Chap 2

Kiếp thứ hai

Gió đầu xuân lùa nhẹ qua sân sau thư viện hoàng gia.

Một cây ngân hạnh cổ thụ rụng lá sớm, cánh lá hình quạt xoay vòng rơi xuống, vàng rực cả nền đất. Dưới tán cây ấy, Lạc Tử Duyên đứng lặng, áo bào trắng như sương sớm, tay chắp sau lưng, đôi mắt nhu hòa nhìn xa xăm.

Bước chân nhỏ dừng lại sau lưng hắn..

“Thái sư! Người đến rồi!”

Tiếng cung nhân vọng lại, cùng một dáng người nhỏ bé được dẫn tới. Đôi mắt to tròn như nước, rạng rỡ ánh trời.

Một giọng trẻ con, trong vắt như dòng nước suối khe khẽ vang lên:

“Ca ca… người là thái sư ạ?”

Hắn quay đầu lại.

Một bé con khoảng chín, mười tuổi, tóc đen mềm, đôi mắt long lanh như ánh sao đêm — đang ngẩng đầu nhìn hắn đầy hiếu kỳ.

Vũ Kha, thái tử mới được đón vào cung mấy hôm trước. Mặt mũi sạch sẽ, ngây ngô mà phóng khoáng. Trên áo choàng còn dính chút cánh hoa ngân hạnh.

Cao chưa tới thắt lưng hắn.

“Ngươi gọi ta là gì?” — Lạc Tử Duyên hỏi, khóe miệng cong nhẹ.

“Ca ca!” — Đứa nhỏ hồn nhiên đáp, chẳng biết lễ nghi, càng không biết hai người hơn nhau gần mười tuổi.

Lạc Tử Duyên nhìn ánh mắt long lanh kia, bất giác bật cười. Không phải cười trêu, mà là một nụ cười ôn nhu như nắng sớm đầu đông.

“Ừ, vậy từ nay… ca ca sẽ dạy đệ.”

Hắn cúi xuống, xoa đầu Vũ Kha, nhẹ như sợ làm rối tóc bé con.

---

Nhiều năm sau.

Người đã là hoàng đế.
Hắn vẫn là thái sư, nhưng đã lui về sau màn, đứng ở nơi cột trụ mà không ai nhìn thấy.

Và rồi… phản loạn nổi lên.

Một đêm, loạn thần tặc tử nổi dậy, bao vây hoàng cung. Kinh thành rực lửa. Máu người đổ tràn cả đường phố.

Vũ Kha, lúc này đã là hoàng đế, định đích thân dẫn quân ứng chiến. Nhưng—

Lạc Tử Duyên ra tay đánh ngất hắn, trao hắn cho một cận thần trung thành, dặn:

“Hộ giá rời khỏi cung. Dù phải mất mạng, cũng không được quay lại.”

Cận thần kinh hãi:

“Thái sư… người thì sao?!”

Y chỉ nhẹ nhàng gạt tay hắn ra:

“Ta không ra chiến trường… nhưng vẫn chết vì ngài ấy.”

Trước khi cánh cửa cuối cùng đóng lại, y cúi xuống, khẽ nói bên tai Vũ Kha:

“Nếu may mắn sống sót… xin đừng quay về vì ta.”
“Triều đình này cần một hoàng đế sống, không cần một kẻ dẫm lên máu để báo thù.”

---

Cửa cung đóng lại.

Lạc Tử Duyên một mình trở lại đại điện.
Nơi ngai vàng được đặt cao trên bậc thềm — nơi hắn từng quỳ dạy người kia từng chữ, từng đạo lý.

Y thay một bộ y phục trắng, vạt áo thêu mực trúc, nhẹ nhàng mà thanh nhã.
Chải tóc, buộc gọn sau lưng.

Sau đó… quỳ xuống.

---

Cửa điện bật mở.

Loạn tặc kéo đến, vũ khí sáng lóa, giày giẫm lên nền ngọc.

Lạc Tử Duyên không đứng dậy.
Y chỉ khẽ mở mắt nhìn bọn chúng.

“Các ngươi muốn gì?”

Tên cầm đầu bật cười khinh:

“Muốn thiên hạ này.”
“Tên vua bù nhìn đó không xứng — chỉ biết dựa vào một tên thái sư như ngươi để trị quốc. Loại như hắn, có gì đáng giữ?”

Lạc Tử Duyên hơi nghiêng đầu, mỉm cười:

“Thiên hạ này… không phải của ta. Cũng chẳng phải của các ngươi.”
“Là của lê dân bách tính — của những đứa trẻ đang ngủ yên, của những người mẹ đang vá áo cho con giữa ánh đèn dầu.”

“Người kia… có thể không hoàn hảo. Nhưng hắn học cách cai trị. Học cách yêu dân. Và ta… là người dạy hắn điều đó.”

“Người như vậy, không xứng với ngai vàng sao?”

“Còn các ngươi — chỉ biết lấy máu người vô tội để chứng minh bản thân có thể nắm quyền. Đó gọi là gì? Không phải phản loạn… thì là gì?”

Tên cầm đầu rít lên:

“Ngươi biết rõ là mình sẽ chết, vậy còn ở lại làm gì?”

Y đáp, giọng thản nhiên như đang đọc một đạo chiếu cũ:

“Vì ta là thái sư.”
“Không giữ được ngai vàng bằng trí… thì giữ bằng xác.”

“Nếu đây là kết thúc của ta — thì hãy để nó diễn ra ở nơi ta từng quỳ dạy một đứa trẻ gọi ta là ‘ca ca’.”

“Giết ta đi. Nhưng đừng quên… hôm nay các ngươi giết một người.”
“Ngày mai… sẽ có một đế vương trở về, chôn sống cả đám dưới chân tường thành.”

---

Máu văng khắp nền đá trắng.
Hàng chục thanh kiếm đâm xuyên người y.

Nhưng Lạc Tử Duyên không kêu một tiếng.

Y ngồi thẳng lưng. Vẫn quỳ.
Vẫn nở một nụ cười nhạt… như lúc xoa đầu đứa trẻ năm nào.

---

Vài ngày sau.

Vũ Kha dẫn quân phản công, quét sạch loạn đảng.

Cánh cửa đại điện bật mở.

Ánh sáng tràn vào, chiếu rọi cả gian điện phủ một màu xám bạc ảm đạm.

Vũ Kha bước vào.
Áo giáp nhuốm máu. Mắt đỏ hoe.
Binh lính đứng sau đều dừng chân, không ai dám thở mạnh.

Trên bậc thềm cao nhất—
Lạc Tử Duyên vẫn quỳ.
Hắn trông thấy y.
Lạc Tử Duyên vẫn quỳ ở đó.
Trước ngai vàng mà y từng gìn giữ.
Máu đã khô. Mùi tanh đọng lại.
Một mảnh áo trắng bị nhuộm đỏ hoàn toàn.
Vẫn dáng ấy. Vẫn nghiêm cẩn.
Tựa như chỉ đang đợi hắn đến, như bao lần đợi dưới mái hiên ngày mưa.

Nhưng—

Bàn tay ấy đã lạnh.
Lồng ngực ấy… đã ngừng thở.

Vũ Kha chạy lên bậc thang, quỳ sụp trước mặt hắn.
Tay run rẩy nâng thân thể hắn dậy, ôm chặt vào ngực.

“Tử Duyên… Tử Duyên—ngươi dậy đi…”





“Không cần nói gì cả… chỉ cần nhìn ta một cái… chỉ một cái thôi…”




Không ai trả lời.
Gió lùa qua điện, lay động vạt áo nhuốm máu.

Hắn gục đầu lên vai người kia, như một đứa trẻ bị bỏ rơi.

“Ngươi nói ngươi sẽ luôn ở bên ta mà…”
“Ngươi gạt ta… ngươi lừa ta…”
“Ngươi dám bỏ ta lại một mình…”




Có điều gì đó trong tim như vỡ vụn—như thể… cảm giác như đã từng trải qua nỗi đau này. Ký ức mờ nhòe, nhưng cảm giác mất mát ấy… lại rõ ràng đến không thể thở nổi.

“Tử Duyên, ta ra chiến trường giết ngàn người, nhưng không giết nổi số phận cướp ngươi khỏi tay ta…”





“Ngươi dậy đi… ta hứa… ta sẽ chọn ngươi… ta chọn ngươi mà…”




Ôm chặt thi thể ấy, hắn bật khóc.
Lần đầu tiên trong đời làm đế vương, hắn gào khóc như một kẻ mất trí.

“Ngươi bảo ta đừng quay lại vì ngươi… Nhưng ta không làm được…”
“Ta không cần ngai vàng… ta chỉ cần ngươi…”




Máu từ vạt áo Lạc Tử Duyên rịn ra, thấm lên tay hắn—vẫn còn ấm.

Hắn ôm lấy cái xác ấy, thì thầm như van xin:

“Đừng chết mà… đừng bỏ ta một mình…”




Trên sàn, dưới chân ngai vàng, là một bức thư tuyệt mệnh—

---

Thư tuyệt mệnh:

“Xin bệ hạ thứ lỗi… vì đã lừa ngài mà ra tay trước.”
“Nếu còn một chút phúc đức nào từ đời trước… xin đừng để người sau này nhớ đến ta như một bề tôi phản nghịch.”
“Ta là thái sư. Không bảo vệ được ngai vàng thì lấy thân mà giữ.”
“Có sai… thì chỉ sai ở chỗ: yêu người, mà chưa từng nói ra.”

____________

Chiếu thư truy phong

Trẫm, Vũ Kha, hoàng đế đương triều, hôm nay ban chiếu.

Thái sư Lạc Tử Duyên, suốt đời tận trung, lấy đạo mà dạy, lấy nghĩa mà giữ nước.
Lúc thái bình, làm bậc nho sư khai tâm; khi loạn lạc, đem thân mà giữ quốc.

Một đời dạy trẫm thành nhân, dạy trẫm trị thế—chưa từng cầu danh, chưa từng tiếc thân.

Trước giặc dữ không lùi, lấy máu mình giữ ngai vàng không để vấy bẩn, lấy mạng mình che gió mưa cho xã tắc.

Người như thế—trẫm không dám quên.
Dù lấy hết sơn hà, cũng không đổi được một nụ cười hiền của người năm xưa.

Nay truy phong Lạc Tử Duyên làm Thừa Thiên Thái sư, ban thụy hiệu Văn Thành, an táng tại Linh Sơn, thờ trong Thái Miếu.

Từ nay, thiên hạ mỗi đời sau đều phải nhớ:
Có một người, từng quỳ dạy một đứa trẻ cách làm vua.
Có một người, dùng chính mạng mình để chứng minh… lòng trung không cần phô trương, chỉ cần đủ sâu là đã khắc cốt ghi tâm.

Khâm thử.
_________
Sau ngày Thái sư Lạc Tử Duyên qua đời, triều đình như thiếu đi một cột sống đã quen thuộc. Nhưng không ai dám buông lời nghi ngại, bởi Hoàng đế Vũ Kha chẳng những không ngã quỵ—mà càng trị quốc nghiêm minh, vững vàng đến rợn người.

Luật pháp được chỉnh sửa, triều cương siết chặt. Kẻ tham ô bị chém giữa chợ, quan lại vô năng bị bãi chức trong ba ngày, thậm chí có người vì cậy thế mà bị xử tru di. Bên ngoài, người người nói Hoàng đế là minh quân, nhưng trong lòng lại thầm sợ cái lạnh trong ánh mắt ngài.

Ngự sử từng lén bàn rằng: "Từ sau khi Thái sư mất, Hoàng thượng dường như không còn trái tim."
Chỉ có vài người ở lại bên cạnh ngài từ trước đến nay mới biết—trái tim ấy, đã chôn theo một người rồi.

Ngài chưa từng nhắc tên Lạc Tử Duyên nữa. Nhưng mỗi lần phê tấu, khi lỡ tay gõ bàn quá mạnh, ánh mắt Hoàng đế lại khựng lại một khắc, như thể nhớ đến một ai đó từng nhẹ nhàng trách:

"Bàn là gỗ tốt, người thì chỉ có một. Đừng trút giận lên tay mình."



Câu nói ấy, năm xưa chỉ là lời nhắc vu vơ, giờ lại như dao khắc vào lòng.

Hoàng cung mùa đông rất lạnh. Mỗi khi tuyết rơi đầy sân ngự thư phòng, bóng dáng áo bào trắng nơi Thái sư từng đứng đọc sách lại thấp thoáng trong đáy mắt ngài.
Ngự sử từng dâng tấu xin chuyển Thái sư phủ thành thư viện quốc gia, nhưng Hoàng đế chỉ lạnh giọng:

"Chỗ đó… không được ai bước vào."



Không có lệnh, dù chỉ là một hạt bụi cũng không được động vào. Căn phủ ấy, vẫn như thuở người còn sống—bình trà đặt nguyên chỗ cũ, bàn sách phủ bụi mỏng, và cửa sổ luôn khép hờ như thể người ấy sẽ quay về bất cứ lúc nào.

Trong những đêm dài nhất của mùa đông, khi tất cả lặng yên, Hoàng đế vẫn thường tỉnh giấc giữa mộng.

Trong bóng tối dày như mực, ngài lại thấy người ấy—
Vẫn là áo bào trắng, dáng lưng thẳng như tùng, giọng ôn tồn vang vọng:

"Trị quốc khó… nhưng giữ lòng mình, còn khó hơn."



Và ngài, lần nào cũng không kịp giữ người ấy lại—chỉ có thể giật mình giữa bóng tối, đưa tay về phía khoảng không vô tận… rồi cúi đầu, im lặng rất lâu.

_________

Triều đình ngày hôm ấy yên ắng lạ thường.

Một vị đại thần lớn tuổi, nhân lúc triều chính yên ổn, quỳ xuống dâng tấu. Chữ viết ngay ngắn, mực còn thơm, nhưng lời trong tấu… lại như từng lưỡi dao.

“Nay nước nhà thịnh trị, thần cho rằng nên xét lại một số di ngôn của cố Thái sư—đặc biệt là những điều quá cứng rắn, không còn phù hợp thời cuộc. Nếu bãi bỏ được, e là lòng người càng thêm phấn khởi.”



Người đó nói thêm:

“Đặc biệt là điều thứ mười ba: ‘Quan đứng đầu mà nghiêng lệch thì dân không biết đâu là chính đạo, nước dễ loạn’. Nay Hoàng thượng anh minh, dân tâm vững vàng, chẳng cần ràng buộc như trước nữa.”



Đã bảy năm, lần đầu tiên trong bảy năm, có người dám công khai nói "xét lại lời Thái sư."

Không khí lập tức đông cứng. Mọi ánh mắt hướng về long ỷ. Nhưng Vũ Kha không nhìn ai.

Ngài chỉ nhìn thẳng vào mặt người vừa quỳ, rồi cất giọng:

“Ngươi cho rằng mình hiểu quốc gia hơn người ấy?”



Chưa ai kịp đáp, tiếng RẦM vang lên.
Vũ Kha đập thẳng ngọc tỷ xuống bệ đá. Mảnh ngọc vỡ đôi, sắc lẻm. Một vết cắt nhỏ rướm máu nơi lòng bàn tay ngài.

Ngự y kinh hãi bước lên, nhưng ánh mắt ngài quét qua khiến tất cả đứng sững.

Ngài lạnh giọng:

“Ngươi sống bằng mồm lưỡi.
Người ấy sống bằng máu mình.
Cả đời này, ngươi không xứng chạm tới một nét chữ của người ấy.”



Không ai dám thở mạnh. Người quỳ run rẩy. Máu từ tay ngài nhỏ xuống từng giọt trên nền ngọc, đỏ rực.

Rồi không nói thêm gì nữa, Vũ Kha rời điện.

Chiều hôm đó, ngài không trở về ngự thư phòng, không truyền ai theo hầu. Chỉ lặng lẽ khoác áo choàng, đi bộ qua hành lang phủ tuyết dày, men theo lối nhỏ không ai còn lui tới: đường dẫn về Thái sư phủ.

Căn nhà ấy, vẫn như ngày rời đi—mọi thứ phủ bụi nhưng không một ai dám động vào. Vẫn còn ấm hương cũ, thơ gác trên kệ, và chiếc ghế nơi góc phòng từng có người hay ngồi, đọc sách cho ngài nghe mỗi khi đêm dài khó ngủ.

Ngài bước chậm đến bên án thư. Tay run run phủi lớp bụi dày, để lộ ra nét mực đã nhạt:

"Trị nước bằng luật, giữ nước bằng lòng."



Là dòng chữ người ấy viết lúc gần đi, trước khi nhắn:

“Bệ hạ có thể bỏ qua người khinh nhờn ngài, nhưng đừng bao giờ dung tha kẻ dẫm lên lòng dân.”



Ngài cúi đầu, tựa trán lên mặt bàn lạnh ngắt. Hồi lâu sau, mới khẽ cười—một tiếng cười nứt ra từ tận sâu trong ngực.

“Ca à…
Bọn họ đã bắt đầu muốn sửa lời huynh rồi đấy.
Nếu hôm nay ta không giận, mai họ sẽ quét sạch mọi dấu vết huynh từng tồn tại.”



Gió lùa vào từ khe cửa sổ, hun hút và lạnh thấu xương. Vũ Kha chợt nhớ—khi xưa có một ngày cũng lạnh thế này, ngài từng vì phẫn uất mà đập vỡ một chiếc bình. Là người ấy đi qua, không mắng, chỉ cầm tay ngài, nhẹ giọng nói:

“Bệ hạ, gió lạnh rồi… Người giận thì giận, nhưng xin đừng để tay mình đau.”



Giờ đây, cũng là gió ấy, nhưng chẳng ai đến cầm tay ngài nữa.

Chỉ còn ngài, một mình trong căn phủ cũ, khép chặt mắt lại—sợ nếu mở ra, sẽ không kìm nổi mà gọi tên một người… đã không thể quay về.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip