"Bạo lực học đường - Giết chết nền giáo dục"

Ông cha ta đã từng dạy: "Lá lành đùm lá rách", một câu tục ngữ quen thuộc mang thông điệp là con người phải biết đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Thế nhưng lời dạy ấy lại bị thế hệ trẻ phớt lờ khi những vấn nạn về bạo lực vẫn xảy ra mỗi ngày. Đặc biệt phải kể đến chính là bạo lực học đường. Trong khi trường lớp là môi trường để ta được học tập, vui chơi lành mạnh thì vấn nạn này xuất hiện và phá vỡ niềm vui tiếp nhận kiến thức của bao người. Vì vậy, vấn đề này cần phải được chấm dứt và giải quyết triệt để.

Đầu tiên, bạo lực học đường là gì? Bạo lực học đường là những hành vi gây tổn hại về tinh thần và thể chất của nạn nhân trong môi trường, cơ sở giáo dục. Hình thức bạo lực học đường đa dạng, mức độ cũng theo đó mà khác nhau. Có thể là cô lập, bêu rếu, chửi rủa, bôi nhọ, lăng mạ, xúc phạm danh dự và nhân phẩm nạn nhân,...tác động đến tâm lý. Hoặc tệ hơn là đánh đập, moi tiền, tác động vật lý gây tổn hại về thân thể.

Bạo lực học đường đã không còn là vấn nạn quá xa lạ khi từ các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hay thậm chí là các cấp cao hơn nữa thì vấn nạn ấy vẫn còn len lỏi đâu đó. Khi lên các công cụ tìm kiếm và gõ "bạo lực học đường", bạn có thể dễ dàng tìm thấy vô số bài báo về những vụ việc có mức độ nghiêm trọng từ thấp đến cao đều có đủ.

Tuy nhiên, càng ngày những vụ bạo lực học đường xuất hiện càng dày đặc, ta có thể nói rằng gần như mỗi ngày đều xảy ra ở đâu đó xung quanh mà bản thân chẳng hề hay biết. Còn về độ nghiêm trọng, chúng đã lên đến mức báo động. Có những vụ thậm chí đã khiến nạn nhân phải bỏ mạng. Điều đó cho thấy, vấn nạn bạo lực học đường là vô cùng nghiêm trọng.

Bạo lực học đường gây ra vô số tác hại đối với nạn nhân, nhà trường và cả xã hội. Dù không mang chấn thương về thể xác, nạn nhân cũng phải mang vết cắt sâu trong tâm lý, ám ảnh và có lẽ sẽ không bao giờ nguôi ngoai. Hãy thử hỏi những nạn nhân của bạo lực học đường rằng họ liệu sẽ quên được kí ức kinh hoàng đó? Với những vụ tác động vật lí, không bị thương nặng thì cũng bị thương nhẹ. Bạn có thể tìm các bài báo về bạo lực học đường và sẽ thấy những vụ bạo lực về thể xác kinh khủng đến mức nào. Có thể lấy ví dụ bằng vụ việc "học sinh đâm bạn trọng thương ở trường học", trọng thương ở đây là gãy đốt sống cổ, mức độ tổn thương cơ thể ở thời điểm giám định là 23%. Vụ việc khiến nạn nhân không thể đến trường trong một thời gian dài, còn ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự xã hội.

Nguyên nhân của bạo lực học đường chia làm hai loại là khách quan và chủ quan. Các nguyên nhân khách quan thường đến từ ba nguồn chính: gia đình, nhà trường và xã hội. Người gây ra bạo lực học đường có thể là do ảnh hưởng từ bố mẹ, người thân trong gia đình, thiếu sự quan tâm và giám sát. Mô hình giảng dạy của nhà trường chưa hiệu quả, xử lí vấn đề kỉ luật và giám sát chưa đúng cách, chưa đủ nghiêm ngặt khiến học sinh coi thường, có hành vi sai lệch cũng là một trong những nguyên nhân gây nên bạo lực học đường. Xã hội, môi trường sống tiêu cực, độc hại gây có thể tạo nên tâm lý không đúng đắn cho học sinh. Ngoài ra còn có sự tác động của trò chơi điện tử có yếu tố bạo lực. Nguyên nhân chủ quan đến từ sự phát triển của tâm lý lứa tuổi. Đặc biệt là ở tuổi dậy thì, nhiều học sinh có xu hướng nổi loạn, thích chứng tỏ bản thân mà gây ra hành vi bạo lực học đường.

Mỗi vấn đề đều cần phải được giải quyết triệt để nếu nó gây nên ảnh hưởng tiêu cực, bạo lực học đường cũng không phải ngoại lệ. Mà không chỉ riêng nhà trường, gia đình và xã hội phải chung tay thực hiện. Nhà trường cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường cho học sinh, ví dụ như phiên tòa giả định. Quy định của nhà trường nên được cải thiện, giám sát học sinh nghiêm ngặt hơn. Gia đình và xã hội cũng phải quan tâm, chú ý học sinh, giáo dục tâm lý từ nhỏ để tránh việc học sinh phát triển với tâm lý lệch lạc. Ngoài ra, việc rèn luyện cho học sinh tinh thần mạnh mẽ để tự mình bảo vệ bản thân khỏi bạo lực học đường cũng rất cần thiết. Đó là các biện pháp phòng chống.

Đối với trường hợp bạo lực học đường đã xảy ra, ta có những cách đối phó khác. Với nạn nhân, sau khi bị bạo lực học đường cần được hỗ trợ về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Khả năng bị sang chấn là rất cao, nên nhà trường, xã hội và đặc biệt là gia đình nhất định phải chú ý và giúp đỡ các em trong quá trình hồi phục. Với thủ phạm gây ra bạo lực học đường cần được giám sát và giáo dục lại, cũng phải có những biện pháp xử lý nghiêm ngặt, hình phạt tương ứng. Có thể là đình chỉ học một tuần, hai tuần, một tháng hay đuổi học tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi bạo lực mà học sinh đã thực hiện.

Tổng kết lại, bạo lực học đường là vấn đề nan giải và ngày càng phức tạp đối với cả xã hội. Vậy nên phòng chống bạo lực học đường là ưu tiên hàng đầu. Để làm được như vậy, mỗi người chúng ta, dù có là ai với vai trò gì trong xã hội đều phải chung tay, góp sức đẩy lùi vấn đề tiêu cực này ra khỏi đời sống. Giới trẻ hay các em học sinh ngày nay chính là tương lai của đất nước, là niềm hi vọng của cộng đồng để một mai các em lớn khôn, xây dựng đất nước phát triển. Môi trường học tập lành mạnh thì không được phép tồn tại bạo lực học đường, mà một môi trường lành mạnh mới có thể tạo nên những thế hệ trẻ tài giỏi. Vì những mầm non của đất nước, vì tương lai đất nước phát triển rực rỡ, bạo lực học đường nhất định phải bị xóa sổ.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip