Chương 1: Sự tích bánh chưng rán

Đã gần 8 giờ đêm, bên trong cửa hàng GS25 là một bóng người mệt lử vì vừa xếp đồ lên kệ. Tôi nhìn vào gương mới biết được điều đó, nhìn vào trong là một mái tóc ngắn ngô ngố hơi bết do mồ hôi, chiếc áo đồng phục xanh đen bằng cotton lúc này nóng tới lạ thường. Thở phù một cái, bật công tắc giảm điều hoà, tôi lấy chiếc quạt điện mini trong balo của mình ra thổi phù phù lên mặt, thế rồi tôi ngồi xuống chiếc ghế trong quầy mà ngẩn ngơ ngắm bóng đèn.

Đôi lúc tôi cứ hay ngẩn ngơ như thế đó, có lẽ là vì cho đến bây giờ đã hơn hai năm, mà tôi dường như vẫn không thể tin nổi câu chuyện về cuộc đời mình. Đó là từ một đứa học sinh nghèo lo sợ không thể đạt được ước mơ, có lẽ sẽ không thể thay đổi cuộc sống của tôi và mẹ như cách tôi mong muốn nhất mà sau này hóa ra nó lại trở nên dễ dàng và bất ngờ hơn rất rất nhiều, nhờ chính câu chuyện ly kỳ hai năm trước giữa mẹ tôi và bác Na.

Bác Na thì các bạn biết bác ấy như thế nào rồi đó... Ý tôi là sự so sánh khá là hài hước rằng nếu như bạn chìm vào giấc ngủ sau một ngày dài mệt mỏi và mơ về tương lai sáng lạn hơn trong tưởng tượng của mình, thì cũng trong giây phút đó, bác Na và các anh chị nhà bác ấy chắc đang ngồi ngâm chân bằng sữa chua ong chúa và lên kế hoạch để thực hiện những điều "tưởng tượng" của bạn vào ngày mai.

Mặc cho sự tưởng tượng đó chẳng nhằm nhò gì so với cuộc sống của họ, bác Na cũng giàu có là thế nhưng bác vẫn giữ những thói quen khá là giản dị từ lúc còn nhỏ, ví dụ của một trong số đó là đạp xe vào buổi tối.

Bác chỉ có khoảng thời gian này để dành thời gian cho bản thân, ngoại trừ cuối tuần hoặc các ngày đặc thù thì may ra sẽ đỡ hơn một chút. Bác sẽ đạp quanh một vòng thành phố cho đến khoảng 9 giờ. Biệt phủ của gia đình bác ở khá xa, gần ngoại thành nên trong khi bác đạp sẽ có vài chiếc xe ô tô và khoảng chục chú vệ sĩ lái xe ở đằng sau. Sau khi bác đạp xong thì xe của bác sẽ được vác lên một chiếc xe tải riêng biệt hoặc được gấp vào để luôn sau cốp xe, vì bác có khoảng năm mươi chiếc xe đạp nhiều kiểu dáng, thậm chí có thể gấp gọn như cái ván trượt để thay đổi hay sao đó. Và bác sẽ được chở về nhà, được đưa khăn nước, thư giãn bằng phương pháp xông hơi bằng máy khuếch tán tinh dầu.

Nói chung đạp xe là một trong những thói quen mà bác Na yêu thích và kiên trì nhất trong tất cả các môn thể thao mà bác chơi, theo quan sát của tôi trước giờ so với chơi golf hay cờ vây, cờ vua, bida là vậy. Cái thói quen đó sẽ mãi trôi qua êm đềm và đều đặn như thế, cho đến cái buổi tối định mệnh.

Chính là vào đúng buổi tối giao thừa hai năm trước. Đã gần đến giờ về, đường xá hôm đó lại đông đúc hơn bình thường vì người ta đi chơi quá nhiều. Bác Na bỗng nhiên muốn ghé vào chợ Myeongdong chơi nên các chú vệ sĩ đành phải cấp tốc hoá trang, người lạ nhìn vào chắc tưởng ông bố và các cậu con trai chứ không ai nghĩ theo chiều hướng khác đâu á. Các đoàn xe còn lại kia thì rút về, chở cả xe đạp về để bác dạo phố và chỉ còn một chiếc lái quan sát dọc bên đường thôi. Haiz, ai bảo bác Na là một trong những người giàu nhất châu Á với vô số kẻ thù ngầm hoặc ghét công khai chứ.

Bác Na cứ đi dạo mãi ở phố phường như thế, đông vui nhộn nhịp lắm. Có những năm vì công việc hay đi công tác thì bác mới không ghé qua, nhưng hầu như năm nào đạp xe xong mà có thời gian rảnh thì vị Chủ tịch đáng kính cũng đi dạo, thăm thú khắp nơi để đón không khí cuối năm, dễ dàng hoà mình vào mùi thơm của bánh xèo Jeon và thịt bò nướng, hay ngắm nhìn những đứa trẻ đeo mặt nạ Talchum tự chế và khoác khăn vải chạy nhảy quanh con ngõ treo đèn lồng,... Những khung cảnh mà bác muốn trải nghiệm thực sự để gợi nhớ năm tháng tuổi trẻ của mình, chứ không phải những bữa tiệc đối tác xa hoa, chói loà ánh đèn mà bác phải dự tới 5,6 lần một tháng.

Đi được khoảng nửa tiếng thì bác cũng đến cuối chợ, cũng chính là nơi đặt quán bánh chưng rán của mẹ tôi.

Ai mà có thể ngờ được, giữa một rừng chợ đêm Hàn Quốc lại xuất hiện một món ăn truyền thống của Việt Nam. Trước giờ mẹ tôi làm việc tự do, ai nhận gì thì mẹ làm nấy, tự dưng năm đó lại nổi hứng khi vừa được chị chồng chuyển cho mấy thùng đồ Tết, cộng thêm thời điểm này cũng kiếm được tương đối nên mẹ tôi lấy chút đỉnh còn dư, vay thêm chút nữa dựng lên cái mái hàng nhỏ bán chơi này, mẹ tôi bảo hết Tết thì dọn. Cũng là món ăn lạ, hợp trời lạnh nên trộm vía được người ta quan tâm trong mấy ngày nay lắm.

Quay lại câu chuyện chính. Lúc đó đã gần 10h đêm rồi, gần đến giờ dọn hàng, mẹ muốn đón giao thừa cùng tôi nên cũng muốn về sớm. Mẹ kể là lúc ấy mẹ đã gần dọn được một nửa, cũng tưởng sẽ không có khách nữa thì bác Na xuất hiện. Với con mắt tinh tường khi ấy của mẹ tôi thì làm sao nhận ra mỗi phụ kiện trên người bác đều đủ mua được một căn nhà. Đang lúc ngẩn ngơ vu vơ thì mẹ tôi hơi giật mình bởi một câu hỏi:

"Chị à, chị còn bán nữa không?"

"À vâng... Còn chứ, tôi cũng chuẩn bị dọn thôi. Nhưng anh đã đến cuối chợ rồi chẳng lẽ không bán."

Mẹ tôi trả lời bằng một chất giọng Hàn kiều đủ để người bản xứ có thể hiểu được, nhưng cộng thêm sức truyền cảm không sửa được của những người phụ nữ trung niên miền Bắc kiểu mẫu nên đâm ra nghe nó hơi là lạ, chứ mẹ không hề có ý gì nha.

Bác Na cười cười: "Đây là bánh gì vậy chị? Hình như không phải bánh Hàn Quốc."

"Á nh hỏi cái này á hả, đây là bánh chưng truyền thống của Việt Nam nhưng theo cách ăn mới hiện đại của chúng tôi đó. Tôi rán áp chảo cho vàng ươm lên, nó có sẵn nhân là đậu xanh với thịt lợn mỡ nên ăn ngon lắm. Xong tôi cho thêm đồ ăn kèm là xúc xích, chả cốm, chả bò,... chả là từ thịt trộn với bột rồi rán lên y như chả cá bên mình ấy, rồi kim chi và dưa chuột dầm nữa, còn đây là tương ớt Chinsu của Việt Nam."

"Ồ, nhìn hấp dẫn quá. Nhưng nếu tôi không nhầm thì đây là cái mâm à?"

Bác Na chỉ vào hai chiếc mâm nhôm trước mặt. Mẹ tôi bảo dùng mâm rán bánh chưng mới chuẩn cách làm của người Việt, ngoài ra người Việt dùng mỡ gà rán bánh chứ không phải dầu nên mùi sẽ thơm hơn hẳn luôn, mẹ có để thấm bớt dầu rồi nên không phải lo nhé.

Bác nghe mẹ tôi phổ biến một hồi thì cảm thấy thú vị hay sao ấy, bác quyết định mua hết chỗ đồ ăn còn dư chưa bán hết của mẹ tôi luôn. Mẹ giật mình suýt rơi đôi đũa, mời bác Na ngồi chờ rồi vui vẻ rán lại chín cái bánh chưng mini với chục cái xúc xích, chả bò cũng bóc hết ra luôn.

Mùi thơm của mỡ gà có lẽ đã thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh, nhưng đến giờ dọn hàng mà đồ ăn cũng được bác Na ủng hộ hết nên mẹ đều phải cười cười giải thích cho họ. Đường phố dần rơi vào tĩnh lặng, khác xa với không khí ồn ào của chợ truyền thống Myeongdong lúc ban đầu. Sau khi cái sự việc này xảy ra thì mẹ kể với tôi rằng mẹ rán bánh mà cảm giác như đang đứng trước một băng đảng mafia vậy. Bác Na và các chú vệ sĩ không nói chuyện với nhau câu nào, bác Na chỉ lướt điện thoại và đôi lúc ngước lên quan sát mẹ thôi. Quan trọng là, mẹ tôi bày ba cái ghế nhưng chỉ có bác Na ngồi, còn lại bốn người kia đứng cứ như ở trong doanh trại đúng nghĩa, hỏi sao mẹ tôi không thấy kì lạ cho được.

Thỉnh thoảng không chịu nổi không khí yên lặng, bác Na hỏi mẹ tôi một số câu. Mẹ tôi tính thì sởi lởi cũng quen nên tâm sự đôi chút, bà kể là đang có đứa con gái năm nay đang ôn thi Đại học, cháu nó dự định xét điểm học bạ để dành học bổng là chính, chứ hoàn cảnh của hai mẹ con nói thật cũng không dám mơ ước cao sang cho cháu vào trường điểm, mặc dù học lực của cháu cũng có thể coi là ổn đó.

Nói đến đây bác Na gật gù như suy nghĩ, nhưng bác không nói gì.

"Cuối cùng cũng xong rồi đây ạ, của anh hết 27000 won."

"Tất cả chỗ này mà chỉ 27000 won thôi sao? Tôi thấy một cái bánh xèo Jeon mà đã 6000 won rồi."

Bác Na nhìn vệ sĩ lấy hai chiếc túi nilon bao gồm 10 suất bánh chưng mà thắc mắc. Mẹ tôi bảo nguyên liệu ở Việt Nam tính ra rẻ hơn hẳn, thêm lãi một chút thì như thế này cũng phù hợp rồi, mẹ thật thà tâm sự tiếp:

"Với lại tôi chỉ bán khoảng đến ngày mai nữa thôi, nhờ có ông anh mà gần hết sạch rồi. Cảm ơn anh nhiều nên tôi giảm luôn 2000 won đó, chúc anh và gia đình năm mới vui vẻ, tiền vào như nước mà tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin."

"Haha, tôi cũng chúc chị và gia đình gặp nhiều may mắn, chúc cháu gái có thể đạt được nguyện vọng của mình một cách xứng đáng nhé. Giờ cũng muộn rồi, cảm ơn chị, chúng tôi sẽ ăn thật ngon."

Mẹ tôi mắt long lanh mỉm cười, ban nãy lúc bác Na gọi bao hết suất bánh trong ngày hôm nay là mẹ đã cảm động lắm rồi. Gần hai mươi năm bôn ba lao động ở nước ngoài, gặp đủ thể loại người, nhưng vào đúng khoảng thời gian này mẹ mới gặp được vị khách đúng người đúng thời điểm như thế, một người mà ngay khoảnh khắc đầu tiên đã như một vị thần giáng thế, mang không khí may mắn và ấm áp mà mẹ không thể giải thích được. Nói chung, hôm nay doanh thu phải nói là kín sổ, phải mua món gì đó bổ dưỡng tiếp sức cho con gái yêu thôi!

Chào tạm biệt người phụ nữ Việt Nam xa xứ với tâm hồn hào sảng, cụ thể là mẹ tôi, Bác Na và các chú vệ sĩ xoay mắt về phía trước, hướng thẳng về phía ngã tư để ra chỗ xe ô tô đang chờ bên đường, kết thúc chuyến dạo chơi như bao ngày mặc dù hôm nay có chút đặc biệt, vì bác được ăn thử đồ Việt Nam.

Đèn giao thông chuyển đỏ, cả đoàn người đang đứng ở vỉa hè ung dung chuẩn bị sang thì sự tích ly kỳ mà giờ tôi sẽ đặt tên là, ừm... "Sự tích bánh chưng rán" đi, vì nhờ mẹ tôi bán bánh chưng mới gặp được bác Na mà, sẽ làm thay đổi số phận của tôi mới thực sự đi vào phần chính.

Giây phút những tưởng tất cả vẫn êm xuôi thì mẹ tôi đột nhiên hét lên: "Cẩn thận!" ở phía sau, chưa biết đột nhiên lại có chuyện gì. Các chú vệ sĩ ngay lập tức cảnh giác cao độ, cùng nhau quay mặt lại, còn bác Na thì chậm hơn một chút, vì Bác còn bận tâm đến câu nói vừa phát ra hết cỡ từ mẹ tôi:

"Cảnh giới?"(*)

"Hanni-ssi!"

...

Giật mình nhìn sang phía cửa ra vào, tôi phải trố mắt một lần nữa khi người gọi tôi chính là anh vệ sĩ quen thuộc.

"Hanni-ssi, cô Wonyoung đã đến rồi ạ, mời cô chuẩn bị để đi về biệt phủ."

"À vâng ạ, anh chờ em một chút." Tôi đứng dậy kiểm tra đồ đạc cá nhân, cởi áo khoác đồng phục và gọi đồng nghiệp ra. Thì ra đã hết ca làm của tôi, bình thường tôi hay đi xe buýt về nhưng riêng thứ sáu Wonyoung sẽ tiện qua đón tôi, cô bạn phải họp ở ban phát thanh viên của trường đến tối rồi mới về.

Vậy thôi sự tích bánh chưng rán đành phải kể nốt vào một hôm khác, cái hôm mà tôi không mệt và tôi rảnh hơn. Còn bây giờ con bé nhắn tin giục tôi ra rồi, tôi chuẩn bị lên đường về ngôi nhà hiện tại có chút... đồ sộ đây. Tạm biệt mọi người nhé~

*Ở đây mẹ Hanni đã nói nhầm "조심히 - Cẩn thận đấy!" thành "동심히: Cảnh giới đấy!" =)))
Hãy kiên nhẫn để biết được lý do mẹ con Hanni được vào biệt phủ gia đình Na sống là gì nha.

...

Còn tiếp>>
















Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip