Diễn biến tâm lý nhân vật Chí Phèo sau khi bị cự tuyệt quyền làm người.
Nam Cao là nhà văn có giá trị to lớn đối với nền văn học Việt Nam. Ông được biết đến là một nhà văn hiện thực phê phán, với ngòi bút sắc sảo, những sắc tác của ông luôn gần gũi với đời sống con người. Sinh thời, Nam Cao thường suy nghĩ về vấn đề "sống và viết"- một nhà văn cần phải có sự trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời, về con người sau đó mới có thể viết về những tác phẩm nghệ thuật. Nam Cao bắt đầu sáng tác từ năm 1936, nhưng đến tác phẩm Chí Phèo (1941) nhà văn mới khẳng định được tài năng của mình. Chí Phèo là một kiệt tác trong văn xuôi VN hiện đại, một truyện ngắn có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Dưới ngòi bút hiện thực, Nam Cao đã rất thành công trong việc khắc họa bi kịch kị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo.
"Bi kịch là tình cảnh éo le đầy đau thương, bế tắc chưa có lối thoát mà con người phải chịu đựng". Hiểu theo nghĩa ấy, số phận Chí Phèo là một chuỗi dài bi kịch, mà bi kịch sau bao giờ cũng đau đớn hơn bi kịch trước. Sau khi ở tù về, từ một thanh niên lương thiện, CP trở thành một kẻ vô tri bất lương, hóa thành con quỷ dữ trong làng Vũ Đại. Hắn đắm chìm trong những cơn say, trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi trong lòng những người đã từng truyền tay nuôi hắn lớn. Chỉ bởi vì cơn ghen vô cớ của Bá Kiến – người được xem là bộ mặt của xã hội thực dân phong kiến thời bấy giờ, điển hình cho những bất cập tồn tại có trong xã hội. – Chí Phèo bị đẩy vào nhà tù thực dân, xa đọa theo con đường lưu manh hóa. Thoát khỏi nhà tù thực dân, hắn liền trở thành tay sai của Bá Kiến và tiếp tục sống cuộc đời lưu manh, say xỉn và nghề rạch mặt ăn vạ của mình. Nhờ biện pháp nghệ thuật tăng cấp cùng cách sử dụng từ ngữ tinh tế và khéo léo, tác giả đã dễ dàng cho độc giả thấy được cơn đau quằn quại của Chí khi bị cự tuyệt quyền làm người thông qua tiếng chửi mở đầu tác phẩm. Chí chửi trời, chửi đời, chửi cả cái làng Vũ Đại, chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi cả đứa chết mẹ nào đã đẻ hắn ra. Ác liệt như thế, hung hăng như thế, ấy nhưng tiếng chửi của Chí chẳng được ai đáp lại ngoài ba con chó. Người ta không lên tiếng vì khinh, vì nghĩ hắn "chừa mình ra", vì hơn hết, không ai coi Chí là con người. Dường như chính bản thân hắn cũng nhận thức được điều ấy, Chí Phèo quyết đắm mình trong hơi men. Những cơn say dài của hắn tràn từ cơn này qua cơn khác, ngày này qua tháng nọ. Hắn ăn trong lúc say, thức dậy hãy còn say,.. chưa bao giờ hắn tỉnh. Tưởng chừng như cả đời này hắn cũng chẳng có lúc nào là tỉnh táo, mãi sống vật vờ kiếp thú vật rồi kết thúc bằng cách chôn thây nơi chẳng ai thấy, nhưng Nam Cao với ngòi bút nhân đạo đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời hắn, thay đổi cách suy nghĩ và cái nhìn của cả độc giả. Tác giả đã để cho Chí trở về sống kiếp người một cách tự nhiên. Ông đã soi rọi ánh sáng của tình thương vào tận sâu trong con người của con quỷ dữ làng Vũ Đại. Trong một đêm say, hắn gặp được Thị Nở - một người đàn bà xấu xí và quá lứa lỡ thì – bên bờ sông. Lần say rượu đặc biệt ấy cùng với trận ốm thập tử nhất sinh đã khiến Chí Phèo có những biến đổi mạnh mẽ về cả tâm sinh lí. Thêm nữa, chút tình thương yêu mọc mạc, chân thành của Thị Nở đã đánh thức bản chất lương thiện vốn có bên trong con người lầm lạc. Và đó là lần đầu tiên Chí tỉnh táo, lần đầu tiên Chí không loạn lạc trong cơn say.
Người ta sẽ đỡ khổ nếu không biết mình sống trong cái khổ. Người ta sẽ đỡ đau đớn khi bị tước đi quyền làm người mà không hề hay biết. Trước khi gặp thị Nở, Chí Phèo chưa nhận thức được tấn bi kịch của đời mình. Hắn nào biết cái cách người ta sản sinh ra hắn là tước đoạt dần quyền làm người của hắn đâu. Đoạn văn miêu tả tâm trạng của CP sau đêm gặp TN đã một lần nữa khẳng định được cái tài phân tích chiều sâu tâm lý nhân vật của Nam Cao. Khác với mọi lần tỉnh dậy sau cơn say, lần này Chí tỉnh, Chí thấy lòng chợt bâng khuâng "mơ hồ buồn". Sau bao năm, lần đầu tiên trong cuộc đời Chí tỉnh dậy, chợt nhận ra nơi căn lều ẩm thấp là ánh nắng ngoài kia rực rỡ biết bao, nghe thấy mọi âm thanh của cuộc sống: tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá trên sông, tiếng lao xao của người đi chợ bán vải về... Những âm thanh quen thuộc ấy hôm nào mà chả có, nhưng hôm nay Chí mới cảm nhận và nghe thấy, vì hôm nay Chí đã hết say. Phải chăng, những âm thanh ấy chính là tiếng gọi náo nức, thiết tha, tiếng gọi thôi thúc của cuộc sống đã vang lên rộn ràng trong tâm hồn vừa được khơi dậy của Chí... Bát cháo hành của thị Nở đã đánh thức trong Chí những tình cảm đã sớm bị lãng quên. Ăn cháo mà hắn thấy mắt ươn ướt. Nam Cao đã cho chúng ta biết được rằng, chỉ cần một sự thương yêu - dù là tình yêu của kẻ dở hơi, của một người con gái quá lứa lỡ thì, có dòng giống mả hủi, cũng đủ làm sống lại bản tính người đã chết. Sức cảm hóa của tình thương thật vô biên. Nam Cao đã thực sự hóa thân vào nhân vật để cảm thông, để chia sẻ những giây phút hạnh phúc rất người của Chí. Và đó là lần đầu tiên sau hơn hai mươi năm, Chí tìm lại được cho mình con đường trở về lẽ sống như một con người, và con đường ấy chính là Thị Nở. Thị có thể chấp nhận và sống chung với hắn thì làng Vũ Đại cũng có thể. Cứ ngỡ như đây sẽ là cái kết cho cuộc đời khốn mạt của chí, nhưng không, cái xã hội thực dân nửa phong kiến với nhưng luân lý vô thường ấy đã một lần nữa hắt hủi, tước đoạt đi quyền được sống, được thương yêu như một con người của Chí. Đương lúc Chí mơ về một tương lai tốt đẹp, thì bà cô của Thị - người đại diện cho những luân lý vô thường ấy – đã cấm Thị yêu đương bởi bà cho rằng "đàn ông đã chết hết rồi hay sao mà phải lấy một thằng không cha, không mẹ chỉ biết rạch mặt ăn vạ". Đây cũng chính là định kiến của xã hội nói chung và làng VD nói riêng về con người của CP, ai mà tin một thằng khốn nạn máu lạnh như hắn sẽ hoàn lương? Rồi cả Thị Nở, người đàn bà mà Chí đặt trọn trong lòng cũng nghe lời mà cô, dướn cái môi vĩ đại mà ném vào hắn bao lời chửi mắng. Từ đây, bi kịch cuối cùng - cũng là bi kịch lớn nhất của cuộc đời Chí Phèo bắt đầu. Đó chính là bi kịch bị chối bỏ, không ai cho chí trở thành người lương thiện. Chí không thể xóa được những vết sẹo trên mặt, trên cơ thể, không thể chối bỏ quá khứ về con quỷ trong thân, Chí đau xót cảm thấy: "không được nữa rồi chỉ còn cách này". Chỉ còn cách giết bỏ mẹ con thị Nở cùng cả nhà nó đi. Một lần nữa, Chí rơi vào cơn rượu, chỉ khác là lần này Chí càng uống càng tỉnh, càng uống lại càng nhận ra được tình cảnh khốn cùng của bản thân. Bước chân loạng choạng của Chí không dừng lại nơi người tình, mà là nơi kẻ đã khiến cuộc đời Chí trở thành cơn ác mộng. Chí đòi Bá Kiến sự lương thiện, chí đòi gã, cũng đòi chính bản thân mình. Hành động giết Bá Kiến và tự sát của Chí cho người đọc thấy cuối cùng rồi Chí cũng trả được mối thù. Nhưng cái giá phải trả của Chí là quá đắt. Cái chết của Chí là lời tố cáo mạnh mẽ đối với xã hội vô nhân, là lời kêu cứu khẩn thiết về quyền làm con người.
Chí chết, mồm ngáp ngáp trong vũng máu, nhưng Chí không tuyệt tự. Sức sống, sức mở và giá trị điển hình của nhân vật này là vô biên. Chí không chỉ đại diện cho nỗi khổ của người nông dân thời kì nước ta còn sống trong vòng nô lệ. Chí còn đại diện cho cái phần khùng điên khuất tối mà sinh ra trên cõi đời này, ai cũng có thể, nếu không biết tự kiềm chế và nếu bị các thế lực hắc ám "nuôi dưỡng".
Có thể nói, Nam Cao đã rất thành công trong việc khai thác nỗi khổ về mặt tinh thần, nỗi đau về thể xác của những người nông dân xưa. Kết hợp với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, ngôn ngữ giản dị, tự nhiên mà sống động càng làm tôn lên tài năng của Nam Cao. Qua tác phẩm, tác giả muốn gửi gắm lòng đồng cảm sâu sắc với bi kịch của nhân vật, niềm tin về bản chất hiền lành lương thiện của con người sẽ luôn còn đó. Hơn nữa, tác phẩm được viết lên như 1 lời kêu cứu, cứu lấy quyền làm người, cứu lấy quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc lứa đôi của con người.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip