3. Chuyện anh nhà thơ té rừng

"Á á á— trời mẹ ơi, cái giò tui!!!"

Tiếng la thất thanh phá vỡ bầu không khí ủ dột của sáng sớm, hại mấy người đi gần đó giật thót. Một con chim đang đậu gần đó cũng phật cánh bay vụt đi, để lại cành cây rung rinh trong gió. Bảo Trung, người đang gần cuối đoàn, quay đầu lại thì thấy chàng nhà thơ lắm chuyện nhà mình bị trượt chân, chới với như cây chuối bị gió thổi, suýt nữa thì bổ nhào vô cái mương nhỏ đầy bùn.

May mà ảnh còn kịp bám được vào một gốc cây mé đường, dù cú hụt chân cũng đủ làm toàn thân anh lấm lem như bò lăn ruộng.

Trung sải những bước dài tới, một phát một kéo anh ta lên khỏi mớ bầy hầy. Nhưng cái tánh hay bắt bẻ thì vẫn không bỏ được, cậu lắc đầu, chép môi,

"Thi sĩ đi đứng kiểu gì đây? Hồn bỏ lửng lơ ở trển rồi hả?"

"Ai mà biết dưới lớp lá nó có cái lỗ đâu!"

Duy liên tục phân bua, vừa phủi bùn vừa khập khiễng đi tiếp, anh chàng thậm chí còn ráng nhe răng cười toe toét cho cậu khỏi lo. Nhưng sao mà Trung không lo cho được khi mỗi lần nhích bước, anh lại khẽ nhăn mặt, mím môi trông chừng đau đớn lắm.

Cậu thở dài rồi huých vai anh một cái,

"Trật chân rồi chứ gì."

"Nhẹ à, hổng sao đâu."

Hổng sao cái đầu anh, hổng sao đã vầy còn có sao cỡ nào. Trung liếc xuống cái chân lê lết rồi lại ngó lên cặp lông mày cứ chốc chốc lại hôn nhau của ai kia, lắc đầu rủa thầm trong bụng. Không thèm cãi lộn với anh, cậu chỉ lẳng lặng gỡ ba lô trên vai xuống, phủi phủi cái lưng mình mà hắng giọng:

"Sao? Cõng hông?"

"Chu choa mạ ơi... Minh tính cõng tui thiệt á hả?"

Nhà thơ ôm mặt mừng húm, mắt long lanh như muốn khóc. Chắc cũng hơn hai chục năm anh chưa được ai bế bồng kiểu này. Tự nhiên, ảnh thấy lòng mình mềm nhũn như xôi nếp để lâu..

"Lẹ lẹ nè. Anh cà nhắc riết rồi lùi đoàn sao. Lát có bị bỏ lại tôi khỏi cứu nữa à."

Biết nhà thơ chuẩn bị mơ mộng, cậu chàng liền giả vờ xẵng giọng cắt ngang, nhịn cười khi Duy hớt hải chạy đến rồi lóng ngóng leo lên lưng mình. Chàng vòng tay qua cổ cậu hơi lỏng lẻo, còn Trung thì đỡ dưới đùi chàng chắc chắn, thủng thỉnh bước đi như thể đó là chuyện thường ngày ở huyện.

Bình minh lúc bấy giờ đã trườn lên khỏi đỉnh đèo. Ánh nắng sớm xuyên qua từng lớp lá dày, chiếu rọi mờ mờ lên mặt đất ẩm và trơn như bôi mỡ. Rừng hăng hăng bùn đất và cỏ dại, lẫn đâu đó cái mùi khét lẹt còn sót lại từ vụ cháy tàu.

Trên đầu là dây leo chằng chịt; dưới chân là mấy cái rễ cây chồi lên khỏi mặt đất như bẫy thú, có gã phóng viên cần mẫn đỡ chàng nhà thơ, từng bước một vượt suối lội sông. Để chàng thấy tim mình có đôi lúc lỗi nhịp, lỡ đập sai tiết tấu một chút. Chàng hết tự nhủ là do mình nhọc thôi, rồi lại quay sang đổ lỗi tại cái gáy của người phía trước - tại nó ấm quá, khiến chàng chỉ muốn vùi vào đó, ngủ một giấc thật dài.

Chàng nhà thơ nào biết, giữa cái hanh khô của đất trời, gã phóng viên kia thi thoảng lại nở một nụ cười mỉm, cánh tay giữ chặt hơn, vì cậu nhận ra giữa những vội vã và khốc liệt, vẫn còn có ai đó cần thêm chút dịu dàng.

Rồi chẳng biết từ lúc nào, Trung nghe tiếng ngáy nhè nhẹ vang lên từ phía sau, và cậu bước tiếp, lặng lẽ mang cả một giấc ngủ bình yên trên lưng.



Chuyện Duy thức dậy là mấy tiếng đồng hồ sau, khi mặt trời đã đứng bóng. Anh he hé mắt, cảm nhận cái nắng chói chang tưới đằm mặt, cả cái lưng người đang cõng mình ướt sũng. Áo lính dày vậy mà giờ đây đẫm nước, lớp vải thô sậm màu ôm lấy tấm lưng rắn rỏi, lộ rõ từng chuyển động của cơ bắp đang căng ra giữ thăng bằng giữa con đường trơn trượt.

Và Duy còn ngạc nhiên hơn nữa khi phát hiện... dù đang mang vác quả tạ là anh suốt đoạn đường dài, người đó vẫn đang miệt mài tác nghiệp. Cái cách cậu chậm rãi nâng tay, cách cậu cẩn trọng lia ống kính... Ôi những chuyển động ấy mới khẽ khàng làm sao, dường như cậu sợ chỉ cần một cử động mạnh của mình thôi cũng đủ đánh thức kẻ đang ngủ quên sau lưng mình.

Duy ngơ ngẩn, nhìn theo ca-mê-ra Trung hướng về hai đứa trẻ nắm tay nhau, nhảy qua nhảy lại một cái mương nhỏ. Áo quần chúng lấm lem, tóc tai chúng rối bù nhưng nụ cười lại rạng rỡ, như thể cái tình cảnh khốn khó này chẳng liên can gì tới chúng vậy. Cách đó không xa, một cặp vợ chồng hình như là ba mẹ tụi nhỏ, họ ngồi nghỉ dưới gốc cây, ánh mắt trìu mến dõi theo con mình.

Giữa rừng già gió nóng, giữa lúc vừa mới thoát nạn chưa lâu, Duy bỗng nghe tim mình trật nhịp lần thứ mấy chẳng hay. Anh thấy lòng mình chùng xuống, qua cái cách Trung nhẹ nghiêng người, nâng máy, lặng lẽ bắt lấy những khoảnh khắc hồn nhiên thơ trẻ. Có lẽ cũng như anh, cậu đang cố giữ lại chút đẹp đẽ hiếm hoi giữa cái thời cuộc ngặt nghèo thế này.

Tiếng xoẹt bất chợt vang lên làm Duy tỉnh hẳn, hình như có ai đó đang xé mấy bao lương khô.

Mùi đậu xanh rang và mè đen thơm lừng xộc vào khứu giác Duy, kéo anh ra khỏi mấy mơ màng vẩn vơ. Anh nhà thơ vừa cựa mình vươn vai, cậu phóng viên đã liền quay đầu lại. Cậu buông máy ảnh cho lủng lẳng nơi cổ, lấy tay xốc nhẹ người mình đang đỡ, sốt sắng hỏi han:

"Duy dậy rồi đó hả? Chân anh sao rồi?"

"Phẻ re hà. Thanh kìu veri mớt... for carrying mi nãy giờ."

Trượt cái bịch khỏi lưng người ta, Duy lắc lắc lắc cái cổ chân còn hơi nhói lên của mình, nở một nụ cười trấn an.

"Vậy ngon rồi." Trung gật gù, khóe môi hơi nhếch lên. "Biết là mắt nhà thơ hay bay bổng nhưng mốt đừng có để dưới chân nữa nhen."

"Ơ.."

Duy mím môi á khẩu, tạm thời chưa biết đáp trả Trung ra sao. Cũng tại trước khi té nhào, anh thừa nhận là mình đang bận hát thi với đám chim chóc ồn ào mà dễ thương đó thiệt chớ hông có nhìn đường.

Trung thấy vậy thì phì cười, gỡ quê cho đằng ấy bằng cách quỳ xuống, cởi cái cặp to tổ bố đang vắt chéo vai ra, đặt phịch xuống đất. Tỉnh bơ như không có gì, cậu nói sang sảng,

"Thôi, giờ ăn trưa cho tỉnh đã rồi tính gì tính."

"Ờ ờ.."

Duy thở phào ngồi xuống kế bên, giở nón ra phe phẩy quạt mồ hôi. Mở chiếc cặp bị bụi đường phủ lên thành một màu nâu xám nham nhở, Bảo Trung lúi húi lục lọi đống đồ bên trong một lúc rồi hỏi với ra đằng sau.

"Tôi có đem theo miếng lương khô với mứt gừng à. Túi anh có gì ăn được không?"

"Có chớ. Hồi qua tui có mua mấy nắm cơm với khoai mì-"

Duy đang với tay lấy cái túi đeo chéo của mình thì chợt khựng lại. Tầm mắt anh rớt xuống cái tà vạt trắng nhách của áo mình lem nhem một vệt đỏ. Không chỉ vậy, cả ống quần bên trái của anh từ lúc nào cũng đã lây cả thứ màu đã chuyển sang nâu sẫm.

Mắt Duy chớp lia chớp lịa, tim thì đập mạnh đến mức muốn bay khỏi lồng ngực.

"Ủa... Máu ai đây?"

Tay anh run run vạch coi cổ chân, rồi đầu gối, rồi sờ khắp bụng ngực mình, tìm hoài mà chẳng thấy dấu tích. Cổ chân hơi nhức thôi chớ ngoài vết sưng ra có gì đâu. Vậy máu này từ đâu...

Duy nín thở, chầm chậm ngồi dậy.

Anh đoán không sai.

Ánh mắt anh nhà thơ dừng lại một đỗi lâu, nơi vết thấm đỏ nhòe đều một bên hông áo Trung, người vẫn đang loay hoay gỡ nắp hộp lương khô. Chỗ vải đó bị rách nhẹ, máu thấm loang thành một mảng màu nâu bầm, loang lổ từng lớp như tranh thuỷ mặc dở dang.

"Minh."

Giọng anh trầm hẳn đi, nhỏ đến mức tan vào hư không.

"Hửm?"

"Máu này... của cậu đó hả?"

Trung giật mình ngẩng đầu lên, chạy theo ánh nhìn anh rưng rưng rồi à một tiếng như mới sực nhớ ra. Cậu quệt cái trán mượt mồ hôi của mình cười hì hì, cái kiểu cười lấp liếm nghe mà gai cả lòng.

"À, cái này hả? Hồi sáng chắc bị mảnh đâu đó găm vô lúc tàu nổ á. Lúc đầu không thấy đau nên tưởng không sao... Đi được mấy bước tự nhiên thấy nhói mới nhớ ra."

"...."

"Xong lúc đó tự nhiên anh té cái bịch, đỡ anh một hồi tôi cũng quên luôn."

Móng ghim chặt vào lòng bàn tay đang cuộn tròn thành nắm đấm, Duy vẫn chưa thể rời mắt khỏi cái vết loang. Anh thừa biết cậu không quên như lời xuề xòa đó, thừa biết cậu đã phải cắn răng chịu đựng cơn đau này thế nào, nén đau đặng bồng bế anh ra sao.

Chỉ là cậu nín. Cắn răng mà nín.

Và nín tới giờ.

Cảm giác tức giận xen lẫn tội lỗi, xót xa ứa nghẹn cuống họng, chàng nhà thơ không kìm nổi nữa mà quát,

"Nói quên là quên nghe giỡn chơi quá à! Cái bụng vầy mà dám cõng tui nguyên buổi sáng hả?! Muốn mất máu mà chết luôn phải hông?!"

Giọng anh to hơn dự tính. Lời thốt ra không giữ lại được, Duy hơi lùi lại, có chút hối hận vì đã lỡ lớn tiếng với Trung. Người ta đã mệt lắm rồi mà anh còn ở đây khơi chuyện, còn la, còn trách cứ nữa.

Cơ mà..

"Khỏi lo. Tôi làm gì yếu tới mức đó. Mà anh cũng có nặng lắm đâu. Thơ văn nhiều chứ thịt thà không bao nhiêu hết."

Duy lặng người đi. Anh cứ tưởng Trung không nổi đóa lên thì cũng cộc cằn đáp lại, tệ nhất là đá anh đi luôn cho đỡ phiền, ai dè cậu lại quay đầu mỉm cười nhẹ tênh, cặp mắt nghênh ngang, khinh khỉnh (hoặc là anh tưởng vậy) ngày đầu hóa hiền khô.

"Thôi mấy người im đi, tui hổng có tin đâu. Để tui coi vết thương đã!"

Người gì đâu mà tánh kỳ, dầu sôi lửa bỏng mà cứ khoái đùa. Thanh Duy gắt lên, quỳ thụp xuống chỗ Bảo Trung. Bàn tay còn hơi run run kéo lớp áo dày cộm sang bên để xem kỹ. Mấy miếng vụn găm lỗ chỗ trên nước da ngăm ngăm. Vạt áo rách dính máu dính sát vô da bụng, kéo ra một phát là máu khô bung theo. Xem tới đâu Duy xanh mặt tới đó, còn Trung chỉ hơi nhíu mày, răng cắn nhẹ vô môi dưới để kiềm cơn rát.

"Cậu bị miểng cắt rứa là sâu đó, trời ơi... Minh, trời đất... Sao cậu không nói gì hết vậy!"

Trung nhún vai, môi mím thành nụ cười nhợt nhạt, tay chống ngược về sau cho Duy dễ xử lý. Để ảnh quýnh quáng lục túi xách, lôi ra một cái khăn tay bằng vải lụa có mấy bông hồng nhạt in ngầm, còn thơm thoang thoảng mùi xà phòng. Dường như đó là món đồ duy nhất có vẻ sạch sẽ trong cái túi đã ngả sang màu cháo lòng.

"Tui băng cho cậu nghen... Đợi chút... cái khăn này mới giặt, chắc còn sạch... chắc dùng được ha..."

"Răng cũng được. Được nhà thơ chăm sóc không phải bằng câu chữ coi bộ cũng không tồi."

"Im miệng đi cho tui mần!"

Mặt mày đỏ gay, Duy nói cứ như là hét. Cái khăn được xếp chéo một cách méo mó, rồi cột ngang hông Trung, lòi ra một bên đuôi có khác nào cái nơ con gái cột tóc đâu. "Y tá" thì cứ quấn tới quấn lui, vụng về là rõ nên loay hoay mãi, còn "bệnh nhân" thì bụm miệng, thi thoảng bật nên mấy tiếng khúc khích rung cả người.

"Anh y tá đang băng tôi hay anh đang thắt bím cho tôi vậy kìa."

Duy nghiến răng, nghiến lợi:

"Ừa thì tôi hổng có giỏi giang gì... nhưng ít ra tôi biết lo cho người ta!"

Nói xong mới thấy sai sai, ảnh liền quay mặt đi, giả vờ tìm gì trong ba lô. Đầu óc đến là trống rỗng, câu chữ cũng rớt đâu hết mất tiêu. Nên giờ mà có ai bắt anh phổ thơ trong tình cảnh này, chắc anh thà chết cho xong.

Vết thương đó rõ ràng không phải nằm trên da mình, mà sao Duy thấy đau thắt trong ngực quá chừng.. Tim cũng đập mạnh bất thường, hừ, anh mới là người cần được thăm khám chớ không phải Trung đâu!



📷

Trời sập tối chỉ trong một cái chớp mắt.

Sau một ngày băng rừng lội suối rã rời, cả đoàn dừng chân ở một khoảnh đất bằng giữa rừng. Họ dùng mấy tấm bạt rách căng tạm vào thân cây, lót rơm khô dưới đất mà thành chỗ nghỉ.

Ở một góc lán tạm, đứa bé vài tháng tuổi cuối cùng cũng chịu yên giấc sau cả tiếng quấy khóc làm náo loạn cả trảng cỏ, giờ chỉ còn tiếng thở khò khè đều đều vọng ra từ cái chăn rách phủ tạm.

Cách đó không xa, người đàn bà mất con vẫn đang ghì chặt ghì chặt chiếc áo bạc màu còn vương mùi khói thuốc của người con đã ra đi trong vụ nổ tàu, tiếng khóc rấm rứt như dao cứa vào lòng người đêm buốt sầu.

Từ lúc chiều, Trung và Duy đã quen được Văn Huy. Nhỏ hơn Trung năm tuổi mà nhiệt tình, xông xáo nhất đoàn. Từ gánh nước, bổ củi, săn sóc cụ già em nhỏ, việc gì nó cũng giành làm, vậy mà không có lấy một tiếng than, cả ngày chỉ thấy nó hết nói cười lại ca hát.

Huy kể nó từng làm văn thư ở đâu đó tận miền ngược, công việc nhàm chán quá nên bỏ đi lang bạt. Huy yêu thiên nhiên, âm nhạc, yêu tự do hòa bình (và suốt ngày cứ đòi địa con Leica của Trung).

Cái vẻ hoạt bát và cái đầu tưởng vô lo ấy hóa ra lại hợp cạ với Duy một cách kỳ lạ. Duy Huy chúng mình có nhau, nó đã thích thú nói thế. Hai đứa mới quen buổi chiều mà đã ríu rít như thân trăm năm – từ chuyện chiến sự, thơ ca, đến nhạc chiến chinh hay bolero mùi mẫn, đề tài gì cũng có thể lôi ra bàn. Làm Trung thiếu điều muốn dựng nguyên bàn cờ với chén trà giữa rừng cho hai đứa đàm đạo cho xong.

Tối đến, ba người được phân phiên trực đêm. Nhưng tới gần khuya, Huy đã được cho lui về nghỉ sớm. Phần vì để nó hồi sức sau một ngày vất vả, phần vì... dù không ai bảo ai, Trung và Duy đều muốn có được một khoảng riêng tư với nhau.

Gió đêm rít nhè nhẹ qua mấy tán cây, lùa cái lạnh ẩm ướt vào tận xương, khác hẳn với cái nóng rệu rã của ban ngày. Hai người đối diện nhau, mỗi đứa ngồi trên một khúc gỗ sần sùi. Ở giữa là ngọn lửa bập bùng như chơi trò ú tim, lúc sáng lúc mờ.

Duy mãi hí hoáy với tập thơ của mình, còn Trung chỉ trầm ngâm ngẩng đầu nhìn trăng tỏ vằng vặc trên cao, trên môi là điếu thuốc gần tàn. Từ lúc dứt áo ra đi khỏi nơi gọi là nhà, thú thật rất ít bữa cậu thấy lòng mình an ổn. Ngày nào ngày nấy đều phải đối mặt đủ thứ chuyện, không đạn bom pháo nổ thì cũng là đau ốm, lọc lừa. Không phải mình thì cũng là đồng bào mình ngoài kia.

Nhưng hôm nay thì khác.

Dù là chuyến tàu xuôi về Nam bị đột kích ngay trong buổi sớm, dù sau đó phải bỏ vào rừng tìm hướng đi khác, thậm chí còn phát hiện mình bị thương, nhưng Trung lại thấy vui vẻ đến lạ.

Chắc vì cậu có thêm người bạn đồng hành là chàng nhà thơ nào đó.

Con đường dài, gập ghềnh, bỗng hóa dễ đi hơn, khi bên tai là những chuyện tủn mủn, mấy câu hò anh ngân ngọt còn hơn mía lùi. Và mỗi lúc nghe anh cất tiếng cười thơ trẻ, mọi muộn phiền trong cậu dường như bay đi đâu mất.

"Cảm ơn anh." / "Cảm ơn cậu."

"Ủa?!"

Trung vừa đạp tàn thuốc dưới chân mình, cất lời thì thấy Duy cũng đã dọn dẹp mấy xấp bản thảo của mình từ bao giờ. Nhìn thẳng vào mắt nhau, cả hai không hẹn mà bật cười, Trung hất cằm, cố giấu đi vẻ ngượng ngùng cố hữu trên gương mặt điển trai.

"Cảm ơn gì cảm ơn quài. Chưa ngán hả."

"Chứ cậu mới vừa nói gì?" – Duy nheo mắt, hỏi vặn.

"...Tôi nói 'cảm động' mà."

"Phải hông đó?"

Duy nhất quyết dí người ta tới cùng, còn Trung thì im lặng một chút rồi đáp. Một câu ngắn thôi, mà nhẹ như gió thổi qua lửa trại.

"Thật mà. Tôi muốn nói cảm ơn anh."

Duy bất giác ngẩng đầu lên. Nghe tiếng Trung sao mà dịu dàng quá.

"Vì cái gì?"

Hỏi vu vơ vầy chứ Duy làm sao mà hổng biết cho được. Anh cũng đang muốn cảm ơn Trung, nhiều thiệt nhiều. Anh biết ơn cậu gần chết.

Tay nhà thơ tì lên khúc gỗ cũ, hai chân bối rối đung đưa, giữa cái tịch mịch của đêm rừng, nghe lời cậu tỉ tê như tiếng ru êm.

"Vì đã làm cho con đường này... không còn chỉ hai màu đen trắng như mấy tấm ảnh tôi chụp. Vì đã nói, đã cười. Ờ, còn hát nữa.

Vậy là đủ rồi."

Kết thúc một ngày mỏi mệt bên đống lửa, Duy cứ tưởng lòng mình đã yên. Ai ngờ càng khuya nó lại càng rối bời đến kỳ lạ. Duy chu môi, không Trung ăn phải cái gì mà đâm ra sến chảy nước vậy nè? Đó là còn chưa kể tới ánh mắt cậu tha thiết trao anh giữa ánh lửa bập bùng nữa.

Lúng túng chàng nhà thơ quay mặt đi, miệng lầm bầm gì đó nghe không rõ. Mà trái tim anh rõ ràng hay: nó đang đánh trống ngực ầm ầm như cái chợ trời.

Chắc hẳn đêm nay sẽ còn dài lắm.


đáng lẽ là tui còn cho hai ảnh nói nữa mà chắc để qua chap sau quó, tại writer-block ngang hiuhiu, với sợ viết dài mí bồ ngán
slow-burn z hong biết chừng nào mới hun nữa =)))

p/s: chap sau di thựn lên sàn ùi hehehe

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip