1. Ngày Sadako chào đời
Thời thơ ấu của tôi với Sadako trôi qua ở Hiroshima. Bấy giờ là thập niên 1940, đường phố nào cũng lù lù các tòa nhà quân sự bằng gạch đỏ. Trong thời gian diễn ra chiến tranh Thanh-Nhật (1894-1895), Hiroshima là một thành phố quân sự hùng mạnh, cũng là cứ điểm của Lục quân và Hải quân. Những người đàn ông được gọi nhập ngũ bằng "thư đỏ ". Từ mọi miền đất nước, họ tập kết về Hiroshima, rồi ra cảng, lên tàu hỏa đi đến các chiến trường nước ngoài theo điều động.
Nhưng vào thập niên 1940, Hiroshima trong kí ức tôi không phải là "thành phố của những quân nhân", mà là "thành phố của rất nhiều sông". Một trong số đó có dòng Ota với muôn vàn nhánh nhỏ chảy về khắp hướng, trông y như tấm lưới. Rải rác là những bãi đất ven sông rộng rãi, sân chơi tuyệt vời cho lũ trẻ nghịch ngợm chúng tôi.
Cũng như sông, tàu điện chạy ngang dọc khắp Hiroshima. Năm 1941, khi tôi chào đời, thành phố đã bạt ngàn tàu điện rồi. Cứ đi bộ trên đường, chẳng mấy chốc ta gặp một nhánh sông khác. Cứ băng qua một trong những cây cầu bắt ngang sông, sẽ thấy ngay đường ray tàu điện. Và khi đi qua đường ray ấy, ta lại nhanh chóng bắt gặp một nhánh sông khác. Quang cảnh Hiroshima trong tâm thức tôi chính là như thế.
Trong suốt cuộc chiến, và cả khi công cuộc tái thiết thời hậu chiến đã hoàn tất, ta vẫn có thể nghe thấy tiếng ken két và lạch xạch của tàu điện lẫn trong tiếng người cười nói nhộn nhịp những khu mua sắm.
***
Sadako sinh năm 1943. Biết mẹ Fujiko của tôi mang thai, dì tôi ở khu Chiyoda có dặn, "Khi trở dạ chị sang nhà em nhé." Mẹ tôi trả lời, "Cảm ơn dì. Chị sẽ sang."
Thời ấy, phụ nữ dường như không đến bệnh viện để sinh con. Họ thường lâm bồn tại nhà, việc đỡ đẻ thường nhờ bà đỡ hoặc họ hàng. Vì mẹ định vượt cạn bên nhà dì nên các công đoạn được thu xếp theo hướng đó. Bố Shigeo có lời nhờ một bác phu xích lô tên là Takayama, rằng hôm dự sinh thì sang chở mẹ đến Chiyoda. Xích lô bấy giờ có thể hiểu như taxi bây giờ, phu xe điều khiển một chiếc xe đạp ba bánh gắn thùng đằng sau cho khách ngồi. Bác Takayama sống ngay cạnh nhà chúng tôi, ngày ấy láng giềng thân thiết lắm. Người xưa vẫn nói "hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau", ta nên giúp đỡ hai nhà sát vách và ba nhà đối diện. Thế nên bác Takayama rất vui vẻ hỗ trợ.
Mùng 7 tháng Giêng năm 1943, vừa sang năm mới, mẹ đột ngột trở dạ. Còn một tuần nữa mới đến ngày dự sinh nên bố mẹ cứ ỷ y thời gian rộng dài, chưa vội chuẩn bị. Thế là khi những cơn đau đầu tiên xuất hiện, cả hai đâm hoảng. Lúc ấy là 4 giờ sáng, bình minh còn chưa lên, bố đã đập thình thịch vào cửa nhà hàng xóm, "Bác Takayama! Bác Takayama ơi!"
Nghe tiếng gọi ầm ĩ của bố, bác Takayama thò đầu ra cửa sổ và đáp lại với khuôn mặt ngái ngủ.
"Làm gì mà chưa bảnh mắt đã ồn ào thế?"
"Xin lỗi vì mới sáng ra đã quấy rầy anh, nhưng vợ tôi sắp sinh!"
"Chà, thế thì nghiêm trọng đấy!"
Bác Takayama khẩn trương đi lấy xích lô mà chẳng một lời phàn nàn vì bị dựng dậy quá sớm. Bố đắp tonbi của mình lên người mẹ. Tonbi là áo khoác nam, vì không tay nên rất dễ mặc. Bố vội vã bế mẹ lên xích lô và đứng trông theo mãi. Sau đó bố gọi điện báo cho dì biết.
"Fujiko đang trên đường tới nhà dì đấy. Nhờ dì chăm sóc cô ấy nhé!"
"Thế ạ? Vâng, em đi đun nước ngay đây."
Trong lúc dì tất bật chuẩn bị cho mẹ tôi lâm bồn, thì em bé đã chào đời khi mẹ đang long đong đâu đó trên quãng đường bốn cây số từ nhà chúng tôi tới Chiyoda. Xích lô tới nơi, dì thò đầu vào thùng xe đúng lúc nghe thấy tiếng khóc lọt lòng rất to.
"Oe! Oe!"
Đứa trẻ sơ sinh đấy, dây rốn vẫn dính với mẹ và bọc mình trong chiếc áo tonbi của bố.
Có lẽ vì ra đời sớm hơn một tuần nên em rất nhỏ, chỉ nặng có 2,26 cân, tuy vậy em vẫn là một cô bé khỏe mạnh, Lúc ở trên xích lô, mẹ không ngăn nổi dạ con co bóp nên chưa kịp đến nhà dì đã sinh em ra.
Nhiều năm về sau, mẹ vẫn còn khỏe mãi.
"Mẹ đẻ ngay trên xích lô. Vượt cạn một mình. Một mình đấy!"
Bác Takayama cũng vô cùng sửng sốt trước ca sinh nở bất ngờ này.
"Tôi làm phu xe đã lâu nhưng chưa gặp chuyện như thế bao giờ!"
Ngẫu nhiên chứng kiến sự ra đời của một con người theo cách thức ít thấy, bác Takayama phấn khích, đến nỗi từ chối nhận thù lao chạy xe, và tặng gia đình tôi món tiền ấy thay cho quà chúc mừng. Câu chuyện về đứa trẻ chào đời trên xích lô trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của hàng xóm láng giềng.
Vài ngày sau, vào một buổi chiều, bố ẵm con gái ra bờ sông để cho em xem một thứ, dù trời rất lạnh.
"Con trông kìa, hoàng hôn thật đẹp, đúng không?"
Em bé còn quá nhỏ nên chưa hiểu được, nhưng bố vẫn chỉ trỏ vầng tà dương và giải thích với em. Ráng chiều nhuộm bầu trời và mặt nước thành một màu cam, hòa lẫn với màu gạch của những tòa nhà quân sự đằng xa.
"Sadako!"
Đang ngắm dòng sông chảy trôi yên bình trước mặt, bố đột ngột gọi to tên em, cái tên đã nhờ thầy tướng xem hộ cho cô con gái đầu tiên nhà Sasaki. Bố nhìn lướt qua khuôn mặt Sadako, đúng lúc em cũng đang nhìn bố.
"Tên con là Sadako. Chữ 'sada' có nghĩa là 'nắm lấy hạnh phúc' đấy."
Khuôn mặt bầu bĩnh của Sadako cứ quay qua quay lại giữa hoàng hôn và bố, trong khi ông vừa cười vừa nói chuyện với em.
***
Có thể nói "vạch xuất phát" của gia đình Sasaki là năm 1937, khi bố và mẹ gặp nhau tại một cơ sở của quân đội, gọi là chi nhánh kho quân phục. Kho quân phục là nơi sản xuất đồng phục, giày dép và những thứ khác cho Lục quân, Ngoài trang phục, họ còn làm đồ dùng hằng ngày như chăn màn và xà phòng để phân phát cho quân nhân. Chi nhánh rất đông người làm.
Bố học nghề thợ cạo từ năm mười lăm tuổi. Đến năm hai mươi ba tuổi, ông có cơ hội để thể hiện tay nghề tại một tiệm cắt tóc trong chi nhánh kho quân phục.
Làm ở đó được ít lâu, ông chú ý đến một cô gái.
"Chà, cô ấy thật xinh đẹp..."
Bố đem lòng yêu mẹ ngay từ cái nhìn đầu tiên, khi bắt gặp mẹ đang chăm chỉ làm việc.
Mẹ là thợ may, vào chi nhánh trước bố ít lâu. Họ lao động trong cùng một cơ sở, nhưng vị trí tác nghiệp lại hoàn toàn tách biệt. Dù vậy, bố vẫn loáng thoáng thấy bóng mẹ những khi bà đi qua.
Bố kể rằng, bấy giờ mẹ mới hai mươi tuổi, là một cô gái nhỏ bé, trắng trẻo, rạng rỡ và ấm áp. Mẹ cũng để ý đến bố vì tính cách thật thà và tác phong cần cù. Cả hai đều lớn lên trong nghèo khó, nên dễ thấu hiểu và cảm thông cho nhau.
Vào cái năm 1937 ấy, tình hình vô cùng phức tạp, chủ nghĩa quân phiệt trong nước đạt tới đỉnh điểm, đến tháng Bảy thì chiến tranh Trung-Nhật nổ ra. Bố mẹ tâm đầu ý hợp mà không thể công khai hẹn hò, ngày ngày chỉ biết thầm lặng trao nhau ánh nhìn trìu mến, mãi mới có cơ hội để trò chuyện và vun xới tình yêu.
Tháng Ba năm 1940, thực hiện ước mơ nghề nghiệp bấy lâu, bố mở tiệm cắt tóc Hinode ở khu Kusunoki, thành phố Hiroshima. Người mẹ một tay nuôi nấng anh từ nhỏ là bà nội Matsu cũng chuyển tới ở cùng.
Nhân dịp mở tiệm riêng, bố quyết định cầu hôn mẹ. Dù đã có người hỏi cưới ở quê, nhưng mẹ lại chọn bố.
Tháng Mười cùng năm bố mẹ thành hôn, không hưởng tuần trăng mật mà cùng nhau làm việc ở tiệm. Cả hai đều thuộc mẫu người cần cù, không lòng nào bỏ bê tiệm mất bao nhiêu công mới được. Khi ấy giá cắt tóc chỉ có 50 xu. Ở bên bố, mẹ bắt đầu học các thao tác cần thiết cho công việc mới.
Giữa những tháng ngày bận rộn ấy, bố mẹ chào đón đứa con đầu lòng là tôi, Masahiro, vào năm 1941. Đó cũng là năm nổ ra trận Trân Châu Cảng, khiến nước Nhật sa lầy vào chiến tranh Thái Bình Dương.
Đến năm 1943, vài tháng sau khi Sadako chào đời, như bao người đàn ông khác, bố nhận được "thư đỏ" gọi nhập ngũ.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip