Phần 15 + 16

15

Mười hai. Raphael đếm rồi. Cho dù con số mười ba, nó nghĩ, thì hợp hơn với sự bất hạnh gắn với con số đó. Thực ra, với thời gian, nó đã mất hết. Và đặc biệt là chi tiết. Đôi khi, nó cố lập danh sách các bệnh viện mà mẹ nó đã từng chữa bệnh, thời gian lưu lại lâu hơn và khoảng cách giữa hai đợt ngắn hơn. Nó ghi lại địa điểm, đường phố, số nhà. Nó cố kết nối những hình ảnh mặt tiền, hành lang, phòng ngủ, những gương mặt bác sĩ hay y tá. Họa đồ ốc đảo trong sa mạc lý trí. Trò chơi cờ Monopoly về bệnh điên của Adèle.

Đôi khi, Raphael kể là mình đã lớn lên trong các bệnh viện tâm thần. Rằng nó đã được nuôi dạy ở đó. Thoải mái. Nó biết cách sử dụng và thuần thục ngôn ngữ của những tiện nghi đó. Ồ! Nơi nào mà chẳng có mặt trái. Không phải tất cả đều màu hồng, mà cũng chẳng màu trắng như nó đã hình dung ở bệnh viện đầu tiên phía cuối thành phố, khép kín như một pháo đài, được xây thành vòng tròn trong vườn và trong bóng râm. Không, kể cả ở đó, không phải cái gì cũng trắng. Nó nhớ lại, và cũng tùy bệnh viện nữa, những tiếng hét của bệnh nhân dội vào cửa và những bức tường phòng ngủ của hai mẹ con, hoặc gào lên, với đôi chút cường điệu, trong những hành lang rằng người ta đang muốn giết họ hoặc là sắp tới, thế giới sẽ thay đổi, và người ta sẽ thấy, như vào mùa xuân, cây cối đâm hoa nảy lộc, và còn họ..., và còn họ... rồi người ta sẽ thấy. Nó còn nhớ rõ hơn những mũi kim tiêm chọc vào tay hay mông của Adèle trước mắt nó, những viên thuốc an thần, tất cả những gì là bạo lực đi ngược với mục tiêu đang theo đuổi. Những chiếc áo trói hóa học và những cái máy sốc điện mang về cho nó từ phòng can thiệp một người mẹ nhu nhược, lơ đãng hơn bao giờ hết, đoạn tuyệt với tất cả và nhất là đoạn tuyệt với chính nó. Chỉ đơn giản là tàn bạo và nó không chối bỏ điều đó.

Nhưng nó nắm được luật chơi. Đó là một thế giới có tổ chức trong đó mỗi người có vai trò của mình và nhận thức được điều đó. Những bệnh nhân cứng rắn, những bệnh nhân yếu mềm, những bệnh nhân điên thật, những kẻ muốn điên hoặc giả vờ điên, những người mà sự đau đớn khiến cho họ trở đi trở lại giữa nhiều tư thế để không phải đau đớn. Những người chăm ốm. Và cả những người quanh quẩn gần đó, như nó. Nó có chỗ của nó. Như đứa con trong nhà. Mỗi lần về nó có cảm giác mình sẽ được tiếp đón vì nó là nó, chứ không phải một đứa trẻ kỳ lạ và bí mật mà là con trai của Adèle Crousse, bệnh nhân dài ngày, trong phòng ngủ giữa hoặc cuối hành lang, một người phụ nữ mà không ai có thể hiểu khi nhìn dáng vẻ bề ngoài, không hẳn là điên nhưng có đó mà như không có đó. Trừ khi ở trong phòng ngủ ngay giữa hoặc cuối hành lang. Trong những bức tường, nơi Raphael đến gặp.

Cho nên, đôi khi cô hoặc nó, trừ những lúc các y tá đề xuất, hỏi xem thử còn gì cho đêm hôm đó, cho hai ngày cuối tuần, cho tối thứ bảy. Nó ở nhà một mình, sao nó không ở lại? Một nhân viên y tá, một trợ lý điều dưỡng xếp ra một cái giường, một cái giống như băng ca chân thấp ở đầu giường hoặc bên cạnh giường của Adèle, thấp hơn, gần như sát đất. Nó yên tâm ngủ, ngay bên giấc ngủ nhân tạo nhưng thanh thản của mẹ và như vậy nó cảm tưởng như đang ở nhà. Có nghĩa đang ở nơi mà nhẽ ra nó nên ở lại, mãi mãi.

Ở một trong những bệnh xá gia đình, nằm trong một khu dân cư hiền hòa của thành phố, thậm chí nó đã từng được trải qua kỳ nghỉ của mình. Kỳ nghỉ Noel. Nó bị ngã xe đạp, ông hiểu đấy, Adèle nói với giám đốc, và dẫu sao nó đang ở một mình, cô y tá trưởng nói thêm, với cách nói "dẫu sao đang một mình" có vẻ không thể nào chia nhỏ ra được nữa mà lại nói lên tất cả. Raphael giúp dựng cây thông trong phòng khách và cùng dùng tiệc Noel với các bệnh nhân. Tất cả đồng loạt ngồi xuống, căn phòng chìm đắm trong những bài hát tiếng Anh và tiếp sau đó là giọng hát của Tino Rossi: Ông già Noel nhỏ bé. Nhiều người đã đồng loạt hát theo. Raphael không thấy buồn cười. Nó còn trẻ và "dẫu sao" vẫn còn chưa điên, nó cũng thế, nó có thể nghe câu hát khi ông từ trên trời bước xuống trần gian mà không cần phải lặp đi lặp lại.

Bữa ăn được tổ chức vào buổi trưa để các bệnh nhân đi ngủ sớm về phòng. Raphael đang ngắm nhìn tuyết giả trên cây thông Noel, tự hỏi tuyết này có tan trong hơi thở hăng hắc của những người già, thì khi đó, giám đốc bệnh viện đặt tay lên vai nó, mời nó đi theo. Họ có bệnh xá riêng, ông giám đốc nói, rồi cả hai người đi bộ trong hành lang. Ngồi ở bàn ăn, khách trọ nhìn họ ra về, có vẻ tò mò, hơi đố kỵ, thằng bé không đau ốm gì, chỉ bị thương ở chân mà có mặt ở đó là đáng nghi lắm rồi, giờ nó còn được giám đốc kéo ra riêng... Và hơn nữa, ông ta có gì quan trọng phải nói với nó thế? Adèle đưa mắt nhìn theo hai người, tim cô nhói đau khi thấy con trai rời xa cùng với một người đàn ông, chuyện này không mấy khi xảy ra, và khi mất quyền kiểm soát đối với thằng bé, khi phải chấp nhận uy quyền của giám đốc bệnh viện, tự phong là giám đốc mà chẳng hề hỏi ý kiến của cô.

Trong thời gian dài, Raphael thắc mắc về lý do ông giám đốc lại cư xử như vậy, về những gì ông ta định nói với nó. Nhưng hẳn là ông ta chẳng muốn nói với nó gì cả. Có thể nó phải thôi tin rằng mọi sự việc đều muốn nói lên cái gì đó. Có thể ông giám đốc chỉ muốn tách mình ra khỏi phòng khách, thoát khỏi không khí nặng nề toát ra từ những khách trọ đang tập trung tất cả ở đó, một số người thì quá bép xép, một số người thì quá ít lời. Có thể ông không thích Noel hoặc cũng có thể ông quá thích Noel. Cũng có thể, cuối cùng đây là điều Raphael muốn ghi nhớ, vào cái ngày đặc biệt đó, ông muốn tỏ ra mến trọng một đứa trẻ trong đám người đó, sau bao nhiêu thời gian vẫn không hề suy suyển. Ngây thơ. Có thể ông giám đốc cũng đang đi tìm sự ngây thơ đã mất đó, sự ngây thơ chưa bao giờ thấy lại dù ai đó nghĩ sao đi nữa, ở những đứa trẻ lớn tuổi là bệnh nhân của ông. Kiếm tìm. Chỉ có đang kiếm tìm.

Ngay giữa hành lang, gần cánh cửa kính đang khép hướng ra khu vườn nhỏ, ông rút từ túi áo khoác nặng nề, màu nâu một quyển sách. Một quyển sách cũ, in theo kiểu ngày xưa, quyển sách mà ông bảo tìm thấy trong phòng làm việc của mình, trơ trọi trên tủ quần áo. Ông không biết quyển sách đang làm gì ở đó, từ đâu đến, ông nói tiếp, nhưng bác tự nhủ là ít nhất năm nay, bác sẽ biết nó sẽ đi đâu. Đó là quyển sách duy nhất bác có trong phòng làm việc, ngoài sách y ra, ông nói thêm, cười khẩy, ra vẻ hơi khó chịu, và một số giấy tờ hành chính khác, cho nên bác cho cháu đó, bởi vì nó lạc lõng giống như cháu ở đây vậy, Raphael ạ. Ông nói: Raphael. Như một đứa con được nuôi trong nhà. Ừ thì hơi chán đấy, bác biết nhưng chưa bao giờ đọc cả, thế đấy. Ông giở sách ra và dừng lại ở một trang, không biết do tình cờ hay hữu ý. Emile là một đứa trẻ của thiên nhiên, được nuôi dưỡng theo các quy luật của tự nhiên... Một đứa trẻ hoang dã, ông giám đốc vừa thầm thì vừa khép cuốn sách lại rồi đưa cho Raphael. Vì ông không biết làm gì, với những câu chữ, với quyển sách và có thể với thằng bé nữa. Kể cả Raphael cũng không. Ông giám đốc mỉm cười, thế thôi.


16

Cuộc sống của Raphael quanh quẩn ở các bệnh viện. Bệnh viện đầu tiên kiểu như áp đặt nó phải phân thân. Hoặc nhân thân: Raphael không sống một cuộc đời, mà là hai cuộc đời hoặc ba cuộc đời.

Bệnh viện nằm ở phía bên kia thành phố so với khu phố của Raphael. Với kiến trúc theo kiểu bán nguyệt, hoàn toàn khép kín, mỗi khoa khám bệnh có không gian riêng như một khu phố, bị vây hãm bởi những đại lộ bao quanh, bệnh viện mang dáng dấp của một thành phố thời trung cổ. Một thành phố kết nang trong Bruxelles gần như bám sát vào vùng ngoại ô. Để đến được đó, Raphael phải đi nhiều tàu điện, những toa tàu bám vào nhau và rốt cuộc khiến cho đoàn tàu còn dài hơn cả hành trình. Thế là nó được tách ra khỏi thế giới thường nhật, chia nhỏ thủ đô ra như nó đang ngăn thời gian và thế giới ngày thường thành những ô nhỏ.

Ở khu phố của mình, trong các nhóm bạn, những người bạn mà nó đã làm quen sau đám bạn bè ở Marais, nó không bao giờ nhắc đến Adèle, bệnh viện lại càng không. Những đứa trẻ ở phố Van Aa đã thấy Adèle đi qua, bước đi đôi khi ngập ngừng, cô độc, hoặc sau này thấy cô vịn vào tay của Raphael nhưng nó ra vẻ hoặc sẽ làm ra vẻ như chưa bao giờ có chuyện ấy. Trở thành bậc thầy về khoản tránh né, nó biết cách, ngay khi những lời đầu tiên được nói ra, chuyển hướng một cuộc nói chuyện và chuyển sang những chủ đề khác mà bạn bè của nó sẽ thích ngay: bóng đá, cửa hàng thực phẩm Bồ Đào Nha ở góc phố, bà vợ của ông ta, đứa con gái, và dần dà, tình dục và thuốc phiện mà nó chỉ biết hơn tụi bạn một tí thôi nhưng lại ra vẻ đã dính rồi.

Từ con phố, nơi nó trải qua phần lớn thời gian, đối xứng với các bệnh viện, nó nắm rõ các quy tắc và biết cách lách luật một cách rất khéo léo, biết cách phá vỡ mà cứ tỉnh bơ như không. Nó sắm vai thủ lĩnh trong khi mình không phải thủ lĩnh, nó cũng chẳng phải là kẻ du đãng, chỉ bắt chước điệu bộ, cử chỉ mà thôi. Sớm muộn, nó và đám bạn gió chiều nào theo chiều ấy, sẽ đẩy sức mạnh giả tạo của mình đến mức, đêm đêm, chúng phá cửa các cửa hàng mặt đường Ixelles gần đó rồi trộm vặt một cách vụng về, đem về những đồ đạc vô bổ: cây đèn, ấm đun nước, váy người lớn. Có hôm, chúng bị cảnh sát bắt được. Ở sở cảnh sát, Raphael bị hỏi cung. Sau những câu hỏi, nó không thấy sự nghiêm nghị mà chỉ thấy sự động lòng thương hại trong ánh mắt của viên cảnh sát. Thậm chí có chút tình thương. Điều tệ hại nhất trong tất cả những điều mà nó mong đợi.

Khuya muộn, nó lên căn hộ trống vắng của mẹ. Và giờ là của bóng ma người cha. Việc mẹ nó đi, cho dù chỉ tạm thời, đã giải thoát cho nó khỏi gánh nặng mà mẹ gây ra vì sự thiếu nhất quán của mình. Những người có tay nghề lãnh đủ gánh nặng này, như họ có trách nhiệm giải mã lời nói của Adèle, theo dấu vết của một người đàn ông hẳn là chưa bao giờ tồn tại ngoài chất tinh dịch đã bắn vào trong mẹ. Thành phố Bruxelles không còn dội lại tiếng vọng cho dù đùng đục của Sainto. Tiếng vọng về sự hiện hữu hoặc sự vắng mặt mà Adèle áp đặt qua những công trình kiến trúc và trụ sở cơ quan trong nước, Raphael trả đũa. Nó chinh phục thành phố bằng những vụ chiếm đóng các khu vực công cộng: công viên hoàng gia, giữa khu làm việc của quốc vương và Nghị viện, nó leo qua hàng rào lưới sắt rồi đêm nó ở lại đó uống nước hoặc đốt lửa rồi chạy trốn, những nghĩa địa từ đó nó mang xương người về, chui xuống hố chôn tập thể qua những tấm lưới sắt rồi đinh tai nhức óc hát những bài quốc ca khi thì của người cộng sản, khi thì của bọn phát xít (nó không phân biệt cái này với cái kia, với nó sự hỗn độn mới quan trọng), hoặc vì tình yêu tổ quốc bị đảo ngược, những bài hát của Brel, mà nó đổi lời: Người Bỉ như những con lợn, càng già lại càng đểu cáng.

Ban đêm hay ban ngày, nó viết vẽ lung tung lên tường các tòa nhà công sở những câu đùa cợt, có những cử chỉ bậy bạ trước những công trình kiến trúc nổi tiếng. Rủ bạn bè đái thành vòng tròn quanh cột tòa nhà quốc hội nơi yên nghỉ một chiến sĩ vô danh, trở thành biểu tượng của cha nó, một người Bỉ mất tích. Vậy nên Norma, cô bé mà chúng thay nhau hôn lên đôi môi sứt đã được phẫu thuật, cô bé tự nhận mình là một cô gái bà mụ nặn sai và cười trước những trò chơi liều lĩnh cho đến những hành động mà đàn ông thường làm. Một buổi tối, Raphael đã bi kịch hóa cảnh tượng. Dưới ánh trăng tròn đang tỏa ánh sáng vằng vặc trên những tác phẩm điêu khắc bằng đồng tượng trưng cho những quyền tự do cơ bản của đất nước và vuốt ve cái mặt ngạo nghễ vênh cao của vị vua đầu tiên của người Bỉ và cái bờm của những con sư tử canh giữ ngôi đền, Raphael trịnh trọng rủ Norma băng qua phố Hoàng Gia, lên bãi đất chìa ra ở phía dưới thành phố. Rồi quay lưng lại với cái cột. Ở đó, đầu ngón tay được Raphael cầm một cách trịnh trọng, cô bé ngồi thụp xuống, vén váy lên, tụt quần lót xuống và đái. Choáng, tụi bạn nhất quỷ nhì ma nhìn tia nước tuôn mãi lên các tác phẩm điêu khắc bằng đá của quốc gia, chảy xuống bãi đất và hòa chung với rãnh nước bên lề phố rồi từ đó, chúng có thể hình dung, hòa chung với tất cả các rãnh nước của toàn thủ đô. Đái xong, Norma đứng dậy và tiếng cười giòn tan xâm chiếm cả không gian trong khi cả bọn ba chân bốn cẳng chạy trong các con phố trung tâm rồi trở lại trước Ixelles và những con phố bình yên của họ. Những con phố dịu dàng.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip

Tags: #deadline