02 + 03

02.
Nhắc mới nhớ, tôi làm quen với tam thái gia cũng từ mấy bài thơ cổ quái đó. Có hôm tôi vừa đi vừa cúi đầu, chân đá đá bụi không khí bên lề đường, miệng lẩm nhẩm “Báo quân hoàng kim đài thượng ý”, rồi rồi…cứ đến câu cuối là không thể nào nhớ được. Bỗng nhiên bị đập một cái bộp lên đầu, “chết tiệt” tôi buột miệng.

“Đề huề Ngọc Long vi quân tử”[1]
“Mấy tuổi rồi hả, nhóc khờ.”
Tam thái gia cầm quyển sổ nhỏ mà ông luôn mang theo bên người, đập thêm vài lần ra chiều thất vọng lắm.

Tam thái gia thật ra không điên như truyền thuyết, ngược lại còn có chút đáng yêu. Giống như lúc này đây, ông túm lấy cổ áo tôi, lôi sền sệt về nhà, miệng làu bàu bảo phải “cải tạo” tôi bằng mọi giá, nhà họ Trương không thể để xuất hiện loại bùn loãng không thể trát tường[2] dốt nát như tôi được.
Tam thái gia ném cho tôi một tấm ván gỗ sơn son thếp đỏ để lót, quay người lại ngồi trên chiếc ghế đan bằng liễu gai, nheo mắt hỏi:
“Ở trường đã học những bài thơ gì? Đọc ta nghe”
-         “Không thích đọc”
“Tại sao?”
-         “Tại sao phải đọc”
Bây giờ nghĩ lại, có lẽ thời kì nổi loạn của tôi đã bắt đầu kể từ lúc đó.
Tam thái gia vậy mà lại rất vui, ngay cả những người quen đi qua cũng nhận ra ông đang nở nụ cười, đôi mắt cong veo như một vầng trăng khuyết, lại lộ ra chút ngây thơ trẻ con dưới ánh mặt trời.
“Thật tốt, nó rất giống tôi hồi đó”.
“Nhưng mà, nó càng giống anh ấy hơn”.
-         “Ai?”
Bộp. Tam thái gia lại cầm quyển sổ nhỏ màu xanh vỗ lên đầu tôi,
“Nhóc con ở đâu ra mà nhiều câu hỏi vậy? Trả lời ta, mau lên”
Ông nhìn thẳng vào mắt tôi, cái nhìn sáng quắt quen thuộc, tôi không khỏi rùng mình nhớ đến cảm giác sợ hãi ngày nhỏ, liền ngoan ngoãn bụm miệng ngồi xuống, thành thật trả lời
-         “Nhạn môn thái thú hành”, “Đường”, “Lý Hạ[3]”
-         “Hắc vân áp thành thành dục tồi,
Giáp quang hướng nhật kim lân khai”[4]
“Nhóc con, mi có biết Nhạn môn ở đâu?”, tam thái gia đột nhiên ngắt lời tôi.
-         “Nhạn môn là cửa có rất nhiều con chim nhạn bay qua ấy”
“Xem ra cũng còn thuốc chữa”
“Thiên hạ cửu tắc, Nhạn môn vi tối
Đông Tây lưỡng dực, san loan khởi phục”[5]
“Đông đi đường bằng, tử kinh[6], xuống ngựa, đến thẳng vùng đất của chim yến, Tây đến Thiên Quan, Ninh Vũ[7], nghiêng đầu về Hoàng Hà. Đây là kinh đô chiến lược vô cùng quan trọng thời Chiến Quốc, địa thế quanh co, hiểm trở, cửa ải trọng yếu để vượt qua Vạn Lý Trường Thành”.
-         “Vậy bài thơ này nói về chiến trận?”
“Không sai. Mi nghĩ mây đen muốn nói đến điều gì?”
-         “Hmm…là chán nản khi trời sắp mưa? Sắp chiến tranh còn nghĩ đến trời mưa làm cái gì a? Chán nản vì phải đánh giặc sao? Không đúng, phải là rất lo lắng”
“Giả sử mi là tướng quân, đứng trên tường thành nhìn tầng tầng lớp lớp quân địch như mây đen đang tiến tới, vó ngựa sấm dậy, bụi cuốn mây mù. Thời khắc cuối cùng trước khi bắt đầu trận chiến, là tĩnh mịch, là đè nén, là khẩn trương. Chiến tranh, chính là treo một thanh gươm lơ lửng trên đầu, đè ép khiến người ta không thở nổi”.

Tam thái gia đã giảng giải về tất cả các bài thơ trong buổi chiều ngày hôm đó, từ “Nhạn môn thái thú hành” đến Lý Hạ, từ Lý Hạ lại dẫn đến Hàn Dũ[8], một người cũng nổi tiếng “kì quặc” cùng thời. Tôi bắt đầu hiểu cái chân và cái ảo, cái hình và cái thần, thi nhãn hàm ẩn, tả cảnh gợi tình. Ông không giống với cô giáo, bắt tôi học thuộc làu làu bài thơ, ông nói rằng phải hiểu ý nghĩa được ẩn sau từng câu chữ, về thời đại và hoàn cảnh sáng tác, học thuộc mới là điều cuối cùng cần thực hiện. Tôi lắng nghe say mê như nuốt từng lời, quên cả không gian và thời gian, cảm tưởng như mình đã quay về Đường Tống, trước núi non nghìn dặm xúc động mà hạ bút thành chương.
“Giờ ta phải đi, mai ngươi quay lại, nhóc khờ”
-         “Con về nhé, mai con lại đến, người phải dạy con tiếp đấy”
Mặt trời chiếu xuyên từ phía sau các tòa nhà cao ốc, khung cửa sổ kính mờ hắt lên thứ ánh nắng đỏ rực buổi chiều tà. Tam thái gia đứng đó mỉm cười nhân hậu, như đứng trong một quầng sáng êm ả dịu dàng.

Tam thái gia trong mắt tôi trở nên khác đi cũng từ ngày đó. Tôi bắt đầu ham thích học môn văn, nhưng điều mà tôi muốn viết hôm nay không phải về việc ông đã dẫn dắt tôi bước lên con đường văn chương thế nào, cũng không phải ông đã là một thầy giáo cấp ba có thể tự tay đan từng chiếc ghế mây, đẽo gọt từng cái ghế đẩu ra sao. Tôi muốn vén bức màn về những điều mà bao năm qua không ai trong gia đình tôi đề cập đến, về những tháng năm tang thương đã vùi lấp trong bụi hồng trần của tam thái gia, cả cuộc đời thịnh suy có thanh xuân nắng đỏ, có hoang vắng chiều tà, có lãng mạn cất giấu trong bầu trời đêm trăng tỏ, giờ chỉ còn là những con chữ im lìm trong quyển sổ nhỏ bằng lòng bàn tay.
 

03.
Tam thái gia sinh ra vào cuối thập niên 10[9], từ nhỏ đã thông minh ham học, đặc biệt yêu thích văn chương. Hồi còn thiếu niên, ông ấy đã nổi tiếng văn hay chữ tốt khắp tỉnh Liêu Ninh nên được gửi đi học ở trường trung học trực thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh.
Tam thái gia tên thật là Trương Gia Nguyên. Thế hệ của ông nội tôi trong dòng họ đều lót một chữ Gia, đến tam thái gia được gọi là Gia Nguyên. Nhập học cùng ông ấy là một thiếu niên cao lớn người Bắc Kinh tên Châu Kha Vũ, vừa từ Mỹ trở về.

Lần đầu tiên tôi nghe tam thái gia nhắc đến cái tên này là một đêm mùa hè, khi ông đang nói về văn học so sánh Anh-Mỹ. Ổng chỉ nói rằng người này rất có tài hoa, không chỉ am hiểu sâu sắc về văn hóa, văn học Trung Quốc và phương Tây, mà sinh ra đã vô cùng đẹp trai, lần đầu gặp đã cảm thấy cao sắp chọc thủng nóc nhà rồi. Đáng tiếc là lúc đó tôi chỉ để ý câu đùa “chọc thủng nóc nhà” mà bỏ qua một tia dịu dàng trước giờ chưa từng thấy, nếu không cũng không bắt đầu muộn như vậy với quyển sổ nhỏ đã không còn lành lặn.

Từ giờ tôi sẽ gọi tam thái gia là Trương Gia Nguyên, cũng không có nhiều cơ hội tôi có thể gọi thẳng tên của người.

//
 “Hà lẩu a, tôi là học sinh mới chuyển đến từ Liêu Ninh, tên Trương Gia Nguyên?”
“Xin chào, tôi là Châu Kha Vũ”.
Trong quyển sổ nhỏ, tam thái gia đã viết:
“Tôi nhớ mãi không quên bầu trời hôm đó rất trong, xanh biếc, không khí cay xè và ẩm ướt, nắng như muốn thiêu đốt tất cả nhu tình.”
“Có điều, thế gian này nhiều người như vậy, vào một buổi sớm mai trong lành, em gặp được anh.”
“Em thực sự đã phải may mắn đến dường nào, thực sự.”
“Trong những năm tháng trầm kha sau này, mỗi khi mấp mé nơi bờ vực tăm tối, Kha Vũ, em sẽ nhớ đến bầu trời hôm đó rất cao rất xanh, anh bước đến ánh mắt trong veo, vạn vật xung quanh đều bừng sáng.”
“Em sẽ đột nhiên cảm thấy muốn tha thứ cho tất cả khổ đau của kiếp này, từ nay về sau không vương sầu muộn”.

Châu Kha Vũ đã mang đến cho Trương Gia Nguyên rất nhiều điều mới mẻ, chẳng hạn như cách dựng phim, Ulysses[10] hay Marx. Tam thái gia đã chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa Marx một cách sâu sắc. Thực ra thì chủ nghĩa Marx đã truyền bá rộng rãi ở Trung Quốc từ lâu, Trương Gia Nguyên vừa ra đời đã sống trong bầu không khí của phong trào Tân văn hóa ngày 4 tháng 5[11], nhưng khi ông bắt đầu lớn lên, sự hợp tác giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản không còn nữa[12], phong trào sinh viên cũng suy giảm khi nội chiến bắt đầu, vì vậy dù đã được nghe về chủ nghĩa Marx trước đây, ông cũng chưa bao giờ có cơ hội được tiếp cận một cách bài bản.

Châu Kha Vũ thích đọc Lỗ Tấn[13], ngưỡng mộ Trần Độc Tú[14], Thái Nguyên Bồi[15], mỗi khi nói về Marx và Thái-Trần, ánh mắt anh ấy ánh lên ánh sáng đầy phấn khích.
“Nền cộng hòa[16] đã thất bại, các thế lực địa phương và Nhật Bản không ngừng tiến đánh. Phải có một con đường mới cho Trung Quốc. Gia Nguyên Nhi, em phải đọc Marx, anh tin chỉ có chủ nghĩa Marx là liều thuốc duy nhất có thể cứu đất nước và nhân dân Trung Quốc bây giờ”.
“Tôi tin Marx, phần lớn nguyên nhân bởi chủ nghĩa Marx là con đường đúng đắn, nhưng tôi có thể đọc, thật sự là vì ánh mắt của Châu Kha Vũ ngày đó”.
Anh ấy cúi xuống rất gần, gần đến mức Trương Gia Nguyên có thể đếm được có bao nhiêu sợi lông mi vừa cong vừa dài trên khuôn mặt tuấn tú đến nghẹt thở đó. Trái tim thiếu niên bề ngoài là băng bên trong đỏ lửa, càng muốn che giấu càng bùng cháy, nhất thời rung lên từng hồi dồn dập, cuối cùng vẫn phải buông giáp đầu hàng.
Vốn dĩ ban đầu chỉ là vòng xoáy nhỏ của viên sỏi ném vào mặt hồ, qua thời gian vũ điệu của hai linh hồn ngày càng hòa hợp, rốt cuộc không tránh khỏi trầm luân vào bể ái tình.

Trương Gia Nguyên và Châu Kha Vũ không sống trong cùng một tòa nhà, nhưng họ vẫn hẹn cùng nhau đến trường mỗi ngày. Đôi trẻ như hình với bóng từ lớp học đến nhà ăn, lần nào Trương Gia Nguyên cũng vì những suất chân gà còn sót lại mà trong đám đông xếp hàng tranh giành tới sứt đầu mẻ trán, lại bị Châu Kha Vũ cười trêu “Lúc em đi giành cơm, một chút khí chất của văn nhân cũng không có”. Trương Gia Nguyên cắn một miếng chân gà rút xương, trong miệng lúng búng nói không rõ ràng “Aiya maya, ai đói mà không phải ăn. Tào Tuyết Cần[17] đói cũng phải xin ăn. Em nói anh nghe, khí chất văn nhân không dùng để đo lường khi người ta đói đâu”. Châu Kha Vũ cũng bị cái lý lẽ nhăng cuội của cậu làm cho buồn cười. “Vậy mà em còn chối là em không phải ăn rất khỏe”, Trương Gia Nguyên trợn tròn mắt gắt “Ăn cơm đi, ăn cơm”.
“Hôm đó tôi hạ quyết tâm sau khi về nhà phải viết một bài văn không quá năm trăm chữ, bàn luận về tầm quan trọng của việc ăn uống, nhất định phải châm chọc bóng gió Châu Kha Vũ một lượt rồi đăng lên tuần san của trường cho hả giận.”
Khi đọc đến những dòng này, tôi không thể kiềm được nụ cười, hóa ra tam thái gia ngày trẻ cũng có một mặt đáng yêu như vậy. Một mạch những hồi ức vui vẻ về sau như thể đã trực tiếp mang Trương Gia Nguyên và Châu Kha Vũ bằng xương bằng thịt đến trước mắt. Về điểm này, tôi học một đời cũng không thể nào bì được với ông ấy.

//
Châu Kha Vũ là cộng tác viên của tờ “Tiên phong” tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Anh ấy đã giới thiệu Trương Gia Nguyên với chủ biên Nhậm. Ông Nhậm vô cùng tán thưởng phong cách viết độc đáo của Trương Gia Nguyên, mỉm cười hỏi cậu có muốn cùng với Châu Kha Vũ tham gia CLB Văn học trực thuộc Liên đoàn cánh tả Bắc Kinh hay không. Trương Gia Nguyên đồng ý mà chẳng cần phải suy nghĩ.
“Đối với những người dấn thân vào văn học, Lỗ Tấn sinh thời đã nói, dùng trục bút làm con dao, phải lấy con dao này mà cạo sạch đi những căn bệnh, u nhọt đang làm nhức nhối, đau đớn nhân dân Trung Quốc, làm cho quốc gia lung lay suy yếu. Giây phút chúng ta cầm bút lên, chính là đang ở chiến trường.”
“Chủ biên Nhậm đừng lo, Gia Nguyên đã quyết tâm sẽ cầm chắc con dao này, làm một người sống chết vì vận mệnh đất nước”.
“Cậu bé tốt, tương lai của Trung Quốc phải trông chờ vào các cậu”

Trong quyển sổ nhỏ bây giờ vẫn hừng hực nhiệt huyết của tam thái gia ngày đó “Lần đầu tôi nhận ra mình cũng là một sự tồn tại quan trọng như vậy đối với đất nước. Không, phải nói là từ khi Nhật Bản bắt đầu chiếm lấy từng tấc, từng tấc lãnh thổ, mỗi thanh niên Trung Quốc đều phải thức tỉnh. Mỗi một phong trào sinh viên đều vô cùng quan trọng, đó là ánh sáng, là hy vọng phá vỡ ngục tù, như ông Lỗ Tấn đã nói: mỗi một thanh niên đều là lưỡi gươm sắt bén, sẽ đập tan gông cùm đã xiềng xích đất nước Trung Quốc đau thương hàng chục năm này”.
 “Chủ nghĩa xã hội sẽ không bao giờ thất bại”. Khi tuyên thệ kết nạp Đảng xong, một đảng viên mới đã giơ tay cao lên hét. Xung quanh tất cả đều sôi sục, máu chúng tôi nóng lên, tôi đã hét đến khản giọng vào ngày đó, với một lòng tin sắt son rằng chủ nghĩa xã hội không bao giờ thất bại ở Trung Quốc.

[1] Hai câu cuối trong bài thơ “Nhạn môn thái thú hành” của Lý Hạ đời đường. Dịch nghĩa:
Trước thềm vàng trung với đức vua
Cầm ngọc rồng vì Người quyết tử

[2] Đại ý nói đến một việc không thể nào thành hiện thực được do một người quá thiếu khả năng

[3] Lý Hạ (790/791 – 816/817) là một nhà thơ sống vào thời Trung Đường, có các biệt hiệu Thi Quỷ và Quỷ Tài. Lý Hạ bị cấm tham gia khoa cử vì phạm vào tội húy kỵ. Ông qua đời khi tuổi còn rất trẻ và được miêu tả là có ngoại hình ốm yếu. Những tác phẩm của ông nổi tiếng là khai thác về đề tài kỳ quái, ma quỷ và siêu nhiên.

[4] Dịch nghĩa:
Mây đen đè thành, thành muốn đổ
Ánh gươm tuốt vàng từng vảy cá”

[5] Dịch nghĩa:
Chín cõi trời đất, Nhạn môn là tốt nhất (ý chỉ vị trí hiểm trở)
Đông tây núi non trùng điệp

[6] Một vị thuốc đông y

[7] Ninh Vũ Quan, Thiên Quan, Nhạn Môn Quan là 3 cửa ải quan trọng để vượt qua Vạn lý trường thành, đoạn đi qua địa phận tỉnh Sơn Tây

[8] Hàn Dũ  (768 - 824) làm quan về đời vua Đường Hiến Tông tới Binh bộ thị lang, Lại bộ thị lang, là người tôn sùng Nho giáo, đả kích Phật giáo, vì cho rằng Phật giáo xoá bỏ nghĩa vua tôi, cha con, chồng vợ. Hàn Dũ chủ trương Văn dĩ tải đạo kiểu Nho giáo, có xu hướng bảo thủ. Ông là nhân vật tiêu biểu cổ súy phong trào cổ văn đời Đường.

[9] Thập niên 10 của thế kỉ 20: 1910-1919

[10] Ulysses là tiểu thuyết gồm 3 phần của James Joyce xuất bản lần đầu năm 1922. Với ẩn dụ về sử thi Odysseus, thủ pháp dòng ý thức và nội dung được nén chặt bằng những sự kiện miên man trôi theo suy tưởng của các nhân vật diễn ra chỉ trong một ngày 16 tháng 6 năm 1904, tác phẩm được tạp chí Time đánh giá là một trong số những kiệt tác văn chương lớn nhất thế giới thế kỷ 20.

[11] Phong trào Tân văn hóa từ giữa thập niên 1910 đến thập niên 1920 là cuộc vận động văn hóa chính trị, khởi xướng bởi các trí thức vỡ mộng với văn hóa Trung Quốc truyền thống sau khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập năm 1912 đã không giải quyết được các vấn đề của đất nước. Ngày 4 tháng 5 năm 1919, học sinh ở Bắc Kinh biểu tình phản đối Hòa hội Paris trao quyền lợi Đức với tô giới Sơn Đông cho Đế quốc Nhật Bản, biến phong trào văn hóa thành chính trị, tên là Ngũ tứ Vận động. Phong trào Tân văn hóa đã thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền học thuật Trung Quốc.

[12] Nội chiến Trung Quốc hay Quốc-Cộng nội chiến kéo dài từ tháng 4 năm 1927 đến tháng 5 năm 1950, là một cuộc nội chiến tại Trung Quốc đại lục (với chính quyền khi đó là Trung Hoa Dân Quốc), giữa hai đảng phái là Trung Quốc Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau thời kỳ hợp tác ban đầu, do những bất đồng, xung đột, bất hòa và mâu thuẫn sâu sắc về quan niệm phát triển kinh tế - xã hội và phương thức cai trị cũng như triết học.

[13] Lỗ Tấn (1881 - 1936) là bút hiệu của một văn sĩ Trung Hoa nổi tiếng có ảnh hưởng lớn đến văn học Trung Quốc đương thời cũng như sau này, cha đẻ của văn học hiện thực Trung Quốc giai đoạn trước Cách mạng và là người khởi nguồn cho những tư tưởng tiến bộ của văn học giai đoạn này.

[14] Trần Độc Tú (1879-1942), là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, có công du nhập và phát triển các học thuyết cộng sản Marxist-Leninist ở Trung Quốc. Ông là là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1921 đến năm 1927, sau đó bị cách chức và khai trừ vì cho là theo đường lối cơ hội hữu khuynh, không trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin và Đệ tam quốc tế Cộng sản

[15] Thái Nguyên Bồi (1868 –1940) là một nhà tuyên truyền quốc tế ngữ, nhà giáo dục người Trung Quốc, giám đốc đại học Bắc Kinh và đồng thời là nhà sáng lập Academia Sinica. Ông nổi tiếng với những đánh giá phê bình về văn hóa Trung Quốc và việc tổng hợp các tư tưởng của cả phương Tây và Trung Quốc, trong đó có cả chủ nghĩa vô chính phủ. Tại đại học Bắc Kinh ông đã tập hợp được những nhân vật có ảnh hưởng trong phong trào Tân Văn hóa và phong trào Ngũ Tứ.

[16] Trung Hoa Dân Quốc (中華民國) là nhà nước cộng hòa đã cai trị vùng lãnh thổ Trung Quốc đại lục từ năm 1912 đến năm 1949 trước khi rời sang vùng lãnh thổ đảo Đài Loan và trở thành chính phủ của Đài Loan hiện tại. Năm 1928, thống nhất phía đông Trung Quốc trên danh nghĩa, song sau đó lại rơi vào xung đột với Đảng Cộng sản Trung Quốc, các thế lực quân phiệt vũ trang ở các địa phương và Đế quốc Nhật Bản

[17] Tào Tuyết Cần (1715一1763), là một tiểu thuyết gia người Trung Quốc, tác giả của cuốn tiểu thuyết Hồng lâu mộng, một trong tứ đại danh tác của văn học cổ điển Trung Quốc. Cuộc đời chìm nổi nhưng phóng khoáng, với những năm tháng Cử gia thực chúc tửu thường xa (trong nhà phải ăn cháo, rượu phải mua chịu), sống qua ngày nhờ vào bán tranh và giúp đỡ của bạn bè.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip