4
Cảng Hải Phòng, 4/1930
Sau gần 2 tháng lênh đênh trên biển, từ cảng Le Havre đến cảng Hải Phòng, Minh Nguyệt đã về đến đất mẹ.
Cô nhìn xung quanh, ánh mắt cô rơm rớm lệ...
"Mon pays".
Cậu mợ ơi, con đã về đến nơi rồi đây...
Đất Hải Phòng là nơi có nhiều kỷ niệm đối với cậu cô, học giả Nguyễn Văn Viễn. Ông Viễn từng rất gắn bó với mảnh đất này, cũng nhờ mảnh đất này ông mới có cơ hội làm giàu, gắn bó với nghề làm báo.
Cậu thân sinh cô, ông Viễn là người rất giỏi tiếng Pháp, có khả năng thông dịch thượng thừa. Cô cũng phần nào thừa hưởng tình yêu văn học từ cậu, nên quyết định theo học khoa Văn ở trường École normale supérieure, rồi về nước kế nghiệp cha.
Cậu cô thà chết chứ không làm quan nhà Nguyễn. Cậu có tư tưởng chống Pháp nhiệt thành chẳng kém gì các cụ Phan Bội Châu hay Phan Châu Trinh hết. Sinh ra trong gia đình như vậy, làm sao cô Cử Nguyệt không yêu nước được cơ chứ.
Cô cẩn thận cầm Vali trên tay, nặng quá khổ so với người cô, nhanh chóng hòa mình vào đám đông cùng xuống tàu.
"Thưa ông, ông chỉ trả 10 hào, ít hơn một nửa..."
"Câm ngay, thằng phu xe".
Tiếng ồn ã thu hút sự chú ý của Minh Nguyệt. Cô vốn đã nóng tính, thẳng thắn. Minh Nguyệt dừng lại xem chuyện gì xảy ra.
"Ông hứa sẽ trả con 20 hào nếu như chở quãng xa như vậy. Ông xem trời nắng..."
"Mày có lấy không?", tên tư sản kia gằn giọng. "Còn nói nữa 1 hào cũng không có".
"Ông thương con với, vợ con mới sinh...", anh phu xe như khẩn thiết.
Sao mà kiếm tiền từ chính sức của mình cũng khó thế...
Minh Nguyệt trào cơn tức giận tới tận cổ họng. Cô cứ tưởng chừng ấy năm cô đi xa, mấy tên tư sản mại bản này sẽ phải học cách lịch sự hơn và ít kiệt xỉ đi, nhưng không. Càng được đám thực dân dung túng, chúng càng hung hăng và vô học hơn.
Cô Cử Nguyệt không ngần ngại đi đến gần, quyết không bỏ qua chuyện này.
"Có chuyện gì vậy?" Cô tiếp cận lịch sự. "Tôi thấy ồn ào..."
"Thưa cô, quý ngài này hứa trả con 20 hào nếu đến cảng Hải Phòng, nhưng đến đây lại chỉ đưa 10 hào", anh phu xe mếu máo.
"Thằng này chở tao đến muộn, làm lỡ hết việc của tao", tên trọc phú kia vẫn cố lý sự. "10 hào là còn may".
"Ông đâu có nói giờ, ông bảo cứ chở đi..."
"Câm ngay", gã tư sản hét lên đầy lỗ mãng.
Minh Nguyệt không còn muốn giữ lịch sự, nhưng cô là người có học. Hiển nhiên cô sẽ không cư xử như gã kia. Cô không ngang bằng với những tên cặn bã như thế.
"Này ông, ông là người làm kinh doanh, chẳng lẽ ông không biết chữ 'tín' là gì?" Minh Nguyệt nhìn gã trọc phú với ánh mắt khinh bỉ. "Hay ông lại không giữ chữ tín với ngay cả một người phu xe tầm thường? Nếu thế thì khi làm ăn với những kẻ lớn mặt, có lẽ ông cũng mặc cả từng hào phải không?"
"Làm gì có chuyện đó. Ta không bao giờ tiếc rẻ vài đồng..." Nghe cô nói xong, gã tư sản ngẩn tò te. "Chẳng qua..."
"Tôi không cần biết. Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy", Minh Nguyệt cắt lời. "Nếu không tiếc vài đồng bạc lẻ thì hãy trả đủ cho người này 20 hào".
Gã kia toan cãi lại, nhưng sau khi thấy nhiều người đứng lại nhìn cùng với những lý lẽ sắc bén của cô tiểu thư kia, hắn cũng chẳng muốn tự làm xấu hổ mình. Gã quyết định móc thêm 10 hào từ trong túi rồi rời đi với ánh mắt hậm hực.
"May cho mày hôm nay gặp được quý nhân", hắn vẫn cố nói sau khi rời đi
Cậu phu xe nhận lấy tiền rồi cảm ơn rối rít. Minh Nguyệt mỉm cười vì cô đã giúp đỡ được một người nào đó...
"Cảm ơn cô", anh phu xe cúi rạp đầu.
"Đừng khách sáo thế, tôi chỉ làm việc nên làm", cô phẩy tay.
Nhớ tới lời anh này vừa kể, cô móc túi lấy ra mấy tờ tiền giấy, dúi vào tay anh phu xe.
"Cậu bảo vợ cậu mới sinh, cầm lấy mà mua cho vợ cân thịt để có sữa", cô ân cần. "Đừng từ chối, chỉ là chút tấm lòng của tôi".
"Cô...", anh phu xe ngạc nhiên đến chảy nước mắt vì hôm nay thật sự đã gặp được quý nhân
"Đừng như vậy, quay về nhà rồi đi chợ đi", cô thấy ái ngại khi có người biết ơn mình như thế
Minh Nguyệt vốn đã là người như thế từ xưa. Cô có thể thẳng thắn và đôi khi sẽ khiến người ta mất lòng, nhưng cô luôn cố gắng giúp nhiều người nhất có thể. Cô ngay thẳng nên không bao giờ thấy vừa mắt với những chuyện bất bình như vừa rồi.
Tất cả hành động của cô nãy giờ được một chàng thanh niên chứng kiến toàn bộ. Cô gái mặc Tây phục với chiếc váy dài tay, phía dưới xòe nhiều tầng, đội chiếc mũ chuông phong cách flapper đi giày cao gót kiểu kitten heels. Phong cách vừa cổ điển lại vừa hợp thời.
Mái tóc của cô dài tựa như áng mây vậy.
Anh đã gặp cô ở đâu chưa? Trong ký ức của anh, mái tóc dài ấy rất quen thuộc... Nhưng anh không thể nhớ nổi mình đã nhìn thấy mái tóc ấy ở đâu.
Minh Nguyệt cảm giác ai đó đang nhìn chằm chằm mình, cô bất giác nhìn lại. Gần cô là một chàng thanh niên có dáng vẻ gầy gò, nhưng hiền lành và gương mặt đầy cương nghị. Anh mặc âu phục hơi sờn cũ và đội chiếc mũ phớt sáng màu. Có vẻ anh cũng mới từ châu Âu về giống như Minh Nguyệt.
Bộ Âu phục ấy cô đã gặp ở đâu rồi sao? Chẳng lẽ...
Thật lạ là khi nhìn thấy ánh nhìn của cô, chàng trai ấy chẳng quay mặt đi. Cô chỉ mỉm cười, gật đầu với anh như một phép lịch sự.
"Anh Phú", người thanh niên ấy có vẻ nghe được tiếng bạn mình gọi nên quay mặt đi. Cô cũng nhờ vậy mà tiến về phía đám đông đang đi để bắt chuyến tàu hỏa về thủ đô Hà Nội.
Minh Nguyệt nhỏ bé vậy thôi, chứ cô vẫn xách được chiếc Vali cả một chặng đường từ Pháp về, quả là đáng nể. Cô cũng còn tự phục mình nữa ấy chứ.
Cô xếp hàng phía sau, đợi đến lượt mình và cầm sẵn vé.
"Cô đi đâu vậy?" Tên soát vé người Pháp hỏi cô
"Hà Nội", cô trả lời dõng dạc. "Tôi là nhà báo từ Paris về, học ở trường École normale supérieure".
Nghe vậy, tên soát vé dễ dàng để cô đi. Cô đi chậm rãi về phía trước, vì đám đông cũng đang chen nhau tìm ghế của mình.
"Đứng lại", giọng tên soát vé rít lên. "Giấy tờ đâu?"
Có vẻ như tên này lại làm khó dễ những người trông có vẻ "không giàu có". Minh Nguyệt nhìn qua vai, là người thanh niên ban nãy cùng bạn của anh ta.
Cô nghe được tên soát vé nói thầm thì gì đó với đồng bọn về người bị truy nã, bị kết án vắng mặt tại Trung Kỳ có tên Trần Phú. Chính vì nghi ngờ họ nên đã giữ lại, có vẻ như mấy tên này có ảnh.
Có vẻ như cô đã hiểu ra chuyện gì đó...
Minh Nguyệt tiến đến gần. Cô nói bằng tiếng Pháp trôi chảy với 2 tên soát vé
"Tôi sơ ý quá, chẳng là cậu mợ tôi có lo tôi bị lạc sau khi ở Pháp về nên gửi 2 anh này tới đón phòng chuyện xấu ấy mà", cô nháy mắt. "Phải không anh Năm?"
Chàng thanh niên ban nãy cũng rất nhanh hiểu ý mà phối hợp với cô. Anh lập tức cướp lời, không để tên soát vé nghi ngờ.
"Tiểu thư nhà tôi nhiều khi tập trung vào thứ gì đó nên không để ý xung quanh. Chúng tôi chỉ là người làm cho ông bà chủ, chứ đâu có phải đối tượng gì đâu".
Chàng thanh niên cũng nói thứ tiếng Pháp rất trôi chảy dù nó không đúng ngữ điệu Paris như cô. Cô thoạt ấn tượng, nhưng nhận ra hầu hết những người đi học ở Việt Nam điều phải học tiếng Pháp nên lại thấy bình thường.
"Được rồi", hai tên soát vé người Pháp miễn cưỡng cho cả 2 chàng thanh niên vào.
Trần Phú không khỏi ngạc nhiên. Nãy giờ anh đang được chứng kiến chuyện thần tiên gì thế này?
Cô tiểu thư trâm anh thế phiệt, Trần Phú có lẽ không nhầm khi nhìn vào vẻ ngoài của cô, nãy giờ liên tục giúp những người gọi nôm na là hoàn toàn không cùng đẳng cấp với cô.
Cái chuyện này chắc từ bé đến lớn Trần Phú chưa từng thấy. Mấy tiểu thư xuất thân từ tầng lớp tư sản anh gặp thường rất kênh kiệu, đôi khi là dốt nát và thể hiện mấy cái từ tiếng Pháp hoa mỹ (nhưng thực chất là chẳng biết gì) đã in sâu trong tiềm thức của anh. Anh chưa từng thấy điều ngược lại, cho tới hôm nay.
Cô tiểu thư đi trước mặt anh lịch sự, thanh lịch, chính trực và thẳng thắn. Cô không thoả hiệp với cái xấu, sẵn sàng ra tay giúp người khác bất kể khó khăn. Chưa kể, cái thứ tiếng Pháp cô dùng quả là duyên dáng động lòng người.
"Hai anh nên ngồi với tôi, tránh bị người ta nghi ngờ", khi Trần Phú đang mải suy ngẫm thì giọng cô gái đi trước anh vang lên.
Cô ngồi xuống trước, đặt chiếc túi lên bàn, được nhân viên trên tàu cất Vali ở phía trên. Ánh mắt cô như mời anh và anh Trịnh Đình Cửu ngồi xuống phía đối diện.
Đúng là không còn cách nào khác. Cô đã nói dối để giúp cả hai người họ qua cửa soát vé. Giờ muốn tiếp tục bình an về tới Hà Nội thì chỉ còn cách tiếp tục màn kịch thông minh mà cô đã dựng lên.
Trần Phú và Trịnh Đình Cửu nghe theo và ngồi phía đối diện. Trần Phú ngồi sát vào cửa sổ tàu, đối diện với cô gái đã giúp họ.
"Cảm ơn tiểu thư..."
"Gọi tôi là 'cô' như anh gọi người thường là được", cô gái cắt lời.
"Vậy thì cảm ơn cô đã giúp chúng tôi ban nãy", Trần Phú nói nhỏ đủ để chỉ 3 người nghe thấy.
"Tôi chỉ làm chuyện nên làm", cô nhắc lại câu khi giúp người phu xe ban nãy cùng một nụ cười đúng kiểu con gái Hà Nội.
Cô không nói gì tiếp, vì nghĩ hai người họ không muốn bắt chuyện. Cô lấy trong túi mình ra quyển sổ tay nhỏ chép kín mít chữ rồi bắt đầu tự đọc.
"Hai anh vừa từ nước ngoài về sao?", cô định im lặng nhưng không thể nào vì tính tò mò trỗi dậy.
"Chúng tôi từ Trung Quốc về", anh Cửu lên tiếng trước, và dĩ nhiên đây là một lời nói dối, vì chỉ có Trần Phú từ Trung Quốc về mà thôi...
"Hai anh đi dự hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam sao?" Cô hỏi đùa để thay đổi không khí, nhưng cô đâu biết anh Phú và anh Cửu đang giật mình thon thót vì những gì cô nói thật sự liên quan đến hai người họ.
Trần Phú ngạc nhiên vì cô gái này còn biết cả về tình hình cách mạng. Nếu vậy thì càng nguy hiểm. Anh lại càng cần phải cảnh giác.
"Vậy cô từ đâu về vậy?" Trần Phú hỏi ngược lại.
"Paris", cô trả lời thật thà. "Tôi tên Minh Nguyệt, để tiện cho 2 anh gọi. Nói chuyện với nhau mà không rõ tên thì kỳ cục lắm", cô tiện thể giới thiệu luôn.
Trần Phú thoáng giật mình, vì anh cũng từng ở đó cách đây vài tháng. Chẳng lẽ...
Cái tên cô thật đẹp. Ánh trăng sáng...
"Cô học gì ở đó vậy?" Anh Cửu cũng tò mò không kém
"Văn học và lịch sử", cô không giấu giếm. "Tôi từng là nhà báo của tờ L'Humanité, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp".
Trần Phú ngạc nhiên hơn cả ban nãy, anh quay sang nhìn anh Cửu, và dường như anh Cửu cũng bất ngờ không kém. Cô viết bài cho một tờ báo cộng sản sao? Trong khi ở Pháp có hàng tá tờ báo khác có thể trả cô mức lương cao hơn nhiều lần.
Nhưng hình như ký ức Trần Phú lại trở nên hỗn loạn hơn. Cách đây vài tháng khi ở Paris, cũng đã có một cô gái người An Nam đưa anh tờ báo L'Humanité ở mộ các chiến sĩ hy sinh vì công xã Paris. Chẳng lẽ...
Định mệnh lại đưa họ gặp nhau sao? Hay chỉ đơn giản là sự trùng hợp.
Mái tóc dài ấy rất hiếm. Và phụ nữ An Nam học ở Pháp chẳng nhiều. Giọng nói của cô cũng quả là quen thuộc, dù hôm đó anh chỉ nghe cô nói tiếng Việt được 2 câu.
"Cô học được gì ở đó vậy?" Trần Phú dò hỏi.
"Tôi biết được Nguyễn Ái Quốc từng ghé thăm tòa soạn của tôi theo lời kể của tổng biên tập", Minh Nguyệt hạ giọng xuống, nhất là khi nhắc tới cái tên Nguyễn Ái Quốc.
Tâm trạng Trần Phú rối bời. Rốt cục cô gái này là ai? Nếu là tiểu thư xuất thân từ gia đình tư sản, không có lý gì mà đi ủng hộ vô sản như thế. Điều đó chẳng phải là có hại cho gia đình cô hay sao? Nhưng nghĩ cô là một cô gái vô sản thì lại càng ngớ ngẩn. Làm gì có cô gái xuất thân thấp kém nào mà được đi học ở phương Tây đường đường chính chính như cô. Chưa kể, nhìn thần thái và vẻ bề ngoài, càng chứng minh cô không thể nào đến từ gia đình nghèo khó được.
Thật ra nãy giờ Minh Nguyệt cũng đang cố tình nhắc thật nhiều chi tiết liên quan đến cách mạng để nhìn thái độ của họ. Nếu họ quan tâm đến cách mạng, đó sẽ là tín hiệu mừng cho cô, để cô cũng tin vào quyết định của cô không phải là số ít.
Nhìn vào thái độ của họ, cô lại thấy khó hiểu. Hay là họ đang giấu cô một điều gì đó mà không thể nào nói? Bí mật đó của họ đáng giá cả một mạng sống ư?
"Tôi hỏi một chút được không?" Trần Phú do dự. "Gia đình cô làm nghề gì vậy?"
"Sao anh lại hỏi vậy?" Nhìn vào mắt anh, cô tin là anh đoán được xuất thân phần nào đó của cô rồi.
"Tôi... Tôi chỉ thấy khó hiểu thôi", Trần Phú nheo mắt.
"Anh thấy khó hiểu gì chứ?" Minh Nguyệt bật cười vì vẻ đăm chiêu của chàng trai trước mặt mình. "Nếu là chuyện tôi giúp anh hay ai đó, thì tôi nghĩ ai có học cũng sẽ làm như tôi thôi. Cần gì phải biết tôi đến từ đâu".
Trần Phú hiểu cô có vẻ không muốn trả lời, nên anh không hỏi nữa. Anh càng có thể khẳng định cô có xuất thân không hề tầm thường, và như thế anh lại càng phải cẩn thận.
Cô gái trước mặt anh có thể quan tâm tới vấn đề cách mạng hay tư sản dân quyền, nhưng cô hoàn toàn không hiểu kỹ về nó. Anh sẽ không thay đổi ý định, đó là những người như cô thật sự không dành cho cách mạng. Cách mạng không phải nơi lý tưởng của cho tiểu thư xuất thân tư sản như cô.
"Hai anh hình như đều biết tiếng Pháp", cô đổi chủ đề, tránh gây khó xử cho 2 người thanh niên trước mặt.
"Có vẻ không giỏi như cô, nhưng phải, chúng tôi đều hiểu tiếng Pháp, ít nhất là nói và viết được", người đeo kính trả lời.
"Nói và viết được cũng đồng nghĩa là nghe và đọc được", cô chép miệng. "Thế tức là 2 anh thành thạo tiếng Pháp rồi".
Minh Nguyệt không hỏi tên hai người, tiếp tục nhìn vào cuốn sổ cô đã ghi. Cô cố gắng thu thập nhiều thông tin nhất có thể về công xã Paris, về chính sách nô dịch thuộc địa của thực dân Pháp khi còn làm ở L'Humanité, và cô đang không biết có nên cho 2 người trước mắt đọc không nữa.
"Cô là người Hà Nội sao?" Người thanh niên kỳ cục ban nãy hỏi xuất thân của cô tiếp tục "tra cứu".
"Nhà tôi ở phố Hàng Bông. Tôi từng học trường nữ sinh Đồng Khánh trước khi thi Tú tài ở trường Bưởi", cô tin rằng những thông tin này không có gì để giấu cả. "Ngày xưa tôi cũng từng chống đối giáo viên người Pháp, suýt thì bị đuổi học", Minh Nguyệt bật cười, nhớ lại thời tuổi trẻ của cô.
Trần Phú nghe cô kể xong chợt nhớ lại cái thời học sinh của mình. Anh rất giống cô, vì năm xưa cũng từng kêu gọi học sinh trường Quốc học chống đối giáo viên người Pháp thô lỗ, không tôn trọng học sinh bản xứ.
Hóa ra những người yêu nước đều luôn thể hiện ngay từ trên ghế nhà trường...
"Có vẻ cô rất yêu nước", anh Cửu khen cô gái trước mặt mình, hình như đã khiến cô phần nào thấy ngượng nghịu.
"Gia đình tôi quen với nhiều sĩ phu ở Hà Nội", Minh Nguyệt tự hào. "Bản thân cậu tôi cũng là dịch giả, rất rành tiếng Pháp".
"Vậy sao cô không ở lại Pháp vậy?" Chàng trai với anh mắt cương nghị và những câu hỏi khó hiểu luôn hỏi những thứ rất trực diện.
"Tôi về nước lấy chồng đấy", cô lại đùa cái câu mà cô đã nói ở Pháp nửa năm về trước.
"Người cậu mợ cô chọn chưa chắc đã thông minh ngang cô đâu", chàng trai đeo kính đùa giỡn và tự nhiên không khí trở nên thoải mái hơn.
Cô bật cười cùng với anh, ngưỡng mộ sự hài hước của chàng trai này.
Nhưng cô vẫn dành điều gì đó tò mò cho người kia. Cô thoáng nhìn anh. Nước da ngăm ngăm cùng ánh mắt cương nghị nhưng toát lên nỗi buồn gì đó sâu thẳm khó nói. Có lẽ vì vậy mà anh không cười nhiều. Nhìn anh có vẻ ốm yếu, cô đoán sức khỏe của anh không tốt.
Cô lấy trong túi của mình mấy cái bánh mì baguett mua trên tàu sáng nay. Biết là không ăn hết, nên cô đặt trên bàn rồi đẩy về phía 2 người đối diện
"Tôi nghĩ 2 anh chưa ăn gì", cô dễ dàng đoán, giờ vẫn còn rất sớm, mới 8h thôi mà.
Trần Phú ngơ ngác, anh vẫn chưa hiểu cái chuyện thần tiên gì lại đang diễn ra. Trời đất, cô hành xử khác hẳn những gì anh nghĩ về những người xuất thân tư sản hay tiểu tư sản trí thức, gì cũng được. Anh ngạc nhiên nhưng không dám thể hiện ra, dù anh nghĩ cô cũng thừa hiểu anh đang rối bời thế nào.
Dù ái ngại nhưng nếu không ăn thì đường huyết của Phú sẽ tụt xuống âm mất, và anh nghĩ nếu người này đã giúp anh trước đó thì không có lý gì để hại anh bây giờ cả.
Cô tiểu thư Minh Nguyệt ngồi trước mắt anh dù đi học ở Phương Tây về nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của con gái Việt Nam. Cô không cắt tóc ngắn tân thời như những người phụ nữ phương Tây, mà vẫn giữ mái tóc dài đến thắt lưng thẳng tắp, giống hệt tóc của chị anh khi xưa.
Cô mặc kín đáo, không khoe ra nhiều da thịt, chẳng qua chỉ là trang phục phương Tây tân thời mà thôi, chứ cô hoàn toàn là người phụ nữ Hà Nội, người phụ nữ An Nam.
Minh Nguyệt nhìn hai người thanh niên trước mặt, lòng đầy suy tư. Cô biết họ đang giấu mình điều gì đó, nhưng cô không muốn ép buộc họ. Cái bí mật đó có thể là chuyện sống còn, và cô không muốn làm hại họ.
Ánh mắt cô lướt nhanh trên từng trang giấy, nhưng tâm trí cô lại lang thang về những gì đã xảy ra trong vài giờ qua.
Cô nhớ lại ánh mắt tò mò của người thanh niên khi cô giúp đỡ anh và người bạn của anh. Cô nhớ ánh mắt khó hiểu của anh khi cô chia sẻ bánh mì với họ. Và cô nhớ cả ánh mắt buồn sâu thẳm mà anh cố gắng che giấu.
"Anh từ Trung Quốc về sao?" Cô hỏi, mong muốn mở ra một cuộc trò chuyện khác.
"Vâng, tôi về từ Trung Quốc", anh đáp, ánh mắt vẫn trầm ngâm nhưng cũng trở nên ấm áp hơn.
"Anh học gì ở Trung Quốc?" Minh Nguyệt tiếp tục hỏi, cố gắng làm cho không khí trở nên dễ chịu hơn.
"Tôi học kỹ thuật điện ở đó", anh đang nói dối, và cố gắng che giấu điều đó bằng giọng nói bình tĩnh.
"Thật à? Vậy anh định làm gì ở Việt Nam?" Cô hỏi tiếp, bắt đầu thấy một sự kỳ lạ trong câu chuyện của anh.
"Ở lại và tham gia vào những hoạt động của tổ chức thanh niên", Trần Phú nói ra một nửa sự thật, vì nếu không nói gì sẽ càng khiến người ta nghi ngờ, ánh mắt anh trở nên u ám hơn.
Minh Nguyệt cảm thấy có điều gì đó không ổn, nhưng không thể nào nắm bắt được chính xác là gì. Cô cảm thấy như có một bí mật nằm sâu trong tâm trí của anh, và cô muốn biết thêm.
"Tổ chức thanh niên nào vậy?" Ánh mắt cô nhìn chăm chú vào người đối diện.
Anh không trả lời ngay, nhìn ra cửa sổ tàu như đang suy tư về điều gì đó. Cuối cùng, anh mỉm cười nhẹ và đáp:
"Chúng tôi tham gia vào nhóm độc lập, làm việc để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước".
Câu trả lời của anh làm cho Minh Nguyệt cảm thấy kỳ lạ và đồng thời cũng gợi lên sự tò mò. Cô muốn biết thêm về tổ chức mà anh đang nói đến, nhưng cô cũng hiểu rằng có những điều mà không nên hỏi. Tuy nhiên, cô quyết định giữ trong lòng một mảnh thông tin này và xem xét kỹ hơn trong tương lai. Cô tự hỏi liệu anh có phải là một người tin tưởng vào cách mạng như cô hay không.
Trần Phú lén nhìn Minh Nguyệt, lòng rối bời. Anh biết rằng cô gái này là người tốt, nhưng anh không thể nào tin tưởng hoàn toàn vào cô.
Anh là một nhà cách mạng, đang hoạt động bí mật chống lại thực dân Pháp. Anh biết rằng nếu thân phận của mình bị lộ, anh sẽ gặp nguy hiểm tột cùng.
Vì vậy, anh phải cẩn thận. Anh không thể để lộ bất kỳ thông tin nào về mình cho cô gái này, dù cô tốt đến đâu đi chăng nữa.
Chuyến tàu lăn bánh, đưa Minh Nguyệt về với Hà Nội. Cô nhìn ra ngoài cửa sổ, lòng đầy những suy nghĩ. Cô đâu có ngờ sau cuộc gặp gỡ này, cuộc đời của cô sẽ thay đổi mãi mãi...
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip