Chương 1: Về quê
“Em xin anh miếng đất
Để cho em trồng rau
Em không muốn đi học
Em chỉ thích ở nhà”
Tôi giật mình thức dậy khi có khách lên xe, bên tai vẫn còn vang lên những câu hát trong bài “Vẫn đợi em”. Hành khách mới của chuyến đi là một thanh niên tầm ba mươi tuổi, đội một chiếc nón lưỡi trai khá bạc màu, đang được lơ xe dẫn đến chiếc giường bên cạnh tôi. Trở mình, nhìn ra cửa sổ, dưới ánh trăng của đêm mười ba âm lịch, bóng cây hai bên đường hiện lên như những ma rừng trong các bộ phim của Châu Âu. Đột nhiên tiếng thắng xe rít lên nghe rợn người, chiếc xe lắc lư khoảng ba giây mới dừng lại. Tim tôi như bị bóp nghẹn lại, nhịp thở cũng trở nên hỗn loạn, chút nữa đã hét lên như nhiều người trên xe.
– Mày bị điên à? Sao đột nhiên thắng gấp vậy? – Một anh lơ xe quát lên.
– Tao..tao..thấy..cái…gì…đó…vừa…vụt…qua…đường.
Những lời ầm ĩ xung quanh chẳng lọt nổi vào tai tôi, lúc này tôi chỉ lo ngại cho con tim đang nhảy lô tô trong lồng ngực, không biết liệu nó có thoát khỏi mấy cái xương sườn mà lộ mặt ra chào hỏi hay không. Bỗng dưng tôi thấy sợ. Nếu ngày xưa có lẽ nhiêu đây không thấm thía gì nhưng những chuyện xảy ra gần đây khiến tâm can tôi mềm đi quá độ. Tôi chợt nghĩ tới cảnh ngày mai trên trang đầu của các báo đều là hình ảnh của chiếc xe khách bị lật up với dòng chữ in đậm “Thanh niên lấy bằng xuất sắc về quê lập nghiệp và cái kết”, lúc đó chắc ba má tôi buồn lắm. Ba sẽ gầy thêm, má thì có lẽ chịu không nổi.
– Này chú em, chú em sao thế? Vẫn còn sợ sao?
– Ơ, ơ?
– Sao thế? Xe bắt đầu chạy lại rồi mà vẫn chưa hoàn hồn à? Sợ lắm?
Ông khách bên cạnh nhoài người sang đưa tay sờ trán tôi rồi hỏi.
– Dạ không, người ta mở lạnh quá nên hình như em trúng gió.
Không đợi anh ta hỏi thêm, tôi bẻ cua gấp
– Lúc nãy có chuyện gì vậy ông anh? Sao tài xế lại thắng gấp vậy?
– Cậu ta thấy có bóng trắng lao qua đường nên thắng xe lại, may mà không sao.
– Chắc tài xế buồn ngủ rồi nhìn nhầm, chứ giờ này có ai điên mà lao qua đường?
Anh ta trở lại giường của mình, kéo cái chăn mỏng lên vai, liếc nhìn ra cửa sổ một lúc rồi quay lại nhìn tôi, chậm chậm nói:
– Không phải đâu, bóng trắng đó nhiều người từng thấy rồi.
Ánh mắt ông anh kia nhìn tôi xa xăm đến kì lạ, khiến da gà cả người tôi như ngóc dậy để lắng nghe câu chuyện.
– Một câu chuyện khó có thể quên đi đối với nhiều người. Tháng bảy năm năm về trước, một vụ tai nạn thương tâm, khiến bao nhiêu người phải đau xót. Bốn nữ sinh Gia Lai vừa đạt thành tích tốt trong kì tuyển sinh THPQG rủ nhau lái xe máy về Quy Nhơn chơi. Đến chân đèo An Khê thì xe chết máy, bốn người đành dắt bộ để tìm người giúp đỡ. Hơn nửa tiếng đồng hồ nhưng bốn người không nhận được sự giúp đỡ nào, dù có không ít xe qua lại. Lúc đó đã gần 6 giờ chiều.
– Các cô gái gặp cướp khi trời còn chưa tối, gặp cướp ngay tại trong xã hội đã phát triển như thế này. Đôi khi bắt gặp bất ngờ, nó còn đáng sợ hơn là việc có chủ đích từ trước. Mấy cô gái bị một băng thanh niên giả vờ tiếp cận giúp đỡ sau đó kéo vào rừng cây bên đường để cướp người và của. Bốn cô gái chống cự quyết liệt, một trong số đó thoát được, lao vụt qua đường. Lúc đó có một chiếc xe khách đang chạy tới, cô ấy đứng ngán giữa đường để kêu cứu nhưng tài xế không thấy, tai nạn đã xảy ra. Bốn người đi, nhưng không ai trở về nguyên vẹn. Một người nằm xuống, ba người vì quá đau buồn mà sinh bệnh trầm cảm. Kể từ đó, cứ vào tầm này, nhiều xe khách đi qua đoạn đường đèo mà tai nạn đã xảy ra đều thấy một bóng trắng vụt qua giữa đường, như hình ảnh cô gái năm xưa đứng giữa đường cầu cứu.
– Vậy bóng trắng mà lúc nãy tài xế thấy là cô gái ấy sao?
Tôi lên tiếng hỏi.
– Có thể phải, mà cũng có thể là không phải.
Anh ta lắc đầu trả lời.
– Tại sao anh lại nói vậy?
Anh ta nhìn tôi một lúc rồi đưa điện thoại ra:
– Vì trên này họ chỉ viết tới đó thôi, sao anh biết được mà chú mày hỏi?
Tôi ngớ người trong giây lát, sau đó lại phì cười. Chợt hiểu ra câu chuyện vừa rồi đã được lan truyền trên mạng, ông anh này chỉ việc đọc cho tôi nghe mà thôi.
– Anh mày lúc nãy nghe mấy bà cụ ngồi ở đầu kia thì thầm với nhau nên tò mò lên xem thôi, chả biết thật giả thế nào, nhưng cũng thấy hơi ghê ghê đó. Chú em coi liệu mà ngủ tiếp đi, không khéo lại thấy mấy trò vui ở đoạn đèo này.
– Ha ha, ông anh cũng vui tính thật.
Tôi kéo chăn, trở người qua hướng khác, chợt nghĩ về những chuyện vừa qua. Một sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc của ngành Điện – Điện tử vậy mà về nơi mình sinh ra, lớn lên lại chẳng xin được việc. Bao nhiêu cố gắng, nỗ lực để vào được trường Bách Khoa TP.HCM, ngôi trường bao nhiêu người mơ ước, cày cuốc suốt bốn năm trời để kiếm được bằng xuất sắc, và cuối cùng lại thất nghiệp. Mấy thằng bạn trên đại học còn nói mỉa “Tụi tao cố gắng để ra trường, mày thì cố gắng để thất nghiệp”.
Thời buổi này, người giỏi rất nhiều, COCC cũng nhiều không kém. Nếu tôi ở lại thành phố lớn có lẽ xin việc không có chút gánh nặng gì, nhưng tôi lại muốn về nhà, muốn về quê. Tôi chán đợi đèn đỏ, chán không khí ồn ào, chán cái nhịp sống quá nhanh ở những thành phố lớn. Vội vàng thức dậy, vội vàng đi làm, vội vàng ăn, cả việc ngủ cũng vội vàng mà ngủ để ngủ được thêm một lúc. Thời còn bé, tôi đã từng phải sống trong rẫy, không có điện, không có tin tức thời sự và thiếu đi nhiều sắc màu của cuộc sống. Tôi đã từng mơ ước được đến các thành phố lớn để trải nghiệm, khám phá. Nhưng thời gian cứ chậm chậm trôi, để tôi lớn dần, đầy dần, khi đó tôi cũng tỉnh táo và vụn dần. Sài Gòn khiến tôi nghi ngại, nghi ngại về những số phận và tấm lòng. Lòng người Sài Gòn rất tốt, nhưng tấm lòng đó nhiều lúc lại bị lợi dụng. Vì vậy, tôi sợ!
Tôi không phải người thiếu thực tế, tôi hiểu cuộc sống và hiểu về vấn đề việc làm ở Việt Nam, nhưng tôi vẫn chọn về Buôn Hồ. Tôi cứ nghĩ rằng, nếu không được làm nhà nước, có lẽ sẽ làm được cho công ty tư nhân, nhưng sự thật lại như một cái tát vô mặt tôi. Nhà nước thì không nhận, công ty tư nhân ư? Làm gì có mà để tôi xin vào. Hơn hai tháng trời long đong từ Buôn Hồ đến Buôn Ma Thuột, câu trả lời tôi nhận được vẫn là “Không phù hợp với công việc”.
Nhưng cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ, tôi cũng thuộc băng đảng COCC mà không biết. Chú Ba tôi là Giám Đốc Phòng Tài Nguyên Môi Trường ở Thị Xã Đập Đá, chú nói rằng có thể xin được cho tôi vào văn phòng công ty điện lực ở Thị Xã An Nhơn, bảo tôi thu xếp về quê làm việc. Nghe tin, tôi nửa muốn nửa không. Tôi đã từng sống hai năm ở quê, tình cảm cũng rất nhiều, ở đó còn nhiều hứa hẹn và thương nhớ, nhưng tôi là con một, tôi đi rồi ba mẹ về già tính sao? Như biết được suy nghĩ của tôi, má tôi mới bảo “Con về đi, vài năm nữa ba má cũng về, ở đây, ba má cũng mệt rồi. Con về kiếm tiền xây nhà, đón ba má về”. Má tôi đã lên tiếng, tôi nào dám không nghe, vậy nên có chuyến xe đêm nay.
Tầm chín giờ hơn, trong giấc ngủ chập chờn thấy mình đang về nhà, chợt giật mình thức dậy, thấy xe đã về đến An Nhơn.
– Dừng xe bác tài ơi!!!
Tôi nhảy vội xuống xe, rút điện thoại ra gọi cho chú tôi:
– Chú Ba hở, con tới rồi này.
– Mày tới mặt đất rồi phải không?
– Dạ?
– Thể nào cũng ngủ quên nên giờ mới gọi phải không?
– Ơ? Dạ dạ, chú tới …. đón con với nha.
– Ừ, mày chờ đó, có người ra đón mày.
Chín giờ tối ở đất Thị Xã này, mọi thứ vẫn nhộn nhịp. Mấy quán ven đường vẫn có người ăn khuya, những cửa hàng vẫn còn sáng đèn và bao người vẫn còn tất bật lo toan cho cuộc sống, cố gắng kiếm thêm đôi đồng khi ngày sắp tàn. Cuộc sống này là vậy, dù ta có ngủ yên nơi góc phòng để trốn tránh ồn ào thì cuộc sống ngoài kia vẫn vậy. Đầy tất bật và lo toan.
Mười phút sau, Thím Ba đến đón tôi.
– Sao con không canh thời gian mà gọi, khỏi phải đứng đợi lâu.
Ngồi trên xe, thím tôi rầy.
– Con ngủ quên ấy. Mà chú Ba đâu rồi thím?
– Chú con đi công tác rồi, ngày mai mới về. Nãy đang ngồi nhà dì Tư thì ổng gọi đây.
– Dạ, mà lúc nãy trên xe có vụ kia ghê lắm.
Tôi bèn thuật lại chuyện lúc nãy trên xe cho thím nghe, không phải tôi nhiều chuyện mà vì tôi muốn nghe cái nhìn của thím.
– Chuyện đó bình thường thôi con, ở quê mình thì đầy, thím đây còn ngó thấy vài lần, huống chi là mấy ông tài xế đi khắp các đoạn đường hay xảy ra tai nạn đó.
– Vậy bóng trắng kia là cô gái đã chết hở thím?
– Cái đó không ai biết được, một nơi đã có người chết, ai biết được là một hay từng có rất nhiều.
Tôi đang tính hỏi tiếp thì thím ngắt lời:
– Thôi, tối rồi, bàn đến mấy chuyện đó làm gì, lọt đến tai những người khuất mặt, không hay ho lắm đâu.
– Dạ.
Thím tôi đã nói vậy, tôi đành thôi, nhưng trong lòng vẫn còn suy nghĩ về chuyện đó, cho đến lúc tới nhà chú Ba.
– Anh Lâm. Hai năm rồi chưa gặp anh.
Xe vừa vô cổng, con bé Tâm nó đã nhảy cẫng lên réo tôi. Ông nội tôi đẻ hai người con trai, mỗi người đều có một đứa con, Tâm là con gái chú Ba. Nó năm nay lên lớp mười. Mấy năm trước, năm nào nó cũng được cho lên nhà tôi chơi cả tuần vào dịp hè. Hai năm nay tôi bận học, hè không về được, nó cũng mất niềm vui được đi chơi xa.
Tôi vừa bước xuống xe, nó đã chạy lại kéo tôi. Thấy vậy, thím tôi rầy nó:
– Mày để cho anh nghỉ ngơi đi, nó mới đi xa về.
Rầy nó xong, thím lại quay qua tôi:
– Con vô tắm rửa rồi ăn thêm miếng gì đi, thím đi bàn công chuyện ngày mai, lát chắc về trễ.
– Dạ.
Thấy má vừa đi, con bé Tâm lại lôi tôi.
– Anh Lâm, nghe ba bảo lần này anh về quê luôn à?
– Chắc là vậy rồi, “đi đâu loanh quoanh cho đời mỏi mệt”.
Nghe tôi xác nhận, nó reo lên:
– Ha ha, từ nay có người chơi với em rồi, có người chở em đi chơi rồi. Trước giờ ba má đi làm, em toàn ở nhà chơi một mình, bạn bè thì chẳng có mấy đứa chơi được. Nay đã có anh chơi với em rồi. Ha ha.
Tính nó vẫn trẻ con như trước, vẫn có sao nói vậy, vẫn vô tư và mến tôi. Tôi lôi bộ đồ trong ba lô ra rồi nói nó:
– Chỉ cho anh phòng tắm đi, anh đi tắm đã.
– Theo em, em sẽ chỉ cho anh phòng tắm, dẫn anh đi dạo khắp nhà em luôn.
Tôi gõ đầu nó:
– Ta cần phòng tắm, chỉ lẹ nào, nhà dạo sau.
– Tuân lệnh sếp!
Nhà chú Ba mới xây có khác, từ ngoài vào trong mới toanh. Phòng tắm cũng thuộc dạng “xịn”. Có cả nước nóng lạnh, vòi hoa sen và vách kính tắm như trong phim Hàn Quốc.
Lúc tôi tắm xong mới phát hiện ra mình quên mang theo khăn tắm, tôi vội “í ới” bé Tâm:
– Tâm ơi, mở ba lô lấy cho anh khăn tắm với.
Không biết Tâm nó đang làm gì mà tôi gọi mấy lần nhưng nó không đáp lại. Mãi đến ba phút sau, khi tôi đang chuẩn bị mặc đại đồ để vô thì nghe tiếng gõ cửa.
– Sao mà lâu thế con nhóc kia, ta gọi mà cũng không trả lời.
Tôi mở hé hé cánh cửa, đưa tay ra ngoài để lấy khăn. Tay tôi với với trong không trung tầm hai, ba giây thì bé Tâm nó đặt khăn vào tay tôi rồi đi mất. Vừa lau người tôi vừa thắc mắc:
– Con nhỏ này làm sao mà nãy giờ hỏi không trả lời vậy ta?
Khi tôi vừa bước ra nhà tắm thì thấy nó từ ngoài đi vào, tôi rầy nó:
– Sao nãy giờ không đáp lại anh tiếng nào vậy con nhỏ kia?
– Nãy giờ bạn em đến trả sách, em đứng nói chuyện với nó một lúc. Từ đây đến ngoài đó xa lắc, sao em nghe được lời anh nói.
Vừa nói nó vừa quơ quơ cuốn sách trước mặt tôi. Giọng của nó vẫn êm êm tai như trước giờ, nhưng sao người tôi lại nổi hết cả da gà.
– Nãy giờ em không ở trong nhà?
Tôi trợn mắt lên hỏi lại nó.
– Đúng rồi, em xạo anh làm gì.
Nó nhìn tôi, mặt nhăn nhăn lại. Nó chưa xạo tôi bao giờ, lần này có lẽ cũng vậy. Nếu nó không xạo tôi, vậy chuyện gì đang xảy ra đây?
– Vậy…vậy…
Tôi bỗng trở nên cà lăm. Sau gáy tôi như có ai đó thổi từng đợt hơi lạnh vào, tim tôi như nhảy lô tô trong lồng ngực, còn trong lòng, đầy âm thanh gào thét “Chú Ba đi công tác, thím bảo sẽ về trễ, bé Tâm thì đi ra ngoài, vậy thì, người vừa rồi đưa khăn tắm cho tôi là aiiiiii?”.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip