Chương 71 - Phát hiện (2)

Nhật Dương không phải người nhạy cảm nhưng mà thái độ của Thanh Trúc từ buổi tối hôm đó rõ ràng đã có gì đó rất khác lạ. Nhất là Thanh Trúc đột nhiên hay hỏi về Yên giữa bữa ăn tối, điều mà hắn rất ít khi thấy.

"Ủa Dương, sao dạo này chị thấy cái Yên nó càng ngày ít hay gọi điện cho em thế."

"Cuối tuần rủ nó đến nhà mình chơi nhé."

Giọng chị dâu vẫn nhẹ nhàng như mọi khi, thậm chí còn cố làm ra vẻ vô tình, như thể chỉ là một câu hỏi nhỏ để lấp khoảng lặng trong bữa ăn.

Nhật Dương cười trừ, theo thói quen:

"Yên bận. Dạo này hai đứa cũng ít gặp."

Rồi cắm đầu ăn cơm, tránh nhìn lên. Nhưng ánh mắt của Thanh Trúc thì không tránh được.

Hắn cảm thấy rõ ràng — như một mũi kim sắc lặng lẽ chạm vào da.

Thanh Trúc nhìn chằm chằm vào hắn. Không trách móc. Không nặng lời. Nhưng đầy ẩn ý. Một kiểu ánh nhìn có điều muốn nói, mà không thể — hoặc không dám — nói thành lời.

Một giây im lặng trôi qua.
Rồi cô cúi xuống, múc thêm canh cho chồng, không nhắc lại.

Nhật Dương lúc ấy mới khẽ nhíu mày.
Hắn có cảm giác người phụ nữ này đang thăm dò.

Không phải kiểu dò xét thẳng mặt. Mà là cái kiểu người trưởng thành hay dùng — lặng lẽ, chậm rãi, từng chút một. Như thể chỉ cần hắn sơ sẩy, là sẽ lộ ra điều gì đó mà cả hai đều biết, nhưng không muốn nói.

Hắn chợt thấy tâm trạng như bị đè đến khó thở.

Ngoài việc nhắn tin cho An Khuê về những suy đoán của mình thì hắn chẳng biết làm gì hơn.

Ngay cả mẹ hắn cũng tự dưng dạo này gọi cho hắn nhiều hơn trước.

Ban đầu, Nhật Dương còn nghĩ chỉ là trùng hợp. Nhưng dần dần, những cuộc gọi bất thường vào lúc giữa buổi chiều, hoặc sát giờ cơm tối — khi hắn còn đang loay hoay dựng chân chống xe dưới tầng — lại khiến hắn bắt đầu ngờ vực.

"Dạo này ổn không con? Ăn uống đầy đủ không? Sao dạo này mẹ thấy mày ít về quê?"

"Bao giờ mày định lấy vợ, sắp 27 tuổi rồi đấy?"

"Ở quê tuổi mày người ta đã 2 đứa con rồi."

"Cái Yên đâu, tại sao tao gọi cho nó lại không bắt máy."

Từng câu hỏi đều rất nhẹ nhàng, nhưng cứ như thể đã có một cuộc hội ý trước giữa mẹ hắn và chị dâu hắn. Nhật Dương không phải đứa đa nghi, nhưng hắn không ngu.

Một lần hai lần thì là quan tâm. Còn cứ lặp đi lặp lại như vậy... là đang dò xét.

Hắn bắt đầu nhận ra: chuyện hôm đó, Thanh Trúc rất có thể đã thấy tất cả.

Cái cách cô im lặng rồi cố gắng làm như chưa nhìn thấy gì, lại càng khiến mọi thứ rối hơn. Nếu Thanh Trúc làm ầm lên, Nhật Dương thậm chí còn thấy dễ thở hơn — vì ít nhất khi đó, có một phản ứng rõ ràng để mà đối mặt.

Còn bây giờ, hắn chỉ có thể bị vây quanh bởi sự im lặng và ánh nhìn ngờ vực từ người khác.

Không ai nói gì cả. Nhưng cũng không ai là không biết gì.

___

"Em xin lỗi hôm nay em không đến được..."

Sau đó bên kia vội cúp máy, tình trạng này dạo gần đây tình trạng này đã diễn ra thường xuyên khiến An Khuê cũng bắt đầu nhận ra bên phía trong nhà Nhật Dương đã có vấn đề.

Anh cũng biết công việc dạo gần đây rất áp lực cho hắn, hơn nữa nếu xảy ra vấn đề gì trong nhà lại càng khó khăn hơn, vậy nên anh cũng không dám làm phiền, chỉ hỏi thăm rồi im lặng cho đến khi hắn gọi đến.

Cuộc trò chuyện cuối cùng của họ kết thúc bằng một dòng tin nhắn đơn giản:
"Lúc nào rảnh thì em nhắn."

Chấm hết.

Tối hôm đó, anh ngồi bên bàn ăn, một bên là chén cơm đã nguội, một bên là điện thoại nằm im lìm.
Tin nhắn Nhật Dương gửi tới cuối cùng là từ... hai hôm trước. Một lời xin lỗi ngắn ngủi vì phải hủy buổi hẹn. Không có hẹn lại. Không có "bù cho anh sau nhé."

Chỉ một chữ "xin lỗi."
Như thể giữa họ chỉ còn một chút xã giao lịch sự, chứ không phải là yêu đương nữa.

An Khuê nhìn tin nhắn đó rất lâu. Rồi khóa máy, không xoá, cũng không trả lời.
Chỉ lặng lẽ ăn gắp miếng thức ăn đã nguội.

Anh chợt cảm giác như quá khứ lập lại, thời điểm đó anh cũng rơi vào tình trạng như hiện tại, sau thời gian yêu đương, sẽ tới giai đoạn đi xuống, nó giống như chẳng có cái gì có thể đi lên mãi, có lẽ đoạn tình này cũng không khác gì mấy.

An Khuê bất chợt thở dài.

Âm thanh rất khẽ. Nhẹ đến nỗi chính anh cũng không chắc mình vừa thở dài thật hay chỉ là ảo giác của mệt mỏi.

Ngoài cửa sổ, mưa lại rơi. Đêm nay Hà Nội lạnh hơn mọi khi.

Anh đứng dậy dọn mâm cơm, gắp từng món bỏ vào hộp để mai hâm lại, dù thừa biết mình chẳng muốn ăn nữa.

Tay vẫn làm, nhưng đầu óc lại trống rỗng một cách kỳ lạ. Cứ như cơ thể đang tự vận hành trong khi tâm trí anh đã lang thang đến một nơi nào đó khác — một nơi từng có ánh mắt ấm áp của Nhật Dương, bàn tay nắm khẽ lấy tay anh khi băng qua đường, cái ôm chặt nơi cửa thang máy, và cả những tin nhắn nửa đêm chỉ để thủ thỉ những lời ngọt ngào:

"Ngủ chưa?"
"Em nhớ anh lắm"
"Mai mình gặp nhau nhé."

Bây giờ thì không còn nữa.

Anh từng nghĩ, người như Nhật Dương sẽ khác.
Sẽ không biến mất.
Sẽ không lặng thinh giữa một ngày nào đó mà không để lại một lời nhắn nào tử tế.

Nhưng đời vốn dĩ không giống như những gì ta mong.
Người ta thương mình không có nghĩa là người ta không đổi thay.

Và anh, An Khuê — đã quá quen với việc bị lãng quên.

Trong giấc ngủ hôm đó, anh mơ.
Một giấc mơ rất nhạt, như màu tro loãng.
Anh thấy mình đứng giữa căn phòng trống, không có ai, không có tiếng nói, không có hơi ấm.
Chỉ có điện thoại rung lên trong tay, hiện một dòng tin nhắn:

"Anh ơi, em xin lỗi."

Lúc tỉnh dậy, mắt anh đã ươn ướt. Không rõ là vì giấc mơ, hay vì thực tại.

Một mình, giữa bốn bức tường yên ắng, anh khẽ lau nước mắt, cười nhạt một cái.

Rồi đứng dậy, mở cửa sổ cho gió ùa vào.

Lạnh thật.

Nhưng anh vẫn đứng đó rất lâu.

Quá khứ như vết thương mưng mủ chỉ chờ bị vỡ ra.

An Khuê không nhớ rõ hôm đó là ngày mấy, chỉ nhớ ngày đó mưa rất lớn. Mưa đến nỗi những chiếc lá cây ngoài sân cũng bết lại, dính chặt xuống nền gạch cũ.

Anh đứng ở hiên nhà, chiếc balo còn vương nước mưa trễ nải trên vai. Tim đập mạnh đến mức như muốn vỡ lồng ngực. Mười mấy năm sống trong ngôi nhà này, từng bậc thềm, từng góc bếp anh đều thuộc nằm lòng — vậy mà lúc ấy, lại thấy xa lạ như lần đầu tiên đặt chân tới.

"Ba, con có chuyện muốn nói."

Người đàn ông đang ngồi trước bàn trà không ngẩng đầu lên. Tay vẫn khuấy tách cà phê đen, ánh mắt mỏi mệt giấu dưới trán cau lại.

Nửa phút trôi qua trong im lặng.

Rồi giọng An Khuê bật ra, rất khẽ:

"Ba, con là gay."

Tách cà phê không vỡ, nhưng tiếng khuấy dừng lại ngay lập tức.

Ba anh ngẩng đầu lên. Trong ánh đèn vàng cũ kỹ, gương mặt của ông tối lại, từng nếp nhăn sâu hoắm như khắc thẳng vào mắt anh.

"Mày nói gì?"

Giọng ông không to. Rất nhỏ. Nhưng rít qua kẽ răng.

An Khuê nuốt nước bọt. Lòng bàn tay siết chặt lấy quai balo, móng tay gần như in dấu vào da.

"Con thích một người con trai.. Con..."

Chát!

Cái tát đến bất ngờ, không kịp né. Mặt anh nghiêng hẳn về một bên. Trong giây phút ấy, mọi thứ như vỡ ra: âm thanh chói tai, mùi cà phê tràn ra bàn, và vị máu tanh trong miệng.

Ông đứng bật dậy, bàn đập mạnh đến nỗi tách cà phê lăn xuống đất, vỡ tan.

"Mày có biết mày đang nói cái gì không hả?"
"Mày là đàn ông mà mày đi làm cái trò đồi bại đấy?"
"Mày định làm nhục tao? Làm nhục cái họ này à?"

An Khuê ôm má, mắt mở lớn nhìn người ba mà anh từng kính trọng nhất đời.

"Ba, con... Con chỉ—"

Lời chưa kịp nói hết thì cổ áo đã bị túm chặt. Ông kéo anh sát lại, sát đến mức mùi thuốc lá cũ còn vương trong cổ áo sộc thẳng vào mũi.

"Mày cút ra khỏi nhà tao ngay!"

"Ngay bây giờ!"

Anh bị đẩy mạnh ra khỏi phòng khách. Lưng va vào cánh cửa gỗ. Trán đập nhẹ vào khung tường, đau đến choáng váng. Mưa ngoài trời vẫn rơi ào ạt, gió lùa qua cửa sổ làm tấm rèm đập phần phật.

Từ phòng bếp, giọng người cô ruột cất lên — lạnh lùng và đầy khinh bỉ:

"Không ngờ đấy. Cái thằng Khuê giỏi giang ngoan ngoãn mà cũng có ngày biến thành cái thứ... bẩn thỉu như vậy."
"Không biết nó đi học bị thằng nào dụ dỗ."
"Đồ bệnh hoạn, thật nhục mặt!"

Một tiếng "rầm" vang lên — ba anh đóng sập cửa phòng. Rồi im lặng. Cả ngôi nhà lớn chìm trong cái tĩnh mịch ghê người.

Tưởng như mọi tổn thương đã dừng lại sau cánh cửa đóng sầm kia, nhưng không — tiếng guốc lộc cộc vang lên trên nền gạch lạnh, kéo theo một giọng nữ sắc lạnh như mưa đêm:

"Cái thứ rác rưởi này cuối cùng cũng tự vạch mặt rồi à."

An Khuê dừng bước. Không quay lại. Nhưng từng lời bà ta nói vẫn đâm thẳng vào lưng anh, không một chút thương xót.

"Cũng phải thôi, dòng máu của mày làm gì tử tế nổi. Đồ con rơi con rớt của loại đàn bà đó."

"Chắc mày tưởng chỉ cần học giỏi là người ta sẽ quên được xuất thân của mẹ mày? Tưởng đỗ đại học là sang được họ này à?"

An Khuê siết chặt quai balo. Mưa trút xuống đầu, nước mưa hòa lẫn nước mắt, không ai phân biệt được đâu là đau thể xác, đâu là nhục nhã.

Bà ta vẫn đứng trong mái hiên, không ướt một giọt, tay khoanh trước ngực, ánh mắt dửng dưng:

"Đi đi, càng xa càng tốt. Cái nhà này không có chỗ cho loại người như mày."

An Khuê không nói gì. Không phản kháng. Chỉ gật đầu một cái rất nhẹ, rồi bước thẳng ra ngoài cổng.

Lần này, không còn là cơn giận nữa — mà là sự rạn nứt không thể hàn gắn.

Những người tự nhận định mình ở tầng lớp khác...

Từng ánh mắt, từng câu nói, từng cái nhếch môi nhẹ bẫng đầy ngạo mạn — chúng không cần văng tục, không cần đánh đập, nhưng lại làm đau hơn bất cứ cái tát nào mà An Khuê từng nhận.

Anh đã quen với kiểu im lặng ấy. Quen với cách những người "ở trên" nhìn anh như thể đang ban ơn cho một kẻ may mắn được chen chân vào thế giới sạch sẽ của họ.

Bà mẹ kế của anh là người đầu tiên trong đời dạy anh hiểu thế nào là phân tầng trong cùng một mái nhà. Một cái ghế sofa cũng chia ra "ghế của tao" và "nơi mày nên ngồi". Một bữa cơm có thể có món ngon được gắp riêng cho con ruột, và phần canh nguội đặt ở đầu bàn, lặng lẽ trôi đến trước mặt anh như món đồ thừa.

Thậm chí, có một lần — khi anh học lớp 11, đi thi học sinh giỏi Toán đạt giải toàn thành phố — thầy cô gọi điện về chúc mừng. Mẹ kế cười cười, gật đầu trước mặt khách, rồi khi họ đi, bà ta chỉ lạnh giọng:

"Có giải rồi thì làm gì? Đừng tưởng thế là ngoi lên được."

"Mày vẫn là con của một người phụ nữ hát phòng trà, đừng mơ được ngồi ngang hàng với ai."

Những câu nói ấy, An Khuê chưa từng quên.

Anh không phản ứng. Không nổi giận. Không khóc lóc.

Chỉ cố học. Cố đi thật xa khỏi cái nhà đó, khỏi cái khu phố nhỏ luôn thì thầm sau lưng anh những lời như:

"Con nhà đó đấy."
"Mẹ nó là loại người gì ai chả biết."
"Đẹp thì đẹp thật, mà loại đó... chẳng ra gì đâu."

Rồi đến khi anh come out — mọi thứ vỡ tung như một quả bom.

Giới tính của anh là cái cớ hoàn hảo để tất cả những người từng ngầm khinh rẻ anh nay có thể ngẩng cao đầu mà phỉ báng công khai. Từ họ hàng bên nội, hàng xóm, thậm chí cả giáo viên cũ — họ dùng cụm từ "tiếc cho nó" như một dấu ấn định mệnh:

"Hồi đó tôi cũng thương thằng nhỏ... mà ai ngờ..."

Cái "ai ngờ" đó là thứ rào chắn cuối cùng. Một lời kết tội không cần xét xử.

Từ đó về sau, An Khuê dần học được cách tồn tại mà không cần ai bảo vệ.

Anh trở thành một người im lặng, chậm rãi, tử tế — nhưng không dễ gần. Bởi anh hiểu, lòng tốt trong thế giới này đôi khi cũng có tầng lớp, cũng bị cân đo bằng xuất thân, bằng địa vị, và... bằng chuẩn mực "bình thường".

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip