7
Minh Nguyệt đóng cửa hàng sách muộn. Cậu mợ cô hôm nay đi công tác ở Hải Phòng, cô cũng không hỏi rõ hai người đi dự sự kiện gì. Thằng Tân thì họp hội thanh niên gì đó, chỉ có cô và cái Mai ăn cơm tối nay.
Hội thanh niên... cái đám đàn ông này luôn lắm hội. Không hiểu hội thanh niên là làm cái gì.
Nếu thằng Tân có làm trong hội thanh niên liên quan đến... cái cô đang nghĩ, thì cô cũng không ngăn nó. Nếu nó có lý tưởng yêu nước, điều đó là phúc cho gia đình cô. Cậu cô cũng yêu nước không kém gì các sĩ phu như cụ Phan Bội Châu hay Phan Chu Trinh. Ông cũng đã làm bài thơ vịnh về các chí sĩ khởi nghĩa Yên Bái.
Trời xám xịt, như thể cơn dông sắp kéo tới. Dông tố của đất nước này...
Vừa khép cửa vào, cô cảm giác ánh nhìn đang chằm chằm vào cô...
"Anh Quý", cô ngạc nhiên, mở to mắt. Vẫn như hôm trước, anh mặc áo the, nhưng đội chiếc mũ phớt thay vì khăn xếp, kéo thấp xuống, tránh để người khác nhìn rõ mặt. Anh còn cẩn thận đeo cả kính râm nữa.
Chắc anh sợ cô đánh giá anh mắt... lé hay gì.
À thì hiển nhiên, chắc anh cũng hiểu cô đoán ra phần nào thân phận của anh rồi.
"Đây là hiệu sách của nhà cô sao?" Trần Phú cất công đi bộ từ phố Phúc Kiến tới đây, cũng phải hơn 2 cây số. Anh cũng thật là chẳng hiểu mình nghĩ gì mà đến đây gặp cô.
Anh nhìn cơ ngơi gia đình cô sở hữu một lượt, khá rộng rãi. Cửa hiệu ghi cả bằng chữ Quốc ngữ lẫn chữ Pháp. Chắc là có đủ cả sách bằng cả 2 thứ tiếng.
"Anh đến đây làm gì?" Cô hỏi.
"Tôi... Xin cô giấy viết", anh lấy lý do khó hiểu, khiến cô cũng chẳng tin được mình đang nghe cái gì.
"Giấy viết?" Cô hỏi lại, tránh nghe nhầm.
"Giấy viết", anh nhắc lại. Ờ thì ít nhất cái lý do này cũng không... ngớ ngẩn quá.
Chẳng lẽ anh lại nói là anh muốn gặp cô nên mới không quản nguy hiểm đi bộ ngoài đường 2 cây số đến đây.
Minh Nguyệt dù thấy khó hiểu, nhưng cũng không quá thấy kỳ cục, đâu thiếu người đến đây xin giấy viết, chẳng qua đây là lần đầu cô thấy người đi bộ 2 cây số từ phố Phúc Kiến đến đây để xin giấy thôi.
Cô chưa khóa cửa, nên lại mở rộng cửa ra rồi thắp đèn dầu.
"Anh vào đi đã", cô mời anh vào trong.
Trần Phú biết ở ngoài không an toàn, nên anh cũng nghe theo cô. Dù anh biết nam nữ ở chung một không gian là có hơi... không nên.
Anh đang bị ốm khi bệnh lao hạch tái phát, phần cổ hơi đau nhức. Chẳng hiểu sao cứ đến lúc cần sức khỏe thì bệnh lại trở lại.
Quỹ của Đảng không có tiền để mua thuốc uống, Trần Phú đành mua vài xu lá cao dán tạm cho đỡ đau. Anh cố gắng không thể hiện bộ mặt nhăn nhó trước mặt người ngoài.
Vào trong hiệu sách, Trần Phú tiện tay kéo cửa lại. Minh Nguyệt quay ra nhìn, nhưng để mặc anh làm điều đó. Chắc anh có lý do của riêng anh.
Cô cầm cây đèn dầu lục trong tủ, tìm mấy tờ giấy không bị mốc và còn có thể viết được. Nhiều khi cô cũng chẳng biết, cậu mợ có bao giờ bảo mấy người làm dọn mấy chỗ này không. Thật sự đến giờ cô cũng mới biết có mấy góc đồng nát này.
"Cô đọc Fourier sao?" Trần Phú để ý trên bàn có cuốn sách đang đọc dở.
"Khi học ở Pháp, tôi được học rất nhiều về Fourier", Minh Nguyệt cười, nhớ lại những ngày tháng ở Paris. "Tôi khá thích tư tưởng của ông ấy".
"Fourier với chủ nghĩa xã hội không tưởng khá hay", Trần Phú thừa nhận. "Tôi không nghĩ con gái như cô lại đọc sách này".
Cô bật cười, con gái đọc sách triết học chẳng lẽ khó hiểu đến thế. Cô không hiểu nhiều về triết học Nga, nhưng rất hứng thú với triết học Pháp. Cô là sinh viên Paris cơ mà.
Cô tìm được vài mẩu giấy, đủ để anh viết trong vài tháng và hộp mực cùng chiếc bút cũ. Cô đoán những cán bộ như anh luôn tiết kiệm mấy thứ này, và cho họ những thứ này có vẻ cũng không khiến họ cảm thấy mình đang mắc nợ, nên quyết định tặng cả.
Cô cầm cây đèn dầu, đặt xuống bàn, sắp xếp gọn gàng xấp giấy.
"Của anh đây", cô đưa anh để anh cất vào cặp.
Anh định đóng cặp lại, nhưng thấy cô nhét vào đó cả hộp mực và bút. Anh ngạc nhiên.
"Cô..."
"Đằng nào mấy thứ này để đây cũng không ai dùng, nên coi như anh dùng hộ tôi", cô nói thế để anh không áy náy khi nhận. "Chỉ là cái bút với chút mực viết, không có gì to tát đâu".
Chắc có lẽ vì thấy cô còn hào phóng hơn cả thế này rồi nên Trần Phú không còn bất ngờ nữa. Và thú thật, cái bút của anh cũng cũ quá rồi, rất khó khăn khi viết. Từ chối món quà mọn thế này, chỉ được xem là đồ bỏ đi với cô, có vẻ hơi thiếu suy nghĩ.
"Cảm ơn cô", Trần Phú không từ chối lòng tốt của cô. Giờ anh biết cô có thể tin tưởng được, sau cuộc hội thoại hôm trước. "Tôi nợ cô 2 lần..."
"Nợ nần cái gì cơ chứ", cô phủi tay, cười xoà. "Giúp được ai thì nên giúp. Cuộc đời ngắn lắm".
Câu nói của cô khiến anh nghĩ ngợi. Cuộc đời ở cái thời đại này quả thật rất ngắn... nếu sống cuộc đời ý nghĩa.
Còn nếu sống dài, sống lâu, đồng nghĩa với càng nhiều thời gian chịu đựng bị đàn áp.
Ý nghĩ về sống chết vừa mới lướt qua trong đầu Trần Phú thì cơn dông từ đâu kéo tới, đóng sập cửa, tắt đèn dầu khiến Minh Nguyệt và người khách đặc biệt của cô giật mình.
"Mưa", Minh Nguyệt vội vã chạy ra nhìn qua ô cửa. Tiếng sấm chớp khiến cô lùi lại.
Trần Phú không ngờ mình vừa mới tới Hà Nội được vài ngày đã được hưởng cái đặc sản mưa dông bất ngờ như vậy.
"Giờ thì chẳng về được", Minh Nguyệt thắp lại đèn dầu lại lần nữa, rồi khép cửa kỹ hơn. "Chờ thôi".
Trần Phú thở dài, tự nhiên anh thấy có chút lo lắng khi ở cùng không gian với cô. Dù cơ ngơi nhà cô cũng rất rộng rãi.
"Anh ngồi đi", cô chỉ vào chiếc ghế gần đó, "Đứng mãi thế mỏi chân đấy".
"Cô cứ mặc tôi", Trần Phú cười, mắt tranh thủ nhìn qua vài cuốn sách trên kệ.
Trần Phú nhìn sấp báo trên kệ, đột nhiên nhớ ra bài báo của cô hôm trước.
"Tôi đọc bài cô viết rồi", Trần Phú mở lời, "Chắc... cô gặp không ít rắc rối".
"Nhưng đó là việc của tôi, tôi vẫn phải làm thôi", Minh Nguyệt chỉ coi đó là việc nhỏ. "Nghĩ lại... tôi thấy thương phụ nữ nước mình".
Minh Nguyệt rơm rớm nước mắt khi nhớ lại hoàn cảnh khổ cực của nhiều người bà, người mẹ, và cả những người thiếu nữ cực khổ ở quê. Họ bị chà đạp, bị coi như rơm rác.
Tội nghiệp người phụ nữ bị đám cầm thú ấy thay nhau làm nhục. Trong hoàn cảnh ấy, hẳn chị ấy khổ lắm.
"Nếu người vợ đó là tôi, tôi thà tự cắn lưỡi chết cho rồi khi bị làm nhục...", Minh Nguyệt buông câu ngán ngẩm khi nghĩ tới cái khung cảnh bi thương ấy.
"Cô... đừng nghĩ như thế".
Trần Phú chẳng biết phải nói gì.
Anh hiểu vì sao Minh Nguyệt nghĩ như thế. Cô là phụ nữ, phẩm hạnh, trinh tiết là điều được đặt lên hàng đầu. Nhưng điều đó không phải chỉ thể hiện qua... một số thứ.
"Cô biết đấy, người có lỗi trong chuyện này không phải người phụ nữ. Nên... người cần phải chết là đám súc sinh kia mới đúng", Trần Phú run run giọng khi nhắc tới cái đám khốn nạn ấy.
"Tôi hiểu chứ. Nhưng anh biết lời ra tiếng vào, dị nghị... Khó sống lắm. Cái chết... như sự giải thoát khỏi khổ đau thôi", Minh Nguyệt cúi đầu, xót xa cho cái phận nước chảy bèo trôi của người phụ nữ An Nam.
"Đáng ra... chúng ta phải thông cảm với những người phụ nữ ấy nhiều hơn. Người đáng bị lên án là đám đàn ông", Trần Phú cố nén sự căm phẫn vào trong. "Nếu vợ tôi... gặp cảnh bi thương như thế. Tôi sẽ yêu thương cô ấy gấp trăm nghìn lần hơn trước. Nếu cô ấy chết, tôi hẳn... sẽ thấy có lỗi lắm, vì chẳng giữ được vợ mình ở bên".
Minh Nguyệt ngước mắt chăm chú nghe anh nói. Người có tư tưởng tiến bộ như Trần Phú thật đáng ngưỡng mộ. Không phải người đàn ông nào cũng nghĩ được như anh...
Đâu ít kẻ thấy vợ bị sàm sỡ, chọc ghẹo mà về nhà mắng chửi ngược lại vợ. Đám đàn ông vô dụng ấy vẫn còn nhan nhản ở nước ta.
Người như anh Phú... thật hiếm thấy.
"Người có tư tưởng như anh... không dễ gặp đâu", Minh Nguyệt nhìn anh đầy ngưỡng mộ.
"Có học chút là đều hiểu điều này mà", Trần Phú khiêm tốn.
Minh Nguyệt thoáng có chút rung động khi nghe những lời ấy. Trái tim cô như đập nhanh hơn khi cái ánh đến dầu mù mờ chỉ khiến cô nhìn được một phần gương mặt anh, trong không gian chỉ có hai người họ.
"Anh muốn thì cứ lấy mà đọc. Đằng nào cũng không làm gì", Minh Nguyệt hướng mắt vào mấy cuốn sách sau lưng anh, cố gắng lấy lại nhịp đập trái tim bình thường. "Pháp văn, Anh văn, Việt văn có hết đấy".
Trần Phú nhìn một lượt sách. Quả thật đúng là hiệu sách ở Hà Nội có khác, gì cũng có. Tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung đều đủ cả. Thậm chí những tiểu thuyết phương Tây với tư tưởng hiện đại còn nhiều hơn những tiểu thuyết Trung Quốc.
"Nhà cô... đủ sách phết nhỉ?" Trần Phú cầm cuốn Eugénie Grandet của Balzac lên. "Những thứ này ở gần trường tôi ngày trước chẳng bao giờ mua được".
"Vậy sao?" Minh Nguyệt ngạc nhiên, cô cứ ngỡ hàng sách nào cũng phải đủ tất cả các đầu sách cần thiết cho học sinh tham khảo cơ chứ. "Bọn học sinh trường Sinh Từ, Albert Sarraut (*) với trường Bưởi hay qua đây hỏi sách, nên cậu tôi cũng bán đủ cả".
"Hiệu sách gần trường tôi ngày xưa chỉ bán tiểu thuyết Trung Quốc và kiếm hiệp cũ", Trần Phú nhớ lại cái thời khó khăn tìm mua sách ở Huế. "Muốn mua tiểu thuyết văn học cổ điển phương Tây hoặc sách báo để học, chúng tôi toàn phải góp tiền để mua ở các hiệu sách ngoài Hà Nội hoặc trong Sài Gòn rồi nhờ chuyển vào".
"Nghe rắc rối nhỉ", Minh Nguyệt chép miệng vì cái sự học khó khăn được người thanh niên kia kể. "Chắc tại gia đình tôi bán sách nên tôi không hiểu cái cảnh đó".
Trần Phú nhìn loạt sách của các tác gia kinh điển như Victor Hugo, Alexandre Dumas hay Honoré de Balzac lại không nhịn nổi mà cầm lên đọc. Khi còn học ở trường Quốc học, anh có thể đọc một cuốn sách dày của Balzac chỉ trong một đêm. Trần Phú đọc tới mức quên ăn quên ngủ.
"Anh lấy một cuốn về mà đọc", Minh Nguyệt khẽ cười khi để ý sự say sưa của anh với những trang sách. "Đọc xong rồi trả lại tôi".
"Vậy mà cũng được ấy hả?" Trần Phú ngạc nhiên vì sự hào phóng của cô.
"Tôi vẫn cho mượn chịu kiểu vậy mà", Minh Nguyệt nói dối để anh không áy náy khi mượn sách, chứ thường ai muốn vào đây cũng phải có tiền mới được đọc những cuốn sách kinh điển này.
Trần Phú lướt qua kệ sách. Có cả Truyện Kiều bằng chữ Quốc ngữ lẫn chữ Pháp. Người dịch là Nguyễn Văn Viễn.
"Có cả Kim - Vân - Kiều tiếng Pháp luôn sao?" Trần Phú ngạc nhiên. "Đây là món quà đầu tiên tôi nhận được khi sang nước ngoài. Tôi vẫn rất nhớ. Người dịch giả này tôi thấy rất tài tình mới dịch sang thứ tiếng khó như tiếng Pháp".
Minh Nguyệt không nói gì, chỉ mỉm cười sau khi nghe người ta khen cậu mình. Cậu cô không giỏi thì ai giỏi vào đây nữa.
"Anh thích thì cầm về mà đọc. Riêng sách đó tôi tặng", Minh Nguyệt nói to hơn để anh nghe rõ, vì anh đã đi sang đến cái kệ nào rồi cô còn chẳng biết.
"Cậu cô cho đó hả?" Trần Phú thắc mắc không thôi gì nãy giờ Minh Nguyệt toàn cho mà chẳng bán tí gì.
"Giờ hiệu sách sang tên cho tôi rồi, tôi muốn bán kiểu gì chẳng được", Minh Nguyệt tiếp tục đọc Fourier rồi trả lời Trần Phú.
Trần Phú trở lại nơi Minh Nguyệt đang ngồi. Anh cầm theo cuốn Truyện Kiều được dịch sang tiếng Pháp rồi ngồi xuống gần đó, đọc cặm cụi để chờ cơn dông qua.
Cả hai ngồi đọc sách trong bình yên tới mức quên cả sấm chớp và gió giật phía ngoài.
"Cô học ở Pháp về, chỉ ở hiệu sách rồi viết báo như thế... không sợ bị chê tầm thường hả?" Trần Phú thấy lạ khi người phụ nữ đối diện anh không có vẻ gì là... quá tham vọng.
"Tôi muốn làm những nghề tự do", Minh Nguyệt gấp sách lại rồi trả lời say sưa. "Giờ đi dạy là phải dạy theo kiểu của Pháp, làm công chức Pháp thì kể cả anh học giỏi tới đâu mà anh là người Việt Nam, lương anh cũng không cao bằng tên cảnh sát quèn học vấn không bằng phân nửa mình".
"Thế nên tốt nhất, tôi tự làm chủ của chính mình, tự làm việc độc lập, không bị ai kiểm soát", Minh Nguyệt dùng giọng nói đầy tự tin để trả lời về ước mơ của cô. "Ít nhất là tôi được làm theo ý tôi, dù đương nhiên sống ở cái thời đại này kiểu gì cũng bị đám Pháp kiểm soát ít nhiều".
Trần Phú nể cô vì suy nghĩ này. Minh Nguyệt không muốn chịu bất kỳ cái tầng kiểm soát nào. Cô muốn độc lập - tự do. Cô cũng chẳng tham vọng kiếm nhiều tiền. Miễn là cô được làm điều cô muốn.
"Dân tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc", Minh Nguyệt dùng chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn để lý giải thêm. "Nhưng cái tiền đề quan trọng nhất là dân tộc độc lập đã không có rồi thì... lấy đâu mà tự do với hạnh phúc".
Trần Phú tiếp tục ấn tượng vì khả năng nhận định chính trị sắc sảo của cô. Cô đặt nhiệm vụ dân tộc lên hàng đầu, sáng suốt như thể từng học ở trường Phương Đông.
Ông Nguyễn Ái Quốc mà biết tới Minh Nguyệt sớm hơn, chắc ông cũng đã đưa cô đi học ở Moscow rồi. Tư tưởng của cô khéo còn giống ông Quốc hơn cả anh nữa.
"Hà Nội vào hè sẽ dễ có dông", Minh Nguyệt thở dài khi cơn mưa vẫn chưa chịu ngớt. "Anh nhớ cầm ô theo".
"Cô thích mưa không?" Trần Phú hỏi bâng quơ.
"Tôi chỉ thích mưa vừa thôi, chứ dông như vậy tôi khá sợ", Minh Nguyệt dường như nhớ lại kỷ niệm không hay về trời dông này. "Ngày những người bạn của cậu tôi bị đày đi Côn Đảo, hôm đó dông cũng to lắm".
Bạn của cha cô bị đày đi Côn Đảo sao? Họ chẳng lẽ là những chí sĩ yêu nước? Cha cô là một trong số đó ư?
Trần Phú tự đặt trong đầu anh nhiều câu hỏi về gia đình cô, nhưng anh không dám hỏi... Anh sợ những câu hỏi ấy vượt quá thân phận của mình.
"Anh nhớ để ý sức khỏe nhé", Minh Nguyệt đã để ý được mấy cái hạch nổi trên cổ anh bằng một cách nào đó. "Đi khám đi".
Trần Phú đưa tay lên cổ theo thói quen. Bệnh về đến Việt Nam lại tái phát... anh cũng chẳng biết có phải ông trời như trêu ngươi anh không.
"Còn trẻ đã bị bệnh phổi, sau này đến mùa lạnh khổ lắm", Minh Nguyệt thở dài, dường như thấy tội nghiệp cho hoàn cảnh của người thanh niên trước mặt.
Trần Phú cúi đầu, thoáng buồn cho cái hoàn cảnh của mình.
"Nếu anh cần tìm bác sĩ, tôi có một người bác sĩ rất tốt. Bạn rất thân của cậu tôi", Minh Nguyệt nhớ tới bác sĩ Vũ Đình Tụng, một bác sĩ xuất thân công giáo thường xuyên gặp gỡ cậu cô. Đó cũng là người cô rất kính nể.
"Cảm ơn cô, khi nào cần tôi sẽ nhờ", Trần Phú mỉm cười.
Cơn gió ngừng đập vào cửa, mưa đã ngớt ngớt. Minh Nguyệt ra mở cửa để xem tình hình thời tiết.
Giờ chỉ còn mưa lây phây, vẫn đi bộ về nhà được.
"Ngớt rồi đấy", cô nhìn Trần Phú cùng nụ cười vui vẻ khi mưa đã dần tan.
"Về thôi, tôi phải đóng cửa rồi. Bọn Pháp không cho mở cửa hàng muộn đâu", cô nháy mắt với anh.
Cô cũng không hề muốn nghe theo lời chúng, nhưng cân nhắc thiệt hơn thì phải như vậy. Dẹp hiệu sách thì còn khổ hơn, cô hết nơi để... nói chuyện cách mạng với đám sinh viên.
Hàng sách quả là nơi ẩn nấp lý tưởng cho mấy thứ này.
Anh bước ra khỏi hàng sách, nhìn cô đóng cửa rồi khóa hai lớp khóa thành thạo. Công việc này quả là hợp với cô, dù đáng ra cô có thể làm được nhiều hơn thế nếu ở nước ngoài. Nếu ở Tây, cô có thể đã là nhà văn, nhà báo đầy triển vọng rồi.
Cơn mưa đã không còn dữ dội, chỉ để lại những một chút lây phây như giọt sương. Dông đến như gột rửa cả cái không khí oi bức trước đó của Hà Nội.
Sau khi cô làm xong việc, anh và cô đứng đối diện với nhau. Hai người tràn ngập những điều khó nói và không dám hỏi...
Đây là lần thứ ba anh gặp cô. Dù tất cả cuộc gặp gỡ của họ đều ngắn ngủi, nhưng nó để lại trong anh ấn tượng rất sâu sắc.
Cô gái Hà Nội với tinh thần dân tộc... có lẽ vì đây là người đầu tiên anh thấy, nên trong mắt anh, cô để lại trong anh điều gì đó... khó tả.
"Tôi phải về rồi", cô lên tiếng trước. "Nhà tôi ở Hàng Bông".
"Ta đi cùng đường", anh cũng chưa muốn... thôi gặp cô. "Để tôi tiễn cô một đoạn. Phụ nữ không nên đi một mình tầm này".
Cô ngạc nhiên vì lần này anh lại là người đề nghị. Chàng trai cương nghị với những câu hỏi kỳ cục giờ đã biết...
Mà thôi, cô không nên ảo tưởng. Là anh lịch sự thôi. Cứ nghĩ thế đi cho đỡ phải thất vọng.
Hai người đi song song cạnh nhau. Giờ cô mới để ý, anh cao hơn cô chỉ một chút, chứ không cao hơn cô nhiều như tên Lucien. Anh cũng không nồng nặc mùi nước hoa như cái tên thực dân đó.
"Anh tên Quý, phải không?", cô cố phá vỡ bầu không khí im lặng giữa hai người.
Trần Phú đã quen với cái tên bí danh đó, nên chỉ gật đầu. Phú, quý, toàn những thứ xa hoa. Tên anh, dù là tên thật hay tên giả, đều là ước mơ của nhiều người Việt Nam.
"Anh nói giọng miền Trung", cô chặc lưỡi. "Chắc anh sinh ra ở đó".
Anh không nói gì, những thứ liên quan đến xuất thân anh luôn phải giấu kín.
Cô có vẻ đã làm quen với cái sự lầm lì ít nói của chàng thanh niên này, nên cô không bắt anh phải lên tiếng gì cả. Anh không hỏi cô kỳ cục là tốt lắm rồi.
Ở Pháp, Lucien luôn là tên ba hoa lắm lời khi đi với cô, còn bây giờ lại ngược lại, cô là người nói nhiều khi đi với chàng trai này.
Nhưng anh có vẻ không thấy khó chịu với điều đó.
"Báo đây, báo mới đâyyyyy", thằng bé bán tờ Hà Thành ngọ báo, Phụ nữ Tân văn, Nam Phong tạp chí đi ngang qua cô, mời cô mua. Như thường lệ, cô lại hào phóng lấy 2 tờ Ngọ báo, mua cả cho anh một tờ, chẳng có mấy tiền.
Cô dặn thằng bé về sớm, vì đi giờ này rất nguy hiểm, chưa kể còn vừa mưa xong.
"Việt Nam Quốc dân Đảng", cô đọc to những từ ngữ ở trang nhất. "Không lạ".
"Dông tố của đất nước. Cơn dông đến đúng lúc thật đấy", Minh Nguyệt nhìn lên bầu trời xám xịt.
Trần Phú thở dài. Không khí ở nước ta giờ đang thật nặng nề... kể từ sau khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại.
"Khi tôi rời Pháp, đại khủng hoảng bắt đầu", cô kể chuyện, anh cũng chưa từng được nghe những điều này, nên có vẻ chủ đề này đã thu hút sự chú ý của chàng tổng bí thư tương lai. "Hàng ngàn người thất nghiệp xếp hàng chờ trợ cấp".
"Giáo sư tôi thậm chí tiên đoán trước điều này", cô nhớ tới giáo sư Cartier. "Chẳng qua nó đến sớm hơn ông nghĩ".
"Giáo sư cô có vẻ rất uyên bác", anh vẫn muốn nghe thêm, vì điều này cũng rất quan trọng để anh xây dựng bản luận cương. Biết về chính quốc là điều cần thiết.
"Giáo sư tôi nói rằng, việc chủ nghĩa tư bản đẩy cao sản xuất hàng hóa, bóc lột thuộc địa để khai thác quá mức sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa", cô nhắc lại lời giáo sư Cartier nói. "Hàng hóa không thể bán, kinh tế suy thoái, nên chúng sẽ tiếp tục bóc lột thuộc địa, và anh nhìn nước ta đấy..."
Cô nói đúng. Chính sách kinh tế của thực dân Pháp giờ còn hà khắc hơn nữa, chứ chưa nói đến những chính sách chính trị khủng bố đối với phong trào yêu nước. Đời sống nhân dân càng ngày càng cơ cực. Biết bao nhiêu sưu thuế bị áp lên họ, cuộc sống đã khốn nạn giờ còn khốn nạn thêm.
Minh Nguyệt có lẽ không hiểu được điều đó, cô không phải những người chịu ảnh hưởng trực tiếp như những người nông dân, công nhân. Nếu có, thì ảnh hưởng cũng không thể nhiều bằng những người khốn khổ đó được.
Sớm muộn, cao trào kháng chiến cũng sẽ diễn ra...
Anh sởn da gà, tự nhiên khát vọng đấu tranh sục sôi trong anh. Anh lại biết mình sẽ viết gì trong bản Luận cương sắp tới.
Dù mới gặp cô lần thứ ba, nhưng cảm xúc về anh trong cô đã có nhiều sự thay đổi... Anh chưa từng cảm nhận được những thứ xúc cảm này bao giờ.
Anh nhìn người phụ nữ đi cạnh anh, một trường hợp đặc biệt anh chưa từng thấy bao giờ. Anh cũng chẳng biết gì về cô, và cô thì càng không biết gì về anh, ngay cả cái tên cũng không biết...
Nhưng cô đã khiến anh có nhiều suy tư, nhiều hoài nghi về những gì anh đã đi qua.
"Cô về nhà hả?" Anh hỏi cô một câu đầy vô tri. Cô không về nhà thì còn đi đâu nữa...
"Tôi không về nhà thì chẳng lẽ đi hẹn hò với anh", cô trêu anh khiến tai anh bỗng đỏ bừng lên một cách khó hiểu.
May mà trời tối và anh đội mũ, nên cô không nhìn thấy. Không thì cô sẽ còn trêu anh nhiều hơn nữa. Người đáo để như cô thì dám lắm.
Từ ngày đến Hà Nội, đây là lần hiếm hoi anh được thấy bình yên thế này. Cảm giác vô lo vô nghĩ, chỉ tận hưởng cuộc sống thôi... đúng nghĩa là được sống.
Cuộc sống cách mạng đã khiến tâm hồn anh già hơn nhiều so với tuổi, bỏ qua tất cả những thứ cảm xúc rung động mới lớn, bỏ qua tất cả những khoảnh khắc yên bình khi liên tục phải nghĩ ngợi, khắc khoải vì những đường lối cứu nước.
Cuộc sống của anh liên tục học và đấu tranh, rồi lại đấu tranh và học.
Anh không có cái thứ cảm xúc nào được xem là riêng tư hết, cho đến hôm nay... Anh tự nhiên anh thấy anh có cái gì đó thật sự chỉ là của riêng mình thôi...
"Cô có nhớ Pháp không?" Trần Phú trộm nghĩ có khi nào nhìn đất nước lầm than, cô lại nhớ những ngày bình yên ở Paris không...
Paris hoa lệ như thế mà, những bữa tiệc xa hoa rồi hội hè miên man, làm sao lại có ai không thấy thích được.
"Anh hỏi tôi nhớ Paris không ấy hả, kỳ thực là không", cô nhìn lên trời, mỉm cười, những ánh sao đã dần xuất hiện. "Tôi có nhớ những khoảnh khắc ở Paris, tôi nhớ những lần giấu mấy tờ báo Le Paria của Nguyễn Ái Quốc xuống gầm tủ, nhớ mấy lần hỏi về công xã Paris quá nhiều đến mức giáo sư Cartier nổi khùng..."
Cô tự nói xong rồi tự bật cười. Anh cũng cười theo cô từ khi nào chẳng hay. Cô như mang theo cái năng lượng tích cực nào đó thật khó lý giải...
"Anh nên cười nhiều hơn", cô kịp nhìn nụ cười hiếm hoi của anh.
Trần Phú không biết mình đang cười ngây ngốc, nghe cô nói xong anh ngượng ngùng trở lại cái vẻ mặt nghiêm túc. Thật là xấu hổ mà.
"Anh thì sao? Trải nghiệm của anh với Trung Quốc thế nào?" Minh Nguyệt cũng tò mò về cuộc sống của anh ở Châu Âu, cô mới chỉ đặt chân tới Châu Âu, chứ những nước gần hơn ở Châu Á, cô hoàn toàn chẳng biết gì hết.
Lần đầu có người phụ nữ hỏi anh về cuộc sống ở nước ngoài. Trần Phú nghĩ ngợi một lúc rồi trả lời những thứ rất chung chung.
"Tôi chỉ thấy lạnh", Trần Phú nhớ lại những tháng ngày khó quên ở Trung Quốc. "Trời lạnh với người bị phổi như tôi không khác gì cực hình".
"Tôi hiểu", Minh Nguyệt đồng cảm với những điều anh đã trải qua. "Con người nhiệt đới như chúng ta thật khó chịu lạnh được".
"Lạnh như ở Việt Nam tôi vẫn còn chịu được, nhưng xuống sâu tới vài chục âm độ thì...", Trần Phú dường như vẫn còn ám ảnh không thôi với cái kiểu thời tiết khắc nghiệt ấy. So với cái lạnh cắt da cắt thịt ở Nga, rõ ràng cái nóng của Hà Nội vẫn hơn.
"Hà Nội vào đông cũng lạnh lắm đây. Anh nên cẩn thận thì hơn", Minh Nguyệt mỉm cười dặn dò anh. Nhưng cũng còn tới 6 tháng nữa mới vào đông, Hà Nội mùa này chỉ sợ nhất là những cơn dông bất chợt mà thôi. "Hồi ở Paris cứ trời lạnh là tôi nhớ nhà chết đi được. Nhưng cứ nghĩ tới cái cảnh về là phải lấy chồng, tôi lại bớt nhớ".
Minh Nguyệt tự bật cười với chính câu đùa của mình. Trần Phú cố tỏ ra lạnh lùng nhưng không được. Cô cũng thật hài hước.
"Cô sợ lấy chồng đến vậy hả?" Trần Phú không khỏi thắc mắc về điều này. Minh Nguyệt trông cũng... không ít tuổi quá đâu, đi học ở Pháp về hẳn cũng chẳng thể nào đang ở cái tuổi 18-20 được, vậy mà chẳng gấp gáp gì chuyện gia đình, trái lại còn sợ việc lấy chồng.
"Càng biết nhiều về thế giới, tôi càng tin chắc rằng mình không bao giờ gặp được một người đàn ông tôi thực sự có thể đem lòng yêu. Tôi yêu cầu rất nhiều đấy", Minh Nguyệt nói một tràng dài khiến Trần Phú có phần... hơi thấy tiêu cực một chút. Chẳng lẽ cô mất niềm tin đến vậy vào phái kia sao?
"Trích Sense & Sensibility, Jane Austen", Minh Nguyệt nói nốt phần còn lại.
Ra là câu nói này nằm trong một cuốn sách. Anh chưa từng nghe tới cuốn tiểu thuyết này bao giờ. Lý trí và Tình cảm sao? Chắc hẳn không phải tiểu thuyết Pháp hay Nga gì đó rồi.
"Nếu cô cứ tìm kiếm sự hoàn hảo, cô sẽ không bao giờ hạnh phúc đâu", Trần Phú ngẫm nghĩ một lúc để tìm một trích dẫn khác phản bác lại trích dẫn của cô. "Trích Anna Karenina, Lev Tolstoy".
Minh Nguyệt nhìn anh đầy ấn tượng. Cái người đàn ông cương nghị này cũng thật biết cảm nhận văn học. Anh còn biết tới cả văn học Nga nữa luôn cơ đấy. Cô từng đọc Anna Karenina, đặc biệt ấn tượng với cách xây dựng nhân vật của Lev Tolstoy. Tiểu thuyết của Tolstoy có vẻ phù hợp với những người như anh.
"Đáng khen cho khả năng cảm nhận văn học của anh", Minh Nguyệt khen ngợi. "Lời khen thật lòng từ cựu sinh viên văn học ở Paris".
Trần Phú có phần hãnh diện vì được cô gái học hành văn chương bài bản này khen.
"Ngày xưa đi học tôi cũng giỏi môn Pháp văn lắm", ký ức những ngày mài quần ở trường Quốc học như đang hiện về rõ mồn một trong đầu anh. "Cuốn sách đầu tiên tôi nhận được là cuốn Sans famille của Hector Malot".
"Tuổi thơ của tôi lại là La Fontaine", Minh Nguyệt nhớ lại những câu thơ ngụ ngôn mà chính cậu cô dịch. "Tôi đọc cả kịch Molière nữa".
"Cô thích văn của ai nhất?" Trần Phú chẳng mấy khi gặp được cô gái có điểm chung về niềm đam mê Pháp văn với anh, nên lại càng muốn tiếp tục nói chuyện về văn học với cô.
"Balzac", Minh Nguyệt trả lời không cần suy nghĩ lâu. "Tôi thích Eugénie Grandet lắm".
"Cô giống tôi. Tôi cũng thích nhất là Balzac, và cả Hugo nữa", Trần Phú ngạc nhiên vì không nghĩ người như Minh Nguyệt lại thích văn học hiện thực trần trụi của Balzac chứ không phải mấy cuốn tiểu thuyết lãng mạn.
"Nếu anh ở Pháp lâu như tôi, anh sẽ càng yêu văn Balzac hơn", Minh Nguyệt nhìn anh, ánh mắt ngập tràn niềm đam mê văn học không giấu giếm nổi. "Mà thật ra ngay ở Việt Nam cũng thấy mà"
"Cô lạ thật đấy. Tôi cứ nghĩ cô phải thích Dumas với La Dame aux camélias, không nghĩ cô lại thích văn học ít cái đẹp như của Balzac", Trần Phú không khỏi cảm thán với cô gái hiếm gặp này.
"Không phải tự nhiên tôi đi làm nhà báo chứ không phải nhà văn đâu, anh giáo ạ", Minh Nguyệt cười khi anh cứ ngạc nhiên về cái gu đọc của cô nãy giờ.
"Kể cũng đúng", Trần Phú giờ đã thấy liên hệ giữa công việc cô làm cùng với sở thích đọc sách của cô rồi.
"Mà nói vậy thôi, tôi không lấy chồng không phải vì chê người ta đâu", Minh Nguyệt thanh minh. "Người tôi quen, thường gọi là bà Cả Mọc, lấy chồng xong khổ quá. Nhìn vậy tôi chẳng muốn chồng con gì nữa".
"Bà ấy khổ thế nào vậy?", Trần Phú thắc mắc.
"Bà Cả Mọc, chị anh Hoàng Đạo Thúy bạn của tôi, là con gái cả cụ cử nhân Hoàng Đạo Thành, từng tham gia phong trào Duy Tân cùng cậu tôi", Minh Nguyệt bắt đầu kể chuyện. "Đến tuổi lấy chồng, bà Cả Mọc cũng nhận lời làm vợ một chàng trai ở làng Hạ Đình. Nhưng ông ấy... mất sau khi cưới mấy năm. Hai ông bà chưa kịp có người con nào. Lúc đó bà ấy mới hơn 20".
Minh Nguyệt thở dài khi kể câu chuyện của bà Hoàng Thị Uyển. Cả khu phố cổ không ai không biết.
"Bà ấy không tái giá sao?", Trần Phú hỏi.
"Không. Bà ấy ở vậy đến tận giờ. Sau khi chồng chết, cha chồng cũng chết. Mẹ chồng bà ấy quẫn trí, hành hạ con dâu trẻ đủ đường", Minh Nguyệt thoáng buồn khi nhắc tới thân phận người con gái của nhà Nho Hoàng Đạo Thành. "Bà Cả phải vào chùa ở. Nhưng mẹ chồng thấy con dâu bỏ đi lại càng phẫn uất. Bà ấy phải quay lại chăm sóc mẹ chồng. Cũng may sau bà mẹ chồng không đay nghiến bà cả nữa".
"Cũng không phải ai cũng khổ. Nhưng phụ nữ lấy chồng... như canh bạc nhỉ", Trần Phú chép miệng. Anh nhớ tới mẹ mình, dù cha anh là người chồng rất tốt, nhưng rồi bà vẫn phải chịu cái cảnh góa bụa vì chồng thắt cổ tự tử trước công đường... "May thì gặp người tốt và chung sống hết đời. Nhưng nếu hẩm hiu thì..."
"Tôi luôn dặn em tôi sau này nếu lấy vợ thì phải đối xử tốt với vợ", Minh Nguyệt kể chuyện gia đình.
"Anh đi bộ tới gần 2 cây số, không nhiều thanh niên kiên trì đi bộ được như vậy đâu", Minh Nguyệt khen ngợi cho tài đi bộ của anh.
"Cô cũng vậy mà. Ngày nào cũng đi bộ", Trần Phú cũng thoáng ngạc nhiên với thói quen di chuyển kiểu... người nghèo của cô.
"Tôi thích đi bộ lắm", Minh Nguyệt cười. "Hỏi cưới tôi mà lấy ô tô ra để khoe là tôi đuổi về luôn"
"Cô lạ thật đấy".
"Sắp đến nhà tôi rồi, anh có thể về từ đây", cô dừng lại khi đã đến đầu đường Hàng Bông. "Rất vui được gặp lại anh".
Cô nói thật đấy, cô rất vui vì được gặp lại anh. Dù anh chẳng nói gì, chỉ toàn là cô ba hoa.
"Cô đi trước đi, nếu cô ngại bị thấy đi cùng đàn ông...", Trần Phú tinh ý. Anh biết cô là người phụ nữ chưa có gia đình, nên nếu bị để ý đi cùng người khác giới có vẻ không hay. Thế nên anh dừng lại để cô vào hẳn nhà trước rồi anh sẽ đi sau.
"Vậy... Tôi về", cô nhìn anh, ánh mắt như vẫn còn muốn hỏi anh thật nhiều câu hỏi nữa mà chẳng biết nên hỏi không. "Anh đi cẩn thận nhé".
Đang đi được nửa đường, cô bỗng quay lại đứng đối diện với anh. Trần Phú khó hiểu, không biết cô muốn nói gì nữa đây?
"Anh đứng đây đợi tôi 2 phút".
Cô nói xong rồi nhanh chóng chạy vào nhà. Như một cơn gió. Không còn thuỳ mị nết na gì nữa.
Trần Phú đứng đợi Minh Nguyệt trong khoảnh khắc ngắn ngủi, lòng anh bỗng dưng trào dâng một cảm xúc lạ lùng. Anh không biết đó là gì, chỉ biết rằng anh cảm thấy vô cùng thoải mái và bình yên khi ở bên cô.
Chỉ chưa tới 2 phút, cô đã cầm ra mấy thứ gì đó anh cũng chẳng hiểu. Hình như là mấy thứ lá lạ lùng anh chưa thấy bao giờ.
"Nhà tôi còn mấy thứ lá Đông y gì đó không dùng nữa, vì giờ tôi bắt cả nhà chuyển qua thuốc Tây hết rồi. Ở đây có lá Phượng vĩ thảo, anh cầm về đun mà uống", cô bỏ hết lá vào một chiếc túi rồi đưa anh. "Tôi cũng chẳng phải lang y gì đâu, lá gì có tác dụng gì tôi cũng chẳng biết. Nhưng anh bị bệnh tràng nhạc dễ tái phát, uống được gì bổ thì uống".
Trần Phú ngạc nhiên vì cô lại giúp đỡ anh nhiều như thế, dù họ mới gặp nhau 2 lần.
"Cô..."
"Coi như dùng hộ tôi", Minh Nguyệt dúi vào tay anh, không để anh từ chối. "Phải giữ sức khỏe mới làm được việc".
"Sao cô tốt thế?" Trần Phú không nhịn được mà hỏi cô. "Tiền nhà không lấy, bút cũng cho tôi, giờ cả thuốc nữa?"
"Mới vậy mà đã là tốt rồi ấy hả?" Minh Nguyệt bật cười khi nhìn biểu cảm trên gương mặt anh. Chẳng lẽ chưa ai tốt với anh nhiều như vậy hay sao?
"Theo cô thế nào mới là tốt?", Trần Phú nheo mắt.
"Người với người giúp nhau có gì mà lạ. C'est L'Humanité", cô chơi chữ khi nhắc tới tờ báo cũ mình từng làm việc.
Trần Phú cũng thấy thú vị với suy nghĩ đơn giản của cô. Nếu ai cũng mang tư tưởng ấy thì thế giới đã chẳng có gì khổ đau.
Nếu ai cũng nhân đạo... đã chẳng có đám thực dân này đến dày xéo đất nước anh.
"Anh về đi không muộn", Minh Nguyệt nháy mắt tạm biệt với anh, nhìn cô... rất dễ mến. "Tôi vào đây", lần này, cô vào nhà thật, không quay lại nữa.
"Cô về đi", anh cũng lưu luyến nhìn sau bóng lưng cô.
Trong từng bước cô đi, mái tóc cô khẽ đung đưa đầy tinh tế. Anh chưa từng thấy mái tóc nào đẹp đến thế...
Trần Phú đứng lặng một hồi lâu, nhìn theo bóng hình cô khuất dần sau cánh cửa. Những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với cô đã khuấy động tâm trí vốn dĩ chỉ tập trung vào lý tưởng cách mạng của anh. Sự thông minh, thẳng thắn và lý tưởng của Minh Nguyệt khiến anh phần nào thấy cảm phục người phụ nữ này. Giữa những bộn bề khó khăn, nguy hiểm, giành giật sự sống, giây phút ngắn ngủi được trò chuyện với một người phụ nữ về những thứ rất riêng tư này thật xa xỉ...
Cái Mai đang chờ cơm Minh Nguyệt ở nhà. Con bé thương chị nhiều lắm, vì chị đi học xa nhà vất vả, nên luôn giành việc giúp đỡ chị cơm nước.
"Chị Nguyệt đã về", con bé mừng rỡ đón cô.
"Sao không ăn trước còn học mà đợi cơm chị", cô cười, ngồi vào mâm cơm rồi xoa đầu con bé.
Càng lớn, nó càng hiểu chuyện. Nó hiểu tình hình của đất nước, thậm chí cũng đã tâm sự về ý định bỏ học với cô, nhưng con bé biết cân nhắc thiệt hơn, nên quyết định nhẫn nhịn để lấy tấm bằng Tú tài.
"Em muốn nói chuyện với chị mà", con bé cười rạng rỡ.
Minh Nguyệt cũng từng có nụ cười đẹp như thế, nhưng càng trưởng thành, nét ngây thơ trong nụ cười lại càng dễ mất đi...
"Việc học của em thế nào?", cô vừa ăn vừa nói chuyện.
"Cả tháng nay em đi học, đứa nào cũng nói về khởi nghĩa Yên Bái của ông Nguyễn Thái Học", con bé Mai hào hứng. "Tất nhiên, đám giáo viên Pháp cấm nhắc đến, nhưng sau lưng đứa nào cũng xì xào".
Minh Nguyệt thoáng chốc mỉm cười vì học sinh, sinh viên Việt Nam giờ thật sự hiểu tình hình quốc gia. Cô biết thực dân Pháp chẳng thể che đậy được những gì chúng đang làm nữa đâu, nên sớm muộn chúng cũng sẽ phải chịu làn sóng đấu tranh lớn từ dân tộc Việt Nam thôi.
"Nghe đồn vợ ông Học vẫn chưa bị bắt", con bé Mai tiếp tục nói.
"Cô Giang", Minh Nguyệt nghĩ dù một người phụ nữ có là vợ ai đi chăng nữa thì cũng xứng đáng được nhắc tên.
"Phải, cô Giang", Mai gật gù.
"Vậy chị nghĩ sao?" Con bé như dò hỏi ý cô.
"Em hiểu mà, cậu mợ chúng ta vốn chống Pháp, cậu thà chết cũng không làm quan cho nhà Nguyễn", Minh Nguyệt nheo mắt. "Nên đương nhiên chị sẽ ủng hộ bất kỳ cuộc khởi nghĩa nào".
"Chị biết ông Nguyễn Thái Học không?"
Cô lắc đầu. Những gì cô biết về tiên sinh chỉ qua lời kể của người khác hay sách báo.
"Tiên sinh Nguyễn Thái Học hơn chị 3 tuổi", cô dù không biết rõ về anh Học nhưng vẫn sẽ kể những gì cô biết cho con bé Mai, để nó hiểu thêm về những sĩ phu yêu nước. "Ngày chị còn học ở trường Đồng Khánh, tiên sinh đã nổi tiếng vì chí khí khi từ chối học bổng của chính phủ bảo hộ rồi".
"Vậy sao?" Con bé ngạc nhiên, những thứ này có lẽ thế hệ của con bé sẽ không biết nhiều, vì thực dân Pháp cấm cản kể về những thứ này trong trường mà.
"Anh Học thậm chí gửi thư lên toàn quyền Toàn quyền Đông Dương hồi đó là lão Alexandre Varenne", cô tiếp tục kể. "Nhưng em biết đấy, đám thực dân làm gì có chuyện muốn đất nước này canh tân".
"Sau đó thì sao chị?"
"Lúc đó chị đi học ở Pháp, nên chị không biết được", cô chặc lưỡi. "Anh Học có lẽ cũng là người rất giỏi, nếu được học ở Pháp chị nghĩ anh sẽ tiếp thu được rất nhiều thứ, và sẽ có đường lối phù hợp hơn".
"Chị không cho rằng Việt Nam Quốc dân Đảng là cần thiết sao?" Mai ngạc nhiên vì chị mình yêu nước nhưng giờ đây lại cho rằng đường lối tiên sinh Nguyễn Thái Học đưa ra là không phù hợp.
"Nếu Tôn Dật Tiên còn sống, thì chị sẽ miễn cưỡng ủng hộ", cô nhắc đến lãnh tụ Tôn Trung Sơn của Cách mạng Tân Hợi 1911 để con bé hiểu thêm lý do. "Nhưng Tôn Tiên sinh đã mất được 5 năm rồi em".
"Chẳng lẽ Tôn Trung Sơn mất xong thì..."
"Vợ ông, bà Tống Khánh Linh, thậm chí còn đang phải lưu vong ở Moscow", cô càng nói con bé Mai lại càng ngạc nhiên. "Em nghĩ bản chất của Quốc dân Đảng có còn như xưa không?"
Có lẽ giờ con bé đã vỡ ra nhiều thứ. Nó vừa ăn nhưng có lẽ trong đầu cũng nhiều suy tư sau khi nghe chị mình nói.
Đường lối cứu nước đang thật sự khủng hoảng, và hiện tại, người duy nhất cô còn có thể đặt niềm tin là ông Nguyễn Ái Quốc mà thôi...
Trần Phú lẳng lặng bước về nhà. Con phố Phúc Kiến này sẽ gắn bó với anh ít nhất là vài tháng tới, và anh dự định sẽ không ở lại đây lâu.
Mùa hè tới, Trần Phú cùng những người đồng đội của anh sẽ tham gia phong trào vô sản hóa, lăn lộn với anh em công nhân ở các tỉnh lỵ, nên anh sẽ tạm xa thủ đô Hà Nội một thời gian, trước khi trở về hoàn thành bản luận cương.
Hôm nay Trần Phú không ăn tối. Anh quyết định làm việc, viết những trang đầu của bản luận cương, trước khi những thứ bộn bề khiến anh quên đi những điều quan trọng anh vừa nghĩ ra.
Anh cầm lấy cây bút mà cô Nguyệt vừa tặng. Đây xem chừng không phải chiếc bút rẻ, cô quả là biết nói dối. Chắc cô cũng hiểu người như anh thì lấy đâu ra chiếc bút tốt mà dùng, nên cô đã hào phóng tặng anh chiếc bút với vỏ kim loại sáng bóng màu đen này, dù đã có những vết xước vì để trong tủ lâu ngày không dùng đến.
Thôi thì phải có bút tốt mới viết trơn tru được. Anh sẽ không từ chối món quà này. Cô có phải thực dân Pháp đâu mà anh phải từ chối, cảnh giác.
Đấy là chưa kể cô còn dặn anh cẩn thận nữa kia mà. Cô Nguyệt thông minh hơn người, có lẽ cô đã đoán ra được phần nào anh là ai và đang định làm điều gì rồi.
Nếu cô Nguyệt là đàn ông, Trần Phú sẽ chẳng ngần ngại mà lôi kéo cô đi làm những công việc gian khổ nhất với anh. Nhưng cô là phụ nữ, làm sao có thể để tiểu thư như cô lăn lộn chịu khổ được.
Anh chỉ là không nỡ...
Qua khung cửa sổ, ánh trăng như chiếu sáng cho trang giấy của chàng Tổng bí thư tương lai soạn thảo những dòng đầu tiên của bản luận cương...
Trăng đêm nay thật sáng...
—————
(*): trường Albert Sarraut nay là trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip