đó cô đã có một người chăm sóc được bố trí riêng cho mình, và tôi nhớ chuyện đó đã khiến tôi căng thẳng đôi chút. Nhưng rốt cuộc tôi cũng vượt qua được, và ngay khi tôi gặp lại cô, ở trung tâm phục hồi tại Dover, mọi khác biệt giữa chúng tôi dẫu không hẳn đã biến mất nhưng dường như không còn quan trọng như những điều khác nữa, như chuyện hai chúng tôi đã cùng lớn lên ở Hailsham, rằng chúng tôi cùng biết, cùng nhớ những chuyện không ai biết không ai nhớ. Có lẽ chính từ đó tôi mới bắt đầu chọn người hiến để chăm sóc trong số những người cũ trước kia, và bất cứ khi nào có thể, tôi luôn chọn người từng ở Hailsham.
Trong suốt những năm ra sức bỏ Hailsham lại phía sau, có đôi lúc tôi tự nhủ không nên nhớ lại ngày xưa nhiều quá vậy. Nhưng rồi đến một lúc tôi thôi không cưỡng lại điều đó nữa. Chuyện này có liên quan đến một người hiến mà tôi chăm sóc vào năm thứ ba làm công việc này: chính là phản ứng của anh ta khi tôi bảo rằng tôi ở Hailsham ra. Anh ta vừa trải qua lần hiến thứ ba, mọi chuyện không suôn sẻ, nên chắc anh ta biết có lẽ mình không qua khỏi. Anh ta thở rất khó nhọc, nhưng vẫn nhìn tôi mà nói: “Hailsham. Tôi dám cá chỗ đó đẹp lắm.” Thế rồi sáng hôm sau, khi tôi khơi chuyện cốt để anh ta sao nhãng đề tài ấy đi và hỏi anh lớn lên ở đâu, anh ta liền nhắc tên một nơi nào đó ở Dorser và khuôn mặt anh dưới những vết sưng tấy méo xệch đi trong một vẻ hoàn toàn khác. Chừng đó tôi mới hiểu rằng anh hoàn toàn chẳng muốn nói chuyện đó một chút nào. Anh chỉ muốn nghe chuyện Hailsham thôi.
Vậy là suốt năm, sáu hôm kế tiếp tôi kể cho anh nghe tất cả những gì anh muốn biết, và anh nằm đó, nghe mê mải, miệng nở nụ cười hiền hậu. Anh hỏi tôi cả chuyện lớn lẫn chuyện nhỏ. Về những người giám thị của chúng tôi, về chuyện mỗi chúng tôi đều có những chiếc rương riêng đựng đồ sưu tập giấu dưới giường, về môn bóng đá, về môn bóng rounders , về con đường nhỏ dẫn ta đi vòng quanh bên ngoài ngôi nhà, cái ao vịt, đồ ăn, quang cảnh nhìn từ Phòng vẽ trông ra những cánh đồng vào một buổi sáng mù sương. Đôi khi anh bảo tôi kể đi kể lại mãi cùng một chuyện; những chuyện tôi chỉ vừa mới kể cho anh hôm qua, anh vẫn bảo tôi kể cứ như tôi chưa kể bao giờ. “Các cô có nhà chơi thể thao không?” “Giám thị nào cô thích hơn cả?” Đầu tiên tôi nghĩ đó là do tác dụng của thuốc, nhưng rồi tôi nhận ra trí óc anh hoàn toàn minh mẫn. Không phải anh muốn nghe kể chuyện Hailsham, mà muốn nhớ lại Hailsham đúng như nó đã từng hồi anh còn nhỏ. Anh biết mình đã sắp đến hồi kết nên mới làm như vậy: bảo tôi mô tả mọi thứ cho anh nghe, sao cho hết thảy thực sự thấm sâu vào, sao cho trong những đêm mất ngủ vì thuốc, vì đau và kiệt lực kia, ranh giới giữa ký ức tôi và ký ức anh có thể sẽ mờ đi. Chính khi đó lần đầu tiên tôi hiểu, thực sự hiểu, rằng chúng tôi – Tommy, Ruth, tôi và tất cả những người khác -, chúng tôi đã may mắn đến nhường nào.
***
Giờ đây mỗi khi lái xe khắp miền quê, tôi vẫn hay nhìn thấy cái này cái nọ khiến tôi nhớ lại Hailsham. Khi đi ngang qua góc một cánh đồng phủ sương, hay nhìn thấy một phần của một căn nhà lớn ở xa xa trong lúc xuôi xuống triền thung lũng, tôi lại nghĩ: “Có lẽ đây rồi! Mình tìm thấy nó rồi! Đây chính là Hailsham rồi!” Thế rồi tôi nhận ra rằng không thể nào có chuyện đó được và lại tiếp tục lái xe, ý nghĩ trôi sang chuyện khác. Nhất là những cái đình tạ kia. Đâu đâu ở vùng quê tôi cũng nhìn thấy chúng, những chiếc đình tạ ở mãi tận rìa sân chơi, những công trình nho nhỏ màu trắng làm sẵn cùng một dãy cửa sổ cao ngất ngưởng thật trái tự nhiên, hầu như rúc hẳn vào dưới những mái chìa. Tôi nghĩ chắc người ta đã xây nhiều đình tạ như thế hồi thập niên năm mươi và sáu mươi, có lẽ đấy cũng là lúc những căn đình tạ của chúng tôi được dựng lên. Mỗi khi đi ngang một đình tạ như vậy tôi đều dán mắt vào càng lâu càng tốt, cứ kiểu ấy thì rồi có ngày tôi sẽ đâm sầm vào xe người ta mất, nhưng tôi vẫn nhìn không dứt. Mới đây, trong khi đang lái xe ngang qua một vùng đất trống ở Worcestershire, tôi thấy một đình tạ bên ngoài một sân chơi cricket, giống các đình tạ của chúng tôi ở Hailsham đến nỗi tôi phải quành xe lại nhìn thêm lần nữa.
Hồi đó chúng tôi rất yêu cái đình tạ thể thao của mình, có lẽ bởi nó khiến chúng tôi nhớ lại những căn lều nho nhỏ ngọt ngào mà người ta luôn vẽ trong các sách tranh hồi chúng tôi còn nhỏ. Tôi có thể nhớ lại hồi còn ở lớp Sơ, chúng tôi vẫn hay nài nỉ các giám thị giờ học sau hãy học ngoài đình tạ chứ không ở trong lớp như bình thường. Thế rồi đến khi chúng tôi học lớp Cao 2 – vào tuổi mười hai bước sang tuổi mười ba – thì đình tạ trở thành nơi chúng tôi ẩn náu cùng những người bạn thân nhất của mình mỗi khi muốn lánh xa tất cả những người còn lại ở Hailsham.
Cái đình tạ đủ lớn để hai nhóm riêng biệt có thể tụ tập mà không làm phiền nhau, vào mùa hè thì một nhóm thứ ba có thể ngồi cả ngoài hàng hiên. Nhưng lý tưởng nhất là mình cùng bạn bè có một nơi chỉ của mình thôi, để có thể thường xuyên đùa giỡn và tranh cãi. Các giám thị luôn bảo chúng tôi phải cư xử cho văn minh, nhưng trên thực tế ta cần có một vài nhân vật có tính cách mạnh trong nhóm thì mới mong có được cơ hội chiếm lấy cái đình tạ trong giờ giải lao hay những lúc rảnh rỗi. Bản thân tôi không hẳn thuộc loại củ rủ cù rù, nhưng tôi cho rằng thực sự chính là nhờ Ruth mà hồi đó chúng t6oi mới có thể tới chỗ đình tạ thường xuyên đến vậy.
Thường thì chúng tôi duỗi người thoải mái trên các ghế tựa và ghế băng – chúng tôi có năm người, nếu cả Jenny B. nhập bọn thì thành ra sáu – và buôn chuyện ra trò. Có một kiểu chuyện trò chỉ có thể diễn ra khi chúng tôi náu mình trong đình tạ; chúng tôi có thể bàn những gì đang khiến chúng tôi lo âuốt cuộc lại sẽ cười váng lên hoặc cãi nhau õm tỏi. Thường thì đó là một cách để ta thư giãn đôi chút với bạn bè tri kỷ.
Vào đúng buổi chiều mà tôi đang nghĩ tới lúc này đây, bọn tôi đang đứng cả lên ghế, xúm xít quanh những cửa sổ cao. Nhờ vậy chúng tôi thấy rõ Sân chơi phía Bắc nơi chừng một tá con trai lớp chúng tôi và lớp Cao 3 đang tụ tập chơi bóng đá. Nắng rực rỡ, nhưng có lẽ sáng hôm đó có mưa vì tôi vẫn nhớ mặt trời chiếu lấp lánh trên mặt cỏ vấy bùn.
Ai đó bảo chúng tôi không nên quan sát lộ liễu như vậy, nhưng chúng tôi hầu như không hề lùi lại. Rồi Ruth nói: “Cậu ta chả nghi ngờ gì cả. Nhìn cậu ta kìa. Cậu ta đúng là chả nghi ngờ gì hết.”
Khi Ruth nói vậy, tôi nhìn cô tìm dấu hiệu chứng tỏ cô bất bình với những gì đám con trai sắp làm với Tommy. Nhưng ngay giây sau đó Ruth bật cười nhỏ mà nói: “Đồ ngốc!”
Và tôi nhận ra rằng đối với Ruth và các bạn khác, dù đám con trai định làm gì đi nữa thì cái đó cũng ở cách chúng tôi khá xa; chúng tôi đồng lòng với chuyện đó hay không thì cũng chẳng có gì ảnh hưởng. Chúng tôi xúm quanh cửa sổ vào lúc đó không phải vì háo hức muốn thấy Tommy bị hạ nhục thêm lần nữa, mà chỉ vì chúng tôi có nghe nói tới cái âm mưu mới nhất này và mơ hồ cảm thấy tò mò muốn theo dõi xem mọi sự diễn tiến ra sao. Hồi đó tôi không nghĩ rằng những gì đám con trai làm với nhau còn đi xa hơn thế nhiều. Ruth, cũng như các bạn khác, đã xem cảnh ấy cứ một cách thật dửng dưng, mà có lẽ chính tôi cũng vậy.
Nhưng cũng có thể tôi nhớ nhầm. Có thể là ngay từ khi đó, khi thấy Tommy chạy qua chạy lại trên sân, trên mặt rờ rỡ niềm sung sướng lại được nhập hội, sắp được dự trò chơi mà cậu ấy rất cừ, có thể tôi đã cảm thấy một chút nhói lòng. Điều mà tôi nhớ rõ, đó là khi ấy tôi nhận thấy Tommy đang mặc chiếc áo cổ lọ màu xanh dương nhạt mà cậu đã mua được trong cuộc Bán hàng hồi tháng trước, chiếc áo mà cậu rất lấy làm kiêu hãnh. Tôi nhớ khi đó mình nghĩ: “Cậu ta đúng là đồ ngốc, ai lại mặc cái áo kia mà đá bóng. Áo mà bị hỏng thì cậu ấy sẽ thấy sao?” Tôi nói to, không cụ thể với ai: “Xem Tommy mặc áo kìa. Cái áo cổ lọ cậu ấy thích nhất.”
Chắc là chẳng ai nghe tôi nói, bởi cả lũ đang cười rũ vì Laura – con hề to xác trong bọn chúng tôi – bắt chước từng nét biểu cảm hiện lên trên mặt Tommy trong khi cậu chạy, vẫy tay, hò hét, chặn đối phương. Toàn bộ đám con trai khác đều đang di chuyển qua lại trên sân cỏ, cố tình làm ra vẻ uể oải như lúc đang khởi động, nhưng Tommy, giữa lúc đang hăng, dường như luôn sẵn sàng vắt giò lên cổ chạy. Tôi nói, lần này to hơn: “Nếu làm hỏng cái áo kia thì cậu ấy sẽ ân hận lắm đây.” Lần này Ruth nghe thấy tôi, nhưng chắc hẳn cô cho rằng tôi nói thế để đùa, bởi cô bật cười chẳng lấy gì làm thật tâm rồi bồi thêm một câu châm biếm của riêng mình.
Thế rồi đám con trai thôi không đá bóng qua lại nữa mà đứng túm tụm giữa bùn, phập phồng khe khẽ trong khi đợi được chọn thành hai đội. Hai đội trưởng tiến lên phía trước là người của lớp Cao 3, mặc dù ai cũng biết Tommy là cầu thủ giỏi hơn bất cứ ai khác trong năm đó. Hai người tung đồng tiền để xem ai là người được chọn đầu tiên, sau đó người thắng nhìn chằm chằm vào cả nhóm.
“Nhìn cậu ta kìa,” ai đó sau lưng tôi nói, “Cậu ta cứ chắc như đinh đóng cột rằng mình sẽ được chọn trước. Nhìn cậu ta xem!”
Mà thật, ở Tommy lúc đó có một cái gì thật khôi hài, một cái gì đó khiến ta nghĩ rằng, ừ, nếu quả thực cậu ta ngốc nghếch đến thế thì phải chịu những gì sắp xảy ra cũng đáng đời lắm. Toàn bộ đám con trai kia vờ chẳng hay chuyện chọn người chia làm hai đội, chúng vờ như dù được phân vị trí nào chúng cũng chẳng quan tâm. Vài đứa nói chuyện nho nhỏ với nhau, vài đứa buộc lại dây giày, những đứa khác thì nhìn xuống chân mình đang quẩn trong bùn. Nhưng Tommy thì hau háu nhìn gã trai lớp Cao 3 như thể người ta vừa gọi tên cậu vậy.
Laura cứ tiếp tục diễn trò của nó suốt thời gian ngoài kia chọn người cho hai đội, nó bắt chước tất cả những biểu hiện khác nhau hiện lên trên mặt Tommy: niềm háo hức rạng ngời lúc ban đầu, nỗi bối rối khi bốn người đã được chọn mà cậu ta mãi vẫn chưa được gọi; nỗi đau khổ và hoảng loạn bắt đầu trùm lên Tommy khi hiểu điều gì đang thực sự diễn ra. Tuy nhiên tôi không liên tục ngoái lại nhìn Laura bởi tôi đang quan sát Tommy; tôi biết Laura đang làm chỉ bởi những người khác tiếp tục cười và thúc nó làm tới. Thế rồi khi Tommy bị bỏ đứng trơ một mình còn toàn bộ lũ con trai bắt đầu cười khi khí, tôi nghe Ruth nói:
“Sắp rồi đấy. Chú ý nhé. Bảy giây, Bảy, sáu, năm…”
Cô không kịp đếm đến hết. Tommy bật rống lên như sấm, và đám con trai, giờ thì phá lên cười không giấu giếm, co giò chạy về phía Sân chơi phía Nam. Tommy xoãi mấy bước theo sau chúng – khó mà nói được đó là do bản năng buộc cậu phải giận dữ đuổi theo chúng hay bởi cậu hoảng sợ thấy mình bị bỏ lại đằng sau. Dù thế nào đi nữa, chẳng mấy chốc cậu ta đã dừng lại, đứng đó nhìn theo chúng, mặt đỏ như gấc. Thế rồi cậu bắt đầu gào thét, một mớ hổ lốn vô nghĩa những lời chửi thề và nhục mạ.
Cho tới lúc ấy chúng tôi đã nhìn thấy nhiều cơn thịnh nộ của Tommy, cho nên chúng tôi liền bước từ trên ghế xuống và lại nằm ngồi rải rác trong phòng. Chúng tôi cố khơi một chuyện gì khác, nhưng chuyện Tommy cứ trở đi trở lại trong tâm trí mãi, và mặc dù thoạt tiên chúng tôi chỉ tròn mắt ra điều khinh khỉnh rồi cố lờ đi, nhưng rốt cuộc – có lẽ phải đến mười phút sau khi chúng tôi rời khỏi chỗ cửa sổ – chúng tôi lại quay về chỗ đó.
Đám con trai khác lúc này đã hoàn toàn khuất khỏi tầm mắt, và Tommy không còn ra sức tuôn những lời chỉ trích vào một hướng cụ thể nào. Cậu ta chỉ nổi cơn tam bành, hoa tay múa chân tứ phía, lên trời, ra gió, về phía cái cọc rào gần nhất. Laura bảo cậu ta nom như đang “ôn lại vai diễn Shakespeare của mình.” Ai đó khác lưu ý rằng mỗi khi thét lác gì đó thì cậu ta lại nhấc một chân lên khỏi mặt đất mà chĩa ra ngoài, “như con chó đứng đái ấy.” Thật ra bản thân tôi cũng nhận ra cái động tác chân đó, nhưng điều khiến tôi chú ý là mỗi khi cậu ta giậm chân xuống thì lại có những vết bùn bắn lên cẳng chân cậu. Tôi lại nghĩ đến chiếc sơ mi quý giá của cậu ta, nhưng cậu ta đang ở quá xa nên tôi không thấy rõ được cái áo có bị vấy nhiều bùn không.
“Mình nghĩ chúng nó cứ chọc tức cậu ấy luôn như vậy thì cũng hơi ác,” Ruth nói. “Nhưng lỗi ở chính cậu ấy. Nếu cậu ấy biết giữ bình tĩnh thì chúng sẽ để cậu ấy yên.”
“Chúng nó vẫn sẽ cứ quấy nhiều cậu ấy thôi,” Hannah nói. “Graham K. tính khí cũng khó chịu như vậy, nhưng chỉ khiến chúng càng cẩn thận với cậu ta hơn thôi. Sở dĩ chúng đi trêu Tommy là vì cậu ấy lười thói thây ra.”
Thế rồi tất cả cùng nhao nhao nói, nào là Tommy chẳng bao giờ cố tỏ ra sáng tạo, nào là cậu ấy chưa bao giờ đưa ra cái gì trong cuộc. Trao đổi Mùa xuân. Tôi cho rằng sự thực là cho đến lúc ấy mỗi chúng tôi đều thầm mong một giám thị nào đó sẽ từ trong nhà đi ra đưa cậu ấy đi. Và mặc dù chúng tôi chẳng hề can dự vào cái mưu mô gần đây nhất nhằm chọc giận Tommy, chúng tôi vẫn đã ngồi xem ở vòng ngoài, và chúng tôi bắt đầu cảm thấy mình có lỗi. Nhưng không thấy bóng dáng giám thị nào, nên chúng tôi vẫn cứ bàn luận với nhau lý do nào khiến Tommy đáng phải chịu những điều như thế. Thế rồi khi Ruth nhìn đồng hồ mà nói mặc dù chúng tôi vẫn còn thời gian nhưng tốt hơn chúng tôi nên quay lại ngôi nhà chính thì không ai bàn cãi gì.
Tommy vẫn đang hùng hùng hổ hổ khi chúng tôi ra khỏi đình tạ. Ngôi nhà chính nằm bên trái chúng tôi, và vì Tommy vẫn đang đứng giữa sân ngay trước mặt chúng tôi nên không việc gì phải lại gần cậu ta. Dù thế nào thì cậu ta cũng đang quay mặt về phía khác và dường như chẳng hề nhận thấy chúng tôi. Thế nhưng trong khi các bạn tôi cất bước dọc theo rìa sân, tôi lại bắt đầu bước chếch về phía cậu ta. Tôi biết điều này sẽ khiến các bạn khác bối rối, song tôi vẫn cứ đi, ngay cả khi đã nghe tiếng Ruth thì thầm khẩn thiết bảo tôi quay lại.
Tôi cho rằng Tommy không quen bị quấy rầy những lúc đang lên cơn thịnh nột, vì phản ứng đầu tiên của cậu ta khi tôi lại gần là nhìn chòng chọc vào tôi khoảng một giây, sau đó lại tiếp tục y như cũ. Quả thật nom như cậu ta đang tập vai trong kịch Shakespeare giữa chừng thì tôi lù lù bước lên sân khấu. Ngay cả khi tôi nói: “Tommy, cái áo đẹp của cậu kìa. Cậu làm bẩn hết rồi,” cậu vẫn chẳng hề tỏ dấu hiệu gì là nghe thấy tôi.
Thế là tôi liền chìa tay ra đặt lên cánh tay cậu. Về sau những người khác đều cho rằng cậu ta làm vậy là cố ý, nhưng tôi thì tin chắc cậu không chủ định làm vậy. Hai cánh tay cậu vẫn đang vung loạn lên, và cậu không thể biết rằng tôi sắp sửa đặt tay tôi lên tay cậu. Dù thế nào đi nữa, trong khi vung tay ra thì cậu ta đánh bật tay tôi sang một bên và vả vào một bên mặt tôi. Hoàn toàn không đau, nhưng tôi há hốc mồm thở gấp, và hầu hết các bạn tôi ở đằng sau cũng vậy.
Chỉ khi đó Tommy dường như rốt cuộc cũng nhận ra tôi, nhận ra những người khác, nhận ra chính mình, nhận ra mình đang đứng đó giữa sân, xử sự theo cách lâu nay thường xử sự, và cậu nhìn tôi có phần ngớ ngẩn.
“Tommy, áo cậu vấy bùn hết rồi kìa,” tôi nói, khá là nghiêm nghị.
“Thì sao?” cậu ta lẩm bẩm. Nhưng dù nói vậy cậu vẫn nhìn xuống, nhìn ra những vết ố màu nâu và phải cố nén để không hét lên và hoảng hốt. Thế rồi tôi thấy trên mặt cậu vẻ ngạc nhiên không hiểu vì sao tôi lại biết cậu quý chiếc áo cổ lọ đến thế nào.
“Không có gì phải lo đâu,” tôi lên tiếng trước khi sự im lặng khiến cho cậu bị bẽ mặt. “Sẽ sạch thôi. Nếu tự cậu không thể giặt sạch thì đem tới cho cô Jody là được mà.”
Cậu tiếp tục săm soi chiếc áo, rồi nói gắt gỏng: “Dù gì thì cũng chả liên quan gì đến cậu.”
Dường như lập tức cậu lấy làm tiếc về câu nói này, bèn nhìn tôi với vẻ ngượng ngùng, như thể mong tôi đáp lại điều gì đó an ủi cậu. Nhưng lúc này tôi đã chán ngấy cậu rồi, nhất là vì đám bạn gái đang nhìn, và trong chừng mực tôi biết thì bao nhiêu người khác nơi các cửa sổ ngôi nhà chính cũng đang nhìn. Thế nên tôi nhún vai quay đi, nhập bọn cùng các bạn.
Ruth đặt tay lên vai tôi trong khi chúng tôi đi khỏi. “Ít nhất cậu cũng đã khiến cậu ấy hạ hỏa,” cô nói. “Cậu vẫn ổn chứ? Thằng điên.”
__________________
Chương Hai
Chuyện này xảy ra đã lâu nên tôi có thể nhớ sai đôi chút; nhưng theo trí nhớ của tôi thì việc tôi lại gần Tommy chiều hôm đó nằm trong một giai đoạn tôi đang trải qua vào thời kỳ ấy, hồi tôi hay tự đặt ra cho chính mình những thử thách, và khi Tommy ngăn bước tôi lại vài hôm sau thì tôi đã ít nhiều quên chuyện đó rồi.
Tôi không biết hồi xưa ở chỗ các bạn thì sao, nhưng ở Hailsham mỗi tuần chúng tôi lại phải khám sức khỏe một lần, thườn là ở Phòng 18 ngay trên cùng ngôi nhà, với cô y tá nghiêm khắc tên là Trisha hay Mặt Quạ theo cách gọi của chúng tôi. Buổi sáng rợp nắng hôm đó, một đám chúng tôi đang đi lên cầu thang trung tâm để cô ấy khám trong khi một đám khác vừa được khám xong đang đi xuống. Vậy nên cầu thang đầy những tiếng ồn vang vọng, và trong khi tôi đang bước trên bậc thang, đầu cúi, bám theo sát gót người đi trước, thì một giọng nói gần tôi vang lên: “Kath!”
Tommy đang theo dòng người đi xuống thì đứng lại ngay giữa cầu thang với một nụ cười toe toét khiến tôi lập tức nổi cáu. Nếu là trước đó vài năm, khi tình cờ gặp một người mà ta thích gặp thì có thể chúng tôi đã có kiểu nhìn đó. Nhưng lúc này chúng tôi đã mười ba tuổi, và đây là một cậu trai tình cờ gặp một cô gái ngay giữa chốn đông người. Tôi những muốn nói: “Tommy, tại sao cậu không thành người lớn nổi vậy?” Nhưng tôi tự ngăn mình lại mà chỉ đáp: “Tommy, cậu đang cản đường mọi người kìa. Cả mình nữa.”
Cậu nhìn lên, quả thật là dòng người đi lên bị ngáng đường nên đã dồn cục cả lại. Cậu tỏ vẻ hoảng hốt trong một giây, sau đó cậu nép sát vào tường bên cạnh tôi, vừa đủ để mọi người len qua. Rồi cậu nói:
“Kath, mình cứ tìm cậu mãi. Mình chỉ muốn xin lỗi, mình rất ân hận, ân hận lắm. Hôm đó mình thực sự không có ý đánh cậu đâu. Mình chẳng bao giờ mơ đến chuyện đánh con gái, mà dù có đánh mình cũng không bao giờ muốn đánh cậu. Mình ân hận lắm.”
“Thôi được. Tai nạn, vậy thôi.” Tôi gật đầu với cậu rồi dợm bước đi. Nhưng Tommy nói với vẻ rạng rỡ:
“Cái áo giờ ổn rồi. Giặt sạch hết rồi.”
“Thế thì tốt.”
“Không đau phải không? Khi mình đánh cậu ấy mà?”
“Đau chứ còn sao nữa. Nứt sọ. Chấn thương não, còn nữa ấy chứ. Ngay cả Mặt Quạ chắc cũng nhận thấy. Ấy là nếu mình lên trên kia được.”
“Nói nghiêm chỉnh nào, Kath. Không đau lắm chứ? Mình ân hận vô cùng, thật đấy.”
Cuối cùng tôi mỉm cười với cậu và nói không chút mỉa mai: “Kìa, Tommy, chỉ là tai nạn mà, giờ thì mình quên một trăm phần trăm rồi. Mình không hề oán cậu chút nào hết.”
Cậu vẫn có vẻ chưa yên tâm, nhưng giờ thì một số học sinh lớp lớn đang thúc sau lưng cậu, bảo cậu đi. Cậu mỉm cười nhanh với tôi và vỗ vai tôi như vỗ vai một thằng nhóc bé hơn rồi len mình hòa vào dòng người. Thế rồi, trong khi bắt đầu lên cầu thang, tôi nghe tiếng cậu la lên từ phía dưới: “Hẹn gặp sau nhé, Kath!”
Toàn bộ chuyện này làm tôi thấy lúng túng, nhưng rồi không thấy mọi người lấy đó để đùa cợt hay bàn ra tán vào gì; và tôi phải thừa nhận rằng giá như không có cuộc gặp bất ngờ trên cầu thang kia thì có lẽ tôi đã không quan tâm đến những vấn đề của Tommy trong suốt mấy tuần kế đó.
Một vài sự cố tôi tự mình nhìn thấy. Song hầu hết là tôi chỉ nghe kể, và mỗi khi nghe ai đó kể lại, tôi đều hỏi gặng kỳ đến khi người ta chịu thuật lại đầy đủ dù ít dù nhiều. Lại có thêm nhiều cơn thịnh nộ nữa, như cái lần mà theo người ta kể Tommy đã lật tung hai chiếc bàn ở Phòng 14 làm mọi thứ rơi tung tóe xuống sàn nhà, trong khi mọi người khác trong lớp chạy túa ra chỗ đầu cầu thang, chèn cửa lại không cho Tommy ra khỏi phòng. Có lần thầy Christopher phải bảo mọi người ghì chặt hai tay Tommy ra sau lưng để ngăn cậu ấy tấn công Reggie D. trong giờ tập đá bóng. Ai cũng thấy rằng khi đám con trai lớp Cao 2 chia cặp để chạy quanh sân, Tommy là người duy nhất không có bạn chạy cùng. Cậu vốn chạy rất cừ, chỉ một nhoáng là đã bỏ xa những người còn lại đến mười, mười lăm mét, có lẽ cậu nghĩ điều đó sẽ che giấu cái sự thật là chẳng ai muốn chạy với cậu cả. Rồi lời đồn về những trò mà hầu như ngày nào mọi người cũng bày ra để chơi khăm cậu. Phần lớn là các trò đùa thường gặp như bỏ những thứ kỳ quái vào giường cậu, thả sâu vào bát ngũ cốc của cậu, nhưng một vài trò trong số đó lại tai ác một cách vô lối: tỉ như khi có ai đó lấy bàn chải đánh răng của Tommy mà cọ toa-lét để đến khi cậu cằm lấy thì răng bàn chải đã bê bết cứt. Vóc người và sức khỏe của Tommy – và tôi đồ là cả tính khí cậu nữa – khiến cho không ai dám thực sự dùng sức mà bắt nạt cậu, song theo tôi nhớ, trong khoảng ít nhất là hai tháng những chuyện như vậy cứ xảy ra mãi. Tôi cứ nghĩ sớm muộn gì cũng phải có ai đó lên tiếng, rằng như thế này là quá đà rồi, nhưng chuyện vẫn cứ tiếp diễn mà chẳng ai nói gì.
Đã có lần, tôi thử tự mình nêu chuyện đó ra trong phòng ngủ khi đèn đã tắt hết. Ở lớp Cao, chúng tôi được chia làm sáu đứa một phòng, vừa vặn thành cái nhóm nhỏ bọn tôi, và chúng tôi thường nói những chuyện tâm tình sâu kín nhất vào lúc nằm trong bóng tối trước khi thiếp ngủ. Ta có thể nói về những chuyện mà ta thậm chí không dám nghĩ là sẽ nói được ở bất cứ nơi nào khác, kể cả trong căn đình tạ. Thế là một đêm nọ tôi nêu chuyện Tommy. Tôi không nói nhiều; chỉ tóm lược những gì đang xảy ra với cậu ấy và nói rằng điều đó không thực sự công bằng. Khi tôi nói xong, mọi người đợi phản ứng của Ruth – bọn tôi vẫn thường như vậy mỗi khi xảy ra chuyện gì đó hơi khó xử. Tôi đợi, thế rồi tôi nghe một tiếng thở dài từ phía giường Ruth, và cô nói:
“Cậu nói đúng, Kathy ạ. Thế là không đẹp. Nhưng nếu muốn chuyện ấy thôi đi thì chính cậu ấy cần phải thay đổi cách cư xử. Cậu ấy chẳng bao giờ có gì cho cuộc Trao đổi Mùa xuân cả. Và liệu cậu ấy sẽ có cái gì cho tháng sau không? Mình cá là không.”
Tôi cần phải giải thích đôi chút ở đây về những cuộc Trao đổi của chúng tôi tại Hailsham. Mỗi năm bốn lần – xuân, hạ, thu, đông – chúng tôi lại có một cuộc kiểu như là triển lãm đồng thời bán tất cả những gì chúng tôi đã làm được trong ba tháng kể từ lần Trao đổi trước. Tranh vẽ, đồ gốm; đủ thứ “tượng điêu khắc” mà chúng tôi làm tù bất cứ thứ gì đang là mốt – có thể là những vỏ hộp đập bẹp, hay những nắp chai nhồi vào hộp các-tông. Cứ mỗi thứ góp vào, ta lại được trả những đồng Tiền Trao đổi – các giám thị là người quyết định cái kiệt tác của ta trị giá bao nhiêu –, thế rồi vào ngày Trao đổi ta mang các đồng tiền đó đi xem các thứ trưng bày và “mua” những gì ta thích. Quy tắc là ta chỉ có thể mua những gì do các học sinh cùng niên khóa với mình làm ra, nhưng dù thế chúng tôi cũng đã có đủ thứ để chọn, bởi hầu hết chúng tôi có thể làm ra nhiều thứ trong thời gian ba tháng kia.
Giờ đây nhìn lại, tôi có thể hiểu vì sao các cuộc Trao đổi trở nên quan trọng với chúng tôi đến thế. Trước hết, ngoài các buổi Bán hàng ra – Bán hàng là một chuyện khác tôi sẽ nhắc đến sau – thì đó là cách duy nhất để chúng tôi có thể xây dựng một bộ sưu tập những món sở hữu cá nhân của riêng mình. Nếu như ta muốn trang trí các bức tường quanh giường mình chẳng hạn, hoặc muốn có một cái gì để mang trong túi xách và đặt lên bàn học từ phòng này sang phòng khác, thì ta có thể tìm thấy ở cuộc Trao đổi. Bây giờ tôi cũng hiểu được các cuộc Trao đổi còn có một tác động tinh tế hơn thế đối với tất cả chúng tôi. Cứ nghĩ mà xem, nhờ nhau mà ta mới có được những thứ có thể trở thành báu vật của riêng mình – điều đó còn có tác động đến những mối quan hệ của ta nữa. Trường hợp Tommy là tiêu biểu. Rất thường khi, thái độ của người khác ở Hailsham đối với ta thế nào, ta được yêu mến và tôn trọng đến đâu, thảy đều có liên quan đến chuyện chúng ta “sáng tạ” cừ đến mức nào.
Vài năm trước Ruth và tôi thường bắt gặp mình nhớ lại những điều đó, khi tôi còn đang chăm sóc cho cô ở trung tâm phục hồi tại Dover.
“Chính một phần nhờ vậy mà Hailsham mới trở nên đặc biệt đến thế,” có lần Ruth nói. “Người ta vẫn khuyến khích chúng mình biết đánh giá đúng công trình của người khác.”
“Đúng vậy,” tôi nói. “Nhưng đôi lúc, mỗi khi nhớ lại các cuộc Trao đổi, mình lại thấy ở đó nhiều điều dường như hơi kỳ cục. Thơ chẳng hạn. Mình nhớ bọn mình được phép nộp các bài thơ thay vì tranh vẽ. Lạ là chúng mình đều thấy thế là hay, chúng mình nghĩ thế là hợp lý.”
“Sao lại không? Thơ quan trọng chứ.”
“Nhưng cái thơ mình đang nói đây là thơ hồi chúng mình mới chín tuổi cơ mà, những dòng thơ nho nhỏ buồn cười, sai chính tả be bét viết trong vở bài tập ấy. Chúng mình tiêu phí những đồng tiền quý giá để mua những cuốn vở bài tập chép đầy thứ ấy, chứ không mua một cái gì hay hay để trang trí quanh giường. Nếu đã thích thơ của ai đó đến vậy thì sao chúng mình không mượn rồi chiều chiều tự tay chép lại? Nhưng cậu nhớ hồi đó ra sao mà. Cuộc Trao đổi diễn ra, thế là chúng mình lại đứng đực ra tần ngần chẳng biết nên mua mấy bài thơ của Susie K. hay mấy con hươu cao cổ mà Jackie hay làm.”
“Mấy con hươu cao cổ của Jackie,” Ruth cười phá lên, nói. “Đẹp quá chừng. Mình cũng từng có một con.”
Chúng tôi đang ngồi trò chuyện trên cái ban công nhỏ trước phòng hồi sức của Ruth vào một tối mùa hè đẹp trời. Đó là vài tháng sau khi cô hiến tạng lần đầu, lúc này cô đã vượt qua thời khắc nguy nan nhất, và tôi luôn bố trí các buổi thăm bệnh vào buổi chiều sao cho hai chúng tôi có thể dành khoảng nửa tiếng đồng hồ ngồi ngoài ban công ngắm mặt trời lặn xuống những mái nhà. Ta có thể thấy nhiều ăng ten và đĩa vệ tinh, đôi khi thấy cả một đường thẳng lấp lánh đằng xa, đó là biển. Tôi thường mang theo nước và bánh quy, rồi hai chúng tôi ngồi đó trò chuyện về bất cứ chuyện gì chợt đến trong đầu. Trung tâm phục hồi nơi Ruth đang an dưỡng là một trong những trung tâm ưa thích nhất của tôi, và tôi sẽ hoàn toàn không than phiền gì nếu cuối cùng chính tôi cũng đã ở đây. Các phòng hồi sức khá nhỏ, nhưng thiết kế tốt và tiện nghi. Mọi thứ – những bức tường, sàn nhà – đều được lát gạch trắng loang loáng, được trung tâm giữ sạch đến nỗi lần đầu bước vào ta ngỡ đâu mình bước vào một đại sảnh toàn là kính. Dĩ nhiên không hẳn lúc nào ta cũng thấy hình mình phản chiếu trên đó, nhưng hầu như ta cứ nghĩ mình thấy thế. Mỗi khi ta nhấc tay lên, hay khi ai đó đang nằm trên giường ngồi dậy, ta có thể nhận thấy lờ mờ cái cử động đó trên những viên gạch lát khắp quanh ta. Dù thế nào đi nữa, phòng của Ruth ở trung tâm này cũng có những khung cửa trượt lớn bằng kính nên dù đang nằm trên giường Ruth vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy được phần lớn bầu trời, và nếu trời đủ ấm, cô chỉ cần bước ra ban công là đã có thể tha hồ hít thở không khí trong lành. Tôi thích đến thăm Ruth ở căn phòng này, thích những cuộc trò chuyện trên trời dưới biển với cô, từ hè cho đến đầu thu, ngồi trên ban công đó mà nói về Hailsham, về Nhà Tranh, về bất cứ điều gì chợt đến trong ý nghĩ của chúng tôi.
“Điều mình muốn nói là hồi tuổi đó, khi mới mười một chẳng hạn, chúng mình thực ra đâu có quan tâm tí gì đến những bài thơ của người khác,” tôi nói tiếp. “Nhưng cậu có nhớ ai như Christy không? Christy được tiếng hay thơ, thành thử tất cả bọn mình ngưỡng một nó. Ngay cả cậu, Ruth ạ, cậu cũng chẳng hề dám sai phái Christy một tiếng nữa là. Tất cả là vì chúng mình cứ nghĩ nó giỏi thơ lắm. Nhưng chúng mình thì biết quái gì về thơ với thẩn. Chúng mình chả quan tâm đến thơ. Thế mới lạ.”
Nhưng Ruth không hiểu ý tôi – hoặc có thể cô cố tình lảng tránh. Có lẽ cô quyết giữ nguyên hình ảnh chúng tôi ngày đó như những kẻ phức tạp tinh tế hơn là thực tế. Mà cũng có thể cô cảm nhận những gì tôi nói đang dẫn đến đâu, và không muốn chúng tôi tiếp tục câu chuyện theo hướng đó. Dù thế nào đi nữa, cô thở một hơi dài mà nói:
“Bọn mình ai cũng nghĩ mấy bài thơ của Christy thật hay. Nhưng mình không biết bây giờ mấy bài thơ đó sẽ như thế nào trong mắt bọn mình. Mình ước gì có vài bài ở đây, mình muốn xem chúng mình sẽ nghĩ gì.” Rồi cô bật cười to mà nói: “Mình vẫn còn giữ mấy bài thơ của Peter B. Nhưng đó là mãi về sau kia, khi bọn mình lên lớp Cao 4. Hồi đó chắc mình thích cậu ta lắm. Không thì mình chẳng thấy có lý do nào khác để mua những bài thơ của cậu ấy. Mấy bài thơ ngớ ngẩn không chịu được. Tự cho mình quan trọng lắm. Nhưng Christy thì hay, mình vẫn nhớ vậy mà. Cũng buồn cười, cô nàng bỏ hẳn làm thơ khi bắt đầu chuyển sang vẽ. Mà cô nàng vẽ thì có giỏi gì cho cam.”
Nhưng cho tôi quay lại chuyện Tommy. Điều Ruth nói lần đó trong phòng ngủ chúng tôi sau khi đèn đã tắt, rằng mọi phiền toái của Tommy là do cậu ta tự chuốc lấy, chắc hẳn đã tóm lược những gì hầu hết mọi người ở Hailsham nghĩ hồi đó. Nhưng chính là khi cô nói vậy, tôi mới nằm đó mà ngộ ra, cái ý kiến cho rằng Tommy cố tình không chịu sửa tính là một ý kiến từng phổ biến ngay từ hồi bọn tôi ở lớp Sơ. Và tôi chợt hiểu với hơi chút rùng mình rằng Tommy đã phải hứng chịu tất cả những gì cậu ấy đang phải chịu không phải hàng ngày, hàng tháng, mà suốt nhiều năm trời.
Tommy và tôi vừa nhắc đến chuyện đó cách đây chưa lâu, và lời Tommy kể về mọi nông nỗi của cậu đã bắt đầu như thế nào chỉ xác nhận điều tôi nghĩ đêm đó là đúng. Theo anh, mọi chuyện đã bắt đầu vào một buổi chiều trong tiết học vẽ của cô Geraldine. Cho tới trước ngày đó Tommy vẫn luôn luôn thích vẽ, anh bảo tôi vậy. Nhưng ngày hôm đó trong giờ học của cô Geraldine, Tommy đã vẽ chính bức tranh màu nước đó – một con voi đứng trong một bụi cỏ cao – và mọi chuyện đã từ đó mà ra. Anh làm vậy chỉ để đùa thôi, anh bảo. Tôi quay anh ra trò về điểm đó, tôi ngờ rằng sự thật là cái trò ấy cũng như bao nhiêu trò khác ta làm ở độ tuổi đó thôi: ta chẳng có lý do nào rõ rệt cả, làm là làm. Ta làm bởi ta cho rằng người ta sẽ phá lên cười, hoặc vì ta muốn xem liệu cái trò của mình có gây náo động không. Và nếu sau đó người ta yêu cầu giải thích tại sao ta làm vậy thì cái trò đó xem ra chẳng còn ý nghĩa gì cả. Tất cả chúng ta đều từng làm những chuyện như thế. Tommy không hẳn diễn đạt theo cách đó, nhưng tôi chắc chuyện đã xảy ra đúng như vậy.
Dù thế nào, Tommy đã vẽ con voi, chính cái loại tranh mà một đứa bé kém hơn cậu hồi đó ba tuổi thường vẽ. Cậu chỉ mất không hơn hai mươi phút và bức tranh khiến mọi người cười rộ, hẳn là thế rồi, dù không hoàn toàn là kiểu cười mà cậu chờ đợi. Nhưng dù thế đi chăng nữa, trò ấy ắt hẳn đã không dẫn đến chuyện gì – và đây là một điều mỉa mai độc địa, tôi cho là vậy – nếu như không phải là cô Geraldine đứng lớp ngày hôm ấy.
Cô Geraldine là một giám thị mà tất cả chúng tôi hồi ở tuổi đó đều yêu mến. Cô là người hiền hậu, ăn nói nhẹ nhàng, luôn luôn an ủi khi ta cần, ngay cả khi ta đã làm điều quấy hoặc bị giám thị khác đuổi ra khỏi lớp. Nếu chính cô có đuổi ta ra khỏi lớp thì suốt nhiều ngày sau cô sẽ quan tâm đặc biệt đến ta, như thể cô nợ ta gì đó vậy. Thật xui xẻo cho Tommy rằng hôm ấy cô Geraldine đứng lớp vẽ chứ không phải thầy Robert hay chính cô Emily, giám thị chính, vốn là người vẫn thường đứng lớp vẽ. Giá như là một trong hai thầy cô kia thì chắc hẳn Tommy chỉ bị tống cổ ra khỏi lớp, chắc cậu ấy đã có thể mỉm cười tự phụ, và mọi người tệ lắm thì cũng chỉ coi đó như một trò đùa kém cỏi là cùng. Thậm chí có khi cậu còn khiến một số học sinh nghĩ cậu là tay hề thứ thiệt không chừng. Nhưng cô Geraldine là cô Geraldine, chuyện không diễn ra theo cách đó. Thay vì vậy, cô cố sức nhìn bức tranh một cách ân cần và thấu hiểu. Và chắc bởi đoán Tommy sẽ bị những người khác châm chích, cô lại đi quá đà theo cách khác, cô thực sự cố tìm ra những chỗ đáng khen trong bức tranh, chỉ ra cho cả lớp thấy. Sự phẫn nộ khởi đầu từ đó.
“Sau khi bọn mình rời khỏi lớp, ấy là lần đầu tiên mình nghe chúng nó trò chuyện.” Tommy nhớ lại. “Chúng nó chẳng thèm quan tâm mình có nghe thấy hay không.”
Tôi đoán rằng từ trước khi vẽ con voi đó Tommy đã có một thời gian mang cảm giác mình không theo kịp chúng bạn – nhất là tranh vẽ của cậu trông cứ như của các học sinh lớp bé hơn cậu nhiều – nên cậu thường ra sức che giấu bằng cách cố tình vẽ giống như con nít. Nhưng sau bức vẽ con voi kia thì mọi thứ bị phơi ra trước thanh thiên bạch nhật, giờ thì ai ai cũng đợi xem cậu sẽ vẽ gì kế tiếp. Dường như có một thời gian cậu cũng thật sự cố gắng, nhưng hễ cậu bắt tay vẽ cái gì là y như rằng thiên hạ chung quanh thảy đều rúc rích cười nhạo. Trên thực tế, cậu càng cố gắng thì những bức tranh của cậu càng nực cười hơn. Thế là chẳng bao lâu Tommy lại quay về thế phòng thủ như trước, vẽ những bức tranh cố tình ra vẻ trẻ con, những tác phẩm chỉ nói lên rằng cậu đang cẩu thả hết mức. Từ đó trở đi, mọi chuyện càng ngày càng tệ.
Ban đầu cậu chỉ phải chịu khổ sở trong các giờ học vẽ – dù thế cũng đã là nhiều, vì hồi ở lớp Sơ chúng tôi vẽ nhiều lắm. Nhưng rồi tình hình ngày càng nghiêm trọng. Cậu bị cho ra rìa trong các môn chơi, đám con trai không chịu ngồi cạnh cậu trong giờ ăn, hoặc vờ không nghe thấy nếu cậu nói gì đó trong phòng ngủ khi đèn đã tắt hết. Thoạt tiên thì chuyện ấy cũng chẳng có gì ghê gớm. Có thể cứ diễn ra như vậy hàng tháng trời mà không có sự cố gì, và cậu cứ ngỡ mọi chuyện thế là đã qua, nhưng rồi chỉ cần cậu – hoặc một trong các kẻ thù của cậu, Arthur H. chẳng hạn – làm một chuyện gì đó, thế là mọi chuyện lại diễn ra như cũ.
Tôi không biết chắc từ khi nào Tommy bắt đầu nổi những cơn thịnh nộ. Tôi chỉ nhớ rằng Tommy luôn nổi tiếng vì tính khí của cậu ngay từ hồi lớp Ấu, nhưng cậu thì bảo cậu chỉ bắt đầu nổi cáu từ khi bị người ta trêu chọc quá đáng. Dù thế nào đi nữa, chính nhưng cơn thịnh nộ đó càng khiến người ta làm tới, và vào khoảng cái dạo tôi đang nhắc tới ở đây – mùa hè ở lớp Cao 2, hồi chúng tôi mười ba tuổi – thì tình trạng làm tình làm tội Tommy đã lên đến đỉnh điểm.
Thế rồi mọi sự chấm dứt, không phải ngày một ngày hai, nhưng cũng khá nhanh. Như tôi đã nói, hồi đó tôi theo sát tình trạng ấy, nên tôi nhìn thấy các dấu hiệu sớm hơn hầu hết những người khác. Chuyện đó bắt đầu ở một thời kỳ – có lẽ kéo dài khoảng một tháng, cũng có thể lâu hơn – khi những trò trêu chọc vẫn xảy ra khá đều đặn, nhưng Tommy không còn giận quá mất khôn nữa. Đôi khi tôi thấy cậu cũng đi gần đến chỗ đó, nhưng bằng cách nào đó cậu tự chủ được; những lúc khác thì cậu chỉ lẳng lặng nhún vai, hoặc phản ứng như thể cậu chẳng nhận thấy gì. Thoạt tiên những phản ứng của cậu khiến người ta tẽn tò, có thể người ta còn tức tối, như thể bị cậu làm cho thất vọng vậy. Thế rồi dần dần người ta đâm chán và những trò trêu chọc trở nên nửa vời, cho tới một ngày kia tôi sửng sốt nhận ra rằng suốt một tuần chẳng thấy ai trêu chọc Tommy lần nào cả.
Bản thân điều đó hẳn không có gì là quan trọng lắm, nhưng tôi còn nhận ra những thay đổi khác nữa. Nhưng chuyện nhỏ nhặt, tỉ như Alexander J. và Peter N. sánh vai cùng Tommy đi ngang qua sân trường về phía bãi chơi bóng, cả ba vừa đi vừa trò chuyện khá tự nhiên; rồi lại có một sự thay đổi tinh tế nhưng rõ rệt trong giọng của mọi người mỗi khi nhắc đến tên cậu. Thế rồi có một lần, vào khoảng cuối giờ nghỉ trưa, một nhóm chúng tôi đang ngồi trên bãi cỏ gần ngay Sân chơi phía Nam nơi đám con trai chơi bóng đá như thường lệ. Tôi đang trò chuyện cùng các bạn, nhưng vẫn để một mắt theo dõi Tommy, bởi tôi nhận thấy cậu ta đang ở ngay tâm điểm cuộc chơi. Có một lúc cậu bị vấp, nhưng rồi gượng dậy, đặt bóng xuống đất để tự mình đá. Trong khi đám con trai dàn ra đợi, tôi thấy Arthur H. – một trong những kẻ lâu nay vẫn hành hạ Tommy nhiều nhất – đang đứng sau lưng Tommy vài thước, bắt đầu bắt chước động tác của cậu, nhại lại điều ngớ ngẩn cái dáng Tommy đứng trước bóng, hai tay chống nạnh. Tôi chăm chú quan sát, nhưng không thấy ai trong số những người còn lại hùa theo Arthur. Thấy thì chắc tất cả đều thấy, bởi mọi con mắt đều dồn về phía Tommy, mà Arthur thì đứng ngay sau lưng cậu, nhưng chẳng ai quan tâm cả. Tommy tạt bóng ngang qua bãi cỏ, cuộc chơi tiếp tục, và Arthur H. không thử làm trò trêu cậu thêm lần nào nữa.
Tôi thấy vui vì mọi chuyện tiến triển như vậy, nhưng cũng thấy hoang mang. Đâu có sự thay đổi thực sự nào ở tranh của cậu – tiếng tăm về “khả năng sáng tạo” của cậu vẫn bết bát nhu mọi khi. Tôi có thể hiểu rằng được vậy phần lớn là nhờ cậu thôi không còn nổi cơn thịnh nộ nào nữa, nhưng nhân tố chính là gì thì dường như khó xác định hơn. Có cái gì đó ở bản thân Tommy – cách cư xử của cậu, cái cách cậu nhìn thẳng vào mặt mọi người mà nói chuyện với vẻ cởi mở, đôn hậu của cậu – đã đổi khác so với trước, và đến lượt mình điều đó làm thái độ của những người quanh cậu cũng đổi khác theo. Nhưng điều gì dẫn đến tất cả chuyện đó thì thật không rõ.
Tôi hoang mang, nên quyết định lần sau nếu gặp riêng thì sẽ thăm dò cậu một chút. Chẳng mấy chốc cơ hội đến, đó là khi tôi đang xếp hàng đợi lấy suất ăn trưa thì thấy cậu đang đứng trước mình vài người.
Tôi nghĩ điều này nói ra có lẽ khá kỳ quặc, nhưng ở Hailsham, xếp hàng lấy suất ăn trưa chính là một trong những cơ hội tốt để nói chuyện riêng tư. Sở dĩ như vậy hẳn là do cấu trúc âm học của Đại Sảnh: xung quanh ồn như cái chợ, trần nhà thì cao, thành thử nếu hạ giọng xuống, đứng thật gần và biết chắc rằng những người ở gần mình cũng đang bận nói chuyện riêng thì có thể yên tâm rằng không ai nghe lỏm ta được. Dù thế nào đi nữa, chúng tôi cũng chẳng có nhiều lựa chọn. Những chỗ “yên tĩnh” thường chính là những chỗ dở nhất, bởi luôn luôn có thể có ai đó đi ngang đủ gần để nghe thấy ta. Và ngay khi ta có cái vẻ đang cố tìm một góc khuất để to nhỏ chuyện riêng thì y như rằng chỉ trong vài phút là toàn bộ Hailsham dường như đã ngửi ra ngay, và sẽ chẳng còn cơ hội nào được riêng tư cả.
Thành thử khi thấy Tommy đang xếp hàng trước mình vài chỗ, tôi liền vẫy cậu đến – quy tắc là không được từ dưới chen lên phía trên khi xếp hàng, nhưng từ trên chuyển xuống dưới thì được. Cậu tiến lại với một nụ cười sung sướng, và chúng tôi đứng cạnh nhau một lát không nói gì – chẳng phải vì lúng túng, mà bởi chúng tôi đợi cho đến khi không ai tỏ ra chú ý đến việc Tommy rời chỗ xuống nữa. Rồi tôi bảo cậu:
“Hồi này thấy cậu hạnh phúc hơn nhiều đấy Tommy à. Mọi chuyện dường như đang tốt đẹp hơn cho cậu.”
“Gì cậu cũng nhận thấy hết, phải không Kathy?” Cậu nói không có vẻ gì mỉa mai. “Ừ, mọi chuyện đều ổn, mình đang rất ổn.”
“Thế chuyện gì đã xảy ra vậy? Cậu tìm thấy Chúa Trời hay gì gì đó à?”
“Chúa Trời á?” Tommy bối rối khoảng một giây. Rồi cậu bật cười bảo: “Ồ, mình hiểu. Cậu đang nói đến chuyện mình không còn… giận quá đáng nữa.”
“Không chỉ vậy đâu Tommy à. Cậu đang làm mọi sự chung quanh trở nên tốt đẹp hơn cho cậu. Mình quan sát suốt mà. Thành thử mình mới hỏi.”
Tommy nhún vai. “Chắc là mình đã lớn lên một chút. Mà có lẽ ai cũng vậy cả. Đâu thể cứ như vậy mãi được. Chán lắm.”
Tôi không nói gì, chỉ nhìn thẳng vào cậu, cho đến khi cậu lại bật cười nho nhỏ mà nói: “Kathy à, cậu thính quá đi mất. Được rồi, cứ cho là quả thực đã có một cái gì đó. Một cái gì đó đã xảy ra. Nếu cậu muốn, mình sẽ cho cậu biết.”
“Vậy thì nói đi.”
“Mình sẽ cho cậu biết Kath à, nhưng cậu không được hở cho ai biết cả, được không nào? Khoảng hai tháng trước mình có nói chuyện với cô Lucy. Sau đó mình cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Khó giải thích lắm. Nhưng cô ấy có nói gì đó, thế mà mọi chuyện tự dưng thấy tốt đẹp hơn nhiều.”
“Cô ấy nói gì nào?”
“Thì… Vấn đề ở chỗ, nghe thì lạ lắm. Thoạt đầu mình cảm thấy vậy. Cô ấy bảo là nếu mình không muốn tỏ ra có khả năng sáng tạo, nếu mình thật sự chẳng thích làm thế tí nào, thì cũng không sao cả. Chẳng có gì sai trái cả, cô ấy bảo thế.”
“Cô ấy nói với cậu thế à?”
Tommy gật, nhưng tôi hầu như đã quay mặt đi.
“Toàn vớ vẩn, Tommy à. Nếu cậu sắp làm trò xuẩn ngốc thì mình chẳng hơi đâu mà nghe.”
Thật tình tôi rất giận, bởi tôi cho rằng cậu đang nói dối tôi, mà lại ngay giữa lúc tôi xứng đáng được cậu đem lòng tin cậy. Thoáng thấy một đứa con gái mà tôi quen đang đứng đằng sau mấy chỗ, tôi đi về phía nó, bỏ mặc Tommy đứng đó. Tôi thấy cậu chưng hửng và cụt hứng, nhưng sau mấy tháng trời lo lắng cho cậu, tôi thấy mình bị phản bội, nên không thèm quan tâm cậu cảm thấy thế nào. Tôi tán gẫu với một đứa bạn – hình như là Marilda – càng tỏ ra vui vẻ càng hay, và hầu như suốt thời gian xếp hàng còn lại chẳng mấy khi tôi nhìn về phía Tommy nữa.
Nhưng trong khi tôi mang đĩa ăn của mình đi về phía các dãy bàn, Tommy lại gần sau lưng tôi và nói nhanh:
“Kath này, nếu cậu nghĩ mình nói khoác với cậu thì không phải đâu. Chuyện đúng là vậy mà. Khi nào đó cậu cho mình dù chỉ tí xíu cơ hội, mình sẽ kể cho cậu nghe.”
“Đừng nói linh tinh nữa, Tommy.”
“Kath à, mình sẽ kể cho cậu. Mình sẽ đến chỗ cái ao sau giờ ăn trưa. Nếu cậu đến đó, mình sẽ kể.”
Tôi nhìn cậu với vẻ trách móc rồi không đáp mà đi thẳng, nhưng lúc ấy có lẽ tôi đã bắt đầu cảm thấy dễ chịu khi nghĩ, cũng có thể việc nói chuyện với cô Lucy không phải là cậu bịa ra. Và đến khi ngồi xuống cùng các bạn, tôi đã bắt đầu hình dung ăn xong thì làm cách nào chuồn được ra chỗ cái ao mà không khiến mọi người tò mò.
Chương Ba
Cái ao nằm ở phía Nam ngôi nhà. Muốn đến đấy thì phải đi ra theo cổng sau, men theo con đường mòn hẹp quanh co, vừa đi vừa dẹp những cành dương xỉ mọc tràn lan trong tiết chớm thu che khuất cả lối đi. Hoặc nếu không có giám thị nào ở quanh thì ta có thể đi tắt ngang qua bãi cây đại hoàng. Dù thế nào đi nữa, khi đã ra đến ao, ta sẽ gặp một bầu không khí tĩnh lặng đang đợi sẵn ở đó, với lũ vịt, những cây hương bồ và những đám rong. Dẫu vậy, đó không phải là nơi thích hợp để chuyện trò riêng tư, không hay bằng so với khi xếp hàng đợi lấy suất ăn trưa. Đầu tiên là từ trong nhà nhìn ra ai cũng có thể thấy rõ mình. Lại nữa, âm thanh khi truyền qua mặt nước sẽ đi theo đường nào thì khó mà đoán được; nếu người ta muốn nghe trộm thì chỉ việc men theo lối mòn ở vòng ngoài rồi núp trong bụi rậm ở phía bên kia ao, quá dễ. Nhưng bởi chính tôi đã ngắt lời cậu ấy nửa chừng mà bỏ đi lúc xếp hàng đợi lấy suất ăn trưa, nên chắc tôi phải cố mà chịu vậy. Bấy giờ đã qua tháng Mười từ lâu, nhưng hôm đó trời hửng nắng, nên tôi quyết định mình có thể làm bộ chỉ đi dạo vơ vẩn ra ao thì tình cờ gặp Tommy.
Có lẽ vì tôi chủ ý duy trì cái ấn tượng như vậy – dù không biết liệu có thật ai đó đang quan sát không – nên khi cuối cùng cũng gặp cậu đang ngồi trên tảng đá phẳng to không xa mép nước lắm thì tôi không ngồi xuống. Hôm ấy chắc phải thứ Sáu hay cuối tuần gì đó, bởi tôi nhớ chúng tôi đang mặc quần áo bình thường chứ không mặc đồng phục. Tôi không nhớ chính xác Tommy hôm đó mặc gì – có lẽ là một trong những chiếc áo đá bóng rách xác xơ mà ngay cả khi trời se lạnh cậu vẫn mặc – nhưng tôi thì chắc chắn đang mặc bộ đồ màu hạt dẻ kéo khóa đằng trước mua được ở cuộc Bán hàng hồi lớp Cao 1. Tôi đi vòng quanh cậu ấy rồi đứng quay lưng về phía mặt nước, đối diện ngôi nhà, để xem liệu thiên hạ có bắt đầu tụ tập lại bên những ô cửa sổ không. Thế rồi trong khoảng vài phút chúng tôi chẳng nói chuyện gì cụ thể, như chưa hề vậy. Tôi không chắc là để Tommy nhận thấy hay để kẻ nào đó đang quan sát chúng tôi nhận thấy, nhưng tôi vẫn giữ nguyên tư thế của mình sao cho trông như chỉ dừng chân chốc lát, và có một lúc tôi còn dợm bước ra vẻ lại đi dạo và để Tommy ở đó. Tôi thấy có một nỗi hoảng hốt thoáng qua trên mặt Tommy, và lập tức tôi thấy hối tiếc mình đã trêu cậu mặc dù không có ý như vậy. Thế nên tôi nói, như thể vừa nhớ ra:
“Nhân thể, ban nãy cậu đang nói dở chuyện gì ấy nhỉ? Về việc cô Lucy bảo cậu gì đó phải không?”
“À…” Tommy nhìn qua tôi về phía cái ao, vờ như chủ đề đó cậu đã quên khuấy rồi. “Cô Lucy. Chuyện ấy à.”
Cô Lucy là người có khí chất thể thao nhất trong số các giám thị ở Hailsham, mặc dù nếu chỉ nhìn bề ngoài thì không thể đoán ra. Cô có bộ dạng thấp bè bè, gần giống con chó ngao, và mái tóc đen kỳ quặc của cô hễ mọc ra là dựng đứng lên nên chẳng bao giờ che được đôi tai hay cái cổ to nần nẫn. Nhưng thực sự là sức cô rất khỏe, và ngay cả khi chúng tôi đã lớn hơn, hầu hết chúng tôi – kể cả đám con trai – không theo nổi cô khi chạy vòng quanh sân. Cô chơi khúc côn cầu thật cừ khôi, và thậm chí khi đá bóng với bọn con trai lớp Cao thì cô vẫn cứ chơi ngang ngửa. Tôi nhớ có lần quan sát thấy James H. cố cản cô khi cô dẫn bóng ngang qua, nhưng rồi chính cậu ta mới là kẻ ngã bổ chửng. Hồi còn ở lớp Sơ, mỗi khi có chuyện bức xúc là chúng tôi lại tìm đến cô Lucy cả. Trên thực tế, hồi chúng tôi còn rất bé thì cô không hay nói chuyện với chúng tôi. Chỉ đến khi lên lớp Cao thì chúng tôi mới thực sự cảm nhận được đúng phong cách mạnh mẽ của cô.
“Cậu đang kể gì đó nửa chừng,” tôi bảo Tommy. “Về chuyện cô Lucy có bảo cậu rằng nếu cậu không có khả năng sáng tạo thì cũng không sao hết.”
“Đúng là cô ấy có nói đại loại như vậy. Cô ấy bảo mình không phải lo. Đừng bận tâm người khác nói gì. Cách đây khoảng hai tháng. Cũng có thể lâu hơn.”
Ở phía ngôi nhà, một số học sinh lớp Sơ đã túm tụm lại bên một ô cửa sổ tầng trên để quan sát chúng tôi. Nhưng lúc này tôi đang cúi mình xuống trước mặt Tommy, không còn giả vờ gì nữa.
“Tommy này, cô ấy nói thế thì lạ thật đấy. Cậu có chắc là mình hiểu đúng không?”
“Dĩ nhiên là mình hiểu đúng,” giọng cậu đột nhiên chùng xuống. “Cô ấy nói thế không chỉ một lần đâu. Mình với cô ấy nói chuyện trong phòng cô ấy, cô ấy nói với mình cả một thôi một hồi về chuyện đó mà.”
Tommy giải thích rằng ban đầu lúc cô Lucy bảo cậu đến phòng cô ấy sau giờ Thưởng thức Nghệ thuật, cậu cứ nghĩ mình lại sắp phải nghe một bài giáo huấn về chuyện cậu cần phải cố gắng hơn, những gì mà cậu đã nghe từ nhiều giám thị khác kể cả cô Emily. Nhưng trong khi hai người đi từ ngôi nhà sang bên Vườn Cam – ở đó có khu nhà ở của các giám thị – , Tommy bắt đầu mơ hồ hiểu ra rằng lần này khác. Thế rồi, khi cậu đã ngồi trên chiếc ghế bành của cô Lucy – còn cô thì đứng cạnh cửa sổ – , cô liền bảo cậu kể hết cho cô nghe, theo cách nhìn nhận của cậu về những gì đang xảy ra với cậu. Thế là Tommy kể hết đầu đuôi. Nhưng cậu chưa kể được nửa chừng thì đột nhiên cô Lucy ngắt ngang và bắt đầu tự nói. Cô bảo rằng cô biết rất nhiều học sinh trong suốt một thời gian dài cảm thấy sáng tạo ra cái gì đó mới khó làm sao: nào vẽ, nào họa, nào thơ, chẳng thứ gì nên hồn suốt nhiều năm trời. Thế rồi một ngày kia họ qua được cơn lận đận và bắt đầu đơm hoa kết trái. Rất có thể Tommy cũng nằm trong số đó.
Tommy từng nghe người ta nói vậy từ trước, nhưng trong phong thái của cô Lucy có gì đó vẫn khiến cậu lắng nghe chăm chú.
“Mình có thể nhận ra cô ấy đang dẫn câu chuyện đến một điều gì đó. Một điều gì khác kia,” cậu bảo tôi.
Đúng vậy, chẳng mấy chốc cô Lucy đã chuyển sang nói những điều mà Tommy khó lòng theo kịp. Nhưng cô cứ nhắc đi nhắc lại cho đến khi cậu bắt đầu hiểu. Cô nói rằng nếu quả Tommy đã cố gắng nhưng vẫn không tỏ ra mình có khiếu sáng tạo cho lắm thì cũng không sao, cậu chẳng việc gì phải lo âu. Bất cứ ai, dù học sinh hay giám thị cũng vậy, vì chuyện đó mà trừng phạt cậu hay gây áp lực với cậu bằng cách này hay cách khác đều sai cả. Đơn giản là đó chẳng phải lỗi của cậu. Và khi Tommy phản đối, nói rằng cô Lucy nói vậy thì tốt quá, nhưng ai ai cũng thực sự cho rằng đó là lỗi của cậu, cô Lucy bèn thở dài nhìn ra ngoài cửa sổ. Đoạn cô nói:
“Có thể nói vậy cũng chẳng giúp được gì nhiều cho em. Nhưng em cứ hãy nhớ lấy. Ít nhất là có một người ở Hailsham này tin ở điều khác. Ít nhất là có một người tin rằng em là một học sinh rất giỏi, giỏi như bất cứ học sinh nào người đó từng gặp, cho dù khả năng sáng tạo của em như thế nào đi nữa.”
“Cô ấy không phỉnh cậu đấy chứ?” tôi hỏi. “Liệu đó có phải là một cách khôn ngoan hơn để trách móc cậu không?”
“Nhất định là không phải vậy. Dù thế nào…” Lần đầu tiên cậu tỏ vẻ lo không biết có ai nghe lỏm không, ngoái nhìn qua vai về phía ngôi nhà. Đám học sinh lớp Sơ bên cửa sổ đã thôi không quan tâm nữa mà bỏ đi, vài đứa con gái lớp chúng tôi đang đi bộ về phía đình tạ, nhưng còn cách chúng tôi khá xa. Tommy quay lại tôi mà nói hầu như thì thầm:
“Dù thế nào đi nữa, khi nói những chuyện này cô ấy cứ run bần bật suốt.”
“Run bần bật, cậu nói vậy là ý gì?”
“Run. Vì giận dữ. Mình có thể hiểu cô ấy. Cô ấy phẫn nộ. Nhưng là phẫn nộ tận sau bên trong ấy.”
“Giận ai?”
“Mình không biết. Dù thế nào cũng không phải giận mình, đó mới là điều quan trọng nhất!” Cậu bật cười, rồi lại trở nên nghiêm trang. “Mình không biết cô ấy giận ai nữa. Nhưng cô ấy giận thật.”
Tôi lại đứng dậy vì thấy đau bắp chân. “Lạ thật đấy Tommy à.”
“Điều buồn cười là cuộc nói chuyện với cô ấy có tác dụng thật. Nhiều là khác. Ban nãy cậu có nói mọi chuyện bây giờ dường như đang tốt đẹp hơn với mình. Đều nhờ đó mà ra. Bởi vì sau đó, khi nghĩ về những gì cô ấy nói, mình nhận ra rằng cô ấy nói đúng, đó không phải lỗi của mình. Ừ thì mình làm chẳng nên hồn. Nhưng trong sâu xa đấy đâu phải lỗi tại mình. Khác là khác ở chỗ ấy. Và hễ khi nào mình thấy hoang mang về chuyện ấy, mình lại nhìn thấy cô ấy qua lại, hoặc mình đang ở trong một giờ học của cô ấy, cô ấy chẳng nhắc gì về cuộc nói chuyện lần trước, nhưng mình cứ nhìn cô ấy, và đôi khi nhìn thấy mình, cô ấy khẽ gật đầu. Mình chỉ cần có thế thôi. Lúc nãy cậu có hỏi có chuyện gì đã xảy ra không. Thì chuyện đó đấy. Nhưng nghe này, Kathy, cậu đừng hé răng một lời về chuyện này cho bất cứ ai, nhé?”
Tôi gật, nhưng liền hỏi: “Cô ấy có bắt cậu phải hứa vậy không?”
“Không, không, cô ấy không bắt mình hứa gì cả. Nhưng cậu không được hở ra một tiếng nào đâu đấy. Cậu phải thực sự hứa với mình cơ.”
“Được rồi.” Đám con gái đang đi về phía đình tạ đã nhác thấy, liền vẫy tay gọi tôi. Tôi vẫy lại rồi nói với Tommy: “Mình đi thì hơn. Ta có thể nói chuyện ấy sau, chóng thôi.”
Nhưng Tommy lờ đi. “Còn một điều khác nữa,” cậu nói tiếp. “Có một điều khác nữa cô ấy nói nhưng mình không thật hiểu rõ. Mình muốn hỏi cậu đây. Cô ấy bảo chúng mình không được dạy đủ, đại loại như vậy.”
“Dạy đủ á? Ý cậu cô ấy cho rằng chúng mình cần học cật lực hơn bây giờ nữa sao?”
“Không, mình nghĩ chắc cô ấy không có ý vậy. Cô ấy muốn nói về chúng mình, cậu hiểu chứ. Điều sẽ xảy ra với chúng mình một ngày nào đó. Hiến tạng và những gì gì nữa.”
“Nhưng chúng mình đã được dạy về điều đó cả rồi còn gì,” tôi nói. “Mình tự hỏi ý cô ấy là gì vậy. Có phải cô ấy cho rằng có những thứ người ta chưa cho chúng mình biết chăng?”
Tommy suy nghĩ một chút rồi lắc đầu. “Mình thì cho là cô ấy không định nói vậy. Cô ấy chỉ nghĩ rằng chúng mình chưa được dạy đầy đủ về chuyện đó. Bởi vì cô ấy nói cô ấy rất muốn tự nói với chúng mình về điều đó.”
“Chính xác là về chuyện gì?”
“Mình không biết. Có thể mình hiểu sai hết cả, Kathy à. Mình chẳng biết. Có khi cô ấy định nói một điều hoàn toàn khác, một điều khác liên quan đến chuyện mình không sáng tạo. Mình không thực sự hiểu được.”
Tommy nhìn tôi như thể chờ tôi nảy ra câu trả lời. Tôi tiếp tục nghĩ thêm chừng vài giây rồi nói:
“Tommy này, cậu nghĩ kỹ lại đi. Cậu bảo là cô ấy giận…”
“Ừ thì trông giống vậy. Cô ấy cũng trầm tĩnh, nhưng cứ run bần bật.”
“Thôi thì sao cũng được. Cứ cho là cô ấy giận. Có phải chính là lúc cô nổi giận thì cô mới bắt đầu nói về cái chuyện khác kia không? Về chuyện chúng mình chưa được dạy đầy đủ về việc hiến tạng và những thứ còn lại nữa?”
“Mình cho rằng…”
“Này Tommy, suy nghĩ đi. Sao cô ấy nêu chuyện đó ra? Cô ấy đang nói về cậu, về chuyện cậu không có sáng tạo. Thế rồi tự dưng cô ấy nhảy sang nói chuyện khác. Đâu là mối liên kết giữa hai chuyện đó? Tại sao cô ấy khơi chuyện hiến tạng ra? Cái ấy có liên quan gì đến chuyện cậu có khả năng sáng tạo chứ?”
“Mình không biết. Chắc hẳn phải có lý do, mình nghĩ vậy. Có lẽ chuyện này làm cô ấy nhớ ra chuyện kia. Kath này, chính cậu bây giờ cũng đâm ra bứt rứt về chuyện này rồi đấy.”
Tôi bật cười, vì cậu ấy nói đúng: tôi đang cau mày, hoàn toàn đắm mình trong suy nghĩ. Thực tế là tâm trí tôi đang đi theo nhiều hướng cùng một lúc. Và việc Tommy thuật lại cuộc trò chuyện với cô Lucy đã nhắc tôi nhớ lại một điều khác, có thể là cả một loạt những điều khác, những sự kiện trong quá khứ có liên quan đến cô Lucy đã làm tôi bối rối vào hồi đó.
“Chỉ là…” tôi dừng lời, thở dài. “Mình không thể nói cho rành mạch được, kể cả với chính mình. Nhưng toàn bộ chuyện cậu đang nói ấy, nó có phần khớp với nhiều chuyện khác đang làm mình bối rối. Mình cứ nghĩ mãi về những chuyện ấy. Tỉ như tại sao Madame cứ đến lấy những bức tranh đẹp nhất của bọn mình đem đi mất. Để làm gì cơ chứ?”
“Để cho Phòng Tranh.”
“Nhưng Phòng Tranh của bà ấy là cái gì mới được? Bà ấy cứ lui tới đây đem đi hết những bức tranh đẹp nhất của chúng mình. Đến giờ chắc bà ấy đã có hàng đống chứ không ít. Có lần mình hỏi cô Geraldine xem Madame sẽ còn đến đây trong bao lâu, cô ấy nói chừng nào còn Hailsham ở đây thì Madame còn đến. Cái Phòng Tranh ấy là gì kia chứ? Tại sao bà ấy lại phải có một Phòng Tranh gồm toàn những thứ do chúng mình làm ra?”
“Có lẽ bà ta bán đi. Bên ngoài, ngoài kia ấy, gì người ta cũng bán.”
Tôi lắc đầu. “Không thể thế được. Hẳn là phải liên quan thế nào đó đến điều cô Lucy nói với cậu. Về chúng mình, về việc chúng mình một ngày nào đó sẽ bắt đầu hiến tạng. Mình chẳng biết tại sao, nhưng mình có cái cảm giác đó ít lâu nay, rằng mọi chuyện đều có liên quan với nhau, mặc dù mình chưa hình dung được liên quan thế nào. Mình phải đi bây giờ Tommy ạ. Đừng kể với ai về những chuyện chúng mình vừa nói nhé.”
“Ừ. Mà cậu cũng đừng nói với ai về cô Lucy đấy.”
“Nhưng nếu cô ấy lại nói chuyện gì đó khác với cậu kiểu như vậy thì cậu cho mình biết chứ?”
Tommy gật, rồi lại nhìn quanh. “Đúng như cậu nói, cậu đi đi thì hơn Kath à. Kẻo chẳng mấy chốc có người nghe lỏm chúng mình đấy.”
Phòng Tranh mà Tommy và tôi vừa bàn tới là một thứ luôn có mặt cùng chúng tôi suốt những năm chúng tôi khôn lớn. Ai cũng nói về nó cứ như là nó tồn tại, mặc dù trên thực tế chẳng ai trong chúng tôi biết chắc nó có tồn tại thật không. Tôi tin chắc mình khá tiêu biểu cho bọn chúng tôi ở chỗ tôi không thể nhớ mình nghe nói đến Phòng Tranh lần đầu tiên khi nào hay bằng cách nào. Hẳn là không phải từ các giám thị: họ chẳng bao giờ nhắc tới Phòng Tranh, và có một luật bất thành văn là chúng tôi không bao giờ nêu chủ đề ấy khi có mặt giám thị.
Tôi đồ rằng chuyện đó đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ học sinh ở Hailsham. Tôi nhớ có lần hồi mới năm sáu tuổi, tôi ngồi bên một chiếc bàn thấp cạnh Amanda C., tay chúng tôi bết đất sét nặn. Tôi không nhớ lúc đó có đứa trẻ nào khác ngoài chúng tôi không, hoặc giám thị nào coi lớp hôm đó. Tôi chỉ nhớ rằng Amanda C., vốn lớn hơn tôi một tuổi, nhìn cái tôi đang làm mà reo lên: “Đẹp, đẹp thật đó Kathy! Đẹp quá chừng! Mình cá là sẽ được đưa vào Phòng Tranh đấy!”
Lúc đó chắc hẳn tôi đã có biết về Phòng Tranh, bởi tôi vẫn nhớ mình đã thấy phấn khích và tự hào khi nghe cô ấy nói vậy, nhưng liền sau đó lại tự nhủ: “Khôi hài quá. Chưa ai trong bọn mình đủ giỏi để được đưa vào Phòng Tranh đâu.”
Khi lớn lên, chúng tôi vẫn tiếp tục nói chuyện với nhau về Phòng Tranh. Nếu muốn khen tác phẩm của ai đó, chúng tôi nói: “Đẹp thế thì đưa vào Phòng Tranh được.” Và sau khi chúng tôi phát hiện ra thế nào là mỉa mai thì mỗi khi gặp một tác phẩm tồi đến mức buồn cười của ai đó, chúng tôi lại bảo: “Ừ phải rồi! Đưa thẳng tới Phòng Tranh được đấy!”
Nhưng chúng tôi có thực sự tin ở Phòng Tranh không? Giờ thì tôi không chắc. Như tôi đã nói, chúng tôi chẳng bao giờ nhắc đến nó với các giám thị, và giờ đây nhìn lại, tôi thấy dường như đó là một thứ luật chúng tôi tự áp đặt cho mình, cũng như bất cứ điều gì mà các giám thị đã quyết. Có một chuyện tôi vẫn nhớ, là hồi chúng tôi khoảng mười một tuổi. Một buổi sáng mùa đông ngày nắng, chúng tôi đang ở trong Phòng 7. Vừa hết tiết học của thầy Roger, vài đứa vẫn nán lại để tán chuyện với thầy. Chúng tôi ngồi ở bàn, tôi không thể nhớ chính xác chúng tôi đã nói chuyện gì, nhưng thầy Roger, cũng như mọi khi, làm chúng tôi cười phá lên mãi. Carole H. vừa cười rúc rích vừa nói: “Thậm chí thầy có thể chọn nó cho Phòng Tranh cũng được!” Rồi nó lập tức đưa tay lên che mồm mà thốt lên “Ôi cha!”, và bầu không khí vẫn tiếp tục nhẹ nhõm như bình thường, nhưng tất cả chúng tôi, kể cả thầy Roger đều hiểu rằng nó đã phạm sai lầm. Thật ra thì không phải chuyện gì ghê gớm cả: cũng chẳng có gì khác so với nếu một đứa trong bọn tôi thốt ra một từ thô tục hoặc dùng tên lóng của một giám thị ngay trước mặt ông ta hay bà ta thôi. Thầy Roger cười với vẻ nuông chiều, như thể muốn nói: “Cho qua đi, chúng ta sẽ vờ như em chưa nói thế bao giờ cả,” và chúng tôi tiếp tục chuyện trò như trước.
Nếu như đối với chúng tôi Phòng Tranh nằm ở một cảnh giới mơ hồ thì có một thực tế khá rõ ràng, là cứ mỗi năm hai lần – đôi khi ba hoặc bốn lần – Madame lại đến Hailsham để chọn những tác phẩm tốt nhất của chúng tôi. Chúng tôi gọi bà là “Madame” bởi bà là người Pháp hoặc người Bỉ – chúng tôi có lần cãi nhau xem bà là dân nước nào – và bởi bản thân các giám thị cũng luôn luôn gọi bà như vậy. Bà là một phụ nữ cao, gầy nhẳng, tóc ngắn, có lẽ vẫn còn khá trẻ mặc dù hồi đó chúng tôi không nghĩ về bà như vậy. Bà luôn luôn mặc bộ đồ màu xám chải chuốt, và không như những người làm vườn, không như các lái xe thường chở các thứ nhu yếu đến cho chúng tôi – hầu như không giống bất cứ ai từ bên ngoài vào – bà chẳng bao giờ trò chuyện với chúng tôi mà giữ một khoảng cách bằng cái nhìn lạnh nhạt. Suốt nhiều năm chúng tôi cho rằng bà “kiêu kỳ”, nhưng rồi một tối nọ, hồi chúng tôi khoảng tám tuổi, Ruth lại nảy ra một các giải thích khác.
“Bà ấy sợ tụi mình,” cô tuyên bố.
Chúng tôi đang nằm trong bóng tối phòng ngủ. Hồi còn ở lớp Sơ chúng tôi được phân mười lăm đứa một phòng nên thường không có cái kiểu thủ thỉ tâm tình như khi chuyển qua phòng ngủ của lớp Cao. Nhưng hầu hết các thành viên “nhóm” của chúng tôi sau này thì ngay từ hồi đó cũng đã có giường kê gần nhau, nên chúng tôi có thói quen chuyện trò mãi đến đêm khuya.
“Sợ tụi mình, ý cậu là sao” ai đó hỏi. “Làm sao mà bà ấy lại sợ tụi mình được? Tụi mình có làm gì bà ấy đâu?”
“Mình không biết,” Ruth nói. “Mình không biết, nhưng mình tin chắc là bà ấy sợ. Trước đây mình vẫn nghĩ bà ấy chỉ kênh kiệu thôi, nhưng giờ mình tin chắc thật ra thì khác. Madame sợ tụi mình.”
Suốt mấy ngày kế tiếp, thỉnh thoảng chúng tôi lại bàn về chuyện đó. Hầu hết chúng tôi không đồng ý với Ruth, nhưng điều đó chỉ khiến cho cô càng thêm quyết tâm chứng minh mình đúng. Thế là rốt cuộc chúng tôi thống nhất một kế hoạch để thử nghiệm giả thuyết của Ruth khi Madame đến Hailsham lần sau.
Mặc dù những lần Madame đến không bao giờ được báo trước, song hầu như luôn có thể thấy rõ khi nào bà ta sắp đến. Mấy tuần trước khi bà ta đến mọi thứ đã rục rịch rồi, các giám thị sàng qua lọc lại toàn bộ các tác phẩm của chúng tôi – nào tranh, nào phác thảo, nào đồ gốm, nào luận, nào thơ. Việc này thường kéo dài ít nhất mười lăm ngày, kết cục là cứ mỗi lớp Sơ và mỗi lớp Cao lại có bốn, năm món được chọn đưa vào phòng bi-a. Phòng bi-a đóng cửa trong suốt thời gian này, nhưng nếu đứng trên bức tường thấp của sân thượng bên ngoài ta vẫn có thể nhìn thấy qua cửa sổ những thứ được chọn càng ngày càng nhiều. Khi các giám thị bắt đầu bày biện các thứ đó cho ngăn nắp lớp lang trên những cái bàn và khung vẽ, như mẫu thu nhỏ của một trong các cuộc Trao đổi của chúng tôi, ấy là lúc ta biết rằng Madame sắp đến trong ngày một ngày hai.
Vào mùa thu tôi đang nói tới ở đây, chúng tôi cần biết không phải bà ta đến vào ngày nào mà chính xác thời điểm nào bà ta sẽ xuất hiện. Thế nên ngay khi nhìn thấy các món đồ được trưng bày trong phòng bi-a, chúng tôi quyết định phân công nhau canh chừng.
Được cái nhờ địa thế của trường mà việc canh chừng rất dễ. Hailsham nằm trên một chỗ hơi trũng, bốn bề là những cánh đồng. Thế nghĩa là hầu như từ bất cứ cửa sổ phòng học nào ở ngôi nhà chính – và thậm chí từ chỗ đình tạ – ta đều có thể nhìn rõ con đường dài hẹp băng qua những cánh đồng dần đến cổng chính. Bản thân cổng thì cách khá xa, nên bất cứ xe nào vào cũng phải chạy trên lối rải sỏi dành cho xe, ngang qua nhiều bụi cây và bồn hoa rồi mới đến được sân trước ngôi nhà chính. Đôi khi suốt cả ngày chúng tôi chẳng thấy một chiếc xe nào đi dọc theo con đường hẹp đó, nhưng hôm nào thấy thì đó thường là những chiếc xe tải chở đồ nhu yếu phẩm, người làm vườn hoặc công nhân. Hiếm khi có chiếc xe hơi nào, nên đôi khi chỉ cần nhìn thấy một chiếc ở đằng xa là đủ để làm náo loạn giờ học.
Chiều hôm đó xe chở Madame bị phát hiện đang băng qua cánh đồng, trời lộng gió và chan hòa nắng, có vài đám mây mang bão bắt đầu tụ lại. Chúng tôi đang ở trong Phòng 9 – trên tầng một ngay phía trước ngôi nhà – nên khi tiếng rì rầm vang lên tú phía, thầy Frank tội nghiệp, đang cố dạy chúng tôi đánh vần, chịu không hiểu vì sao tự dưng chúng tôi lại nhấp nhổm thế kia.
Kế hoạch mà chúng tôi bày ra để thử nghiệm giả thuyết của Ruth rất đơn giản: chúng tôi – sáu đứa tất cả – sẽ phục sẵn chờ Madame ở đâu đó, rồi “bâu quanh” bà ta cùng một lúc. Chúng tôi vẫn sẽ tỏ ra đàng hoàng đúng mực, đường ai nấy đi, nhưng nếu chúng tôi chọn đúng thời điểm và bà ta giật mình thon thót thì chúng tôi sẽ thấy rõ rằng bà ta sợ chúng tôi, Ruth đoán chắc như vậy.
Mối lo chính của chúng tôi là biết đâu chúng tôi không có được cơ hội nào trong khoảng thời gian ngắn ngủi bà ta nán lại Hailsham. Nhưng vì giờ học của thầy Frank sắp kết thúc nên chúng tôi có thể gặp Madame ngay dưới sân trong khi bà ta đang đỗ xe. Chúng tôi hội ý chớp nhoáng ở chiếu nghỉ cầu thang, rồi theo các bạn còn lại trong lớp xuống thang, đứng la cà ngay nơi ô cửa chính. Madame vẫn đang ngồi sau tay lái, lục lọi gì đó trong cặp xách. Cuối cùng bà ta cũng chui ra khỏi xe tiến về phía chúng tôi, vẫn mặc bộ đồ màu xám thường lệ, ôm kè kè cặp xách bằng cả hai tay. Nhận được tín hiệu của Ruth cả bọn chúng tôi xổ ra, đi thẳng về phía bà ta, song như thể tất cả bọn tôi đang ở một giấc mơ. Chỉ khi bà ta đứng sững lại mỗi đứa chúng tôi mới lẩm bẩm “Xin lỗi cô” rồi tách nhau ra.
Tôi sẽ không bao giờ quên sự thay đổi kỳ lạ đã chiếm lĩnh chúng tôi khoảnh khắc ngay sau đó. Cho mãi tới khi ấy, toàn bộ cái vụ về Madame nếu không hẳn là một trò đùa thì cũng là một chuyện hết sức riêng tư mà chúng tôi chỉ muốn trong nhóm biết với nhau mà thôi. Chúng tôi chẳng mấy nghĩ xem bản thân Madame hay bất cứ ai khác sẽ bị tác động thế nào bởi nó. Ý tôi là cho tới lúc đó, đây vẫn là một chuyện khá vui vẻ vô tư, chỉ có một chút liều lĩnh. Mà thậm chí chẳng phải Madame đã làm một cái gì đó không như chúng tôi đoán trước bà ta sẽ làm: bà ta chỉ đứng sững lại, chờ chúng tôi đi ngang qua. Bà ta không thét lên, thậm chí cũng chẳng há mồm thở dốc. Nhưng tất cả chúng tôi đang quá chú tâm theo dõi phản ứng của bà ta, có lẽ thế nên điều đó mới có tác dụng đến chúng tôi đến vậy. Khi bà ta đứng khựng lại, tôi liếc nhanh lên mặt bà ta – có lẽ tất cả các bạn khác cũng vậy. Và ngay cả giờ đây tôi vẫn có thể nhìn thấy rõ: cái run bắn mà bà ta đang cố nén, nỗi sợ chết khiếp của bà ta rằng một đứa trong bọn tôi có thể tình cờ chạm phải bà ta. Và mặc dù cứ tiếp tục đi, tất cả chúng tôi vẫn cảm thấy điều đó; như thể chúng tôi đang đi từ chỗ nắng sang thẳng bóng râm mát lạnh vậy. Nhưng bà ta sợ chúng tôi cũng như ai đó sợ nhện mà thôi. Chúng tôi không sẵn sàng đón nhận điều này. Chúng tôi chưa bao giờ tự hỏi bản thân chúng tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu bị ai đó xem như vậy, xem như lũ nhện.
Đến khi bằng qua sân ra tới bãi cỏ, chúng tôi đã là một nhóm khác hẳn so với cái nhóm háo hức đứng chờ Madame chui ra khỏi xe. Hanna trông như sắp òa lên khóc. Ngay cả Ruth cũng có vẻ bàng hoàng. Thế rồi một đứa trong bọn tôi – hình như là Laura – nói:
“Nếu đã không ưa chúng mình thì sao bà ta lại còn muốn có tác phẩm của chúng mình chứ? Sao bà ta không để chúng mình được yên? Ai mời bà ta đến đây kia chứ?”
Không ai trả lời, và chúng tôi tiếp tục đi về phía đình tạ, không nói gì thêm về chuyện vừa xảy ra.
Nay nghĩ lại, tôi có thể thấy rằng hồi ấy chúng tôi mới ở vào cái tuổi biết được đôi điều về chính mình – chúng tôi là ai, chúng tôi khác thế nào với các giám thị, với những người ở bên ngoài – nhưng vẫn chưa hiểu được những điều ấy có ý nghĩa gì. Tôi tin chắc rằng bạn cũng vậy, một lúc nào đó trong thời thơ ấu bạn cũng trải qua những điều như chúng tôi hôm đó; nếu không giống về chi tiết thì cũng giống ở bên trong, trong cảm xúc. Bởi thật chẳng ăn thua gì dù các giám thị đã gắng công chuẩn bị cho ta: những cuộc trò chuyện, những cuốn băng video, những buổi thảo luận, những lời cảnh báo, thảy đều không thực sự giúp ta hiểu rõ. Chẳng có gì giúp ta hiểu rõ về chính mình khi ta mới tám tuổi đầu và cả lũ cùng ở một nơi như Hailsham; khi ta có những giám thị như chúng tôi từng có; khi những người làm vườn và những người giao hàng luôn đùa bỡn, cười vui với ta và gọi ta là “cưng”.
Nhưng đồng thời, một chút của điều đó cũng len lỏi vào ta. Nó không thể không len vào, bởi tới khi có một khoảnh khắc như vậy xuất hiện, có một phần nào đó trong ta đang chờ đợi. Có thể ngay từ khi ta chỉ mới năm, sáu tuổi, đã có một tiếng thì thầm ở phía sau đầu chúng ta, nói rằng: “Một ngày nào đó, có thể không bao lâu nữa kể từ bây giờ, mi sẽ biết điều đó là thế nào.” Thế là ta đợi, cho dù ta không biết rõ lắm về điều đó, đợi cái khoảnh khắc khi ta nhận ra rằng thật ra ta khác tất cả bọn họ; rằng ngoài kia có những người như Madame, họ chẳng ghét ta hay muốn làm hại ta, nhưng dẫu vậy chỉ cần nghĩ đến ta – nghĩ đến chuyện ta đã đến thế giới này bằng cách nào và tại sao lại đến – là họ đã rùng mình, họ khiếp đảm khi nghĩ đến cái nỗi bàn tay ta chạm vào tay họ. Lần đầu tiên ta nhìn chính mình qua mắt kẻ khác như vậy, đó là một khoảnh khắc lạnh giá. Cũng giống như ta đi ngang qua một tấm gương mà ngày nào trong đời mình ta cũng đi qua, thế rồi đột nhiên tấm gương cho ta thấy một cái gì khác, một cái gì khó chịu và xa lạ.
__________________
Chương Bốn
Đến cuối năm nay tôi sẽ không làm người chăm sóc nữa, và mặc dù được nhiều thứ từ công việc này, nhưng phải thú nhận rằng tôi sẽ rất mừng nếu có cơ hội được nghỉ ngơi – dừng lại để suy nghĩ và để nhớ. Tôi chắc rằng ít nhất một phần bởi điều này, bởi phải chuẩn bị cho sự thay đổi nhịp điệu, mà tôi cảm thấy thôi thúc cần sắp xếp lại cho thứ tự lớp lang tất cả những ký ức trước đây. Tôi cho rằng điều tôi thật sự muốn là thấu hiểu tất cả những gì đã xảy ra giữa tôi với Tommy và Ruth sau khi chúng tôi trưởng thành và rời khỏi Hailsham. Nhưng giờ đây tôi nhận ra rằng hầu hết những gì xảy ra sau này đều xuất phát từ thời chúng tôi ở Hailsham, chính vì vậy tôi muốn trước hết hãy rà soát lại thật cẩn thận những ký ức xưa đó. Ví như sự tò mò về Madame chẳng hạn. Ở một cấp độ, đó chỉ là trò đùa của mấy đứa trẻ chúng tôi. Nhưng ở một cấp độ khác, như các bạn sẽ thấy, đó chỉ là mốc khởi đầu của một quá trình cứ lớn dần lớn dần theo năm tháng cho đến khi chi phối toàn bộ cuộc sống của chúng tôi.
Sau cái ngày hôm đó, tuy không hẳn một điều cấm kỵ nhưng chúng tôi rất hiếm khi nhắc đến Madame ở trong nhóm. Điều đó chẳng bao lâu đã lan ra ngoài nhóm chúng tôi, lan đến hầu nhu tất cả các học sinh khác cùng khóa. Có thể nói rằng chúng tôi vẫn tò mò về bà ta như vậy nhưng tất cả chúng tôi đều cảm thấy, nếu dò la kỹ hơn về chuyện bà ta làm gì với tác phẩm của chúng tôi, liệu cái Phòng Tranh ấy có thật không, chúng tôi ắt sẽ bước vào một lãnh địa mà chúng tôi chưa sẵn sàng để bước vào.
Tuy nhiên, đề tài Phòng Tranh thỉnh thoảng vẫn rộ lên trong chốc lát, thành thử mấy năm sau, khi Tommy bắt đầu kể cho tôi nghe bên bờ ao về cuộc nói chuyện kỳ lạ của cậu ấy với cô Lucy, tôi cảm thấy có cái gì đó khuấy động ký ức. Chỉ mãi sau đó, khi đã bỏ Tommy ngồi trên tảng đá để vội vã đi về phía cánh đồng cho kịp chúng bạn, tôi mới nhớ ra chuyện đó là gì.
Cô Lucy đã nói điều này trong một buổi học. Chuyện đó tôi nhớ là bởi khi ấy nó đã khiến tôi bối rối, mà cũng bởi đó là một trong những dịp hiếm hoi Phòng Tranh được nhắc tới một cách công nhiên đến vậy trước mặt một giám thị.
Lúc ấy chúng tôi đang dở chừng cái mà về sau chúng tôi gọi là “tranh luận thẻ đổi hàng.” Vài năm trước đây Tommy và tôi có thảo luận với nhau về cuộc tranh luận thẻ đổi hàng ấy, nhưng ban đầu chúng tôi không thể nhất trí với nhau về việc chuyện đó đã xảy ra khi nào. Tôi thì bảo hồi đó chúng tôi lên mười tuổi, anh lại cho rằng phải muộn hơn, nhưng cuối cùng anh cũng xoay sang đồng ý với tôi. Tôi thì tin chắc mình nhớ đúng: hồi đó chúng tôi đang học lớp Sơ 4, nghĩa là sau sự cố với Madame ít lâu, nhưng mãi ba năm sau đó thì mới đến cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bên bờ ao.
Cuộc tranh luận thẻ đổi hàng có lẽ là một phần của việc chúng tôi càng lớn thì càng đâm ra thích thu thập sở hữu cái này cái nọ. Đã từ nhiều năm – chắc tôi đã nói rồi – chúng tôi cứ nghĩ có tác phẩm được chọn trưng bày trong phòng bi-a, chưa nói gì đến chuyện được Madame mang đi, đã là thắng lợi ghê gớm rồi. Nhưng đến năm lên mười, chúng tôi bắt đầu có nhiều cảm nghĩ mâu thuẫn hơn về chuyện này. Các cuộc Trao Đổi, nơi chúng tôi dùng những cái thẻ nho nhỏ như một thứ tiền, đã khiến chúng tôi sành sỏi khi định giá những cái mình làm ra. Chúng tôi đâm ra bận tâm với những chiếc áo cổ lọ, với việc trang hoàng giường ngủ của mình, với việc làm cho bàn học của mình đậm cá tính riêng. Và dĩ nhiên, chúng tôi có những “bộ sưu tập” của riêng mình để quan tâm đến.
Tôi không biết ở chỗ các bạn hồi xưa liệu mỗi người đều có “bộ sưu tập” của mình hay không. Mỗi khi gặp những học sinh cũ từ Hailsham ra, sớm muộn gì ta cũng sẽ nhận ra rằng họ cứ mãi luyến tiếc những bộ sưu tập của họ. Dĩ nhiên hồi ấy chúng tôi coi đó là lẽ đương nhiên. Mỗi người chúng tôi đều có một cái rương gỗ trên có ghi tên mình, ta để nó dưới giường mình và cho vào đó những vật mình sở hữu – những thứ ta mua được ở các cuộc Bán hàng hay Trao đổi. Tôi nhớ cũng có một, hai học sinh không mấy quan tâm đến bộ sưu tập của mình, nhưng hầu hết chúng tôi đều hết sức chăm chút nó, đem các thứ của mình ra trưng bày, rồi lại cẩn thận đem những thứ khác cất đi.
Vấn đề ở chỗ, cho đến khi chúng tôi lên mười, ý nghĩ được Madame chọn cái gì đó của mình mang đi là một vinh hạnh lớn đã trở nên xung đột với cảm giác rằng chúng tôi đang đánh mất một món hàng lẽ ra bán được giá cao. Khi tranh luận về thẻ trao đổi, tất cả những điều đó cùng đến trong đầu mỗi chúng tôi.
Chuyện bắt đầu từ khi một nhóm học sinh, chủ yếu là con trai, rì rầm rằng mỗi khi Madame lấy đi cái gì đó thì bù lại chúng tôi nên nhận được thẻ trao đổi. Nhiều học sinh đồng ý, nhưng nhiều người khác bất bình với ý tưởng này. Chúng tôi tranh cãi với nhau hồi lâu, thế rồi một ngày kia Roy J. – lớn hơn chúng tôi một khóa và đã có nhiều thứ được Madame chọn mang đi – quyết định đến gặp cô Emily về chuyện đó.
Cô Emily là giám thị trưởng của chúng tôi, nhiều tuổi hơn các giám thị khác. Người cô không cao lắm, nhưng lối đi dáng đứng của cô, luôn luôn thẳng tắp, đầu ngẩng cao, có cái gì đó khiến ta cứ ngỡ rằng cô cao hơn thế. Cô có mái tóc bạc buộc đằng sau, song những lọn tóc cứ chực buột ra mà đung đưa qua lại quanh cô. Nếu là tôi thì chắc tôi đã phát điên vì mấy lọn tóc đó rồi, nhưng cô Emily chẳng bao giờ để ý, như thể chúng không đáng để cô khinh bỉ nữa. Khi chiều đến, cô là một cảnh tượng khá lạ lùng, với những món tóc lơi lỏng xòa xuống tứ phía mà cô chẳng buồn gạt đi khỏi mặt trong khi nói chuyện với ta bằng cái giọng bình thản và cân nhắc. Chúng tôi thảy đều hơi hãi cô và không nghĩ về cô như thường nghĩ về các giám thị khác. Nhưng chúng tôi xem cô là người công bằng và tôn trọng các quyết định của cô; và ngay cả hồi còn học các lớp Sơ có lẽ chúng tôi đã nhận ra rằng chính sự hiện diện của cô, dù có vẻ dễ sợ đi chăng nữa, vần là cái làm tất cả chúng tôi thấy an toàn đến vậy ở Hailsham.
Phải có chút gan thì mới dám đi gặp cô Emily dù không bị gọi; còn đến gặp cô với cái yêu cầu kiểu như của Roy thì cầm bằng tự sát. Nhưng Roy lại không bị cô đuổi cổ đi một cách kinh khiếp như chúng tôi chờ đợi, và trong mấy ngày sau đó chúng tôi nghe kể rằng các giám thị cũng nói với nhau – thậm chí còn bàn cãi với nhau – về vấn đề thẻ đổi hàng. Cuối cùng người ta thông báo rằng chúng tôi sẽ được phát thẻ đổi hàng, nhưng số lượng không nhiều bởi có một tác phẩm được Madame chọn là “cả một vinh dự lớn.” Điều này không thực sự làm hài lòng cả hai phe, nên tranh cãi vẫn tiếp diễn.
Chính trong bối cảnh đó mà Polly T. đã hỏi cô Lucy câu hỏi của nó vào buổi sáng hôm ấy. Chúng tôi đang ở trong thư viện, ngồi quanh chiếc bàn lớn bằng gỗ sồi. Tôi nhớ lúc đó có một thanh củi lớn đang cháy trong lò sưởi, và chúng tôi đang chơi trò đọc kịch có phân vai. Đến một lúc, có một câu trong vở kịch gợi cho Laura thốt lên một câu láu lỉnh về chuyện thẻ đổi hàng, cả bọn chúng tôi đều cười, cả cô Lucy cũng cười theo. Thế rồi cô Lucy bảo rằng, do tất cả mọi người ở Hailsham hầu như chỉ nói toàn chuyện đó, nên chúng ta nên quên cái trò đọc kịch có phân vai mà dùng thời gian còn lại của giờ học để trao đổi ý kiến về vấn đề thẻ đổi hàng. Và chúng tôi đang làm đúng như vậy thì Polly tự dưng hỏi độp một câu: “Cô ơi, rốt cuộc thì tại sao Madame lại mang đồ của chúng em đi vậy?”
Chúng tôi thảy đều im lặng. Cô Lucy ít khi nổi nóng, nhưng hễ khi nào cô nổi nóng là nhất định ta sẽ nhận ra ngay, và trong một thoáng chúng tôi cứ nghĩ Polly thế là tiêu rồi. Nhưng rồi chúng tôi nhận ra cô Lucy không giận, cô chỉ đang đắm chìm trong suy nghĩ. Tôi nhớ mình đã cảm thấy rất căm Polly sao lại ngu ngốc phá vỡ cái luật đã thành văn ấy, nhưng đồng thời lại thấy cực kỳ phấn khích muốn nghe cô Lucy trả lời ra sao. Và rõ ràng không phải chỉ mình tôi có những cảm xúc lẫn lộn ấy: hầu như ai nấy đều hằm hằm nhìn Polly, sau đó lại háo hức quay sang cô Lucy – tôi cho rằng lúc đó cô có phần không công bằng với con bé Polly tội nghiệp. Sau một lát dường như rất lâu, cô Lucy nói:
“Cô chỉ có thể nói với các em một điều là, Madame làm như vậy với lý do tốt. Một lý do rất quan trọng. Nhưng nếu cô giải thích cho các em bây giờ chắc các em không hiểu được đâu. Cô hy vọng một ngày nào đó người ta sẽ giải thích cho các em.”
Chúng tôi không nài ép cô. Bầu không khi quanh bàn đã trở nên hết sức gượng gạo, và mặc dù chúng tôi rất tò mò muốn nghe thêm nữa, nhưng hầu như suốt buổi nói chuyện đó chúng tôi chỉ muốn thoát cho nhanh khỏi cái đề tài nguy hiểm này. Thế rồi, khoảnh khắc sau đó tất cả chúng tôi nhẹ cả người khi lại tiếp tục bàn – tuy có phần giả tạo một chút – về chuyện thẻ đổi hàng. Nhưng lời của cô Lucy vẫn làm tôi bối rối và tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại về chúng suốt mấy ngày sau. Chính vì vậy chiều hôm đó bên bờ ao, khi Tommy kể với tôi rằng cậu ấy đã nói chuyện với cô Lucy, cô ấy bảo cậu rằng chúng tôi “chưa được dạy đầy đủ” về vài điều gì đó, thì ký ức về cái lần trong thư viện kia – cùng một, hai sự kiện nhỏ khác tương tự – lại bắt đầu khuấy động tâm trí tôi.
***
Nhân thể bàn về chủ đề thẻ đổi hàng, tôi chỉ muốn nói một chút về các buổi Bán hàng, chuyện ấy tôi đã nhắc mấy lần rồi. Các cuộc Bán hàng rất quan trọng với chúng tôi bởi nhờ vậy chúng tôi mới có được những thứ ở bên ngoài. Cái áo cổ lọ của Tommy chẳng hạn, cậu ấy cũng mua được từ một buổi Bán hàng. Chính ở đó chúng tôi mới mua được quần áo, đồ chơi, những thứ đặc biệt không phải do một đứa trong bọn chúng tôi làm ra.
Mỗi tháng một lần, một chiếc xe tải to màu trắng lại xuôi con lộ dài mà đến Hailsham, và ta lại sẽ thấy nỗi háo hức rộn ràng khắp trong nhà tới ngoài sân. Cho đến khi xe vào đến sân trong thì đã có cả một đám đông chờ sẵn, chủ yếu là bọn lớp Sơ, bởi khi đã qua tuổi mười hai mười ba thì tỏ ra háo hức quá lộ liễu như vậy cũng không hay lắm. Nhưng sự thực là chúng tôi thảy đều háo hức cả.
Nay ngồi nhớ lại, tôi thấy chúng tôi cứ rối rít lên như thế thật buồn cười làm sao, bởi thường thì các cuộc Bán hàng khiến chúng tôi thất vọng ê chề. Chẳng có món gì khả dĩ tạm gọi là đặc biệt, và chúng tôi dùng thẻ đổi hàng chỉ để đổi những thứ mặc đã sờn hay những món đồ sắp hỏng bằng những thứ chả hơn là mấy. Nhưng tôi cho rằng điều quan trọng là ở chỗ, trước kia ai trong chúng tôi cũng đã từng tìm thấy một cái gì đó ở một buổi Bán hàng, một món gì đó về sau sẽ trở thành rất đặc biệt: một chiếc áo khoác, một cái đồng hồ, một đôi kéo thủ công, chẳng bao giờ dùng tới nhưng chủ nhân vẫn rất tự hào đặt bên giường ngủ. Tất cả chúng tôi đều đã tìm thấy một cái gì như vậy vào một lúc nào đó, cho nên dù có vờ như không phải thế đi nữa, chúng tôi vẫn không rũ được cái cảm xúc hy vọng và háo hức thuở nào.
Thật ra, việc xúm xít bên chiếc xe tải trong khi người ta dỡ hàng còn có một lý do nữa. Việc ta làm – nếu ta là một đứa trong đám học sinh lớp Sơ kia – là cứ lẽo đẽo theo chân hai người đàn ông mặc đồ bảo hộ đang bê những thùng các-tông từ xe vào kho rồi lại ra xe, và luôn mồm hỏi họ có cái gì trong hộp vậy. “Nhiều thứ hay lắm cưng à,” họ thường trả lời thế. Rồi nếu ta cứ hỏi gặng: “Có được mùa to không ạ?” thì sớm muộn họ cũng sẽ mỉm cười mà nói: “Ừ, đúng đấy cưng. Được mùa to thật đó,” thế là chúng tôi sẽ ồ lên thích thú.
Những chiếc hộp thường được mở ở phía trên, nên liếc vào ta sẽ thấy mọi thứ, và đôi khi, mặc dù chúng tôi không dám mong, những người đàn ông còn cho phép ta nhặt một hai món ra xem kỹ hơn. Chính vì vậy mà cho đến khi cuộc Bán hàng được thực sự tổ chức sau đó khoảng một tuần gì đó thì đã có đủ thứ đồn đại giữa chúng tôi, có thể là về một bộ cánh nào đó, một băng cát-xét nhạc, và nếu có xảy ra rắc rối thì hầu như luôn luôn chỉ vì có mấy đứa đâm ra “kết” cùng một món như nhau.
Những buổi Bán hàng trái ngược hoàn toàn với bầu không khí lặng ngắt của những cuộc Trao đổi. Bán hàng thường được tổ chức trong Phòng Ăn, và luôn đông đúc, ồn ào. Thật ra vui phần lớn là nhờ chính cái sự xô đẩy nhau, í ới gọi nhau, và các buổi Bán hàng thường là vui vẻ dễ chịu. Ngoại trừ, như tôi nói, thỉnh thoảng mọi việc lại vượt ra khỏi tầm kiểm soát, khi các học sinh giành giật, níu kéo nhau, thậm chí đánh nhau. Khi đó thường thường các lớp trưởng sẽ dọa đóng cửa tất, và tất cả bọn tôi sẽ phải nghe cô Lucy thuyết cho một hồi ở cuộc họp toàn thể sáng mai.
Mỗi ngày ở Hailsham đều luôn luôn bắt đầu bằng một cuộc họp toàn thể, thường thì cũng ngắn thôi – dăm cái thông báo, có thể là một học sinh đọc một bài thơ. Cô Emily không mấy khi nói nhiều; cô chỉ ngồi thẳng tắp trên sân khấu, nghe nói gì cũng gật đầu, thỉnh thoảng lại liếc cái nhìn lạnh băng về phía bất cứ tiếng thì thào nào trong đám đông. Nhưng mỗi khi một cuộc Bán hàng có chuyện om sòm là sáng hôm sau mọi chuyện sẽ khác. Cô sẽ bắt chúng tôi ngồi xuống sàn nhà – thường thì trong cuộc họp toàn thể chúng tôi đứng – và sẽ không có thông báo hay đọc thơ đọc thẩn gì hết, chỉ có cô Emily sẽ nói chuyện với chúng tôi hàng hai mươi, ba mươi phút, có khi còn lâu hơn. Cô ít khi lên giọng, nhưng ở cô trong những lúc ấy có cái gì đó đanh thép nên không một ai trong chúng tôi, kể cả học sinh lớp Cao 5 dám ho he gì.
Có một cảm giác thực sự tồi tệ, rằng hình như cả đám bọn tôi đã khiến cô Emily thất vọng, nhưng dù cố đến mấy chúng tôi cũng không thể để tâm lắng nghe đến hết những bài diễn thuyết đó. Một phần là do ngôn ngữ của cô. “Không xứng đáng được hưởng đặc quyền” và “lạm dụng cơ hội” là hai cụm từ thường gặp mà cả Ruth và tôi đều nhớ tới khi hai chúng tôi ngồi trong phòng Ruth ở trung tâm điều dưỡng tại Dover và hồi tưởng chuyện xưa. Ý chung của cô Emily khá rõ: tất cả chúng tôi đều rất đặc biệt, bởi là học sinh Hailsham, thế nên nếu chúng tôi cư xử chẳng ra gì thì càng đáng thất vọng hơn. Tuy nhiên, ngoài cái đó ra thì mọi chuyện trở nên mù mờ. Đôi khi cô đang nói thao thao bất tuyệt thì tự dưng ngừng lại mà nói gì đó đại loại như: “Cái gì vậy? Nó là cái gì vậy? Cái gì mà có thể ngáng trở chúng ta?” Thế rồi cô đứng đó, nhắm mắt, mặt cau lại như thể đang cố tìm câu trả lời. Và dù chúng tôi cảm thấy bối rối khó xử, chúng tôi vẫn ngồi đó mong cô phát hiện ra trong đầu cô bất cứ cái gì cần phát hiện. Cô có thể sẽ trở lại bình thường với một nụ cười dịu dàng – dấu hiệu cho biết rằng chúng tôi sắp được tha – nhưng cũng hoàn toàn có thể đang im lặng thì cô sẽ bùng lên với một câu như: “Nhưng sẽ không ai bắt ép tôi được! Ồ không! Cả Hailsham cũng vậy, không ai ép buộc Hailsham được!”
Mỗi khi nhớ lại những thuyết giáo lê thê đó, Ruth đều nhận xét rằng nhiều khi chúng tối như hũ nút thế thì cũng lạ thật, bởi cô Emily mỗi khi đứng lớp đều nói năng rõ ràng đến không thể rõ hơn. Khi tôi kể rằng đôi khi tôi mơ thấy cô giám thị trưởng đi lang thang quanh Hailsham mà tự nói một mình, Ruth tỏ ra khó chịu, liền nói:
“Cô ấy không bao giờ như thế cả! Làm sao Hailsham có thể như vậy được nếu như người phụ trách cao nhất lại ấm đầu? Trí tuệ của cô Emily, thậm chí cậu có thể dùng mà bửa củi được ấy chứ!”
Tôi không cãi. Nhất định là cô Emily hẳn phải sắc sảo nhạy bén đến kỳ lạ. Tỉ như, nếu ta đang ở tại một nơi trong ngôi nhà chính hoặc ngoài sân mà đáng lẽ mình không được đến thì bỗng thấy một giám thị đang lại gần, thường là ta có thể nấp vào đâu đó. Hailsham có lắm nơi để nấp, cả trong nhà lẫn ngoài sân: nào tủ, nào hốc, nào bụi, nào rào. Nhưng nếu đã thấy cô Emily đang tới, ta sẽ nản ngay bởi vì cô luôn biết ta đang nấp ở đó. Cứ như cô có giác quan thứ sáu vậy. Ta có thể chui vào tủ, đóng cửa kín mít rồi đứng im không dám cục cựa một ngón tay, nhưng rồi y như rằng tiếng bước chân cô Emily sẽ dừng lại bên ngoài tủ và tiếng cô sẽ cất lên: “Được ròi. Chui ra đi.”
Chuyện như vậy có lần từng xảy ra với Sylvie C. ở một chiếu nghỉ cầu thang tầng hai, và vào đúng một trong những dịp cô Emily nổi trận lôi đình. Cô không bao giờ quát tháo với ta, chẳng hạn như cô Lucy khi lên cơn thịnh nộ, nhưng hễ cô Emily đã nổi giận thì dễ sợ hơn. Mắt cô nheo lại và cô thì thầm một cách phẫn nộ với chính mình như thể cô đang thảo luận với một đồng nghiệp vô hình xem hình phạt nào là đủ kinh khủng với ta. Cái kiểu cô làm vậy khiến cho ta nửa rất muốn nghe thủng cô nói gì nhưng nửa lại hoàn toàn không muốn. Nhưng với cô Emily thì thường không có chuyện gì kinh khủng xảy ra sau đó cả. Cô hiếm khi phạt cấm túc đối với ta, bắt ta làm những việc lặt vặt hay tước bỏ một số quyền. Nhưng đồng thời ta lại cảm thấy khiếp sợ, biết mình không còn được cô coi trọng nữa, và ta những muốn ngay lập tức làm điều gì đó để chuộc lỗi.
Nhưng vấn đề ở chỗ với cô Emily thì chẳng bao giờ đoán trước được gì. Sylvie lần đó lãnh đủ, nhưng khi bắt gặp Laura đang chạy ngang qua mảnh đất có mọc cây đại hoàng, cô Emily chỉ gắt lên: “Này em, không được qua đó. Ra chỗ khác,” rồi đi khỏi.
Lại còn có lần tôi cứ ngỡ mình tới số với cô rồi. Lối đi bộ nhỏ vòng quanh phía sau ngôi nhà là nơi ưa thích của tôi. Nó dẫn qua tất cả những xó xỉnh, những phần nối thêm của ngôi nhà; ta phải lách mình qua những bụi cây, ta băng qua dưới hai vòm cung bọc ngà voi và ngang qua một cánh cổng hoen gỉ. Và suốt thời gian đi trên cái lối nhỏ đó ta luôn có thể nhìn qua các cửa sổ, hết cái này đến cái kia. Tôi nghĩ sở dĩ tôi thích cái lối đi này đến vậy một phần là do tôi chẳng bao giờ biết chắc liệu nó có phải là nơi chúng tôi được phép tới không. Nếu đang giờ học thì nhất định không được đi qua đó rồi. Nhưng nếu cuối tuần hay buổi tối thì chẳng bao giờ biết chắc mình có được qua đó hay không cả. Dù sao thì hầu hết học sinh đều tránh nó, và có lẽ cảm giác được thoát khỏi bất cứ ai là thêm một phần lý do khiến cái lối nhỏ lại hấp dẫn đến vậy.
Dù sao đi nữa thì tôi đang đi dạo một chút trên cái lối nhỏ ấy vào một buổi chiều nắng ấm. Dạo đó hình như tôi đang ở lớp Cao 3. Cũng như thường lệ, tôi liếc vào những căn phòng trống khi đi ngang qua, thế rồi tôi nhìn vào một phòng học thì bỗng thấy cô Emily đang ở đó. Cô chỉ có một mình, chầm chậm đi đi lại lại, tự nói thì thào một mình, chỉ trỏ và nêu nhận xét với một cử tọa vô hình ở trong phòng. Tôi cứ nghĩ cô đang diễn tập để chuẩn bị cho một tiết học hay bài phat biểu tại cuộc họp toàn thể và đã định đi ngang qua trước khi bị cô phát hiện, nhưng ngay khi đó cô quay sang nhìn thẳng vào tôi. Tôi chết điếng, nghĩ bụng mình tiêu rồi, nhưng rồi lại nhận ra rằng cô vẫn tiếp tục như ban nãy, chỉ có điều lần này miệng cô hướng về tôi. Thế rồi, hết sức tự nhiên, cô lại quay đi để nhìn chăm chú vào một học sinh tưởng tượng nào khác ở một chỗ khác trong phòng. Tôi lỉnh đi theo cái lối nhỏ và hôm sau cứ lo ngay ngáy không biết cô Emily sẽ nói gì khi gặp tôi. Nhưng cô chẳng hề nhắc tới chuyện ấy.
***
Nhưng đó không thực sự là những gì tôi muốn nói lúc này. Điều tôi muốn làm lúc này là ghi lại đôi điều về Ruth, về chuyện chúng tôi đã gặp nhau và thành bạn ra sao, về những ngày đầu tiên chúng tôi ở bên nhau. Bởi dạo gần đây, những khi dong xe qua các cánh đồng vào một buổi chiều dài hoặc uống cà phê trước một cửa sổ đồ sộ trong một trạm xăng, tôi ngày càng hay nghĩ đến Ruth.
Ruth không phải là người tôi kết bạn ngay từ đầu. Tôi vẫn nhớ rằng hồi lên năm, sáu tuổi, tôi hay làm trò này việc nọ với Hannah và Laura chứ không phải với Ruth. Tôi chỉ có ký ức lờ mờ về Ruth vào cái thuở đầu đời ấy mà thôi.
Tôi đang chơi trong một hố cát. Có nhiều đứa khác đang nghịch cát với tôi, đông quá thành thử chúng tôi đâm cáu kỉnh với nhau. Lúc đó chúng tôi đang ở ngoài trời, dưới ánh mặt trời ấm áp, cho nên đó hẳn là hố cát ở khu chơi của bọn lớp Ấu, cũng có thể là bãi cát ở cuối hố nhảy xa ở Sân chơi phía Bắc. Dù thế nào đi nữa, lúc đó trời nóng, tôi thấy khát nước và không hài lòng khi trong hố cát có quá đông người. Ruth đang đứng đó, không phải trong hố cát cùng bọn tôi mà cách đó chừng một mét. Cô đang rất giận hai đứa con gái đứng đâu đó sau lưng tôi, về một chuyện gì đó đã xảy ra từ trước, nên lúc này cô đứng đó nhìn chằm chằm hai đứa kia. Chắc là cho đến thời điểm ấy tôi chỉ mới biết rất sơ sài về Ruth. Nhưng ắt hẳn cô đã gây cho tôi một ấn tượng nào đó, bởi tôi nhớ mình vẫn tiếp tục việc đang làm dở trên bãi cát, nhưng trong bụng tôi khiếp sợ khi nghĩ rằng Ruth có thể sẽ chuyển cái nhìn sang tôi. Tôi chẳng nói năng gì, nhưng tôi rất muốn cô nhận ra rằng tôi không cùng một bọn với mấy đứa con gái sau lưng tôi và chẳng hề can dự đến cái vụ gì đó khiến Ruth sửng cồ đến vậy.
Về Ruth hồi thời thơ ấu thì tôi chỉ nhớ được có thế. Chúng tôi học cùng khóa nên chắc cũng hay tình cờ gặp nhau, nhưng ngoài cái lần ở hố cát ra, tôi chẳng nhớ có khi nào tôi có liên quan với cô không, cho mãi tới khi chúng tôi lên lớp Sơ khoảng hai năm sau đó, khi chúng tôi tròn bảy tuổi và sắp bước sang tuổi thứ tám.
Sân chơi phía Nam là sân chơi hay được bọn lớp Sơ sử dụng nhất, và chính ở đó, nơi góc sân bên những cây dương, một hôm nọ vào giờ nghỉ ăn trưa Ruth bước lại gần tôi, nhìn khắp người tôi một lượt rồi hỏi:
“Cậu có muốn cưỡi con ngựa của mình không?”
Lúc ấy tôi đang chơi với hai, ba đứa khác, nhưng rõ ràng Ruth chỉ nói với tôi thôi. Điều đó làm tôi hết sức vui, nhưng tôi làm bộ xét đoán cô thật kỹ rồi mới trả lời:
“Thế tên con ngựa của cậu là gì?”
Ruth tiến lại gần hơn một bước. “Con ngựa hay nhất của mình tên là Sấm,” cô nói. “Mình không cho bạn cưỡi cậu ấy được. Cậu ấy nguy hiểm quá. Nhưng cậu có thể cưỡi con Mâm xôi miễn là cậu không được lấy cán roi thúc cậu ấy. Hoặc nếu muốn, cậu có thể cưỡi con nào khác cũng được.” Cô tuôn ra một tràng mấy cái tên nữa mà na tôi không nhớ. Rồi cô hỏi: “Cậu thì có con ngựa nào không?”
Tôi nhìn Ruth và cẩn thận suy nghĩ trước khi trả lời: “Mình chả có con nào cả.”
“Một con cũng không?”
“Không.”
“Được rồi. Cậu có thể cưỡi con Mâm xôi, nếu thích thì cậu giữ luôn. Nhưng cậu không được lấy cán roi thúc cậu ấy đâu đấy. Và cậu phải đến ngay bây giờ.”
Dù thế nào đi nữa, các bạn tôi đã quay mặt đi, làm tiếp cái đang làm dở. Thế là tôi nhún vai bỏ đi cùng Ruth.
Sân đầy nhóc những trẻ đang nô đùa, một số đứa lớn hơn chúng tôi, nhưng Ruth rẽ ngang qua bọn chúng một cách đầy kiên quyết, luôn luôn dẫn trước tôi một hai bước. Khi chúng tôi hầu như đã đến sát hàng rào lưới sắt ngăn giũa sân với vườn, Ruth quay lại bảo:
“Được rồi, chúng mình cưỡi ngựa ở đây. Cậu lấy con Mâm xôi.”
Tôi nhận lấy cái dây cương vô hình mà Ruth chìa cho, thế rồi chúng tôi cưỡi lên hàng rào mà nhấp nhổm, lúc thì nước tế khi thì nước đại. Tôi đã quyết định đúng khi bảo Ruth tôi chẳng có con ngựa nào của riêng mình cả, bởi tôi cưỡi Mâm xôi được một hồi thì cô cho tôi thử cưỡi vài con khác của cô, lần lượt từng con, luôn mồm chỉ bảo tôi phải làm thé nào với nhược điểm của con này hay thói tật của con kia.
“Mình đã bảo mà! Cưỡi con Thủy tiên thì cậu phải ngả người ra phía sau! Nữa, ngả xa hơn nữa! Cậu mà không ngửa hẳn ra là cô ấy không thích đâu!”
Chắc là tôi đã làm rất tốt bởi cuối cùng Ruth cho tôi thử con Sấm, con ưa thích nhất của cô. Tôi không biết ngày hôm đó chúng tôi đã dành bao nhiêu thời gian với lũ ngựa; có cảm giác như lâu lắm, và cả hai chúng tôi hoàn toàn đắm mình vào trò chơi. Nhưng rồi, vì lý do tôi chịu không hiểu nổi, Ruth đột nhiên ngừng hẳn, bảo rằng tôi cố tình quần cho lũ ngựa mệt lử nên tôi phải trả từng con một về chuồng. Cô chỉ về phía một đoạn hàng rào, thế là tôi bắt đầu dẫn lũ ngựa đến đó, trong khi Ruth càng lúc càng có vẻ cáu tôi, bảo tôi làm cái gì cũng sai bét cả. Rồi cô hỏi:
“Cậu có ưa cô Geraldine không?”
Đó chắc hẳn là lần đầu tiên tôi thực sự nghĩ tới chuyện liệu tôi có ưa một giám thị không. Rốt cuộc tôi nói: “Dĩ nhiên mình ưa cô ấy.”
“Nhưng cậu có ưa cô ấy thật không? Như thể cô ấy là người đặc biệt lắm ấy? Như thể cô ấy là người cậu thích nhất ấy?”
“Có, mình ưa cô ấy thật. Cô ấy là người mình thích nhất.”
Ruth vẫn tiếp tục nhìn tôi một hồi lâu. Cuối cùng cô nói: “Được rồi. Trong trường hợp đó mình sẽ cho cậu làm một trong những cận vệ mật của cô ấy.”
Lúc đó chúng tôi đã bắt đầu đi về lại ngôi nhà chính. Tôi cứ đợi cô giải thích xem ý cô là thế nào, nhưng Ruth không giải thích. Tuy nhiên, mấy ngày hôm sau tôi hiểu./.
__________________
Chương Năm
Tôi không chắc cái vụ “cận vệ mật” ấy kéo dài trong bao lâu. Khi chúng tôi nói lại chuyện đó trong thời gian tôi chăm sóc Ruth tại trung tâm Dover, cô ấy bảo vụ đó chỉ kéo dài khoảng hai ba tuần thôi, nhưng hầu như chắc chắn không phải vậy. Có lẽ cô hơi bối rối về chuyện ấy nên toàn bộ câu chuyện đã rút ngắn lại trong ký ức của cô. Tôi thì đoán rằng vụ đó kéo dài trong khoảng chín tháng, có khi một năm không chừng – khoảng thời gian chúng tôi bảy tuổi và sắp lên tám.
Tôi chẳng bao giờ biết chắc có thật Ruth là người phát minh ra vụ cận vệ mật, nhưng nhất định cô là thủ lĩnh. Bọn chúng tôi gồm từ sáu đến mười đứa, mỗi khi Ruth cho phép một thành viên mới nhập hội hoặc khai trừ ai đó thì con số này lại thay đổi. Chúng tôi tin rằng cô Geraldine là giám thị tốt nhất ở Hailsham, nên chúng tôi làm những món quà để tặng cô – tôi nhớ ngay đến một tờ giấy to trên đó dán đầy hoa ép. Nhưng lý do chính để hội chúng tôi tồn tại là để bảo vệ cô.
Vào thời điểm tôi nhập hội, từ rất lâu Ruth và những người khác đã biết về âm mưu bắt cóc cô Geraldine. Chúng tôi chẳng bao giờ biết đích xác ai đứng đằng sau vụ đó. Đôi khi chúng tôi nghi ngờ một số đứa con trai các lớp Cao, có lúc thì lại nghi bọn con trai ở chính khóa của chúng tôi. Có một giám thị chúng tôi không ưa lắm – một cô Eileen nào đó – mà có một dạo chúng tôi cho là đầu não của toàn bộ vụ này. Chúng tôi không biết vụ bắt cóc khi nào sẽ xảy ra, nhưng có một điều chúng tôi tin chắc, đó là khu rừng sẽ có vai trò trong cái mưu đồ ấy.
Rừng ở đây là khu rừng trên đỉnh ngọn đồi ngay sau ngôi nhà chính của Hailsham. Thật ra chúng tôi chỉ nhìn thấy một dải cay tối sẫm, nhưng nhất định hồi ở tuổi đó tôi không phải là người duy nhất cảm thấy sự hiện diện của nó dù ngày hay đêm. Mỗi khi xấu trời, khu rừng như hắt bóng trùm lên toàn bộ Hailsham; chỉ cần quay đầu hoặc đi lại phía cửa sổ là ta lại thấy nó lù lù đằng xa. An toàn nhất là ở phần trước ngôi nhà chính, bởi nhìn từ cửa sổ nào ra cũng không thấy khu rừng. Nhưng dù có vậy đi nữa, ta cũng chẳng bao giờ rũ bỏ được nó.
Có đủ thứ chuyện kinh khủng về khu rừng đó. Có lần, không lâu trước khi bọn chúng tôi đến Hailsham, một đứa con trai cãi nhau om sòm với bạn rồi bỏ chạy ra ngoài ranh giới của Hailsham. Hai ngày sau người ta phát hiện ra xác nó trên khu rừng nọ, bị trói chặt vào một thân cây, bàn tay và bàn chân bị chặt hết cả. Một lời đồn khác thì bảo có một bóng ma con gái lang thang qua những ngọn cây kia. Hồn ma đó vốn là học sinh ở Hailsham, một ngày nọ cô ta trèo qua hàng rào chỉ vì muốn xem ngoài kia thế nào. Chuyện đó xảy ra rất lâu trước khóa chúng tôi, hồi các giám thị còn nghiêm khắc hơn nhiều, thậm chí là tàn ác, thành thử khi cô ta muốn quay trở vào thì người ta không cho. Cô ta cứ lẵng nhẵng bên ngoài hàng rào, vật nài người ta cho vào lại, nhưng chẳng ai cho. Cuối cùng cô ta bỏ đi đâu đó, chuyện gì đó xảy ra và cô ta chết. Nhưng bóng ma cô ta vẫn luôn luôn lẩn quất trong rừng, nhìn đau đáu về Hailsham, mỏi mòn khao khát được vào trở lại.
Các giám thị luôn mồm nhắc đi nhắc lại rằng mấy câu chuyện đó thảy đều tầm phào. Nhưng các học sinh lớp lớn thị lại bảo rằng hồi nhỏ chính họ đã được nghe các giám thị kể như thế, và chúng tôi nên được biết sớm về cái sự thật khủng khiếp, như họ vậy.
Khu rừng kích thích trí tưởng tượng của chúng tôi nhiều hơn cả về ban đêm, khi ở trong phòng cả bọn đang cố ngủ thiếp đi. Ta hầu như có thể nghĩ mình nghe thấy tiếng gió rung xào xạc những cành cây, và nói ra điều đó thì chỉ tổ khiến mọi chuyện thêm tồi tệ. Tôi nhớ có một đêm, khi chúng tôi nổi đóa với Marge K. – con bé đã làm một việc gì đó khiến cả bọn bực mình suốt cả ngày – nên quyết định phạt nó bằng cách lôi nó ra khỏi giường, bắt nó phải quay mặt về phía cửa sộ và lệnh cho nó phải nhìn lên khu rừng. Đầu tiên con bé nhắm tịt mắt lại, nhưng chúng tôi vặn tay nó và cậy mi mắt nó ra cho tới khi nó nhìn thấy đường viền khu rừng xa xa, nổi bật trên nền trời sáng ánh trăng, chừng đó là đủ để nó khóc thút thít suốt đêm và khiếp đảm.
Tôi không nói rằng hồi tuổi đó chúng tôi cứ suốt ngày lo ngay ngáy về chuyện khu rừng. Chẳng hạn như tôi có khi hàng mấy tuần liền hầu như chẳng có lúc nào nghĩ tới nó, thậm chí có những hôm, một cơn can đảm đầy táo tợn còn khiến tôi nghĩ: “Làm sao chúng mình lại đi tin những điều vớ vẩn như thế được?” Nhưng rồi chỉ cần một chuyện nhỏ thôi – ai đó kể lại một trong những câu chuyện kia, một đoạn văn sởn da gà trong sách, thậm chí ai đó tình cờ nhắc ta nhớ lại khu rừng – là lại bắt đầu một thời kỳ mới chúng tôi bị cái bóng ma đó ám ảnh. Chẳng có gì lạ khi chúng tôi cho rằng khu rừng sẽ đóng vai trò trọng yếu trong âm mưu bắt cóc cô Geraldine.
Tuy nhiên, cụ thể thì tôi lại không nhớ chúng tôi đã có những bước thực tế nào để bảo vệ cô Geraldine hay không; hoạt động của chúng tôi luôn chỉ xoay quanh việc thu thập ngày càng nhiều bằng chứng về chính cái âm mưu nọ. Vì lý do gì đó, chúng tôi lấy làm hài lòng rằng việc đó sẽ ngăn không cho mối nguy nào sớm xảy ra.
Hầu hết “bằng chứng” của chúng tôi xuất phát từ việc chứng kiến những kẻ chủ mưu đang bày mưu tính kế. Chẳng hạn, một buổi sáng nọ chúng tôi ngồi ở một phòng học trên lầu hai quan sát cô Eileen và thầy Roger trò chuyện với cô Geraldine ở dưới sân. Một lát sau cô Geraldine chào hai người kia rồi đi về phía Vườn Cam, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục quan sát, thì thấy cô Eileen và thầy Roger chụm đầu vào nhau và trao đổi một cách lén lén lút lút, mắt nhìn chăm chăm vào dáng người cô Geraldine đang đi xa dần.
“Thầy Roger,” thấy vậy Ruth thở dài, lắc đầu. “Ai mà đoán được rằng thầy cũng dính vào?”
Bằng cách đó chúng tôi lập danh sách những người chúng tôi biết có can dự vào âm mưu đó – các giám thị và học sinh nào mà chúng tôi tuyên bố là kẻ thù không đội trời chung của chúng tôi. Thế nhưng, hẳn bao giờ chúng tôi cũng biết những chuyện hư cấu của mình dựa trên cơ sở chông chênh đến thế nào, bởi chúng tôi luôn tránh đối đầu trực diện. Sau nhiều hồi thảo luận rất ghê, chúng tôi có thể xác định rằng một học sinh nào đó là kẻ chủ mưu, nhưng rồi chúng tôi luôn tìm ra một lý do để không cật vấn nó ngay, mà phải “đợi đến khi chúng ta có toàn bộ bằng chứng” đã. Tương tự, chúng tôi luôn nhất trí rằng không nên để cô Geraldine nghe thấy một chữ nào về những gì chúng tôi phát hiện được, kẻo cô lại lo lắng không đâu.
Sẽ quá dễ nếu cho rằng chính Ruth là người đã duy trì cái trò cận vệ mật này mãi một thời gian dài sau khi chúng tôi đã đủ lớn để thôi không chơi trò đó nữa. Quả vậy, cái vụ bảo vệ này rất quan trọng với cô. Cô biết về âm mưu đó trước tất cả chúng tôi rất lâu, bởi vậy mà cô có quyền lực to lớn; bằng cách nói bóng gió rằng chứng cứ thực sự đã có được từ lâu trước khi những người như tôi nhập hội – rằng có những điều mà cô chưa tiết lộ ngay cả với chúng tôi – cô có thể biện minh rằng mình có quyền quyết định thay cho cả nhóm. Nếu cô đã quyết định phải khai trừ ai đó mà cảm thấy có người phản đối, cô lại nói xa xôi một cách độc địa về những chuyện mà cô “đã biết trước.” Không thể nghi ngờ gì, rằng Ruth rất muốn chuyện này tiếp diễn mãi. Nhưng sự thực là, những ai trong chúng tôi đã chơi thân với cô từ nhỏ, mỗi chúng tôi đều góp phần duy trì câu chuyện hoang đường đó, sao cho nó kéo dài càng lâu càng tốt. Những gì xảy ra sau cuộc tranh cãi om sòm về ván cờ chứng minh khá rõ điều tôi vừa nói.
***
Tôi vẫn cho rằng Ruth là một chuyên gia có hạng về cờ vua và chắc cô có thể dạy tôi chơi môn đó. Điều ấy chẳng phải điên rồ lắm đâu: mỗi khi chúng tôi đi ngang qua những học sinh lớp trên đang ngồi bên cửa sổ hoặc trên triền cỏ mà cúi mình xuống bàn cờ, Ruth thường dừng lại để quan sát một ván cờ. Và khi chúng tôi lại đi tiếp, cô thường bảo tôi về một vài nước mà cô nhìn ra nhưng cả hai người chơi không thấy. “Ếch ơi là ếch,” cô vừa lẩm bẩm vừa lắc đầu. Điều đó càng khiến tôi thêm thích thú, và chẳng bao lâu tôi đâm muốn chính mình cũng được đắm vào những quân cờ sặc sỡ kia. Thế nên khi tôi tìm thấy một bộ cờ ở một buổi Bán hàng và quyết định mua – mặc dù phải mất rất nhiều thẻ đổi hàng – , tôi những mon Ruth sẽ giúp.
Thế nhưng mấy ngày sau, hễ tôi nhắc đến chuyện cờ quạt là cô thở dài, vờ như có việc gì đó rất gấp phải làm. Khi rốt cuộc tôi cản được đường cô vào một buổi chiều mưa và chúng tôi bày bàn cờ ra trong phòng bi-a, cô bắt đầu trình bày cho tôi một trò chơi hao hao giống cờ đam. Theo cô, nét đặc trưng của cờ vua là mọi quân cờ đều di chuyển theo hình chữ L – chắc cô suy ra vậy khi quan sát quân mã – chứ không theo kiểu nhảy ếch như cờ đam. Tôi không tin, và thất vọng lắm, nhưng tôi quyết định không nói gì mà cứ để vậy. Trong khoảng vài phút chúng tôi cứ kiểu ấy mà hạ quân của nhau trên bàn cờ, quân cờ nào khi tấn công cũng đều di chuyển theo hình chữ “L”. Trò ấy tiếp diễn cho đến khi tôi cố hạ quân của cô và cô kêu lên rằng nước ấy không tính vì tôi đã chuyển quân của mình đến quân của cô theo một đường quá thẳng.
Đến nước ấy thì tôi đứng dậy, gói ghém bộ cờ lại rồi bỏ đi. Tôi không nói thẳng thừng ra là cô không biết chơi – dù thất vọng nhường nào đi nữa, tôi vẫn biết không nên đi xa đến thế – nhưng việc tôi đùng đùng bỏ đi chắc hẳn đã đủ hùng hồn đối với cô.
Có lẽ một ngày sau đó, tôi bước vào Phòng 20 ở tầng trên cùng của ngôi nhà, ở đó thầy George đang dạy lớp thơ. Tôi không nhớ lúc ấy mình đang cầm sách trong tay, và trong khi tôi tiến về chỗ Ruth và các bạn khác đang trò chuyện, có một mảng nắng chói đổ ngang qua những nắp bàn mà trên đó hội nọ đang ngồi.
Xét theo cái cách hội kia chụm đầu vào nhau, tôi biết rằng chúng đang bàn về chuyện cận vệ mật, và mặc dù, như tôi đã nói, vụ xích mích với Ruth chỉ mới xảy ra hôm trước, nhưng vì lý do nào đó tôi cứ đi thẳng về phía hội kia mà không nghĩ ngợi gì. Chỉ khi đã đứng ngay trước mặt chúng – có lẽ hội nọ đã trao đổi cái nhìn với nhau – thì tôi mới đột nhiên hiểu điều gì sắp sửa xảy ra. Nó cũng giống như cái khoảnh khắc nhỏ hơn một giây trước khi giẫm vào một vũng nước, ta biết rằng nó có đó, nhưng ta chẳng thể làm gì được cả. Tôi cảm thấy bị tổn thương ngay cả trước khi cả bọn im bặt nhìn chằm chằm vào tôi, ngay cả trước khi Ruth nói: “Ồ Kathy, cậu khỏe chứ? Nếu cậu không phiền, chúng mình đang có ít việc cần bàn. Chỉ một phút nữa là xong thôi. Xin lỗi nhá.”
Cô chưa nói hết câu thì tôi đã quay lưng lại đi khỏi, tự giận mình sao lại tự dẫn xác vào chuyện này hơn là giận Ruth hay những người khác. Tôi rất đau khổ, chắc chắn vậy, mặc dù tôi không biết mình có thực sự khóc không. Và suốt mấy ngày sau, mỗi khi thấy nhóm cận vệ mật chụm đầu bàn bạc trong một góc hay đi ngang qua cánh đồng, tôi lại cảm thấy máu dồn lên má.
Thế rồi khoảng hai hôm sau cái lần bị hắt hủi ở Phòng 20, tôi đang bước xuống cầu thang ngôi nhà chính thì bắt gặp Moira B. ở ngay sau lưng. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện – chẳng về chuyện gì đặc biệt – và cùng nhau ra khỏi ngôi nhà. Chắc hẳn lúc đó là giờ nghỉ ăn trưa bởi trong khi chúng tôi bước vào sân trước, có khoảng hai mươi học sinh đang tha thẩn loanh quanh, tụm năm tụm ba tán gẫu. Mắt tôi lập tức chuyển sang mé cuối sân trước, nơi Ruth và ba đứa khác trong nhóm cận vệ mật đang đứng với nhau, quay lưng về phía tôi, dán mắt về phía Sân chơi phía Nam một cách đầy chủ ý. Tôi đang cố nhìn xem có cái gì mà nhóm kia quan tâm đến vậy, nhưng rồi nhận rằng Moira ở bên cạnh tôi cũng đang quan sát chúng. Thế rồi tôi chợt nhớ ra chỉ mới một tháng trước Moira cũng là một thành viên của nhóm cận vệ mật và đã bị khai trừ. Trong khoảng vài giây sau đó tôi cảm thấy lúng túng ghê gớm vì hai chúng tôi đây giờ lại đứng cạnh nhau, cùng chung nỗi niềm vừa bị hạ nhục, thực sự là nhìn trực diện vào cái thân phận bị chối bỏ của mìn, có thể nói vậy. Có lẽ Moira cũng cảm thấy tương tự như tôi; dù thế nào đi nữa, chính cô là người lên tiếng phá vỡ sự im lặng.
“Cái vụ cận vệ mật này, thật xuẩn quá. Làm sao chuyện như thế mà chúng vẫn cứ tin cơ chứ? Cứ như chúng nó đang còn ở lớp Ấu không bằng.”
Ngay cả giờ đây tôi vẫn thấy bối rối bởi sức mạnh dữ dội của cái cảm xúc trào lên trong tôi khi nghe Moira nói thế. Tôi quay lại phía cô, cực kỳ phẫn nộ:
“Cậu thì biết gì về chuyện đó chứ? Cậu chẳng biết quái gì hết, bởi cậu đã đứng ngoài từ lẩu từ lâu rồi. Nếu cậu biết chúng mình đã phát hiện được những gì thì cậu đã chẳng dám ăn nói ngớ ngẩn thế.”
“Đừng nói vớ vẩn,” Moira chưa bao giờ là kẻ dễ chịu lép về. “Chỉ lại một trò do Ruth bịa ra, thế thôi.”
“Thế chính mình đã nghe người ta bàn về chuyện đó thì sao nào? Bàn chuyện bắt cô Geraldine đưa vào rừng bằng chiếc xe tải chở sữa ấy? Làm thế nào chính mình đã nghe được chúng bày mưu tính kế, chẳng liên quan gì đến Ruth hay ai hết cả?”
Moira nhìn tôi, giờ tỏ vẻ phân vân. “Chính cậu nghe được à? Làm thế nào? Khi nào?”
“Mình nghe chúng bàn bạc, rõ như ban ngày ấy, nghe từng chữ một, chúng không biết mình đang ở đó. Dưới chỗ cái ao thì chúng không biết mình có thể nghe được. Giờ thì cậu hiểu cậu biết cái gì rồi chứ?”
Tôi bước chéo qua trước mặt cô, bỏ đi, và khi đang đi ra sân chơi đông người, tôi ngoái lại nhìn hình dáng ruth và những người khác, họ vẫn đang dán mắt về phía Sân chơi phía Nam. Và tôi nhận ra mình hoàn toàn không giận họ chút nào nữa; chỉ là hết sức bực mình với Moira thôi.
Ngay cả bây giờ, mỗi khi dong xe trên một con đường dài xám xịt và ý nghĩ tôi không hướng vào cái gì đặc biệt, tôi vẫn thường trở đi trở lại với những ký ức đó. Tại sao tôi lại thù địch đến thế với Moira B. hôm đó, trong khi Moira thực ra là một đồng minh hiển nhiên? Có lẽ là vì lúc đó Moira gợi ý rằng cô và tôi hãy cùng nhau vượt qua một ranh giới nào đó, còn tôi thì còn chưa sẵn sàng cho việc ấy. Có lẽ vì tôi cảm thấy rằng bên ngoài cái lằn ranh này có một cái gì đó rắn hơn, tối hơn, mà tôi không mong muốn. Không muốn cho tôi, không muốn cho bất cứ ai trong số chúng tôi.
Nhưng rồi những lúc khác thì tôi lại nghĩ rằng không phải vậy – chuyện ấy liên quan là liên quan đến tôi và Ruth, đến cái kiểu trung thành mà cô đã khơi lên trong tôi ngày đó. Và có lẽ chính vì vậy, dẫu có những lần tôi thực sự muốn, nhưng tôi đã chẳng bao giờ nhắc đến chuyện đó – chuyện xảy ra ngày hôm đó giữa tôi với Moira – trong suốt khoảng thời gian tôi chăm sóc Ruth ở trung tâm điều dưỡng Dover.
Tất cả những chuyện về cô Geraldine làm tôi nhớ lại một chuyện xảy ra ba năm sau đó, rất lâu sau khi ý tưởng về nhóm cận vệ mật đã nhạt đi rồi.
Lúc bấy giờ chúng tôi đang ở trong Phòng 5 ở tầng trệt mặt sau ngôi nhà, ngồi chờ một tiết học sắp bắt đầu. Phòng 5 là phòng nhỏ nhất, nhất là vào một buổi sáng mùa đông như hôm đó, khi các lò sưởi tản nhiệt lớn được mở phả đầy hơi nước lên cửa sổ, căn phòng trở nên thật là ngột ngạt. Có thể tôi cường điệu, nhưng trong ký ức của tôi, nếu muốn nhét trọn một lớp vào trong phòng đó thì chỉ còn nước học sinh phải chồng lên nhau theo nghĩa đen thôi.
Sáng hôm đó Ruth ngồi trên ghế phía sau một bàn học, tôi thì đang ngồi trên mặt cái bàn đó, thêm hai, ba đứa khác trong nhóm chúng tôi ngồi vắt vẻo lên hoặc tựa vào bàn. Sự thực là, có lẽ đúng lúc tôi đang nép mình để cho ai đó len vào bên cạnh, lần đầu tiên tôi nhìn thấy cái bao đựng bút chì.
Giờ đây, tôi vẫn nhìn thấy nó như thể nó đang ở trước mặt tôi. Nó sáng loáng như một chiếc giày mới đánh xi; toàn thân nó phủ một màu nâu thẫm điểm những chấm tròn màu đỏ. Chiếc khóa ở mép trên có một cái ngù bằng lông để kéo. Tôi suýt nữa đã ngồi lên cái bao đựng bút chì nhưng kịp nhích ra, và Ruth nhanh chóng dẹp nó đi. Nhưng tôi đã nhìn thấy, mà cô cũng chủ ý để cho tôi thấy, và tôi nói:
“Ồ! Cậu kiếm đâu ra vậy? Có phải ở một cuộc Bán hàng không?”
Trong phòng rất ồn, nhưng đám con gái gần bên đều nghe thấy, nên chẳng mấy chốc đã có bốn, năm đứa bọn tôi nhìn chăm chăm cái bao đựng bút chì một cách ngưỡng mộ. Trong khoảng vài giây Ruth chẳng nói gì, chỉ cẩn thận dò xét những khuôn mặt vây quanh. Cuối cùng cô nói một cách đầy dụng ý:
“Cứ nhất trí như vậy đi. Tụi mình hãy nhất trí rằng mình đã mua ở một cuộc Bán hàng.” Thế rồi cô cười với chúng tôi một nụ cười ranh mãnh.
Nghe chừng là một câu trả lời khá vô thưởng vô phạt, nhưng thực sự tôi cảm thấy như thể cô vừa đột nhiên đứng dậy đánh tôi, và trong mấy giây sau đó tôi cảm thấy vừa nóng bừng vừa ớn lạnh cùng một lúc. Tôi biết đích xác cô muốn nói gì bằng câu trả lời và nụ cười kia: Ruth đang bảo rằng cái bao đựng bút chì kia là quà của cô Geraldine.
Không thể nhầm lẫn gì về chuyện đó bởi nó đã manh nha từ mấy tuần rồi. Có một nụ cười nào đó, một cái giọng nào đó mà Ruth hay dùng – đôi khi kèm theo một ngón tay đặt lên môi hay một động tác giơ tay ra hiệu nói khẽ thôi theo kiểu phường tuồng – mỗi khi cô muốn nói bóng gió về một dấu hiệu ưu ái nào đó mà cô Geraldine dành cho mình: Cô Geraldine đã cho cô nghe một băng nhạc trong phòng bi-a trước bốn giờ chiều vào một ngày cuối tuần; trước đây cô Geraldine đã ra lệnh khi đi bộ ngoài đồng thì phải giữ im lặng, song khi Ruth đến gần cô thì cô lại nói chuyện với Ruth, sau đó thì cho phép cả bọn còn lại cũng được nói chuyện. Luôn luôn có những chuyện như vậy, chẳng bao giờ nói thẳng ra mà chỉ được ám chỉ xa gần bằng nụ cười và vẻ mặt “đừng nói gì thêm nhé” của Ruth.
Dĩ nhiên, chính thức mà nói thì các giám thị không được tỏ ra đặc biệt ưu ái với ai, nhưng vẫn luôn luôn có những biểu hiện thân ái nho nhỏ trong một giới hạn nào đó, và hầu hết những gì Ruth ám chỉ đều thuộc vào trường hợp này. Thế nhưng tôi vẫn không ưa mỗi khi Ruth nói bóng gió kiểu ấy. Dĩ nhiên tôi chẳng bao giờ biết chắc liệu Ruth có nói thật không, nhưng bởi cô không bao giờ thực sự “nói” ra điều đó mà chỉ nêu bóng gió nên chẳng bao giờ có thể truy Ruth cho ra lẽ cả. Vì vậy mỗi khi chuyện ấy xảy ra, tôi đành cứ để nó qua đi, cắn môi mà hy vọng cái khoảnh khắc đó sẽ qua mau.
Đôi khi, theo hướng diễn tiến của một cuộc trò chuyện mà tôi cảm thấy trước rằng Ruth lại sắp làm như vậy, tôi lại căng mình ra. Song dù vậy đi nữa việc đó vẫn tác động đến tôi với một sức mạnh nào đó, khiến trong vòng vài phút tôi không thể tập trung vào bất cứ điều gì đang diễn ra quanh mình. Nhưng vào buổi sáng mùa đông nọ trong Phòng 5 thì chuyện đó ập vào tôi hoàn toàn bất ngờ. Ngay cả sau khi tôi đã nhìn thấy cái bao đựng bút chì, ý nghĩ rằng một giám thị lại có thể đi tặng một món quà như vậy vượt ngoài mọi giới hạn đến nỗi tôi vẫn hoàn toàn không tin chuyện đó lại xảy ra được. Vì vậy, sau khi Ruth nói xong điều cô nói, tôi đã không thể mặc cho cơn cảm xúc của mình qua đi như mọi lần. Tôi chỉ chằm chằm nhìn cô, không cố công giấu giếm nỗi tức giận. Ruth, có lẽ nhận ra nỗi hiểm nguy, bèn nói nhanh với tôi theo kiểu thì thầm trên sân khấu, thì thầm… mà ai cũng nghe thấy: “Đừng nói gì nhá!” rồi lại mỉm cười. Nhưng tôi không thể cười đáp lại mà cứ nhìn chằm chằm cô. Thế rồi may sao, giám thị đến và tiết học bắt đầu.
Tôi chưa bao giờ thuộc loại trẻ con cứ nghiền ngẫm mãi chuyện này chuyện nọ hết giờ này sang giờ khác. Dạo gần đây thì tôi ít nhiều đâm ra vậy, song đó là do công việc tôi làm và do tôi phải lái xe hàng nhiều tiếng đồng hồ trong im lặng qua những cánh đồng trống vắng kia. Tôi không phải như Laura, kẻ suốt ngày làm trò hề nhưng lại có thể lo nghĩ suốt nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần lễ chỉ vì một điều nhỏ nhặt mà ai đó nói với cô. Nhưng sau buổi sáng nọ ở Phòng 5, tôi như rơi vào trạng thái bị thôi miên. Đang trò chuyện nửa chừng thì tôi lơ đãng nghĩ sang chuyện khác; hàng buổi học trôi qua mà tôi chẳng hề biết chuyện gì đang diễn ra. Tôi nhất quyết rằng lần này không thể bỏ qua cho Ruth được, nhưng suốt một thời gian dài tôi chẳng làm gì có tính xây dựng cả, chỉ quay đi quay lại trong đầu những cảnh tưởng tưởng trong đó tôi vạch trần cô và buộc cô thú nhận mình đã bịa ra tuốt. Thậm chí tôi còn tưởng tượng lờ mờ rằng chính cô Geraldine nghe được chuyện này và xạc Ruth một mẻ ra trò trước mặt mọi người.
Sau nhiều ngày như vậy tôi bắt đầu suy nghĩ một cách có cơ sở hơn. Nếu cái bao đựng bút chì không phải là quà của cô Geraldine thì nó ở đâu ra? Có lẽ Ruth có được từ một học sinh khác, nhưng khả năng đó cũng khó. Nếu nó từng thuộc về ai đó trước đây, dẫu là trước chúng tôi nhiều khóa đi nữa, thì một món đồ oách như vậy ắt không thể không có người để ý. Nếu biết rằng cái bao đựng bút chì đó từng chu du khắp cả Hailsham thì Ruth chắc chắn đã không liều bịa ra như vậy. Hầu như nhất định là cô đã mua được ở một cuộc Bán hàng. Nhưng cả ở đây nữa Ruth vẫn có thể không may ở chỗ có những người khác từng nhìn thấy nó trước khi cô mua. Nhưng nếu – đôi khi cũng xảy ra như vậy, dù không có khả năng cho lắm – cô đã nghe nói rằng đợt Bán hàng sắp tới sẽ có cái bao đựng bút chì và đã đặt mua trước với một lớp trưởng từ khi cuộc Bán hàng chưa được khai trương, thì cô sẽ có thể đường đường tự tin rằng chẳng mấy ai đã nhìn thấy nó.
Tuy nhiên, thật chẳng may cho Ruth, mỗi đợt Bán hàng đều có sổ ghi chép đã bán được món gì, ai mua, ghi lại tất. Tuy các sổ này không dễ gì đụng tới được – sau mỗi cuộc Bán hàng các lớp trưởng đều thu sổ mang về văn phòng cô Emily – nhưng cũng chẳng phải là thứ tối mật. Nếu tôi cứ lảng vảng gần một lớp trưởng trong cuộc Bán hàng lần sau thì liếc qua các trang sổ cũng không khó mấy.
Thế là tôi phác ra một kế hoạch, và hẳn tôi đã cứ trau đi chuốt lại cái kế hoạch đó suốt mấy ngày cho tới khi chợt nhận ra rằng thật ra chẳng cần thiết phải tiến hành tất cả các bước. Miễn là tôi đúng khi nghĩ cái bao đựng bút chì kia được mua ở một cuộc Bán hàng, vậy thì tôi chỉ cần làm mỗi một việc là trò chuyện thẳng thắn thôi.
Chính vì thế Ruth và tôi đã có cuộc trò chuyện với nhau dưới mái hiên. Hôm đó sương mù, mưa bụi. Hình như hai chúng tôi đi bộ từ khu phòng ngủ về phía căn đình tạ, tôi không nhớ. Dù sao đi nữa, trong khi chúng tôi băng qua sân, mưa đột nhiên nặng hạt hơn, và do không gì phải vội nên chúng tôi nấp vào dưới mái hiên nhô ra của ngôi nhà chính, hơi chếch về một bên cửa trước.
Chúng tôi trú mưa ở đó một lát, chốc chốc lại có một học sinh từ trong sương mù nhô ra rồi băng qua cửa vào nhà, nhưng mưa vẫn không ngớt. Càng đứng đó lâu, tôi càng đâm ra căng thẳng bởi nhận ra đây chính là cơ hội mình chờ đợi. Tôi tin chắc rằng Ruth cũng cảm thấy một cái gì đó sắp diễn ra. Rốt cuộc, tôi quyết định nói thẳng, không úp mở.
“Ở buổi Bán hàng hồi thứ ba tuần trước mình có xem qua sổ. Ghi chép lại các thứ ấy mà.”
“Sao cậu lại xem sổ?” Ruth hỏi nhanh. “Cậu làm thế để làm gì?”
“Ồ, chả có lý do gì cả. Christopher C. là một trong các lớp trưởng, nên mình chỉ nói chuyện với cậu ấy thôi. Cậu ấy là cậu dễ thương nhất ở lớp Cao, nhất định là thế rồi. Và mình chỉ lật lật mấy trang sổ, chỉ để có gì đó mà làm thôi.”
Tôi biết rằng tâm trí Ruth đang căng ra, giờ thì cô đã hiểu đích xác tôi đang nói đến chuyện gì. Nhưng cô nói bình thản: “Sổ ấy thì có gì mà xem, chán ngắt.”
“Không, thú vị lắm ấy chứ. Ai mua cái gì, mình biết hết.”
Tôi vừa nói vậy vừa đăm đăm nhìn trời mưa. Thế rồi tôi liếc sang Ruth và thật sự bị sốc. Tôi không biết thật ra mình chờ đợi cái gì; dù suốt một tháng qua có tưởng tượng kiểu gì đi nữa tôi cũng không bao giờ hình dung được cái tình huống đó sẽ ra sao khi nó thực sự xảy ra, như lúc này. Giờ thì tôi đã thấy Ruth bối rối đến nhường nào; đầu tiên cô hoàn toàn không biết nói gì, sau đó thì quay đi, mắt rưng rưng sắp khóc. Thế rồi tôi bỗng thấy cách cư xử của mình thật hoàn toàn hỏng bét. Bao nhiêu là nỗ lực, bao nhiêu là dày công tính kế, tất cả chỉ để làm cho người bạn thân nhất của mình phải bẽ mặt. Cứ cho là cô đã bịa tí chút về chuyện cái bao đựng bút chì, thì đã sao? Chẳng phải tất cả chúng tôi suốt ngày chỉ ngong ngóng sao cho một giám thị nào đó vượt qua quy tắc mà làm một điều gì đó đặc biệt với chúng tôi sao? Một cái ôm thật tự nhiên, một lá thư đặc biệt, một món quà? Tất cả những gì Ruth đã làm là đẩy một trong những ước mơ vô hại đó xa thêm một bước, chứ thật ra thậm chí cô đã bao giờ nhắc đích danh cô Geraldine đâu.
Giờ thì tôi thấy khó xử, và lúng túng. Nhưng trong khi chúng tôi cùng đứng đó nhìn màn sương và cơn mưa, tôi không nghĩ ra được cách nào để sửa chữa sự tổn thất mà tôi đã gây ra. Chắc là tôi đã nói câu gì đó rỗng tuếch đại loại như “Thật ra mình cũng có thấy gì nhiều đâu,” nhưng cái câu đó lửng lơ một cách ngu xuẩn trong không khí. Thế rồi, sau vài giây im lặng nữa, Ruth bỏ đi dưới trời mưa./.
__________________
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip