04

Kể từ đó, Trương Gia Nguyên vẫn thường cùng Châu Kha Vũ trao đổi về "Tư bản"[1], anh giải thích cho cậu rất cặn kẽ về lý thuyết giá trị lao động, giá trị thặng dư, kiên nhẫn trả lời từng câu hỏi. Trương Gia Nguyên tiếp thu rất nhanh lại có cái nhìn độc đáo, vài ngày sau đã có thể thi thoảng cùng anh tranh luận vài điều. Châu Kha Vũ xoa lên mái tóc mềm trên chiếc đầu tròn tròn, tán thưởng "Nguyên Nguyên Nhi của anh thật thông minh". Mặt của thiếu niên không sợ trời đất khi đó còn đỏ hơn cả ráng chiều.

Hai người đã tổng hợp các bài luận của sinh viên Đại học Sư phạm Bắc Kinh, biên soạn những bài báo hay và gửi cho ban biên tập, đưa Trương Gia Nguyên đi nghe những bài phát biểu của thầy Văn Nhất Đa[2], tham gia một vài buổi họp mặt bí mật của sinh viên. Trương Gia Nguyên cùng những người đồng trang lứa, trong tầng hầm nhỏ hẹp, đã nghe đất nước vẫy gọi mình, nghe về chủ nghĩa Marx đang lan rộng, về sinh viên đã nghỉ học, công nhân và thương nhân đang đình công, cả thế giới bên ngoài đang đấu tranh như thế nào.
Mặc dù Trương Gia Nguyên không đề cập đến, nhưng tôi tin chắc Châu Kha Vũ đã vô cùng hài lòng, nhất định là vậy.

Hôm đó, khi hai người vừa kết thúc một cuộc biểu tình, sánh vai bước ra khỏi con ngõ nhỏ ở Hồ Đồng[3], Châu Kha Vũ đột nhiên dẫn cậu lên một chiếc xe kéo "Em có muốn đến thăm Đại học Bắc Kinh không?" "Được". Trương Gia Nguyên buột miệng nói luôn không nghĩ ngợi gì.
Chuyến tham quan bất chợt nửa ngày ở Đại học Bắc Kinh đó, tam thái gia đã khẽ khàng hạ xuống từng câu chữ trong quyển sổ hồi ký màu xanh chưa bao giờ rời khỏi người mình "Anh ấy dịu dàng nắm tay tôi trên chiếc xe kéo, hai bàn tay lặng lẽ đan vào nhau. Gió thu se lạnh thê lương, ngay cả âm thanh vó ngựa lốc cốc trên đường cũng ì ạch uể oải, đôi tay chúng tôi nóng hôi hổi. Tôi nào còn nghĩ đến sự ảm đạm của mùa thu, trong lòng ngất ngây lặng lẽ đâm chồi một mầm đậu."
"Ngày đó tôi dậy muộn, vội vàng ra ngoài không mang thêm áo ấm, ở dưới hầm vốn không có cảm giác gì, trên xe cũng không thấy lạnh, ai ngờ vừa đến cửa Bắc đã bị từng đợt gió rét lùa qua co rụt cả người lại. Kha Vũ choàng lên người tôi chiếc áo khoác lông chuột màu nguyệt sắc của anh ấy cũng không thể làm tôi bớt rùng mình, dứt khoác ôm ngang vai kéo sát vào người. Tôi không còn lạnh nữa. Yết hầu của anh ấy chuyển động không ngừng, những vệt hơi đỏ bất thường ở tai và khóe mắt, có lẽ do trời lạnh. Cứ như vậy, chúng tôi chậm rãi tản bộ trong khuôn viên trường.
"Anh muốn thi vào Đại học Bắc Kinh, Nguyên Nhi, cùng học được không?". Anh ấy nhìn thẳng vào mắt tôi, vành tai đỏ rực "Khi ấy chúng ta ở bên nhau nhé".

Trong thời kì loạn lạc chưa biết ngày mai, đâu ai có một mái nhà thực thụ, vậy mà chúng tôi ở bên nhau hơn ba năm, lại có một loại cảm giác đã thiên trường địa cửu.

Nháy mắt đã đến năm 1936, lớp bốn trung học. Châu Kha Vũ và Trương Gia Nguyên đã vô cùng chăm chỉ học tập và tuyên truyền cách mạng. Mặc dù Nhật Bản đã bao vây Bắc Bình[4] ở phía bắc, đông và nam, cuộc nội chiến giữa Đảng Cộng sản và Quốc dân đảng chưa bao giờ dừng lại, nhưng những sinh viên thông minh này luôn tìm ra được cách có những căn cứ trú ẩn an toàn nhất. Đạn pháo của Quốc dân Đảng hay các cuộc không kích của Nhật cũng chưa từng khiến bất kỳ sinh viên nào ngã xuống, dù chỉ một lần.
Ngay cả khi đây là một thời đại chết chóc chực chờ, bi thương và mục ruỗng, nếu không có cuộc tấn công bạo lực bất ngờ vào Sa Cương ở phía đông bắc trấn Uyển Bình, có lẽ họ có thể cùng nhau đến Đại học Bắc Kinh và sống sót qua ngày thành lập Trung Quốc mới.

Tuy nhiên, Sự biến Lư Câu Kiều đã nổ một phát súng mở đầu trận chiến, tung ra ba cuộc tấn công dữ dội vào thành Uyển Bình khuya ngày 8[5]. Nhật Bản đã lừa dối cả thế giới và làm tê liệt chính quyền Quốc dân đảng. Sau thỏa thuận đình chiến và rút về phía Đông Bắc Uyển Bình, quân Nhật đã vi phạm thỏa thuận, tiếp tục tăng cường lực lượng.

Năm đó, Trương Gia Nguyên không đợi được lễ tốt nghiệp cao trung, cũng không chờ được Bắc Đại mời nhập học, chỉ có lệnh sơ tán khẩn cấp của trường. Đêm trước khi di tản khẩn cấp, đủ loại tin tức bay đầy trời, lòng người hoang mang, không ai trong khuôn viên có thể yên giấc. Trương Gia Nguyên đến phòng kí túc xá tìm Châu Kha Vũ, chỉ thấy một tờ đơn tình nguyện nhập ngũ trên giường.
"Tối hôm đó, tôi giật lấy tờ đơn, giận dữ đi khắp nơi tìm Châu Kha Vũ, trong lòng mắng anh ấy là đồ ngu ngốc một nghìn lần. Tại sao lại đi tìm chết vào lúc này. Chúng ta đã hẹn sẽ cùng nhau đến Đại học Bắc Kinh. Chúng ta sẽ sóng vai nhau đón chờ Trung Quốc mới. Bây giờ tất cả đều không tính, đều coi như chưa từng nói gì. Có phải không?"
"Anh ấy cũng đang vô cùng lo lắng. Trong đôi mắt đen sâu thẳm là thứ cảm xúc dao động mãnh liệt trước nay chưa từng có. 'Em đã quên chúng ta đã tuyên thệ như thế nào sao?'

Thời đại hưng thịnh sụp đổ, vực thẳm cận kề, thế hệ chúng ta lụi tàn mãi mãi.

'Khói lửa đã đến rất gần, anh sao có thể làm ngơ'
'Nhưng đây không phải là lý do để anh đi chết!' "Tôi lao đến bàn học của anh ấy, bới ra trong đống lộn xộn một cây bút, 'bút, chúng ta vẫn còn bút. Chúng ta dùng bút làm dao, vẫn ở trên chiến trường chiến đấu, không phải vậy sao?'.
"Anh nhìn cây bút trên tay tôi, tự giễu cười. 'Anh từng nghĩ bút có thể hoàn thành mộng tưởng cứu người, đổi lại cả một tương lai vàng son lộng lẫy.
Nhưng bây giờ điều đó không khả thi nữa.
Trước đây khi tham gia biểu tình, chúng ta nói rằng thế hệ này đã thức tỉnh, phải đấu tranh cho công lý và tự do. Nhưng đối mặt với đại bác máy bay gầm rú của Nhật Bản, đối mặt với từng khu phố hoang tàn vương mùi máu tanh, đối mặt với những người lính đã nằm xuống nơi tiền tuyến, Gia Nguyên Nhi, cây bút có thể làm gì?"

" 'Em cũng đã quyết tâm cống hiến đời mình cho đất nước, nhưng không phải bằng mạng sống của anh'. Tôi nhận ra mình dường như đã quá kích động, dừng lại hít một hơi rồi nói.

'Chúng ta đều đã thức tỉnh, ai cũng đang cầm bút. Chỉ cần còn sống, còn sống là còn có thể tiếp tục chiến đấu!' Tôi nói như hét vào mặt anh, mắt đỏ hoe, gân xanh hằn trên cổ.

"Mùa hè năm 1937, sau một loạt tiếng súng nổ vang trời, ánh chớp xé tan màn đêm, xe pháo ngang dọc trên đường phố, không khí như muốn thiêu đốt chúng sinh, chỉ còn vài thanh âm yếu ớt của mấy con ve sầu chưa bị đạn bắn. Cả đời này tôi không thể quên đêm đó, Châu Kha Vũ dùng giọng điệu chỉ tiếc rèn sắt không thành thép nói với tôi rằng: 'Hôm nay chúng ta bỏ chạy, còn ngày mai thì sao? Ngày mai ai sẽ vác súng bảo vệ gia đình và người lớn tuổi, ai sẽ bảo vệ phụ nữ, trẻ em, ai sẽ đi tìm công lý cho đất nước và người dân Trung Quốc bấp bênh giữa lằn ranh sinh tử, đứng ngay bờ vực diệt vong?'
Chúng tôi đã cãi nhau rất lâu cho đến khi đèn hành lang trong ký túc đều tắt. Tôi cố níu lấy góc áo của anh trong biển đêm mỏng manh, không từ bỏ bất cứ lời lẽ nào để thuyết phục. Anh cúi đầu nhặt lên một chiếc kéo, ánh sáng sắt dứt khoác xuyên qua vạt áo, 'Trương Gia Nguyên, hôm nay chúng ta cắt áo đoạn tuyệt, từ nay về sau không còn là anh em'.
Tôi đột nhiên mất đi thanh âm, không thể nào phát ra câu nói còn mắc kẹt trong cổ họng, "Em không muốn anh chết".

Tôi không sinh năm 1937. Thời đại đó đi qua chỉ còn là những con chữ trắng đen trên trang giấy, tôi cũng không thể tận mắt thấy Trung Quốc khi đó là hình thù gì, sách vở viết về những tội ác của người Nhật ra sao cũng đã khét vào xương cốt. Nhưng không có gì lạ khi Châu Kha Vũ đã chọn trở thành một người lính thực thụ trong thời đại của súng trường và đạn pháo. Tôi cũng không ngạc nhiên khi tam thái gia nhất quyết phải giữ lại người trong lòng. Dù có cao lớn bao nhiêu, thể lực của người đã quen cầm bút viết sao có thể sánh với chiến sĩ vác súng xông pha trận mạc, một khi đã tiến vào Tân tứ quân[6], thì chính là không biết có ngày trở lại.

Rốt cuộc, trên sổ tay của tam thái gia còn có một câu khác:
"Tôi nhất định sẽ cùng anh chiến đấu, cho dù hôm nay anh đã cắt áo ra đi. Nhưng chỉ cần anh ấy tin tưởng một điều, tôi chỉ muốn anh sống tốt".
"Châu Kha Vũ sẽ sống, Châu Kha Vũ nhất định phải sống, tôi đã luôn cầu nguyện kể từ đêm hôm đó. Tôi là một người theo chủ nghĩa duy vật vững chắc, nhưng có thời điểm tôi cực kỳ tin rằng có Chúa trên đời này, Ngài sẽ xót thương cho lời thỉnh cầu của tôi".

[1] Tư bản - Chỉ trích về kinh tế chính trị (tựa đề nguyên bản bằng tiếng Đức Das Kapital - Kritik der politischen Oekonomie) là một tác phẩm về kinh tế chính trị quan trọng của nhà triết học và nhà học thuyết Karl Marx người Đức. Qua việc quan sát ngành công nghiệp hiện đại nước Anh, điều kiện làm việc của ngành và các phân tích của nhũng nhà học thuyết đi trước ông về nền kinh tế chính trị (như David Ricardo hoặc Adam Smith), ông Marx chỉ ra bản chất thật của chủ nghĩa tư bản bằng việc nhấn mạnh vào những mâu thuẫn nội tại của hệ thống này.

[2] Văn Nhất Đa (1899-1946), nhà thơ và học giả người Trung Quốc. Thơ ông chịu ảnh hưởng của Tây phương. Ông tham gia "Tân Nguyệt Xã" và viết tiểu luận về thơ ca, chủ yếu nhấn mạnh rằng thơ ca phải có "tính chất chính quy".

[3] Hutong, có nghĩa là "giếng nước" theo tiếng Mông Cổ hay còn được gọi là Hồ đồng, đề cập tới một mê cung những ngõ ngách, con đường, con ngõ hẹp từ 6-7m được hình thành bởi những căn nhà truyền thống của Trung Quốc (Siheyuan). Tại tâm chấn của Bắc Kinh là Cung điện Hoàng gia (Tử Cấm Thành); Hutongs phát triển dọc theo phía Bắc, phía Đông, phía Nam và phía Tây của tường thành.

[4] Bắc Bình: tên gọi của Bắc Kinh trong nhiều giai đoạn. Trong bối cảnh câu chuyện, thành phố mang tên Bắc Bình từ năm 1928-1937, khi ấy không phải là thủ đô của Trung Quốc.

[5] Sự kiện Lư Câu Kiều hay Sự kiện mùng 7 tháng 7, xảy ra ngày 7 tháng 7 năm 1937, được xem là sự kiện mở đầu Chiến tranh Trung-Nhật. Căng thẳng gia tăng sau sự kiện cầu Lư Câu đã trực tiếp dẫn tới cuộc chiến tranh quy mô toàn diện ở trận Bắc Bình-Thiên Tân vào cuối tháng 7 năm 1937. Mất cầu Lư Câu và thành Uyển Bình, Bắc Kinh bị cô lập hoàn toàn và mau chóng rơi vào tay quân Nhật.

[6] Tân Tứ quân: tên đầy đủ là Quốc dân Cách mạng Quân Lục quân Tân biên Đệ tứ quân, là một đội quân về danh nghĩa thuộc chính phủ Trung Hoa Dân quốc cùng với Tân Nhất quân, Tân Nhị quân, Tân Tam quân, nhưng trên thực tế do Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền lãnh đạo và các đảng viên cộng sản trong Quốc Dân Cách Mạng quân chỉ huy, hoạt động từ năm 1936 đến 1947. Cùng với Bát lộ quân, Tân Tứ quân được xem là thành phần nòng cốt, tiền thân hình thành nên Hồng quân Công Nông và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip