Mưa Trong Lòng
Con đường dài tối đen như mực, lộ xá còn đầy ổ gà ổ vịt, dở lắm! Hai bên đường cây cối thì um tùm, phía bên cánh tay phải nhìn qua là con sông. Sông nó chảy, chảy hong biết tới phương trời nào nữa. Ban nảy gió thổi hụ hụ, mấy cái cây um tùm đó ở hai bên lề đường vặt qua lộn lại, xì xào, rồi cũng nhỏ giọt mưa. Còn cái nhà le lói ánh đèn, men theo cái đường gạch đá lổm chổm, bùn sình lầy lội này là tới cái nhà đang cháy đèn đó.
Đi ngang qua đây, hầu như lần nào ai cũng nghe tiếng hát hò, tiếng cười, tiếng khóc, cứ lẩn quẩn, phát từ trong nhà này ra. Nay mưa lớn, nên ở ngoài chắc nghe hỏng có rõ.
Mưa càng lúc càng nặng hạt, nay coi bộ mưa lớn. Chú Sơn thấy lo cho hàng bông vạn thọ mới trồng hồi sớm mơi, còn yếu xìu, mưa kiểu này chắc chết bà hết rồi.
Ngồi trên cái ghế đẩu, trên cái bàn tròn, quớ tay rót miếng trà thơm, nhấp môi. Coi bộ mưa này mà uống miếng nước trà ấm ấm là êm cái bụng, ngủ chắc nó đã dữ lắm. Nhưng biết có ấm cái bụng lên không, chớ mà tim gan lạnh ngắt, biết có an lòng mà ngủ không, chớ mắt cứ nhìn đăm đăm về trời đêm đen trước ngõ kia, tai cứ văng vẳng nghe cái câu hát hò cà ngắt cà ngắt bên trong "Ơi hò ơi, con ơi con ngủ cho ngoan, ngủ cho ngoan... ờ ơ... Gió mùa thu mẹ ru con ngủ... con ngủ... ngủ đi con".
Mưa tạt vô cái hàng ba, lấm tấm, ẩm ướt hết cái áo, mà chú Sơn cứ thơ thẩn thẩn thờ, có phải là trùng hợp không? Đêm nay sao giống đêm đó quá...
Chợ nay hong biết sao thấy cũng còn đông, tính ra chiều tàn rồi mà vẫn còn người qua người lại mua đồ ăn. Chú Sơn cũng được nhiều cuốc, tài xế xe ôm ở cái xóm này cũng lâu rồi, chiếc xe cũng cà tàn cà tạ sửa lên sửa xuống, nhưng cái nghề này nuôi hai vợ chồng với đứa con hai tuổi của ổng.
Nay đắc khách, kiếm cũng bộn hơn mọi bữa, nói chớ cũng chở miễn phí hết mấy cuốc rồi. Nhà không có giàu tiền, chớ ổng giàu tình cảm lắm, ai khổ mà cần đi đâu gấp đó, được là ổng chạy miễn phí cho luôn.
Rồi chú Sơn ghé chỗ dì hai Biển mua mớ sò huyết dìa xào me, bồi bổ cho đứa con gái ốm nhom ốm nhách, mà ai cũng la nhỏ suy dinh dưỡng.
Trên đường về gặp thằng nhỏ chừng tám chín tuổi, thấy nó khóc quá chừng khóc, hỏi sao, nó nói nó để lọt cọc vé số đặng mơi bán ở dọc đường, trời ơi mới bây lớn mà đi bán vé số kiếm cơm rồi. Thấy tội, chú Sơn với thằng nhỏ đi kiếm cọc vé số. Mèn ơi, kiếm được cọc vé mà hai chú cháu mừng thấy mồ, chú Sơn mua giúp hội thằng nhỏ luôn ba tờ. Rồi chạy dìa, tầm này trời cũng chiều sập tối rồi, về hơi trễ.
Về tới nhà, thấy cô Thủy đang đưa con nhỏ ngủ trên cái võng trong nhà, tiếng ru con văng vẳng ngoài hàng ba. Chú Sơn giơ bọc sò huyết lên khoe với vợ, cô Thủy ra dấu là im cho con nhỏ ngủ, rồi khe khẽ kêu chú ra sau rửa đi, rồi cô ra mần.
Nhẹ nhàng ra sau ngâm nước cho mấy con sò nhả cát ra, rồi mới chà, ra đằng sau nhà hái mấy trái me đem vô. Trời ơi nay coi bộ lời, bởi dì hai sắp dọn sạp, mà chú Sơn lại mua nên bả khuyến mãi hết đặng đi về.
Ở đây cô Thủy để con bé nằm ên ở võng, cô ra sau mần đồ ăn.
Biết vợ thích ăn sò huyết lắm, ngặt nổi cuốc xe hong có nhiêu, nay chạy nhiều nên có chút đỉnh mới mua được miếng đồ ăn sang này, chủ yếu cho vợ ăn, chớ con bé nhỏ xíu ăn được nhiêu đâu hà.
Tối đó trời mưa, mưa lớn lắm. Gió thổi hù hụ, vách nhà hên mà mới sửa hôm hổm, chớ không tạt nước ướt nhẹp hết. Mưa càng nặng hạt, mấy cái cây tùm lum từa lưa trước nhà cũng chống chịu dữ lắm để qua cơn này. Trời rầm hai ba cái nghe mà ớn ớn.
Ngồi ở trước, nay thấy hơi bần thần trong người, hong biết sau nữa, cứ ngó ở ngoài trời tối mịt mưa rơi đó, chú Sơn nhấp ngụm trà tối cho ấm cái bụng.
Bỗng tự nhiên nghe tiếng khóc, ông chạy vô nhà thì thấy con bé con chú khóc rồi ói quá chừng. Có khi nào ăn sò huyết hỏng tiêu hong, nhìn mặt đứa nhỏ hơi oải lắm, nó khóc rồi ói, mặt đỏ đỏ, chắc tại rặn khóc rặn ói, tay chân thì nắm chặt, thấy xót quá, chú Sơn đi lấy cái áo khoát bận vô để đưa con nhỏ đi trạm y tế khám coi có sao không.
Bận xong cái áo thì nghe tiếng ai đó vừa khóc vừa la, xông vô nhà.
Chú Sơn với cô Thủy cũng chưa biết gì xảy ra, một người phụ nữ nhỏ hơn cô Thủy tầm sáu bảy tuổi gì đó, ẳm đứa nhóc nhỏ chừng đâu một tuổi. Chị ta mình mảy ướt nhem, quần áo xộc xệch, cũ nhèm, vá nhiều chỗ lắm, đầu tóc rối bời, trên tay bồng, lấy đứa nhỏ, đứa nhỏ thì được che bởi cái bao cám còn không được lành lặn nguyên một cái, chị ta khóc nấc, xin chú Sơn giùm chở thằng nhỏ đi trạm khám bệnh, nó sắp chết rồi anh ơi, em lạy anh cứu con em với.
Nhìn lại thì đây là Hồng, nhỏ này số khổ, cách đây một con đường sình bùn cả cây số. Chị Hồng từng có chồng ở đâu miệt dưới, cha mẹ không còn, cưới được thằng chồng nghe đồn cũng tốt lắm, nhưng ai biết được chữ ngờ, lấy dìa bị chồng đánh miết, hôm nó xỉn ngất cần câu nó đánh chị đợt đó sống chết, sống không nổi mới đành bỏ chồng, bỏ luôn đứa con gái mới vô lớp một mà lang thang, rày đây mai đó. Trên đường đời vô định đó, một đêm không sao, khuyết trăng chỉ gặp mấy thằng xỉn rượu. Tới cái miệt này thì đẻ được thằng nhỏ, cha thằng nhỏ là ai thì chị còn không biết mặt. Coi ra sao mà khổ quá!
Nhìn quay qua đứa nhỏ thì thấy nó tái mét, tiếng khóc không lớn nổi, thở cũng khó nữa, nhìn run, giật thấy mà thương, điệu này chắc sốt cao. Không vô trạm là chắc thằng nhỏ chịu không nổi.
Quay qua thấy vợ cũng ẳm đứa con gái cũng đang bệnh, khóc dữ lắm, vợ chú Sơn cũng thấy đau lòng cho thằng nhỏ con chị Hồng, mà con mình thì phải lo hơn rồi, cô kêu chú Sơn chở con gái đi trạm trước rồi hẳn chở chị Hồng, chớ con mình cũng nguy dữ lắm mà.
Thấy con mình mà xót ruột, nhưng thằng bé kia lại nguy hơn, hong lẽ thấy chết mà không cứu, con mình lâu lâu cũng hay ói, có điều không như hôm nay thôi, chắc không sao, cứu mạng trước cứu bệnh sau. Chú nghĩ vậy.
Chú Sơn nói thôi để chở chị Hồng đi trước, thằng bé sợ trễ chút là qua không khỏi. Cô Thủy kêu hết lời, nhưng cái lòng nhân ái của chú Sơn trỗi dậy thì ai mà cản được. Vậy là chú chở chị Hồng với đứa nhỏ đi ra trạm, trạm cách đây cũng bảy cây mấy.
Trên đường về hối hả chạy, tiếng xe tạch tạch với tiếng mưa nặng hạt, vang động con đường tối om, chiếc xe tàn với ánh đèn le lói, chú Sơn ráng chạy về nhanh để rước con mình đi khám bệnh.
Con đường đen thui, mưa tán rát cả mặt, đường thì xìn đá, nay lại mưa khó đi. Ánh đèn mờ mờ rọi đường. Mắt lòe nhòe, chú thấy được một người đàn bà, dáng người nhỏ con, đội cái nón lá, ôm cái gì đó trên người, che cái miếng bạc lên mà chạy, cứ chạy tới, chạy tới. Chú cũng bất ngờ bởi giờ này, đường này ai mà chạy bộ được như vậy, hơn nữa là hỏng có dép, đừng đá này đau chân lắm mèn ơi, rồi trơn trượt, chắc là gấp lắm, mới đi như vậy. Chú định chạy tới dừng xe mà hỏi. Trời ơi trời! Vợ chú, cô Thủy, vừa khóc vừa chạy, miệng kêu cố lên con ơi, rồi la cứu, kêu chồng ơi, nhưng ai mà nghe được trong cái đường heo hút này, chân cô đá đâm, rạch đâu chảy máu từ lúc nào không biết nữa. Chú Sơn thấy vợ mà rối bời.
Lúc chú vừa đi chút xíu, con bé nó ói rồi sặc sụa, nó thở dốc lắm, rồi dần tái mét cái mặt, mắt đứa bé lờ đờ, nó khóc như không muốn nổi, nhưng cố khóc lên, đứa trẻ mệt lắm, thấy con khó thở, khò khè, cứ ôm bụng. Bãi ói của con nhỏ là do sò huyết hay sao mà có máu? Nói chung là nguy rồi, cô Thủy thấy vậy chịu không nổi cô gấp rút ôm con chạy nhanh, hết sức bình sinh mà ẳm con đi cấp cứu, trong màn đêm tối tăm mù mịt...
Vừa tới cổng trạm, cô vội vội vàng vàng đưa con đi vào khoa cấp cứu.
Con bé đã ra đi trước khi tới trạm rồi! Không phải khó tiêu như bình thường, mà ai biết được do con bé đối mặt với căn bệnh ung thư dạ dày. Ác! Con bé...
Khoa cấp cứu hôm đó, không phải là tiếng khóc đau của con bé, mà là tiếng khóc thương thấu trời của người mẹ, người mẹ bất lực! Mưa ơi đừng rơi nữa, lạnh lắm rồi, con tôi lạnh lắm rồi, lòng tôi lạnh lắm rồi.
Cô Thủy khụy ngay xuống cửa khoa cấp cứu, đứa con gái 2 tuổi nằm trong vòng tay cô, nó nằm ngoan ngoãn, không khóc la nữa, ngoan nhất từ trước đến giờ, con bé im ru, nhắm đôi mắt nhỏ bé, nằm trong vòng tay mẹ, nó thin thít, chỉ có điều mặt con bé bây giờ tái mét, không còn vẻ đỏ hồng, chỉ có điều con bé...
Trời lạnh lắm, nhưng chắc em ấm lắm, vòng tay mẹ ấm lắm cô bé ơi!
Chú Sơn chỉ biết đứng trời tròng đó mà nhìn cái cảnh này, chú như vỡ ra, tay chân cứng ngắt lạnh băng rồi, nước mắt chú hay nước mưa mà ướt cả mặt mày, mắt chú đỏ ngầu, bần thần mà nhìn, trời ơi! Cái gì đây hả trời! Chú Sơn phải nói là không còn biết trời trăng mây gió gì cả. Đứa con gái tôi, vợ tôi? Mọi thứ đến với chú là một cú sốc cực kì kinh hoàng, không thể, và không muốn tin được sự việc xảy ra trước mắt này nữa. Rồi chú hoảng loạn và hét lên với trời, với mưa, với gió.
Khuya rồi, tiếng gió hú âm u, màn đêm giăng phủ ngập lối, ánh đèn trạm y tế cũng không đủ soi sáng cho một gia đình vừa bao trùm bởi một màu đen thăm thẳm. Chắc đèn cũ lắm, cứ nhấp rồi nháy hoài. Tiếng mưa rơi hay tiếng khóc ai vang trong một đêm giông buồn lắm, buồn lắm trời ơi!
Con gái tôi đâu rồi?
Lủi thủi một mình trong căn nhà vắng bóng tiếng trẻ, và vắng bóng vợ. Từ hôm đó vợ chú đã đi đâu không biết nữa, và lúc nào cũng chẳng biết đâu.
Cô Thủy nhớ con mà muốn đi, cứ đi để quên con, và quên đi một con người bao đồng ác độc, con người vì con người khác mà để con mình về nơi xa đó. Có đáng làm cha? Làm chồng không? Hả?
Rồi trời xui đất khiến cũng quay trở về con đường cũ, con đường mà hôm đó không dép, mưa tuôn, cô ôm thiên thần nhỏ bé đang dần bước vào cánh cửa tử, vô vọng kêu ai đó và chờ chồng về nhưng không được, và cô không quay về từ đó, cô phải đi. Giờ cô về, cô lê bước, trước ngõ cô về nhà với thân hình tàn tạ, điên loạn, về lại với chú Sơn.
Thắm thoát cũng gần một năm trời, nhưng ai cũng khác. Không ngờ cô Thủy cũng rộng lòng mà về mái nhà này một lần nữa. Hoặc cô bị buộc phải về đây?
Nhớ hôm đó cô tuyệt vọng và đi. Bằng một cơ duyên nào đó, một ngày rong rủi cô đã gặp được ông Cảnh. Ừa cô cũng từng có một người chồng cũ, cô sống với anh chồng đó được một thời gian và...
Nhưng chồng cũ bây giờ không như lúc bỏ cô đâu. Trong lúc cô tuyệt vọng, như một con người khùng loạn đầu đường xó chợ, lại có người đàn ông dang tay ôm cô vào lòng và đưa cô về nhà. Cô không còn biết quá khứ của mình và ai đó như thế nào, bởi điều cô cần bây giờ là sự ấm áp, tình thương, gia đình. Cô và chú Cảnh quay lại với nhau.
Không biết đã xảy ra chuyện gì và tồi tệ thế nào ở trước đây, buộc cô và chồng phải chia tay, để cô gặp được người đàn ông tốt nhất cuộc đời, chăm lo, săn sóc từng li từng tí, luôn mang cho cô sự an toàn và hạnh phúc, nhưng ông ấy lại làm điều tồi tệ nhất trần gian là giết chết con cô, cô hận.
Còn bây giờ sự tự tế, yêu thương đã giúp cô được cảm thấy an toàn và tốt hơn khi bên người chồng cũ. Chồng cũ đối với cô giờ đây còn thương hơn lúc đầu gặp cô, vô cùng hạnh phúc. Đêm đó là đêm động phòng lần hai của cặp vợ chồng này.
Đứa con trai cô chào đời, hôm đó cô sống chết để sanh ra nó, khi nghe tiếng khóc của đứa nhỏ, cô vô cùng sung sướng, giọt nước mắt hạnh phúc rơi xuống khi thấy mặt đứa con trai bụ bẫm, đáng yêu lắm! Cánh cửa hạnh phúc mới, một gia đình mới, một cuộc sống mới và có vẻ tốt hơn đã chào đón cô. Giọt nước mắt hạnh phúc cứ mãi rơi.
Giọt nước mắt hạnh phúc đó, dần cay đắng, đắng cay. Biết không? Chú Cảnh vào phòng hồi sức, và theo đó là một người đàn bà khác, à không, người con gái chứ. Giành con!
Vỡ lẽ, chồng cũ cô chỉ coi cô là người đẻ con cho mình, lợi dụng? Chú Cảnh đã có vợ mới sau khi bỏ cô Thủy, chị gái này đẹp lắm, nhưng không có con được. Bởi để có được đứa con thì ông nghĩ đến cô. Ông ta quăng cho cô một cọc tiền và đưa đứa trẻ mới sinh đi nơi khác.
Mèn đéc ơi! Cái chi vậy? Cô Thủy sốc vô cùng. Giành lại đứa con nhưng không thành, cô sống chết phải giành lại được con, nhưng đứa nhỏ đi theo cha rồi!
Hạnh phúc là cái gì khó kiếm lắm chăng? Sao có những con người lăn lộn sống chết, khát khao và gom nhặt từng mảnh hạnh phúc li ti như hạt cát, rồi cuối cùng cũng chưa hề có hạnh phúc?
Trời! Người đàn bà này không thể nào khóc được nữa, quặng đau thể xác lẫn tâm can. Nhớ con, và nhớ những đứa con, bà la lên thật lớn, khóc và dần điên loạn.
Cô Thủy gào thét, xông ra khỏi phòng bệnh, không biết lối nào là lối của mình, phải đi đường nào đây? Phải chăng trên tỉnh, trên phố xa xôi này đường xá khác với cái miệt khỉ ho cò gáy? Hay là do lòng cô không có con đường cho mình, lối nào cũng mù mịt, bởi mong cầu hạnh phúc và nỗi đau đã che lấp mất con đường của con người này chăng?
Không biết cớ nào cô về được cái nơi mà có chú Sơn đang đợi? Phải chăng ông địa thấy thương mà đưa đường dẫn lối cho về nơi cũ, về nơi bắt đầu nỗi đau để chữa lành nỗi đau.
Chắc chắn chỉ vậy thôi! Chớ mần sao một người đàn bà điên điên khùng khùng có thể biết đường mà về nhà, sau một năm trường trốn tránh?
Kể cũng hay, cái ngày cô về cũng là ngay cái ngày cô đi.
Mẹ dìa nhà rồi, con của mẹ dìa chưa?
Tối đó cũng mưa nữa, mưa lớn lắm, phải trời khóc thương cho cô không? Hay muốn chọc quê làm cho tim gan thân xác cô thêm lạnh, à chú Sơn cũng thêm lạnh.
Đám lá của đống cây um tùm ngoài trước cứ rủ phơ quất quơ, sau nhà lá me, trái me rụng đầy, chua lè một mảnh đất, chua lè một nỗi lòng, chua xót. Lại dòng sông mãi chảy, chảy mãi. Con đường cứ tối tăm mịt mù, gió lao đao bay riết, ầm ì tiếng mưa, mà trong nhà cũng ỉ a tiếng của một người đang ru hò ca hát, hay cười loạn, khóc than.
Một năm nữa rồi, nay cũng mưa nữa, trời canh ngày mà mưa! Muốn nhắc mãi nỗi đau khổ của con người ta hả ông?
Mưa lạnh trong đường khuya tăm tối, hay mưa lạnh trong lòng người không có lối để mà đi? Hả?
Đêm nay chắc thức trắng, trời lạnh, trà nóng, sao bụng dạ lại lạnh ngắt hà!
(Hồng Lăng)
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip