5.

Xác người chất thành đống ở Kyericht, cơ thể của họ, bảng tên của họ, chúng có thật. Tôi bị giật mình bởi tiếng đánh bom, nó rú lên từng tràng, từng đợt. Như một con quỷ, nó rống như quỷ, máy bay Đức. Rồi một tiếng rít đanh gọn theo sau vụ nổ, xới tung đất, máy móc, giáo mác, cả con người! Con tàu phanh từ từ khi chúng tôi áp sát vịnh, Jan bảo đường sắt đã bị rải thảm, không thể tiếp tục di chuyển.

"Di chuyển nào, phủi rơm khỏi áo khoác của mọi người, có lương thực thì đem hết theo. Kể cả nhu yếu phẩm không dùng tới, mà giờ cái mẹ gì chả dùng tới!"

Tôi cảm thấy hơi hạ đẳng khi lần đầu chạy trốn như con ruồi không cánh, bất lực, mỏng manh và vô phương hướng. Chúng tôi nhảy ra khỏi toa và đi bộ, mỗi người một hướng trên cánh đồng, và máy bay tiếp tục rú lên.

"Ây, người đẹp!" Jan gọi với tôi. "Đợi xíu"

"Anh đang ăn cái gì vậy?"

"Bánh mỳ, thời buổi bấy giờ loại bánh này hiếm lắm đấy!"

"Giờ này anh vẫn còn tâm trạng ăn được? Tôi nể anh quá rồi!"

"Ăn để sống, ăn để không chết với cái bụng ẻo, mẹ tôi hay dạy thế"

...

Cứ điểm của Sư Đoàn 41 chia làm ba nhánh, một ở gần rìa vịnh trấn yểm bởi ba đội du kích, một ở trung tâm, nằm bất động ở điểm giao của những chiến hào lợp gỗ, cái còn lại, đã thất thủ vào tuần trước. Tất cả dồn hết vào trung tâm, đó chỉ là một nhà kho cũ, thủng lỗ chỗ, mái đã sập một nửa. Còn thảm hại hơn cả các ga tàu, họ đặt thương binh trên sàn bê tông lạnh, trên đống giẻ rách, trên tất cả những thứ gì có thể tách cơ thể ốm yếu của họ với nền đất đóng băng. Thường thì vào bệnh viện sẽ nặc mùi thuốc sát trùng. Không có, chỉ có mùi sắt gỉ của máu, mùi thịt của những người dính bom napalm, mùi hoại tử len lỏi vào từng hơi thở.

Tôi được gặp đại tá Kozlova, mắt lợn luộc, tính khí nóng nảy. Ông ta nhướn mày rất cao khi Jan giới thiệu tôi đến từ bệnh viện thủ đô, và là người đã cứu Hansel. Dẫu vậy, ông nổi giận.

"Xem các cậu tiếp tục ấn lên lưng tôi những cô gái! Cái vóc dáng ba lê này là gì thế? Ở đây là chiến tranh, không phải một đêm vũ kịch"

Một cuộc chiến tranh khốc liệt... Nhưng sau đó, ông mời tôi và vài cô gái khác đến chỗ ông, và cho chúng tôi ăn. Khác với tôi, đa số bạn bè đều là những nữ quân nhân cầm súng thay vì kim tiêm - họ gầy rộc và lúc nào cũng mệt mỏi. Tôi ngửi thấy mùi hôi hám từ... nói thế nào, thứ mà phụ nữ nào cũng có... trên cơ thể họ trước khi được đi tắm. Kozlova có rất nhiều nước sạch và ông dồn hết cho bọn con gái. Tất nhiên, vài người thấy họ bị sỉ nhục. Ông coi chúng tôi là gì? Chúng tôi đến để tham gia và chiến đấu. Và ông tiếp chúng tôi không phải như những người lính, mà là những đứa trẻ con.

"Tôi làm gì với các cô đây, các người đẹp của tôi? Đội phó và mọi người nhặt các cô ở đâu ra thế?" Ông ta luôn cư xử y hệt thế. Có thể do tôi chưa ăn đạn đủ nhiều, mà tôi không có ý kiến gì lắm. Tôi chỉ ngồi một chỗ, và cứ như vậy.

...

Thiếu tá Vassili là xạ thủ bắn tỉa thuộc cứ điểm gần rìa vịnh tôi vừa nhắc tới, tôi đã được gặp anh ta một lần, ngay đêm hôm đó.

"Jan đã đưa cô tới đây? Và Hansel... đã bảo cô làm vậy?"

"Vâng"

"Lý do là gì?"

Tôi đã không bao giờ trả lời.

"Cảm ơn cô đã cứu mạng Hansel, thật lòng đấy. Cậu ta là lính dò mìn, không súng trường AK-47, chỉ xông pha mặt trận với vài người bảo kê, mũ bảo hiểm và súng lục ổ xoay. Hồi còn ở ngoại ô Rostburne sư đoàn 40 đã bị mai phục bởi hai cỗ xe tăng Đức. Tôi không hiểu, thế chó chúng nó phá vây nhanh thế? Chúng bắn nát khu công xưởng tôi đang ngụy trang trỏng, cả đồng đội của tôi. Họ rú lên, họ dùng móng tay cào xuống nền. Mẹ kiếp, lúc đó súng tôi đã bị gãy, tôi không thể thấy Jan hay bất cứ ai cả, chỉ thấy máu. Còn mỗi Hansel, cậu ta dính rất nhiều mảnh đạn và còn thoi thóp. Tôi đã nghĩ kiểu gì cậu ta cũng toi"

...

Làm việc ngay ngày hôm sau, tôi kết bạn với Vassili, và Jan, và vài người nữa trong cứ điểm. Phần nhiều trong số họ là nam giới, và lớn tuổi hơn tôi. Tôi được họ gọi thân mật là "em gái út". Sau này khi tôi già cả, tôi có viết một cuốn sách về chiến tranh, về nỗi căm hận nó đến tận xương tủy. Tôi chưa từng đọc lại nó lần nào, dù thời trưởng thành và già đi của tôi, ai cũng thích đọc loại sách ấy. Con trai và con gái của tôi. Điều đó chẳng có gì lạ: họ là những đứa con của Chiến Thắng. Con cái của những người thắng trận. Còn tôi? Tôi có ký ức gì về chiến tranh? Tôi có... ký ức về nỗi lo sợ của một đứa bé ngơ ngác giữa những từ ngữ khủng khiếp và không thể hiểu nổi.

Rất nhiều các chàng trai còn đang học đại học, anh Borokineth học cơ khí lớn hơn tôi có một tuổi. Anh là bệnh nhân đầu tiên của tôi.

"Amber!! Amber" Tôi nghe thấy tiếng Jan, và tiếng thở hì hục của rất nhiều người đàn ông khác. Họ khiêng Borokineth về trong tình trạng bị đạn xả nát chân trái, vôi sống và bụi bẩn rơi vào vết thương gây nhiễm trùng đau đớn. Chúng tôi đã hết băng gạc. Phải xé áo trấn thủ của những thương binh đã chết để quấn lên, chúng tôi xé nhiều đến nỗi nhiều người còn không có gì để xé. Borokineth khóc rú lên, chúng tôi buộc phải phẫu thuật cho anh. Quá muộn, chân anh đã bị nhiễm trùng thành những vết đen kịt, chảy dịch vàng ố, sưng lên như nhiễm nấm.

Tay tôi run lên. Tôi mổ bằng dao găm, nó cùn đến gãy cả xương. Không có thuốc gây mê, chúng tôi ở cạnh siết chặt tay và rót vodka vào miệng anh. Anh vừa khóc lóc vừa van nài tôi.

"Amber-... Amber, em gái! Đừng cắt chân của anh, anh sợ lắm-... sợ!!! Anh còn mẹ anh ở nhà, bà đã chăm sóc anh và cho anh ăn học cả đời. Trời ơi, một phế nhân!! Đừng mà, thương anh, anh xin em. Làm ơn đi!"

Tôi nghe và nghiến chặt răng, tôi không còn lựa chọn nào khác. Khi tôi đặt lưỡi cưa lên xương anh, Borokineth rú lên như một con thú. Tôi đã đắn đo có nên tiến tới xin lỗi anh hay không, sau cùng tôi đã làm vậy, nhưng anh không còn trả lời tôi nữa.

Anh có tin vào Chúa không? Ở Kyericht, Chúa đã bỏ rơi con người từ lâu!

Chúng tôi núp trong cứ điểm. Bên ngoài, tiếng súng máy nổ giòn, tiếng pháo đạn rít qua mái nhà. Bọn tôi dần chuyển hết đồ đạc và người xuống khu hầm vẫn đang thi công. Ánh nến tối tăm, dơ dáy như cống rãnh, ô nhiễm bởi chất thải và máu. Công binh, họ xúc hết ra bằng xẻng và cuốc chim. Phân, đồ dùng, rồi tử thi, họ quăng hết xuống đầm lầy chôn chung. Thế mà còn gọi là sống với người sao? Thế mà còn coi đó là sinh hoạt của con người chứ không phải lợn rừng.

...

Vassili hoàn thành nhiệm vụ giết chết một tên sĩ quan Đức vào một chiều thứ Bảy, anh ta quay trở lại với tâm trạng không vui vẻ lắm. Anh ta đáp súng vào tường và ôm đầu, xin cả thuốc an thần.

"Mạng người thua cả cỏ rác, một số trong những người lính còn không có súng, chỉ có đạn. Đạn không, để làm gì? Để khi đồng đội cầm súng gục chết, họ sẽ bò tới lắp đạn lại bắn tiếp! Đấy là nếu không bị bắn chết trước. Một vài người thét lên gọi mẹ, chúng tôi gọi mẹ rất nhiều. Mẹ ơi, mẹ già, má các mẹ ở nhà có bao giờ được khô? Cứ bom rơi đạn nổ là chúng nó lại thét gào gọi mẹ"

...

Orga là một thanh niên xung phong đến đây vào tháng Tư năm ngoái. Cùng với 20 cô gái khác, họ rà phá bom vào buổi đêm và bò qua chiến trường để nối dây điện thoại. Hai mươi, đã từng, giờ chỉ còn một, do cô bị nổ trọng thương, không thể tiếp tục đi lại.

Hồng Quân. Hồng Quân anh hùng. Phục vụ đất mẹ vĩ đại, là những người lính Vệ Quốc!

"TRỜIIIII ƠIIII!!!" Orga rú lên quanh đám lửa. "Xác chết nhiều đến nỗi ngựa không còn sợ, thường thì ngựa sẽ rất sợ giẫm lên xác người. Những cái đầu của họ, những mẩu xương của họ bị nghiền nát dưới bánh xe kéo của quân Đức!! Tôi lẻn ra trận mạc vào buổi đêm cùng chị tôi, và đạp phải mìn. Là mìn chống tăng!! Nó nổ thủng màng nhĩ của tôi! Tôi đập đầu vào đá, khi tỉnh dậy. CÁI ĐẦU CỦA CHỊ TÔI NẰM TRƠ MẮT VỀ PHÍA TÔI, CÁI ĐẦU CỦA CHỊ TÔI!!"

Những lời kể của họ, những tiếng hét của họ. Hồi trước tôi có nói tôi sở hữu những cuộn cát-xét dài hàng chục mét tường thuật lại cảm giác của chính mình. Đó là hồi còn ở Rostburne, còn ở đây, tôi viết ra sổ tay, dẫu vậy, nó dày lên nhanh hơn, nhanh hơn nhiều. Nó khiến tôi cảm thấy mình chẳng khác hồi đi thực tập là mấy, đánh dấu thêm một cột mốc đáng quên trong đời tôi, để tôi của sau này nhìn lại sẽ tự oán trách sao mình quá đỗi nông cạn. Năm đó tôi 23 tuổi, và là năm cuối cùng tôi tham gia chiến tranh.

...

Hansel quay trở về Kyericht khoảng hai tuần sau, anh bình phục với tốc độ khiến người đời nheo mắt. Những mảng da và sẹo đã mờ đi trông thấy, chỉ còn vài vết thương ẩn vẫn còn phải thay băng và tra thuốc định kỳ. Anh ta không sợ tiêm, không sợ bị nặn mủ, bị đấm hay bị gằn gọc bởi phụ nữ. Thật ngang bướng - tôi gắt lên. Và lần này anh ta lại làm tôi bất ngờ, anh dẫn theo một cô gái đội mũ nồi vàng đất, áo khoác không dày, cô ta mặc quần dài ống loe... và áo blu cũ mèm của bệnh viện thủ đô. Ngay khi đến gần cô ta lập tức khua tay loạn xạ, thậm chí nhảy bổng lên. Tôi nhận ra ngay, và tôi sững người tại chỗ.

"Aaaaa, chị Amber!! Là em nè, chị nhớ em không! Mình từng làm chung đó!"

"LASTIA!!?!? EM LÀM GÌ Ở ĐÂY!!"

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip