Chương 2: Ánh sáng của tớ!
Cũng chẳng biết từ khi nào, mà mấy cái tin đồn thất thiệt về Ngân đã lan ra hết cả khối 6 chỉ trong một thời gian ngắn.
Cơ bản là ít đứa tin hay hùa theo, nhưng mà bọn hùa theo đảm bảo là máu mặt ở cái khoá này. Cái Ngân từ đây mà nhát hơn hẳn, chứ bình thường nó cực kỳ bạo dạn, tự tin, nói cũng nhiều. Bây giờ nó chả khác gì một con ốc sên, chỉ cần thò đầu ra mà nghe thấy mấy lời bàn tán là nó chột dạ, như con ốc sên bị chạm là rụt đầu vào. Bất luận bọn đấy nói nó hay nói ai.
Suốt mấy tuần nay, kể cả làm gì, đi đâu, đầu óc nó cứ hiện lên nguyên một câu hỏi:"Rốt cuộc mình làm gì sai mà bị nói xấu cơ chứ?".
Lực học hơn? Chắc không phải, lực học hơn thì liên quan đến chuyện này ở đâu?
Điệu? Con gái ai chả có quyền điệu, không điệu lại thành con trai hay gì!
Khiêu khích? Không hề! Ngân còn coi chúng nó là bạn kia mà!
....
Thế tóm lại là cái cơ sự nào dẫn đến mấy ngày ăn không ngon ngủ không yên của Ngân?
Ngân chắc chắn là không sai rồi, sau khi nó suy xét kỹ lưỡng mọi thứ, hỏi khéo mấy đứa bạn hay là tự thôi miên mình sai, nó vẫn không biết mình sai chỗ nào. Mà nếu bảo nó đóng vai nạn nhân là dại! Nó đang bình thường cơ mà!
Ấy thế rồi, Ngân cũng ngờ ngợ thấy mấy cái tin nhắn bàn tán nó của bọn kia, hoá ra trong đấy có đứa "tạo phản"!
"Ô tưởng phải trung thành tuyệt đối hay thế nào chứ. Lộ ra có mà lại thành nạn nhân kế tiếp mất" Ngân thầm nghĩ.
Mấy cái tin nhắn đấy cũng là mấy cái lời nói ra vào mà hàng ngày Ngân dường như đã phát điên vì nghe nhiều. Nghe nhiều đến ám ảnh, đến ảo giác mà nó tính kết thúc cuộc đời tươi đẹp phía trước của mình. Nó không kể với bố mẹ được, vì vốn dĩ bố mẹ nó không tin nó.
Ai cũng nghĩ, nếu mình không sai thì cứ kệ đi, mình không sai việc gì phải sợ? Nhưng, cái tuổi ương ương dở dở, khó nói khó chiều này, việc chịu những lời nói thất thiệt về mình thì sao tâm lý nó có thể mạnh như tâm lý người lớn từng trải, để mà nó có thể trụ được trước bao lời nói ác ý kia? Huống hồ người lớn đôi khi còn lén giấu con trẻ mà khóc vì bất lực trước cuộc đời, thì bắt con trẻ kệ đi, sao mà được?
************
Một tiết Văn trong một mùa đông lạnh buốt. Cô Quynh- giáo viên bộ môn Văn, ngỏ ý "chiêu mộ" học sinh vào đội tuyển học sinh giỏi Văn 6 để tháng 4 năm sau thi. Lúc ấy là tháng 12, tức là còn khoảng hơn 4 tháng để ôn.
Đầu tiên là Ngân, cô ngỏ ý muốn Ngân đi thi. Với thành tích nổi bật hơn cả khối cộng thêm ghi điểm với bài kiểm tra miệng nắm hết các lý thuyết về cấu tạo từ, dễ gì cô Quynh cho Ngân thoát.
Về phía Ngân, sau khi bị mấy đứa đó nhét vào cặp những mẩu giấy chứa đầy những từ ngữ biết "làm tổn thương tâm lý người đọc" và nó đã nộp cho giáo viên chủ nhiệm để cô xử lý, Ngân quyết định sẽ đi thi Văn. Cũng chẳng phải kì vọng vào thành tích mà nó mong đây là lối thoát khỏi hiện thực mà nó được ban tặng. Cũng như nó muốn mình thật bận rộn, bận đến cái mức mà mấy lời nói kia chỉ còn là tiếng vo ve của muỗi vây quanh hay tiếng dế kêu đêm khuya, chẳng còn đủ sức làm nó để tâm nữa.
"Ánh sáng đây rồi!" Ngân reo mừng trong lòng. Giờ ra chơi tiết đấy, nó ôm cái Hào mà khóc, còn cái Tuyết chỉ biết vỗ vai nó.
Về đến nhà, hai dòng nước mắt đã thấm đẫm cặp kính cận của Ngân. Vui có, buồn có, nó khóc vì vui, vì buồn, vì mọi nỗi lòng của Ngân đã quá nhiều đến mức bùng nổ, dâng trào ra khỏi tầm kiểm soát của nó.
_________________________________
Tâm lý tuổi này là như thế đó!
Có thể rất mạnh mẽ, có thể rất yếu đuối. Tóm gọn là mọi buồn, vui, giận, hờn, yêu, ghét,...hội tụ hết lại ở cái tuổi này. Người ta gọi đó là cái tuổi nổi loạn.
Gọi là tuổi nổi loạn, vì đây là lứa tuổi dậy thì, biến một đứa trẻ con thành những cô cậu thiếu niên. Tất cả các tính cách được bộc lộ ra sau này đều xuất phát từ lứa tuổi dậy thì.
Ở tuổi này, ngoài phát triển cơ thể, những đứa trẻ còn bắt đầu hình thành nhân cách từ đây. Nó yêu cầu những đứa trẻ thể hiện bản thân mình, có những hành động hay suy nghĩ bồng bột, chưa trưởng thành nhưng lại muốn tỏ ra mình đã là người lớn. Cộng thêm các yếu tố từ gia đình, nhà trường, xã hội, việc hình thành nhân cách tốt lại càng là một thử thách đối với những đứa trẻ không được gia đình uốn nắn ngay từ nhỏ.
Việc học sinh ở lứa tuổi này yêu sớm, có những hành vi tỏ ra mình là người lớn, tỏ ra mình là đàn anh đàn chị, thích thể hiện cái tôi hay phát triển bản thân theo chiều hướng tốt, không sa vào những tệ nạn học đường, tích cực học tập đều phụ thuộc hết vào giai đoạn này.
Nó kéo theo vô cùng nhiều những hậu quả mà nặng nề nhất lại chính là các em học sinh. Không chị ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của mỗi chúng ta mà còn kéo theo những biến chứng tâm lý, tác động tiêu cực lên gia đình, nhà trường và xã hội.
Mỗi đứa trẻ cũng giống như một tờ giấy trắng mà khi đến lúc cần vấy bẩn thì bắt buộc phải bị bẩn. Thế nhưng, vết bẩn ấy có thể là bài học đường đời cho tờ giấy trắng ấy, cũng có thể là vết bẩn làm ô uế cả một tờ giấy kia. Gia đình, nhà trường hay xã hội cũng đều cần phải là những "nhà chuyên gia" xử lý triệt để vết bẩn ấy. Để đến khi chúng ta vào đời, chúng ta đã là những người "từng trải" trong một xã hội thu nhỏ.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip