Chương 2
Tây Nguyên thật đẹp, thoang thoảng hoang sơ nhưng thơ mộng và tinh khiết đến lạ thường. Đêm nay mới đầu tháng, ánh trăng như một lưỡi liềm vàng treo lơ lửng giữa nền trời bất động.
Phong đứng đấy, để mặc gió khuya trêu ghẹo mơn man. Anh chắp tay sau lưng, yên lặng trang nghiêm như hộ pháp đứng cầu phật tự. Cái phong thái ấy, toát lên vẻ điềm đạm đến ngang tàng khó có thể gọi tên chính xác. Và dường như trước không gian bao la đó, anh đã quên đi sự tồn tại của chính mình, chỉ đứng đấy yên lặng, thả hồn vào mắt, và dõi mắt vào khoảng không vô định giữa trời sao. Trong khoảng không anh đang muốn uống cho đầy hồn ấy, có một vì tinh tú le lói sáng. Tên nó là Polalix, ngôi sao nửa vạn năm nay người ta gọi là Bắc Đẩu, ngôi sao đã mười mấy năm rồi, anh vẫn thường làm mốc chỉnh hướng khi luyện khí công.
Hôm nay Bắc Đẩu không sáng lắm, nhạt nhoà trong sương như trốn lánh nhân gian, và dưới nhân gian, vạn vật đang hòa tấu một thứ âm thanh lạ. Có tiếng dế nỉ non dạo bản nhạc đệm của PritSvin, tiếng lá sẽ đu đưa theo gió. Rồi tiếng một con chim ăn đêm giật mình đập cánh, nó bay nhanh, dáng nó cắt lên nền trời một bóng đen kỳ lạ...
Phong đưa tay lên má thấy sương ướt lạnh, thì ra đêm đã khuya. Anh lững thững đi về mới thảng thốt nhận ra nơi đây thật đẹp. Trong đầu chợt hiện ra một câu thơ " Đối thử lương tiêu nại nhược hà". (Trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào?). Anh tự hỏi, khi xưa viết câu thơ này trong tù ngục, Bác đã làm thế nào trước cảnh đẹp đêm hôm ấy? Còn anh hiện tại biết phải làm sao? Làm sao, khi mà ngày mai anh đã rời khỏi nơi này. Ngày mai, cái ngày mà Phong đã chờ đợi từ cách đây lâu lắm. Để được trở về nơi nước mặn đồng chua, nơi mẹ anh vẫn cặm cụi hôm sớm bên đàn ngan đàn lợn. Trông mong vậy, nhưng giờ anh thấy mình mâu thuẫn quá. Bởi trước đây, khi biết mình phải gắn bó với nơi này suốt một thời gian, thì chẳng giây phút nào Phong không mong được về bên mẹ. Nhưng lúc này, khi biết mình sắp phải xa nơi đây, lại thấy bâng khuâng lưu luyến đến rịn cả lòng. Điểm một tiếng thở dài, anh lắc nhẹ đầu như muốn xua đi tất cả, hít một hơi rồi rảo bước về khu trọ của mình. Ở trên cao, Bắc Đẩu vẫn lung linh sáng. Đang nói gì với Tiểu Hùng Tinh mà nhấp nháy cười bí hiểm, phải chăng cười anh vì hằng đêm vẫn hướng về chính bắc?
Đêm tan rồi trốn biệt, mặt trời nhô cao dần và ối đỏ trên những rặng cây xanh mướt. Phong nhàn nhã đi bộ quanh khu trọ nhìn ngắm những cảnh vật vốn đã thân quen. Là giáo viên, ra trường tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Phong được bộ điều về đây công tác. Rồi mới chỉ dạy được một năm, lại điều về cho đi cao học. Có lẽ sắp tới anh không còn dạy cấp 3 nữa. Đáng ra được đề bạt thì phải mừng lắm, nhưng chẳng hiểu sao anh lại thấy tiếc nuối vu vơ. Anh thấy nhớ đám học trò ương nghịch của anh tha thiết. Cứ nghĩ đến cảnh phải xa chúng lại thấy buồn buồn.
Bất giác mỉm cười, anh nhớ hồi mình học cấp 3. Ngày học cấp 3 anh là chúa nghịch, nghịch đến mức thành cá biệt của trường. Có lần cô giáo dạy ngoại ngữ phạt anh đứng chép bài cả tiết. Cô là người thành phố, hơn anh vài tuổi vì mới ra trường. Tiết ấy anh vẽ hình bím họa cô cho bõ tức. Cô đang ngậm điếu thuốc, cưỡi một con cóc khổng lồ, bên cạnh là câu phụ chú " Tìm được chàng rồi, chàng cóc đứt đuôi ". Bởi anh được ông dạy cho ký họa, nên vẽ cô giáo bằng bút mực vẫn khá giống. Bức tranh được truyền tay khắp lớp, kể cả cô giáo. Có điều cô không bịt miệng cười như các bạn, mà đỏ hết mặt như Quan Vân Trường. Anh phải mời mẹ đến và bị hạ hạnh kiểm, sau đó tìm cách trêu cô trả nợ. Anh bẫy một con chuột nhắt, đóng thành một hộp quà. Cho nhiều bông vào hộp, để chuột có chạy cái hộp khỏi kêu, mua một bó hoa, rồi nhờ người tặng cô cả hoa cả hộp. Tất nhiên người được nhờ là học sinh trường khác. Hết tiết, cô giáo xuống văn phòng bóc quà, trước sự trước sự ngưỡng mộ của nhiều thầy cô khác. Cái hộp bật ra, con chuột cũng lao ra. Nó chỉ lớn bằng ngón cái, nhưng nhanh nhẹn khỏi chê. Phong chỉ nghĩ rằng, khi con chuột lao ra sẽ làm cô sợ hãi chút xíu, khiến cô xấu hổ. Anh không ngờ con chuột háo sắc, nó lao ra chui luôn vào ngực áo cô. Rồi cứ thế sục sạo tìm chỗ muốn tìm để... trốn. Cô giáo thì vừa sợ, vừa thẹn, vừa nhột nhảy như châu chấu. Vừa la hét quýnh quáng, vừa tháo sơ vin. Rồi nâng cái áo lên cho các thầy mở rộng tầm mắt. Con chuột thấy rồi, nó không cần nữa nên chạy mất tiêu, còn cô thì gục đầu xuống bàn, khóc tỉ tỉ như con nít. Anh biết được ân hận lắm, nhưng có cho anh làm hiệu trưởng, anh cũng không dám thú tội với cô. Cũng may không ai nghĩ anh là tác giả. Hơn nữa, học lực của anh thuộc loại giỏi, nếu không đã bị đuổi "e-nờ" lần rồi.
Ngày ấy cứ một tháng hai lần đều đặn, mẹ phải đến tận trường gặp thầy hiệu trưởng. Không phải đến chơi thăm hỏi cho vui, mà đến để nghe khiển trách của hội đồng kỷ luật. Tuần này con bà đánh nhau làm mấy bạn lớp khác bị thương. Tuần này con bà nghịch ngợm làm một cô giáo phải khóc ở văn phòng. Vân vân và nhiều lắm. Nhưng nghĩ lại anh thường xuyên đánh nhau cũng không hoàn toàn do anh. Thực tế anh đâu muốn, không phải vì lý do nào khác, mà vì sau mỗi lần đánh nhau, ông nội phạt anh đến khổ. Lần thì bê một chậu nước đứng cả buổi ở ngã ba, ai đi qua cũng hỏi. Lần thì cõng cả bao cát, cứ đứng lên ngồi xuống 10 lần thì đi 100 bước... Và lần phạt nào ông cũng đứng giám sát tận lúc được tha.
Những ngày ấy đã xa lơ xa lắc, nhưng anh vẫn thấy rất gần. Vẫn thấy ông mỉm cười nhìn anh, khi gặp việc gì khúc mắc. Ánh mắt ấy của người, vừa cổ vũ động viên, vừa răn đe nghiêm khắc. Và ánh mắt ấy sẽ theo anh, cho mãi đến sau này.
Phong vừa miên man suy nghĩ vừa đi, Anh dừng chân trước một ngôi nhà giản dị, kiểu miền nam. Nhà rộng, nhưng chỉ xây tường mười lại không tô trát. Mái lợp tôn lạnh, phản chiếu nắng mai đang khoe sắc rất vàng. Cửa mở, chứng tỏ chủ nhà đã dậy. Chủ nhà này, cũng là chủ nhà trọ anh đang tá túc. Thực ra, ở trường nơi Phong dạy cũng có một khu tập thể cho giáo viên xa. Nhưng rồi anh dọn ra đây, cùng ở với tụi học trò xa nhà và những người làm thuê lân cận. Bởi khi phải sống trọ anh thích kiểu này hơn. Một pô pốt tập thể như của bà Vôn-ke trong tác phẩm của Ban-zac. Ở đó sống chen chúc từ tên tướng cướp Vốt Ranh, đến ông già Gôriô tội nghiệp, và những học sinh tỉnh lẻ lên Pari học trọ như Rastinhăc, Luy-xiêng-đờ-ruy-ban-pê, tuy nghèo túng, nhưng lòng đầy mơ ước và tham vọng.
Anh bước vào, trò chuyện với chủ nhà, rồi lần lượt đi từng phòng trong khu trọ, chào tạm biệt mọi người. Có mấy đứa bạn học trò, nói chào thầy như chực khóc. Cuối cùng cũng phải đi, một số bạn đồng nghiệp không có giờ, hợp thành đoàn xe theo tiễn. Cả đoàn chầm chậm xa dần, để lại sau lưng những lời rặn dò và mịt mờ bụi đỏ. Trong làn bụi, mấy chiếc xe cứ nhỏ mờ dàn, rồi mất hẳn sau một nếp uốn của đường đồi Đaklak. Trước mặt người ở lại chỉ còn một vệt đường màu thẩm quạnh hiu, vòng ngoằn nghèo trong những lô cao su đang lốm đốm lá vàng.
Phút chốc đến bến xe. Phong lần lượt bắt tay từng người bạn, rồi nhận ghế của mình. Dưới kia các bạn của anh đang lùi dần khi xe chạy. Phong nhìn xuống các bạn, có cái gì chẹn ngang họng anh, và một cảm giác cay cay cứ xộc lên tận mũi. Phải cố gắng lắm mới giữ cho nước mắt đừng tràn. Là giáo viên chuyên toán, chỉ sống với những con số, những đường thẳng và hình tròn, đến giờ Phong mới hiểu và thấm thía hai câu thơ của Chế Lan Viên.
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn’’.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip