Chap 1-3
1. Hà Nội, một ngày của sau này!
Mưa lại rơi. Mưa buồn và lạnh lẽo xối xuống lòng đường. Hà Nội đêm mưa vẫn chẳng có gì đổi khác so với bình thường, vẫn ồn ào huyên náo, vẫn rực rỡ lung linh. Người ta thì vẫn tất tả ngược xuôi vì mưu sinh cuộc sống, chẳng ai có ý định dừng lại, chẳng ai thở dài trước gió rét ngày mưa. Họ mải miết lao đi và không quay đầu lại. Không biết rằng sau lưng, có những cuộc đời, mãi mãi, phải ở lại phía sau!
Tôi khoác ba lô ra trạm xe bus, lòng suy nghĩ ngổn ngang, suy tư chắp vá. Xung quanh tôi thật tĩnh lặng, cái tĩnh lặng rợn ngợp đến đáng sợ. Đã từ rất lâu rồi tôi luôn sợ hãi khi phải ở một mình, khi xung quanh không một tiếng nói, khi không phải đáp lời ai và không một chuyện gì để suy nghĩ. Tôi sẽ lại nghĩ về em, người con gái có đôi môi mọng đỏ. Hình ảnh ấy tạo thành ám ảnh dị thường không sao tẩy xóa. Ngay cả khi tôi nhắm mắt, tôi cố quên đi, tôi chối bỏ hiện thực tàn nhẫn đến phũ phàng...Em sẽ hiện ra, mỉm cười nhìn tôi bằng đôi mắt to tròn thơ ngây ngày ấy. Còn tôi, tôi không thể nhìn em, bởi trong tôi chỉ còn tồn tại bóng tối.
Tôi cắm tai nghe, cố xua đi sự trống trải hiện tại. Bỗng tôi chợt nhận ra đứng cạnh mình trong lán chờ bus là một cô gái. Cô gái có vóc dáng nhỏ bé, mái tóc dài màu hạt dẻ xõa xuống ngang vai, gương mặt trầm tư như đang suy nghĩ. Và rồi cô ấy quay lại nhìn tôi và mỉm cười, nụ cười của một đôi môi mọng đỏ...
2. Thời tiết đang nóng đến đỉnh điểm, hơi nóng bao trùm thành phố từ sáng sớm đến tận tối khuya. Ai cũng uể oải và mệt mỏi, cũng than thở vì muốn được nghỉ ngơi. Riêng tôi thì không như vậy, tôi bận rộn và tôi không thể dừng lại. Là sinh viên năm 2 trường kinh tế, ngoài việc quay cuồng với những con số cùng bài vở ngổn ngang, tôi còn chạy show để làm thêm nhiều việc. Từ phục vụ đến dạy thêm, việc gì ra tiền là tôi nhận. Bởi ngoài việc lo cho một mình tôi, còn có những gánh nặng khác trên vai, tự mình tôi gồng gánh. Trong số tất cả những công việc của mình, tôi cảm thấy việc dạy kèm là tốn nhiều công sức nhất. Tôi luôn muốn có trách nhiệm hết sức đối với những việc mình làm. Mùa hè đến, học trò của tôi cũng sắp thi đại học. Tôi làm gia sư cho em tính đến nay cũng đã gần một năm. Em là một cô bé dễ thương, xinh xắn, hơn nữa lại ngoan ngoãn hiền lành. Chỉ mỗi tội dạy cho em tôi phải hết sức kiên nhẫn vì cô bé tiếp thu hơi chậm, nhiều khi rất lơ đãng. Cô bé ấy có thói quen cắn nhẹ môi dưới những lúc làm bài. Những lúc như thế tôi lại để ý đôi môi ấy, một đôi môi mọng đỏ. Không giống như màu son nước mà các cô gái ra đường vẫn sử dụng, môi em là màu đỏ đều và tươi, trông giống như tự nhiên vốn có. Gia đình cô bé rất khá giả, đủ sức thuê gia sư riêng 5 môn một cách dễ dàng. Tôi là gia sư dạy hóa, khác với mọi người, một tuần tôi dạy kèm 2 buổi bởi cô bé kém môn này nhất.
Như mọi khi 6h30 ăn cơm xong, tôi đến nhà cô bé. Hôm nay bác chủ nhà ra tiếp tôi. Tôi thấy lạ vì bác ấy, bố cô bé, rất ít khi ở nhà. Thấy tôi, bác ấy vồn vã bắt tay, trông bồn chồn và khó xử.
"Chào thầy, rất vui hôm nay được gặp thầy."
Tôi hơi bối rối bởi cách xưng hô này nên mở lời nói với bác:
"Dạ đã lâu như vậy rồi bác cứ gọi cháu bằng tên thôi ạ."
"Thầy cứ để tôi gọi như vậy cho thoải mái. Mời thầy ngồi."
Tôi không hiểu gì nhưng cũng gật đầu ngồi xuống. Bác chủ nhà rót nước mời tôi mà tay cứ run lẩy bẩy. Tôi thấy lo lắng.
"Có chuyện gì vậy bác? Bác không được khỏe sao ạ?"
"À...không, tôi không sao."
Nói vậy nhưng bác ấy không nhìn thẳng vào tôi, hai tay bác nắm chặt, rôi lại xoa vào nhau như để lau mồ hôi, khóe mắt trũng sâu hiện lên sự mệt mỏi. Tôi lo sợ không biết có phải do kết quả học tập của cô bé không tốt hay không, nếu vậy có lẽ bác ấy nghĩ tôi dạy không chu đáo. Nhưng tôi đã làm gia sư cho cô bé lâu thế rồi cơ mà, em cũng đã có tiến bộ rõ rệt. Tuy khối A khó đạt điểm quá cao nhưng hoàn toàn có thể đỗ.
"Có phải kết quả học tập của Nhã Phương không tốt không ạ?" - Tôi lo lắng hỏi.
"Không. Con bé học vẫn vậy. Tôi vốn mong nó có thể đỗ trường kinh tế để kế nghiệp gia đình. Nếu cứ như hiện nay có lẽ cũng đỗ được...Nhưng...Tôi lo chuyện khác kia!"
"Có vấn đề gì với em sao bác? Cháu có giúp được gì không?"
Bác ấy nhìn tôi, nửa như muốn nói chuyện gì rất hệ trọng nhưng lại thôi. Yên lặng một lúc, bác mở lời:
"Thầy có thấy con Phương có biểu hiện gì lạ không? Nó có tâm sự với thầy điều gì không? Ví dụ như chuyện yêu đương chẳng hạn. Hoặc nó có dấu hiệu sao nhãng học hành không thầy?"
Tôi vội vàng xua tay:
"Không có bác ạ. Phương là cô bé ngoan, không phải bác không biết. Đôi khi em ấy hơi lơ đãng nhưng nếu tập trung thì học rất khá. Cháu cũng không thấy Phương nhắc gì đến chuyện yêu đương. Mà theo ý kiến riêng của cháu, em ấy cũng lớn rồi, việc nảy sinh tình cảm với bạn khác giới cũng là điều khó tránh."
"Tôi cũng mong được vậy... Tôi xin lỗi vì đã đường đột hỏi thầy như vậy. Nhưng mong thầy thông cảm, tôi nghĩ nó cũng quý thầy. Tuy không ở gần nhưng tôi biết từ lúc có thầy làm gia sư, con bé tiến bộ lên nhiều. Trước đây không có ai làm được như thế cả. Thực ra nó hơi khó bảo. Có lẽ là do tôi..."
Cuộc nói chuyện của chúng tôi chẳng kéo dài thêm nhiều. Tôi chào bác rồi mang cặp lên gác, trong lòng vẫn còn ngổn ngang thắc mắc.
3. "Anh Duy đấy ạ. Anh vào đi!"
Tôi gõ cửa phòng, Nhã Phương nói vọng ra. Lúc cánh cửa phòng mở ra, tôi suýt ngã ngửa ra sau vì diện mạo thay đổi lạ lùng của cô bé. Mái tóc dài và thẳng màu hạt dẻ nay trở nên xoăn. Phương cũng không mặc mấy bộ đồ dễ thương thường ngày mà thay vào đó là một bộ váy bó sát khoe đường cong, dài qua đầu gối chút xíu. Nhìn thoáng qua, tôi cứ tưởng mình nhầm phòng một em mẫu teen nào đó.
"Phương, em làm cái quái gì thế hả?" - tôi sốt sắng hỏi.
Cô bé bật cười, đáp lời tôi với vẻ ngông nghênh bất cần.
"Anh thấy em mặc thế này trông đẹp không?"
Giờ thì tôi thật sự khó hiểu. Hôm nay mọi người đều kỳ lạ, từ bác chủ nhà đến cô bé học trò ngoan ngoãn thường ngày. Tôi lấy giọng nghiêm túc nhất có thể:
"Đừng đùa. Em mặc thế này cũng vẫn là em thôi, không có gì thay đổi cả."
Nhã Phương cũng đáp trả tôi một cách cứng cỏi:
"Anh đừng hòng lừa em. Lúc nãy anh đã bất ngờ khi gặp em mà. Sao lại không có gì thay đổi."
Tôi kéo ghế ngồi xuống, tránh nhìn vào diện mạo kỳ quặc của em lúc này.
"Ngồi xuống học đi, anh không muốn đôi co với em nữa."
Cô bé kéo ghế ngồi rất mạnh, tạo thành một âm thamh chói tai. Ngay cả dáng ngồi của em cũng thay đổi, nhìn rất...lẳng lơ.
"Lấy tờ đề hôm nọ ra đi, anh chữa cho."
Nhã Phương cũng ngoan ngoãn làm theo và lôi ra một cái cặp nâu mới kiểu con trai hay dùng. Càng lúc tôi càng thấy bất an. Nhưng khi loáng thoáng nhìn thấy vật mà cô bé giấu trong cặp, tôi còn chẳng kịp bàng hoàng.
"Cái gì đấy? Đưa đây anh xem."
Tôi kéo cặp sách của Nhã Phương về phía mình, bên trong là một bao thuốc lá và một cái bật lửa. Tôi lôi cả hai thứ ra ngoài, nhìn em nghiêm khắc:
"Cái này là của ai?"
"Của em."
Tôi vứt luôn cả hai thứ vào sọt rác một cách không thương tiếc.
"Thứ này không dành cho em."
Sắc mặt Nhã Phương trở nên khó coi, cô bé nhìn tôi như kẻ thù, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau.
"Vậy thứ gì là dành cho em, THƯA THẦY?"
Nhã Phương gọi tôi là "thầy" điều mà em chưa từng làm trước đây. Trong phút chốc tôi chẳng biết phải nói gì hơn.
Người con gái đang ngồi trước mặt tôi chẳng khác gì hoàn toàn xa lạ. Tôi thở dài, lảng tránh:
"Học bài đi."
Bất ngờ, Nhã Phương đứng bật dậy khiến chiếc ghế bật ngửa ra sau rồi quát thẳng vào mặt tôi:
"Tôi không học đấy. Tôi không muốn học nữa. Thầy ra khỏi đây ngay đi. Cút đi!"
Tôi nhìn em chết trân, đến thở mạnh cũng không dám. Khóe mắt em đã ngân ngấn nước, chỉ trực trào ra...
"Tôi phải làm gì thì anh mới cút. Không nghe thấy à? XÉO NGAY!"
Nói xong, Nhã Phương hất đổ hết mọi thứ trên bàn xuống đất. Tôi đứng dậy nhưng cũng chẳng nhúc nhích được gì. Thấy thế, em tức giận nhặt rồi ném mạnh một vật gì đó mà tôi không rõ về phía tôi. Tôi chỉ nghe tiếng "cộp", đưa tay lên đầu đã thấy rỉ ra một dòng máu tươi. Nhã Phương hốt hoảng chạy về phía tôi, lắp bắp không nói lên lời, hình như là xin lỗi. Đúng lúc đó cánh cửa bật tung, bố của em bước vào. Ông ta xô mạnh Nhã Phương xuống đất rồi rít lên.
"Con mất dạy! Mày định làm tao tức chết phải không."
Trong con mắt mờ nhòe của tôi hiện lên hình ảnh cô bé ngã sõng soài giữa ngổn ngang mảnh vỡ. Em dùng sức lực khó nhọc đứng lên, ánh mắt hiện lên vẻ căm tức tột độ.
"Phải đấy! Ông làm được gì nào?"
"Mày...."
Nhanh như cắt, ông ta tát rất mạnh vào mặt Nhã Phương khiến cô bé nằm lăn ra, bất động. Tôi phải lao vào can ngăn mãi ông ấy mới chịu xuống nhà.
"Xin lỗi thầy. Tôi sẽ thu xếp cho thầy điều trị ở bệnh viện tốt nhất! Mong thầy thứ lỗi!"
Tôi lo lắng cho mình thì ít mà lo cho tình cảnh hiện tại của Nhã Phương thì nhiều. Rốt cuộc thì chuyện gì đã khiến cô bé trở nên như vậy? Tôi cố nghĩ nát óc cũng không thể trả lời!
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip