Chiến Dịch Điện Biên Phủ


Vào năm 1945, cuộc kháng chiến chống Pháp tại Việt Nam diễn ra ác liệt, đất nước chìm trong khói lửa. Khi mà nhân dân ta sống trong cảnh lầm than, khốn khổ. Cái thuở mà nước mắt pha lẫn với đau thương nhưng cũng mang đến sợi dây liên kết tình cảm dân tộc. Cái thuở mà dân ta phải chứng kiến những ngôi làng hôm nào còn tiếng hò reo, nô đùa của trẻ nhỏ cùng sự nhộn nhịp của chợ phiên ban sáng bị bom đạn san phẳng chỉ còn lại tro bụi hoá lụi tàn. Sự hy sinh của những người con đất Việt ngày càng nhiều, nỗi đau mất con, mất cả gia đình rồi nỗi sợ mất nước cứ thế ghì chặt vào tim mỗi người mà rỉ máu. Cái mùi xác chết trộn lẫn hương khói cứ thế len lỏi vào tiềm thức của những ngọn lửa bất khuất của Tổ Quốc, như ngọn đuốc thổi bùng lên cho tinh thần yêu nước, khắc ghi lấy công lao của các vị anh hùng quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh. Nhớ lấy mãi cái tang thương mà cả nước ta phải chứng kiến.

Trong bối cảnh ấy, Năm – một thanh niên tài năng và thông minh – sống trong gia đình nhà Nho ở một vùng quê phía Bắc. Cha mẹ Năm đều là những người theo cách mạng, gia đình họ thường xuyên tiếp tế lương thực, thực phẩm cho quân đội. Tuy được nuôi dưỡng trong sự sung túc, Năm không thể ngoảnh mặt trước tình hình đất nước. Anh không thể chịu đựng được việc ngồi yên trong căn nhà an toàn khi bên ngoài, đồng bào mình đang đổ máu. Cha mẹ Năm muốn anh ở lại, tiếp tục dạy chữ cho dân để xóa nạn mù chữ. Thế nhưng, lòng Năm sôi sục ý chí chiến đấu. Anh hiểu rằng, việc giáo dục là cần thiết, nhưng anh khao khát được đóng góp trực tiếp cho cuộc chiến giành độc lập. Đất nước cần những người đứng lên, không chỉ bằng trí tuệ mà còn bằng hành động. Cuối cùng, trước ý chí quyết liệt của anh, cha mẹ đành chấp nhận cho anh tham gia kháng chiến.

Ngày đầu tiên bước vào căn cứ quân đội, Năm như được thức tỉnh hoàn toàn. Trước mắt anh là hàng loạt chiến sĩ bị thương, nằm la liệt chờ đợi cứu chữa. Tiếng rên rỉ vì đau đớn vang lên không ngừng. Máu chảy loang lổ trên nền đất, vấy đỏ từng viên đá, từng mảng lá trên mảnh đất cằn cỗi. Lòng Năm thắt lại. Anh chưa từng tưởng tượng rằng chiến tranh lại tàn khốc đến thế. Nơi đây không chỉ là chiến trường mà còn là nơi địa ngục trần gian mà bọn thực dân tạo nên.

Trong những ngày Năm học việc sơ cứu, đội đưa thư từ các tuyến chiến đấu được điều đến căn cứ. Những chiến sĩ đưa thư thường phải vượt qua những vùng bom đạn, đem theo hy vọng và tin tức của gia đình, chỉ dẫn của cấp trên cho các đơn vị quân đội. Trong đội đưa thư lần đó, có một cậu bé gầy gò, nhỏ nhắn nhưng trông rất tháo vát và lanh lợi. Cậu bé ấy tên là Huệ. Huệ từ miền Nam xa xôi, đôi mắt cậu sáng ngời giữa cảnh bom đạn và chiến tranh. Tay trái của em đang bị thương nặng, máu chảy ướt đẫm, nhưng Huệ vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đưa thư cho các chiến sĩ. Anh được đứng ra băng bó cho em, dù mới chỉ học việc chưa lâu. Đôi tay Năm run run khi cố gắng siết chặt vết thương của Huệ, cố gắng không để cậu đau thêm. Nhưng trong cái luống cuống, Năm lại khiến Huệ bật cười.
  “Anh mới học sơ cứu à? Tay chân còn vụng về lắm!”

Câu nói nhẹ nhàng kèm nụ cười tươi rói của Huệ khiến Năm có chút ngại ngùng.

"Em cứ trêu anh, anh cho em đau bây giờ"
"Mà em tên gì vậy, trông em nhỏ con thế này mà xông pha ghê nhỉ"

Năm vừa băng bó vừa hỏi nhưng Huệ chỉ cười, em cười tươi lắm, bảo:

"Anh hỏi tên em làm gì, anh lo việc anh xong đi. Vì nhân dân mà, nhìn dân ta còn khổ em chịu không nổi, cứ thấy cái khổ đau thì em mới biết mình phải cống hiến hơn nữa. Sức nhỏ góp nhỏ, em chỉ được cái chạy nhanh thôi, nên mới chạy đưa thư như này anh ạ"

Giữa cảnh chiến tranh khốc liệt, nụ cười ấy lại trong trẻo đến thế, như thể những gì em trải qua chỉ là cuộc đùa vui với đám bạn ngoài kia.

Khi băng bó xong, Huệ nói với Năm rằng có một bức thư từ gia đình gửi cho anh. Trước khi rời đi, em còn hứa rằng sẽ quay lại, không quên nhắn thêm:

“Sau này, thư của mẹ anh sẽ do em mang đến.”

Và rồi, Huệ rời căn cứ, biến mất trong bão đạn chưa kịp nói tên mình cho anh biết.

Từ sau buổi gặp gỡ ngắn ngủi đó, Năm ngày đêm trông ngóng tin tức từ Huệ. Lòng Năm như thắt lại mỗi khi nghĩ đến cậu bé dũng cảm ấy, người đã dám lao mình giữa bom đạn để hoàn thành nhiệm vụ. Huệ như tiếp thêm sức mạnh cho anh để anh càng cố gắng giúp đỡ đất nước, giành lại độc lập cho dân ta. Thời gian trôi qua, hơn một tháng rưỡi sau, Huệ bất ngờ quay lại căn cứ. Nhưng lần này, tình trạng của em còn tệ hơn trước. Máu từ vết thương trên đầu đổ xuống, vai cậu đã thấm đẫm máu. Năm chạy vội đến, đôi tay anh run rẩy khi băng bó cho cậu. Anh vừa lo lắng vừa hỏi han em:

“Em ổn mà, anh đừng lo,”

Huệ nói trong hơi thở yếu ớt, nhưng ánh mắt em vẫn sáng ngời. Em chưa bao giờ sợ hãi trước bom đạn, dù cái chết luôn rình rập từng bước đi của mình, em hiểu rằng nếu mình chết đi thì vẫn chết trong lòng của đất nước, chết vì một lý tưởng cao đẹp và em sẵn sàng hi sinh cho hai chữ độc lập.

Năm vội vàng sơ cứu cho em nhưng cũng không quên hỏi chuyện để em lơ đi cái đau

"Thương em quá em ơi, cái bọn thực dân kia ác quá, vì vậy mà dân ta lại phải chịu khổ, chịu trên cái ác của chúng. Anh thề sẽ nả đừng viên đạn vào đầu chúng nó."

"Haha nhớ chừa đạn cho em nữa nhé, nhà em cũng chết dưới tay bọn chúng. Em hận lắm, hận cái bọn Pháp kia kìa."

Rồi Huệ kể cho Năm nghe về câu chuyện của mình. Bố mẹ Huệ đều bị bọn Pháp giết. Họ bị bắn ngay trước mặt em, cả hai lấy thân mà che chở cho em chạy trốn. em theo chân mọi người theo ra Bắc, quyết định gia nhập vào quân đội, xin một chân vào đội đưa thư cùng tinh thần cống hiến hết mình cho cách mạng. Với Huệ, việc đứng lên chống giặc là điều tất yếu. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào, là cách để trả nợ nước, trả ơn cha mẹ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Sau khi nghe Huệ nói xong, Năm càng thêm thương em hơn, sơ cứu xong Năm mới xin chút cháo cho em ăn, xong xuôi anh mới yên tâm mà để em nghỉ ngơi. Anh cũng không quên hỏi

"Em vẫn chưa cho anh biết tên, anh là người giúp em băng bó hai lần rồi đấy nhé"

"Em tên Huệ, nghe hơi nữ tính nhỉ?"

"Em đẹp quá chứ sao, nhìn em công nhận, giống đoá huệ trắng nở rộ thật..."

Năm khen em nức nở, mặt em đỏ chót, thẹn quá em chui vào chăn mà thiếp đi.

Những ngày tiếp theo, Năm tiếp tục học việc sơ cứu, dạy chữ cho các chiến sĩ, trong khi Huệ vẫn bền bỉ trên con đường đưa thư. Cả hai đều biết rằng mình đang cống hiến hết sức cho đất nước, mỗi người một cách, nhưng đều mang trong lòng niềm tự hào lớn lao.

Một ngày nọ, Năm nhận được tin sẽ được điều lên tuyến đầu. Anh không ngờ rằng Huệ cũng được phân công đến cùng đơn vị. Cả hai sẽ cùng nhau trải qua những khó khăn, sát cánh trên chiến trường đầy gian khổ.

Và rồi trận chiến khốc liệt kéo dài suốt mấy ngày liền, những tiếng súng, tiếng nổ như vang vọng mãi trong tai. Trong một khoảnh khắc đau đớn, Huệ bị trúng đạn khi đang cứu một đồng đội ngã gục giữa bão lửa. Năm nhìn thấy cảnh ấy mà lòng như có ngàn mũi dao đâm vào. Anh muốn lao đến, nhưng đạn bay vèo vèo quanh mình, đồng đội phải níu giữ anh lại, không cho Năm liều mạng. Anh chỉ có thể trơ mắt nhìn Huệ gục xuống, vai và lưng cậu bé đẫm máu.

Huệ được khiêng về căn cứ, nhưng tình hình rất nghiêm trọng. Đôi mắt em nhắm nghiền, khuôn mặt nhợt nhạt, máu từ vết thương không ngừng rỉ ra. Năm chạy tới, lòng anh như vỡ tung. Đôi tay run rẩy cố gắng cầm máu cho Huệ, nhưng vết thương quá sâu, quá lớn. Anh không thể ngừng nghĩ về nụ cười tươi rói của Huệ, sự lạc quan mà cậu luôn giữ, và giờ, cậu đang nằm đó, yếu đuối và mong manh như một cánh hoa sắp tàn.

Trong khoảnh khắc ấy, Năm cảm thấy một nỗi sợ chưa từng có. Nỗi sợ mất đi Huệ, người đã trở thành người em, người bạn chiến đấu thân thiết nhất của anh. Mỗi lần nghĩ đến việc Huệ có thể không bao giờ tỉnh lại

"Không thể nào," anh tự nhủ. "Huệ không thể nào bỏ cuộc được."

Huệ tỉnh dậy sau một thời gian dài chìm trong mê man. Ánh sáng yếu ớt từ ngọn đèn dầu chiếu lên khuôn mặt xanh xao của em, đôi mắt dần mở ra, nặng nề và mờ mịt. Cảm giác đau đớn truyền đến từng dây thần kinh của Huệ, nhưng em không rên la. Em chỉ nhìn quanh, tìm kiếm hình bóng quen thuộc. Khi thấy Năm ngồi bên cạnh, đôi mắt đầy lo âu, Huệ cố nở một nụ cười yếu ớt,

“Em không sao đâu… đừng lo cho em, Năm.”

Những lời nói đó làm Năm không kìm được cảm xúc. Mọi thứ trong lòng anh bùng nổ. "Huệ! Em bị thương nặng lắm! Lần này anh suýt mất em rồi... Suýt nữa thôi..." Giọng Năm nghẹn lại, đôi mắt anh đỏ hoe. Trong giây phút ấy, tất cả nỗi lo lắng, nỗi sợ hãi và cả sự bất lực tích tụ trong anh bấy lâu bỗng nhiên trào dâng, biến thành một cơn sóng cảm xúc không thể kiểm soát.

Huệ nhìn Năm

"Năm à, chúng ta đều biết rằng... bất cứ lúc nào em cũng có thể ngã xuống. Nhưng... không sao đâu, em đã chọn con đường này rồi."

Nói đến đây, giọng Huệ trầm hẳn lại, như một lời khẳng định. Trong giây phút ấy, Năm cảm nhận được sự kiên cường và lòng quyết tâm của Huệ, nhưng chính điều đó lại khiến anh đau đớn hơn. Huệ chấp nhận cái chết, nhưng Năm không thể chấp nhận rằng em sẽ chết

Ngày Huệ bị thương nặng, căn cứ trở nên tĩnh lặng đến kỳ lạ. Không còn những tiếng cười nói của Huệ, chỉ còn sự nặng nề của những nỗi lo chồng chất. Năm ngồi bên cạnh cậu suốt nhiều ngày liền, đôi mắt thâm quầng vì thức trắng đêm. Anh không thể rời xa Huệ, sợ rằng chỉ cần anh chợp mắt, Huệ sẽ biến mất, như những người đồng đội đã ra đi trước đó.

Trong lòng Năm là một nỗi dằn vặt không ngừng. Anh tự trách mình vì đã không bảo vệ được em. Sự bất lực đó dần biến thành một nỗi oán hận ngấm ngầm, khiến Năm càng quyết tâm hơn trong từng trận chiến.

Vài tuần sau, Huệ đã dần hồi phục, nhưng vết thương vẫn còn dai dẳng. Em không thể chiến đấu như trước, nhưng lòng nhiệt huyết vẫn cháy bỏng trong đôi mắt sáng rực của Huệ. Em không hề cho phép mình gục ngã.

  Ngày 11 tháng 3 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới các chiến sĩ: "Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang... Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới... Chúc các chú thắng to!"

Cùng ngày, lệnh động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ mở cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được gửi tới các đơn vị: "Chiến dịch Điện Biên Phủ sắp bắt đầu! Đây là chiến dịch công kiên quy mô lớn nhất trong lịch sử quân đội ta... Đánh thắng ở Điện Biên Phủ, chúng ta sẽ phá tan kế hoạch Nava, giáng một đòn chí tử vào âm mưu mở rộng chiến tranh của bọn đế quốc Pháp - Mỹ. Chiến dịch thắng lợi sẽ có ảnh hưởng vang dội trong nước và ngoài nước, sẽ là một cống hiến xứng đáng vào phong trào hòa bình thế giới đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt - Miên - Lào... Giờ ra trận đã đến! Tất cả các cán bộ và chiến sĩ, tất cả các đơn vị, tất cả các binh chủng hãy dũng cảm tiến lên, thi đua lập công, giật lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của Hồ Chủ tịch".

Năm và Huệ được lệnh tham gia chiến đấu. Trước khi lên đường, Năm nhìn Huệ:

"Cả anh và em đều là lính cụ Hồ, ta theo chân lý đấy mà sống, cùng anh em toàn quân đứng dậy chống giặc. Nếu đôi ta chết thì chết trong vòng tay của nhân dân, không có gì để hối tiếc."

Huệ mỉm cười, ánh mắt kiên định như thường lệ.

"Năm, chúng ta đã cùng nhau đi qua nhiều trận chiến. Có thể lần này ta cùng nhau hi sinh, dưới lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại, vì độc lập, tự do và hạnh phúc của đất nước!".

Trong khoảnh khắc ấy, cả hai hiểu rằng cả hai đều đang đặt cược mạng sống của mình vào tương lai của đất nước. Và họ sẽ không chùn bước. Năm và Huệ cùng các đồng đội chiến đấu với tất cả sức lực còn lại, mỗi bước tiến đều đẫm mồ hôi và máu. Huệ lao mình giữa làn đạn, đôi mắt sáng lên như ngọn đuốc giữa đêm đen. Em không ngừng di chuyển, đưa thông tin, hỗ trợ chiến lược cho các đơn vị. Năm nhìn Huệ mà lòng vừa lo lắng, vừa khâm phục.

Tiếng đạn pháo vang lên, chấn động cả chiến trường. Một viên đạn xé không khí, bay thẳng về phía Huệ. Thời gian như ngừng lại trong khoảnh khắc đó. Năm hét lên, lao về phía Huệ, nhưng anh không kịp. Viên đạn ghim thẳng vào ngực cậu bé. Huệ ngã gục xuống, máu chảy tràn ra từ vết thương. Năm hoảng loạn, vụt đến Huệ như con thiêu thân ôm lấy Huệ trong vòng tay. "Không! Huệ! Em không được chết...Cố lên, ta sắp giành chiến thắng rồi!"

Giọng anh nghẹn lại trong cơn đau đớn tột cùng. Những giọt nước mắt trào ra, rơi xuống gương mặt tái nhợt của Huệ. Nhưng rồi, tiếng còi khải hoàn vang lên. Quân đội ta đã chiến thắng. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay giữa trời xanh. Năm ôm lấy Huệ, lòng anh trào dâng một cảm xúc lẫn lộn giữa niềm vui và lo lắng. Huệ nhanh chóng được đưa đi cấp cứu, may sao em vẫn sống. Lúc em tỉnh lại, Năm đã ôm chầm lấy em mà khóc:

"Thắng rồi, dân ta thắng rồi. Chúng ta đẩy lùi được bọn thực dân rồi!"

"Anh nói sao, ta thắng rồi? Haha thắng rồi thắng rồi"

Cả Năm và Huệ đều ôm lấy nhau mà khóc, khóc vì ta đã thắng, vì đã chiến đấu hết mình.

"Em biết gì không, Bác gửi thư khen đấy, Bác viết:
Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời ngợi khen cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để giành độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn..."

Trận chiến kéo dài từ ngày 13-3 đến ngày 7-5 năm 1954. một tháng, ba tuần và ba  ngày. Giữa trận này, quân Pháp đã gia tăng lên đến 16.200 người nhưng vẫn không thể cầm cự được trước các đợt tấn công như vũ bão của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trước tinh thần chiến đấu bất khuất, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam tổng tiến công trên khắp các mặt trận. Quân Pháp đã sức tàn lực kiệt, rệu rã kéo cờ quyết định đầu hàng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ, “là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”

Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, khắp núi rừng Tây Bắc như bừng sáng trong ánh bình minh của tự do. Cờ đỏ sao vàng phấp phới giữa bầu trời cao vời vợi, hòa cùng tiếng hô vang của đồng bào, tiếng reo mừng của những người chiến sĩ trở về từ nơi khói lửa. Khắp nơi, lòng người như hòa vào khúc khải hoàn của dân tộc, niềm hân hoan về một ngày đất nước đã thoát khỏi xiềng xích, rũ bỏ hết đau thương để bước vào trang sử mới.

Trong khoảnh khắc lịch sử ấy, Năm và Huệ đứng bên nhau trên một ngọn đồi cao, nơi có thể nhìn thấy toàn bộ chiến trường đã từng là nơi máu và nước mắt hòa quyện. Giờ đây, những xác đạn pháo chỉ còn là vết tích của chiến tranh, thay vào đó là một bầu trời trong xanh, không còn khói lửa hay bom đạn.

Năm nhìn Huệ, người chiến hữu, người em thân thiết đã sát cánh cùng anh qua bao gian khó. Gương mặt Huệ giờ đây ánh lên niềm tự hào và hạnh phúc. Trong ánh nắng nhạt, Huệ như một tượng đài bất khuất giữa bão giông, nhưng cũng thật mong manh và đáng yêu. Năm thấy lòng mình trào dâng những cảm xúc sâu lắng, điều mà anh đã giấu kín trong trái tim suốt những tháng ngày dài đằng đẵng của chiến tranh.

Anh bước tới, đứng đối diện với Huệ, đôi tay khẽ nắm lấy bàn tay cậu bé. Hơi ấm từ đôi bàn tay ấy truyền vào lòng anh, xua tan hết những nỗi lo sợ và bất an. Trong đôi mắt Huệ, Năm thấy lại những nụ cười, những giọt nước mắt, những phút giây hiểm nguy mà cả hai đã trải qua. Năm ôm chặt Huệ vào lòng, như ôm trọn cả những tháng ngày kháng chiến, những vết thương, những hy sinh, và giờ đây, cả tình yêu. Bầu trời tự do bao la trên đầu họ, như khẳng định rằng tình yêu của họ sẽ được bảo vệ, như đất nước đã bảo vệ độc lập của chính mình.

Trên đỉnh đồi ấy, giữa khúc khải hoàn của dân tộc, tình yêu của Năm và Huệ không chỉ là tình yêu giữa hai người lính, mà còn là biểu tượng cho khát vọng vươn tới một tương lai tốt đẹp hơn. Trong ánh nắng dịu nhẹ của buổi sớm, họ đứng đó, tự do như chính đất nước Việt Nam vừa giành lại từ tay kẻ thù.

Năm quay sang nhìn về phía xa, nơi những ngọn đồi trải dài, xanh mướt trong ánh mặt trời. Anh thì thầm, như gửi gắm lời hứa với Huệ và với cả dân tộc: “Độc lập này, tự do này, sẽ mãi mãi là của chúng ta. Và chúng ta sẽ sống trọn vẹn trong tình yêu, trong hòa bình"

28032025




tớ xin phép không dám viết sâu vào trận chiến, kiến thức còn hạn hẹp nên nếu mọi người muốn tìm hiểu sâu thêm về trận Điện Biên Phủ có thể lên các trang mạng đọc. tớ dẫn nguyên văn từ wiki, nếu có sai xót mong mọi người chỉ lỗi để tớ sửa ạ. do lần đầu viết trong bối cảnh lịch sử Việt Nam nên tớ khá lo lắng về các chi tiết, nếu sai mọi người góp ý giúp tớ nhé<3

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip