5

Hà Nội, tháng 4/1930

Tàu vào ga, tiếng còi vang vọng báo hiệu chuyến tàu đã đến nơi. Minh Nguyệt lòng trào dâng niềm xúc động. Hà Nội, quê hương yêu dấu của cô, đã hiện ra trước mắt.

Cô nhìn hai người thanh niên đối diện, họ cũng hiểu giờ chia tay đã đến. Cho dù chỉ là cuộc chạm mặt ngắn ngủi từ Hà Nội đến Hải Phòng.

"Đã đến nơi rồi, 2 anh nhớ đi sau tôi nhé", cô dặn dò cẩn thận trước khi xuống. "Họ sẽ không nghi ngờ nếu biết 2 anh đi cùng tôi".

Trần Phú ra khỏi chỗ, nhận ra khi lên tàu cô cầm theo chiếc vali quá khổ. Anh ngước lên rồi với tay kéo xuống cho cô.

Minh Nguyệt ngạc nhiên vì hành động của chàng thanh niên kỳ cục. Cô đoán không sai, anh là người tốt, chỉ là anh vẫn lạnh lùng thôi.

"Cảm ơn", cô mỉm cười nhẹ.

Trần Phú gật đầu, không nói gì. Anh nhìn theo bóng dáng mảnh mai của cô gái đi xuống tàu, lòng có chút bồi hồi.

Trịnh Đình Cửu cũng bước ra, anh vỗ vai Trần Phú: "Đi thôi, đồng chí".

Anh Cửu thoáng hoang mang vì đến giờ vẫn chưa thấy đồng chí liên lạc viên dẫn hai người về. Đáng ra giờ phải ở đây rồi chứ...

Anh nhìn đồng chí Trần Phú, người được Quốc tế Cộng sản cử về trong lo lắng. Dường như Trần Phú hiểu ý anh. Nhưng họ đều đánh bạo đi theo người phụ nữ kia.

Hai người đàn ông đi theo sau Minh Nguyệt, hòa vào dòng người đông đúc trên ga.

Trái với sự hoang mang của hai người đàn ông, Minh Nguyệt bước đi rất nhanh và tự tin.

Đặt chân xuống tới ga Hàng Cỏ, cô tin rằng giờ cả hai anh sẽ không còn gặp nguy hiểm nhiều như ở cảng Hải Phòng nữa.

"Xuất trình giấy tờ", mấy tên cảnh sát có vẻ bắt đầu hành động cẩn mật sau khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại. Cô đảo mắt.

Minh Nguyệt nhìn hai người đằng sau, tỏ ý kêu họ đứng gần cô.

"Thẻ nhà báo của tôi", Minh Nguyệt lấy từ trong túi ra giấy phép hành nghề cùng một số giấy tờ tùy thân

"L'Humanité", tên mật thám quắc mắt. "Cô là người cộng sản à?"

"Ông là người Pháp, chắc ông biết "Humanité" không đồng nghĩa với "Communiste" chứ? Tôi không khuynh tả, không khuynh hữu, tôi đứng về nhân quyền. Tự do, Bình đẳng, Bác ái, phải không", cô thành thạo dùng tiếng Pháp đối đáp với tên cảnh sát, dùng cả tiêu ngữ của Pháp để làm dẫn chứng. "Chẳng lẽ anh nghi ngờ người quốc gia anh đào tạo sao?"

"Tôi không có ý đó, Madame", tên lính Pháp trả lại giấy tờ cho cô. "Vậy 2 người..."

"Người làm của nhà tôi. Cậu mợ tôi nhờ đến đón vì sợ tôi lạc đường, 5 năm rồi tôi không về Việt Nam", Minh Nguyệt nhanh chóng giải thích. "Giờ đã để tôi đi được chưa? Hay vì tôi là phụ nữ nên mới làm khó tôi?"

Gã mật thám miễn cưỡng để cô qua mặt, theo sau cô vẫn là hai người đàn ông đó, có vẻ nhờ cô, hành trình của họ thuận lợi hơn rất nhiều...

Trần Phú và Trịnh Đình Cửu nhìn nhau, dường như ngạc nhiên trước sự nhanh trí và bản lĩnh của cô gái này. Nhờ sự ứng biến linh hoạt của cô, họ đã không bị lộ tung tích.

Sự nguy hiểm có lẽ đã qua. Giờ chia tay đã đến...

"Có lẽ chúng ta phải chia tay ở đây rồi", cô nhìn họ với ánh mắt như vẫn còn điều gì đó dang dở chưa nói hết.

"Cảm ơn cô đã giúp chúng tôi", Trần Phú nói, giọng anh cũng có chút biết ơn. "Cô là một người... tốt", anh cố tìm từ ngữ chính xác để nói.

"Chẳng có gì đâu", Minh Nguyệt mỉm cười. "Chỉ là tôi làm những gì nên làm thôi".

Cô nhìn vào mắt Trần Phú, ánh mắt anh tràn ngập sự kiên định và lòng dũng cảm. Cô biết anh là một người thanh niên đặc biệt, và cô tin rằng anh sẽ làm nên những điều phi thường.

"Chúc anh may mắn", cô nói.

"Cảm ơn", Trần Phú gật đầu. "Tôi sẽ không bao giờ quên lòng tốt của cô".

Hai người đàn ông quay người đi, hòa vào dòng người trên phố.

Minh Nguyệt nhìn theo họ, lòng trào dâng niềm xúc động. Cô thoáng chốc hy vọng đây không phải là lần cuối cùng họ gặp nhau...

Minh Nguyệt ra khỏi ga và gọi một người phu xe ở đó lại. Cô bước lên chiếc xe kéo, lòng vẫn còn vương vấn hình ảnh của hai người thanh niên.

Chiếc xe lăn bánh trên những con phố Hà Nội, đưa cô về nhà ở con phố Hàng Bông. Nhìn những cảnh vật quen thuộc, lòng cô lại trào dâng niềm xúc động.

Cô đã xa Hà Nội 5 năm, và trong thời gian đó, nhiều điều đã thay đổi. Thành phố giờ đây sôi động và náo nhiệt hơn, nhưng cũng đầy rẫy những bất công và áp bức.

Khung cảnh khác hẳn ở nước Pháp. Có cái gì đó hào nhoáng giả tạo, ẩn sâu trong đó là những thứ thối nát. Hà Nội của cô đã chẳng còn như xưa nữa rồi...

Chẳng chốc mà đến phố Hàng Bông. Cô trả tiền cho anh phu kéo xe, rồi bước vào nhà của mình.

"Cậu, mợ", cô gọi to.

Mợ cô nghe tiếng quen quen, bước ra, sững sờ khi nhìn con gái mình. Bà biết con gái sẽ về, cô cũng đã gửi thư, nhưng nhìn đứa con gái 5 năm xa cách không thể không khiến bà xúc động.

Cậu cô thì vẫn vậy, mái tóc ông giờ có nhiều sợi bạc hơn nhưng không gầy đi chút nào. Cô đoán việc làm ăn của cậu vẫn ổn.

"Minh Nguyệt!", mợ cô reo lên, chạy đến ôm chầm lấy con gái.

"Con đây rồi mà mợ ơi!", Minh Nguyệt nghẹn ngào, nước mắt lăn dài trên má.

"Trời ơi, con gái ta về rồi!", bà mợ khóc nức nở, "Mợ nhớ con quá!"

Cậu vốn kiềm chế cảm xúc tốt mà giờ đây cũng không kìm được nước mắt.

"Minh Nguyệt, con về rồi!", cậu cô ôm lấy cả hai mẹ con, "Về nhà là tốt rồi!"

Minh Nguyệt bước vào nhà, nhìn xung quanh. Mọi thứ vẫn vậy, không có gì thay đổi. Mấy đứa em cô đã lớn lắm rồi...

"Chị Nguyệt", thằng Tân giờ đã 20 tuổi. Nó cao lớn, vạm vỡ và đẹp trai, thật sự là đẹp trai hơn cả cậu Viễn.

"Tân đấy sao?", cô cười. "Chắc là đúng rồi. Em lớn quá rồi".

"Chị thì ngày càng xinh đẹp hơn", Tân trêu.

"Cái Mai đâu em?", cô nhìn quanh nhà, không thấy đưa em út đâu.

"Nó đi học chị ạ", Tân trả lời. "Cậu mợ giao nó phải đỗ tú tài như chị em mình trong năm nay, nên giờ nó chăm học lắm".

"Nhà ta có truyền thống học hành không kém gì gia đình giáo sư Dương Quảng Hàm, nên đương nhiên con bé cũng phải cố mà có cái bằng Tú tài rồi", cậu cô cười phá lên.

Cái tiếng cười giòn giã của cậu cô nhớ biết bao. Giờ đây cô lại được trở về nơi cô thật sự thuộc về...

Minh Nguyệt được cậu mợ hỗ trợ dỡ đồ ra. Cô đưa cậu mấy cuốn sách tiếng Pháp mà cậu nhờ hỏi ở bên đó, tặng mợ cái khăn cô cất công mua ở Paris. Cô cũng mua cả đống bánh kẹo Pháp, rồi cái cà vạt và mấy cái nơ cho 2 đứa em đang tuổi lớn cần làm đỏm của mình.

Thật ra Minh Nguyệt còn nhiều đứa em khác, nhưng cô không quá thân với chúng nó. Các em đều tính cách... tiểu thư, công tử, dẫu nhà đang khó khăn, nên cô chỉ thương thằng Tân với cái Mai nhất.

Riêng các con của bà vợ thứ của cậu cô, cô còn gần như không quan tâm. Cứ gặp là cô mắng chúng nó, thứ nhất là vì cái thói ẻo lả của mấy thằng Alexandre và Maximilien, và thứ hai, nó là người gốc Pháp, cô chẳng mong chờ gì ở hai đứa nó. Có khi cô cùng với các em sẽ còn ở hai chiến tuyến khác nhau một khi cách mạng nổ ra.

Cô mở túi đồ Lucien tặng ra. Cậu cô ngạc nhiên.

"Cuốn này quý lắm đấy con", ông tiến đến rồi cầm cuốn sách lên.

Cô liếc nhan đề sách. Đây là cuốn về nghiên cứu ngôn ngữ Latin, hoàn toàn có thể góp phần để phát triển chữ quốc ngữ. Tên Lucien này dám bảo là không cần nữa sao? Hắn nói dối cô chăng?

Mà cô cũng chẳng quan tâm đến hắn nữa. Giờ hắn đã ở cách xa cô ngàn dặm rồi.

"Cậu có cần không?", cô hỏi.

"Con cầm sang đưa nhà giáo sư Hàm, cậu ấy cần quyển này hơn ta", ông Viễn ngắm nghía cuốn sách kỹ càng.

Giáo sư Hàm ở đây chính là tiên sinh Dương Quảng Hàm, gia đình anh chỉ cách nhà Minh Nguyệt 3 ngôi nhà. Hai nhà vốn có quan hệ thân thiết, vì cậu cô và tiên sinh đều nghiên cứu về ngôn ngữ. Nhưng cậu cô là dịch giả tiếng Pháp và tâm huyết với chữ quốc ngữ, thầy Hàm thiên về Việt văn bên cạnh mảng chữ quốc ngữ nhiều hơn.

Nghe nói giáo sư và vợ cũng đã có vài đứa con. Mừng cho họ.

Cô vẫn nhớ ngày xưa cậu mợ kể thầy Hàm không đồng ý với cuộc hôn nhân sắp đặt của nhà họ Dương với nhà họ Trần này, nhưng vì chữ Hiếu nên phải thực hiện. Vậy mà khi cưới nhau về, cả hai vẫn yêu thương và đỡ đần lẫn nhau. Vậy là quá được rồi.

Khi cô 15 tuổi, tức năm 1920, giáo sư Hàm và vợ, chị Trần Thị Vân chuyển tới nhà 98 Hàng Bông sống. Giáo sư khi đó mới 22 tuổi, cũng là năm tiên sinh đỗ thủ khoa vào Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Trước đó, cả hai cư ngụ tại căn nhà 195 Hàng Bông, nơi giáo sư học hành, đèn sách để thành tài. Cô đã biết giáo sư từ khi anh còn chưa là giáo sư kia mà.

Giờ anh Hàm đã 32 tuổi, có lẽ đã khác xưa rất nhiều.

"Lâu lâu bà giáo vẫn qua hỏi mẹ khi nào cô Tú Nguyệt về", mợ cô cười. "Bữa nào rảnh con qua đưa họ sách".

"Con biết rồi", cô nói. "Mợ cơm nước gì chưa để con giúp".

"Xong hết cả rồi, chỉ chờ con về đấy".

Mâm cơm gia đình vẫn là ngon nhất. Cô nhớ lại những ngày tháng ở Pháp, nơi cô phải ăn bánh mì và bơ sữa mỗi ngày. Thức ăn ở đó cũng ngon nhưng lại không có hương vị quê nhà. Cô nhớ món canh cua rau đay mồng tơi của mợ, nhớ món cá kho tộ của cậu, nhớ cả món cà muối mắm tôm mà chỉ cần nghĩ đến thôi đã khiến nước miếng trào ra.

Cô nhìn mấy món ăn mợ đã chuẩn bị, giò mỡ, dưa muối, canh cua, thịt kho, không còn gì ngon hơn trên đời nữa. Cô biết ơn cậu mợ vì đã luôn chăm sóc cô, cho dù cô đã lớn đến chừng này tuổi.

Trong khi đó, Trần Phú và Trịnh Đình Cửu đang đi tới nhà số 4, phố rue des Vers Blancs. Đây không phải là lần đầu tiên Trần Phú đến Hà Nội, nhưng lần này thật khó mà tả được, vì có lẽ giờ đây, anh xác định mình sẽ phải sống lâu dài tại thủ đô.

Ngôi nhà này là của một người đồng chí, được bố trí để che mắt bọn mật thám Pháp.

Trần Phú nhìn vào ngôi nhà nhỏ, cảm thấy một niềm tin mãnh liệt. Nơi đây sẽ là ngọn lửa thắp sáng con đường giải phóng dân tộc của anh.

Họ gõ cửa, một người phụ nữ ra mở cửa. Bà là chủ nhà, cũng là một đồng chí hoạt động bí mật.

"Đồng chí đã đến", bà nói. "Mời vào trong".

Đang chờ Trần Phú là một vài đồng chí khác. Có vẻ họ biết đây là cán bộ cấp cao được Nguyễn Ái Quốc đưa từ nước ngoài về để tham gia lãnh đạo, nên cũng nhìn anh với ánh mắt kính nể.

"Đây là anh Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Lan", đồng chí Trịnh Đình Cửu lần lượt giới thiệu. "Chúng ta sẽ cùng làm việc với nhau".

Trần Phú bắt tay từng người, cảm nhận được sự nhiệt tình và quyết tâm trong ánh mắt của họ. Anh biết đây đều là những cán bộ cốt cán của Đảng, những người sẽ dũng cảm hy sinh để đấu tranh cho tự do của dân tộc.

"Tôi rất vui được gặp các đồng chí", Trần Phú nói. "Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc để thực hiện mục tiêu chung của Đảng".

"Tôi xin phép báo tin chút", anh Sắc dường như không mấy vui vẻ khi thông báo. "Người được giao nhiệm vụ đưa 2 đồng chí về đây bị địch bắt. Làm thế nào mà...", đồng chí không khỏi thắc mắc, quả thật cảm thấy thần kỳ khi họ về đây mà không gặp bất trắc gì.

"Chúng tôi gặp quý nhân", Trần Phú không nói dối, và rõ ràng người phụ nữ ấy là quý nhân phù trợ anh thật, ít nhất là trong ngày hôm nay.

"Quý nhân chắc hẳn là phụ nữ rồi mới dễ dàng thế", anh Sắc chép miệng, bật cười khi nghe tới cái từ đó. Nếu không muốn trả lời kỹ anh cũng chẳng hỏi nữa.

Mấy đồng chí ở Hà Nội nắm bắt vấn đề tốt hơn anh tưởng. Người Bắc nhanh nhẹn có khác...

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu không khí ấm áp và tin tưởng. Các đồng chí cùng nhau bàn bạc về những kế hoạch cho tương lai, về những bước đi tiếp theo của Đảng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Họ biết rằng con đường phía trước còn nhiều gian nan thử thách, nhưng họ tin tưởng vào sự thành công của cách mạng. Họ quyết tâm, dù có hy sinh gian khổ đến đâu, cũng phải hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đêm đến, Trần Phú ngồi phía ngoài ngắm trời đất ý. Hà Nội về đêm vẫn thật đẹp và yên bình khó tả.

Anh nghĩ mãi về cô gái ngày hôm nay, cô Minh Nguyệt, làm sao anh quên tên cô được. Cô gái có cái ánh mắt biết cười đó, cùng với mái tóc dài như mây vậy...

Tự nhiên, Trần Phú hoài nghi về suy nghĩ của mình trước đây và tư tưởng của quốc tế cộng sản. Chẳng lẽ giai cấp tư sản cũng có tinh thần dân tộc sao?

Hay là anh đã đánh giá quá thấp vai trò của giai cấp tiểu tư sản?

Không, giai cấp lãnh đạo chỉ có thể là giai cấp công nhân, liên minh công - nông là nòng cốt của cách mạng. Không thể khác được. Cô ấy chỉ là người tốt thông thường, chứ đâu phải người của cách mạng.

À không, sao mà anh lại quên nhỉ...

Trần Phú day nhẹ thái dương. Cô còn nhắc tới cách mạng, là nhà báo của L'Humanité và thậm chí còn biết Nguyễn Ái Quốc mà. Nếu như đã làm cho tờ L'Humanité, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp, thì hiển nhiên cô hiểu về tư tưởng của giai cấp vô sản. Cô còn viết về nó cơ mà, làm sao mà cô không hiểu được cơ chứ.

Trần Phú mở tờ báo được anh Cảnh đưa ban nãy ra đọc. Ngay ở những trang đầu tiên, đã có một cái tên rất quen thuộc.

Thật vẻ vang cho đàn bà nước Nam. Cô Nguyễn Minh Nguyệt mới đỗ cử nhân văn khoa ở trường École normale supérieure.

Đây chẳng phải là người anh gặp ban sáng sao? Cô Nguyệt này phải chăng là người nổi tiếng ở Hà Nội, tiểu thư danh giá và được học hành tử tế. Anh nghĩ những gì mình suy đoán ngay từ khi gặp cô chẳng sai.

Ấy vậy mà sao cô vẫn thật tử tế và có tình thương người...

Đầu anh đau nhức bất thường. Vậy thì những gì anh học ở Quốc tế cộng sản là sai ư? Không thể như thế được.

Đúng và sai giờ tại sao chính anh cũng không thể phân biệt được nữa? Vấn đề lực lượng là vấn đề cơ bản, tại sao giờ anh lại thấy mông lung đến thế này.

Chẳng lẽ chỉ vì một cô gái mà giờ anh lại nghi ngờ về suy nghĩ của mình? Không thể nào.

"Nghĩ gì đấy đồng chí?" Anh Nguyễn Đức Cảnh, người ở cùng anh hiện tại ra huých vai.

"Tôi đang mông lung, không biết đúng sai...", anh thú thật.

"Đồng chí đừng nghĩ nhiều", anh Cảnh chỉ cười xoà, trái ngược hẳn với suy nghĩ của Trần Phú. "Học là việc cả đời, học cái gì đúng cái gì sai cũng thế. Nhiều thứ đến khi chết ta mới ngộ ra nữa".

"Ý anh là sao?" Trần Phú thắc mắc.

"Ý tôi là nếu anh sai thì cũng đừng nghĩ ngợi nhiều, có sai mới có đúng chứ", anh Cảnh châm điếu thuốc mới trong bao.

"Cũng tại vì có chuyện cần suy tư quá", Trần Phú bật cười nhìn anh Cảnh ngậm điếu thuốc rồi nhả khói thành thục, ở Nga anh cũng thường xuyên thấy cái thói quen xấu này từ mấy đồng chí của mình, nhưng chẳng trách họ được.

"Chắc là có người phụ nữ nào đó rồi", anh Cảnh đoán trúng phóc làm Trần Phú giật mình, mắt chữ A mồm chữ O. "Hẳn là quý nhân hôm nay giúp đỡ đây".

"Sao anh rành mấy chuyện này quá vậy", Trần Phú phì cười.

"Phàm mấy chuyện khó nghĩ chỉ có liên quan đến phụ nữ", anh Cảnh nói xong cả hai đều phá lên cười. Nói thì vui vậy thôi, chứ Phú hay Cảnh thì đều chẳng có kinh nghiệm gì về phụ nữ hết.

Sinh hoạt cách mạng cũng chỉ hầu hết là đàn ông với nhau, chừng ấy năm thoát ly thì cũng chỉ toàn các thanh niên xuề xoà với nhau cả, làm gì thật sự hiểu phụ nữ như thế nào cơ chứ.

"Nhưng tôi nói thật, đi cạnh một người phụ nữ, lại còn nhà giàu nữa, bao giờ cũng an toàn hơn đàn ông đi cạnh nhau", anh Cảnh chia sẻ kinh nghiệm tồn tại qua mắt đám mật thám nhiều năm ở Hà Nội và Hải Phòng. "Tất nhiên tìm người như vậy hơi khó thôi".

"Lấy đâu ra cô tiểu thư nào nhà giàu mà có tinh thần cách mạng sẵn sàng dấn thân đâu anh", Trần Phú chép miệng. Anh vẫn không đặt niềm tin nhiều vào tầng lớp tư sản, kể cả sau khi người phụ nữ nhà giàu sáng nay đã giúp anh.

"Ấy, anh đừng đánh đồng thế", Đức Cảnh lắc đầu, lập tức phủ nhận quan điểm này của Trần Phú. "Tôi biết có một người"

"Là ai?", Trần Phú thoáng thấy khó tin.

"Khu phố Hàng Bông ở Hà Nội là nơi ở của nhiều trí thức có tinh thần dân tộc. Họ không tham gia cách mạng như tôi và anh, nhưng cũng không phục tùng thực dân Pháp. Anh em cử nhân Dương Bá Trạc, người thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục ở tại con phố đó", anh Cảnh say sưa kể chuyện Hà Nội khiến Trần Phú cũng thấy hào hứng. "Ông chủ tờ Nhật báo đầu tiên của Việt Nam cũng ở đó, ông ta xin giấy phép hoạt động cho trường, là người Việt Nam duy nhất ký đơn đòi trả tự do cho cụ Tây Hồ. Sau vụ đó bị cấm diễn thuyết, đóng cửa báo, đốt tất cả ấn phẩm của Đông Kinh Nghĩa Thục".

"Con phố Hàng Bông ấy hẳn dân trí cao lắm", Trần Phú không ngạc nhiên khi nhiều trí thức tập hợp cùng một khu. Mây tầng nào gặp mây tầng ấy thôi.

"Đúng vậy. Hai đứa con nhà ông chủ đó... rất yêu nước, thừa hưởng tinh thần dân tộc của ông cậu thân sinh. Nhất là cô con gái cả", Đức Cảnh tiếp tục kể đến mức quên cả hút thuốc. "Cô ấy học hành đến nơi đến chốn, tiểu thư nhưng không kênh kiệu. Nhìn chung cũng rất hiếm gặp. Từ khi đi học đã là major của lớp, thường xuyên phản đối các giáo viên người Pháp xúc phạm các nữ sinh người Việt Nam".

Trần Phú chợt nhớ lại chuyện của anh khi còn học ở trường Quốc học. Anh cũng từng làm điều tương tự như thế.

"Suýt bị đuổi học. Nhưng ông cậu khi ấy có sức ảnh hưởng, nên không ai động tới được. Giờ thì đỡ rồi", Nguyễn Đức Cảnh tiết lộ mấu chốt của vấn đề vì sao cô gái này không sợ gì đây...

"Chà, ông bố hai người hẳn rất thân thiết với thực dân Pháp", Trần Phú lập tức đưa ra phán đoán. "Không phải ngẫu nhiên con cái lại được nhượng bộ như thế. Gọi là Việt gian chắc cũng chẳng oan"

"Nhưng họ không phải người xấu", anh Cảnh lắc đầu sau mấy câu khá định kiến của Trần Phú. "Anh ở Hà Nội anh sẽ hiểu".

Trần Phú không hiểu, và cũng không muốn hiểu. Việt gian thì cần gì thanh minh ở đây nữa.

"Anh không biết đâu, chứ so với nhà in Lê Văn Tân, nhà in Trung Bắc nhân đạo hơn nhiều đấy", anh Cảnh cười. "Chủ Tân xoen xoét cái miệng yêu nước vậy, chứ chỉ quan tâm tới túi tiền thôi. Cha con nhà ông Viễn thì khác. Họ đối xử với người làm tốt hơn nhiều, dù khó khăn. Ông chủ Viễn của Trung Bắc nhiều khi còn dễ dãi, biết là bị quỵt tiền nhưng chẳng đòi".

Trần Phú ấn tượng hơn khi nghe chi tiết này, nhưng từng đó vẫn chưa đủ thuyết phục anh thay đổi suy nghĩ về mấy nhà tư sản này đâu.

"Phố Hàng Bông cũng là nơi tôi từng hoạt động với Nam Đồng Thư Xã, các Đảng viên khác trong Việt Nam Quốc dân Đảng", anh Cảnh thở dài, nhắc lại kỷ niệm xưa cũ.

Ngày trước, Nguyễn Đức Cảnh từng là thành viên của Việt Nam Quốc dân Đảng trước khi được giác ngộ tư tưởng vô sản. Anh vẫn rất nặng tình với nhiều người đồng chí cũ. Quốc dân Đảng tồn tại nhiều thành phần tiểu tư sản bề trên, nhưng những người đó không phải anh Nguyễn Thái Học, anh Phó Đức Chính hay "Ký Con" Đoàn Trần Nghiệp.

"Tôi rất tiếc chuyện của Quốc dân Đảng", Trần Phú chia buồn với anh Cảnh. Dù khác đường lối hoạt động, nhưng anh vẫn dành sự tôn trọng với các phong trào yêu nước khác, vì họ ít nhiều là những người dám đứng lên đấu tranh vì dân tộc An Nam này.

"Anh Nguyễn Thái Học buồn cười lắm", anh Cảnh bất giác bật cười khi nghĩ về người chỉ huy cũ. "Nóng tính nhưng rất rộng rãi, khảng khái, lúc nào cũng đối xử tốt với anh em. Chưa kể cái thứ tiếng Pháp lúc viết nhiều khi sai loạn cả lên, vậy mà vẫn đỗ vào trường Cao đẳng Thương mại cơ đấy".

"Tiếc cho anh Học không tìm được đường lối đúng đắn", Trần Phú thở dài cho cái cám cảnh cách mạng của đất nước mình. Giờ đây Đảng Cộng sản ra đời, hy vọng đất nước tìm thấy ánh sáng thật sự...

"Giá như đồng chí Nguyễn Ái Quốc về kịp để bàn chuyện với anh Học", Đức Cảnh châm điếu thuốc mới, nhìn lên bầu trời xa xăm. "Khởi nghĩa Yên Bái đã không xảy ra vội vã như thế".

"Tiểu tư sản luôn quyết định nóng vội như thế đấy anh", Trần Phú không lạ, vì anh cũng từng như thế khi còn hoạt động ở Vinh.

Đức Cảnh không nói gì, chỉ quan sát khoảng trời đầy sao trước mắt. Chắc có lẽ mai đây, anh Học cũng trở thành một trong số những ngôi sao này. Cái án tử cho anh chắc chắn không thoát được rồi.

Ngày anh Học, anh Chính lên đoạn đầu đài chỉ là vấn đề thời gian mà thôi...

Anh không biết liệu số phận mình có diễn ra tương tự như thế không nữa.

"Hà Nội đẹp nhỉ", Trần Phú đổi chủ đề để thay đổi không khí, cảm thán khi nhìn lên bầu trời Hà Nội tháng 4.

Đã lâu lắm rồi anh mới trở lại đây. Cảm giác vẫn y nguyên vậy, Hà Nội trong mắt Trần Phú vẫn là Hà Nội đẹp dịu dàng, tựa như người con gái thanh lịch bước đi trên phố.

Những cô gái Hà Nội không đẹp dịu dàng như người con gái Huế, khi xưa Trần Phú học ở trường Quốc học ngay sát trường nữ sinh Đồng Khánh nên anh hiểu con gái Huế đẹp cỡ nào. Con gái Hà Nội có gì đó tinh tế, nhưng vừa đủ sắc sảo để khiến bất kỳ chàng trai nào mới gặp cũng thấy quyến rũ, nhưng vẫn phải dè chứng chứ không dám tiến tới ngay tức khắc.

"Sắp đến ngày trăng đẹp rồi đấy", anh Cảnh cười. "Tôi vẫn luôn thích trăng sáng. Sàng tiền minh nguyệt quang; Nghi thị địa thượng sương".

Anh Cảnh đọc hai câu thơ trong bài "Tĩnh dạ tứ" của Lý Bạch tự nhiên khiến Trần Phú có chút bồi hồi. Trần Phú đã xa quê nhiều năm nay, quả thật cứ nhìn thấy ánh trăng sáng, anh lại nhớ tới quê hương Hà Tĩnh biết bao.

Trăng sáng. Minh Nguyệt. Trần Phú lại nhớ tới cô gái gặp thoáng qua sáng nay trên chuyến tàu. Anh mỉm cười, tưởng tượng đến mái tóc mây mềm mại và đen óng của cô.

Nếu có duyên, anh có lẽ cũng sẽ được nhìn thấy trăng sáng ở Hà Nội sớm thôi...

Tóc ngang lưng vừa chừng em búi,
Để chi dài bối rối dạ anh.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip