6

"Chào cô Cử, cô Cử mời về", những người hàng xóm ở dọc đường Hàng Bông đều bất ngờ khi thấy Minh Nguyệt về nước sau 5 năm. Cô đều gật đầu chào lại họ như phép lịch sự.

"Chào ông, chào bà", cô tươi cười.

"Em chào chị Nguyệt", cái Mỹ, em gái thằng bé Trần Duy Hưng hàng xóm nhà cô chạy vút qua. Con bé tinh thật đấy, nhìn ra bà chị này ngay.

"Đi từ từ thôi Mỹ", Minh Nguyệt gọi với con bé từ đằng sau.

Minh Nguyệt rất yêu cái cách người ta gọi cô là cô Cử. Người ta không chỉ biết đến cô là con gái ông Viễn, chủ nhiệm tờ Trung Bắc Tân văn, Nhật báo đầu tiên của Việt Nam, họ còn biết đến cô là người có chữ, đỗ bằng Tú tài, Cử nhân nữa.

Minh Nguyệt định ra chợ mua mấy cành hoa loa kèn. Cô vẫn thích cái loại hoa này ở Hà Nội nhất.

Đi ngang qua nhà giáo sư Dương Quảng Hàm, cô tình cờ gặp anh đang trên đường đi làm. Chẳng biết giờ anh Hàm còn nhớ cô không nữa, cũng 5 năm rồi.

"Chào ông giáo", cô cầm bó hoa trên tay, chào giáo sư lịch sự.

"Cô là...", giáo sư nghe người gọi mình lập tức quay sang nhìn, nheo mắt.

Anh Hàm chẳng khác gì khi xưa. Vẫn là mái tóc rẽ ngôi chải gọn gàng cùng bộ Âu phục lịch sự. Trong cặp luôn rất nhiều tài liệu nghiên cứu.

"Anh không nhớ em thật sao?" Minh Nguyệt bật cười.

"Cô Cử Nguyệt sao?" Giáo sư Hàm biết anh không thể nhầm được, vì người đứng trước mặt anh vẫn vậy, chỉ là mái tóc dài hơn xưa và gương mặt trưởng thành hơn thôi.

"Còn ai vào đây nữa. Anh vẫn trẻ vậy, chẳng khác gì", cô khen, tiến lại gần hơn.

"Cô cũng vậy, anh trông cô còn đẹp hơn lúc mới đỗ Tú tài", anh Hàm cười tươi khi gặp lại người em, người bạn, và cũng là người học trò đi Pháp 5 năm mới về.

"Anh đi làm ạ?"

"Ừ, anh phải đến trường Bưởi, nay có giờ Việt văn", ông nhìn đồng hồ trên tay. "Khi nào rảnh qua nhà anh ăn cơm, cùng bàn chuyện. Anh cũng muốn nghe cô kể chuyện ở phương Tây lắm đấy".

"Anh thu xếp được thì em qua được", cô không từ chối. "Anh đi làm ạ không muộn".

"Cô đi cẩn thận nhé, anh đến trường".

Anh Hàm đạp xe đạp đi làm, đều đặn ngày nào cũng vậy. Cô thấy yên tâm vì trường Bảo hộ có những giáo sư tâm huyết như anh. Giáo sư Dương Quảng Hàm xuất thân từ họ Dương danh giá, học vấn cao và hành xử lễ nghĩa. Bất kỳ ai được làm học trò của giáo sư Hàm chắc chắn đều rất hạnh phúc, vì kiến thức của anh về chữ quốc ngữ rất cao siêu.

Mong là anh sẽ sớm có chức vụ cao hơn, những trí thức như anh là yếu tố không thể thiếu trong công cuộc canh tân đất nước. Giáo sư Hàm dù không thể hiện ra, nhưng tình yêu với chữ quốc ngữ của anh đủ để nói lên tinh thần dân tộc của giáo sư lớn đến nhường nào.

"Thầy ơi đợi con với ạ", giờ đến thằng Trần Duy Hưng cũng đạp xe chạy theo anh Hàm. Thằng bé giờ 18 tuổi, chắc đang được anh dạy ở trường Bưởi đây.

"Em chào chị Nguyệt", nó ngoái lại chào cô. "Tối cầm quà ở Pháp sang cho em nhé".

"Đi học đi đã", Minh Nguyệt bật cười với cậu em. Hưng rất thân với cô, dù kém chị Nguyệt những 7 tuổi. Đi vài năm rồi mà thằng bé vẫn nhận ra ngay bà chị này.

"Con gái về rồi đấy hả", cử nhân Hoàng Tăng Bí cũng vừa lúc đi ra ngoài. Minh Nguyệt không khỏi mừng khi thấy thầy.

"Con chào thầy", Minh Nguyệt chạy vội đến cúi đầu chào thầy.

"Con gái xinh quá. Càng lớn càng xinh, giống anh Viễn", thầy Bí mỉm cười hiền hậu với cô. "Con về là tốt rồi. Thầy chỉ mong thằng Giám được như con, chứ cứ đi đi về về mãi".

"Thầy cứ nói vậy. Anh Hoàng Minh Giám giỏi giang thế, con không bì được đâu", Minh Nguyệt khiêm tốn. "Con ấy, thua xa anh Giám. Con không đủ kiên nhẫn đi dạy học như thầy và anh được".

Thầy Hoàng Tăng Bí bật cười với cô con gái của người bạn thân. Con bé biết đối đáp, lại xinh đẹp, có học thức, anh Viễn chắc vất vả kén rể lắm đây.

Cuộc sống của cô từ khi về Hà Nội vẫn thật yên bình. Vì mới về nên cậu mợ cô cũng chưa bắt cô phải đi làm ngay, cô vẫn trông tiệm sách báo ở Boulevard gam lotta cho cậu, rồi lâu lâu đi dạo dọc phố phường.

Tuy nhiên, không khí ở Hà Nội những ngày này đang rất nặng nề. Khởi nghĩa Yên Bái tháng 2 vừa qua, khi cô đang trên tàu từ Pháp về Việt Nam, của tiên sinh Nguyễn Thái Học thất bại, thực dân Pháp khủng bố dã man.

Cô nghe đồn trong thời gian đó ở Paris, nơi cô chỉ vừa mới rời đi được 1 tháng, sinh viên Việt Kiều đã tổ chức và ủng hộ biểu tình khởi nghĩa Yên Bái, chống việc khủng bố những người chiến sĩ yêu nước.

Cô rùng mình khi nghĩ đến cái cảnh dã man mà đám thực dân này sẽ làm với những chí sĩ yêu nước như anh Học. Tên thống sứ Bắc Kỳ Robin không chỉ bắt anh Học và các đồng chí của anh, hắn ta còn ra lệnh cho công sứ ở tỉnh lỵ ném bom triệt hạ làng Cổ Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương nhằm diệt cỏ tận gốc.

Vợ anh Học, cô Giang vẫn đang bị truy nã. Cô không biết người đó sẽ ở ngoài trước khi bị tống giam vào Hoả Lò được bao lâu nữa...

Cô sởn da gà, tưởng tượng tới khung cảnh những chí sĩ yêu nước của Việt Nam Quốc dân Đảng từng người bị bắt, nhưng vẫn giữ vững chí khí chiến đấu. "Không thành công cũng thành nhân".

Anh Nguyễn Thái Học hơn cô 3 tuổi. Năm 1924 khi cô vừa đỗ Tú tài, cô đã nghe được về một chàng thanh niên quê ở Vĩnh Yên không khuất phục trước lối giáo dục của người Pháp mà bỏ học, từ bỏ học bổng của chính phủ bảo hộ, một thứ không phải ai cũng dám làm nếu như cân nhắc thiệt hơn. Và chàng trai đó chính là anh Nguyễn Thái Học. Sau đó, khi cô sắp sửa rời Việt Nam sang Pháp học, cô nghe nói nhà in yêu nước Nam Đồng Thư Xã được thành lập, và sau này cô được biết, một trong những người thành lập không ai khác cũng chính là anh Học.

Cô chưa từng gặp anh, nhưng cũng đã luôn nghe về chí khí của anh. Cô dành cho anh Học một sự ngưỡng mộ rất lớn, khi anh dám từ bỏ tất cả để đền nợ nước.

Rảo bước trên con phố, tâm trí cô lơ lửng về hình ảnh những người thanh niên của Việt Nam Quốc dân Đảng không chịu khuất phục đến những giây cuối cùng...

Dù gì thì cô vẫn phải tiếp tục công việc của mình, cho dù cô khao khát được đền nợ nước, giống như họ.

Cậu mợ có giao cho cô quản lý mấy căn nhà thuê và đến để thu tiền, nhưng nếu chẳng có tiền thì... cậu cũng chẳng xiết nợ.

Ờ thì chắc đủ giàu rồi nên mấy căn nhà như thế cho đi cũng được.

Hết giờ mở cửa, cô Tú Nguyệt đóng cửa hàng sách rồi đi đến phố Phúc Kiến xem căn nhà cho thuê của cậu mợ. Căn nhà này nếu đúng như lời cậu mợ kể, được thuê bởi gia đình một cô giáo tên là Nguyễn Thị Lệ. Nghe đồn cô ấy cũng yêu nước, nên cậu mợ lấy giá rẻ, chứ không cho thuê giá cắt cổ như nhiều chủ nhà khác.

Cô gõ cửa bên ngoài. Người mở cửa, thật ngạc nhiên, lại là chàng trai với những câu hỏi kỳ cục cô gặp trên tàu ngày hôm trước...

"Anh..."

"Cô..."

Cả hai như nói đồng thanh.

"Tôi có đi nhầm nhà không ?" Minh Nguyệt nheo mắt. "Cô Nguyễn Thị Lệ có ở đây không?"

"Cô ấy trong nhà", chàng trai mở rộng cửa. "Cô vào nhà trước đã".

Biết là Minh Nguyệt không phải người xấu, nên Trần Phú cũng bớt cảnh giác hơn. Biết tin Trần Phú về nước, bọn thực dân đang khủng bố gắt gao. Anh buộc phải chuyển địa điểm hoạt động, từ con phố Hàng Rươi sang phố Phúc Kiến.

Trần Phú trộm nhìn người con gái đang ngồi ở bàn uống nước. Cô khoác bộ áo dài lụa màu xanh, mái tóc buông dài, trông cô còn đẹp hơn lúc ở trên tàu.

Không biết đã ai nói với cô là cô trông rất đẹp trong trang phục truyền thống chưa? Đẹp hơn khi mặc Âu phục rất nhiều.

Cô đẹp đến mức Trần Phú còn chẳng biết mình đang say sưa ngắm cô từ khi nào nữa.

"Chị Lệ, chị có khách này", chàng thanh niên gọi.

À, ra vậy họ không phải vợ chồng. Không hiểu sao tự nhiên Minh Nguyệt tự nhiên thở phào nhẹ nhõm khi nghe thấy anh thanh niên gọi người phụ nữ thuê nhà như thế.

Một cặp, trông có vẻ là vợ chồng, bước ra từ bếp. Người chồng chính là người thanh niên còn lại cô gặp trên chuyến tàu đó... sao lại có sự tình cờ đến như thế cơ chứ?

"Chúng ta lại gặp nhau rồi", Minh Nguyệt bật cười. Trái đất này thật tròn.

"Cô là...", đồng chí Trình Đình Cửu không tin vào mắt mình.

"Như anh đã biết, tôi là Minh Nguyệt, cậu mợ tôi cho chị Lệ thuê căn nhà này", cô giới thiệu rõ ràng. "Tôi đến để xem tình hình nhà".

"Tiền thuê nhà... cô có thể...", người phụ nữ kia, có lẽ là chị Lệ như lời cậu mợ nói, ngồi xuống đối diện cô. Trần Phú cũng ngồi và rót nước trà trên bàn mời cô uống.

"Tôi đã nói gì về tiền nong đâu", Minh Nguyệt khẽ nhíu mày. "Chị và anh ngồi xuống uống nước đi đã".

Trần Phú có lẽ giờ đã không còn ngạc nhiên khi thấy cô không đến đây để đòi tiền thuê nhà. Cô còn làm chuyện tốt hơn như thế cơ mà. Ánh mắt anh cũng đã bớt thắc mắc khi thấy cô nói như thế.

Trịnh Đình Cửu ngồi xuống cạnh vợ. Có lẽ giờ khó lòng mà không giải thích tình huống cho cô Minh Nguyệt rồi...

"Chẳng giấu gì cô, tôi là Chí, cô Lệ đây là vợ tôi", anh giới thiệu ngắn gọn với người lạ, chỉ dùng tên bí danh như đã được dặn.

"Đây là anh Quý, người cô gặp trên tàu. Chúng tôi không kịp giới thiệu hôm đó", anh Cửu tiếp tục nói, giới thiệu Trần Phú bằng bí danh. "Hiện tại anh ấy đang ở cùng với gia đình tôi".

"Ra vậy", cô gật gù, hiểu ra một số chuyện. "3 người ở căn nhà này... có vẻ hơi chật".

"Chúng tôi sắp xếp được", chị Lệ phủi tay. "Chỉ mong cô đừng tăng tiền thuê".

"Khổ quá, tôi còn chưa nhắc gì đến chữ tiền mà chị cứ ép tôi phải nhắc đến là sao?" Minh Nguyệt tỏ ý không hài lòng.

"Hình như còn một người nữa phải không?" Cô tiếp tục hỏi, vì thấy trong bếp còn có tiếng lục cục.

"Cô tinh ý thật đấy", anh Cửu cũng không giấu giếm. "Chị ấy... phụ bếp cho chúng tôi".

"Anh Chí này, tôi gặp anh ở trường Bưởi rồi đúng không?" Minh Nguyệt cố nhớ lại gương mặt người đàn ông đeo kính này. Cô từng học Tú tài ở trường Bưởi sau khi học xong Thành chung ở trường nữ học Đồng Khánh.

Ấy thế nhưng bằng cách nào đó, người ta vẫn cứ gọi cô là thủ khoa Tú tài trường Đồng Khánh. Dù trường Đồng Khánh không dạy Tú tài. Chắc tại cả trường chẳng mấy nữ sinh nào học nhiều như cô.

Vì đi học ở trường Bưởi cùng toàn con trai, nên cô nhớ rất rõ mặt những bạn học có thành tích nổi trội. Cô dường như đã gặp gương mặt anh Chí này ở đâu đó rồi.

"Chắc chúng ta tình cờ lướt qua nhau ở phố Thụy Khuê thôi", anh Cửu trả lời úp mở.

Cô gật đầu, không nghi ngờ gì. Giờ cô được toàn quyền quản lý ngôi nhà này, nên cô muốn lấy họ bao nhiêu tiền cũng được. Nhưng trông họ... hình như chẳng có mấy tiền. Cô cũng chẳng đòi làm gì cả.

Cũng tại mấy tên chủ nhà ở Hà Nội hách dịch quá mà, giờ đây cứ mở mồm ra là những người thuê nhà khó khăn nhắc đến tiền tới mức ám ảnh.

"Sau tôi đến đừng chưa gì đã nhắc tới tiền nong như thế. Nhìn tôi giống bà chủ nhà đanh đá lắm hả?" Minh Nguyệt đùa để không khí thay đổi, khiến họ đỡ căng thẳng khi "chủ nhà" đến.

Trần Phú bật cười. Cô trông thật hài hước khi chun mũi lúc tức giận. Đây mới là cơn giận đùa, giận thoáng qua, chứ chưa phải giận thật. Anh tò mò không biết người phụ nữ đoan trang trước mặt anh khi tức giận nổi trận lôi đình sẽ như thế nào đây.

Minh Nguyệt nhìn thoáng qua người tên Quý trước mặt khi anh cười. Trông cười lên cũng không khó ưa lắm đâu, vậy mà sao cứ hỏi nhiều câu kỳ cục thế.

"Tôi chỉ đến xem căn nhà thế nào thôi, ngôi nhà vẫn nguyên vẹn là tốt rồi. Tiền nong khi nào có thì trả. 2 tháng trả 1 lần cũng được, nếu không có thì 3 tháng", cô uống nốt chén trà rồi đứng lên. "Nếu có vấn đề gì cứ gặp tôi ở tiệm sách trên Boulevard gam lotta. Cậu mợ tôi để tôi quản lý ở đó".

A, vậy ra cậu mợ cô Minh Nguyệt mở hàng sách báo. Hóa ra cũng vì vậy mà họ khá giả, chứ không phải là bóc lột từ ai nên mới giàu. Khi hiểu ra, Trần Phú bỗng thấy nhẹ nhõm hơn.

Nhưng sự hào phóng của cô vẫn khiến anh... nghĩ ngợi không thôi. Anh chưa gặp cô tiểu thư lá ngọc cành vàng nào tốt như cô cả.

Mấy cửa hàng sách báo cũng hay là nơi tề tựu của các thành viên cách mạng, nó là nơi che giấu tài liệu dễ nhất và học hành cũng dễ nhất. Và đương nhiên, cũng ít có thằng Tây nào coi chủ hàng sách báo là tay sai lắm.

"Tôi xin phép", cô đứng dậy rồi đi ra cửa, cúi đầu chào ba người đang ngồi

Trần Phú, không biết vì phép lịch sự hay tò mò, đứng dậy tiễn cô ra cửa. Anh đứng trước cửa nhà, đối diện với cô, cùng ánh mắt vẫn tràn ngập điều muốn hỏi nhưng không thể hỏi.

Người phụ nữ trước mặt anh là người khiến anh trăn trở biết bao về bản luận cương sắp soạn. Khiến anh nghĩ về tất cả kiến thức anh đã được học. Khiến anh nghĩ sâu sắc lại về những gì Nguyễn Ái Quốc đã nói.

"Sao anh không nói gì, anh Quý?" Giọng nói của cô đưa Trần Phú ra khỏi cõi suy tư. Cô cũng không nghĩ anh lại ra tiễn cô như thế này.

Vừa hay có thứ cô muốn hỏi, và cô có linh cảm cô hỏi đúng người.

Khác với hôm trước, anh mặc áo the màu đen và đội khăn xếp rất Việt Nam, không còn mặc bộ âu phục khi cô thấy anh ở Hải Phòng. Trông anh có vẻ hòa nhập rất tốt với phố phường Hà Nội, dù vừa mới ở nước ngoài về và không có vẻ gì là đã sống ở Hà Nội trước đây.

"Anh hợp áo the hơn tôi nghĩ", Minh Nguyệt cũng chẳng tiếc một câu khen cho anh.

Anh thoáng giật mình, nhưng rồi cũng nhanh chóng không ở trên mây nữa. Anh cười xoà.

"Tôi không nghĩ... lại gặp cô ở đây", Trần Phú ấp úng, sao mà đứng trước hàng trăm đồng chí ở quốc tế cộng sản không run mà giờ lại không nói được một câu tử tế.

"Thế anh còn định gặp tôi ở đâu nữa?" Minh Nguyệt bật cười trước dáng vẻ lúng túng khi đứng trước mặt phụ nữ của anh thanh niên này.

"Tôi...", cô cũng thật là đáo để đi, nói xong một câu mà để cho đồng chí Tổng bí thư tương lai không biết phải nói gì nữa.

Minh Nguyệt cố nhịn cười. Chàng trai cương nghị, chính trực hay chàng trai hào hoa, lãng tử thì cũng phải cứng họng trước cô cả.

Bon travail, Minh Nguyệt

"Đùa anh thôi", cô nói với nụ cười rạng rỡ, nụ cười đẹp nhất mà nhiều năm nay anh được thấy.

"Đã ai nói với cô là...", Trần Phú định nói nhưng lại không biết nên nói hay không, ấp úng dừng lại

"Nếu anh định khen tôi cái gì đó thì để sau", Minh Nguyệt ngăn anh lại, cô không biết là cô đang ngăn anh nói đúng những gì anh định nói đâu. "Tôi cần nghe cái gì đó... khác".

"Khác?" Trần Phú khó hiểu.

Minh Nguyệt không nói nhiều. Cô kéo anh vào một góc sau nhà khiến Trần Phú ngạc nhiên không hiểu chuyện gì.

"Anh biết khởi nghĩa Yên Bái đã thất bại rồi chứ?" Minh Nguyệt lôi từ túi ra mấy mẩu báo. "Trên đường tôi từ Pháp về, anh Nguyễn Thái Học và các đồng chí khác bị bắt".

"Cái đó tôi biết", Trần Phú đang hoang mang, không thể hiểu liệu cô biết thân phận thật của anh chưa?

"Tôi nghe nói anh làm cho một... hội thanh niên, như anh kể trên tàu?" Minh Nguyệt nhớ lại cuộc hội thoại hôm đó. Thật may là cô có cơ hội để gặp riêng anh.

"Anh nên cẩn thận. Không khí ở Hà Nội giờ nặng nề, anh thấy đấy", cô nói nhỏ, mắt vẫn liếc nhìn xung quanh. "Bọn Pháp khủng bố dã man các lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng, nên nếu anh định làm gì, anh hiểu tôi nói gì mà phải không, tôi khuyên anh... tránh thời điểm này ra".

Trần Phú nghĩ ngợi một lúc, nhìn vào mắt cô. Cả hai nhìn nhau, có một thứ gì đó như nhen nhóm trong ký ức của họ.

Cô đã gặp anh ở đâu chưa?

Anh đã gặp cô ở đâu chưa?

"Anh... bị tràng nhạc sao?"

Đang mải suy tư về cách mạng thì Trần Phú bỗng nghe được câu hỏi... rất không liên quan từ cô.

Trần Phú sờ tay lên cổ mình. Quái lạ, anh đã chữa dứt điểm căn bệnh đó từ khi ở Nga rồi. Và không có vẻ gì có dấu hiệu tái phát. Sao cô vẫn nhận ra?

"Trên cổ anh có mấy vết đỏ, cẩn thận tái phát. Thời tiết Hà Nội độc lắm".

Cô nói xong quay lưng bước đi. Trần Phú đứng đó, không biết nên giữ cô lại hay không.

"Nếu tôi không tránh thời điểm này ra thì sao?", Trần Phú cũng chẳng hiểu sao mình lại nói ra câu đó nữa...

Như này là anh gián tiếp thừa nhận anh thật sự định làm gì đó rồi còn gì...

"Vậy thì anh nên cẩn thận", Minh Nguyệt quay lại, tiếp tục nói chuyện với anh. "Với cả, thật sự nếu muốn đi đâu, anh có thể tìm tôi để giúp đỡ. Không ai hỏi gì người đi cùng tôi đâu".

Trần Phú ngạc nhiên về lời đề nghị của cô. Vừa đêm qua anh Cảnh bảo nếu đi cạnh người phụ nữ nào đó sẽ an toàn hơn, ngay hôm đã có một cô tiểu thư Hà thành đến đề nghị giúp anh rồi.

Nhưng Trần Phú vẫn có phần dè chừng, vì... anh đã biết gì về cô đâu.

"Cô nghĩ chúng ta giống Saint-Preux và Julie à mà cô nói vậy?" Trần Phú buông câu đùa liên quan tới cuốn tiểu thuyết anh từng đọc của Jean-Jacques Rousseau, Julie, ou La Nouvelle Héloïse.

"Anh biết cả cuốn tiểu thuyết đó sao?" Minh Nguyệt ngạc nhiên, không nghĩ chàng trai cương trực trước mặt mình lại đọc cả văn học Pháp, lại còn là một cuốn tiểu thuyết tiên phong cho chủ nghĩa lãng mạn nữa.

"Ai cũng có quyền đọc mà", Trần Phú không bất ngờ trước phản ứng của cô. Với vẻ ngoài này, chắc cũng nhiều người không tin được Trần Phú lại rất yêu Pháp văn.

"Phải rồi. Và không, tôi không phải Julie. Chúng ta gặp nhau trên tàu giống Saint-Preux và Julie, nhưng chúng ta không yêu nhau, tôi cũng không phải thiếu phụ, hơn nữa tôi và anh không quá khác biệt về giai cấp đâu", Minh Nguyệt trả lời đầy hiểu biết. Chắc Trần Phú không biết được đó là cuốn tiểu thuyết cô từng đọc ngày đọc đêm khi còn ở Paris.

Julie, ou La Nouvelle Héloïse từng khiến những thanh niên, đặc biệt là nữ giới say đắm trong câu chuyện, và tới giờ sức hút của nó vẫn vẹn nguyên... Hoá ra không chỉ phụ nữ đọc, mà con người nhìn có vẻ khô khan như anh cũng đọc cơ đấy.

Trần Phú ngạc nhiên về nhận định giai cấp của cô. Cô hình như nghĩ... mọi thứ quá đơn giản rồi thì phải.

"Tôi không phải chàng Armand trong La dame aux camélias đâu mà không khác biệt về giai cấp với cô", Trần Phú tiếp tục dùng văn học Pháp để nói chuyện với Minh Nguyệt.

"Tôi đâu có bảo anh là Armand. Tôi và anh đều là người có học, đi học ở nước ngoài về, chúng ta giống nhau. Anh có vẻ đặt nặng vấn đề giai cấp nhỉ?", Minh Nguyệt nheo mắt nhìn người thanh niên trước mặt mình. Cô không khỏi thắc mắc, vì lý do gì mà anh nghĩ cô chỉ xem trọng những người thuộc tầng lớp tư sản như Armand trong tiểu thuyết của Alexandre Dumas con vậy?

Trần Phú tiếp tục trố mắt vì suy nghĩ đầy tính hợp lý của cô. Người như cô thật hiếm gặp trên đời. Cô đánh giá mọi thứ qua tri thức, thay vì vật chất phù du.

"Cô kỳ lạ thật đấy", Trần Phú không ngăn được mình thốt lên câu đó.

"Bàn chuyện về văn học với anh khá thú vị. Mong tôi sớm có cơ hội được tiếp tục trò chuyện những thứ đó với anh", Minh Nguyệt dù có những bất đồng trong tư tưởng với Trần Phú, nhưng quả thật, chính sự khác biệt đó đã khuấy động tâm hồn của người thiếu nữ yêu văn chương.

Trần Phú hiểu về giai cấp như thế... Phải chăng anh là...

Đang mải mê suy nghĩ trò chuyện thì có người đàn bà áo quần rách nát hớt hải chạy tới. Nhìn khổ sở không gì bằng. Bà tìm ai vậy?

"Cô Tú ơi, cô cứu nhà chúng tôi với", bà mẹ khóc lóc thảm thiết, quỳ rạp xuống khiến Minh Nguyệt sửng sốt giật mình nhìn Trần Phú.

Anh cũng nhìn lại cô, không hiểu chuyện gì.

"Bà đứng dậy đi đã, từ từ nói", Minh Nguyệt cúi thấp người xuống, dùng tay đỡ bà đứng dậy.

Cô ghét nhất là cái việc người khác nhìn mình cao quý hơn. Không hề. Minh Nguyệt coi tất con người bình đẳng như nhau. Riêng mấy thằng giặc thì đều là hạng súc vật.

"Cô giúp nhà chúng tôi với. Thầy Viễn không ở nhà... tôi... chỉ biết tìm cô", người phụ nữ tiếp tục khóc thút thít sau nhà thuê.

Trần Phú tò mò, chuyện gì mà tìm tới tận nhà báo để giải quyết vậy? Thầy Viễn là ai?

"Bà từ từ nói, cháu vẫn nghe, cháu không đi đâu cả", Minh Nguyệt bình tĩnh, dùng giọng rất nhẹ nhàng để nói gói người phụ nữ già nhìn rất khổ sở kia, "Bà phải nói, cháu mới giúp được bà"

"Cô ơi, con gái tôi... nó thắt cổ tự tử ở cây si đầu làng tuần trước", bà khóc lóc thảm thiết, "Vợ chồng nó làm công nhân ở nhà máy, con tôi bị đám cai kỹ lừa vào kho rồi thay nhau làm nhục... Nó uất quá mà thắt cổ..."

Nói đến đây, người phụ nữ lạ mặt không nói tiếp được nữa. Minh Nguyệt nghe xong mà căm phẫn, nắm chặt tay.

Mới về nước đã chứng kiến không ít thứ chẳng tốt đẹp gì. Khốn nạn. Nước này chẳng phải nước của mình nữa rồi.

Cô nhìn Trần Phú, anh cũng chia sẻ ánh mắt căm phẫn với cô. Trần Phú tò mò, chạm vào vai người đàn bà để an ủi rồi lân la hỏi chuyện.

"Thế con rể o... giờ sao rồi?"

"Cậu ơi, con rể tôi phẫn quá làm liều, dùng dao đâm tên cai mấy nhát nhưng nó chỉ bị thương, con tôi thì phải đi khổ sai rồi", người phụ nữ lạ mặt oà khóc khiến người đi đường cũng còn phải tò mò.

Trần Phú chỉ muốn rạch mặt cái đám khốn nạn ấy ra. Chết tiệt.

Những người công nhân vốn đã khổ không gì bằng, sao giờ đây số phận còn như trêu ngươi họ.

Càng chứng kiến những cảnh ấy, Trần Phú càng căm thù đám thực dân và tay sai khốn kiếp đang làm khổ những người công dân, bóc lột họ tới tận xương tủy. Đó là đám cầm thú chứ không phải người nữa rồi.

"Cháu mời bà về nhà in của cháu. Bà kể đầu đuôi câu chuyện, sáng mai cháu hứa sẽ đăng lên báo của nhà cháu", Minh Nguyệt khẳng định, cô quyết tâm sẽ đăng đầy đủ sự việc thương tâm này. "Còn nếu đám thực dân quyết không cho cháu đăng, cháu có cách của cháu. Người khác sẽ đăng hộ cháu trên một báo khác. Bà đừng lo".

"Cô nói thật hả cô", người đàn bà khốn khổ ngạc nhiên sau khi nghe Minh Nguyệt nói vậy, dù biết cô Tú là người tốt, người ta mới chỉ tới, nhưng chẳng nghĩ được cô lại tử tế đến cỡ này.

"Cháu là con gái của cậu cháu, cháu lớn đến bé luôn được dạy phải giữ chữ tín. Bà cứ tin cháu. Bà đợi cháu cháu dẫn bà đến nhà in", Minh Nguyệt nắm lấy tay người phụ nữ không chút ngại ngần. "Bà chờ cháu ở kia".

Người phụ nữ đứng ở xa, Minh Nguyệt quay sang nhìn Trần Phú. Cô bằng cách nào đó hiểu anh nghĩ gì...

"Mong là... hội thanh niên của các anh thành công", Minh Nguyệt thở dài. "Chuyện này còn khốn khổ hơn cả trong văn chương Balzac".

"Cô không sợ bị Pháp thu hồi giấy phép à?" Trần Phú ngạc nhiên nhìn cô.

Cô không ngại người phụ nữ rách rưới kia chạm vào, không ngại nghe người ta khóc lóc ầm ĩ. Có phải Minh Nguyệt tử tế quá rồi không?

"Tôi có cách của tôi. Anh cứ yên tâm", Minh Nguyệt mỉm cười đầy tự tin.

Minh Nguyệt viết báo từ thuở 16 tuổi. Cô trẻ thế thôi, nhưng đã gần 10 năm làm nghề rồi đấy.

"Tôi... À mà thôi. Cô về sớm giải quyết chuyện", Trần Phú trăn trở, chẳng biết nên nói hay không. Và cuối cùng vẫn là quyết định không nói.

Minh Nguyệt chào anh rồi tiến đến người đàn bà đang chờ. Cô nhìn anh lần cuối cùng với nhiều điều còn thắc mắc trong tâm trí.

Minh Nguyệt quay lưng bước đi, và cô đang không thể nhớ ra một dữ kiện quan trọng nào đó. Cô lục tung tất cả ký ức của mình.

Cô chắc chắn rằng người đứng trước mặt cô phải là một người cực kỳ quan trọng. Anh nói anh từ Trung Quốc về... Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra ở Trung Quốc vào tháng 2 mới đây.

Chắc chắn không thể trùng hợp như thế được.

Minh Nguyệt nổi da gà, chẳng lẽ cô đang đứng trước cán bộ của Đảng sao?

Đâu thể dễ thế được...

Cô rảo bước nhanh qua dòng người trên phố, trong đầu rối bời về nhiều thứ. Việt Nam Quốc dân Đảng thất bại, con đường cứu nước của Việt Nam rơi vào khủng hoảng... Người dân Việt Nam tiếp tục lầm than. Và người phụ nữ đi cạnh cô chỉ là một trong số đó.

Trần Phú đi đi lại lại sau nhà. Cứ sau mỗi lần gặp người phụ nữ này, anh lại không biết mình đang làm gì. Thật là khó chịu.

Anh vừa mới chuyển qua căn nhà này được vài ngày, vì thực dân Pháp khủng bố gắt gao tất cả các lãnh đạo của phong trào yêu nước sau khởi nghĩa Yên Bái. Có lẽ chúng cũng đánh hơi được cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam về nước, nên điên cuồng truy lùng anh như những con chó săn. Dù không muốn, Trần Phú buộc phải chấp nhận cái cảnh liên tục chuyển nhà.

Anh Nguyễn Thái Học đã thất bại...

Không khí trong nước ngày càng nặng nề sau khi anh Học và các đồng chí bị bắt. Trần Phú cũng chưa từng gặp hay có cơ hội tiếp xúc với anh, vì anh Học là người Hà Nội, cả đời gắn bó với mảnh đất Đông Kinh, còn Trần Phú là người cả đời gắn bó với mảnh đất Trung Kỳ.

Anh cũng hiểu đường lối của anh Học chắc chắn sẽ thất bại, nhưng cũng không khỏi đau xót khi nhìn thấy liên tục những phong trào yêu nước bị đàn áp, khủng bố dã man.

"Rồi khi nào đến lượt ta đây", Trần Phú thở dài. Anh hiểu con đường mình chọn cũng rất dễ sẽ có kết cục bị bắt và xử tử như Nguyễn Thái Học, nhưng điều đó không có nghĩa là anh sẽ dừng lại.

Anh kiên định chọn con đường này đến cuối cùng.

Khi cô Nguyệt kéo anh vào góc này, nói về Việt Nam Quốc dân Đảng, anh nhìn thấy ánh mắt cô rưng rưng, và có tia phẫn nộ. Giọng cô cũng run run khi nhắc về anh Nguyễn Thái Học.

Cô là người Hà Nội, gắn bó với mảnh đất này, hẳn cô biết anh Học và Nam Đồng Thư Xã rõ hơn anh. Có lẽ vì đó nên cô xúc động đến run giọng, dù đã cố giấu.

Giờ anh hiểu được là cô yêu nước biết bao, anh tưởng như phải mừng khi biết điều đó, nhưng đầu óc anh lại trở nên rối bời thêm...

"Tháng sau Trì từ Sài Gòn ra", Trần Phú giật mình khi Trịnh Đình Cửu từ đâu xuất hiện ngay cạnh.

"Ngô Đức Trì ra Hà Nội sao?" Anh không ngạc nhiên, vì hiện tại đất nước cần nhiều nhân lực giúp đỡ, giờ sự phẫn nộ với thực dân Pháp đã lên cao hơn bao giờ hết...

Chính sách khủng bố của thực dân Pháp với khởi nghĩa Yên Bái đã mở to mắt nhiều người. Làm gì có cái gọi là văn minh với khai hóa. Nực cười.

Sẽ không lạ khi sắp tới, hàng loạt tờ báo với phong trào yêu nước ra đời. Khéo cô Nguyệt cũng sẽ viết cho những tờ báo đó cho mà xem.

Cô cũng nên làm việc đó hơn là trực tiếp góp tay vào cách mạng. Những người xuất thân tiểu tư sản như cô kỳ thực không phù hợp với cách mạng.

Các cuộc cách mạng ở Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã chứng minh điều đó, nên không có lý gì anh nghĩ rằng những thứ anh được dạy là sai...

Nhưng cho đến ngày hôm nay, anh lần đầu nghi ngờ về những gì mình đã được học.

Đúng và sai giờ sao khó khăn biết mấy...

Trần Phú được giao soạn thảo Luận cương Chính trị về vấn đề cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương, đáng ra anh phải biết là mình sẽ viết gì rồi, nhưng giờ đây anh lại chẳng hiểu được liệu những gì mình sắp viết là đúng hay sai...

Chẳng lẽ chủ nghĩa dân tộc lại đúng, còn Quốc tế Cộng sản lại sai sao?

Không thể như vậy được.

Trần Phú không tin được cuộc gặp mặt này sẽ thay đổi anh cả đời...

Chỉ vài ngày sau, báo chí rộ lên tin tức đám cai ký khốn nạn ở nhà máy lừa vào kho rồi thi nhau làm nhục vợ của một người công nhân. Chị này thắt cổ tự tử. Anh chồng phẫn uất quá mà dùng dao trả thù cho vợ. Nhưng anh phải đi tù.

Người đầu tiên đưa tin chính là nhà báo Nguyệt Minh. Là cô Cử chứ ai vào đây.

Tin tức được đưa lên khiến nhà máy với mấy tên cai ký kia được một phen công nhân biểu tình sốt dẻo. Giờ đã có Đảng rồi, đừng mơ mà chơi trò lợi dụng sự thiếu hiểu biết của công nhân để phá đình công. Minh Nguyệt thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng tin tức cũng được đưa lên.

Tất nhiên, Trung Bắc Tân văn vẫn là tờ báo chịu ảnh hưởng từ Pháp nhiều kể từ khi cậu cô thành lập cùng ông Schneider, nên tin tức cô đưa vẫn có phần trung lập, hơi trái với lương tâm.

Nhưng những phần thêm mắm dặm muối đã có tên nhà báo Hoàng Tích Chu lo rồi. Cô và hắn ta là đối thủ, nhưng cô rất nể cách làm nghề của tên nhà báo lập dị này.

Đông Tây của gã hôm nay cũng bán thật chạy.

"Chị Nguyệt đỉnh thật đấy", cậu Trần Duy Hưng ngưỡng mộ đọc tờ báo trong lúc ghé qua hiệu sách nhà cô trên đường Gambetta. "Một dòng tin, mà nhà máy đình công. Thêm tên Hoàng Tích Chu viết bồi vào trên tờ Đông Tây nữa, chao ôi thợ thuyền lại càng thắng thế".

"Chị cậu mà lại", Minh Nguyệt hãnh diện với cậu em. "Này, ra đây chị bảo".

Hưng chạy từ giá sách phía ngoài vào trong hiệu sách ở phòng làm việc riêng của chị Nguyệt. Chắc là có thứ gì hay ho rồi...

"Bà chị có..."

"Bánh kẹo, cầm về chia cho cái Mỹ với mấy thằng Nhượng, thằng Vượng", Minh Nguyệt đặt mấy gói kẹo sặc sỡ sắc màu lên bàn từ trong làn mây của cô, khiến thằng Hưng sáng mắt.

"Cho em với mấy đứa em thật á?" Hưng ngạc nhiên. Hôm trước bảo cho em kẹo chỉ là đùa thôi, không nghĩ lại được chị Nguyệt tặng thật.

"Thế có ăn không, không chị cho..."

"Ăn, ăn chứ", Hưng lấy ngay trước khi chị đổi ý. Minh Nguyệt phì cười với cái thằng nhóc này. 18 tuổi đầu mà vẫn như trẻ con với bà chị già.

"Còn cái này chị tặng riêng em", Minh Nguyệt nháy mắt tỏ vẻ bất ngờ khiến Hưng tò mò không thôi. Chị còn quà cho riêng cậu em... hàng xóm này luôn?

Minh Nguyệt lấy từ làn ra cuốn sách trông rất... Paris khiến Trần Duy Hưng ngạc nhiên.

« La peau du chagrin »

Cuốn sách của Balzac mà Hưng rất thích. Chị Nguyệt và cậu đều có cùng sở thích, đó là rất ham đọc văn chương hiện thực của tác giả này.

"Quà của riêng cậu. Chị tặng cậu", Minh Nguyệt đặt cuốn sách vào tay thằng bé. "Đọc nhiều vào, học thật giỏi, nghe chưa?"

"Chị tặng em... có quà cho em... thật ấy hả?" Hưng trầm trồ nhìn sách trong tay mình. Trời đất ơi, chưa bao giờ cậu được cầm cuốn sách nào như vậy.

"Nhận đi, đã gọi chị một tiếng chị, đứa nào cũng có quà", Minh Nguyệt cười khi nhìn phản ứng của thằng Hưng. "Học cho tốt là được. Sau này chị còn được nhờ".

"Em thề sau lớn em sẽ... báo đáp chị".

"Gớm, có quyển sách. Chị đùa thế chứ tặng em không phải để em trả ơn gì đâu. Cứ học thật giỏi, là tốt lắm rồi".

"Cô Cử ơi, em lấy mấy tờ báo với ạ", hai chị em đang huyên thuyên thì tiếng khách gọi cắt ngang.

"Đợi chị tí", Minh Nguyệt nói vọng ra.

Hưng và Nguyệt chạy ra. Có Mỹ Ngọc, con gái ông chủ thầu Đỗ Hùng giàu nứt đố đổ vách nay lại mua sách ở nhà cô.

"Ơ cả cậu Tú Hưng ở đây ạ?", cô Ngọc ngạc nhiên khi thấy cả cậu Hưng nổi tiếng đẹp trai chơi đàn violon hay ở đây.

"Tôi vừa đi học về. Ngọc đi đâu mà cất công đến tận nhà chị tôi mua sách thế này?"

Không biết thói quen từ khi nào nhưng Trần Duy Hưng từ lâu đã toàn gọi chị Nguyệt là "chị tôi" rồi "chị mình". Chắc tại Hưng biết chị từ hồi bé tí, nên chị như người nhà của cậu từ lâu rồi.

"Em cũng vừa đi học về".

"Ngọc lấy báo nào em, để chị..."

"Tờ chị viết hôm nay ấy ạ", cô Ngọc hào hứng nhìn chị Nguyệt. "Trường em bàn tán xôn xao. Chị mới về nước mà..."

"Ôi dào có gì đâu Ngọc. Việc của chị mà. Ngọc lấy gì khác không?", Minh Nguyệt vui mừng khi được khen nhưng chỉ khiêm tốn đáp lời.

"Cậu Tú Tân... thích nhất là sách nào ạ?" Cô Ngọc thỏ thẻ.

Hưng với chị Nguyệt nhìn nhau. Anh Tân trông thế mà cũng ghê phết đấy...

"Tân thích Maupassant, Ngọc đọc Maupassant không?" Minh Nguyệt cố nhịn cười để giới thiệu sách cho con bé tiểu thư xinh đẹp này.

"Thôi, em nghĩ Ngọc nên đọc Dumas chị ạ. Anh Tân toàn đọc sách kiểu... tầm vũ trụ ý", Hưng cũng chêm lời vào.

"Đâu có, cậu Tú Tân làm thầy thì phải đọc sách hay chứ ạ", cô Ngọc nói vội ngay sau câu của Trần Duy Hưng.

Minh Nguyệt còn chưa bênh mà đã có người bênh em trai mình hộ rồi. Thằng Hưng phải quay lưng đi để không cười thành tiếng, Minh Nguyệt thì chỉ cố mỉm cười như bình thường để tiếp tục bán sách.

"Chị Nguyệt", tiếng gọi dõng dạc cùng cái tiếng chuông xe đạp rộn ràng cả con phố là biết của ai rồi. Tân vừa đi dạy về chứ còn ai vào đây.

"Anh Tân", Hưng như mở cờ khi thấy ông anh mình, ôi anh trai ruột đây rồi.

"Chị, cậu bảo em ra phụ chị xếp sách. Chị cần em phụ gì không?" Minh Tân xuống xe, dắt xe vào một góc, chưa kịp để ý vì khách... đang quay mặt đi không dám nhìn mặt mình.

"Ờ..."

Chưa kịp để Minh Nguyệt đáp lời, Tân đã tiến đến gần sạp báo. Giờ cậu mới để ý...

"Cô... mua sách gì không?" Minh Tân không nhìn rõ mặt nên xưng hô "cô - tôi" xã giao.

Giờ cô Ngọc mới dám quay mặt sang, nhưng không dám ngước lên nhìn cậu Tú Tân. Cậu Tú hôm nào cũng mặc áo ngũ thân đi dạy, đẹp trai quá đi mất...

"Cô Ngọc đấy à?" Tân nhận ra cô tiểu thư Đỗ Mỹ Ngọc, con gái ông thầu khoán Đỗ giàu nhất nhì Hà Nội.

"Sao cậu gọi em là cô?" Ngọc dỗi khi nghe Tân gọi mình bằng cái đại từ già chát như thế.

"Thế... Ngọc mua sách gì không, để tôi lấy cho Ngọc", Tân cũng chẳng biết phải xưng hô thế nào, đành gọi tên.

Cô Ngọc đỏ mặt khi được cậu Tú Tân gọi tên, không biết nói lời gì nữa. Minh Nguyệt và Trần Duy Hưng chỉ biết nhìn nhau cố gắng không cười.

"Thôi, hôm khác em mua sách. Em gửi cô Cử tiền mấy tờ báo ạ", Ngọc lấy báo, dúi mấy tờ tiền vào tay Minh Nguyệt rồi đi vút đi.

Tân thấy khó hiểu. Cậu làm gì sai à mà tự nhiên không mua sách nữa rồi bỏ đi. Con gái giờ khó hiểu thật đấy.

"Cô Ngọc bị làm sao đấy?" Tân quay sang nhìn hai cái con người đang cười khúc khích cạnh chồng sách. "Cả chị với thằng Hưng nữa, cười cái gì vậy?"

"À không, chị với thằng Hưng vừa đọc được thứ buồn cười trên báo nên cười thôi", Minh Nguyệt huých tay thằng Hưng để nó hiểu ý hợp tác. Hưng cũng gật đầu lia lịa.

"Đúng rồi, em với chị Nguyệt vừa đọc được tin bà vợ đi đánh bạc chồng gọi mãi không về", Hưng nảy số ra một câu chuyện hài hước.

"Phụ nữ giờ lạ lùng nhỉ?" Tân nghe chuyện vừa kể, lại nhớ tới phản ứng cô Ngọc vừa nãy. "Anh mày làm thầy, dạy học trò đủ thứ, nhưng riêng hiểu phụ nữ anh mày chịu".

"Bảo sao anh chưa lấy vợ", Hưng tranh thủ đùa anh mình một câu.

"Tao không có nhu cầu", Tân lườm cái thằng bé đẹp trai mà nhờn kia.

Thượng hữu minh tân chiếu vạn vật,
Hạ tàng mỹ ngọc ánh thiên thu.

Minh Nguyệt chỉ cười khi thấy hai thằng chí choé nhau. Giá mà cuộc sống lúc nào cũng bình yên trôi qua như thế này, và ai cũng được hưởng cái hạnh phúc hiện tại của cô.

Nhưng cuộc đời đâu có công bằng như thế.

"Cô Cử ơi, lấy anh mấy tờ báo với", giọng của bác sĩ Vũ Đình Tụng, bạn thân của cậu cô khiến Minh Nguyệt nhận ra ngay.

Ở Việt Nam thật yên bình biết bao. Tiếng gọi thân thuộc, những khoảnh khắc ấm cúng luôn thường trực giữa cái thời loạn lạc này...

Tin tức báo chí cũng đã đến tay Trần Phú. Anh để ý tên nhà báo cuối bài.

Cái tên này rất rất quen...

"Anh đang đọc báo Trung Bắc Tân văn đấy à?" Anh Cảnh lướt qua nhìn tên báo.

"Ờ... phải".

"Chắc là chuyện cô công nhân tự vẫn vì uất hận phải không?" Anh Cảnh dường như đã biết trước. "Ngày trước khi còn học ở trường Thành Chung, Nam Định, tôi từng được nghe chuyện không khác gì. Thật sự không khác một chi tiết. Chỉ khác là người chồng bị bắn ngay lúc đó".

"Vậy sao?" Trần Phú không ngạc nhiên, nhưng không thể nghĩ được cái đám này nó khốn nạn đến mức luôn nghĩ tới việc làm nhục con gái nhà người ta như thế.

Khổ cho những người phụ nữ. Họ phải đau đớn và tuyệt vọng trong giờ phút đó đến nhường nào. Nếu là anh, anh nghĩ mình cũng chẳng vượt qua được.

"Tôi nói thật, phụ nữ ở nước mình... khổ lắm", anh Cảnh thở dài. "Nhà thổ thì nhiều, trường học thì chỉ người có điều kiện được học. Không phải tự nhiên người ta tìm đến cô Cử đâu".

"Cô Cử nào vậy?" Trần Phú nheo mắt. Anh lờ mờ đoán ra.

"Tác giả bài báo, cô Minh Nguyệt", anh Cảnh tiếp tục nói. "Chị ấy chủ bút luôn mục Propos de femme trong báo, chắc hôm nay chị ấy cũng nói về việc này. Phụ nữ gặp chuyện cứ nói với chị ấy, kiểu gì cũng giúp. Không một thì hai câu lên báo".

"Sao anh biết rõ vậy?" Trần Phú không biết anh Cảnh hiểu rõ cái người phụ nữ thượng lưu ấy tới đâu, dù anh đoán được tác giả bài báo này là Minh Nguyệt từ khi nhìn thấy bút danh.

"Từ ngày viết báo Lao động cho Công hội đỏ, tôi thu thập báo, có người bạn là Đặng Xuân Khu là nhà báo, giúp đỡ tôi mấy thứ lặt vặt tìm hiểu này", anh Cảnh nói ngắn gọn. "Chị Nguyệt thì mới về, nhưng khí phách không cần phải bàn. Bạn tôi nể chị Nguyệt lắm".

"Cô ấy... tốt thì tốt thật. Nhưng vẫn là con gái của nhà tư sản", Trần Phú tự nhiên thấy thái dương thật đau, không biết vì lý do gì. "Họ không làm mà không có lợi ích đâu".

"Đồng chí nói cũng có lý", anh Nguyễn Đức Cảnh gật gù. "Nhưng trước mắt... họ chưa làm tổn hại gì đến chúng ta. Huống gì nhà này... hình như cô Tú còn cho thuê không lấy tiền đúng không?"

"Anh biết cả chuyện đó à?" Trần Phú ấn tượng, không biết anh Cảnh lại biết tới cả chuyện này.

"Ừ thì... tôi biết thôi. Đấy, cô ấy hiện tại còn giúp chúng ta nữa, nên cũng đừng nghĩ xấu cho cô ấy quá. Người ta vẫn là người tốt, sau này nếu lòng người đổi thay thì phán xét sau. Ngay cả trong Đảng cũng thế, chắc gì ai cũng là người tốt mãi mãi", anh Cảnh cười, vỗ vai Trần Phú rồi rời đi.

Nguyễn Đức Cảnh cũng chẳng định nói cho Trần Phú biết chị Minh Nguyệt nhà báo ấy chính là con gái ông chủ nhà in Trung Bắc. Anh Phú vẫn còn suy nghĩ nặng nề về mặt giai cấp sau khi trở về từ Nga, nói với anh chỉ khiến anh nghĩ không tốt hơn về chị Nguyệt, người đang giúp Đặng Xuân Khu rất nhiều.

Cứ để anh tự nhiên gặp gỡ, tiếp xúc với chị Nguyệt. Anh sẽ tự hiểu về con người chị một cách rõ ràng nhất, không bị những định kiến ảnh hưởng quá nhiều.

Mà cũng nhờ chị Nguyệt đưa tin, khí thế đình công của anh em ở nhà máy giờ ngày một lên cao. Nguyễn Đức Cảnh là người chỉ đạo cuộc đình công đó, với sự đồng hành của đồng chí Lương Khánh Thiện, nên đương nhiên anh đang biết ơn sếp của thằng Khu không hết nữa là.

Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh. Con gái của ông tổ nghề báo, bút sắc như dao. Chị Nguyệt đã giúp việc đình công của công nhân thắng thế một phần trước mấy tên chủ và đám cai ký khốn nạn rồi. Những gì chị làm được khéo còn hơn cả những đồng chí trong Đảng hiện tại.

Chắc gì ai cũng là người tốt mãi mãi...

Quả thật, lòng người khó đoán. Chẳng biết được tương lai ra sao. Khéo những người ta nghi ngờ nhất lại là những người đối xử tốt với ta nhất.

Những người ta tin tưởng có khi lại thành kẻ phản bội.

Nguyễn Đức Cảnh đã trải qua đủ thứ trên đời để hiểu chân lý này. Cha anh từng bị người bạn lều chõng tưởng chừng thân thiết nhất phản bội, thì vốn Cảnh đã chẳng quá tin vào sự thân thuộc ấy nữa.

Sự thân thiết chưa chắc đã làm nên uy tín. Chỉ phẩm chất vốn có của con người mới làm nên điều đó.

Bây giờ kể đã mấy đông
Thuyền quyên sầu một, anh hùng sầu hai.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip