Chương 1: Bi kịch
Màn đêm buông xuống, bao trùm lấy con phố nhỏ bằng một tấm chăn dày đặc của tĩnh mịch. Nhưng trong góc phố âm u ấy, một âm thanh vang lên, xé toạc sự yên lặng như lưỡi dao cắm vào khoảng không. Đó là tiếng loảng xoảng chén bát rơi vỡ, tiếng cãi vã dữ dội phát ra từ một ngôi nhà cấp bốn xập xệ, ánh đèn vàng yếu ớt chập chờn như chính hơi thở của gia đình ấy
“Sao suốt ngày lải nhải thế, tao ăn cơm cũng không yên với mẹ con nhà mày! Khi xưa tao không vớ phải con đàn bà như mày thì sự nghiệp tao đã phất lên cỡ nào rồi!” — giọng người đàn ông vang vọng, khàn đặc vì thuốc lá và giận dữ.
Người vợ cũng gắt lên, giọng run chứa đầy uất ức:
“Ông nói ai cơ? Nếu khi xưa tôi không lấy người như ông thì bây giờ cuộc sống của tôi đã khác, đã tốt biết bao!”
“Mày im đi! Đừng để tao thấy mặt hai mẹ con mày nữa!”
Một tiếng “rầm” mạnh mẽ,cánh cửa bị ông ta đẩy bật ra, dội lại dư âm đầy thù hằn. Không khí trong nhà nặng nề như sắp nổ tung. Người phụ nữ nắm chặt tay, rồi lặng lẽ bước vào phòng, tiếng đóng cửa dội lên như tiếng sấm đầu mùa, lạnh lẽo và đay nghiến.
“…”
Nơi sàn nhà ngổn ngang những mảnh sứ vỡ, một cô bé chừng bảy tuổi,đang quỳ gối thu dọn. Đôi bàn tay nhỏ nhắn rớm máu, mảnh vỡ cứa vào da thịt nhưng cô không bật khóc. Đôi mắt đen sẫm chỉ lặng lẽ nhìn vào khoảng trống phía trước, nơi mà bóng dáng cha mẹ cô vừa khuất sau cánh cửa. Dường như, cô bé đã quá quen với những vết cắt — không chỉ trên tay, mà còn trong lòng.
Tiếng mưa rả rích bên ngoài bắt đầu rơi, như thể bầu trời cũng đồng cảm mà rơi lệ. Ánh chớp loé lên, chiếu vào gương mặt non nớt, lấm lem và mệt mỏi.
Cô bé ngồi thụp xuống một góc, tay vẫn cầm mảnh chén, miệng mím chặt. Cô nhớ lại những ngày từng được mẹ cột tóc cho, ba từng bế bồng lên vai cười vang giữa sân. Nhưng tất cả giờ chỉ còn là tiếng vọng xa xôi, quá xa để níu kéo, quá đớn đau để mong chờ.
Một tiếng sấm lớn vang lên. Bên ngoài trời đổ mưa lớn.Cô ngước nhìn trần nhà,đôi mắt vô thần chớp chớp.
“Ước gì… mình là một người khác.Ước gì nơi này chưa từng tồn tại…”
Nhưng điều ước của một đứa trẻ, liệu có ai nghe thấu?
Tưởng rằng mọi chuyện đã chạm đến tận cùng của nỗi đau, thế nhưng không lâu sau đó, mẹ cô phát hiện ra ba cô ngoại tình. Đối với một đứa trẻ chỉ mới bảy tuổi, đó là cú sốc quá lớn, một điều không tưởng. Cô từng nghĩ chỉ ba mình vô tâm, hay mắng mỏ, vậy mà mẹ cô cũng chẳng khác là bao.
Tất cả những nỗi bức bối, những cơn giận dữ không biết trút vào đâu, cuối cùng lại đổ dồn lên vai một đứa trẻ nhỏ bé. Kể từ ngày sự thật ấy bị phanh phui, gia đình cô như rơi vào vòng xoáy hỗn loạn, không còn lấy một tia sáng hy vọng nào soi rọi.
Ngày tháng cứ thế trôi qua trong u tối, cho đến một ngày, điều mà không đứa trẻ nào mong muốn cũng đã xảy ra — ba mẹ cô quyết định ly hôn. Họ để lại cô cho bà nội nuôi dưỡng, lạnh lùng quay lưng, chẳng một ai đoái hoài đến đứa con gái bé bỏng, đáng thương ấy.
Giọng cô bé run rẩy, nghẹn ngào trong tiếng khóc nức nở:
“Ba…mẹ! Đừng để con lại đây mà…hức hức… con hứa sẽ ngoan,sẽ không nghịch phá hay làm phiền ba mẹ nữa đâu…”
“Xin đừng để con lại đây mà!”
Dù có gào khóc đến khàn giọng,dù nước mắt có chan chứa đến nhường nào, thứ cuối cùng cô nhìn thấy vẫn chỉ là bóng lưng ba mẹ dần khuất xa,không một lần ngoảnh lại.
Tháng năm trôi qua, như thể nỗi đau cũng hóa thành lớp bụi mờ phủ kín tâm hồn cô bé. Bà nội già yếu, không còn đủ sức để ôm ấp hay an ủi. Trong căn nhà nhỏ những ngày mưa gió như dài lê thê, còn ngày nắng thì nỗi cô đơn lại càng cháy bỏng.
Cô bé lớn lên trong sự im lặng. Im lặng khi đi học, im lặng khi ăn cơm, im lặng khi đêm về nằm trên chiếc giường ọp ẹp,đôi mắt mở to nhìn trần nhà tối đen. Những đứa trẻ khác có thể vô tư hồn nhiên kể chuyện về cha mẹ, còn cô chỉ biết cúi đầu, gượng cười như chưa từng tồn tại nỗi đau nào.
Mỗi lần ai đó hỏi
"Ba mẹ em đâu rồi?"
Cô lại khẽ đáp, như một phản xạ:
"Đi làm xa ạ."
Cô không ghét ba mẹ. Chỉ là, đôi khi trong giấc mơ, cô mong được nghe một câu xin lỗi. Một cái ôm thật chặt. Một lời hứa rằng, sẽ không ai bỏ rơi cô nữa.
Nhưng giấc mơ vẫn chỉ là giấc mơ.
Năm cô lên mười bốn,bà nội mất. Đó là lần đầu tiên cô gào khóc đến kiệt sức.Cô sợ.Sợ mình không còn là “của ai” nữa. Một đứa trẻ mồ côi giữa cuộc đời,lạc lõng và chênh vênh.
Người thân bên nội, bên ngoại lần lượt từ chối nhận nuôi cô. "Nó lầm lì,ít nói quá", "Chắc mang vận xui", "Tụi mình còn con cái lo nữa" — là những câu nói cô nghe được dù không ai nói thẳng với mình. Nhưng trẻ con không ngu ngốc, chỉ là người lớn luôn nghĩ rằng chúng không hiểu.
Cô bé mười bốn tuổi ấy, gầy gò và bé nhỏ hơn so với bạn bè cùng trang lứa, bắt đầu những ngày vừa học vừa làm — không phải vì ước mơ, mà vì mưu sinh. Sau giờ tan học, trong khi những đứa trẻ khác rộn ràng rủ nhau đi ăn vặt, cô lại vội vã chạy đến quán nước nhỏ ở cuối con hẻm, đeo tạp dề, cúi đầu bê từng ly nước, rửa từng cái ly, lau từng chiếc bàn, rồi lại lặng lẽ quay về căn gác trọ cũ kỹ khi phố xá đã lên đèn.
Cô không than vãn, không kêu ca, không một lần hỏi “tại sao là mình?”. Chỉ lặng lẽ sống, lặng lẽ chịu đựng, như một cái bóng.
Ở trường, cô cũng chẳng khá hơn. Vì nghèo, vì trầm lặng, vì không có ai bảo vệ, cô trở thành mục tiêu lý tưởng cho những trò bắt nạt. Ban đầu là những lời mỉa mai:
“Con nhỏ đó nghèo rớt mồng tơi, chắc ở nhà lá nát!”
“Chắc ba mẹ nó chán quá nên bỏ đi rồi chứ gì!”
Rồi sau là những trò khăm tàn nhẫn: sách vở bị xé nát,hộp cơm bị đổ úp xuống sàn. Cô vẫn không nói gì. Chỉ cúi đầu nhặt lên, lặng lẽ lau sạch, lặng lẽ ngồi lại bàn học như thể mình trong suốt.
Một lần, sau khi bị xô ngã giữa sân trường, đầu gối rướm máu, cô ngồi co ro sau phòng thiết bị, cố nén cơn đau cả thể xác lẫn tâm hồn. Tiếng cười giễu cợt vẫn văng vẳng bên tai. Không ai giúp. Không ai nhìn cô là một con người.
Cô từng viết vào mảnh giấy nhỏ, giấu dưới gối:
“Nếu một ngày nào đó mình biến mất, liệu có ai nhận ra không?”
Câu trả lời, cô nghĩ là không. Nhưng cô vẫn thức dậy mỗi sáng, đánh răng, mặc đồng phục, đi học,đi làm,như một cỗ máy được lập trình bằng bản năng sinh tồn.
Một lần, cô giáo chủ nhiệm gọi riêng cô vào phòng. Ánh mắt đầy ái ngại:
“Em nên cởi mở hơn, tham gia hoạt động lớp, nói chuyện với bạn bè. Lúc nào em cũng buồn bã như vậy, cô rất lo.”
Nhưng cô chỉ khẽ cười, nụ cười nhạt nhòa, như thói quen:
“Em ổn mà cô.”
Không ai biết rằng tối hôm đó, cô ngồi thụp ở bến xe buýt vắng, khóc nức nở đến run người. Mưa tạt ướt mái tóc, lạnh buốt. Cô chôn mặt vào đầu gối, để tiếng khóc hòa vào mưa, mong rằng không ai nghe thấy, như mọi lần.
Mỗi ngày là một cuộc chiến. Và cô, đứa trẻ bị lãng quên ấy, vẫn chưa gục ngã. Nhưng cũng chẳng có ai biết, để tiếp tục sống, cô đã phải nhặt từng mảnh mình vỡ ra sao.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip