Thỏ Và Sói
Thiên Cang là một quốc gia lớn, luôn nhộn nhịp, phồn hoa, lại nằm giữa hai nước Na Lộc và Xứ Châu, hai nước này như hổ rình mồi, thèm khát Thiên Cang. Thế nên vào mùa xuân năm Văn Tuyên đế thứ mười tám, hai quốc gia là Na Lộc và Xứ Châu cấu kết với nhau, tiến đánh Thiên Cang.
Chúng nghĩ Thiên Cang xưa nay ít chiến tranh, quân tướng lâu ngày không “rèn luyện thể lực”, trái lại quân đội Na Lộc và Xứ Châu lại thiện chiến, thế là đem quân sang đánh. Chúng tuy hai mà một, hai bên tướng lĩnh cùng nhau tiến đánh thành Hỏa Châu, nằm cạnh bên bờ cõi Xứ Châu. Cứ nghĩ gần địa phận của mình và với đội quân được mài giũa lâu năm, trận này chắc chắn sẽ thắng, thế nên cả hai nước chỉ đem vỏn vẹn ba vạn quân.
Tuy nhưng chúng chẳng ngờ Thiên Cang xưa nay đúng là không chiến tranh triền miên, nhưng quân đội luôn được tập luyện kỹ càng, sẵn sàng cho những tình huống nguy cấp như lúc này.
Trận chiến mùa xuân năm đó, với sự lãnh đạo, dẫn đầu của Danh Thừa tướng quân, toàn thắng!. Đánh tan ba vạn quân Na Lộc và Xứ Châu, chặt đầu hai tên tướng lĩnh của chúng gửi trả về quê nhà, xem như là bài học về việc khinh địch của chúng.
“Đã nửa năm trôi qua, bờ cõi thái bình đều nhờ tài lãnh đạo sáng suốt của Danh Thừa tướng quân”. Văn Tuyên đế hài lòng nói.
Quân thần trong điện đều không ngớt lời khen dành cho Danh Thừa, không khí rộn rã hơn bao giờ hết.
Danh Thừa hành lễ: “Bẩm bệ hạ, trận chiến vừa rồi tuy thần góp công nhưng không thể thiếu sự góp sức của quân sư, chính y là người đưa ra kế sách toàn vẹn và linh hoạt để Thiên Cang chúng ta đến gần hơn với chiến thắng”. Vị thiếu niên chạng hơn hai mươi, ngũ quan sáng sủa, tuy là tướng quân chinh chiến sa trường nhưng nước da không hề bị rám nắng, trái lại còn rất trắng, dáng vẻ nhìn rất ôn nhu, dịu hiền.
Cảnh Vũ đứng cạnh không hề có ý định lên tiếng.
“Vậy... Hai khanh muốn ta thưởng gì?”.
Danh Thừa vội quỳ xuống, nói: “Được cống hiến cho Thiên Cang, Danh Thừa vui làm sao cho hết, không dám xin bệ hạ bên thưởng”.
Lời nói của hắn thật khiến người nghe dễ chịu, trái với Danh Thừa, Cảnh Vũ lại có phần trầm tính hơn, nói đúng ra là lạnh lùng, rất khó bộc lộ cảm xúc thật ra bên ngoài.
Hắn cũng quỳ xuống như Danh Thừa, từ từ nói: “Bệ hạ, nếu được xin người hãy tăng thêm binh lính ở thành Dương Phong”. Hắn chần chừ rồi nói tiếp:
“Ít nhất là hai vạn”.
Mọi người trong điện đều hoàn toàn sửng sốt, thành Dương Phong bây giờ chỉ đứng thứ hai sau Kinh thành, là một thành trì lớn, phồn hoa và cực kỳ an lạc, trước giờ chưa từng xảy ra loạn lạc. Mặc dù cũng xem là sát biên giới với Na Lộc (Na Lộc – Vĩnh An – Dương Phong), nhưng bọn chúng vừa mới bại trận cách đây không lâu, không thể nào oai hùng dẫn quân đánh Dương Phong được. Nếu có đánh, cũng có khả năng là chọn Vĩnh An chứ không thể nào là Dương Phong.
Văn Tuyên đế chậm rãi nói: “Ta biết khanh còn cảnh giác bọn quân Na Lộc, Xứ Châu sau trận đánh nửa năm trước. Nhưng khanh cũng thấy đó, bây giờ biên cương đã được dẹp loạn, bá tánh vui vẻ, ấm no, giờ điều động binh đến sẽ khiến lòng dân hoang mang, lo sợ”.
Qua cách nói cũng có thể thấy Văn Tuyên đế thật sự coi trọng Cảnh Vũ, hắn rất được tín nhiệm.
Cảnh Vũ vội vàng giải thích, chưa bao giờ mọi người thấy hắn làm việc vội vã như thế:
“Nửa năm trước, quân Na Lộc, Xứ Châu ỷ mạnh cấu kết đánh chiếm nước ta, chúng chọn thành Hỏa Châu vì đây là trận đánh đầu tiên khi chúng đặt chân lên Thiên Cang, lại gần sát biên giới nên nếu không ổn có thể rút lui nhanh chóng, lại thêm thái độ hóng hách, chủ quan nên chỉ đem ba vạn binh đến đánh, kết quả là thua thảm hại”.
Cảnh Vũ dừng lại một lúc, tiếp tục trình bày: “ Tuy nhiên khi đã giao chiến với quân ta, chúng ít nhiều cũng biết Thiên Cang không dễ đối phó như chúng nghĩ, cộng thêm việc hai tên tướng lĩnh chỉ huy bị chặt đầu, người Na Lộc và Xứ Châu xưa nay vốn xem trọng thể diện, thù này ắt phải trả”.
Cảnh Vũ chưa kịp nói xong đã bị một vị quan viên chặn miệng: “Theo quân sư nói, chúng chắc hẳn sẽ đánh Thiên Cang ta một lần nữa. Nhưng tại sao bây giờ ngài lại thỉnh cầu bệ hạ cho ít nhất hai vạn binh đến phòng thủ, ta nghĩ chúng không thể đánh đến đây nhanh như vậy đâu”.
“Người Na Lộc đa phần là ngư dân, thiết nghĩ những binh sĩ trước khi đi tòng quân đa phần đều làm nghề đánh cá kiếm sống, kỹ thuật bơi lội chắc chắn rất tốt, địa thế Dương Phong đa phần là nước, nếu tiến đánh Dương Phong thật là một lựa chọn không tồi”. Cảnh Vũ giải bày một cách hờ hững.
Danh Thừa vẫn chưa thông, hỏi: “Vậy tại sao quân sư không nghĩ bọn chúng sẽ đánh Vĩnh An, Vĩnh An vừa sát Na Lộc, vừa có biển, đánh vào Vĩnh An không phải là lựa chọn tốt hơn sao?”.
“Vĩnh An đúng là một lựa chọn tốt, nhưng so với sự phồn hoa rộng lớn của Dương Phong thì còn thua xa”. Cảnh Vũ đáp.
Một đại thần trong điện liền nhảy vào: “Quân sư, ngài sao lại nói vậy? Không phải trận đánh đầu tiên chúng chọn thành Hỏa Châu sao? Thành Hỏa Châu nằm ở phía đông sát biên giới Xứ Châu, thành trì vừa nhỏ lại không phồn hoa. Ta nghĩ chúng chọn Hỏa Châu mục đích là đánh chiếm từng thành, từ từ thu phục dân ta. Ấy vậy mà lại thất bại, bây giờ nếu muốn đánh sao lại chọn Dương Phong được”. Hắn cười nói: “Quân sư, chúng không hề mất não như ngài nghĩ”.
Mọi người trong điện bắt đầu xôn xao, náo nhiệt, đúng như lời vị đại thần đó nói, quân Na Lộc, Xứ Châu căn bản không thể chọn Dương Phong là mục tiêu tiếp theo để đánh chiếm.
Văn Tuyên đế lên tiếng, bầu không khí nhanh chóng lắng xuống: “Cảnh ái khanh, tiếp tục nói”.
Ai mà chẳng biết Danh Thừa tướng quân là cánh tay đắc lực của Văn Tuyên đế, nhưng nhắc đến Danh Thừa mà không nhắc đến Cảnh Vũ là một thiếu sót. Cảnh Vũ là quân sư của Danh Thừa, đồng thời cũng là bạn học thời niên thiếu, nói đến am hiểu nhau thì còn ai hiểu nhau hơn họ, phối hợp vô cùng ăn ý. Trên chiến trận, Cảnh Vũ bày trận, tính kế dụ địch, Danh Thừa dũng mãnh xông pha ra chiến trường, người đời gọi họ là Song Trung Hào Cang .
Cảnh Vũ bị cắt ngang có phần không thích, điều này hiện rõ trên mặt, chưa từng nể nang, kiên dè gì: “Nếu mọi người lần đầu tiên đi săn, sẽ săn con gì giữa thỏ và sói?”.
“Đương nhiên là thỏ rồi”. Một quan đại thần trong điện lên tiếng.
“Vì sao vậy?”. Cảnh Vũ nói xong mới quay đầu liếc nhìn vị đại thần đấy.
“Lần đầu đi săn sẽ chưa có kinh nghiệm, tay chân còn luống cuống, nếu còn tham mà đi săn sói không chừng gặp họa ngập đầu”.
“Vậy thì lần sau, sẽ săn con gì?”. Cảnh Vũ tiếp tục hỏi.
Vị đại thần đó chợt cười lớn: “Quân sư, sao ngài lại hỏi những câu này? Đương nhiên là sói rồi”. Không đợi Cảnh Vũ hỏi vì sao, hắn ta liền giải thích:
“Lần đầu đi săn không am hiểu địa thế, trong rừng lại toàn cây cối rậm rạp, nếu ta cứ nhất quyết săn sói, thành công thì không nói, thất bại thì ta với nó, ngài nghĩ ai am hiểu đường rừng hơn? Chẳng phải kẻ đi săn lại trở thành con mồi sao?”.
Cảnh Vũ chợt mỉm cười, đại thần lại nói: “Lần sau đi thì ta đã nắm rõ đường hơn, nếu cứ tiếp săn thỏ thì thật là vô vị. Thỏ chỉ có thể đem lên nướng, còn sói ngoài nướng ra có thể vặt lông đem về làm áo ấm, chẳng phải tốt hơn sao?”.
“Ngài hơi tham rồi đó, lỡ như có sai sót thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng”. Cảnh Vũ thong thả nói.
“Quân sư, thứ cho ta nói thẳng. Sống ở đời nếu ngài cứ ung dung thư thả hay sợ sệt mà giậm chân tại chỗ thì suốt đời ngài cũng đừng mong có cuộc sống khá hơn”. Hắn mạnh miệng nói tiếp:
“Sống phải biết nắm bắt thời cơ, khi cơ hội vừa đến phải nhanh chóng bắt lấy vì khi nó đã qua thì không cách nào có thể lấy lại được. Đạo lý đơn giản như thế này có lẽ quân sư hiểu rõ hơn ai hết”. Nói xong hắn đưa ánh mắt khinh bỉ nhìn Cảnh Vũ.
Cảnh Vũ mỉm cười, gương mặt lạnh lùng thế này khi cười lên lại mang cảm giác gần gũi đến lạ thường: “Ngài nói đúng, nhưng nếu lỡ như lần đầu đi săn ngay cả thỏ ngài cũng chẳng săn được. Vậy ....”. Hắn chậm rãi nói: “... Lần sau ngài có tính săn sói nữa không?”.
Không để Cảnh Vũ chờ lâu, hắn liền đáp: “Đương nhiên là săn sói rồi, chung quy lại săn sói vẫn tốt hơn, tuy có phần nguy hiểm nhưng dù sao ta cũng đã am hiểu địa thế. Vả lại lần đi này ta nhất định sẽ mang vũ khí tốt hơn để săn chúng, xem....”.
Hắn đang nói bỗng chốc ngưng lại, dường như hiểu ra được gì đó.
Mọi người ở trong điện không rõ vì sao đột nhiên vị đại thần này lại im lặng, chợt Danh Thừa lên tiếng: “Ta hiểu rồi”.
“Là có ý gì?”. Mọi người trong điện nháo nhào lên.
Cảnh Vũ lười giải thích, đây vốn là bản tính của hắn, người người đều biết so với Danh Thừa tướng quân thân thiện, ôn nhu thì quân sư Cảnh Vũ nhiều lúc làm người ta có phần chán ghét.
Danh Thừa cũng thừa biết tính cách của quân sư hắn, vội giải thích: “Nếu chúng ta xem người đi săn chính là bọn người Na Lộc, Xứ Châu, thỏ là thành Hỏa Châu, sói là Dương Phong thì mọi chuyện sẽ sáng tỏ”.
Văn Tuyên đế chăm chú nhìn Danh Thừa.
Hắn nói: “Người Na Lộc, Xứ Châu như những kẻ đi săn lần đầu, chưa am hiểu địa thế, cách đánh trận của Thiên Cang ta, lại ỷ mình có quân đội hiếu chiến nên rất hống hách, nhưng suy cho cùng chưa đánh với chúng ta lần nào nên sẽ có đôi chút đề phòng, thế nên chúng mới chọn thành Hỏa Châu, sát biên giới Xứ Châu, thành lại nhỏ, ít binh lực. Chúng nghĩ sẽ đánh thắng một cách dễ dàng”.
“Nhưng chúng lại chẳng ngờ sẽ thất bại, mất hết thể diện, nào có chịu được”. Danh Thừa tiếp tục nói: “Cũng giống như Lương đại nhân nói, Sống phải biết nắm bắt thời cơ, khi cơ hội vừa đến phải nhanh chóng bắt lấy vì khi nó đã qua thì không cách nào có thể lấy lại được”. Hắn lặp lại y đúc từng câu từng chữ của tên đại nhân vừa nói: “Một thành trì nhỏ mà cũng không chiếm được, cơ hội đã mất đi, bọn chúng chắc hẳn sẽ có chung suy nghĩ với Lương đại nhân: Chi bằng lần tới đánh một nơi lớn hơn, địa thế thuận lợi cho chúng”.
“Cho nên Dương Phong là một lựa chọn sáng suốt”. Văn Tuyên đế gật gù nói.
“Bệ hạ anh minh”. Danh Thừa hành lễ nói.
Văn Tuyên đế hình như đã nhìn thấu sự việc, khẽ đưa mắt mình Cảnh Vũ: “Cảnh ái khanh, ngươi quả là biết nhìn xa trông rộng”.
Được Văn Tuyên đế khen như thế, nhưng nét mặt của Cảnh Vũ chưa từng thay đổi, chỉ cúi nhẹ đầu xem như nhận lời khen.
“Nhưng...”. Văn Tuyên đế lại nói: “Theo như Danh tướng quân nói, có thể lần tới đây bọn chúng sẽ đem không ít binh mã, hai vạn binh liệu có đủ để chống lại chúng?”.
“Hoàn toàn không đủ”. Cảnh Vũ điềm tĩnh nói: “Lần này có thể bọn chúng sẽ mang ít nhất mười vạn binh đến”.
“Mười vạn binh? Gấp ba lần so với trận ở Hỏa Châu”. Lương đại nhân hoảng hốt nói.
“Bây giờ ở Dương Phong có Yến tướng quân nắm giữ hơn bảy vạn binh mã, khẩn xin bệ hạ cho thần mang ba vạn binh đến hỗ trợ”. Danh Thừa khẩn cầu.
“Bây giờ mà điều động ba vạn binh đến Dương Phong sẽ khiến lòng dân hoang mang, cũng chưa biết ở Dương Phong thật sự có quân Na Lộc, Xứ Châu hay không. Lộ trình từ Kinh thành đến Dương Phong ít nhất một tháng nếu đi liên tục không ngừng”. Một vị đại thần trong triều e ngại.
Văn Tuyên đế chần chừ nói: “Ta sẽ sai người báo tình hình ở Dương Phong, bây giờ bãi triều, có gì sau khi nắm được tình hình sẽ thảo luận”.
“Bệ hạ anh minh”.
Ra khỏi điện, Cảnh Vũ và Danh Thừa quấn nhau như rối, nhìn từ xa cứ tưởng là hai huynh đệ ruột thịt.
“Tử Lâm, làm sao huynh nghĩ quân Na Lộc, Xứ Châu sẽ đánh chiếm Dương Phong? Ta nghĩ mãi mà chẳng ra huynh từ đâu mà phát hiện được”. Danh Thừa tò mò hỏi.
Cảnh Vũ đưa mắt nhìn Danh Thừa, lạnh lùng đáp: “Có gì về phủ rồi nói”. Hắn nhanh chóng rời đi.
“Cái tên này lúc nào cũng tỏ ra thần bí”. Danh Thừa hừ một tiếng rồi nhanh chóng đi theo.
Một vài đại thần từ sau liếc mắt nhìn hai nhi tử đang rời đi, không khỏi bàn luận: “Ngài xem, trừ lúc ra trận thì ta chả thấy Danh tướng quân giống một vị tướng lĩnh tí nào, cứ như một đứa trẻ trong thân hình một kẻ to xác”.
“Trước mặt bệ hạ thì ôn nhu, tao nhã, còn khi đi với Cảnh Vũ thì cứ như một đứa trẻ. Theo ta thấy thì Cảnh Vũ mới có phong thái của một vị tướng quân”.
“Ta cũng không ngờ Cảnh Vũ sẽ làm quân sư cho Danh Thừa, hắn ta tài giỏi như thế, làm quân sư quả thực có phần tiếc nuối”.
“Vậy mà ngài không nhìn ra, Cảnh Vũ hắn tham sống sợ chết, không dám ra chiến trường chiến đấu. Vả lại....”. Người đó bắt đầu nhỏ giọng: “Bây giờ Cảnh gia còn mỗi mình hắn, nếu hắn ra chiến trường lỡ bất trắc xảy ra chuyện gì thì Cảnh gia chẳng phải tuyệt tự luôn sao”.
“Thôi đủ rồi, chuyện không phải của chúng ta thì dừng lại ở đây thôi”.
Cảnh Hoài Sinh chỉ có duy nhất một người thê tử là Cảnh phu nhân – mẫu thân của Cảnh Vũ. Đoạn tình duyên của họ đẹp như trong mơ, khiến bao người phải ao ước.
Thời niên thiếu, Cảnh Hoài Sinh đã bộc lộ tư chất hơn người, võ công vô cùng giỏi, luôn đứng đầu trong các kỳ thi ở Học Quán.
Trong một lần tình cờ, Hòa Hương (mẫu thân của Cảnh Vũ) đang đi chơi xuân thì gặp phải bọn cướp, nàng là ái nữ của Hòa giáo úy, thân hình nhỏ nhắn, nhìn có phần yếu đuối, gặp phải bọn cướp xem như nàng xong đời rồi, bên cạnh lại không có nha hoàn hay thuộc hạ bảo vệ, chỉ biết thét lớn kêu cứu.
Cảnh Hoài Sinh đang đi dạo cùng bằng hữu ở Học Quán, nghe thấy tiếng kêu cứu của Hòa Hương lập tức chạy đến xem tình hình. Bọn chúng có ba người, tuy là cướp nhưng chỉ là hạng “quèn”, Cảnh Hoài Sinh chỉ cần vung mấy cú thì bọn chúng đã ngã nhào xuống đất, hớt hải chảy đi.
Cảnh Hoài Sinh vội đến đỡ Hòa Hương dậy, ánh mắt hai người vô tình chạm vào nhau, thời gian bỗng dưng ngưng đọng.
“Cô nương có sao không? Nhà cô ở đâu? Để ta đưa cô về”.
Hòa Hương e ngại, ấp úng đáp: “Ta không sao, đa tạ đại hiệp ra tay cứu giúp”.
Bằng hữu đi cạnh Cảnh Hoài Sinh chợt bật cười: “Cô nương, hắn chẳng phải đại hiệp gì đâu, hắn chỉ là tên công tử đang học ở Học Quán”. Người đó gãy đầu: “Tuy vậy hắn có tư chất hơn bọn ta một ít”.
Cảnh Hoài Sinh trước giờ luôn tự tin với võ công của mình, hắn nhanh chóng nói: “Đúng là bây giờ ta chỉ là một học trò ở Học Quán, nhưng chẳng bao lâu nữa ta sẽ đầu quân đi đánh giặc, không bao lâu sẽ trở thành tướng lĩnh”. Hắn nói với vẻ rất tự tin kèm theo nụ cười đắc ý.
Hòa Hương nghe vậy chợt mỉm cười, nụ cười đẹp như hoa mùa xuân.
“Cô nương, cô không tin ta sao?”. Cảnh Hoài Sinh thấy nàng cười liền hỏi.
“Ta không có ý đó. Trái lại ta thấy đại hiệp đây sao này chắc chắn sẽ trở thành một tướng lĩnh giỏi, đánh trăm trận trăm thắng”.
Cảnh Hoài Sinh nghe vậy liền ngại ngùng, tuy tư chất của hắn rất tốt nhưng từ trước giờ hắn chưa nghe một ai nói như vậy, trong lòng ngập tràn vui sướng: “Tối nay cô có rảnh không? Dành một ít thời gian đi du xuân với ta, có được không?”. Chỉ là mang lòng ái mộ, hắn thuận miệng ngỏ lời, chẳng ngờ người kia lại đồng ý.
“Được, tối nay hẹn đại hiệp ở hồ Ngọc Bích”. Nói rồi nàng chạy vội về nhà, má ửng hồng nhìn rất đáng yêu.
Dường như nhớ ra điều gì đó, Cảnh Hoài Sinh liền nói lớn: “Cô nương, ta vẫn chưa biết tên cô, không biết nên xưng hô thế nào”.
“Ta họ Hòa, tên Hương”. Dù đã chạy được một đoạn nhưng nàng vẫn còn nghe thấy tiếng hắn, nhanh chóng đáp lời.
“Hòa Hương”. Hắn ngẩn người gọi tên nàng.
Tình cảm của họ cứ thế mà tiến triển, không lâu sau đó Cảnh Hoài Sinh mang sính lễ sang, họ cứ thế mà hạnh phúc đến bên nhau.
Trai thanh nữ tú, Cảnh Vũ bây giờ cũng được ưu ái thừa hưởng nhan sắc của phụ mẫu, đôi mắt đen huyền, sáng trong của hắn được thừa hưởng từ Cảnh phu nhân, còn chiếc mũi cao thanh thoát lại được thừa hưởng từ Cảnh Hoài Sinh.
Hắn – Cảnh Hoài Sinh thật sự thực hiện đúng lời hứa với Hòa Hương cô nương năm đó. Sau khi bà gả sang Cảnh gia được hai năm thì Cảnh Hoài Sinh đã giữ chức tướng quân, nắm giữ hàng vạn binh mã Liên Nam.
Họ yêu nhau thắm thiết, một năm sau Cảnh Vũ ra đời, Cảnh lão gia lại chẳng nạp thiếp, yêu chiều Cảnh phu nhân và nhi tử hết mực, một gia đình như vậy là ước mơ của bao nữ tử, Cảnh phu nhân luôn nói rằng bà là người hạnh phúc nhất trên thế gian này.
..............................................................
Danh Thừa thường tới lui Cảnh gia, Cảnh Vũ sống một mình với mẫu thân hắn trong biệt viện lớn, vài thuộc hạ thân tín còn giữ lại, đa phần đều rời đi khi Cảnh gia gặp biến cố.
Mùa đông năm đó, thân phụ Cảnh Hoài Sinh của hắn dẫn binh đánh người Kế Sa, tuy nói Thiên Cang trước giờ ít chiến tranh nhưng không phải là chưa từng có. Ông dũng mãnh lãnh đạo năm vạn binh chống lại ba vạn binh của Kế Sa, hai bên đánh nhau liên tục trên chiến trường không ngừng nghỉ trong suốt hơn một tháng, quân Liên Nam dự tính sau trận đánh này sẽ kịp về nhà ăn Tết. Không ngờ... tất cả đều bại trận.
Năm vạn binh lại để thua ba vạn, Cảnh Hoài Sinh tử trận trên chiến trường, tuy là thân thể không còn nguyên vẹn song gương mặt vẫn chưa đến nổi là không nhìn ra, được mang về cho Cảnh phu nhân xác nhận, nhìn mặt lần cuối trước khi hỏa táng.
Cảnh Vũ khi đó mới lên tám, còn rất nhỏ nên chưa nhận thức được bản thân hắn đã không còn phụ thân, thấy Cảnh phu nhân ngồi chết lặng bên quan tài thì ngây thơ chạy lại hỏi: “Mẫu thân, sao nhìn người không được vui?”.
Hắn nhìn xung quanh, tiếp tục hỏi: “Phụ thân đã về chưa? Sắp đến Tết rồi, Tử Lâm muốn được phụ thân dạy võ”.
Vừa nghe xong, sắc mặt của Cảnh phu nhân chuyển biến nhanh chóng, từ thất thần, bất ngờ cho đến giận dữ cực độ, mắng: “Từ nay về sau con không được luyện võ nữa, chuyên tâm học văn, luyện chữ”. Bà hét lớn: “Có nghe rõ không?”.
Cảnh Vũ không hiểu chuyện gì đang xảy ra, chỉ thấy mẫu thân của mình thường ngày hiền dịu bây giờ bỗng hóa thành người cực kỳ dữ tợn, ánh mắt vừa giận dữ nhưng cũng có phần bi thương.
Hắn không bị những lời này dọa khóc nức nở lên, chỉ đỏ hoe khóe mắt, hỏi:
“Tại sao con không được luyện võ? Tử Lâm muốn sau này có thể trở thành một vị anh hùng giống phụ thân”.
Thần trí của bà dường như sắp hóa điên vì đau buồn quá độ, khi nghe được những lời này, bà bỗng ôm Cảnh Vũ lên, đi về phía quan tài của Cảnh Hoài Sinh, quát: “Con không thấy phụ thân con sao? Người chết rồi, chết trên chiến trường”.
Bà đưa mắt nhìn trực diện Cảnh Vũ: “Cảnh Tử Lâm, con đã không còn phụ thân rồi, ta đã mất lão gia rồi, con còn muốn ta mất đi con hay sao?”. Nói xong bà khóc.
Thuộc hạ trong phủ thấy vậy liền chạy đến bế Cảnh Vũ đi, Cảnh phu nhân liền không cho, kịch liệt gào thét: “Mau thả Cảnh nhi ra, không ai được mang nó đi”.
Nhân sinh hợp tan là chuyện bình thường, nhưng Cảnh phu nhân chẳng ngờ mọi chuyện lại đến sớm như thế, nhi tử của hai người vừa mới lên tám đã chịu cảnh không cha. Người thiếu niên đại hiệp nhiết huyết năm đó bây giờ đã chết trên chiến trường - chết ở nơi ông từng ao ước được đặt chân đến. Chết với niềm mong ước của ông, chết với sự ủng hộ của Hòa cô nương năm đó. Cảnh phu nhân đau lòng lắm, biết nơi sa trường mũi kiếm không có mắt, biết nơi biên ải đầy rẫy những hiểm nguy, biết những tên giặc luôn ấp ủ những mưu mô, mỗi lần Cảnh Hoài Sinh đi đánh giặc, Cảnh phu nhân đều vào chùa cầu khẩn cho chàng được bình an mà trở về bên bà, bên nhi tử. Cuối cùng lại chẳng có kết cục tốt đẹp...
Kể từ đó Cảnh phu nhân lúc tỉnh lúc điên, thần trí không bình thường, mỗi lần xuân về bà lại kéo Cảnh Vũ chạy ra trước sân xem người ta bắn pháo hoa, đứng nói chuyện một mình. Như đang trò chuyện với linh hồn đã khuất của phu quân, người đã hứa sẽ về đón Tết cùng bà và Cảnh Vũ.
Thoáng qua cũng đã mười hai năm, Cảnh Vũ từ một cậu bé ngây thơ ngày nào nay đã trưởng thành, trở thành quân sư tài ba của Thiên Cang, tướng mạo xuất chúng, khiến nhiều nữ tử trong và ngoài Kinh thành ngưỡng mộ.
Trong Cảnh gia có một hoa viên, trong hoa viên có một chiếc bàn làm bằng thạch cao và vài chiếc ghế xếp xung quanh tạo thành vòng tròn, nhìn khá cũ kỹ, trước mặt là một hồ nước, muốn đi vào hoa viên phải đi qua cây cầu bắt ngang, dọc bên hông là hàng liễu xanh thắm, nhìn vô cùng tao nhã, thi vị.
Cảnh Vũ và Danh Thừa mỗi khi bàn bạc chuyện gì đều đến đây, bất kể mưa hay nắng cũng không ngại, vì bên trên có một mái vòm che kín, không sợ thời tiết khắc nghiệt.
Hai người họ từ từ ngồi xuống ghế, Cảnh Vũ thong thả rót cho mình một tách trà, hắn nhâm nhi thưởng thức.
“Huynh chưa trả lời câu hỏi của ta lúc ở trên triều”. Danh Thừa nhắc nhở.
Cảnh Vũ không vội, hắn thưởng thức tách trà một lúc rồi nói: “Mật thám báo với ta”.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip