Châu Văn Tiếp
Lửa chiến tranh như thiêu đốt cả vùng trời Gia Định. Từng cụm khói đen bay cuồn cuộn trên nền trời cháy rực, nơi quân Tây Sơn do chính tay Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ thống lĩnh. Châu Văn Tiếp, vị tướng nổi danh xứ Nam Hà, muốn dùng hỏa công để thiêu rụi quân Tây Sơn. Nhưng ý trời không thuận. Hỏa công mới chỉ vừa tung ra thì trời lại trở gió. Khói chưa kịp bốc lên đã bị cuốn ngược, thiêu cháy chính doanh trại mình.
Trong lúc binh lính tan tác, Châu Văn Tiếp đứng giữa đống tro tàn, ánh mắt ông chất chứa sự u uẩn, đau đáu. Ông biết trận này bại không chỉ vì gió, mà vì vận nước đang nghiêng.
Chúa của ông Nguyễn Phúc Ánh đã phải bỏ chạy, men theo kinh rạch mà trốn xuống Ba Giồng. Tin dữ truyền tới ông lúc nửa đêm, trong một mảnh thư nhuốm máu. Ông siết chặt mảnh giấy, rồi trầm giọng với các thuộc tướng:
"Chúng ta sẽ đi. Qua Chân Lạp, sang Xiêm!"
Mọi người sững sờ. Một tướng già, ánh mắt chất chứa nỗi bi ai, nhìn Châu Văn Tiếp:
"Thưa Đại tướng, đường xa hiểm trở, chốn đất khách quê người ấy đầy rẫy bất trắc. Xiêm La, nơi vương triều Rama I đang nuôi dã tâm bành trướng phương Nam... Liệu có phải lối thoát?"
Châu Văn Tiếp ánh mắt kiên định, dẫu giọng nói nhuốm màu trầm mặc:
"Phải đi! Phải tìm cơ hội lấy lại cho chúa Nguyễn dù chỉ là một mảnh đất "
Đoàn người rời Gia Định trong lặng lẽ, men theo đường rừng rậm qua biên giới Cao Miên. Châu Văn Tiếp cưỡi trên lưng ngựa , ánh mắt không rời mặt trời đã lặn hẳn ở phía Tây. Trời đỏ rực màu hoàng hôn, rừng hoang xanh thăm thẳm. Đêm xuống, ông ngồi bên đống lửa, lòng xót xa nghĩ đến sự khốn cùng của chúa Nguyễn Phúc Ánh. Ngồi cùng vài tráng sĩ, ông nhẩm đọc một bài thơ vừa lau thanh súng hỏa mai cầm trên tay.
"Trăng lạnh đầu non ánh mờ sương,
Gió khuya thổi nhẹ thoảng mùi hương.
Chiến y chưa cởi, lòng chưa ngủ,
Lặng lẽ bên sông vọng cố hương.
Cờ lệnh phất bay che bóng nguyệt,
Trống canh dồn dập giục đoàn trường.
Nam chinh còn đó bao lời hẹn,
Một dải giang sơn gác mộng thường."
Chuyến đi ấy không phải vì danh, cũng chẳng vì thân. Mà là để giữ một mảnh đất cho chúa Nguyễn, một hơi thở cuối cùng cho cơ đồ còn chưa tắt.
Châu Văn Tiếp cầu viện vua Xiêm
Tại kinh đô Xiêm La, giữa điện vàng ngọc rực rỡ, vị tướng râu bạc của xứ Nam Hà quỳ gối trước vua Rama I, dâng lời cầu viện.
"Hạ thần Châu Văn Tiếp, xin bệ hạ ban ơn, chỉ ba điều: giữ đất, cứu chúa, và báo thù!"
Vua Xiêm, thấy cơ hội bành trướng đến tận cửa, ánh mắt long lên như hổ đói:
"Được! Trẫm sẽ giúp!"
Ngay trong đêm ấy, Châu Văn Tiếp sai người phóng ngựa về phía Nam, mang theo mật thư, viết trên lụa đỏ, chỉ vỏn vẹn vài dòng:
“Viện binh sẽ đến. Xin chúa chuẩn bị.”
Gió biển Hà Tiên cuộn lên thổi thốc vào chiếc áo choàng đỏ đã bạc màu của Nguyễn Phúc Ánh. Chúa Nguyễn đứng lặng trên boong chiếc ghe nhỏ, mắt hướng về xa khơi nơi mũi thuyền Xiêm đang dần hiện ra. Một con tàu lớn, đầu rồng mạ vàng, buồm căng thẳng gió, dẫn đầu là tướng Xiêm Phraya Thatsada người Xiêm gọi là Hầu tước Thát Xỉ Đa.
Ông vừa nhận được mật thư báo tin từ Châu Văn Tiếp cách đó vài tuần. Giờ thì mọi thứ đã tới. Cơ hội… hay vực thẳm?
Phía sau ông, trong đám tướng sĩ mỏi mệt sau bao tháng trốn chạy, có người rưng rưng hi vọng, kẻ lặng im hoài nghi.
Nguyễn Văn Thành, vị tướng gốc Nam Định, tiến lên, ánh mắt khẩn thiết:
"Điện hạ... Xiêm La không phải bạn lâu dài. Chúng ta mượn cọp để đuổi sói, nhưng cọp sẽ ngoảnh lại cắn người."
Nguyễn Ánh có chút do dự. Nhưng rồi ông nói, giọng như gió lướt mặt sóng:
"Nếu không có gươm, thà mượn dao kẻ khác chém giặc, còn hơn ngồi mà chờ chết."
Sau khi gặp Thát Xỉ Đa tại Cà Mau, Nguyễn Ánh rời Long Xuyên, vượt đường thủy đến Vọng Các (Bangkok) vào đầu tháng Ba năm Giáp Thìn (1784). Vua Xiêm Rama I đón ông long trọng, như tiếp một quốc quân lưu vong đang mang lại cơ hội chiếm cứ phương Nam.
Điện Thái ngát hương trầm, nhã nhạc rền vang, nhưng Nguyễn Ánh không cười. Ông biết phía sau những lời tiếp đón là bàn tay đã chuẩn bị siết chặt bất cứ mảnh đất nào quân Xiêm đặt chân đến.
Dưới ánh đuốc và nến màu vàng nhạt, ông trình bày chiến sự, khẩn cầu viện binh, và hứa sẽ để quân Xiêm tự do di chuyển tại Gia Định. Vua Rama I gật đầu không do dự.
Sau cuộc hội kiến, một đội quân hỗn hợp bắt đầu hình thành:
Châu Văn Tiếp: được phong là Bình Tây đại đô đốc, thống lĩnh cả quân Việt lẫn Xiêm.
Mạc Tử Sanh: con của Mạc Thiên Tứ một tướng lừng danh đất Hà Tiên được phong làm Tham tướng.
Hơn 30 viên quan và mấy chục tướng sĩ trung thành đi theo Nguyễn Ánh, cùng hơn nghìn lưu dân Việt tại Xiêm được tuyển mộ thêm.
Họ là những người còn tin vào cơ nghiệp họ Nguyễn, những người sẵn lòng đánh đổi sự sống để giành lại mảnh đất phía Nam.
Trước ngày khởi hành, trong một đêm lặng gió, Nguyễn Ánh đứng nơi hành lang cung điện Xiêm, nhìn về phương Bắc. Ông nói với Châu Văn Tiếp:
"Ta không chỉ mượn quân… mà đang mượn cả thời gian. Nếu không thắng nhanh, ta sẽ không còn đất để về."
Châu Văn Tiếp cúi đầu, nhưng giọng trầm như tiếng trống trận:
"Chỉ cần bệ hạ còn tâm huyết với giang sơn, kẻ sĩ chúng tôi sẽ không tiếc mạng sống."
Và rồi, gươm xiêm, cờ Việt cùng ra khơi. Một lần nữa, đất phương Nam chuẩn bị đón sóng gió nhưng lần này, không chỉ có Tây Sơn, mà còn có móng vuốt của một thế lực ngoại bang vừa được mở cửa...
Từ vịnh Xiêm La, 300 chiến thuyền rẽ sóng, mang theo hai vạn quân thủy binh Xiêm và hai vị tướng thân vương: Chiêu Tăng và Chiêu Sương, cháu ruột của vua Rama I. Trên boong thuyền chỉ huy, lá cờ Xiêm căng thẳng gió, sát bên là cờ Long Tinh của chúa Nguyễn.
Ở phía tây, 3 vạn quân bộ binh dưới trướng các tướng Lục Côn, Sa Uyển và Chiêu Thùy Biện băng qua rừng rậm Chân Lạp, vượt biên An Giang, tiến thẳng về phía Gia Định.
Cả phương Nam ngột ngạt trong hơi nóng và tiếng trống trận từ hai phía.
Ngày 25 tháng 11 năm 1784, Châu Văn Tiếp dẫn đầu quân Nguyễn và một phần lực lượng Xiêm tiến đánh quân Tây Sơn tại sông Măng Thít, vùng đất ngập nước gần Long Hồ (Vĩnh Long ngày nay). Ông biết rõ, trận này không chỉ là sự sống còn của chúa Nguyễn, mà còn là danh dự của người Việt giữa lòng quân ngoại bang.
Trong khói súng và tiếng hò hét, quân Tây Sơn phòng thủ kiên cường. Chưởng cơ Bảo (Nguyễn Văn Bảo), một viên tướng Tây Sơn và cũng là con trai của vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc), cầm quân chống cự, lập trận ngay giữa dòng sông.
Giữa lúc hỗn chiến, Châu Văn Tiếp thân mặc giáp nhẹ. Ông đâm xuyên qua ba lính Tây Sơn thì bất ngờ bị một ngọn giáo đâm xiên từ cạnh sườn.
Máu tuôn đỏ áo, nhưng ông vẫn gầm lên, chém một nhát cuối cùng trúng vai Chưởng cơ Bảo, rồi ngã xuống. Đám thân binh liều chết đưa ông lùi về.
Châu Văn Tiếp, vị đại đô đốc được Nguyễn Ánh tin cậy nhất, chỉ sống thêm ba ngày sau đó. Trong những ngày cuối đời không còn khả năng chỉ huy và kiểm soát quân Xiêm ông đã nhìn thấy được sự dã tâm và man rợ của chúng đối với vùng đất An Nam. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông chỉ kịp để lại một lá thư gửi cho chúa Nguyễn Phúc Ánh.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip