NHỮNG CƯ DÂN Ở VARLAUREA

Tôi đã đến lục địa này chắc cũng đã vài tuần, dẫu rằng đây là một vùng đất hoàn toàn xa lạ, nhưng đôi khi cũng thấy thật gần gũi, có lẽ là do những con người gọi lục địa này là nhà. À phải, nhắc đến việc này tôi nghĩ cũng đã đến lúc mình nên giới thiệu về những cư dân ở đây. Cũng như thế giới của chúng ta, Varlaurea được định cư bởi rất nhiều dân tộc hay chủng tộc đa dạng, với ngôn ngữ, phong tục tập quán và văn hóa rất khác biệt và đa dạng. Nhưng có một điều tôi tìm hiểu được rằng, phần lớn những dân tộc hiện đang gọi lục địa Varlaurea là nhà, vốn không khởi nguồn ở đây (trừ một số ngoại lệ mà tôi sẽ nói sau). Theo như tôi tìm hiểu được thì vì một thảm họa khủng khiếp nào đó, khiến tổ tiên họ phải chạy nạn và lang thang khắp nơi, vượt hàng ngàn cây số qua những miền rừng thiên nước độc trong suốt hàng trăm năm, một thời kì mà những cuốn sách sử ở đây gọi là "Thời Đại Lang Thang" mà di dân đến Varlaurea. Tôi không hiểu thảm họa gì khủng khiếp đến độ mà lại có thể khiếm nhiều dân tộc khác nhau phải khăn gói lang thang khắp nơi trong một thời gian dài như vậy, tất cả những cuốn sách sử ở đây chỉ gọi thảm họa ấy là một cơn "Đại Hồng Thủy" khủng khiếp đã nhận chìm tất cả đất đai và nó được gây ra bởi "Cuộc Chiến Của Các Cựu Thần".

Nhận chìm tất cả nghĩ là sao? Vùng đất quê hương cũ của họ à? Nếu thế thì phải là một cơn "Đại Hồng Thủy" rất lớn, tầm cỡ như trong Sách Cựu Ước của thần thoại Do Thái hay vụ Thủy thần Cộng Công húc đổ cột chống trời làm Ngân Hà trút nước xuống trần gian trong thần thoại Trung Hoa. Thú vị nhỉ, những gì đã xảy ra trước cái thời đại gọi là "Thời Đại Lang Thang" ấy đã bị huyễn hoặc hóa rất nhiều và tạo nên những câu chuyện rất hay, tôi thật sự rất hứng thú để ghi chép lại những câu chuyện đấy. Còn nếu bạn hỏi tôi thì tôi nghĩ có thể cơn "Đại Hồng Thủy" đó có thể là gây ra bởi một thiên thạch, giống như cái đã đâm xuống bán đảo Yucatan ở Mexico, và xóa sổ những loài khủng long không biết bay ở thế giới chúng ta nhưng với quy mô nhỏ hơn chút đỉnh, dĩ nhiên.

Mà thôi hãy quay lại chủ đề chính là những dân tộc ở Varlaurea. Đầu tiên là những dân tộc dễ thấy nhất.

NHỮNG DÂN TỘC DỄ GẶP NHẤTNGƯỜI HẠ

Như tôi đã nói ở trên, phần lớn cư dân sống ở Varlaurea không khởi nguồn từ đây và đều là di dân. Người Hạ là một trong số những dân tộc di dân ấy và cũng là dân tộc đầu tiên di cư đến đến Varlaurea vào khoảng 5000 năm trước, họ đến từ phía đông với hàng trăm bộ tộc khác nhau và xây dựng những khu định cư đầu tiên xung quanh khu vực bờ hồ Kao Ren, rồi phân bố dần ra hai bên bờ hạ lưu của sông Vĩ Đại, xuôi theo dòng chảy của sông ra đến tận bờ biển ở phía tây, và khu vực các đảo, bán đảo và quần đảo ở phía nam. Toàn bộ khu vực phía nam lục địa Varlaurea giờ đây là lãnh thổ của họ. Trong ngôn ngữ chung ở đây cái tên mà những dân tộc khác dùng để gọi họ được dịch nôm na là "những kẻ sống ở hạ lưu sông" nên tôi gọi tắt là "Người Hạ".

Nếu bạn, người đang đọc những dòng này, là người Việt như tôi hay người Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Chắc chắn bạn sẽ thấy những Người Hạ vô cùng quen thuộc. Bởi vì những Người Hạ này cơ bản họ giống hệt như những người Đông Á ở thế giới chúng ta. Từ vẻ bề ngoài, màu tóc, chiều cao trung bình của họ vào khoảng 1m68, phần lớn họ thường để tóc dài và búi lên thành các kiểu búi khác nhau, phụ nữ là có nhiều kiểu nhất. Về cách ăn mặc thì họ có một kiểu áo giống với kiểu áo giao lĩnh mà người Đông Á xưa đều mặc, với nhiều biến tấu đa dạng tùy theo gu thẩm mĩ của mỗi vương quốc, cùng một bộ sưu tập mũ cho nam giới với đủ hình dạng, cao thấp khác nhau. Nhưng nhìn chung thì quần áo của họ thường dài, từ giữa cẳng chân cho đến phủ gót, có dáng khá rộng và không ôm hay bó sát thân hình người mặc nên dù là người mập hay ốm đều rất thoải mái khi mặc. Và có kiểu tay áo rộng thùng thình, một số kiểu có tay áo rộng đến độ bạn có thể dùng nó làm quạt khi trời nóng. Ngoài ra họ mặc khá là nhiều lớp áo, với ít nhất là 2 lớp, lớp áo trong cùng luôn là màu trắng, còn những lớp khác thì màu sắc, hoa văn tùy theo sở thích, túi tiền và địa vị xã hội của người mặc. Nhưng có một số màu bị cấm sử dụng bởi quần chúng do nó được dùng cho hoàng gia, những màu bị cấm thì tùy thuộc từng quốc gia.

Về mặc tín ngưỡng, họ thờ phụng một thần hệ gọi là Quelas'Airuth và bộ Ngũ, đây là nhóm những vị thần được trọng vọng nhất, ngoài ra còn có một số vị thần nhỏ khác, thường được thờ cúng trong dân gian. Về văn hóa – xã hội, họ trọng quan hệ gia đình khăn khít, con cháu thường sống chung với cha mẹ, ông bà chúng trong cùng một mái nhà và xã hội phân tầng lớp có tôn ti trật tự, trên dưới rõ ràng.

Hiện tại, theo tôi biết thì lúc này có 6 quốc gia đã và đang tồn tại của Người Hạ, gồm:

- Đế chế Varlann (đã sụp đổ) lãnh thổ nằm trên khu vực đất liền của lục địa, phía tây và quanh hồ Kao Ren. Từng liên minh với Long tộc tạo thành một thế lực lớn trong Bách Niên Chiến, một cuộc xung đột cổ xưa kéo dài cả trăm năm.

- Vương quốc Aulacia tự xưng là hậu duệ của Varlann, nằm trên khu vực đất liền của lục địa, phía tây hồ Kao Ren

- Đế quốc Chihan cũng nằm trên khu vực đất liền của lục địa phía đông hồ Kao Ren

- Vương quốc Kogubaek nằm ở một khu vực bán đảo ở phía nam Chihan

- Vương quốc Wamata nằm ở một quần đảo lớn phía nam lục địa

- Vương quốc Lyukyru nằm trên một quần đảo nhỏ phía tây Wamata.

NGƯỜI THƯỢNG

Người Thượng di cư đến Varlaurea khi Bách Niên Chiến gần kết thúc. Họ cao hơn Người Hạ, chiều cao trung bình khoảng 1m7, nước da trắng, màu tóc từ đen đến vàng sáng, màu mắt từ đen đến xanh da trời. Người Thượng đến Varlaurea từ phía đông bắc của lục địa, theo đường bộ và đường biển. Sau khi đến Varlaurea họ phân tán ra khắp nơi hình thành hàng trăm bộ lạc khác nhau với nhiều hệ ngôn ngữ khác nhau, tập trung chủ yếu dọc thượng lưu sông Vĩ Đại. Và đấy cũng là lý do hình thành cái tên gọi của họ, tương tự như những Người Hạ. Sau đó, một vài bộ lạc dần liên kết lại với nhau và lập nên những thành bang độc lập rải rác khắp khu vực phía bắc lục địa, liên tục giao chiến cạnh tranh nhau về tài nguyên và đất đai. Những thành bang này chinh phạt và sát nhập lẫn nhau để tạo thành nhiều vương quốc sơ khai khác nhau cho đến khi một vương quốc ở khu vực bán đảo "Ủng của Qelas" nổi lên chinh phạt khắp miền bắc lục địa Varlaurea và tạo ra Đế chế Rumunus rộng lớn.

Về cách ăn mặc thì họ chỉ mặc có một lớp áo, nam thường mặc một kiểu áo chui đầu, dài đến đầu gối với quần dài và hơi bó sát và tương tự nữ giới mặc váy dài đến chân, hơi ôm theo thân người. Nam chuộng kiểu tóc cắt ngắn và cạo râu nhẵn nhụi, nhưng theo tôi được biết thì đấy là do ảnh hưởng của Đế quốc Rumunus cũ. Còn trước đó thì nam đều để tóc khá dài và để râu, nữ thì tóc dài và búi lên sau khi kết hôn.

Về văn hóa – xã hội thì Người Thượng đề cao tính tự do độc lập, con cái thường rời gia đình và xây dựng, mua hoặc thuê một ngôi nhà cho riêng mình khi trưởng thành.

Về tín ngưỡng, và điều thú vị là ở đây, họ cũng thờ phụng cùng một thần hệ như Người Hạ, Quelas'Airuth và bộ Ngũ, nhưng có điểm khác biệt với Người Hạ là tên của những vị thần trong bộ Ngũ của họ khác với Người Hạ và đại diện cho những khía cạnh hơi khác với Người Hạ. Nhưng còn Quelas'Airuth thì lại giống y hệt với Người Hạ từ cách mô tả hình dáng, giới tính và những thứ mà vị thần ấy đại diện, dù cho là trước khi di dân đến Varlaurea họ không hề biết đến Người Hạ. Thần hệ này tồn tại trong khoảng thời gian 1000 – 2000 năm rồi bị thay thế bởi Qelasian giáo.

Theo sách sử ở Varlaurea thì Người Thượng có 7 quốc gia đã và đang tồn tại như sau:

- Đế quốc Rumunus (đã sụp đổ một phần) lãnh thổ từng trải dài khắp miền bắc Varlaurea.

- Vương quốc Rumunus tàn dư của Đế chế Rumunus xưa. Nằm ở phía tây Vương quốc Hispania

- Vương quốc Celgealia một vương quốc ở phía bắc hồ Kao Ren và phía nam Đế chế Rumunus, từng là thuộc địa của Rumunus.

- Vương quốc Teuberii nằm ở phía đông Celgealia, đã giành được độc lập khoảng vài trăm năm trước sau một thời kì bị chia cắt chiếm đóng bởi một lực lượng vũ trang tôn giáo, từng là thuộc địa của Rumunus.

- Vương quốc Bricatia nằm ở phía tây dãy Lưng Rồng, phía tây Rumunus. Khu vực phía nam của vương quốc này từng là thuộc địa của Rumunus.

- Vương quốc Grecia nằm ở phía tây bắc Rumunus, từng là thuộc địa của Đế chế Rumunus cũ.

- Vương quốc Hispania nằm ở phía đông dãy Lưng rồng, từng thuộc Đế chế Rumunus

NGƯỜI ORC

Cũng giống như Người Thượng và Người Hạ. Người Orc cũng là di dân, họ đến Varlaure vào khoảng chừng nửa cuối Bách Niên Chiến, và từng là một thế lực lớn trong cuộc xung đột ấy. Cái tên của họ là một cách rút gọn của cách mà những dân tộc khác gọi họ, nôm na dịch là "những kẻ cao lớn, da xanh, cưỡi sóng đến từ biển tây.". Do tương truyền rằng họ đến Varlaurea trên một đội tàu khổng lồ, hàng trăm chiếc.

Thân thể của họ rất cao lớn chiều cao trung bình từ 1m8 trở lên, mắt có màu từ hổ phách đậm đến vàng, tóc xoăn đen, cơ thể họ luôn rắn chắc cả nam lẫn nữ, nước da xanh lá, mũi rộng, ngắn và môi dày, và họ có một thể lực dồi dào bẩm sinh, một chiến binh Orc có thể chạy hành quân hàng chục kilomet và sau đó xung trận tham chiến ngay lập tức không cần nghỉ ngơi. Người Orc là một dân tộc đa dạng bao gồm nhiều bộ tộc hợp thành, đến nay ước tính có gần 100 bộ tộc khác nhau, tập trung chủ yếu ở một vùng đất rộng lớn với nhiều đồng cỏ, núi non, thung lũng và cao nguyên, nằm ở phía đông bắc lục địa Varlaurea, nơi mà họ giành được sau Bách Niên Chiến, tại đó họ thành lập vương quốc Ubukdin của riêng họ. Vương quốc của họ vận hành theo chế độ phân quyền bao gồm: Quốc Vương, Nữ Hoàng và Hội Đồng bô lão cùng nhau chia sẻ quyền lực. Trong đó có 8 bộ tộc lớn nhất và mạnh nhất chiếm đa số ghế trong Hội Đồng Bô Lão gồm: Mdongo, Bastui, Marachewe, Uktu, Maysai, Zuluk, Chwerakaha, Ngrakwe.

Về cách ăn mặc, Người Orc thường mặc một loại áo chui đầu rộng, ngắn đến thắc lưng hoặc là một kiểu áo choàng dài đến đầu gối hoặc mắt cá chân, còn hạ thể thì quấn váy hoặc quần ống rộng. Người giàu có hơn thì khoác thêm một cái áo choàng rộng thùng thình bên ngoài. Đây là cách miêu tả chung chung nhất tôi có thể đưa ra, bởi vì tùy theo mỗi bộ tộc thì lại có kiểu ăn mặc khác nhau. Quần áo của họ rất sặc sỡ với nhiều hoa văn hình học nhiều màu, Người Orc còn rất chuộng trang điểm, đặc biệt là vẽ mặt, cả nam lẫn nữ. Việc vẽ mặt đã ăn sâu vào trong văn hóa của họ và trở thành một dạng nghi thức giao tiếp không ngôn từ. Ví dụ như nếu bạn thấy một Người Orc vẽ mặt với màu xanh da trời và trắng, đấy có nghĩ là họ đến trong hòa bình và sẽ không động đến một cọng lông của bạn. Còn khi họ vẽ mặt với chỉ hai màu đỏ và đen, thì bạn nên chạy càng xa khỏi họ càng tốt, bởi đó có nghĩ là họ đến để chặt đầu và uống máu bạn đấy.

Còn về mặt tín ngưỡng, khi họ đến Varlaurea thì họ cũng mang theo những vị thần mà họ đã thờ phụng từ khi còn ở cố hương, họ có rất nhiều vị thần đại diện cho các thế lực thiên nhiên, mỗi bộ tộc còn có linh thần bảo hộ của riêng mình, nhưng được trọng vọng nhất trong đó là một thần hệ thờ phụng Quelas'Airuth và Bộ Ngũ, và đoán xem? Cũng như Người Thượng và Người Hạ, những vị thần trong Bộ Ngũ có thể khác biệt nhau nhưng vị thần đứng đầu, Quelas'Airuth, lại giống y hệt như Quelas'Airuth của Người Thượng và Người Hạ, giống như những dân tộc này thờ cùng một vị thần mà không hay biết vậy.

NGƯỜI LÙN

Phần lớn lịch sử của Người Lùn không mấy ai biết đến. Bởi họ sống chủ yếu trong những thành phố bán lộ thiên trên những ngọn núi cao phủ tuyết và những rặng núi hiểm trở rải rác khắp lục địa Varlaurea, ít khi giao tiếp với thế giới bên ngoài. Cho đến khi một đoàn thám hiểm của Tiên Nhân vô tình tìm ra một thành phố nhỏ, bán lộ thiên của họ ở núi Trắng. Một sự kiện mà họ gọi là "Vlastotniev" nghĩa là "ngày chạm trán đầu tiên" hay "Ngày gặp gỡ đầu tiên" (day of first contact), và từ đó họ mới bắt đầu mở mang quan hệ và thông thương với thế giới bên ngoài, không những thế họ còn từng là đồng minh của các Tiên Nhân trong Bách Niên Chiến. Các thành phố của họ được kết nối với nhau bởi một mạng lưới đường hầm chằn chịt trong lòng đất, trong đó lớn nhất là "Đại Hành Lang của Vostokev" một đường hầm khổng lồ ngoài sức tưởng tượng với kênh đào, làn đường cho những chiếc xe guồng và những mái vòm kì vĩ. Có một số truyền thuyết cho rằng có thể Người Lùn cũng là di dân từ nơi khác đến, nhưng đấy chỉ dừng lại ở mức truyền thuyết, và tôi lại không phải là sử gia hay nhà khảo cổ để mà có thể tìm hiểu các truyền thuyết đó.

Đúng như với tên gọi của họ, chiều cao trung bình của họ chỉ chừng 1m4 đến 1m5, thân thể chắc nịch và râu ria rậm rạp cả nam lẫn nữ. Khiến cho việc phân biệt giữa 2 giới rất khó cho các dân tộc khác, cho nên thiên hạ thường đồn rằng người Lùn không có nữ giới và nở ra từ những quả trứng đá.

Về xã hội thì Người Lùn khác với các dân tộc khác họ không có một hệ thống vua chúa hay hoàng đế, do đặc điểm sinh sống của họ mà mỗi thành phố lại có một người đứng đầu riêng, một người mang danh hiệu "Zukiyaz" mà dịch nôm na ra là "Đại hoàng tử" hay "Đại thân vương" được bầu chọn từ các gia đình quý tộc của mỗi thành phố. Các thành phố cũng liên kết một cách lỏng lẻo theo kiểu liên minh, họa hoằn lắm các Đại hoàng tử của các thành phố mới tụ họp lại và bầu chọn ra một người lên ngôi vua để lãnh đạo toàn bộ Người Lùn trong những lúc nguy cấp cần thiết, còn không thì họ thường chả mấy quan tâm đến nhau, thậm chí còn giao chiến với nhau vì xung độ quyền lợi thương mại hay lãnh thổ.

Về cách ăn mặc thì họ không khác Người Thượng cho lắm ngoài trừ các kiểu quần rộng thùng thình, phụ nữ thường mặc một loại váy hình chuông có quai đeo. Ngoài ra họ cũng chuộng đội mũ như Người Hạ đặc biệt là các kiểu mũ có chóp nhọn, cao hoặc rộng vành. Tôi đã từng trông thấy một quý bà Người Lùn đội một cái mũ to đùng, đính một cái bảng vải, hình tam giác được bo tròn hai góc đáy vào phía trước mũ, bảng vải còn được độn bông và hồ cứng để nó dựng đứng lên và gắn đá quý trang trí, làm cho bà ta trông hao hao như một con ách bính khổng lồ trong bộ bài tây, tỏa sáng lấp lánh và biết đi vậy.

Về tín ngưỡng thì cũng như những dân tộc khác, họ cũng theo tín ngưỡng thần hệ đa thần, trong đó có một vị thần được trọng vọng nhất, nắm vai trò là vua của chư thần, chính là.... Quelas'Airuth. Đọc đến đây hẳn bạn cũng ngạc nhiên nhỉ? Tại sao những dân tộc không quen biết gì nhau, đến từ những nơi khác nhau, nguồn gốc khác nhau lại cùng thờ cúng một vị thần giống nhau, đấy là một điều bí ẩn tôi cũng muốn biết.

NHỮNG DÂN TỘC BÍ ẨN

Phần ở trên tôi đã giới thiệu với các bạn những dân tộc có số lượng đông nhất và dễ gặp nhất khi tôi du hành qua Varlaurea, nhưng ngoài những dân tộc ấy, trong những câu chuyện và các di tích cổ để lại thì còn có những dân tộc bí ẩn hơn, mang hơi hướm thần thoại và truyền thuyết. Bây giờ tôi sẽ giới thiệu về những dân tộc ấy.

CỰ ĐÀ NHÂN

Những thông tin tôi có về dân tộc này chỉ thông qua những câu chuyện nhân gian. Những câu chuyện kể rằng, Cự Đà Nhân là những sinh vật cao lớn, ước chừng từ 2 mét trở lên với một cái mặt dẹt không có mũi, miệng rộng, mắt to và một cái cổ dài như rắn. Mặt và tay chân đều có vảy dày, tay chân dài, bàn tay và bàn chân chỉ có bốn ngón thay vì năm như những người bình thường. Cự Đà Nhân vô cùng mạnh mẽ và dữ tợn, họ từng là một lực lượng lính tinh nhuệ được sử dụng trong Bách Niên Chiến bởi đế chế Varlann.

Ban đầu tôi nghĩ đây chắc là chuyện thần thoại của những cư dân ở Varlaurea thôi, cho đến khi tôi gặp được một quí tộc giàu có và đến thăm bộ sưu tập cổ vật của ông ta. Trong căn phòng lớn lưu giữ những món đồ cổ ông ta mua và sưu tầm được có những bức tranh vẽ, những bình gốm sứ cổ có vẽ trang trí những hình người dáng cao và có cái cổ dài. Thấy những thứ đó tôi cũng không dám chắc rằng những bức tranh ấy là vẽ những thứ có thật hay chỉ là những tranh vẽ nghệ thuật, cách điệu hóa. Nhưng khi ông ta cho tôi xem một bộ xương còn nguyên vẹn một phần thì tôi bắt đầu có chút thay đổi về nhận định của mình. Tôi không phải người học y nhưng tôi có chút hiểu biết về bộ xương người qua những cuốn sách tôi đã đọc từ lúc còn nhỏ, và khi nhìn cái sọ ấy tôi nhận ra một số sự khác biệt. Cái sọ mà ông ta cho tôi xem thiếu một số chi tiết của sọ người, nó không có gờ mắt và thiếu xương mũi. Đặc biệt là phần cổ, cổ người chỉ có 7 đốt sống nhưng cái cổ mà ông ta cho tôi xem có tới 15 đốt sống. Ngoài ra phần xương cẳng tay cũng dài một cách đáng ngạc nhiên, nó dài gần bằng cả cánh tay tôi. Quả là một mẫu vật thú vị, có thể Cự Đà Nhân là có thật chăng?

LONG NHÂN

Cũng giống như Cự Đà Nhân, đây là một dân tộc có hơi hướm huyền thoại, và tôi chỉ biết đến qua những câu chuyện kể. Tôi không có thông tin gì nhiều về dân tộc này bởi Long Nhân không để lại một di tích, di chỉ nào, không có chữ viết hay đền đài, lăng mộ nào được xây dựng. Chỉ có tranh ảnh và văn thơ của những dân tộc khác mô tả họ, và kể lại những chuyện nhân gian của họ, nhưng có một điều chắc chắn là Long Nhân là dân tộc bản địa ở Varlaurea. Những câu chuyện kể rằng, bề ngoài họ trông không khác lắm so với Người Thượng, Người Hạ... ngoại trừ việc có sừng trên đầu. Và rằng họ có khả năng phép thuật cao cường, sử sách nói rằng phép thuật của họ còn mạnh mẽ hơn những gì tôi từng thấy từ những pháp sư ở lục địa Varlaurea. Khả năng phép thuật của họ giúp họ có thể giao tiếp dễ dàng với nhau và với các dân tộc khác mà không cần mở miệng nói, nên họ cũng chả cần đến chữ viết. Đặc biệt Long Nhân rất giỏi trong phép biến hình, có thể biến hóa muôn hình vạn trạng, nhưng thường chọn hình hài của những sinh vật trông giống với những gì mà thế giới của chúng ta thường tưởng tượng về rồng. Và một điều nữa là Long Nhân từng có một xung đột với Tiên Nhân và cuộc xung đột đó leo thanh thành Bách Niên Chiến, mà tôi hay nghe kể.

Cái tên "Long Nhân" thật ra cũng là do tôi đặt cho họ dựa trên hình dạng của họ khi biến hình.

TIÊN NHÂN

Những thông tin của tôi về Tiên Nhân cũng không khá gì hơn so với Long Nhân, đây là hai dân tộc bí ẩn nhất mà tôi biết. Không ai biết nguồn gốc của Tiên Nhân, không ai rõ lịch sử của họ. Tiên Nhân có phải là di dân như Người Hạ, Người Thượng, Người Orc không? Nếu vậy thì họ từ đâu đến? Đến từ khi nào? Không ai rõ. Tất cả những truyền thuyết tôi tìm hiểu đều không có một đầu mối gì về nguồn gốc của họ, chúng chỉ nói đại để rằng Tiên Nhân đã ở Varlaurea từ rất rất lâu rồi.

Theo mô tả của truyền thuyêt thì họ khá cao lớn, xinh đẹp, tao nhã. Luôn xuất hiện với một mái tóc dài đủ kiểu, đủ màu, sinh sống hòa mình vào thiên nhiên trong những thành phố hoa lệ ẩn mình trong tán rừng.

Tôi đã từng đến thăm một địa điểm được cho là phế tích của một thành phố của Tiên Nhân ở một khu rừng lớn nằm ở phía bắc Varlaurea, khu rừng được gọi là "rừng Vĩnh Cữu" vì theo dân địa phương nói rằng vào thời xa xưa khi Tiên Nhân còn sống trong rừng, nhờ vào phép thuật của họ, tán lá của rừng mãi mãi xanh tươi bất kể mùa trong năm. Đứng giữa những tàn tích phủ dây leo chằng chịt ấy mà tôi tự hỏi, những người này là ai? Nếu họ có thật, thì họ trông như thế nào? Tiếng nói của họ nghe như thế nào? Và quan trọng nhất là họ có những câu chuyện gì để kể? nhìn những tàn tích mà tôi chỉ có thể thốt lên ba chữ "thật đáng tiếc"

Trích "Một Chuyến Hành Trình Đến Lục Địa Varlaurea" bởi Chickknight Greenleaf

chương 2 "Cư Dân Ở Varlaurea"

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip