Chương 9: Góc tối và vết sẹo
"Cô với chú chia tay rồi à?"
Tim tôi thắt lại, đũa cũng ngừng động. Đức Anh nắm tay tôi để lên đùi anh, các ngón tay từng nhịp từng nhịp gõ lên mu bàn tay tôi.
"Vâng, thằng tồi thì bỏ đi chứ giữ làm gì hả chị."
Bác Thương liền hỏi: "Sao thế? Kể kể, chị được cái hay bị nhiều chuyện."
"Mới đầu ổng ổn lắm, mà lúc về nhà ổng mới thấy bất ổn. Đúng kiểu con trai cưng của mẹ luôn, mẹ bảo gì làm nấy, không cãi gì hết trơn hết trọi. Nghĩ sao mời em về đúng hôm ăn cỗ, rồi còn hết ba mẹ ổng đến bà cụ bên nhà bảo cưới nhanh đi mà đẻ, phụ nữ lớn tuổi khó đẻ con trai."
Mẹ tôi hất tóc, tự tin hỏi: "Chị thấy em đẹp không?"
"Đẹp đẹp, trẻ quá chừng luôn mà."
Anh cũng bồi thêm một cậu: "Trẻ quá chừng luôn á dì, nhìn y chang chị bé Tuyết chứ có giống mẹ con chỗ nào."
Tôi bất chợt phì cười, rồi tôi cảm nhận được không khí đột nhiên trở nên thoáng đãng hơn.
Mẹ tôi làm kế toán và quản lý nhân sự trong xưởng may, chủ yếu là dùng đầu óc, tay chân mẹ chỉ có vài chỗ bị sần do ngày trước làm việc nặng nhọc, nhưng việc đó đã qua lâu rồi, những vết sần ngày ấy cũng theo vết thương lòng mà mờ đi. Mẹ tôi đẹp lắm, tóc vừa đen óng vừa dài, mày không quá đậm nhưng mọc theo hình trăng non trông rất đỗi hiền thục, môi trên môi dưới đầy đặn, lại thêm quanh năm suốt tháng mẹ ăn nhiều rau củ quả nên da dẻ ít lão hóa hơn. Người ta hay khen mẹ trẻ hơn nhiều so với tuổi thật, họ cũng nói nhìn mẹ giống hệt con gái xứ Huế ngày xưa, nhìn thoáng qua thì thấy duyên, nhưng càng nhìn càng thấy lòng xao xuyến.
"Mày giỏi, lát nhắn số tài khoản dì thưởng cho."
"Ok luôn dì."
Mẹ lại nói: "Chắc nhà đó tưởng con mình ngon lắm hay gì? Chỉ được cái mã giỏi, mà đạo đức... úi giời ơi luôn. Gần bốn mươi mà chưa có vợ là chị cũng hiểu rồi đó, người ta thấy thế thì chạy mất dép hết còn gì."
"Mà nhá, hôm đấy về, nhà đó bảo sắp làm dâu thì trổ tài đi. Rồi bắt em với con bé Tuyết rửa mấy chậu bát, thằng chả cũng không nói năng gì. Mấy bà chị dâu bên họ hàng thấy thương nên xúm vô rửa phụ."
Bác Thương đập bàn, giọng hơi lớn: "Khiếp! Mới ra mắt chứ có phải làm dâu đâu mà hành người ta. Mà có làm dâu thì cũng là hỏi cưới đàng hoàng chứ phải osin đâu mà thế."
"Thì đấy! Hổm em với ổng cãi nhau một trận cũng vì chuyện này đó."
Những câu chuyện mà mẹ kể đa số đều là chê bai người yêu cũ của mẹ, nhưng với một đứa cố chấp như tôi, sâu một góc trong tim tôi vẫn tồn tại một con mọt đang đục khoét. Con mọt ấy nói với tôi rằng, có thể mẹ nói như vậy chỉ để khiến tôi không cảm thấy có lỗi với mẹ.
Anh Đức Anh bóc cho tôi một con tôm rồi bỏ vào bát, "Ăn đi, tôm này ngon lắm đó."
Rồi tốc độ ăn chậm như rùa bò của tôi khiến anh chú ý. Anh ghé lại gần tôi, gương mặt anh phóng đại ngay trước mắt, anh cất giọng: "Anh hỏi em cái này được không?"
Tôi gật đầu.
"Em có thích chú Đức không?"
Tôi không biết trả lời thế nào, nghĩ rồi lại nghĩ, "Em không biết."
"Không biết nghĩa là không thích." Anh lại gắp cho tôi thêm ít thức ăn, nhỏ nhẹ hỏi tiếp: "Em biết tại sao em không thích chú ấy không?"
"Em... em cũng không biết."
"Không phải em không biết, mà là em không muốn nói."
Anh thở dài: "Anh nghĩ em biết lý do, nhưng kết quả là em không thích chú Đức phải không? Vậy tại sao em lại gọi chú ấy là "ba", mọi người còn chưa về chung một nhà mà?"
Mặt tôi bỗng chốc nóng bừng lên, nước ầng ậc trào lên, rồi lăn xuống từng giọt.
"Em nghĩ mẹ sẽ cưới chú..."
"Em cũng muốn có ba."
Nói xong, họng tôi cũng nghẹn cứng đi. Tôi thấy mình như một con chuột nhắt lang thang khắp các cống rãnh chỉ đề tìm về chút thức ăn thừa người ta vô tình làm rớt, rất thảm hại.
Tôi cúi mặt xuống nghẹn ngào mà nói, nên không biết rằng mẹ tôi bà bác Thương cũng vừa rơi nước mắt.
Ngày bé xíu chưa hiểu chuyện nên không thấy buồn, mãi khi lên tiểu học, trung học, rồi cấp ba, tôi mới biết khoảng cách của một đứa trẻ có một gia đình không trọn vẹn so với những đứa trẻ có cả ba lẫn mẹ là như thế nào.
Ngày họp phụ huynh, mẹ tôi làm thêm không đến được. Hôm sau cô giáo hỏi mẹ đi làm sao không gọi ba, ba em cũng đi làm à? Rồi cô chợt nhớ ra, cô xoa đầu tôi: "Cô xin lỗi", xin lỗi vì không nhớ tôi chỉ có mẹ.
Tôi đi học đụng phải một đám học sinh nổi loạn chạy xe trái làn đụng trúng, ngã rách trán. Mấy người xung quanh tốt bụng giữ chúng nó lại, yêu cầu gọi ba mẹ tôi và ba mẹ nó đến. Mẹ tôi bỏ làm chạy về, một mực bênh vực tôi, nhưng tiếc rằng đấu không lại miệng của ba bọn chúng.
20 tháng 11 diễn văn nghệ, phụ huynh được đi theo để cổ vũ. Tôi thấy lớp trưởng có ba đi theo, khi cậu ấy múa, ba cậu ấy ở phía dưới đứng dậy hò reo khiến mọi người ai ấy đều bật cười vì dễ thương: "Con gái tôi, con gái tôi kìa. Xinh quá con gái của ba!"
Tan trường, người đông như kiến, mấy đứa trẻ được ba cõng trên vai, vác trên cổ không cần phải chen chúc. Tôi cũng muốn, một lần thôi cũng được.
Đinh treo đồng hồ ở lớp bị hỏng, tôi chủ động đi xin một cái đinh khác từ bác bảo vệ rồi đóng vào tường. Lũ bạn trầm trồ khen tôi, tôi bảo ở nhà mẹ và tôi hay đóng đinh để treo đồ nên quen việc. Một đứa trong số đó bảo: "Thế á? Ở nhà toàn ba tớ cầm khoan khoan tường thôi." Rồi tôi mới hiểu, mấy việc nặng nhọc như bê nước, đóng đinh, sửa ống nước... nếu có ba thì mấy mẹ con không cần phải đụng vào.
Hồi bị bắt nạt, ban đầu tôi dọa chúng rằng nếu còn làm vậy với tôi nữa, tôi sẽ mách ba đến đánh trả. Tụi nó cười phá lên cả lũ: "Gớm! Mày có ba đâu mà dọa ai?" Cứ thế, chuỗi ngày bắt nạt và bị bắt nạt kéo dài mãi đến khi tôi lên cấp 3, đỗ vào trường top của tỉnh, còn bọn chúng ở đâu tôi không biết, nhưng không còn cùng một môi trường với tôi nữa.
Mẹ tôi yêu tôi thay cả phần của người ba, nhưng sự thật mãi mãi tồn tại ở đó. Trên đời này có những thiếu sót mà không có bất cứ thứ gì bù đắp vào được, giống như miệng vết thương đã thành sẹo, không thể nào lành lặn được như ban đầu nữa.
Anh Đức Anh lau tay sạch sẽ xong, nhẹ nhàng lau nước mắt cho tôi.
"Em muốn có ba, em không sai, vì ai cũng có quyền được có ba."
Anh thủ thỉ: "Nhưng mà bé Tuyết này, anh nghĩ ba là một người đối xử tốt với em, che chở cho em và mẹ. Có thể sẽ có đôi lúc ông không cho rằng việc em làm là đúng, nhưng tuyệt đối không bao giờ ở trước mặt người khác hạ bệ em."
"Vậy nên dù là bây giờ hay sau này, anh mong em chỉ gọi một người nào đó là ba khi em thực sự cảm nhận được tình thương của ông ấy đối với em, và em chấp nhận được ông ấy yêu thương."
Hóa ra trước giờ quan điểm của tôi về ba không sai, chỉ là tôi đã trao cái gọi thiêng liêng ấy cho sai người.
"Hiểu anh nói chưa?"
"Dạ hiểu."
Anh gật đầu hài lòng, xoa xoa mái tóc tôi, động tác vừa chậm vừa dịu dàng, "Giỏi lắm."
"Anh cũng mong em... chỉ đồng ý lời tỏ tình khi em thật sự thích người đó."
Anh nói rất nhỏ, nhưng tai tôi lại thính.
Tôi không dám đối diện, chỉ đơn giản vì cảm thấy mình không xứng đáng.
Vào ngày anh lên máy bay sang Đức, chúng tôi ở sân bay tiễn anh.
"Em... em đọc tờ giấy anh viết chưa?"
Mặt tôi hơi nóng lên, mà vành tai anh cũng bắt đầu ửng hồng.
Tôi phân vân một lúc, lấy trong túi một hộp quà được gói ghém cẩn thận, rồi khó khăn đáp: "Em xin lỗi, em không thể nhận một món quà đắt như vậy được."
Nói xong, tim tôi nôn nao khó chịu, mà anh dường như cũng không thoải mái gì.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip