Phần 23 + 24
23
Trên máy bay đi Rome, Adèle mở ra một mẩu giấy. Lâu lắm rồi cô không ghi chép, ghi chú gì. Cùng lắm là cô giữ lại những mẩu giấy xé ra từ những tờ báo, đôi khi chỉ có tên báo, những bài hướng dẫn sử dụng thuốc, những tờ gấp quảng cáo. Những mẩu giấy mà không ai, bắt đầu từ cô, biết đích hướng đến của chúng là gì. Ngôn từ. Đôi khi là những tờ ghi nhớ mà cô cũng không biết vì sao lại có. Ở đây thì cô biết. Đó là một số điện thoại.
Vào năm 1964, một nhà báo làm việc ở đài truyền hình Bỉ đã đi theo đội quân chính quy chỉ huy gồm các chỉ huy người Bỉ và lính lê dương, đội quân này đã từ trung tâm Congo đến Stanleyville để kết hợp với lính nhảy dù từ trên không nhảy xuống và chiếm đất sau khi họ rời đi. Đến thành phố, phóng viên và người quay phim đã ghi lại niềm vui của những người sống sót và sau đó là những người đã chết. Hình ảnh được chiếu đi chiếu lại nhiều lần, kể cả trên truyền hình nước ngoài. Adèle vô tình xem được ở phố Écouffes trong số: "Năm đội quân trên trang nhất". Ở nhà chị Benichou, người láng giềng. Thời đó cô chưa có ti vi. Em có vẻ bối rối nhỉ, chị láng giềng nói, khi trên màn ảnh nhỏ xuất hiện người và mặt của Pierre Desgraupes, thông báo chương trình về các sự kiện xảy ra ở Stanleyville. Adèle đứng xem những thước phim đó cho đến hết. Ở Bỉ, nhiều lần, cô đã tìm cách gặp nhà báo làm việc cho đài truyền hình Bỉ đó. Mỗi lần như vậy, qua điện thoại, anh ta không chịu. Thưa chị, chị thông cảm cho, nếu giả sử như tôi mà gặp tất cả những người đàn ông và phụ nữ đã chịu nhiều đau khổ ở Stanleyville hoặc đã chết ở đó, tôi sẽ không bao giờ làm chương trình đó nữa.
Lần cuối cùng, dù sao anh ta cũng đã ba hoa hơn. Anh ta chuyển sang làm chính trị. Vì cứ phỏng vấn các nhân vật trong đó, anh ta những muốn đi qua gương. Có phải vì cái cách làm vừa lòng người khác vốn không phải yêu cầu của nghề làm báo, anh ta đã chiều lòng Adèle, chấp nhận trả lời các câu hỏi của cô. Tôi không nghĩ là chúng tôi có những gì chị đang tìm. Những gì cơ bản nhất đã được lên phim. Còn lại, chị biết đó, việc quản lý tài liệu lưu trữ ở đài truyền hình không phải như chị nghĩ đâu. Mèo cũng chẳng dám bén mảng đến đó... Gì cơ? Tôi đã gặp... chồng chị... gì của chị đấy nhỉ, chưa ư? Chết? Sống? Ở đài phát thanh địa phương? Nhưng mà đài phát thanh nào mới được. Ít người da trắng cộng tác với những người nổi dậy lắm. Đúng là có một số người có cảm tình. Những người mác-xít, những người ủng hộ thế giới thứ ba... À những người đó thì tôi biết! Và rồi cả những nhân vật hơi ám muội nữa, những thủy thủ đi qua những vùng nước đục từ nước này sang nước khác, từ chủng tộc này sang chủng tộc khác, từ văn hóa này sang văn hóa khác, từ tổ quốc của họ đến kẻ thù của đất nước họ. Những kẻ phản quốc ư? Họ có bao giờ nói thế đâu, họ cứ nghĩ là đang phụng sự một lý tưởng ở ngoài biên giới nước mình. Nhưng đó là việc đi qua những đường ranh giới mà họ quan tâm, sự mập mờ giữa các căn cước, giữa thế giới này và thế giới khác. Tôi nhớ một người đàn ông, một người Pháp, anh ấy là tùy viên báo chí của Thủ tướng Lumumba, anh đã từng chiến đấu ở Algerie, đổi tên nhiều lần, bỏ mặc gia đình của mình ở Pháp, trong đó có cô con gái giờ chắc chắn đang đi tìm dấu vết của cha mình... Và có thể ... gì đó của chị... và người Pháp này chỉ là một. Ai mà biết được? Chúng ta cứ nghĩ mình độc nhất vô nhị. Thực ra chúng ta chỉ là những bóng người có thể đổi cho nhau.
Adèle im lặng, để cho con sóng ngôn từ đó nhấn chìm mình. Cô cảm tưởng mặt đất đang lún thụt hơn nữa dưới chân mình, đánh mất tất cả mọi phương hướng.
Chị vẫn ở bên máy chứ? Bỗng cựu nhà báo tỏ ra lo lắng qua điện thoại. Nghĩ thương cô, anh ta nói thêm: Đừng ngắt máy, tôi quay lại. Đến lượt anh ta để cho hy vọng dâng lên giữa hai người. Rồi anh ta tiếp tục nói chuyện qua điện thoại. Tôi cho chị số điện thoại này. Ở Roma. Chị có thể tìm được gì đó. Những kẻ bất nhẫn thật sự. Thời đó, chúng tôi đã gặp nhau một đôi lần. Trong đống xương xẩu thì chị có cơ may...
Adèle ghi số nhà sản xuất, trường quay hay các nhà làm phim gì đó. Cô không nhớ nữa. Ở Dinh thự, cô bấm số và gặp một người tên là Jacopetti. Đó là mẩu giấy có số điện thoại mà cô đang cầm trong tay trên máy bay.
24
Nhà làm phim người Ý đã hẹn gặp cô ở quán Veneto. Ngoài hiên, trên vỉa hè. Nơi các ngôi sao điện ảnh gặp nhau, khi vinh quang không còn nữa. Nói chuyện với cô bằng một thứ tiếng Pháp rất trôi chảy, anh ta luôn giơ tay, oang oang chào những người mà cô không thể thấy.
À phải rồi, Stanleyville! Khủng khiếp quá! Quá khủng khiếp, tôi nói với chị. Lão phóng viên người Bỉ đã cho chị địa chỉ của tôi à. Mà lão tên gì ấy nhỉ... Hai tên kia... Marc... À nhớ rồi, Marc Alexandre! Cùng tên với một người hát huê tình người Bỉ, chị biết không? Có bữa chúng tôi tham gia liên hoan truyền hình, một người phụ nữ đến xin lão chữ ký. Anh hát hay quá, chị ta nói với lão, nhưng trước đây tôi thấy anh cao hơn, khỏe hơn mà. Ha ha!
Jacopetti ưỡn người ra sau, cười ngả ngớn trên chiếc ghế bành bằng kim loại có đệm xanh trắng dày cộm.
Địa chỉ, số điện thoại của anh và của Franco Prosperi, Adèle sửa lại.
Ờ đúng, đúng, của... Franco nữa. Franco! Chị sẽ gặp hắn thôi: một người tử tế. Hiền lành lắm. Chị biết hắn đã học gì không? Động vật học và thần học. Đúng thế, cả hai. Cả Thomas d'Aquin lẫn François d'Assise. Hắn có thấy chân của Chúa trời ở động vật không nhỉ? Còn chân của quỷ dữ ở con người? Khi hạ cánh xuống Dar es-Salaam, khi từ máy bay xuống, chị biết thằng ngốc này đã làm gì không? Hắn quỳ xuống và hôn lên đất. Hắn tự cho mình là giáo hoàng, questo stronzo! Một vị giáo hoàng đánh hơi những con thú đi qua. Ở đâu hắn cũng đi tìm động vật. Hắn dò khắp tràng cỏ để tìm tê giác, cương cứng khi thấy một con voi, rối rít khi thấy một con kudu nhảy.
Tôi thì quan tâm đến người hơn.
Anh ta cầm gói thuốc trên bàn lên, rút mội điếu thuốc, châm lửa và uống li của mình, một li dài mà Adèle nghĩ đó là rượu gin.
Hay là phụ nữ... hắn thích sự ngây thơ, tôi thì thích tội đồ. Người ta bảo chúng tôi bù cho nhau, cuối cùng thì tôi cũng tin. Tin rằng chúng tôi là hai mặt của nhân loại. Hoặc hai thiên thần trên trần gian. Người tốt và kẻ xấu. Người chưa và kẻ đã bị phế truất.
Một anh bạn trẻ đi qua bên cạnh, Jacopetti bắt tay anh ta rồi và vẫn tiếp tục nói.
Ngây thơ và tội lỗi... Thiên đường và địa ngục... Vì thế mà người ta sang Châu Phi. Để tìm lại Eden đã mất hoặc đằm mình trong bùn nhơ. Hoặc cả hai.
Anh ta dừng nói. Và bỗng lẫn lộn tiếng Ý và tiếng Pháp, giữa xưng hô thân mật và xưng hô trịnh trọng.
Tại sao... Chị đến làm gì ở đó? Đâu? Non ti ho neanche chiesto... [1]
Note [1] Tiếng Ý: Tôi thâm chí không hỏi cô
Bỗng dường như anh ta có thoáng thấy Adèle.
Ở nhỉ, người yêu của chị... Phải không? Ở lại đó? Một số người không muốn về nữa... Còn em, Adèle, em đã làm gì trong quãng đời còn lại? Không phải một mình chứ? Signorina o Signora?
Trong ánh mắt của người đàn ông trước mặt, Adèle nhận ra những mật mã quyến rũ mà đã từ lâu cô không còn biết đến. Sau Sainto, những mối liên hệ yêu đương hay tình dục đã bị giảm thiểu gần như không còn gì. Cô có gặp gỡ trong các quán cà phê với những người đàn ông, cuối cùng họ cũng thuyết phục cô chấp nhận lời mời, và trên giường, trải nghiệm đã kết thúc bằng một sự thất bại. Cô đi ra với niềm tin là mình sẽ không đi đâu khi chưa tìm ra Sainto. Chưa tìm lại tức là chưa tìm được. Nói cách khác, đó là công dã tràng. Con đường cô đi dừng lại ở Stanleyville, một ngõ cụt và mặt trái của nó, Bruxelles.
Trong các trạm xá, những lân la tình cảm lại theo kiểu khác. Kiểu một sự ra đụng vào chạm khiên cưỡng và đồng thời cũng theo kiểu tình cảm anh em như thường thấy trong các ký túc, nhà tù, thậm chí tu viện. Đôi khi bệnh nhân biết nhau quá rõ: sự bùng nổ thế giới riêng tư của họ, kể cả sự riêng tư về xác thịt – dưới những lớp quần pyjama hay váy ngủ mà một số người không bao giờ chịu cởi ra -, đẩy người ta đến chỗ thân thiết với nhau, chia sẻ với nhau, một số người nghĩ vậy. Chỉ có sự kìm nén, cấm đoán của mỗi người cản trở tình cảm thân thiết này. Và ở một số người cảm giác về một sự loạn luân. Qua những cánh cửa khép hờ, Adèle từng chứng kiến các bệnh nhân nội trú vuốt ve nhau hoặc háo hức ôm chầm lấy nhau, rồi xấu hổ và ra vẻ ở ngoài không biết nhau. Những người khác thì hét lên để không cho người ta sờ mó.
Dẫu vậy, cô đã có lần, vào một trong những đợt nằm viện cuối cùng, trao đổi ánh mắt động lòng, đồng cảm với một bệnh nhân. Nhưng điều này chưa bao giờ vượt quá một cú bắt tay thật chặt hoặc một hơi thở thật gần trên mặt ở cửa phòng người này hoặc người kia. Raphael thỉnh thoảng có thoáng thấy những cử chỉ lén lút đó và mong có nhiều hơn thế nữa. Nhưng đã quá muộn rồi, dường như Adèle nghĩ vậy. Quá muộn. Tất cả đã chóng trở nên quá muộn đối với cô.
Em sẽ không trả lời anh, anh thấy thế, nhà làm phim cắt ngang. Mà chị ở đây đâu phải vì việc này, tôi hiểu.
Anh ta đứng dậy, nhặt gói thuốc rồi quay về phía người đàn ông đi ngang qua, anh ta có vẻ quen người này.
Mày hiểu địa chỉ chưa? A doman [2]
Note [2] Tiếng Ý: Mai gặp lại!
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip