# 25 - Bà Liễu
Buổi chiều như thường lệ có tiết học thêm tới bốn giờ. Thời gian đếm ngược tới kì thi tốt nghiệp chẳng còn bao xa, đám học sinh đứa nào đứa nấy đều dốc lòng chăm chỉ không dám lơ là từng giây từng phút.
Bên ngoài cửa sổ nắng nhuộm vàng ươm, những tán phượng xanh đã lập loè những bông hoa chớm đỏ. Dương Nguyệt nhìn ra cửa sổ, trong lòng cảm thấy cồn cào, không biết tại sao hôm nay cô chẳng thể nào tập trung được. Những con chữ cứ nhảy múa nhưng lại chẳng thể lọt được vào đầu. Chưa bao giờ cô có cảm giác này, kể cả lúc cô và Hoàng phải chia tay.
Mặt trời còn chưa ngả hết về tây, chuông vừa reo báo hiệu hết giờ thì Dương Nguyệt đã sắp xếp xong sách vở vội vã ra về. Ngược dòng xe cộ đông đúc, trong lòng cảm thấy khẩn trương, dù không biết có chuyện gì xảy ra hay không nhưng cô vẫn mong về nhà cho thật sớm.
Rẽ vào con ngõ nhỏ, chỉ còn vài chục mét nữa là tới nhà vậy mà chiếc xe bỗng nhiên bị tuột xích. Dương Nguyệt dừng lại, vừa hay đứng ngay trước cửa nhà bà Liễu. Dựng xe sát bờ tường gạch cũ tróc sơn loang lổ, lý trí lặng im trái tim mách bảo, tay cô nhẹ nhàng gõ cửa.
Cửa không khoá, trong nhà cũng không có tiếng trả lời vọng ra. Dương Nguyệt đẩy cửa bước vào, căn phòng đóng kín tối như bưng cũng vì thế mà dần sáng sủa.
Bà Liễu đi đâu mà cửa sổ thì đóng kín nhưng cửa chính lại không cài thế nhỉ? Cô nhìn quanh phòng khách trống trải, ngó vào căn bếp nhỏ, rồi như ai thúc giục lại tiếp tục đẩy mở cửa nhà vệ sinh.
Sững sờ, thân hình bà Liễu mềm oặt như chiếc giẻ lau đang nằm sõng soài trên nền gạch men cũ. Dương Nguyệt hốt hoảng vội lay bà dậy. Bà không trả lời, cô vội vàng chạy ra ngoài hô hào hàng xóm giúp.
Tin bà lão sống lủi thủi một mình trong căn nhà gần đầu ngõ chả mấy chốc mà xôn xao. Cái khu xóm nghèo bình thường cũng ỏm tõi cãi nhau nhưng khi có biến cố xảy ra thì mọi người đều đồng lòng giúp sức. Rất nhanh bà Liễu được đưa đến bệnh viện kiểm tra, và tất nhiên là Dương Nguyệt theo bà không rời nửa bước. Có lẽ ở đây, người lo lắng nhất là cô.
Cho đến khi bác sĩ ra thông báo cú ngã của bà không đến mức nghiêm trọng, may mà không bị rạn gãy xương, chứ người già mà để gãy xương thật là nguy hiểm. Khi đó Dương Nguyệt mới thở phào nhẹ nhõm.
Tuy nhiên bác sĩ lại nói bà mắc bệnh viêm phổi nặng, trách móc người nhà sao không đưa bà đi khám sớm hơn. Ông mong muốn gia đình hãy mau chóng làm thủ tục nhập viện.
Bà Liễu đã tỉnh, lời bác sĩ vừa rồi bà nghe không sót một chữ, nhưng thái độ của bà lại điềm tĩnh đến lạ thường. Bà kéo nhẹ tay áo Dương Nguyệt.
Bác sĩ rời đi, cô ngồi xuống bên cạnh bà, xoa nhẹ bàn tay gầy guộc nhăn nheo phủ chi chít những đốm đồi mồi. Bàn tay này đã bên cô từ những ngày thơ ấu.
"Đưa bà về đi."
Dương Nguyệt lắc đầu. Cô biết tiền mình dành dụm thời gian qua không nhiều, có lẽ chả đủ trả viện phí đâu, nhưng cô sẽ kêu gọi những người trong xóm quyên góp giúp bà, hi vọng là sẽ... được.
"Không phải vấn đề tiền nong." Như đọc được suy nghĩ trong ánh mắt cô bé, bà nói. "Bà là y tá mà, bà biết sức khoẻ mình ra sao và cần phải chăm sóc như thế nào. Không khí bệnh viện ngột ngạt, chưa hẳn đã tốt cho người già."
Những ánh mắt ái ngại của những người xung quanh nhìn bà, dăm ba người hàng xóm đã về, số người ở lại không nhiều. Không ai cản quyết định của bà, dẫu sao họ không phải người thân, và cũng chỉ là những người lao động nghèo ăn bữa nay lo bữa mai không có dư dả tiền để lo cho kẻ khác.
Bà Liễu nhận đơn thuốc bác sĩ kê rồi trở về. Số tiền tạm ứng trước cho bệnh viện bà trả lại từng người không thiếu một xu. Dương Nguyệt dìu bà trở lại giường, nhìn những người hàng xóm lần lượt chào bà rồi đi khuất.
"Cô bé con, làm gì mà mặt buồn xo thế?" Bà cười. Dương Nguyệt cũng nhoẻn miệng cười theo, nhưng nụ cười méo xệch.
* * *
Những ngày sau đó, Dương Nguyệt học hành bập bõm. Bà không cho cô nghỉ học nên những tiết học chính cô vẫn lên lớp, còn học thêm buổi chiều thì... trốn. Bà không khuyên được nên cũng đành thôi. Con bé lớn rồi, nó sẽ tự biết làm như thế nào là đúng.
Mặc dù bà cố gắng gượng tỏ ra là bản thân khoẻ mạnh nhưng Dương Nguyệt vẫn có thể nhận ra. Thời gian đúng là chẳng chừa bất cứ một ai, khi cô mỗi ngày lớn lên thì bà Liễu lại mỗi ngày thêm già yếu.
Những buổi chiều nắng oi ả như hun bức tường gạch ố, cây quạt bàn đã cũ vừa chạy vừa rung lên bần bật cũng chẳng thể làm không khí dịu thêm phần nào. Dương Nguyệt lụi cụi ngồi bên bàn trà, bày sách vở la liệt để làm bài. Học thêm có thể trốn, nhưng bài tập vẫn cần hoàn thành đủ.
Bà Liễu đang nằm nghỉ trên chiếc giường chiếu tre, đắp một mảnh chăn mỏng màu cỏ úa, nhịp thở đều đều.
Dương Nguyệt thấy thấp thoáng có bóng đen bên cửa sổ, hình như người đó thập thò ngoài đó mấy lần rồi. Là ai đến tìm bà mà không gõ cửa nhỉ.
Lục tục ra ngoài mở cửa, thấy một ông già lọm khọm tay chống gậy ba toong đang giơ bàn tay phân vân giữa không trung không dám gõ, Dương Nguyệt liền nhận ra đó là ai.
"Cháu chào ông, ông đến thăm bà Liễu ạ? Bà vừa mới nằm nghỉ xong. Ông có muốn vào chờ hay khi khác ghé ạ?"
Ông Văn, người ngày xưa từng làm trưởng khu, ông sống trong căn nhà ba tầng cách đây hai con ngõ. Dương Nguyệt cũng chả thấy ông ấy và bà Liễu nói chuyện bao giờ, không ngờ hôm nay ông lại tới thăm. Cô thầm cảm thán ông là cán bộ về hưu đã bao năm mà nay còn nhiệt tình với người dân như thế.
Ông Văn hơi bối rối, nhưng cũng nhanh chóng gật đầu chọn ở lại. Đôi chân hơi run run phải dựa vào gậy chống mới có thể bước qua thềm cửa.
Dương Nguyệt thu gọn sách vở, mời ông ngồi, còn rót ra một cốc nước lá vối xanh mát. Ông cụ rón rén bưng trà, nhấp một ngụm, mắt vẫn dán chặt trên người bà cụ già đang say ngủ. Bà Liễu trở mình, chẳng hiểu sao ông Văn giật thót đánh rơi chiếc cốc vỡ choang.
"Ông cứ để đó đi ạ, để cháu dọn." Dương Nguyệt nói rồi nhìn về phía giường sợ bà tỉnh giấc. Rồi cô chạy xuống bếp lấy chổi xẻng lúi húi dọn xong lại quay đi đổ rác.
Bởi phải buộc gọn túi sợ mảnh sành rơi ra nên cũng mất chút thời gian. Khi quay trở lại phòng khách thì ông Văn đã không còn ở đó nữa. Nhíu mày khó hiểu không biết tại sao ông lại đi vội vã, nghe tiếng húng hắng ho của bà Liễu cô liền ngoảnh mặt quay sang.
"Tiếng vỡ cốc làm phiền bà tỉnh phải không ạ? Cháu xin lỗi, khi nãy có khách vào thăm nhưng chẳng hiểu sao lại về rồi ạ."
"Ừ!" Giọng bà không nặng không nhẹ. "Lần sau ông ấy đến thì đừng cho vào."
"Dạ!" Dương Nguyệt cúi đầu. Trước kia bà Liễu gần như không tỏ ra thân thiện với những người đàn ông trong khu này, cô cũng biết. Mà dạo gần đây dường như bà đã cởi mở hơn, các chú bác đến thăm cũng không lạnh lùng đuổi khách nữa nên cô mới nghĩ ông Văn không phải là ngoại lệ.
Trầm ngâm một lát, bà Liễu hỏi lại.
"Cháu không thắc mắc tại sao bà lại bảo thế ư?"
Cô chẳng phải người hay có tính tò mò, nhưng bà nói thế đoán chừng có tâm sự. Xưa nay bà hiếm khi kể chuyện của mình mà chỉ toàn lắng nghe cô trút bầu tâm sự. Hoàn cảnh của bà cô chẳng thể nào đoán được, cũng chưa từng hỏi vì sợ bà có nỗi niềm không vui. Nghe bà hỏi vậy Dương Nguyệt cảm thấy băn khoăn. Ông Văn rất hiền lành và tốt bụng, cả khu này ai cũng quý mến và kính trọng ông, một người chồng người cha mẫu mực, một cán bộ hết lòng vì nhân dân. Chỉ có mình bà là ghét ông ấy. Lẽ nào có ẩn tình gì đó trong mối quan hệ của bà và ông Văn sao?
Đúng như Dương Nguyệt dự đoán, bà Liễu vời tay bảo cô ngồi xuống giường, đôi mắt bà trầm ngâm nhìn qua những song cửa sổ, trí nhớ như trở về quá khứ xa xăm. Bà bắt đầu kể chuyện. Dương Nguyệt dỏng tai nghe chăm chú.
Đã từ lâu, rất lâu rồi... khi đất nước chưa hoàn toàn giải phóng, những mảnh bom đạn chiến tranh còn rải khắp vùng đất quê hương. Cô quân y Nguyễn Thị Liễu còn chưa đến đôi mươi, mang trong mình nhiệt huyết sục sôi của tuổi trẻ, quyết cống hiến hết tuổi thanh xuân vì nền độc lập hoà bình của dân tộc. Trong một lần viện trợ cho quân đoàn 4, vài thương binh tình hình nghiêm trọng không kịp theo đồng đội hành quân đã phải tạm dừng chân tại đội quân y Hồng Thập Tự. Cô Liễu là người trực tiếp chăm sóc cho một người chiến sĩ, ông ấy có tên là Lê Văn.
Thuở đó bệnh viện dã chiến y cụ thô sơ, những thứ thuốc gây tê gây mê rất chi là thiếu thốn. Nhiều chiến sĩ không chịu nổi đau đớn luôn miệng kêu bác sĩ tiêm cho một liều để chết đi còn hơn. Chỉ duy có anh Văn lúc nào cũng sảng khoái tươi cười, chắc mình cô Liễu biết bệnh tình anh ấy có bao phần nghiêm trọng. Khi phải làm phẫu thuật sống gắp những mảnh đạn ra. Không thuốc gây tê, tự mình cảm nhận con dao đang từ cắt sâu vào da thịt, anh Văn chỉ xin cô một điếu thuốc, miệng nhả khói phì phèo đôi lúc còn ngâm nga hát một khúc ca, hay là mở miệng nói giọng bông đùa.
"Có phải em là bác sĩ giỏi nhất đoàn không? Cắt thịt ngọt quá anh chả thấy đau gì cả."
Băng xong miệng vết thương cô Liễu mới dãn cơ mặt ra cười, lại bị anh trêu tiếp:
"Phải cười như em này mới xinh. Bác sĩ nghiêm túc quá cũng làm bệnh nhân sợ."
"Em chưa phải là bác sĩ, nhưng đoàn quân y thiếu người cho nên là..." Đây cũng là lần đầu tiên cô phẫu thuật gắp đạn, may mà thành công. Cũng nhờ sự bình tĩnh của anh chiến sĩ giúp cô có thêm động lực. Chàng trai này thật khiến cho người ta có nhiều thiện cảm.
Những ngày sau đó chăm sóc chờ bệnh nhân phục hồi, hai người lại có nhiều cơ hội nói chuyện với nhau nhiều hơn. Thế cô Liễu mới biết mình và anh Văn là đồng hương, tuy khác huyện nhưng cũng cùng một tỉnh thành. Nơi phương xa gặp người cùng quê cũ lại càng khiến cho họ mở lòng với nhau hơn, dẫu biết chiến tranh không có chỗ cho yêu đương nam nữ nhưng bom đạn vô tình không ngăn được hạt mầm đang nảy nở trong tim.
Khói lửa chiến tranh khiến tình yêu không trọn vẹn. Sau khi vết thương không còn nguy hiểm, đêm cuối cùng trước khi anh Văn trở về đơn vị họ vội vã trao nhau những nụ hôn, những cái ôm ấp áp, hay thậm chí cả là dâng hiến trọn vẹn cơ thể cho nhau. Không biết tương lai ra sao nên họ đã sống như thể ngày mai là ngày cuối của cuộc đời. Lúc chia ly không hề có một dòng nước mắt, chỉ có hai nụ cười và lời chúc bình an. Anh Văn vẫy tay chào và nói:
"Hẹn gặp nhé, tại mảnh đất quê hương!"
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip