ngoại tôi đã giết bao nhiêu người?

1 tác phẩm rất hay của tác giả Tuệ Thảo, xin copy giới thiệu cùng mọi người..

NGOẠI ĐÃ GIẾT BAO NGƯỜI?

***
(Chuyện có thật về việc dùng bùa ngải giết người)

Tháng 6/1998 (12tuổi)

Tôi đang ngồi băm thân chuối để nấu cám cho lợn ăn. Con dao đưa lên bổ xuống cái thớt nghe cành cạch cành cạch. Mẹ tôi đứng ngay cạnh cửa bếp, cố với lấy tàu chuối khô tuốt bớt lá làm dây để buộc lại mớ củi khô. Sáng sớm, gió bên hông nhà thổi qua dàn mướp ngay cạnh bậc ao cứ nhè nhẹ riu riu. Tôi thì cố băm cho hết thân chuối để còn chạy qua nhà ngoại xem ngoại đi chợ về chưa. Tiếng dao bổ xuống thớt nhanh hơn 1 chút, cành cạch- cành cạch:

- Mẹ lấy chồng nha Tuệ?

Tiếng dao bổ xuống thớt dừng lại đôi ba giây, tôi lại tản lờ câu nói của mẹ, tiếp tục bổ dao xuống thớt băm chuối. Mẹ vẫn cố với dây buộc lại đống củi, tay mẹ kéo căng làm dây đứt, củi rơi tung toé cả xuống đất. Mẹ đi lại đống tàu chuối khô, tuốt hết lá làm thành sợi dây khác. Đến gần chỗ tôi 1 chút:

- Mẹ lấy chồng nha Tuệ?

Tôi băm con dao thật mạnh xuống thân chuối rồi đứng lên chạy tắt qua 3 luống khoai lang của ngoại. Ngoại đang ngồi dưới gốc mít nhặt rau muống, thấy tôi ngoại mắng:

- Cha bố mầy, con gái con lứa cứ chân trần chạy tắt qua vườn có ngày dẫm sành chết mồ tổ mầy.

Tôi chẳng nói gì, ngồi xuống cầm cọng muống non nhặt bỏ rổ. Trời chi chỉ tầm 7h sáng mà nắng đã cao quá thân cây mít già, tiếng ve kêu hôm nay nghe như tiếng than thở của chính lòng mình. Ngoại thấy tôi im lặng như rằng đã hiểu ra điều gì, ngoại cười nói:

- Cha tổ mầy, mầy ở đây với ngoại. Con mẹ mầy nó đi đâu thì nó đi. Mà nó có đi đâu xa đâu, ngay trên xóm Thượng.

Tôi chẳng nói gì, nhìn vào gian buồng với chiếc màn gió màu đỏ mới tinh cứ phất phới bay ra bay vô. Tôi đứng lên đi lại gần cửa đưa tay sờ chiếc màn gió. Tính rằng nói gì đó mà lòng trống rỗng không biết nên hỏi gì. Ngoại lại lên tiếng:

- Sắm cho mẹ bây đó.

Tôi nghe tôi hiểu ngày mẹ đi lấy chồng sắp tới rồi. Tôi buông chiếc màn chạy ù về nhà. Mở tủ quần áo thấy vài chiếc túi sách gọn gàng ở đó. Chẳng nói năng gì tôi chạy một mạch ra đồng nằm dưới gốc đa cổ thụ nhìn trân trân lên trời rồi ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy thì trời đã quá trưa, đưa tay bứt cọng cỏ ven đường rồi lại lững thững về. Đi qua cây phượng ngay ngõ nhà thờ, gặp mấy bà hàng xóm đến giờ đi cầu nguyện. Thấy tôi chân trần đi giữa nắng thì nói:

- Giờ này mày đi đâu nắng nôi vậy? Về mà giữ mẹ mày đi. Mẹ mày bỏ mày đi lấy chồng rồi.

Câu nói chẳng biết là đùa cợt hay đang đồng cảm mà sao tủi thân đến bật khóc. Tôi vừa chạy vừa đưa tay quệt đám nước mắt đang thi nhau lăn xuống má. Về đến nhà tôi thấy mẹ đang cười đùa tíu tít với ông Lương, bác sĩ thú y trên xóm Thượng.

Cách đây vài ba tháng, con lợn xề nhà tôi bỗng đổ bệnh chẳng ăn uống gì, mẹ lo lắng chạy ra chạy vô sợ con lợn ốm bệnh bỏ ăn mà chết. Ngoại chạy bộ lên xóm Thượng mời bác sĩ Lương xuống tiêm cho lợn vài mũi, con lợn ăn được, ngủ được mà bác sĩ cứ xuống nhà tiêm hoài.

***

Vài ngày sau ngoại đưa qua cho tôi bộ quần áo mới thơm phức, ngoại bảo tôi đi vào buồng thử cho ngoại xem đẹp không. Tôi cầm bộ quần áo hớn hở mặc vào, đẹp thật. Ngoại nói với tôi:

- Hôm nay ngày vui của mẹ mầy, làm cỗ bên nhà ngoại.

Nghe thấy ngoại nói vậy tôi chạy nhanh vào buồng thay bộ đồ cũ ra, tôi lại ra gần cửa bếp ngồi băm chuối cho lợn ăn. Từ bên nhà nhìn qua bên ngoại, người ra người vào đông vui lắm. Giữa trưa ngoại bưng sang cho tôi tô miến lòng:

- Ăn đi kẻo đói con, đừng băm chuối nữa, lợn ăn không hết uổng lắm con.

Tôi chẳng nói gì, ngước mắt lên nhìn tô miến rồi bê rổ chuối mới băm ném thẳng vào chuồng cho lợn:

- Mày ăn đi, từ nay không ai nuôi tao, cũng chẳng ai nuôi mày nữa.

Nói xong tôi lại ra cửa bếp, lại ngồi băm chuối. Tiếng băm cành cạch-cành cạch như tiếng giận hờn cho đời mình. Mẹ tôi mặc bộ áo dài màu hường nhạt, chạy tắt qua mấy luống khoai của ngoại đi thẳng lại chỗ tôi dúi vào tay tôi vài tờ tiền:

- 2,3 ngày nữa mẹ về, con ở nhà với ngoại ngoan nha con.

Tôi nắm chặt tiền, đi thẳng vào nhà thắp nén nhang lên bàn thờ của bố. Trên chén nhang, ai đã thắp khói hương nghi ngút. Tôi cầm 3 que nhang lạy 3 lạy rồi hỏi:

- Bố ơi, bố có vui thay cho hạnh phúc của mẹ không?

Chẳng thấy có tiếng ai trả lời, lúc này tôi mới gục mặt xuống khóc.

***

Mẹ đi lấy chồng cũng vài tháng rồi. Tôi chẳng qua ở với ngoại, tôi vẫn ở đây, tự đi học, tự cơm nước. Dàn mướp héo queo với vài quả mướp già khô khốc đen xì cứ lủng lẳng đua bay theo gió. Con lợn xề cũng chẳng còn nữa, chỉ còn lại tôi trong căn nhà này. Tôi ngồi cạnh thềm ao, ném vài miếng cơm nguội xuống cho cá ăn. Vừa lúc này mẹ tất tả ôm túi này túi kia chạy về. Vừa về đến nhà là mẹ chạy ào qua ngoại ngồi khóc:

- Nó đánh con mẹ ạ.

- Sao mà nó đánh? Có sao không?

- Thằng con của nó lấy cắp hết tiền của con. Con chửi con nó thì nó đánh con.

Vừa lúc này thì ông Lương phi con xe phượng hoàng tới, ông ta chẳng kịp chào hỏi ai đã định lao vào đánh mẹ tiếp:

- Mày chạy về đây à, mày nghĩ mày chạy về đây thì tao không đánh được mày à?

Ngoại ngồi ngay đó lên tiếng:

- Anh vừa phải thôi anh Lương ạ. Tôi ngồi ngay đây anh còn lao vào đánh nó thì khi không có tôi chắc anh giết nó mất. Anh về ngay đi kẻo tôi gọi chính quyền đến bắt anh bây giờ.

Ông Lương lên tiếng:

- Bà hay nhỉ? Bà bảo bà gọi chính quyền là gọi thế nào? Nó là vợ tôi đàng hoàng, bà không dạy được nó thì bà để tôi dạy nó.

Ngoại chẳng nói thêm câu gì, đi lại gần gốc mít cầm lên cái gậy cao quá đầu người rồi phi thẳng trúng đầu ông Lương mà đuổi:

- Cút đi tao còn cho chết toàn thây, mày còn léng phéng tao cho chết nát bét.

Ông Lương thấy ngoại dữ quá nên hậm hực dắt xe về.

Chẳng hiểu trùng hợp hay có gì mà hơn tuần sau người nhà ông Lương qua báo tin ông Lương cùng thằng con riêng bị đuối nước mà chết. Mẹ nghe thấy thế thì tức tưởi chạy vào nhà cầm chiếc nón lá đi lên xóm Thượng. Tôi chạy qua bên ngoại để báo tin cho ngoại biết, đi quanh vườn quanh bếp không thấy ngoại đâu, tôi mới đi vào căn buồng mà ngoại chưa bao giờ cho tôi bước chân vào. Thấy ngoại nằm sõng xoài dưới đất tôi vội chạy lại đỡ ngồi dậy. Miệng ngoại có máu chảy ra, mắt ngoại long lên sòng sọc như một con người hoàn toàn khác. Tôi tính chạy ra khỏi buồng để tìm người tới cứu thì ngoại lôi tay tôi lại nói:

- Ngoại không sao.

Sau đó ngoại đuổi tôi ra khỏi buồng rồi một lúc sau ngoại mệt mỏi đi ra:

- Ngoại đã cấm mầy bước vào đó rồi? Sao mầy bước vô đó làm chi?

- Dạ, con qua báo tin ngoại biết là ông Lương với thằng con ổng chết rồi. Người ta mới báo cho mẹ con hay. Ngoại bị làm sao thế? Ngoại có sao không?

- Ngoại không sao. Còn vụ ông Lương thì ngoại biết lâu rồi.

- Sao ngoại biết? Người ta mới báo tức thì mà.

Ngoại không nói gì, nhăn nhó bảo:

- Mầy về bên nhà đi, ngoại mệt cho ngoại nghỉ chút.

Tôi lại lững thững đi về, trong đầu vô vàn những câu hỏi nổ ra... Mọi nghi hoặc bắt đầu dồn về trong đầu:

- "Ngoại không phải người bình thường, ngoại có gì đó rất lạ, căn phòng đó có gì mà ngoại không cho vào?"... "Tại sao người ta đồn thổi rằng ông ngoại chết, bố chết là do ngoại làm..." ..."Ngoại là ai?"

Mọi thứ đều được phơi bày sau khi ngoại chết, ngoại chết hồi tháng 02/2021. Em xin kể tiếp vào lần sau về những gì khi ngoại hấp hối ngoại nói cho em nghe và hành trình đi tìm hiểu sự thật về ngoại. Ngoại đã làm gì và đã dùng gì để giết người?

Ngoại giết bao nhiêu người rồi?

NGOẠI ĐÃ GIẾT BAO NGƯỜI  p2

***
(Chuyện có thật về việc dùng bùa ngải để giết người)

Xế chiều mẹ đội chiếc khăn tang trắng về nhà. Trên tay cầm chiếc tang khác đưa cho tôi:

- Đội vào đi con không người đời họ cười cho.

Tôi chẳng nói gì, đưa tay nhận chiếc khăn tang đem lại đầu giường dập xuống dưới chiếu rồi chạy ù ra bờ đê, nằm vắt vẻo gần mé sông nhớ lại về cái chết bất thường của bố.

3 năm trước:

Bố là con sâu rượu, ngày nào bố cũng uống, bữa nào bố cũng uống. Bố uống rượu chay, chẳng cần mồi cũng chẳng cần ly, bố cứ cầm chai rượu đưa lên mồm tu ừng ực. Khi đắng miệng, sót ruột quá thì bố lặt miếng rau đưa lên bếp luộc để làm mồi nhắm. Khi thì đơn giản ra ngay vườn vặt mấy dái mít non chấm muối làm mồi. Bố cứ lặng lẽ uống, chẳng nói năng cũng chẳng chửi bới gì ai bao giờ. Chỉ biết rằng hôm đó mẹ đi ra bờ sông vớt bèo về cho lợn ăn, thấy bố vẫn ngồi rung đùi tu rượu thì vỡ bờ quát tháo chửi bới. Lời qua tiếng lại rồi bố dơ tay xén mẹ 1 bạt tai. Mẹ ấm ức chạy qua ngoại ngồi khóc. Từ ngày đó bố ốm liệt giường. Bố cứ nằm đó nhìn trân trân lên trần nhà, bố chẳng nói được cũng chẳng cử động được, lâu lâu tôi lại nhìn thấy bố chảy 2 hàng nước mắt ngược xuống mé tai. Bố nằm liệt được gần tháng thì chết. Người ta đến khâm liệm tắm rửa cho bố, chuẩn bị cho bố nhập quan thì hô hào chạy toán loạn vứt bố nằm bơ vơ dưới sàn đất lạnh. Ngày đó tôi còn bé, ngơ ngác chẳng hiểu gì. Chỉ biết rằng cái chết của bố có điểm đáng ngờ rồi chính quyền vào cuộc. Họ khiêng xác của bố đi để khám nghiệm tử thi. Ngày người ta trả xác bố về người ta kết luận:

- Có dị vật trong bụng phá hủy nội tạng gây ra cái chết.

Rồi cánh báo trí về đến tận vùng quê nghèo, họ ác tâm phỏng vấn mẹ rồi quay qua hỏi đứa con nít như tôi rằng:

- Con có biết vì sao bố con chết không? Cô nghe bên pháp y họ nói có con cá trê to như cẳng tay sống trong bụng bố con. Nó làm thủng ruột của bố con khiến bố con chết có đúng vậy không?

Mẹ ngồi ngay cạnh đó, đưa ánh mặt giận dữ nhìn về phía họ rồi giật lấy cái máy ghi âm đang để sát miệng tôi đập vỡ tan tành.

Tôi chẳng biết sự thật đến đâu, chỉ biết rằng mấy người tắm rửa cho bố họ bảo, đang chuẩn bị khiêng bố vào hòm thì thấy bụng bố ùng ục như đang thở, thế là họ sợ quá bỏ chạy.

Sau cái chết của bố, người ta đồn thổi đủ điều. Người thì nói bố tắm sông, tắm ao để trứng cá chui vào bụng rồi nở thành con. Con cá lớn dần trong bụng rồi nó đục ruột chui ra ngoài nên bố mới chết. Người thì nói bố bị bùa bị ngải. Tôi chẳng biết sự thật đến đâu, chỉ biết rằng từ đó trở đi tôi không còn bố nữa.

Sau cái chết của bố, mẹ chẳng có nhiều thay đổi. Mẹ vẫn lầm lũi một mình giống y với cái cách mà bố luôn để mẹ một mình. Hay nói đúng hơn là mẹ có chồng hay không có chồng cũng giống nhau vậy. Chỉ thấy mẹ chăm làm hơn, mẹ ít để cho bản thân có thời gian rảnh rỗi. Cứ rảnh mẹ lại đem thân chuối ra băm cho lợn ăn. Băm nhiều đến mức lợn ăn không hết để chuối với phân ùn ứ vào góc chuồng. Con lợn ngộp quá rồi chết, khi con lợn chết mẹ mới ngồi thụp xuống góc bếp ngồi khóc. Tôi chạy lại gần mẹ, chẳng ôm cũng chẳng an ủi mẹ chỉ hỏi mẹ rằng:

- Mẹ ơi, mẹ đau ở đâu, sao mẹ khóc thế?

Mẹ đưa tay kéo tôi ngồi bệt xuống nền đất quệt đám nước mắt đi:

- Con lợn chết rồi con ạ.

Lúc đó tôi ngơ ngác chẳng hiểu, sao khi bố chết mẹ chẳng khóc nổi mà giờ con lợn chết mẹ lại khóc? Giờ thì tôi hiểu, người lớn họ kìm nén giỏi lắm, họ mượn cớ con lợn chết để khóc cho cuộc đời.

***
Cũng sau cái chết của ông Lương mẹ có vẻ bận rộn hơn, hay nói chính xác hơn là mẹ không muốn bản thân được rảnh rỗi. Mẹ đi ra chợ huyện mua một đàn lợn con về bắt đầu ngày đêm băm chuối cho lợn ăn. Có khi 2,3 giờ sáng tiếng cành cạch cành cạch bổ trên thớt lại vang lên. Giờ tôi lớn hơn 1 chút rồi, tôi biết tiếng băm chuối không chỉ là tiếng băm chuối.

Thời gian cứ thế trôi đi, chẳng nhanh cũng chẳng chậm mà cứ lặng lẽ cô độc một cách đáng sợ.

Tôi dần xa cách hơn với ngoại và cả với chính mẹ của mình, mọi câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu, nó không chỉ là sự tò mò mà còn giống như bản án đang tự bản thân tôi kết tội ngoại và mẹ qua những lời đàm tiếu của người đời. Tôi cho rằng mẹ và đặc biệt là ngoại là một thế lực nào đó vô cùng đáng sợ. Những điều đáng sợ đó đè bớt cái trí tò mò của tôi lại, tôi không dám tìm hiểu thêm gì vì thật ra thời điểm đó tôi sợ sự thật hơn là sợ những lời đàm tiếu. Mọi thứ chỉ thay đổi khi có bạn của ngoại ở xa đến chơi. Thời gian này tôi nhớ rõ lắm, vì mấy ngày này gần tết, trời đông lạnh tê tái. Hôm đó đi học về, mẹ nói tôi cầm rổ khoai lang luộc đưa qua cho ngoại, lúc đầu tôi có vẻ lưỡng lự toan từ chối nhưng thấy khuôn mặt mẹ hằn lên những nếp nhăn đầy vất vả, tôi lại lẳng lặng cầm rổ khoai bước qua 3 luống rau diếp để đưa cho ngoại. Vừa đến đầu sân tôi đã nghe tiếng của ngoại cười nói cùng với một người nữa. Tôi lấy làm lạ vì từ ngày ông Lương chết, người ta đồn thổi đủ điều về nhà tôi nên chẳng thấy có ai ra vào chơi cả. Tôi đi nhanh đặt rổ khoai xuống thềm rồi nói với vào bên trong:

- Ngoại ơi, mẹ bảo con đưa khoai qua cho ngoại, con để ngay ngoài thềm nha.

Tôi quay người, co rúm lại vì gió rít bên hiên nhà lùa vào chỗ bậc thềm lạnh cứng. Định thở một hơi chạy một mạch về nhà thì bạn của ngoại nhanh nhẹn bước ra khỏi cửa lên tiếng:

- Chào con, bà tên là Thìn bạn của ngoại. Con tên là gì? Vào đây đã nào.

Tôi khá bất ngờ vì cách nói chuyện có phần hoa mỹ trong câu nói của bà Thìn. Tôi lí nhí trả lời:

- Dạ con tên Tuệ.

Bà đi gần lại phía tôi một chút, đưa tay ra bắt lấy tay tôi nói:

- Rất vui được gặp con.

Kiểu nói chuyện giống như người phương Tây này làm tôi thấy hơi nhột, tôi ngượng ngùng đưa tay chạm vào tay của bà nhưng lại giật vội ra vì bàn tay này lạnh buốt, lạnh như nước đá vậy. Bà Thìn thì như người cõi trên hạ phàm, bà mặc bộ đồ mỏng tang màu trắng sáng, trên đầu bà đội chiếc mũ len cũng màu trắng nhìn tổng thể rực rỡ 1 cách kỳ lạ. Bà nở nụ cười rất tươi rồi ra hiệu kêu tôi vào trong nhà cho đỡ lạnh. Nhưng tôi lấy lý do từ chối:

- Dạ con phải về để đi nhà thờ dự lễ thiếu nhi.

Bà Thìn nghe thấy thế thì ánh mắt hạ xuống có chút thất vọng:

- Vậy hả con, bà tưởng con rảnh lại ngồi nói chuyện với bà chút. Mà bà công nhận là con nhìn rất giống bố con, đặc biệt là ánh mắt. Vô cùng thông minh.

Tôi cúi nhẹ người cười trừ không nói gì. Bà Thìn lúc này lại nói tiếp:

- Con có muốn gặp bố con không?

Tôi rất bất ngờ về câu hỏi của bà, định lên tiếng trả lời thì ngoại đi ra kéo bà Thìn vào trong nói:

- Bố nó chết hơn 3 năm rồi.

Bà Thìn nghe thế thì lên tiếng:

- Bố nó đang ở đây, xin tôi cho gặp con bé Tuệ.

NGOẠI ĐÃ GIẾT BAO NGƯỜI  p3

***
(Chuyện có thật về việc dùng bùa ngải để giết người)

Sau khi nghe xong câu nói của bà Thìn thì gai ốc tôi nổi hết lên. Tôi linh cảm đang có một thế lực nào đó cố vồ lấy mình. Tôi giằng co vô thức với cái thế lực ấy rồi ngất lịm đi. Tôi tỉnh lại trong một màn đêm vô định và lặng im như tờ. Tôi sợ đến mức không dám nhúc nhích cũng chẳng dám thở mạnh. Tôi nằm nghe thấy tiếng gió rít bên khung cửa sổ mới ý thức được rằng mình đang nằm trên giường của chính mình. Tiếng gió lùa cứ lạo xạo như có ai đang cào những móng vuốt cầu cứu bên khung cửa. Trời lạnh thấu xương nhưng mồ hôi cứ thi nhau chảy bên ngấn cổ. Tôi sợ chính căn nhà của mình.

Tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới, cũng là lúc tôi thấy mẹ thắp đèn thức giấc, tôi lục đục ngồi dậy cuộn tròn mình trong tấm chăn được bện bằng rơm. Tôi với giọng ra hỏi mẹ:

- Mẹ có biết bà Thìn không?

Mẹ đang lục tìm thêm tấm áo mặc vào cho bớt lạnh, nghe tôi hỏi mẹ dừng lại ngẫm điều gì đó vài giây rồi mới lên tiếng trả lời:

- Có, bà ấy là bạn nối khố với ngoại của con.

Tôi không hỏi gì thêm nữa, lại để mọi thứ tự rơi vào màn đêm tĩnh mịch vốn sẵn của nó. Sau ngày hôm đó tôi không sang nhà ngoại, cũng chẳng biết bà Thìn đã ở lại chơi thêm bao lâu. Chỉ biết rằng một thời gian khá lâu sau, trong 1 lần đi học về, vừa bước chân ra khỏi cổng trường tôi đã thấy bà Thìn đứng sẵn ở cổng như đang đợi mình. Thấy tôi bà chủ động lên tiếng:

- Khổ thân đứa bé, cả cuộc đời con đều vận đến cõi âm.

Tôi ngơ ngác tính hỏi bà vài câu nhưng bà Thìn lại đưa tay ra chạm nhẹ lên vai tôi nói tiếp:

- Bà chỉ muốn cho con được gặp lại bố của mình.

Vừa nói dứt câu thì bà lại quay lưng bước đi thật nhanh để lại tôi với vô vàn thắc mắc. Bóng dáng của người đàn bà có phần dị hợm và cô độc càng lúc bước càng xa.

***

1999 (13 tuổi)
Thời điểm đó đang đón mùa bão lớn, hết cơn bão này đến rồi cơn bão khác ập vào. Khung cảnh xơ xác tiêu điều đến tội nghiệp. Cũng trong một lần tạnh bão, tôi cầm rổ đi mót khoai ngoài ruộng, đang lúi húi nhặt khoai bỏ rổ thì mấy bà trong làng gọi bảo:

- Ra cây đa đi Tuệ, mẹ mày bị ma nhập rồi.

Lời mấy bà vừa dứt thì cơn mưa rào đổ ào xuống. Ai cũng ôm khoai chạy toán loạn về phía làng, riêng mình tôi chạy ngược ra phía đồng tìm mẹ. Mưa to, gió lớn cứ giật ngược cái đứa con gái nhỏ thó như tôi ngã ngửa ra phía sau. Tôi khom người, cúi thấp xuống, vịn vào cỏ làm điểm tựa mà lê đi từng bước. Đi gần đến gốc đa tôi thấy mẹ đang ngồi quay lưng về phía mình còn mặt thì quay vào phía gốc. Thấy mẹ, tôi căng giọng lên gọi nhưng tiếng mưa cùng tiếng gió át hết tiếng gọi của tôi. Tôi cố đi lại gần mẹ hơn, nhưng lại đến mẹ rồi mà gọi mẹ vẫn không nghe thấy. Xung quanh lúc này thì không một bóng người, chỉ có một màn mưa trắng xoá cùng những con lốc mạnh muốn bật tung gốc gạo lên. Tôi thấy mẹ không nghe thấy giọng mình thì hậm hực giận dữ lắm, tôi đi lại gần đặt mạnh tay lên vai mẹ mà lắc:

- Mẹ, về!

Khi mẹ quay người lại, tôi giật mình hết hồn. Thật sự cảnh này đã ám ảnh tôi suốt phần đời còn lại, dù đã xảy ra hơn 20 năm qua, nhưng không một chi tiết nào tôi có thể quên đi được. Đó là khi mẹ tôi quay lại nhìn tôi, trên tay mẹ đang vốc đầy phân bò bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến. Lúc này tôi hoảng sợ quá, ngã ngửa ra phía sau chân này vắt lên chân kia bỏ chạy. Nhưng mưa cùng với gió làm tôi lại ngã nhào thêm một lần nữa. Khi này thấy tôi, mẹ đưa tay giữ tôi lại đồng thời lên tiếng:

- Tuệ, con ơi. Tuệ, bố đây. Bố đợi con cả trưa nay. Tuệ, con ơi. Bố đây.

Tôi quay lại nhìn mẹ, một tay mẹ giữ tôi, tay còn lại mẹ vẫn tranh thủ bốc phân bò bỏ vào mồm. Phân với nước hoà cùng với nhau nhỏ tong tong từ mép, nhễu nhão chảy đầy xuống cằm rồi rơi vương vãi lên khắp người vô cùng hôi thối. Tôi không nhớ nổi rằng lúc đó mình đã lấy sức mạnh ở đâu để đi lại gần mẹ, tôi chỉ biết rằng trong phút chốc sợ hãi tột cùng đó tôi lại bình tĩnh một cách lạ thường. Tôi ngồi dậy đi lại phía mẹ rồi dùng tay hất đống phân còn đang dang dở trên tay của mẹ quát trong nước mắt:

- Mẹ bị điên rồi à? Sao lại thế này? Đi về mẹ ơi.

Mẹ tôi kéo tôi lại gần rồi nói:

- Là bố, bố không về được. Bố bị người ta xích ở gốc đa này, bố không đi đâu được, bố đói lắm. Bố đói không có gì ăn toàn phải ăn cứt con ạ. Bố khổ lắm Tuệ ơi. Cứu bố con ơi.

Trời càng lúc càng mưa to, gió tát vào mặt cay xè con mắt. Khi đó trong tiềm thức, tôi biết bố tôi đang nhập vào mẹ. Tôi sợ lắm, chân tay lạnh toát, toàn thân run bần bật. Giữa cánh đồng không 1 bóng người, chỉ có tôi và mẹ mình ở đây. Giờ mẹ lại thế này tôi thật sự sợ vô cùng. Tôi toan bỏ chạy thì mẹ lại lên tiếng:

- Từ ngày bà Thìn bạn của ngoại đến chơi, bố giao tiếp được với bà Thìn xin cho gặp con nhưng bị ngoại phát hiện, ngoại xích bố ngoài gốc đa này. Bố khổ lắm con ạ. Con nghe bố nói đã, rồi bố thoát ra để con và mẹ về kẻo bão lớn.

Nói rồi bố không kịp để tôi lên tiếng lại tiếp tục nói:

- Bố không phải là bố Nhận mà con biết, bố là bố đẻ của con. Là người con chưa gặp bao giờ. Ngày bố và mẹ yêu nhau ngoại con can ngăn, nhưng bố mẹ vẫn cãi lời rồi lỡ có con. Sau khi có con, bố không làm chủ được chính mình. Bố phát rồ phát dại cứ nhảy bổ ra đường bốc cứt ăn. Sau vài tháng phát dại thì bố chết. Bố chết rồi bố mới biết bố bị bỏ ngải, nhưng ngải đó đeo bám bố cho đến tận cả khi bố chết. Nhục nhã lắm con ạ. Bố chết khi con chưa chào đời, rồi ngoại lấy chồng khác cho mẹ con. Chính là ông Nhận, người mà con hay gọi là bố. Ông Nhận mai này biết được con không phải con của ổng nên ổng không yêu thương con. Tuệ ơi, con thiệt thòi quá. Bố xin lỗi con. Giờ bố bị thế này không biết kêu cứu ai, mai này con lớn con đi tìm thầy về gỡ dây gỡ ngải cho bố để bố được siêu thoát. Bố nhục nhã lắm con ơi.

Mẹ đang khóc lóc kể thì tiếng của ngoại phía sau vang lên:

- Tuệ, tổ cha bây. Sao mẹ con bây ngồi đây ướt như chuột vậy?

Tôi giật mình quay lại nhìn ngoại, bàn tay mẹ xiết chặt lấy tay tôi rồi lỏng dần lỏng dần. Tiếng thì thầm nhỏ sát bên tai:

- Con đừng quên bố.

Vừa dứt tiếng thì mẹ tôi ngơ ngác rú lên:

- Trời ơi, sao lại ở cả ngoài này vậy?

Mẹ hoảng hốt đứng dậy cầm tay tôi và ngoại kéo đi. Vừa đi mẹ vừa hỏi, chẳng biết mẹ đang hỏi ai, mẹ hỏi ngoại, hỏi tôi hay đang hỏi chính mình.

- Trời ơi, có chuyện gì vậy? Sao lại ở đây? Sao chẳng nhớ gì hết vậy?

Chẳng ai nói gì, cúi người xuống tránh mưa tát vào mặt mà đi. Tôi cầm tay mẹ thật chặt, như để khẳng định rằng, mẹ bây giờ là người thân duy nhất của con. Đừng lừa con!

Về phía ngoại, cả đoạn đường đi ngoại cố bắt chuyện với tôi để xem tôi đã biết được những gì:

- Tuệ, sao mẹ con lại ngồi đó? Lúc ngoại đến con đang nói chuyện với ai vậy?

Tôi sợ hãi trả lời:

- Dạ, mẹ cứ ngồi khóc. Hỏi gì cũng không nói.

....
Ngoại ơi, ngoại đã làm gì để giết người?

Chuyện hơi dài mọi người thông cảm, do đặc thù công việc nên khi nào rảnh mới viết được ạ.

NGOẠI ĐÃ GIẾT BAO NGƯỜI  p4

***
(Chuyện có thật về việc dùng bùa ngải để giết người)

Vài đêm liền tôi không tài nào ngủ được. Cứ nằm trằn trọc ám ảnh đủ điều. Tôi cũng chẳng nói gì với mẹ của mình. Vì thật tình thì tôi là người khá kín kẽ trong việc tâm sự với người khác. Tôi chẳng biết là do hoàn cảnh hay do tự bản thân tôi đang tách mình ra khỏi thế giới nữa. Mấy ngày này trời mưa nhiều, mưa từ ngày này qua ngày khác, mưa dầm thối cả đất cả cát. Đêm đó nằm trằn trọc không sao ngủ được, câu nói của bố cứ văng vẳng bên tai:

- Đừng quên bố!

Tôi hít một hơi thật sâu, lấy hết dũng khí ngồi dậy, mở cửa đi tìm sự thật. Trời vẫn mưa, màn đêm mù mịt, gió lùa vào những ống luồng trên mái nhà nghe như có tiếng ai đang huýt sáo trêu ngươi, cộng thêm tiếng mưa kêu rả rích càng làm cho màn đêm trở lên đáng sợ. Tôi bước ra sân được 2 bước thì quay người đi ngược vào trong nhà. Tôi sợ, tôi lưỡng lự, tôi thấy mình như đang chọn đi vào chỗ chết. Đứng ngay trước cửa nhà đắn đo một lúc tôi vẫn quyết định đi, tôi lao mình vào cơn mưa lạnh buốt, men theo mái nhà đi về phía vườn khoai của ngoại. Đoạn này tôi nhớ rất rõ, vì mưa nhiều nên đất đã biến thành bùn, tôi phải tháo dép ghì 10 đầu ngón chân xuống đất dò dẫm từng bước mà đi. Từ nhà tôi qua nhà ngoại chỉ cách vài luống khoai lang nhưng sao hôm nay như xa ngàn dặm. Tôi cẩn trọng từng bước chân, lắng tai nghe lấy tiếng bụi tre sau nhà ngoại kẽo kẹt cọ vào nhau làm đích đến. Vì phía sau nhà ngoại có bụi tre lớn lắm. Tôi rón rén bước vào sân rồi đi nhanh lại phía bể nước. Nơi đó là gian buồng ngoại không cho tôi bước chân vào. Đứng sát mình ghé mắt nhòm vào khe cửa sổ, tôi thấy ánh đèn dầu vẫn sáng. Có lẽ ngoại chưa ngủ. Tiếng nước mưa nhỏ tong tong vào bể làm tôi yên tâm hơn phần nào, vì dù có hậu đậu lỡ tạo ra tiếng động cũng khó lòng mà ngoại nghe được. Góc nhìn này hơi khuất, chỉ thấy được 1/4 gian buồng nên dù có cố gắng cỡ nào cũng không thể nào thoả mãn hết được cái sự tò mò trong đầu tôi lúc này. Tôi đảo 1 vòng ra phía sau, nơi bụi tre nằm. Ở đó có 1 cái cửa sổ khác. Từ phía cửa sổ này tôi có thể nhìn rõ hơn toàn cảnh căn phòng. Tôi men theo vách tường dò dẫm từng bước mà đi vì tôi biết khu này ngoại hay đổ rác thải ra đây. Đang mò mẫm thì tôi nghe thấy tiếng động mạnh bên trong buồng, lúc này tôi không để ý đến xung quanh nữa, tôi bước thật nhanh đến bên cửa sổ để xem đã có chuyện gì xảy ra. Nhưng vô tình tôi dẫm phải mảnh sành, tôi đau buốt hét lên một tiếng, nhưng có vẻ tôi vẫn còn may mắn vì ngay lúc đó có cơn gió mạnh làm bụi tre đập vào nhau nghe phàch phạch át đi tiếng hét của tôi. Chỗ cửa sổ này đầy sành, tôi đưa chân dò nhẹ quanh khu vực tìm chỗ đứng nhưng không có chỗ nào an toàn cả, có lẽ khi ngoại vứt sành ra chỗ này cũng có dụng ý cả. Tôi nghiến hai hàm răng nuốt những cơn đau lại rồi nhòm mắt vào khe cửa tìm ngoại. Tôi thấy ngoại loã thể, ngồi đối diện với điện thờ hương khói nghi ngút. Toàn thân ngoại run bần bật, miệng thì lẩm bẩm gì đó không thể nghe được. Người ngoại run lên tầm 30 giây thì ngoại nằm vật ra đất, sau đó ngoại thong dong đứng dậy mặc quần áo vào rồi bật quẹt châm thuốc lào rít. Tôi thấy làm lạ, vì tôi biết ngoại của mình không hút thuốc. Ngoại chậm rãi rít liền tù tì 3 điếu, nhả khói mù mịt căn phòng rồi ngoại ngồi xuống cái ghế đối diện điện thờ vắt chân hình chữ ngũ nguẩy nguẩy. Đột nhiên ngoại đứng dậy, đi thẳng lại phía cửa sổ chỗ tôi đang đứng, lúc đó tôi không nhúc nhích được vì tôi đang đứng trên sành, đau đớn đến mức nước mắt cứ thi nhau rơi xuống, tôi chỉ cần nhúc nhích 1 cái là cơn đau sẽ vượt qua tầm kiểm soát của cơ thể. Lúc đó có lẽ tôi sẽ gào lên mà khóc. Tôi nín thở cầu mong mình chưa bị phát hiện. Lúc này ngoại lại gần cửa sổ chỗ tôi đứng, ngồi xuống làm gì đó (đoạn này bị khuất góc nhìn) tầm 3 phút sau ngoại mới đứng dậy, trên tay cầm một con nhái còn sống đang dãy đành đạch cho vào mồm nhai 1 cách ngấu nghiến. Con nhái kêu ư ử, ngoe nguẩy 2 cái cái chân cầu cứu rồi mất dấu trong miệng của ngoại. Ngoại như một con quỷ đang hút máu, ánh mắt đầy sự thoả mãn. Ngoại còn đưa vạt áo lên miệng quyệt đi đám máu tươi đang chảy đầy trên mép. Nhìn thấy cảnh đó thì tôi không chịu được nữa, nó vượt qua mọi sức chịu đựng của bản thân. Tôi chẳng còn biết đau đớn là gì, bước đi trên đống sành một mạch về nhà leo thẳng lên giường nằm nép mình vào sát góc tường. Tôi sợ đến mức không dám chợp mắt, nhìn chằm chằm ra cánh cửa vì lỡ đâu chợp mắt 1 cái thôi cũng đủ thời gian để ngoại chạy từ bên nhà qua chỗ tôi đang nằm... Rồi mệt quá tôi ngủ thiếp đi.

***
Sáng sớm tôi giật mình thức giấc, có lẽ tôi sốt rồi. Lòng bàn chân của tôi lúc này mới thấm cơn đau. Tôi không nhúc nhích nổi ngón chân. Trước mặt, những ảo giác xoắn ốc bắt đầu xuất hiện, lúc sáng lúc tối giống như đom đóm đang nổ ngay trước mặt mình. Tôi dần rơi vào cơn mê man. Trong cơn mê man tôi thấy mình thật nhỏ bé, ngồi nép mình trong căn phòng đỏ rực như máu tươi. Ngoại xuất hiện trong mộng mị, nở nụ cười ma quái rồi nhe hàm răng sắc nhọn về phía tôi. Ngoại dùng 1 tay nhấc bổng tôi lên rồi dét tôi vào mồm nhau ngấu nghiến. Tôi giật mình tỉnh dậy thì biết mình đang nằm trong bệnh viện. Tôi bị nhiễm trùng nặng, may mắn tôi không phải cưa đi cặp chân của mình nhưng di chứng thì để lại cho đến tận ngày hôm nay. Tôi không biết điều này có phải là may mắn hay không, vì khoảng thời gian đó tôi ở lại viện một thời gian rất dài. Điều này khiến tâm tính tôi bình an hơn, tôi có nhiều những tác động tích cực hơn nhờ vào việc có vài người bạn đồng trang lứa cũng nằm viện. Đặc biệt là có một cậu nhóc trạc tuổi tôi, nằm đối điện giường với tôi. Đợt đó, tôi có rung động đầu đời. Tôi thấy trái tim mình nóng hừng hực.

Tôi chẳng nhớ nổi mình đã nằm viện bao lâu, chỉ biết rằng tôi và cậu nhóc đó có đủ thời gian để đi từ ngại ngùng đến nắm tay nhau và cũng đủ thời gian để nhìn cậu ấy chết! Ngày cậu ấy chết, cũng là ngày trái tim tôi lạnh trở lại.

***

Tôi xuất viện đi học được vài bữa, bị đám bạn ác tâm chọc ghẹo:

- Ê tụi bay, con nhỏ đó đi "chấm, phẩy" kìa.

(Tức là đi giống người chân ngắn chân dài, đi giống như đánh dấu chấm phẩy vậy)

Tôi không học nữa, năm đó tôi gần 16!

Ngày tôi quyết định nghỉ học cũng là ngày tôi nghĩ mình phải đi ra khỏi đây. Phải đi ra khỏi lũy tre làng này thì mới tìm được người có thể hoá kiếp đc cho bố. Tôi chỉ bàn ý định với mẹ buổi sáng là xế chiều tôi khăn gói đi ngay. Ngày tôi đi ngoại chống gậy đứng nép mình sau gốc mít nhìn tôi. Vì vị trí khá xa tôi chẳng biết khuôn mặt của ngoại lúc đó thế nào, chỉ biết rằng ngoại cầm vạt áo màu nâu liên tục đưa lên khoé mắt. Có lẽ ngoại khóc!

Hành trang của tôi chỉ độc nhất 3 bộ đồ tôi gấp gọn để trong chiếc cặp đi học của mình và ít tiền mẹ đưa cho tôi. Tôi không đi thẳng ra phía huyện mà đi ngược về phía cánh đồng. Nơi cây đa già sừng sững đứng đó. Tôi không dám lại gần gốc đa, chỉ dám đứng cách đó tầm 5 mét rồi với giọng nói:

- Con đi đây, đi tìm người giải thoát cho bố!

***

NGOẠI ĐÃ GIẾT BAO NGƯỜI  p5

***
( Chuyện có thật về việc dùng bùa ngải để giết người)

Tôi lững thững men theo cánh đồng làng rồi lội tắt qua đoạn sông cạn để đường đến huyện gần hơn một chút. Trời đã bắt đầu tắt nắng, những cơn gió hè dịu nhẹ vi vu bên tai như đang đùa giỡn với số phận của chính mình. Cả một đoạn đường dài tôi không sao thoát bản thân mình ra khỏi những suy nghĩ về ngoại. Những suy nghĩ vừa đáng sợ vừa đáng thương cứ len lỏi đan xen lẫn nhau xuất hiện trong đầu tôi. Khi chân tôi bắt đầu đau buốt thì tôi mới giật mình để ý mình đã đi được một đoạn khá xa. Trời đã tối, những ánh đèn thưa thớt yếu ớt vàng vọt xa xa của nhà dân bắt đầu được thắp lên. Tiếng chão chuộc đồng loạt kêu nghe thật yên ả.

***
Tôi không biết do hữu duyên hay đã có sắp đặt thần kỳ nào ở đây mà ngay lúc này tôi gặp lại bà Thìn. Thoạt đầu nhìn thấy bà tôi đứng hình mất vài giây vì thật tình người trước nhất tôi nghĩ đến khi gặp lại bà Thìn lại là ngoại của mình. Tôi không biết có sự liên kết nào giữa ngoại và bà Thìn hay không nhưng có một sự tương đồng vô hình nào đó giữa 2 người khiến tôi có chút sợ. Tôi cố tránh mặt để bà Thìn không nhận ra mình nhưng thật lạ là khi đi ngang qua tôi được vài bước thì bà Thìn quay lại chỗ tôi hỏi:

- Cháu là Tuệ phải không?

Tôi khá bất ngờ, vì khi đó trời đã nhá nhem tối và phần nữa là tôi và bà Thìn chỉ gặp nhau 2 lần cách đây 3 năm rồi. Tôi cúi gằm mặt xuống không trả lời, mong rằng sự lạnh nhạt của mình sẽ khiến bà bỏ cuộc mà bỏ mặc tôi. Nhưng có lẽ bà là người nhiệt tình quá mức chăng? Bà đi lại gần tôi, cúi sát mặt xuống mặt tôi để kiểm chứng, sau đó giọng bà hò reo như lâu lắm mới gặp lại người quen:

- Ôi, đúng rồi, đúng là cháu rồi.

Tôi không nhớ rõ cuộc đối thoại tiếp theo như thế nào, nhưng đại khái là 3 giờ sáng mới có chuyến xe khách lên tỉnh và bà mời tôi vào nhà ngồi đợi. Phần vì là con gái mới 16 ngồi ngoài đường mấy tiếng đồng hồ thấy cũng có chút nguy hiểm, phần là vì cái nét văn hoá ít khi từ chối một lời mời có lợi cho mình nên tôi chẳng đắn đo mấy hồi đã xách túi đi theo bà. Có thể do trong tư tưởng của tôi có chút đề phòng nên tôi cố gắng ghi nhớ khá rõ đoạn đường này. Tôi đổ dốc xuống 1 cây cầu, ngay đoạn đổ dốc đó thì quẹo phải, đi chừng 200 mét thì quẹo phải thêm một lần nữa. Từ đoạn bà gặp tôi đến nhà cũng khoảng chừng gần 1 cây số. Vì trời đã tối, đoạn đường lại vắng dân cư cho nên dù chân tôi lúc này khá là đau nhức nhưng tôi vẫn cố gắng tập tễnh cho kịp với bà. Theo lời giới thiệu của bà trên đoạn đường đi thì tôi biết bà hiện tại đang sống 1 mình. Khi đến cổng nhà bà tôi lại đứng lưỡng lự là có nên vào hay không? Trời hè nóng nực vậy mà sao đứng trước cổng nhà bà, chẳng có cơn gió nào thổi tôi lại thấy lạnh. Dưới ánh trăng mờ nhạt chiếu xuống đột nhiên tôi thấy có ai thoắt ẩn thoắt hiện đang ngồi ôm gối thu lu bên cột cổng, người đó ngẩng đầu lên để lộ ra khuôn mặt thắng nghệt vô cùng kinh dị rồi lao thật nhanh về phía tôi nhưng bị giật ngược lại như đang bị một thứ gì đó ràng buộc rồi biến mất. Tôi hoảng sợ ngã ngửa ra phía sau, vừa ngồi vừa bò giật lùi ra xa khỏi cổng. Rõ ràng tôi thấy rất rõ cái thứ mờ ảo đó lao lại phía mình rồi hét lên:

- Cho tao ăn!

Tôi linh cảm có một sự nguy hiểm khủng khiếp đang bao chùm lấy căn nhà này. Thấy thế tôi chào bà rồi quay lưng đi thẳng ra lộ lớn với vẻ mặt vô cùng bất ngờ của bà Thìn. Bà Thìn ráng với giọng gọi tôi:

- Con đi đâu giờ này?

Tôi cúi đầu bước đi thật nhanh cho đến khi khuất bóng của bà Thìn thì tôi tập tễnh cắm đầu chạy ra phía lộ rồi ngồi ở khúc cua dưới chân cầu, nhìn chằm chằm vào con đường dẫn vào nhà bà Thìn. Tôi không biết đây là đặc tính chung của con người hay của riêng tôi, nhưng cứ khi sợ bất cứ điều gì thì tôi cứ phải nhìn chằm chằm vào chỗ đó. Tôi sợ từ trong con ngõ ngoằn ngèo đó bất ngờ cái thứ kỳ dị khi nãy sẽ lao ra nuốt trọn lấy tôi. Tôi ngồi đó nghĩ vẩn vơ rồi dựa mình vào cây cột điện ngủ lúc nào cũng không biết, chỉ biết là tôi bị đánh thức bởi tiếng đài phát thanh ngay trên đầu cột điện chỗ mình đang ngồi. Có lẽ tôi đã lỡ mất vài chuyến xe khách. Tôi tẩn ngẩn không biết mình nên đi đâu về đâu thì bắt gặp 2 bà cháu đang dắt tay nhau đi tập thể dục nhịp điệu. Tiếng đứa bé ríu rít gọi:

- Nội ơi, mỏi chân...ẵm, ẵm!

Cái từ "Nội" lọt vào tai tôi lúc này như một tia sáng đánh thức con người trống rỗng của tôi.

***
Ba Vì-Hà Tây 2002

Hà Tây ngày ấy đẹp lắm. Khi tôi bước vào ngõ, bà nội đang rửa rau ngoài bậc ao, còn ông nội thì đang ngồi dưới gốc mít đan lát. Thấy tôi bà để mặc rổ rau trôi lững lờ trên mặt nước rồi chạy ào ra ngõ ôm chầm lấy tôi. Nội ngồi xuống xoa nắn đôi chân tong teo của tôi rồi khóc:

- Trời ơi! Sao cháu tôi lại khổ thế này?

Sau khi thấy bà ôm lấy tôi khóc, lúc này ông mới nhận ra tôi. Ông vứt chiếc rổ đang đan dở xuống đất rồi chạy ra phía tôi:

- Cha tổ mày, lớn quá rồi, biết đường về nhà rồi con ơi.

***

Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, đêm ấy tôi mới được ngủ một giấc ngon đến như thế. Sáng sớm tôi ngồi bên khung cửa sổ nhìn lá mít đầy sương xà ngay trước mắt. Tôi thò tay ra khỏi cửa sổ vặt lấy dái mít non rồi ngồi nhớ đến bố, cả một quãng đời dài bố đã lấy cái thứ chát ngầm này làm mồi nhậu. Nghĩ thế tôi chạy ra vườn bẻ thật nhiều dái mít cho lên đĩa đưa lên bàn thờ thắp nén nhang cúng bố. Ông bà nội thấy tôi làm vậy vừa cười vừa chửi:

- Cha nội mày, người ta cúng táo cúng lê chứ ai mà cúng dái mít như mày.

Tôi chỉ cúi nhẹ đầu cười. Rồi chạy lại phía ông đang đan lát ngồi xuống man mê cọng lạt. Tôi nghe ông bà kể chuyện, một câu chuyện rất dài:

***
Hôm ấy bố tôi đang bì bõm lội xuống ao đánh vài con cá đem lên bếp nướng chấu nhậu cho đỡ xót ruột. Lùa ao bên nhà mãi mà không bắt được gì nên là bố mới qua bên ao của ngoại để bắt. Đang lúi húi lùa cá thì có người đàn ông dân tộc lạ mặt đến hỏi bố:

- Bà Ngát có nhà không chú?

Bố khá bất ngờ vì rất lâu rồi không có người đàn ông nào đến hỏi thăm ngoại nên trả lời:

- Bà Ngát đi chợ chú ơi, mà chắc cũng sắp về. Chú vào trong hiên ngồi đợi bà ấy chút là về liền à.

Ông ta nghe thấy thế thì chẳng từ chối mà đi thẳng vào phía trong nhà. Trên tay ông cầm cái bịch màu đen, bố khá để ý đến cái bịch vì ông ta cứ đi vài ba bước thì lại thấy nhiễu ra vài giọt máu. Bố cũng chẳng hỏi là bên trong có gì, chỉ biết rằng ổng đi thẳng lại chỗ gốc mít rồi để cái bịch xuống đó nói:

- Tôi gửi cái này cho bã, bã có về anh nói với bã dùm tôi kẻo để đây nó thối ra.

- Dạ, mà chú tên gì để tôi biết tôi nói với bà ấy.

- Anh cứ đưa cái bịch cho bà ấy là bà ấy biết tôi.

Nói đến đây thì ông đảo chân bước đi thật nhanh. Sau khi bắt được vài con cá, bố lên bờ rửa ráy thì nhìn thấy dưới đít bịch long bõng máu. Đã thế miệng túi đc buộc thắt nút rất chắc chắn, trên vết thắt lại còn cuốn mấy vòng dây cước đỏ. Bố đang đứng loay hoay mở túi ra để xem bên trong có gì thì ngoại về tới:

- Có gì thế anh Nhận?

- Dạ, có chú kia đến gửi cái này cho bà. Không biết bên trong có gì mà máu cứ rỉ ra.

Ngoại nghe đến đây thì vứt cái thúng rơi bụp xuống đất. Vài quả cà chua mới mua ngoài chợ lăn lông lốc đầy ra sân. Ngoại chạy lại giật lấy cái túi từ tay bố nói:

- Không có gì đâu anh, anh về bên nhà đi.

Hành vi lạ lùng của ngoại khiến bố càng tò mò muốn biết cái thứ bên trong là gì. Bố về bên nhà bắt chấu nướng cá nhưng lòng dạ không yên. Bố đánh vòng ra phía sau nhà ngoại, nhòm qua mấy khe cửa rồi vội bịt miệng kinh hãi khi nhìn thấy ngoại lấy 2,3 xác thai nhi trong bịch ra. Là những thai nhi đã đủ hình hài nhưng không còn nguyên vẹn.Ngoại ngồi đối diện với điện thờ, lấy từng thai nhi ra cho vào thau nước đã có sẵn ở đó mà rửa ráy. Bố thiết nghĩ chắc ngoại đang làm lễ chôn cất cho những thai nhi xấu số này. Nhưng khi ngoại đi lại góc buồng lấy cái thớt và con dao sáng loáng ra rồi bổ thật mạnh xuống từng thớ thịt bé bỏng cho vào nồi thì bố thất thần. Thần chí bố hoảng loạn sợ hãi, bố đứng run bần bật chết chân tại chỗ. Tiếng dao cứ cành cạch bổ đều xuống thớt. Xong ngoại lạnh lùng đi lại kệ thản nhiên lấy vài củ hành và nhánh gừng đập nhuyễn rồi cho vào nồi ướp như kho thịt. Đang lọ mọ chuẩn bị cầm nồi ra bếp thì người ngoại bắt đầu run lên bần bật khiến thịt rơi vương vãi. Ngoại nằm xoài xuống đất vặn mình như đang giằng co với thứ gì đó rồi khó nhọc hét lên:

- Chưa xong, chưa chín!

Một tiếng khè khè vang như dưới âm ti vọng lên:

-...Ăn sống ngọt hơn!

Rồi ngoại như biến thành một người hoàn toàn khác, ánh mắt sắc lẹm đỏ lòm. Ngoại chạy nhanh lại vồ lấy đống thịt cho vào mồm nhai ngấu nghiến với khuôn mặt thích thú đầy thoả mãn. Sự việc diễn ra chỉ chưa đầy 10 phút là ngoại đã nằm vật ra đất sau đó lồm cồm bò dậy gom tất cả những thứ thừa thãi ném ra ao. Đàn cá háu ăn ùng ục tranh nhau rỉa từng thớ thịt.

...

NGOẠI ĐÃ GIẾT BAO NGƯỜI P6
Tg: Tuệ Thảo

***
(Chuyện có thật về việc dùng bùa ngải để giết người)

Sau sự việc đó bố khăn gói về nhà nội ngay. Ngày mới về thần sắc của bố nhợt nhạt không có sức sống đã thế đến bữa ăn cứ nhìn thấy thịt với cá là nhảy dựng lên sợ hãi đạp đổ mâm cơm. Ông bà nội lấy làm lạ, bèn cho mời thầy về xem sự tình ra làm sao. Ông thầy đến, loanh quanh thăm khám cho bố một hồi rồi kết luận:

- Anh này bị ai hù để lạc mất vía.

Nói rồi ông ta làm vài bài lễ cúng gọi vía về. Làm đi làm lại 7 lần mới xong. Rồi cũng vì tò mò nên ông bà khóc lóc gặng hỏi mãi, cuối cùng bố cũng kể lại sự việc cho ông bà nghe. Sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện ông bà lại khuyên bố quay về bên ngoại để bảo vệ vợ con.

Ngày bố trở về quê cũng là ngày trong huyện đang linh đình tổ chức hội đền. Ở huyện người ta xuống từng xã vận động đàn ông thanh niên giúp sức vì hội năm nay quy mô lớn toàn tỉnh nên người dân kéo về đông vui lắm. Bố được mấy người trong xã nhờ vác tre ra sông huyện cắm mốc xuất phát cho hội đua thuyền. Thật ra thì việc của huyện nên bố mới miễn cưỡng chấp nhận chứ thật tình nếu là việc trong giáo hội công giáo thì bố sẽ nhiệt tình hơn. Ngày hội đến, đang bì bõm dẫn nước vào sông để cho sáng mai đua thuyền thì vô tình bố nhìn thấy người đàn ông dân tộc bữa trước ở nhà ngoại. Nhìn thấy ông, bố nhận ra liền, vì sự việc in sâu vào đầu quá nhiều nên bố không bao giờ quên được. Bố thấy ông ta đang ra ám hiệu cho người bên kia sông đi đâu đó cùng với mình. Vì khuất tầm nhìn lại đông nghịt người nên dù ngó nghiêng cỡ nào bố cũng không tài nào nhìn được người còn lại là ai. Nhưng vì quá tò mò nên bố vứt việc đó cho người khác làm rồi âm thầm đi theo sau ông. Ra khỏi lễ hội một đoạn bố mới phát hiện ra người đi cùng ông là ngoại. Lúc này bố hoang mang lắm, lại thấy điệu bộ lén la lén lút của 2 người càng làm cho bố tò mò. Bố đánh liều bám theo họ dù trời lúc này đã sẩm tối. Đi chừng hơn 1 cây số thì thấy họ dừng lại trước cổng một ngôi nhà rồi ngó ngang ngó dọc đi vào trong như sợ rằng có ai để ý. Với cái điệu bộ không đúng đắn thì bố đã biết chắc rằng họ gặp nhau là điều không tốt lành gì. Nhưng lạ là khi đến cổng, rõ ràng là không thấy có con chó nào mà tiếng chó sửa cứ ong ỏng bên tai bố. Chó sủa dồn dập đến mức bố sợ bị phát hiện nên chui tọt vào trong lùm cây trốn. Vừa trốn bố vừa ngó ngang ngó dọc tìm vị trí của con chó nó nằm ở đâu để tránh. Nhưng tìm hoài không thấy nên bố đứng lên đi lại phía cổng một lần nữa, lúc này bố thấy mờ ảo hình ảnh một đàn chó dữ bị xích ngoài cổng đang gân cổ lên cắn. Nhưng những con chó không rõ ràng, lúc ẩn lúc hiện như đàn chó ma. Lúc này tâm can bố có phần lung lay tính bỏ về nhưng lại nghĩ:

- Làm gì còn việc gì đáng sợ hơn khi từng nhìn thấy mẹ vợ ăn xác thai nhi.

Nghĩ thế bố đánh liều chui qua lùm cây đi vào nhà. Quả nhiên sau khi bước vào nhà thì không nghe thấy tiếng chó sửa nữa. Chỉ nghe thấy tiếng người đang nói chuyện to nhỏ với nhau. Bố nằm rạp xuống đất bò lại chỗ gốc cây trong vườn nhòm vào nhà. Hoá ra đây là nhà bà Thìn, toàn người quen cả. Bố cố di chuyển ra phía cửa sổ để tiếp cận hình ảnh và giọng nói cho rõ hơn. Bên trong nhà bà Thìn được bày trí khá kỳ quái, chẳng giống với những căn nhà quê thời đó. Chiếc điện thờ rất lớn, chiếm trọn nguyên một mặt tường của căn nhà. Thoạt nhìn thấy điện thờ này bố thấy khá là quen mắt, rõ ràng đã từng nhìn thấy ở đâu. Bố đứng suy nghĩ một hồi mới sực nhận ra điện thờ của ngoại và bà Thìn giống hệt nhau, có khác đi chăng nữa thì cũng chỉ là của bà Thìn to hơn còn của ngoại thì nhỏ hơn. Bố đứng sau cánh cửa sổ chừng 10p vẫn không có động tĩnh gì lạ trong câu chuyện của 3 người, bố toan đi về thì đột nhiên ông dân tộc lên tiếng:

- Tới giờ rồi!

Ông vừa nói xong thì ngoại và bà Thìn nhanh nhẹn chỉnh sửa trang phục ngồi chỉnh tề trước mặt điện thờ hương khói đang nghi ngút. Khi phát hiện ra sự giống nhau giữa 2 điện thờ thì bố biết điều chẳng lành sắp đến. Sau vài câu đọc lẩm bẩm trong mồm thì người 2 bà run lên bần bật. Ánh mắt bắt đầu thay đổi, còn điệu bộ thì rõ ràng như biến thành đàn ông. Ngoại đứng dậy đá cái thau nước đang để ngay dưới chân bàn. Cái giọng đàn ông đặc quánh khàn khàn như đã có tuổi:

- Thức ăn đâu?

Ông dân tộc có vả sợ lắm, ông ta vái lạy liền tục còn giọng nói thì run run:

- Thưa 2 ngài, con chuẩn bị xong rồi ạ. Giờ con đưa lên.

Nói rồi ông lật đật đứng dậy chạy lại phía nhà bếp, đưa lên một cái mâm có đậy nồng bàn đặt ngay trước mặt 2 bà mà bẩm:

- Thưa 2 ngài đây ạ.

Bà Thìn thấy thế thì nhanh tay hất chiếc nồng bàn ra quát, giọng điệu cũng thay đổi hẳn sang giọng đàn ông, cái giọng sền sệt như có đờm:

- Mày giỡn mặt hả? Sao có nhiêu đây?

Nét mặt tức giận của 2 bà khiến ông dân tộc vô cùng sợ hãi ông ta vừa lạy vừa thanh minh:

- Dạ, con đi gần hết các bệnh viện ở tỉnh, chỉ xin được nhiêu đây. Mong các ngài đừng giận. Lần sau con sẽ chuẩn bị nhiều hơn theo ý các ngài.

Nghe thấy thế thì 2 bà có vẻ nguôi giận, đưa tay xuống mâm hẩy hẩy những xác thai nhi bị nạo bỏ để tìm gì đó. Rồi cầm ra một xác thai đi thâm tím mà ném thẳng vào gầm giường nói:

- Cái này có mùi rồi, chắc mày nhặt ở đâu 2,3 ngày trước. Đừng làm tao điên lên, tao cho mày chết nghe chưa?

Ông ta cúi gầm mặt xuống run lẩy bẩy:

- Dạ vâng ạ.

Nói rồi 2 bà chẳng thèm nhìn nhau mà vồ lấy những xác thai nhi trên mâm gặm ngấu nghiến như bị bỏ đói lâu ngày. Những đoạn xương xẩu, tóc tai hay ruột gan 2 bà cũng gianh nhau nuốt cả chẳng chừa lại gì.

Sau khi trong mâm đã hết, mà có vẻ 2 bà còn đói nên cứ ngửa mũi lên trời hít hít rồi hỏi:

- Mày còn giấu ở đâu phải không? Sao tao vẫn ngửi thấy mùi thịt?

Nói rồi ngoại đứng dậy đi quanh nhà, lật tung bàn ghế lên tìm. Ông dân tộc sợ hãi bật khóc:

- Dạ không còn ngài ạ, chắc pháp lực ngài càng ngày càng tăng nên ngài ngửi thấy mùi thịt từ xa. Chứ con có ăn đâu mà con giấu lại làm gì ạ.

Sau khi nghe ông ta giải thích có phần có lý nên 2 bà đồng loạt im lặng rồi nằm nhũn ra đất giống như có ai mới thoát ra ngoài vậy. Lạ là lúc này 2 bà lại ôm nhau khóc nức nở còn ông dân tộc không nói gì đốt 3 que nhang đưa mỗi người 1 que thắp lên điện thờ rồi lặng lẽ dọn dẹp ra về. Trước khi ra về, ngoại nói với ông dân tộc:

- Lần sau đưa đồ đến nhà, đừng cho ai biết. Đợt rồi xém chút thằng con rể nó phát hiện.

Ông ta cười:

- 10 thằng con rể của bà cũng không mở được cái túi đó. Tôi lấy bùa buộc vào rồi mà.

Bố vẫn đứng ở đó như chết chân. Vừa sợ vừa kinh hãi mà đái cả ra quần lúc nào không biết.

***
- Người ta nói: Ở rể nhục như chó chui gầm chạn con ạ. Mà chẳng hiểu sao ngày ấy mới gặp mẹ con lần đầu trong một lần đi qua tỉnh bên thăm bạn bố con lại dính lấy mẹ con ngay lập tức. Yêu vài ngày là vội vàng đòi cưới, ông bà thấy bố vội quá nên có khuyên nhủ từ từ. Nhưng bố con như điện dại, cứ mỗi lần không gặp được mẹ con là quậy phá khóc lóc. Ông bà thương quá nên chấp thuận, vì nghĩ rằng trước sau gì cũng phải có dâu, tụi nó yêu nhau vậy thì mừng. Ấy thế mà ông bà chưa mừng được ngày nào, khi cưới xong bố mẹ con dọn đồ về ngoại ở ngay. Lúc đó ông bà cũng chẳng hiểu bố con bị làm sao, nhưng thấy bố con kiên quyết quá nên ông bà không làm thế nào được. Hàng xóm người ta bàn ra tán vào bảo rằng bố con bị bỏ bùa yêu. Lúc đầu ông bà gạt đi không tin, nhưng càng về sau càng không thể tin con ạ!

***
Nội đang kể thì sụt sùi đứng lên đi vào nhà lấy ra một sấp thư cũ nói:

- Bố con biên về đấy, cứ vài ba bữa là lại nhận được thư...

Bà nghẹn ngào không nói tiếp được, phải đợi một lúc mới lấy lại bình tĩnh nói tiếp:

- Giá mà ngày ấy ông bà đến sớm hơn một chút thì chắc bố con chưa chết!

***

NGOẠI ĐÃ GIẾT BAO NGƯỜI p7

***
(Chuyện có thật về việc dùng bùa ngải để giết người)

Tôi cầm xấp thư ra bờ ao tựa mình vào gốc xoan ngồi đọc từng lá từng lá một. Trong thư toàn là những lời tâm sự cô độc sợ hãi mà một mình bố đã phải gánh chịu. Bức thư cuối cùng bố viết:

***
Tháng Tư năm 1995

Bố mẹ của con!

Trước giờ con chỉ nghe đến bùa ngải như một dạng truyền thuyết, hay đúng hơn nó giống như những câu chuyện hư cấu người ta tự thêu dệt lên để hù doạ lẫn nhau. Nhưng nay khi gặp phải những chuyện này con lại thấy sự hiểu biết của người đời về bùa ngải quá ít. Đến cả bản thân con sau vài lần chứng kiến cũng không thể nghĩ rằng nó lại kinh khủng và đáng sợ đến thế. Nay con biên thư cho bố mẹ vì con biết mình đã bị lộ và có thể chết bất cứ lúc nào.

Bố từng hỏi con có sợ không? Có, con sợ nhiều lắm bố ạ. Tâm can con lúc nào cũng như lửa đốt, con lo lắng cho vợ con và cho cả con của con nữa. Qua tìm hiểu con biết vợ của con chưa biết gì cả. Thương nó, sợ nó biết chuyện lại gặp nguy hiểm giống như con nên con không nói ra. Mai này khi con bé Tuệ nó lớn, nếu nó tò mò về con mà đến tìm bố mẹ thì bố mẹ nói cho cháu biết cũng chưa muộn vì có thể khi đó, cháu đã biết được phần nào câu chuyện.

Thưa bố mẹ, con bất hiếu chưa ngày nào phụng dưỡng được bố mẹ, nay con lại rơi vào cái vòng tâm linh luẩn quẩn. Mà người đời họ nói quả không sai, chuyện tâm linh là chuyện không đùa được. Vì con tò mò mà để mọi chuyện đến cơ sự này, nên con chẳng dám trách ai cả. Con chỉ xin bố mẹ bình tĩnh, sự việc cần thêm thời gian để sáng tỏ. Con có mệnh hệ gì bố mẹ ráng nuốt vào trong để giữ an toàn cho mọi người rồi sau này có thời cơ sẽ tìm hiểu từ từ nha bố mẹ.

Mẹ ơi, ở quê mình người ta đến lắp điện chưa? Ở đây họ chôn cột điện xong rồi, sắp có điện rồi mẹ ạ. Điện về con cũng yên tâm phần nào để mẹ đỡ vất vả đêm hôm. Mẹ già rồi, chăn nuôi ít thôi, nuôi vài con chó con mèo cho vui nhà vui cửa thôi mẹ ạ. Con thu xếp vài bữa cháu Tuệ được nghỉ hè, con đưa cháu về thăm bố mẹ. Thôi con dừng bút đây, con thương bố mẹ nhiều.

À mẹ ơi, tháng tư rồi mà trời vẫn còn rét nhiều, mẹ mặc ấm vào kẻo cơn viêm xoang nó hành nha mẹ.

                  Con của bố mẹ: Nhận

***
Tôi ngồi bứt từng cọng cỏ mọc quanh gốc xoan ném xuống ao cho cá ăn, đàn cá đánh động làm làn nước lăn tăn thật yên bình. Con chuồn chuồn đậu trên cành cây, cứ đậu rồi bay rồi bay rồi đậu. Làn gió thổi khiến hoa xoan rơi đầy trên mặt đất. Cái không gian tĩnh mịch này nếu dừng lại tại đây liệu có thoả mãn không? Tôi muốn quên đi mọi thứ rồi ở lại đây với nội có được không? Khoảng thời gian này tôi tự đánh lừa chính bản thân mình, tôi cho phép bản thân quên đi tất cả để vùi đầu vào trong niềm hạnh phúc gia đình mà rất lâu rồi tôi chưa từng cảm nhận được.

Đêm đó đang nằm ngủ yên giấc thì tôi bị giật mình vì nghe thấy âm thanh lạ, âm thanh khó chịu đến mức làm da gà tôi nổi lên từng hồi. Tôi ngồi dậy thật nhẹ nhàng, sợ rằng chính mình lại là người đánh mất giấc ngủ của ông bà chứ không phải là âm thanh kia. Tôi đi lại góc tường bật chiếc đèn ngủ quả nhót màu đỏ rực lên. Ánh đèn vừa bật thì tôi giật mình khi thấy nội đang ngồi quay mặt vào trong góc tường, tóc lưa thưa dài thườn thườn để xoã chấm cả xuống đất. Nội cầm cái thìa cạ vào góc tường hùng hục như đang đào bới cái gì đó. Tôi hoảng hồn chạy lại lay:

- Nội ơi, nội sao thế?

Bà quay lại nhìn tôi, ánh mắt vô hồn như cái xác rỗng rồi lại từ từ quay đầu vào trong góc tường tiếp tục cạ ken két cái muỗng lên tường. Tôi sợ quá chạy vào trong buồng gọi ông nội, ông đi ra nhìn thấy bà như thế thì kết luận:

- Bị mộng du con ạ. Con đừng sợ, đừng đánh thức bà.

Nói rồi ông đi lại phía bà, nhẹ nhàng cầm tay bà dắt bào buồng, vừa đi vừa nói:

- Đi, đi vào giường nằm với tôi. Ngồi ngoài này lạnh lắm.

Cả đêm đó tôi trằn trọc không tài nào ngủ được, ánh mắt vô hồn của nội khi nãy khiến tôi chắc mẩm là nội không chỉ đơn thuần là bị mộng du.

***
Sáng sớm tôi khăn gói đi về quê, tôi muốn quên đi tất cả để tiếp tục sống những tháng ngày bình yên nhưng rõ ràng có ai đó không muốn điều đấy. Tôi chào ông bà nội, thắp nén nhang lên bàn thờ của bố rồi đi thẳng ra bến xe.

Vừa quay trở lại quê được vài ngày, tôi còn chưa chuẩn bị được tâm lý và tinh thần để bắt tay vào vấn đề thì nhận được tin bà nội mất vì sốt rét. Cái tin như sét đánh ngang tai khiến tôi đau đớn như điên dại. Tôi lao mình qua bên nhà ngoại, đạp tung cánh cửa buồng mà ngoại không bao giờ cho tôi bước chân vào. Rồi đi thẳng đến điện thờ hất tung lư hương xuống đất mà hét lên:

- Cái thứ ma quỷ, xuất hiện đi, giết tao đi.

Ngoại đang ở dưới bếp, chạy vội lên ôm lấy tôi rồi dí đầu tôi xuống đất hoảng hốt nói:

- Lạy ngài đi con, xin ngài tha đi con.

Tôi hất tay ngoại ra hét lên:

- Tôi biết hết sự thật rồi. Các người thật ghê tởm!

Nói rồi tôi lao mình ra khỏi buồng, chạy thẳng lên nghĩa địa nằm xấp mình xuống nấm mồ của bố mà gào khóc:

- Bố ơi, nội chết rồi bố ơi!!!!

****

NGOẠI ĐÃ GIẾT BAO NGƯỜI 8

***
( Chuyện có thật về việc dùng bùa ngải để giết người)

Mẹ tất tả chạy lên đồng tìm tôi:

- Về Tuệ ơi, về còn đến với nội!

***
Đám tang của nội trời mưa to lắm, chiếc bạt buộc ở 4 góc sân bị gió quật lên quật xuống khiến quan khách cũng như đội kèn trống ướt như chuột. Tôi bám chặt lấy linh cữu, rũ rượu như một đứa bị dại. Tôi không nghĩ rằng, sự sống nó lại mong manh đến như thế, mới chỉ 3 ngày trước thôi nội còn đi hẳn ra đầu ngõ, dúi vào tay tôi vài tờ tiền:

- Cầm đi đường còn mua quà bánh nữa con.

Hai bà cháu đứng đó đùn đẩy qua lại một hồi rồi cuối cùng tôi lại là người thua cuộc. Những đồng tiền nội cho vẫn còn ở đây mà nội đã vội đi rồi!

Đêm đó tôi giành coi linh cữu nội, tôi ngồi ôm gối nhìn chăm chăm vào góc tường, nơi mới trước nội mộng du lấy muỗng cạo ken két, dấu vết vẫn còn nguyên đây mà giờ nội không còn nữa. Nước mắt tôi lại rơi rồi mệt quá tôi ngủ thiếp đi. Trong cơn mộng mị tôi thấy nội như đang sợ hãi điều gì, nội chạy thẳng lại chỗ tôi lay tôi dậy:

- Tuệ, Tuệ ơi! Con đừng tìm hiểu gì nữa. Đi thật xa nơi đây để tìm hạnh phúc cho cuộc đời con đi. Nghe lời nội, đừng tìm hiểu gì nữa con ơi, sợ lắm con ơi!

***
Sau đám tang, mẹ tôi về quê trước, còn tôi ở lại với ông nội hơn một tuần rồi mới đi. Ngày tôi đi,  ông tiễn tôi ra tận đầu làng, có lẽ ông sợ rằng lần này sẽ là lần cuối được nhìn thấy đứa cháu gái thân yêu.

- Ông về đi, đến đây con tự đi được rồi!

Đúng là con người ta hay dối lòng, mới nói ông về đi mà ông vừa quay lưng khuất bóng sau rặng tre già là tôi lại nằm vật ra giữa đường gào khóc. Cái bóng dáng cô độc, lẻ loi của ông khiến tôi có thể chết đi vì đau đớn. Tôi nằm xuống đường, tay bấu chặt vào những cây cỏ ven đường rồi ngửa cổ lên trời mà hét thật to:

- Aaaaaaaaaaaaaa

Tiếng hét ấy, cái cảm giác bất lực như điên dại ấy là cái cảm giác khó chịu nhất trong cuộc đời vô thường này!

Tôi lững thững đứng ở ngã 3 huyện để bắt xe, nhưng đứng cả nửa ngày trời mà không một xe nào dừng lại. Trời mưa lâm râm quần áo thì xộc xệch lem luốc do mới vật lộn với nội tâm ở đầu làng. Chắc có lẽ vì thế mà người ta không dám cho lên xe.

- Cháu ơi, cháu bắt xe hả? Nếu bắt xe thì tháo tang ra, cháu đeo trên đầu vậy không ai dám cho cháu lên đâu.

Đúng thật, sau khi gỡ chiếc khăn tang trên đầu xuống tôi mới về được quê!

***
Về đến quê, tôi thấy mẹ đang ngồi ở bậc thềm cầm chiếc quạt nan phe phẩy. Thấy tôi mẹ chẳng vui cũng chẳng buồn, chỉ hỏi cho có chuyện để nói thì phải:

- Con đi xe chuyến mấy giờ?

Tôi hậm hực đi lại phía mẹ, quăng cái túi xách trên vai xuống thềm rồi nhìn thẳng vào mắt mẹ hỏi:

- Mẹ! Mẹ nghĩ gì về cái chết của bố con và của cả nội nữa?

Mẹ ngạc nhiên với câu hỏi của tôi:

- Là sao? Mẹ không hiểu con hỏi gì!

- Mẹ biết được bao nhiêu về mẹ đẻ của mẹ rồi? Mẹ nói con nghe, mẹ biết được bao nhiêu thứ về cái gian buồng bán thần bán thánh bên kia rồi?

Vừa nói tôi vừa đưa tay chỉ thẳng sang bên gian buồng của ngoại. Mẹ thấy thế thì vội đứng lên, bịt miệng tôi lại rồi kéo tôi vào nhà. Chính cái hành động này của mẹ khiến tôi chắc chắn rằng mẹ đã biết gì đó. Tôi đưa ánh mắt đầy lửa ong õng nước như đang chực khóc nhìn chằm chằm vào mẹ:

- Mẹ nói đi, mẹ biết được những gì? Chính bà ấy, bà ấy đã giết bố con và giết cả nội đúng không?...

Mẹ tôi ngồi thụp xuống đất, gục mặt xuống 2 gối lắc đầu lia lịa:

- Trời ơi, vậy là con cũng biết rồi sao?

Mẹ kể trong nước mắt:

***
- Mẹ biết cái chết của bố con có điểm bất thường. Sau khi pháp y đến đưa xác bố con đi, chính mẹ là người được gọi lên đó đầu tiên để nhận xác bố về. Khi vào trong phòng xác lạnh lẽo để xác nhận, người ta đưa cho mẹ một cái khay nhỏ, trong khay là những vật dụng bất thường đã được gắp ra từ trong dạ dầy của bố con, hay nói đúng hơn thì chính những thứ trong khay đã gây ra cái chết của bố con. Như con cũng đã nghe người ta đồn thổi rồi đấy. Đúng là trong bụng bố con có con cá trê to như cẳng tay còn sống. Miệng con cá trê bị mắc phải chùm lưỡi câu sáng loáng sắc nhọn và một lá bùa nhỏ viết bằng máu tươi được gấp lại chỉ to bằng đầu ngon tay út. Người ta mổ pháp y từ cuống họng xuống, họ không tài nào hiểu được tại sao con cá trê bị mắc câu lại nằm ở trong bụng của bố con, bởi nếu nuốt phải những thứ này thì chắc chắn cổ họng phải để lại vết tích, ấy vậy mà những thứ này lại thọt thỏm ở trong bụng bố con chẳng để lại tí dấu vết nào. Lúc đó mẹ nghe thấy sự việc khó tin như thế thì có cự cãi qua lại với họ một hồi. Họ khuyên mẹ nên đi tìm hiểu về phía tâm linh. Thế là sau khi chôn cất bố con xong, mẹ đi lên núi tìm ông thầy giỏi nhất rồi đưa những vật này cho ông ấy xem. Mới chỉ liếc mắt một cái thì ông thầy đã run lẩy bẩy phán:

- Bùa này đã dính thì chỉ có chết, không có đường sống!

Mẹ luôn thắc mắc rằng ai đã hại bố con? Ai lại dùng bùa dùng ngải để giết bố con? Nhưng sau cái chết bất thường của cha con ông Lương mẹ mới bắt đầu nghi ngờ mọi việc có sự nhúng tay của ngoại. Càng tìm hiểu mẹ càng khẳng định được sự nghi ngờ của mẹ là đúng nhưng đó là ngoại con, là mẹ ruột của mẹ nên mẹ đã im lặng và không đi sâu thêm nữa.

Tôi giận dữ hét lên:

- Chính vì mẹ im lặng, nên nội đã phải chết. Nếu còn im lặng, thì sẽ đến lượt ai?

Mẹ tôi ôm lấy vai tôi quả quyết:

- Không con, mẹ nghĩ cái chết của nội không liên quan gì đến ngoại đâu.

- Mẹ nói không liên quan? Nội đang rất khoẻ mạnh, mà chỉ trong chưa đầy 3 ngày lại có thể chết vì sốt rét ư? Một chuyện vô lý như thế cũng tin được sao? Vậy còn người đàn ông ở gốc gạo thì sao? Người đàn ông đang bị xích như xích chó ở gốc gạo thì sao?

Mẹ tôi nghe thấy thế thì bất ngờ hỏi?

- Gốc gạo nào? Người đàn ông nào?

- Người đàn ông nhập vào mẹ đúng đợt bão năm 1999. Người đó không xưng tên, nhưng theo lời thì người đó mới chính là bố ruột của con.

Mẹ nghe đến đây thì dường như bao nhiêu bình tĩnh nãy giờ mẹ gắng gượng để nói chuyện với tôi xụp đổ hoàn toàn. Mẹ ngồi thụp xuống đất thất thần không nói lên lời. Tôi thấy thế thì hỏi tiếp:

- Đầu đuôi thế nào? Mẹ nói đi. Con có quyền biết!

Mẹ tôi đứng dậy, đi được 2 bước về phía phích nước thì ngã khụy xuống. Lúc này mẹ mới bưng mặt khóc:

- Nếu lời con nói là đúng, thì người đàn ông ở gốc đa là bố đẻ của con. Ổng tên là Minh. Vậy là...

Mẹ bỏ lửng câu nói rồi lại khóc thút thít:

- Vậy là ổng chết rồi hả con?

Tôi thấy trong lời nói của mẹ có chút khó hiểu, chẳng lẽ chính bản thân mẹ cũng không biết rằng ông Minh đã chết sao? Mẹ gào lên:

- Tại sao ông ấy chết? Ông ấy chết khi nào? Bao nhiêu năm nay mẹ vẫn nghĩ ông ấy bội bạc mà bỏ mẹ con mình đi. Bao nhiêu năm nay trong lòng mẹ oán hận, trách móc ổng. Vậy ra ông ấy chết rồi sao Tuệ?

Mẹ đưa hai tay lên vai tôi mà lắc mạnh:

- Con kể lại cho mẹ nghe, ông ấy nói với con những gì?

- Ông ấy nói với con, ông ấy chết từ khi con chưa chào đời. Ông ấy bị bỏ bùa bỏ ngải mà chết. Mà người bỏ ngải ông ấy lại chính là ngoại!

Mẹ nghe đến đây thì chua xót, mẹ bất giác bật cười:

- Lại là bà ấy sao? Lại là ngoại của con sao Tuệ?

Mẹ hất tung chiếc phích rơi xuống đất vỡ tan tành rồi lảo đảo bước qua phía nhà ngoại. Tôi không nhớ rõ cái khung cảnh xung quanh lúc ấy như thế nào vì trong lòng tôi lúc này rối như tơ vò. Mẹ đi lại phía gian buồng của ngoại, dơ chân đạp tung 2 cánh cửa. Cảnh tượng bên trong khi ấy khiến tôi như chết lặng. Ngoại trần chuồng đứng trước đền thờ, dơ cây roi mây gai quất thằng vào người mình, những cú quất ấy nghe vun vút trên không trung rồi cắm thẳng vào da lật tung thừng thớ thịt. Máu me phun ra, đỏ đẫm từ đỉnh đầu xuống đến gót chân. Ngoại vừa quất, miệng vừa lẩm bẩm:

- Xin ngài tha cho cháu tôi! Xin ngài tha cho cháu tôi!

***

NGOẠI ĐÃ GIẾT BAO NGƯỜI p9
Tg. Tuệ Thảo

***
( Chuyện có thật về việc dùng bùa ngải để giết người)

Mẹ lao lại phía ngoại mà hét lên:

- Mẹ, mẹ nói cho con biết chuyện anh Minh là thế nào? Mẹ bỏ bùa bỏ ngải giết chết anh ấy rồi đúng không?

Ngoại dừng lại, không nói một lời đẩy 2 mẹ con tôi ra khỏi cánh cửa rồi khoá trái bên trong. Ngoại làm gì ở trong đó tôi không biết, chỉ biết rằng tiếng roi mây vẫn vun vút đều đều đâm vào da thịt. Mẹ tôi ngồi bệt xuống, liên tục đấm thùm thụp vào cửa mà gào khóc:

- Mẹ mở cửa ra, mẹ trả lời con đi. Tại sao mẹ lại làm vậy với con?

***
Đêm đó đang nằm ngủ, tôi nghe thấy có tiếng ai cứ thì thầm bên tai:

- Dậy đi! Dậy đi con.

Tiếng thì thầm cứ liên tục lặp đi lặp lại nghe như tiếng ai đang cố gắng đánh thức tôi. Tôi choàng mở mắt, loạng choạng bước xuống giường thì thấy có bóng ai đang đứng thập thò sau cánh cửa.

- Mẹ à mẹ?

Không thấy có tiếng ai trả lời, tôi đi lại mở cửa. Mọi thứ thật tĩnh lặng, nay trăng sáng vằng vặc chiếu thẳng xuống khu vườn trước mắt tôi. Gió nhè nhẹ thổi vào mấy ống luồng nghe tựa như có tiếng ai đang thì thầm to nhỏ. Tôi nghĩ chắc mình hoa mắt nên tính đóng cửa đi ngủ tiếp vì hôm nay ngồi xe đò nhiều tôi có chút mệt. Vừa định đóng cửa thì cái bóng trắng lại thoắt ẩn thoắt hiện ở ngoài đầu ngõ như cố ý để tôi nhìn thấy. Tôi thấy lạnh sống lưng, tiềm thức lúc ấy bừng tỉnh. Tôi đi nhanh vào buồng tìm mẹ nhưng không thấy, tôi dò dẫm bước sang nhà ngoại nhưng cũng không có động tĩnh gì. Tôi quay về nhà ngước mắt nhìn lên đồng hồ, 2h sáng. 2 giờ sáng này thì mẹ có thể đi đâu được cơ chứ? Cái ý nghĩ mẹ ngoài gốc gạo loé lên trong đầu là lúc tôi đứng bật dậy, vào buồng tìm chiếc áo khoác vận lên người để tránh gió rồi đi. Hôm ấy trăng sáng quá, lúa lại đang vào độ trổ đòng, một khoảng trời mênh mông toàn là lúa đen kịt. Tôi sợ, tôi cố gắng đánh lạc hướng bản thân bằng cách mở miệng nghêu ngao hát. Nhưng cách này thất bại hoàn toàn vì khi đang nghêu ngao hát tôi sực nhớ đến lời dặn của ngoại khi tôi còn nhỏ xíu:

- Đi đâu ban đêm đừng hát hò hay gọi tên nhau nha con, ma nó để ý nó theo con đó!

Nhớ đến đây tôi đứng khựng lại, hai chân tôi run lên bần bật tưởng chừng như không đi nổi nữa. Đã thế những cây thánh giá trên đầu những nấm mộ nhấp nhô hiện ra. Nghĩa địa ngay trước mắt. Tôi đưa tay lên, tự vã vào mặt để giữ cho đầu óc thật tỉnh táo. Nhưng có lẽ tỉnh táo quá cũng chẳng phải là điều gì tốt đẹp. Tôi toan quay gót chạy ù về nhà nhưng lại nghĩ đến mẹ, tôi sợ mẹ bị bố nhập vào rồi lại ngồi bốc phân bò ăn. Nghĩ thế tôi gạt bỏ nỗi sợ kiên định bước tiếp. Cuối cùng tôi cũng đến nơi, lại gần thì nghe thấy có tiếng đàn bà khóc thút thít. Tôi biết đấy là mẹ nhưng tất nhiên là tôi vẫn sợ, tôi tự mường tượng ra mọi khung cảnh đáng sợ nhất và cách sử lý nếu bất thình lình có cái gì đó lao về phía tôi. Mà thật tình mẹ cũng giỏi trêu người thật, đêm hôm mà mặc chiếc áo dài màu trắng, đã thế lại tô son đỏ chót rồi ra ngồi ôm cây gạo khóc. Trong thâm tâm tôi biết mẹ muốn mình thật đẹp, thật lộng lẫy trong lần gặp gỡ này với bố. Mẹ như thế, tôi càng thấy thương vô cùng. Tôi ngồi xuống gần mẹ:

- Sao mẹ ra đây? Làm con đi tìm mãi.

- Mẹ muốn được gặp lại bố con, nhưng ngồi đây mãi mà không gặp được.

- Mẹ về đi, đâu phải muốn gặp là gặp được đâu. Nhưng con tin chắc bố vẫn đang ở đây, có lẽ bố đang ngồi cạnh mẹ con mình cũng nên. Về đã mẹ, hình như trời sắp mưa rồi, gió lớn quá! Về ngủ mai rồi tính.

Mẹ cầm tay tôi:

- Con về ngủ đi, mẹ ngồi đây cho khuây khoả chút rồi mẹ về.

Nghe lời, tôi đứng lên nhường lại không gian cho mẹ. Về đến nhà tôi không tài nào ngủ được, cứ nằm rồi lại ngồi rồi lại nằm, ruột gan chẳng biết có chuyện gì mà nóng như lửa đốt. Gà gáy rồi mà mẹ vẫn chưa về.

Trời tờ mờ sáng, một đám thanh niên đến đầu ngõ nhà tôi í ới gọi:

- Tuệ ơi, ra cây gạo đi, mẹ mày bị sao rồi ý.

Trời bỗng nổi sét, đổ cơn mưa rào ào uống cái làng quê nghèo này. Tôi lao mình vào cơn mưa trắng xoá chạy thẳng ra gốc gạo. Cây gạo ngay trước mặt tôi, mẹ cũng ngay trước mặt tôi. Tà áo trắng của mẹ không bay nổi vì dính nước mưa, nhưng sao mẹ lại lủng lẳng du đưa trên cành gạo vậy? Tôi chạy lại ôm ghì lấy chân mẹ mà gào lên trong vô định! Mẹ tôi treo cổ, chết rồi!

Lúc tôi đến, người mẹ đã tím ngắt, cứng đơ! Tiếng sét rền xuống cánh đồng như thay cho tiếng gào thét của lòng tôi. Mọi người xúm xít lại đông lắm, nhưng không một ai dám lại gần mẹ và tôi. Tôi quay lại phía họ gào lên cầu cứu, nhưng những ánh mắt tròn xoe vô cảm chỉ lùi xa lùi xa...  

Trời chỉ đổ ào cơn mưa xuống, nện vài tia sét như tiếng vĩnh biệt rồi tạnh hẳn, tà áo dài của mẹ lại tung bay phần phật trong gió, môi mẹ vẫn còn đỏ thắm vì son... Mẹ đẹp lắm, như một thiên thần đang bay trên không trung!

***
Ngoại chạy đến, chỉ kịp hét lên một câu rồi ngất lịm:

- Trời ơi!

Ngoại nằm xoài trước mặt tôi, những vết thương trên người vẫn thi nhau rỉ máu. Máu rỉ, thấm qua lớp vải mỏng, loang lổ đầy ra áo. Người dân thấy thế bỏ chạy toán loạn. Chỉ còn lại mình tôi đang ra sức ôm ghì lấy chân mẹ còn ngoại thì vẫn nằm ngất lịm dưới chân tôi. Gió thổi vi vu trên cành cây gạo nghe như có tiếng ai thổi sáo. Nước mắt tôi thi nhau rơi, miệng tôi nghêu ngao hát:

Mẹ ơi sao lỡ bỏ con
Mẹ bay theo gió để con nơi này
Lệ lòng sao quá đắng cay
Đừng xa con nữa đừng đi một mình
Giờ con mất mẹ thật tình
Tim con đau lắm mẹ ơi quay về!

***
Ngày chính quyền cử vài người miễn cưỡng đến chôn cất mẹ tôi xong cũng là ngày tôi ôm di ảnh của bà nội, của bố, của mẹ bỏ đi. Cũng như lần trước, ngoại đứng dưới gốc mít, liên tục đưa vạt áo màu nâu lên khoé mắt. Lần này tôi đi, tôi tự hứa sẽ không bao giờ quay lại!

***

NGOẠI ĐÃ GIẾT BAO NGƯỜI 10
Tuệ Thảo

***
(Chuyện có thật về việc dùng bùa ngải để giết người)

Tôi đến ở với ông nội được hơn 5 năm thì ông mất vì bạo bệnh. Mộ ông chưa xanh cỏ, chú bác đã đến tranh giành đất đai. Lại một lần nữa tôi khăn gói ra đi. Trước khi đi, tôi mua nửa lít rượu cùng vài quả nem nắm khi còn sống ông thích ăn nhất đưa lên phần mộ ông bà ngồi. Tôi rót đầy cốc rượu uống một hơi hết sạch, không biết rằng do rượu cay hay do cuộc đời tôi cô độc mà nước mắt tôi thi nhau rơi. Tôi nằm giữa 2 phần mộ, ngửa mặt lên trời nhìn những đám mây chầm chậm trôi, gió trời hôm ấy mát quá, tiếng thiên hạ í ới gọi nhau cười khúc khích thật yên bình. Lúc ấy tôi thiết nghĩ, nếu có chỗ cho mình nằm lại ở đây, bình yên như thế này thì tốt biết mấy. Nằm gần hết nửa buổi sáng tôi mới ngồi dậy. Rót lên phần mộ ông bà 3 ly rượu đầy:

- Thưa nội, con đi!

Hành trang của tôi cũng chẳng khác mọi lần, chỉ một chiếc túi đựng vài bộ quần áo và tiện tay tôi cầm thêm mấy cuốn sách mà ông nội hay đọc để làm kỷ niệm. Lang thang vô định một thời gian, khi tới Ninh Bình tôi quyết định dừng lại. Ninh Bình lạ lắm, nó cho tôi cái cảm giác quen thuộc như nơi đây chính là nhà. Rồi một lần tình cờ, tôi giải cứu được một cháu bé trong đường dây chăn dắt ăn xin ở một địa điểm du lịch khá nổi tiếng của tỉnh. Tôi nhận cháu làm con rồi đưa về nuôi. Cuối năm 2020 cháu đã đến tuổi để đến trường, tôi lại không đủ giấy tờ để chính quyền hoàn tất thủ tục nhận nuôi. Lại một lần nữa tôi buộc phải quay trở lại quê hương!

***
Gần 17 năm ra đi, quê hương thay đổi rất nhiều. Những đoạn đường đất xưa đã được thay bằng đường nhựa. Những ngôi nhà cao tầng thi nhau mọc lên san sát nhau, những bụi tre bụi ruối cũng chẳng còn nữa. Cầm tay con đi trên đoạn đường làng, tim tôi đạp loạn xạ. Bao nhiêu ký ức xưa cũ hiện về, sống động như mới xảy ra ngày hôm qua. Đến đầu xóm, hình như có vài người già nhận ra tôi, họ đứng xa xa nghi ngờ chỉ chỏ. Tôi đứng đó như chết chân vài phút rồi quyết định không quẹo vào. Tôi dắt tay con đi thẳng ra phía cánh đồng. Chính đoạn đường này những lần thơ bé, dỗi cha dỗi mẹ tôi chạy ra đây ngồi khóc thút thít một mình. Rồi cũng chính đoạn đường này, khi lớn hơn chút nữa, tôi chạy ra đây, chẳng giận ai chẳng khóc ai, chỉ nằm ngửa mặt lên trời nhìn những đám mây lững lờ trôi cả một buổi chiều. Chẳng biết rằng do người dân trồng lúa ít hơn trước, hay do mùa đông ít lạnh hơn thời đó mà tiếng gió thổi lại không cuộn trào như hồi xưa nữa. Tôi xiết chặt tay con, đứng khựng lại vài giây để lấy can đảm đi tiếp vì tôi biết đi thêm một chút nữa gốc gạo sẽ hiện ra ngay trước mắt...

***
Khi nhìn thấy cây gạo, nước mắt tôi thi nhau rơi, tôi khóc nấc lên y như một đứa trẻ. Gốc gạo vẫn sừng sững ở đây, 17 năm sau vẫn rì rào như tiếng ai đang thổi sáo. Tôi đứng giữa đường đồng, nhìn chân chân vào cây gạo khóc. Đứa con trai lắc tay tôi hỏi:

- Mẹ ơi, sao mẹ lại khóc?

Câu hỏi như phá vỡ những kìm nén bao lâu nay tôi tự lừa dối bản thân phải quên đi. Tôi cúi xuống, ẵm con trên tay. Đi lại sát phía gốc gạo, cầm tay con đặt lên trên thân cây xù xì. Tôi hỏi con:

- Con có nghe thấy tiếng ai đang hát không?

Con ngây thơ trả lời:

- Mẹ sai rồi, tiếng gió thổi chứ!

- Ừ, mẹ sai rồi. Là tiếng gió thổi!

Tôi ngồi gục xuống khóc như một đứa trẻ lên ba. Bất chợt gió ở đâu ùa tới, như vòng tay mẹ quấn quýt ôm lấy tôi. Tôi bất giác ngửa mặt lên cành gạo hỏi:

- Mẹ còn ở đó không mẹ ơi? Con xin lỗi! Con xin lỗi mẹ nhiều lắm!

***
Sau khi bình tĩnh lại, tôi dẫn con ra phần mộ của bố mẹ:

- Chào ông bà ngoại đi con!

Đứa con ngoan ngoãn nghe lời, khoanh tay cúi đầu:

- Con chào ông bà!

Tôi ngồi xuống cạnh 2 nấm mộ, đặt lên trên phần mộ bố những dái mít non đã được chuẩn bị từ trước, đặt lên trên mộ mẹ những viên kẹo vị bạc hà mà mẹ thích ăn nhất. Tôi tỉ tê kể lại hành trình gần 20 năm xa quê cho họ nghe. Bỗng tôi nhìn thấy có bóng dáng ai, nhấp nhô sau cánh đồng lúa chín. Trời lạnh quá mà người đó mặc độc một chiếc áo mỏng màu nâu, tay chống gậy vội vàng đi thẳng lại phía tôi, liên tục đưa vạt áo lên khoé mắt. Luôn miệng hỏi:

- Tuệ hả con? Tuệ phải không con?

Là ngoại, ngoại già rồi, dáng người ốm yếu, khuôn mặt nhăn nheo, ánh mắt mờ đục. Ngoại vừa hỏi tôi, hai giọt nước mắt của ngoại vừa rơi ra nơi khoé mắt. Những giọt nước mắt của ngoại bị ngăn lại bởi những nếp nhăn rồi nhoà ngược ra hai bên đuôi mắt. Tôi không nói gì, cầm vội lấy tay con trai mình kéo đi. Ngoại luống cuống đánh rơi cây gậy xuống đất rồi run rẩy giữ tay tôi lại:

- May quá, đúng là con rồi. Đúng là con rồi!

Nói rồi ngoại bưng mặt khóc thút thít. Tôi bậm chặt môi, tự nhủ bản thân mình đừng khóc. Giữa cánh đồng làng, 2 con người máu mủ ruột thịt gặp lại nhau sau bao nhiêu năm giận hờn xa cách. Ngoại vẫn ít nói, chẳng vội buông lời giải thích, chỉ đứng đó run run vịn lấy tay tôi. Giọng nói quen thuộc của ngoại khiến cho bao chấp niệm xưa giờ vụn vỡ. Tôi ngồi thụp xuống, không nhịn nổi nữa, gục mặt vào 2 gối mà khóc nức nở. Từ góc nhìn này, tôi thấy bàn chân già nua nứt nẻ của ngoại, sao trời đông lạnh thế này ngoại lại chẳng đeo vớ tất gì. Chắc ngoại đã phải sống một cuộc sống rất khó khăn! Tôi ngửa mặt lên trời, liên tục đưa tay đấm vào bên ngực trái. Trái tim tôi lúc ấy lạ lắm, cứ nhói lên đau đớn từng hồi!

Đứa con trai bé bỏng của tôi liên tục lắc vai tôi hỏi:

- Mẹ ơi, ai đây?

Tôi ngập ngừng một lúc lâu mới quay lại nói với con:

- Khoanh tay vào chào cụ đi con!

***
Tôi theo ngoại về nhà. Tôi cố gắng bình tĩnh không để những ký ức chi phối mình quá nhiều. Bên nhà tôi, cỏ dại mọc cao quá nửa đầu người, một bên mái bị sụp xuống khiến căn nhà xiêu vẹo có thể đổ sập xuống bất cứ khi nào. Còn nhà của ngoại thì vẫn y như xưa chẳng có gì thay đổi, gian buồng kia vẫn khoá ngoài chắc chắn y như ngày đó. Tôi không bước chân vào nhà ngoại, chỉ ngồi ở bậc ao ôm ghì lấy cậu con trai không cho chạy nhảy. Tôi ngồi đó gần hết ngày chờ ngoại lên tiếng giải thích cho bao nhiêu cái chết xưa kia. Nhưng ngoại vẫn vậy, vẫn chọn cách im lặng. Tôi không đợi được, xế chiều tôi đưa con lên xã làm giấy tờ rồi ôm con quay trở lại Ninh Bình ngay trong đêm.

Đầu tháng 2/2021 tôi nhận được cuộc điện thoại lạ. Đầu dây bên kia thông báo tình hình sức khoẻ của ngoại quá yếu. Tôi một mình bắt chuyến xe về quê. Thấy tôi, ngoại khóc như một đứa trẻ, ra hiệu cho tôi ngồi lại gần. Tôi vừa ngồi xuống ngoại đã nói ngay như sợ rằng không còn đủ thời gian nữa:

- Tuệ, con là kết quả của mối tình loạn luân!

***

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip

Tags: #uminhgioi