# 27 - Hoa bay về trời

Đêm khuya, tiếng dế kêu vẳng vẳng từ những lùm cây thấp vọng lại. Trong căn phòng nhỏ ấm cúng với ánh đèn màu vàng nhạt, có một bàn tay già nắm lấy một bàn tay gầy guộc nhăn nheo. Người đàn ông ngồi đó nhìn người phụ nữ từng là của đời mình. Người phụ nữ mắt nhắm nghiền, chỉ có tiếng thở khò khè đứt quãng là báo hiệu người ấy vẫn còn đang tồn tại. Nhưng liệu bà ấy có thể nghe thấy những lời ông tâm sự hay không?

Dương Nguyệt lánh vào một góc nhỏ, cặm cụi mở khung vải ra thêu. Gần xong rồi, cô muốn hoàn thành nốt món quà tặng bà. Là một cành liễu rủ bên hồ thơ mộng, từng chiếc lá đu đưa trong gió như sức sống của người thiếu nữ mùa xuân. Tiếng thì thầm khàn đục của người già lúc to lúc nhỏ, bập bà bập bõm lọt vào tai cô.

Dương Nguyệt thở dài. Mối tình của ông Văn và bà Liễu không biết có gọi là nghiệt duyên hay không đây? Bởi lẽ họ có duyên nhưng không có phận.

Người phụ nữ mà bà Liễu nhìn thấy ông sánh vai trong ngày cưới là bạn thân từ nhỏ của ông, ông coi như em gái thôi chứ chưa từng có tư tưởng nào khác lạ. Chẳng qua bà ấy ngày xưa trẻ người non dạ, tin phải người không đáng tin, đến lúc có bầu thì kẻ khốn nạn kia bỏ đi mất hút. Ông không đành nhìn bà ấy bị xóm làng chửi rủa nên đứng ra nhận thay. Chờ tới khi đứa bé chào đời và cứng cáp thì hai mẹ con bà ấy sẽ rời đi xa để làm lại cuộc đời. Trong lúc nguy cấp ông chỉ nghĩ được vậy, cũng chẳng còn cách nào hơn. Chỉ là sau khi gặp lại người mình thương thì người ấy không còn thương ông nữa. Mãi sau này khi gặp lại đồng đội cũ của cô Liễu thì ông mới biết được sự thật đau lòng. Hoá ra trong lúc mải lo lắng cho con của người thì ông đã đánh mất đứa con của mình mà không hề hay biết. Chẳng trách bà Liễu hận ông như thế.

Dương Nguyệt tự hỏi, rõ ràng là đời họ còn dài, sao lúc đó ông không nói rõ mọi chuyện với bà, để bây giờ khi người xa trời gần đất mới chịu kể ra đây?

Ông Văn lại một lần nữa nói lời xin lỗi, giọt nước buồn đọng nơi khoé mắt già nua. Rất nhiều năm trước khi biết được sự thật về bà Liễu thì ông đã hứa chăm sóc vợ hờ của mình và con cô ấy tới cuối đời rồi. Cũng bởi nghĩ bà Liễu không còn yêu mình nên ông cũng nhận đại vợ hờ là vợ cho xong. Chính sự ràng buộc này đã khiến ông không thể quay lại được nữa, cho nên chỉ đành âm thầm chăm sóc cho bà Liễu từ xa dù bà chẳng bao giờ muốn nhận, giống như bây giờ chắc bà cũng chả thèm nghe lời ông thú tội ra đây.

Không phải. Bà Liễu có nghe thấy. Đôi mắt bà chợt mở to nhìn ông, nhưng chỉ một giây đó thôi rồi vội vàng nhắm lại, một giọt nước mắt lăn xuống qua khoé mi, môi bà khẽ nở một nụ cười rất nhẹ rồi thanh thản ra đi...

* * *

Bà Liễu qua đời.

Không bà con thân thích, ông Văn lấy tư cách trưởng khu cũ đứng ra tổ chức đám tang. Xóm giềng không đông nhưng ai cũng có mặt. Có lẽ Dương Nguyệt là người buồn nhất. Giống như mất đi một người thân trong đời vậy. Trong lúc cô bận rộn việc đám thì ông dượng quý hoá đã đem chiếc xe đạp của cô đi bán. Dương Nguyệt cũng chả còn sức mà bận tâm nữa. Căn nhà của bà Liễu là chính sách xã hội nên bị thu hồi. Đồ đạc trong nhà bà không nhiều nhưng đối với cô đầy ắp kỉ niệm. Cô không được mang theo mà cũng chẳng thể đem theo. Dù biết trước là ngày này cuối cùng cũng sẽ đến nhưng cô vẫn không thể ngăn cản được trái tim nghẹn ngào.

Quãng thời gian sau khi bà Liễu không còn, Dương Nguyệt đã trầm nay còn ít cười hơn trước. Nhóm bạn biết nên cũng tìm cách an ủi cô nhiều. Nhưng cô chỉ biết nói rằng không sao đâu, vết thương nào rồi cũng dần khép lại.

Minh An gặp bà Liễu không ít lần, cô bạn cũng quý bà ấy. An bảo bà có một nét gì đó giống bà ngoại. Mặc dù hai người có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau nhưng cũng đều sống cảnh không chồng. Nhưng may mắn cho bà ngoại An là dù ông ngoại hy sinh ngoài chiến trường nhưng tình yêu của ông thì còn mãi, chính nó đã thắp lửa cho bà mạnh mẽ sống vì cháu vì con. Bà Liễu thì đáng thương hơn, nhưng những năm tháng cuối đời cũng đã có Dương Nguyệt bầu bạn, coi như là hạnh phúc mà ông trời bù đắp lại cho bà.

Mỹ Anh không muốn tinh thần mọi người chìm xuống nữa nên bắt đầu chuyển chủ đề thảo luận về lựa chọn trường đại học cho tương lai. Người nói sẽ đi du học, người bảo muốn biết cuộc sống thủ đô, còn người thì sẽ ở lại thành phố Hải Phòng này để không phải xa cha mẹ.

Thấy kha khá bạn lựa chọn lên Hà Nội thi, Dương Nguyệt cũng bắt đầu suy nghĩ. Đúng là từ trước đến giờ cuộc sống của cô luôn quẩn quanh ở phạm vi nhỏ hẹp, nơi thân thuộc nhất là nhà bà Liễu và mái trường thì một nơi không còn và một nơi cô sắp phải rời đi. Cô có muốn ở lại đây không? Câu trả lời tất nhiên là "không", căn nhà của dì dượng vốn dĩ không phải chốn thuộc về cô, mà cô cũng không muốn ở đó thêm nữa. Mảnh đất Hải Phòng này không còn có thể giữ chân cô được nữa rồi. À không, vẫn còn nữa chứ, đó là nơi Hoàng từng sinh sống, nếu một ngày cậu ấy trở về thì cậu ấy có muốn tìm cô không? Thế nhưng nhớ lời bà Liễu nói trước lúc ra đi, "hứa với bà, hãy làm một cánh chim tự do, đừng vùi tuổi thanh xuân nơi mảnh đất cằn cỗi này", cô lại càng củng cố thêm quyết tâm của mình. Có lẽ đó vẫn là quyết định sáng suốt nhất. Đi hay ở? Chắc chắn là đi!

* * *

Những ngày tháng sáu oi nồng như hút hết khí lực của đám sĩ tử phòng thi. Khi tiếng chuông reo kết thúc thì chúng như mảnh diều rũ rượi sau trận đấu gió tả tơi liền nằm ôm lấy đất. Dù kết quả có ra sao thì đây cũng là lúc bọn trẻ nghỉ xả hơi.

Nhóm Thất cung mỹ nữ và An ca tranh thủ hẹn hò đi chơi vài bữa trước khi không còn đầy đủ thành viên như bây giờ nữa. Dương Nguyệt đã vui vẻ hơn trước rất nhiều, nghĩ tới những mục tiêu phấn đấu trong tương lai cô càng có thêm quyết tâm nghị lực.

Thế rồi có sự thay đổi trong chuyến hành trình của nhóm bạn. Tự nhiên Minh An biến mất, không thèm liên lạc tin tức với mọi người, tiếp đó là Mỹ Anh cũng thông báo vào Sài Gòn học để thực hiện giấc mơ. Nhóm lên Hà Nội rút xuống từ năm người giờ chỉ còn có ba. Sau đó thì Thu Yến vì lỡ dính bầu phải chạy cưới nên cũng từ bỏ luôn sự nghiệp học hành, chỉ còn An Hoài và Dương Nguyệt sóng vai nhau lên thủ đô hoa lệ.

Ngày đón chuyến tàu đầu tiên đi Hà Nội, hành trang mang theo không có nhiều nhặn gì, một nửa trong số đó là những kỉ vật Dương Nguyệt không thể nào để lại. Tất nhiên dì và dượng không thích quyết định này của cô. Họ sợ cô đi thì không ai trụ lo kinh tế. Từ khi nào thì cô phải gánh vác cái gia đình này hả trời. Tất nhiên với vai trò không phải cha mẹ thì những lời khuyên của họ đối với cô không có trọng lượng gì lắm, nhưng với tính cách của mình cô vẫn hứa sẽ cố gắng đi làm thêm để gửi về phụ gia đình. Dẫu sao thì họ đã cưu mang cô từ khi tấm bé, một ngày cũng là ơn, một đời cũng là ơn.

Trường của Dương Nguyệt và An Hoài nằm ở hai phía khác nhau của thành phố, nên rốt cục hai đứa chẳng thể thuê trọ chung như dự tính ban đầu. An Hoài vì chạy theo người tình trong mộng của nàng ấy mà thi vào một khoa khó nhằn, suýt nữa thì không đủ điểm đỗ. Dương Nguyệt chọn khoa Kinh tế, với suy nghĩ khá thực dụng là ngành này dạy cách kiếm tiền. Ai cũng bảo cô hiền lành không hợp với ngành này đâu, nhưng cô chỉ nghĩ rằng hãy thử sức với cái không chuyên của mình xem sao, chưa cố gắng sao biết không làm được?

Sau khi hoàn tất thủ tục nhập học và đăng kí ở trong kí túc xá thì Dương Nguyệt có cả nửa ngày rảnh rỗi trước buổi tập trung lớp đầu tiên. Thăm thú Thủ Đô lần đầu gặp mặt, tất nhiên cô sẽ làm điều đó rồi. Nhưng bỗng cô chợt nhớ tới mảnh giấy vẫn cất cẩn thận trong túi, lật mở ra xem, Dương Nguyệt thử gọi điện cho chị Nguyệt Cầm.

Chuông đổ vài hồi thì có người nhấc máy. Chị Nguyệt Cầm reo lên to tới mức Dương Nguyệt phải để điện thoại thật cách xa tai. Chị rất vui khi cô lựa chọn Hà Nội là nơi bước tiếp, và chị càng vui hơn nữa khi biết trường của cô cách khu nhà chị không xa. Thế là chị hò hét hẹn gặp cô ngay trong hôm nay cho bằng được.

Gặp lại chị Cầm sau một thời gian xa cách. Một bà chị kiêu chảnh ngày nào nay có thêm vài nét dịu dàng đằm thắm. Trông chị như vậy lại càng đẹp hơn, chắc chồng chị thương chị phải biết. Không những thế giờ chị còn là mẹ tương lai của hai đứa trẻ. Chị chỉ vào cái bụng to tướng của mình và cười với Dương Nguyệt:

"Chắc hai tháng nữa là bọn nhóc này chào đời. Chị đang lo sốt vó tìm người quản lý cửa hàng đây này. Tuyển mấy người mà chả đứa nào chị ưng. May sao em lại tới."

Dương Nguyệt rất vui khi chị vẫn giữ được thương hiệu của mình, cửa hàng của chị lại càng phát triển to hơn trước. Có thêm nhiều nhân viên phụ chứ không phải chỉ mỗi hai chị em làm như dạo xưa. Giúp chị trông coi cửa hàng cũng tốt, cô cũng đang định kiếm việc làm thêm đây. Vừa hay ông trời lại cho cô cơ hội.

Chị Cầm giữ Dương Nguyệt ở lại nhà ăn bữa tối. Hai chị em rất vui, có bao nhiêu chuyện muốn kể cho nhau nghe. Chị hỏi về cuộc sống của cô sau khi chị ra đi như thế nào? Có ai bắt nạt không? Có nhớ cười nhiều như chị dặn không? Chị bảo cười nhiều thì cuộc đời mới hạnh phúc, niềm vui mới chen nhau ập tới.

Chị còn hỏi thăm về Hoa Băng, biết cô ấy đi du học chị cũng mừng. Gia đình Hoa Băng có ơn với gia đình chị, mà cũng chính Hoa Băng cũng có ơn với chị, suốt đời này chị sẽ mãi không quên.

Rồi chị kể về những ngày đầu tiên lên Hà Nội, với cái tính hổ báo của mình xém nữa chị choảng nhau với mấy bà ở chợ, cái tội dám coi khinh người tỉnh khác, đã thế lại còn bán chẹt nói điêu, tưởng chị là con nhà quê chân đất mắt toét dễ bị bắt nạt chắc. Dần dà thì chị tém tém bớt lại rồi, dẫu sao những người đó đã biết nhìn chị thì phải cư xử tử tế hơn nên chị không thèm chấp. Chị còn chỉ cho cô vài chiêu kinh nghiệm sống, dặn cô đừng hiền quá kẻo người ta cưỡi lên đầu. Con gái Hải Phòng không được để người ta bắt nạt nghe chưa? Dương Nguyệt cười hì hì, gật đầu thì gật chứ chả biết cô có làm theo lời chị được không. Dù sao mỗi người một tính, và hơn nữa không phải ai cũng xấu mà mình phải dằn mặt từ đầu đâu?

Chị Cầm luôn biết cách tiếp thêm cho cô động lực, chị là người lạc quan, luôn tìm thấy thách thức trong khó khăn. Có chị bên cạnh thế này, Dương Nguyệt cảm thấy yên tâm hơn khi bước trên con đường mới...

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip