[Ngoại truyện 5] Kiếp thứ ba: Mộng chiều xuân (1)

Soundtrack Ngoại truyện 5: Mộng chiều xuân – Lệ Thu

———

"Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung
Người yêu thoáng qua trong giấc mộng
Vui nguồn sống mơ
Những ngày mong chờ
Trách ai đành tâm hững hờ"

Sài Gòn, thập niên 60 của thế kỷ 20.

Chốn hoa thị được vang danh cái tên mỹ miều Hòn ngọc Viễn Đông này có khi nào biết ngủ? Ngày sang thì tấp nập, tối đến thì phồn hoa, đã từ bao giờ mà Sài Gòn trở thành thành phố đầy xa hoa và quyến rũ. Khi màn đêm buông xuống, ánh đèn nê-ông thay thế các bảng hiệu pa-nô làm nhiệm vụ mời chào, từ cả những ông Tây tóc vàng mắt xanh đến những người lao động tông lào ba lỗ. Sài Gòn là thế, có bao giờ biết chối từ ai đâu, miễn trong túi rủng rỉnh tiền thì cuộc vui nào cũng mời ngài đón ả.

Ở góc đường Tự Do – xưa là đường Catinat đắc địa một thời – ai đi ngang qua cũng kiềm lòng không đặng mà ngoái nhìn tòa khách sạn hoành tráng nhất đất Nam Kỳ: Continental Palace, hay còn có tên tiếng Việt là Đại lục lữ quán. Có ngoa tẹo nào đâu khi một phóng viên người Mỹ nọ đã không tiếc những lời bay bướm để miêu tả: "Nơi đây là Grand Lady của các khách sạn Sài Gòn". Kiến trúc khách sạn được xây dựng theo lối Châu Âu cổ, có sòng bài luôn hoan nghênh các vị chủ đồn điền, thương nhân, lại có những ngọn đèn chùm rực rỡ để phô diễn lên cái nét cao sang và thanh lịch của các quý ông, quý bà.

Buổi tối tháng giêng năm nay cũng giống như mọi buổi tối thông thường. Tại không gian của nhà hàng La Fayette thuộc khuôn viên khách sạn, những món ăn kiểu Pháp được trang trí tinh tế và cầu kỳ liên tục được dọn lên, rượu sâm-panh được phục vụ những vị khách có gia thế và tài sản. Bữa tối càng thêm phần sang trọng với giai điệu du dương của nhạc phẩm 'Mộng chiều xuân', được trình bày bởi giọng ca có chút ngọt ngào, lại có chút tình ý của nữ ca sĩ Hồng Nhung nổi danh lúc bấy giờ.

Những nụ hôn phớt trên mu bàn tay thay thế cho lời chào lịch lãm, những nụ cười lả lơi hòa nhã, những làn khói xì gà Cuba loại đắt tiền chỉ dành cho giới thượng lưu, Kha Vũ đã sớm quen với thế giới đầy xa hoa giả tạo này. Cậu nhìn dĩa bít-tết tái chín với một màu hồng đẹp mắt, ly sâm-panh vàng nhạt và sóng sánh bọt li ti, và cả người đàn ông phía đối diện mà cậu gọi là ba.

Kha Vũ bần thần, đã bao lâu rồi cậu chưa gặp ba ấy nhỉ? Bảy năm, tám năm, hay chín năm? Kha Vũ không nhớ.

Không một cú điện thoại, không một lá thư, không một chuyến thăm hỏi dù người ấy khả năng có thừa.

"Lần này ba gọi con về là vì chuyện này sao? Sau ngần ấy năm xa cách?"

Kha Vũ nhìn xấp hình những quý cô được đặt ngay ngắn trên bàn, không tự chủ mà siết chặt bàn tay, gân tay xanh đã nổi lên thành những đường vằn vện.

Người đàn ông trung niên dùng khăn mùi-xoa lau miệng, rồi chầm chậm ngước lên nhìn cậu.

"Con tốt nghiệp bên Pháp rồi thì về đây kết hôn cũng là lẽ dĩ nhiên. Đối tượng kết hôn đều là những quý cô nhà danh giá, ba cũng không hề gượng ép con, ba luôn tạo cơ hội cho con lựa chọn."

Kha Vũ cười khẩy. Thế có nực cười không, khi tất cả những sự lựa chọn ấy chung quy đều là những thứ có lợi với ba? Như việc mười năm về trước ba đã để cậu lựa chọn giữa sống ở quê hương như một đứa con hoang mất mẹ hay cút sang xứ người du học, âu cũng chỉ để chôn vùi cái kết quả của một đêm lầm lỡ giữa ông chủ đồn điền nức tiếng Sài Gòn với một gái nhảy tầng cấp thấp. Cái kết quả mang tên Châu Kha Vũ.

"Đây là madame Anh Thư con gái ngài thiếu tướng, cô này là madame Thảo My – con gái rượu của chủ đồn điền cao su, đây là madame Minh Trang, madame Na Anh, madame Ngọc Ánh..."

Cơn nhộn nhạo dấy lên trong dạ dày Kha Vũ. Kha Vũ thấy hai bên tai mình ong lên, rồi cũng chẳng nghe lọt được thêm một từ nào từ cái chất giọng sành sỏi như một thương nhân đang mời hàng. Phải, cậu làm sao mà không nhận ra ba chỉ giữ cậu lại để tô điểm thêm cho gia thế và sự nghiệp của ông? Chỉ thế, không hơn không kém.

"Kha Vũ, con nên nhớ, cuộc hôn nhân này là vì sự hưng thịnh của gia tộc mình."

Gia tộc mình? Ba thậm chí còn chưa từng xem Kha Vũ tôi như ruột thịt.

Đến đây, Kha Vũ không nhịn được mà bật ra một nụ cười chua chát. Nụ cười ấy không phải dành cho ba hay cho thời thế, mà là dành cho chính bản thân cậu. Giống một con én nhỏ thoát chiếc lồng son, để rồi nó nhận ra không hề có bầu trời, cũng chẳng có rừng cây, nó chỉ là vừa được chuyển qua một cái lồng mới lớn hơn trước. Tất cả những gì Kha Vũ mong mỏi là một chút tình thân, chỉ thế. Ba làm sao biết được ngày nhận tin ba gọi về nước, cậu đã vui đến suýt thì nhảy cẫng lên như thế nào. Cũng đến đấy mà thôi, kịch đã sớm hạ màn, máu mủ nay còn nhạt nhòa hơn ao nước lã.

"Thưa ba, các quý cô đây không phải những món hàng trưng bày để tùy ý lựa chọn, còn con cũng không phải con rối để ba giựt dây điều khiển. Con xin phép."

Kha Vũ đẩy ghế đứng dậy, cúi đầu chào ông rồi khoác áo bước ra ngoài. Giấc ban tối của Sài Gòn vẫn thế thôi, người qua lại đông đúc tấp nập, họ lướt qua nhau mà chẳng chờ đợi một ai. Hít vào lá phổi một cơn gió còn mang theo cái se lạnh của những ngày đầu năm, Kha Vũ chẳng thể làm gì hơn ngoài thở ra một hơi dài đằng đẵng.

Sài Gòn nhẫn tâm thật đấy. Xô bồ hoa lệ, vậy mà khi con người ta gục ngã lại chẳng một nơi bao dung gọi là nhà.

Kha Vũ rút trong túi áo khoác ra một cái đồng hồ quả quýt mạ vàng, đã là gần tám giờ tối.

Cậu rảo bước dọc con đường Tự Do, chầm chậm quan sát nhịp sống hối hả của thành phố cậu đã gần một thập kỷ chưa quay trở lại. Hơi thở của đất Sài thành ùa về trong phút chốc, nói cho cùng thì nơi đây vẫn đẹp lắm.

"Ông ơi, đi xích lô không ông?"

Kha Vũ quay lại, là một thằng nhóc đạp xích lô trạc tuổi cậu. Chiếc xích lô cà rịch cà tang, đệm ngồi đã bị rách lỗ chỗ, so với một chiếc xích lô tiêu chuẩn ở cái khu trung tâm này thì còn kém xa lắm. Nhưng thằng nhóc đạp xích lô này thì khác, khác hẳn ấy chứ. Dáng nó cao ráo, mặt mũi trắng trẻo thanh tú. Áo sơ mi xanh tuy đã sờn nhưng vẫn đóng thùng tươm tất, quần tây màu kem phẳng phiu chẳng giống với dáng điệu của dân lao động chân tay.

Ừ thì, có mất cái gì đâu? Kha Vũ còn chẳng biết chính mình muốn đi đâu nữa mà. Cậu gật đầu, rồi ngồi gọn trên chiếc xích lô xập xệ.

"Ông đi đâu ạ?"

"Đâu cũng được. Lâu rồi tôi chưa quay lại nơi này."

Thằng nhóc xích lô cười rộ lên, dõng dạc hô hai tiếng "Dét sơ!" không biết học lỏm được từ ông Tây nào, rồi nó huyên thuyên luôn mồm.

"Nghe giọng ông là em biết ông không sống ở đây lâu rồi. Em chở ông đi tham quan Sài Gòn nhé, đẹp lắm, thơ lắm, ông biết nhà thờ Đức Bà không? Hay ông muốn ra công viên thì em chở ông ra công viên Tao Đàn, bự bành ki, cuối tuần ra đó hẹn hò là đã lăn cù mèo. À còn có..."

Thằng nhóc này nói lắm thật đấy, Kha Vũ nghĩ. Cậu hối hận một chút rồi, giờ xuống ở đây rồi bắt ô tô về còn kịp không nhỉ?

Thế mà mải chìm đắm trong những lời giới thiệu của 'hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ', và cả những câu chuyện bình đạm của mảnh đất này, chính Kha Vũ cũng chẳng hay trái tim mình đã được rót vào một ly nước suối trong lành mát lạnh từ khi nào. Cậu ngả lưng thoải mái tựa lên thành xe, một mùi vỏ bưởi thanh mát phe phẩy nơi cánh mũi.

Ngày má Kha Vũ còn sống, má cũng hay gội đầu bằng vỏ bưởi lắm. Má nói rằng dầu gội phương Tây chỉ toàn hóa chất mà thôi.

Nghĩ đến đây, sống mũi Kha Vũ cay xè, khóe mi từ lúc nào đã trào ra một giọt nước mắt. Sài Gòn không có má thì cũng chỉ là một nơi xa lạ.

"Ông ơi..."

Kha Vũ quay lại đằng sau, thằng nhóc xích lô lúc này đã ngừng đạp, nó rút ra từ cái túi nhỏ treo bên hông xe một thỏi sô-cô-la nhỏ.

"Em nghe nói đâu rằng khi mình buồn, ăn sô-cô-la sẽ khiến tâm trạng vui vẻ hơn đấy ạ. Ông nhận nhé."

Kha Vũ vốn định từ chối, nhưng nhìn đôi mắt lấp lánh lại khẩn khoản của nó, cậu cũng đành cảm ơn, đưa tay nhận lấy rồi xé lớp gói giấy bỏ vào miệng.

"Ngọt không ông?"

"...Ngọt lắm." Ngọt cái khỉ mốc! Này là sô-cô-la nguyên chất, Kha Vũ xém thì xỉu ngang vì cái đắng chát lan tỏa trong khoang miệng.

"Tốt quá! Lúc nãy khách típ cho em đó, em tính để dành tối về nhà mới ăn cơ, mà em nghĩ chắc ông cần nó hơn em."

Một làn gió nữa lại thổi qua. Sô-cô-la thì đắng lắm, nhưng thằng nhóc này thì ngọt ngào thật.

Kha Vũ cũng chẳng biết mình đã ngồi trên xích lô đi qua bao nhiêu con đường rồi. Tốc độ xe đi càng ngày càng chậm, đoán chừng chân thằng nhóc cũng bắt đầu rã rời đây mà. Cậu cất giọng hỏi nó:

"Ở Sài Gòn, khi buồn thì người ta làm gì?"

Nó ngẫm nghĩ một lúc có vẻ đăm chiêu lắm, rồi mới à lên một tiếng.

"Đi uống bia hơi ông ạ. Mát cả cái ruột!"

Bia hơi à, Kha Vũ ngẫm nghĩ. Ngày nhỏ Kha Vũ chưa từng uống đồ có cồn, đến khi đủ tuổi thì cậu cũng chỉ uống qua rượu vang hoặc bia lúa mạch cao cấp trong các buổi tiệc nhàm chán. Bia hơi Sài Gòn có vị ra sao, Kha Vũ cũng tò mò lắm.

"Thả tôi ở quán bia hơi gần đây nhất đi."

Thằng nhóc "Dạ" một tiếng rõ to, rồi nó đạp hì hục, không mất bao lâu đã đến một quán nhậu trong một con hẻm nhỏ.

"Nãy giờ hết bao nhiêu?"

"Dạ, ông cho em xin hai đồng."

Kha Vũ móc ra mười đồng đưa cho nó.

"Ông chờ em thối tiền."

Kha Vũ phẩy tay, "Không cần, boa cho em," rồi cậu đi thẳng vào quán nhậu bình dân đang có vài nhóm người trong men say ngà ngà.

Nhóc xích lô í ới gọi theo, nhưng người rất nhanh đã không thấy bóng. Nó nhìn tờ mười đồng trong tay mà mừng húm, đúng là ông lớn, típ cũng sộp. Tiền nhà tháng này nó chẳng cần phải lo nghĩ nữa rồi.

Đạp xích lô lọc cọc một quãng xa, đến khi nó về nhà thì trăng đã lên cao lắm. Mà thôi, ở cái chốn thành thị hoa màu ngập ánh đèn này, có mấy ai được cái thú hưởng trăng đâu, càng không phải thằng nhóc tối mặt tối mày vì miếng cơm manh áo như nó.

Nơi nó ở là một căn phòng nhỏ trong khu cư dân lao động nghèo. Thì là thế đó, nó nghèo mà, một thân một mình với con xích lô quèn thì cũng chỉ kham nổi cái phòng trọ nhỏ hẹp này thôi. Kể cũng thú vị, lâu lâu lại được dịp xem một màn đánh nhau chửi lộn chạy chó bay mèo.

Nó đỗ xích lô vào cái bãi đậu xe của khu dân cư. Gọi văn hoa là bãi đậu xe, mà nói thẳng ra thì là cái khu đất trống được ông chủ trọ có tâm dựng vài ba cái sạp che mưa rách lỗ chỗ. Cẩn thận nhất thì vẫn là dùng xích sắt mà xích xe vào, hên thì còn, mà xui thì mất. Ôi thôi, tháng trước nó lại chả đánh nhau với thằng du côn tầng dưới vì bắt gặp thằng kia đang lọ mọ tháo xích xe nó còn gì.

Nhóc xích lô nghĩ đến đây lại chạnh lòng. Giá mà ở cái mảnh đất phồn vinh này, nó có được một người bên cạnh. Người mà khiến cho nó không còn cô đơn, người làm nó gạt đi được suy nghĩ rằng bản thân ở dưới đáy xã hội.

Ừ đấy, nó tên Gia Nguyên, hiện tại thì nó mồ côi rồi. Má mất từ nhỏ, ông ba rượu chè bài bạc cũng mất vài năm trước, để lại đúng một cái xích lô cho có cái gọi là 'của thừa kế'. Rồi nó một mình bôn ba giữa dòng chảy thành thị, lâu cũng thành quen.

Lê đôi chân mỏi nhừ lẩn thẩn vào khu trọ, lúc này nó mới để ý trên đệm ngồi xích lô lóe lên một thứ gì chói chói.

Nó cầm lên săm soi, là một cái đồng hồ quả quýt, trông có vẻ mắc tiền lắm. Chắc hẳn của ông lớn lúc nãy chứ chẳng ai. Nó vội vàng tháo xích, ngồi lên xích lô, cố quên đi cái sự mệt nhoài của một ngày dài mà hì hụi đạp.

Cầu trời, mong là ông lớn vẫn còn ở đó!

———

(*) Đường Tự Do (Trước 1945 có tên là Catinat): Nay là đường Đồng Khởi, TP.HCM

Mình tính đăng phần Ngoại truyện cuối cùng này thành một chương, nhưng dài quá cũng ngấy nên mình tách thành hai. Mai mình viết xong thì mình đăng tiếp nhó~

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip