Chương 2. CÁC TRIẾT GIA HY LẠP ĐẦU TIÊN
Chương 2. CÁC TRIẾT GIA HY LẠP ĐẦU TIÊN
NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
THẾ GIỚI CỦA CON NGƯỜI TIỀN VĂN MINH Hãy tưởng tượng bạn đang sống cách đây khoảng 15.000 năm. Đời sống bạn lúc ấy như thế nào? Có thể chắc là ở thời bạn sống, bạn đã kinh nghiệm nhiều chuyện sau đây: sấm sét cầu vồng, các chu kỳ mặt trăng, sinh, bệnh, tử, các giấc mơ (kể cả ác mộng), sao băng, nhật thực hay nguyệt thực; và có thể đã có một hay nhiều trận động đất, giông bão, hay núi lửa. Vì các sự kiện này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống bạn, nên tự nhiên bạn muốn cắt nghĩa về chúng một cách nào đó, nhưng cách nào? Nhiều trong số các sự kiện này - ví dụ sấm sét - thậm chí một người bình thường trong một xã hội văn minh hôm nay cũng không biết cắt nghĩa được; nhưng chúng ta tin các nhà khoa học có thể cắt nghĩa chúng, và chúng ta cảm thấy yên tâm và bớt sợ hãi. Tuy nhiên, khi bạn sống vào thời tiền văn minh, bạn không có các kiến thức khoa học như ngày nay, vì thế bạn phải dựa vào chính mình. Chúng ta đã nhắc đến ở chương trước rằng những con người có suy tư đã luôn luôn thực hiện các cuộc quan sát thường nghiệm rồi tìm cách cắt nghĩa các quan sát ấy. Mặc dù sự quan sát và cắt nghĩa đã trở thành những thành phần nòng cốt của khoa học, cách cắt nghĩa của những con người tiền văn minh hoàn toàn không có tính khoa học. Duy hồn luận và Nhân hình luận Các cố gắng của con người thời sơ khai nhằm cắt nghĩa các hiện tượng thiên nhiên luôn hàm chứa sự dội phóng các thuộc tính của con người vào thiên nhiên, được họ coi là sống động và có các cảm xúc giống như con người. Ví dụ, bầu trời hay trái đất có thể nổi giận hay có thể bình tĩnh giống như con người. Thái độ coi thiên nhiên sống động giống con người thì gọi là duy hồn luận, và sự dội phóng các thuộc tính của con người vào thiên nhiên thì gọi là nhân hình luận; cả hai đều hàm chứa trong các cố gắng thời xa xưa nhằm cắt nghĩa đời sống (Cornford, 1957; Murray, 1955). Con người cổ đại không phân biệt giữa các vật sống động (sinh vật) và bất động, hay giữa các sự vật vật chất và phi vật chất. Một phương pháp cắt nghĩa khác giả thiết rằng có một thần linh hay tinh thần cư ngụ trong mọi vật, kể cả con người, và các thần này cũng hiện thực như bất cứ vật gì khác. Cả các sự kiện tự nhiên lẫn hạnh kiểm con người đều được cắt nghĩa như là do tính khí thất thường của các thần cư ngụ trong mọi sự, mọi vật. Từ tinh thần (spirit) phát xuất từ tiếng La Tinh spiritus,có nghĩa là "hơi thở", hay "khí" (Hulin, 1934, tr. 7). Hơi thở hay khí (sau này là thần, hồn, tâm) là cái tạo sự sống cho các vật, và khi nó rời bỏ một vật thì vật ấy chết. Thần này đôi khi có thể rời bỏ một vật rồi quay trở lại, như người ta nghĩ là việc đã xảy ra trong giấc mơ. Cũng vì người ta có thể mơ thấy hay nghĩ đến một người sau khi người này đã chết, người ta giả thiết rằng con người phải vẫn còn tồn tại, vì người ta tin rằng cái gì có thể nghĩ đến thì phải tồn tại. Với thứ lý luận này, bất cứ điều gì trí khôn có thể nghĩ ra đều được giả thiết là có thật; vì vậy, trí tưởng tượng và các giấc mơ tạo ra đủ loại các yêu quái, thần khí, quái vật, và sau này là các thần, luôn luôn có mặt đàng sau mọi sự kiện tự nhiên. Ma thuật Vì người ta tin có sự tồn tại của vô vàn thần linh với các đức tính của con người, nên tự nhiên người ta cảm thấy bị thôi thúc để tìm cách bắt liên lạc với các thần và tác động đến các thần. Ví dụ, nếu một vị thần cho mưa quá nhiều hay quá ít, loài người tìm cách thuyết phục vị thần ấy thay đổi ảnh hưởng của ngài. Tương tự một người bệnh được nghĩ là bị ám bởi một thần ác, và người ta tìm cách chiêu dụ thần ác này để nó rời bỏ người bệnh hay bị trục xuất ra khỏi thân xác người bệnh. Các phương pháp tinh vi, gọi là ma thuật, đã được phát triển để tìm cách ảnh hưởng đến các thần. Người ta tin rằng các câu bùa chú, các lễ nghi cúng bái, hay các hành vi của con người có thể ảnh hường đến các thần. Tuy các niềm tin này còn rất thô sơ, ít ra chúng cũng tạo cho con người sơ khai cái cảm tưởng họ làm chủ được phần nào số phận của họ. Các tập tục ma thuật này lan rộng tại Ai Cập cổ đại và Babylonia. Giống như người Ai Cập, và hơn cả người Ai Cập, người Babylonia sống trong một thế giới bị ám ảnh bởi các thần ác. Chúng hiện diện khắp nơi, trong xó nhà, trên gác xép, trong các nơi hoang phế, và nơi các khu rừng vắng, chúng rảo khắp các đường phố ban đêm, nấp sau các vách đá và các lùm cây trong tư thế sẵn sàng tấn công bạn nếu bạn tình cờ đi qua, chúng la hét cỡi trên dông tố. Không nơi nào bạn cảm thấy an toàn. Thế nhưng sẽ là một sai lầm lớn nếu bạn cho rằng đời sống của người Babylon là một nỗi kinh hoàng triền miên, hoàn toàn ngược lại. Nếu bạn sống một đời sống chính trực, sùng bái các thần, giữ các vị thần của tổ tiên trong thế giới âm ty bằng cách nuôi các vị thần bằng các của cúng hằng ngày, nếu bạn tuân giữ các điều cấm kỵ và mang các bùa hộ mệnh, thì không có lý do gì để bạn sợ các quỷ thần. Chúng bị kiềm chế và không thể làm hại bạn, mặc dù thỉnh thoảng chúng cũng tấn công một ai đó một cách vô cớ. (Sigerist, 1951, tr. 442). Loài người luôn luôn cần hiểu biết, tiên đoán, và kiểm soát thiên nhiên. Duy hồn luận, nhân hình luận, ma thuật, tôn giáo, triết học, và khoa học, tất cả có thể được coi là các cố gắng để thỏa mãn các nhu cầu ấy. Created by AM Word2CHM TÔN GIÁO HY LẠP THỜI KỲ ĐẦU NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 2. CÁC TRIẾT GIA HY LẠP ĐẦU TIÊN Trong các thế kỷ V và V I t r . CN, những giải thích của người Hy Lạp về thiên nhiên còn đậm màu tôn giáo. Người ta có thể chọn một trong hai thứ thần học: thần học Olympian và thần học Dionysiac - Orphic. Tôn giáo Olympian thì tin vào các thần của Olympia như được mô tả trong các trường thi của Homer. Các vị thần được mô tả như những người ít quan tâm tới các mối lo âu của con người bình thường. Ngược lại, họ tỏ ra dễ thịnh nộ, phi luân, và ít quan tâm tới sự bất tử của con người. Trong tôn giáo Olympia, người ta tin rằng "hơi thở - hồn" (psyche) còn tồn tại sau khi chết nhưng nó không còn giữ lại các ký ức hay các nét cá tính của thân xác mà nó đã cư ngụ trước kia. Niềm tin vào cuộc sống sau khi chết theo kiểu này đã khích lệ người ta sống cuộc đời mình một cách sung mãn nhất, vui thú nhất. Các thần Olympia cũng là hiện thân của trật tự, lý tính và trí thông minh. Tóm lại, các thần Olympia có cùng các đặc tính và niềm tin giống như những người thuộc giai cấp thượng lưu Hy Lạp; không lạ gì giới quý tộc Hy Lạp cổ võ tôn giáo Olympian. Tôn giáo lớn đối nghịch với Olympian là tôn giáo Dionysiac - Orphic. Giai cấp Hy Lạp thượng lưu giàu có sở dĩ tồn tại chủ yếu là nhờ giai cấp đông đảo nông dân, công nhân, và nô lệ, với đời sống luôn luôn bấp bênh về kinh tế và chính trị. Với hạng người tương đối nghèo khổ, thiếu học này, tôn giáo Dionysiac - Orphic hết sức hấp dẫn. Tôn giáo Dionysiac - Orphic dựa trên truyền thuyết Dionysus, vị thần của thảo mộc, và đồ đệ là Orpheus. Tâm điểm của tôn giáo Dionysiac - Orphic là tin vào sự đầu thai của linh hồn. Một dạng của niềm tin này cho rằng trong kiếp sống thần linh của linh hồn, nghĩa là trong thời gian nó sống giữa các thần, linh hồn đã phạm một tội; và hình phạt là nó bị giam hãm trong một thân xác, như ngục tù của nó. Bao lâu còn chưa được cứu chuộc, linh hồn tiếp tục các "chu kỳ tái sinh" trong đó nó có thể trước hết sống kiếp sống của một cây cỏ, rồi một động vật, rồi một người, rồi lại một cây cỏ, và cứ thế. Khát vọng của linh hồn là được giải phóng khỏi kiếp luân hồi này để trở về kiếp sống thần linh, trong sạch, siêu việt giữa các thần. Người ta thực hành các nghi thức với niềm hi vọng giải thoát linh hồn khỏi "ngục tù" của nó (thân xác); các nghi lễ này gồm việc chay tịnh, các kiêng cữ đặc biệt, các lễ nghi ấn tượng, và các điều cấm kỵ khác nhau. Về sau trong lịch sử, ý tưởng Orphic cho rằng linh hồn tìm cách thoát khỏi cuộc đời tội lỗi trần tục để bước vào một tình trạng thiên thai sau cái chết là ý tưởng đã trở thành rất phổ biến và trong thực tế nó là một phần cốt yếu của truyền thống Do Thái - Kitô giáo. Tôn giáo Dionysiac - Orphic có thể đã làm phát sinh các khái niệm triết học từng gây bối rối cho tâm lý học cho tới nay: Vì cái mà chúng ta nghĩ là quan niệm tiêu biểu của Hy Lạp rằng đời sống hạnh phúc và có thực là đời sống ở trần gian này - chắc chắn là quan niệm của các giai cấp được ưu đãi và của những thời đại anh hùng và thịnh vượng - đã được chọn để thay thế cho quan niệm rằng đời sống ở trần gian thực sự kết thúc bằng cái chết. Như thế, trong các "tôn giáo" của người nghèo này, khái niệm về một linh hồn mang tất cả những khả năng tinh thần, bị hư đốn bởi sự liên kết tạm thời với thân xác ô uế và đáng khinh bỉ nhưng biệt lập với thân xác ấy và có tính bất tử đã được tung vào dòng truyền thống triết học để được Pythagoras và Plato triển khai thành các khái niệm trừu tượng không ngừng gây bối rối cho khoa tâm lý học cho tới nay. (Esper, 1964, tr. 34) Trong các cố gắng nhằm tìm ra ý nghĩa về bản thân và thế giới của họ, những người Hy Lạp sơ khai đã có hai tôn giáo Olympian và Dionysiac - Orphic để chọn lựa. Thời ấy cũng như bây giờ, việc chọn lựa loại tôn giáo nào là tùy thuộc mỗi cá nhân cảm thấy nó hợp với cá tính và hoàn cảnh của mình, cũng như hợp với sự suy xét của lý trí. Như chúng ta sẽ thấy dưới đây, nhiều nhà triết học Hy Lạp thời kỳ đầu ngả theo ưu điểm tương đối thiên về lý tính của tôn giáo Olympian. Tuy nhiên, một ít nhà triết học rất uy tín đã chọn theo tính chất thần bí của tôn giáo Dionysiac-orphic; Pythagoras và Plato là hai ví dụ nổi bật. Created by AM Word2CHM CÁC TRIẾT GIA ĐẦU TIÊN NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 2. CÁC TRIẾT GIA HY LẠP ĐẦU TIÊN Dưới dạng này hay dạng khác, ma thuật, mê tín, và thần bí là những cái đã thống trị các cố gắng tìm hiểu thiên nhiên trong phần lớn lịch sử thời kỳ đầu. Vì vậy khi người ta đưa ra các giải thích tự nhiên thay vì siêu nhiên, thì đúng là một bước tiến khổng lồ. Các giải thích này, tất nhiên còn rất đơn sơ, đã được cống hiến trước hết bởi các nhà triết học Hy Lạp thời kỳ đầu. Triết học bắt đầu khi các giải thích tự nhiên thay thế cho các giải thích siêu nhiên. Các nhà triết học đầu tiên được gọi là các nhà vũ trụ luận vì họ tìm cách cắt nghĩa nguồn gốc, cấu trúc, và các quy trình chi phối vũ trụ (kosmos). Tuy nhiên, từ Hy Lạp kosmos không chỉ nói về tổng thể các sự vật, nhưng cũng gợi ý về một vũ trụ xinh đẹp, một vũ trụ trật tự. Như thế, đối với các nhà triết học Hy Lạp đầu tiên, vũ trụ có trật tự và xinh đẹp đáng để chúng ta chiêm ngưỡng. Giả thiết về tính trật tự của vũ trụ là điều vô cùng quan trọng bởi vì một vũ trụ trật tự là một vũ trụ có thể cắt nghĩa được, ít là trên nguyên tắc. Thales Như đã ghi nhận ở chương I, không một ý tưởng nào mới phát sinh là đã hoàn hảo nơi một cá nhân duy nhất cả. Thales (khoảng 625 - 545 tr. CN), thường được coi là nhà triết học đầu tiên, có một di sản tri thức phong phú. Ông từng chu du bên Ai Cập, Babylonia, cả hai nơi đều được hưởng những nền văn minh tiến bộ và chắc chắn đã ảnh hưởng đến ông. Ví dụ, người Ai Cập từ nhiều thế kỷ trước đã có những tri thức về hình học mà Thales đã chứng minh. Tuy nhiên ở Ai Cập và Babylonia, tri thức hoặc có tính thực tiễn (hình học được dùng để đo và phân chia ruộng đất cho nông dân) hay được dùng chủ yếu trong môi trường tôn giáo (khoa giải phẫu và sinh lý được dùng để chuẩn bị người chết cho cuộc hành trình sang thế giới bên kia). Thales có tầm quan trọng vì ông nhấn mạnh các giải thích tự nhiên và coi nhẹ các giải thích siêu nhiên. Nghĩa là, trong vũ trụ luận của ông, Thales nói rằng các sự vật trong vũ trụ gồm các bản thể tự nhiên và bị chi phối bởi các nguyên lý tự nhiên; chúng không phản ánh những tính khí thất thường của các thần. Vũ trụ vì vậy có thể hiểu được và nằm trong tầm hiểu biết của con người. Thales đi tìm cái chất liệu hay một yếu tố duy nhất từ đó mọi vật khác phát sinh. Người Hy Lạp gọi yếu tố sơ đẳng hay chất liệu ấy là physis, thiên nhiên, và những người tìm kiếm nó được gọi là các nhà triết học tự nhiên. Thales đã kết luận rằng chất liệu ấy là nước, bởi vì nhiều vật có vẻ là một dạng của nước. Sự sống lệ thuộc vào nước, nước tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau (nước đá, hơi nước, mưa đá, tuyết, mây, sương, giá), và khắp nơi đều có nước. Với kết luận nước là thể chất sơ đẳng, Thales có công lớn trong lịch sử loài người. Ngoài công lao này, Thales cũng còn tiên đoán các cuộc nhật thực, nguyệt thực, phát triển các phương pháp đi biển dựa trên các ngôi sao và hành tinh, và áp dụng các nguyên lý hình học vào việc đo lường các vật như đo chiều cao của các tòa nhà. Người ta còn kể rằng ông đã mua vét hết lượng dầu ôliu để bán độc quyền nhờ tiên đoán được các mẫu thời tiết. Các thành tựu ấy đã khiến Thales trở nên rất nổi tiếng và làm cho triết học được tôn trọng. Thales đã chứng tỏ rằng một sự hiểu biết về thiên nhiên và bớt đi sự tin tưởng dị đoan có thể giúp con người làm chủ môi trường, là điều mà loài người từng tìm kiếm ngay từ buổi bình minh của lịch sử. Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng nhất về Thales là ông đã cống hiến các ý tưởng của ông cho người ta suy tư và ông chấp nhận sự phê bình. Với việc ông mời những người khác phê bình và cải thiện các lời giảng dạy của ông, Thales đã bắt đầu cho truyền thống phê bình vốn sẽ là đặc điểm của triết học Hy Lạp thời kỳ đầu: "Tôi nghĩ rằng Thales là ông thầy đầu tiên đã nói với các sinh viên của mình: Đây là cách tôi nhìn sự vật - tôi tin sự vật là như thế. Mong các bạn giúp cải thiện các điều tôi giảng dạy" (Popper, 1958, tr. 29). Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về tầm quan trọng của truyền thống phê bình này ở phần cuối chương này. Anaximander Anaximander (khoảng 610 - 540 tr. CN), đã từng theo học Thales, đã lập luận rằng ngay cả nước cũng là một kết hợp của một chất cơ bản hơn. (Lưu ý rằng Anaximander đã nghe lời khuyên của thầy mình và phê bình lời giảng của thầy mình.) Theo Anaximander, physis (vật chất) là một cái gì có khả năng trở thành bất cứ vật gì khác. Cái gì này ông gọi là "cái vô hạn" hay "cái vô định." Anaximander cũng đề nghị một thuyết tiến hóa thô sơ. Từ sự pha trộn của nước và đất phát sinh ra loài cá. Vì các trẻ sơ sinh không thể sống nếu không được bảo vệ một thời gian dài, các trẻ sơ sinh đầu tiên của loài người đã lớn lên trong bụng những con cá này cho tới tuổi dậy thì là thời gian bụng cá nổ tung và con người ra khỏi bụng cá lúc này đã đủ phát triển để tự sinh tự tồn. Anaximander bảo chúng ta không được ăn cá, vì theo một nghĩa nào đó, cá là tổ tông của chúng ta. Chúng ta thấy được môi trường sống có thể ảnh hưởng tới tư duy triết học của một người như thế nào. Cả Thales lẫn Anaximander đều sống gần bờ biển Địa Trung Hải, và ảnh hưởng của môi trường đối với triết học của các ông ấy là hiển nhiên. Heraclitus Bị ấn tượng khi thấy mọi sự vật trong thiên nhiên có vẻ ở trong một dòng chảy hay biến dịch không ngừng, Heraclitus (khoảng 540 - 480 tr. CN) cho rằng chất liệu sơ đẳng của thiên nhiên là lửa, vì trong lửa thì mọi vật đều biến đổi thành một cái gì khác. Theo Heraclitus, sự kiện hiển nhiên về thế giới là không có gì "tồn tại"; đúng hơn, mọi sự đều thay đổi, đều trở thành hay "biến dịch." Không có gì là nóng hay lạnh đơn thuần, nhưng luôn luôn trở thành nóng hơn hay lạnh hơn; không có gì là nhanh hay chậm nhưng luôn luôn trở thành nhanh hơn hay chậm hơn. Lập trường của Heraclitus được tóm tắt trong câu phát biểu nổi tiếng của ông: "Không ai đi xuống cùng một dòng sông được hai lần." Ý ông muốn nói là con sông đã trở thành một cái gì khác sau khi người ấy đi xuống lần đầu. Heraclitus tin rằng mọi sự vật tồn tại ở một chỗ nào đó giữa hai thái cực - ví dụ ngày-đêm, sống-chết, đông-hạ, trên-dưới, nóng- lạnh, ngủ-thức. Theo ông, hai cực định nghĩa lẫn cho nhau, và hai cực không thể tách rời nhau. Ví dụ, chỉ nhờ bất công chúng ta mới biết công bằng là gì, và chỉ nhờ sức khỏe chúng ta mới biết bệnh tật là gì. Nói cách khác, như Hegel sẽ nói nhiều thế kỷ sau, "Mọi sự vật đều mang nơi mình sự phủ nhận chính mình." Heraclitus đã nêu lên một vấn đề tri thức luận vẫn còn tồn tại cho tới nay: Làm thế nào biết được một vật nếu nó thay đổi không ngừng? Nếu một vật trở nên khác vào hai điểm thời gian khác nhau, và vì thế không còn là cùng một vật nữa, thì làm sao chúng ta biết được nó một cách chắc chắn? Tri thức có cần sự thường hằng không? Chính vào thời điểm này của lịch sử mà các cảm quan đã trở thành một phương tiện bị tranh cãi trong việc đạt đến tri thức, bởi vì chúng chỉ có thể cung cấp các thông tin về một thế giới thay đổi liên tục. Để trả lời câu hỏi Có thể biết chắc chắn điều gì, người ta không thể dựa vào các sự kiện thường nghiệm, vì chúng luôn luôn ở trong dòng chảy liên tục. Những người tìm kiếm một cái gì không thay đổi, và vì thế có thể biết được, thì có hai lựa chọn. Họ có thể chọn một cái gì đó có thực nhưng không thể khám phá bằng giác quan, như các nhà theo thuyết nguyên tử và các nhà toán học Pythagoras đã làm (sẽ bàn đến sau), hay họ có thể chọn một cái gì thuộc tinh thần (các ý tưởng hay linh hồn) như các người theo trường phái của Plato và các người Kitô giáo đã làm. Cả hai nhóm đều tin rằng bất cứ điều gì được kinh nghiệm bằng giác quan đều không đáng tin cậy để làm một nguồn tri thức. Ngay cả hôm nay, mục tiêu của khoa học là khám phá các định luật chung được rút ra qua việc trừu tượng hóa từ kinh nghiệm giác quan. Các định luật khoa học như là các sự trừu tượng hóa được coi là tri thức chắc chắn; tuy nhiên, khi được diễn tả trong thế giới thường nghiệm, chúng chỉ có tính xác suất. Triết học Heraclitus rõ ràng mô tả vấn đề lớn gắn liền với các kiểu thuyết duy nghiệm khác nhau. Nghĩa là, thế giới vật lý luôn ở trong một dòng biến dịch liên tục, và cho dù các giác quan chúng ta có thể phát hiện chính xác các đồ vật và sự kiện vật lý, thì chúng ta cũng chỉ biết được các đồ vật và sự kiện trong trạng thái thay đổi từ lúc này sang lúc khác. Chính vì lý do này người ta nói rằng các nhà duy nghiệm quan tâm tới quy trình biến dịch hơn là với hữu thể. Hữu thể bao hàm sự tồn tại thường hằng và vì thế ít là nó có khả năng cung cấp tri thức chắc chắn, trong khi một tri thức về các sự kiện thường nghiệm (vì chúng biến dịch) cùng lắm chỉ có thể là tri thức xác suất. Trong lịch sử tâm lý học, những người chủ trương rằng có một số điều thường hằng và có thể biết được về vũ trụ hay về con người thì thường là các nhà duy lý luận. Những người nói rằng mọi sự trong vũ trụ, kể cả con người, luôn luôn thay đổi và vì thế không thể biết được một cách chắc chắn, thì đó thường là các nhà duy nghiệm luận. Parmenides Có quan niệm đối chọi hẳn với quan niệm của Heraclitus, Parmenides (hoạt động khoảng 515 tr. CN) tin rằng mọi sự biến dịch là một ảo tưởng. Chỉ có một thực tại duy nhất; nó hữu hạn, đồng đều, bất động, và cố định, và chỉ có thể biết được nhờ lý trí. Thế nên, theo Parmenides, tri thức chỉ đạt được nhờ tư duy của lý trí vì kinh nghiệm cảm giác chỉ đem đến ảo tưởng. Parmenides dùng lý luận để bênh vực lập trường của mình. Giống như những con người thời sơ khai, ông tin rằng việc có thể nói hay nghĩ về một điều gì đòi hỏi điều ấy phải tồn tại bởi vì chúng ta không thể nghĩ về một cái gì không tồn tại. Sau đây là một tóm lược lập luận của Parmenides: Khi bạn nghĩ, thợ bạn phải nghĩ về một cái gì; khi bạn dùng một tên gọi thì nó phải là tên gọi của một cái gì. Vì vậy cả tư tưởng lẫn ngôn ngữ đều đòi có các đối tượng ở bên ngoài chúng và vì bạn có thể nghĩ về một vật hay nói về nó vào lúc này hay lúc khác, bất cứ điều gì có thể nghĩ hay nói đến đều phải tồn tại mọi lúc. Do đó không thể có sự thay đổi, vì thay đổi hệ tại các sự vật trở thành tồn tại và ngưng tồn tại. (Russell, 1945. tr. 49). Zeno ở Elea (khoảng 495 - 430), một học trò của Pannenides, sử dụng các lý luận để chứng minh rằng chuyển động là một ảo tưởng. Ông nói, một vật muốn đi từ điểm A đến điểm B, trước tiên nó phải đi một nửa khoảng cách giữa A và B. Rồi nó phải đi một nửa khoảng cách còn lại, và cứ tiếp tục mãi như thế. Vì có một số vô hạn các điểm nằm giữa bất kỳ hai điểm nào, nên tiến trình không bao giờ có thể chấm dứt. Đồng thời, vật đó phải đi qua một con số vô hạn các điểm trong một thời lượng có hạn, điều này thì không thể. Do đó, theo lập luận ấy, một vật không bao giờ có thể đi từ điểm A đến điểm B được. Sự kiện có vẻ nó đến điểm B là một điểm yếu của giác quan chúng ta. Lối lý luận này, thường được gọi là điều nghịch lý của Zeno, và thường được diễn tả dưới dạng sau: Nếu một người chạy đua được phép xuất phát sớm hơn người chạy thứ hai một chút, thì người thứ hai này sẽ không bao giờ có thể bắt kịp người thứ nhất, cho dù người thứ nhất có thể chạy chậm bao nhiêu hay người thứ hai chạy nhanh bao nhiêu. Parmenides và Zeno là hai ví dụ cho ta thấy lý trí không được kiểm soát có thể đưa người ta đi xa đến đâu. Hai nhà triết học này kết luận rằng hoặc luận lý, hoặc toán học và lý trí là đúng, hoặc thông tin do giác quan cung cấp là đúng; và họ đã chọn theo luận lý, hoặc toán học, và lý trí. Người ta đã từng phạm các sai lầm giống như thế nhiều lần trong lịch sử. Các quan niệm sai lầm khác có thể do người ta dựa hoàn toàn vào các dữ kiện của giác quan. Mãi đến khi khoa học xuất hiện vào thế kỷ XVI, duy lý luận và duy nghiệm luận mới được phối hợp với nhau, và các thông tin do giác quan cung cấp được lý trí sử dụng trong suy luận về chúng. Do vậy khoa học đã làm dịu đi những thái cực của cả thuyết duy lý luận lẫn duy nghiệm luận. Pythagoras Pythagoras (khoảng 580 - 500 tr. CN) đã có ảnh hưởng to lớn đối với tư tưởng phương Tây, chủ yếu thông qua ảnh hưởng của ông đối với Plato. Pythagoras cho rằng mọi vật trong vũ trụ được giải thích cơ bản bằng các con số và các tương quan giữa các con số ông thấy rằng bình phương cạnh huyền của một tam giác vuông thì bằng tổng bình phương của hai cạnh kia. Mặc dù nó được gọi là định lý Pythagoras, nhưng rất có thể người Babylonia đã từng biết đến nó. Pythngoras cũng quan sát thấy rằng một sự phối âm hài hòa được tạo ra khi một dây đàn dài gấp đôi dây đàn khác trên một cây đàn lia. Sự quan sát này cho rằng các sợi dây của một cây đàn lia phải có một tương quan nào đó với nhau để tạo ra các hợp âm hài hòa êm dịu, có lẽ là định luật tâm vật lý đầu tiên của tâm lý học. Thực vậy, các sự kiện vật lý (tương quan giữa các dây đàn) đã được chứng minh là có tương quan hệ thống với các sự kiện tâm lý (tri giác âm thanh hài hòa êm dịu). Trên thực tế, Pythagoras đã phát biểu sự tương quan tâm vật lý này dưới dạng toán học. Theo phái Pythagoras, các con số và các tương quan giữa các con số, tuy trừu tượng, nhưng có thật và có một ảnh hưởng đối với thế giới thường nghiệm. Thế giới các con số tồn tại độc lập với thế giới thường nghiệm và chỉ có thể biết được dưới dạng thuần túy của nó nhờ lý trí. Khi định lý Pythagoras được diễn tả bằng khái niệm, nó đúng một cách tuyệt đối và áp dụng cho mọi tam giác vuông đã từng có hay sẽ có thể có. Khi áp dụng một cách thuần lý vào các tam giác tưởng tượng, nó đúng hoàn toàn; tuy nhiên, khi áp dụng vào các tam giác có thực, kết quả không đúng tuyệt đối bởi vì không bao giờ có các tam giác hoàn hảo trong thế giới thường nghiệm. Thực ra, theo phái Pythagoras, không có gì là hoàn hảo trong thế giới thường nghiệm. Sự hoàn hảo chỉ có trong thế giới toán học trừu tượng nằm ở bên kia các giác quan và vì vậy chỉ có thể lãnh hội bằng lý trí. Phái Pythagoras giả thiết rằng vũ trụ này là một vũ trụ nhị nguyên: một phần là trừu tượng, thường hằng, và có thể biết được bằng trí khôn (giống như đề nghị của Parmenides) và phần kia là thường nghiệm, thay đổi, và biết được bằng giác quan (giống như đề nghị của Heraclitus). Vì vậy kinh nghiệm giác quan không thể cung cấp tri thức. Thực ra kinh nghiệm giác quan cản trở tri thức và ta cần phải tránh nó. Quan điểm này phát triển tới chỗ khinh rẻ kinh nghiệm giác quan và lạc thú thể xác, và phái Pythagoras đã phát động một phong trào chống tật xấu, sự vô pháp luật, và các sự vô điều độ của thân xác thuộc bất cứ loại nào. Các thành viên của trường phái này tự đề ra cho mình những thời kỳ thinh lặng dài để kích thích tư tưởng sáng sủa và hợp lý. Hơn nữa, họ cố gắng thanh tẩy tinh thần bằng cách đặt ra các điều cấm kỵ (cấm ăn thịt) và bằng việc luyện tập nặng nhọc về thể xác và tinh thần. Phái Pythagoras tin rằng vũ trụ có một sự hài hòa toán học và mọi sự trong thiên nhiên có tương quan gắn bó với nhau. Đi theo quan điểm này, họ khích lệ phụ nữ tham gia tổ chức của họ (là điều rất khác thường đối với người Hy Lạp vốn không coi phụ nữ bình đẳng với nam giới trong bất cứ lãnh vực nào), họ lý luận để đòi hỏi việc đối xử nhân đạo với các nô lệ, và phát triển các việc thực hành y khoa dựa trên giả thiết của họ rằng sức khỏe là do hoạt động hài hòa của thân xác và bệnh tật là do một sự thiếu cân đối hay xung khắc nào đó trong cơ thể. Niềm tin rằng các kinh nghiệm xác thịt thì thấp kém hơn các kinh nghiệm tinh thần - niềm tin này đóng một vai trò rất quan trọng trong lý thuyết của Plato và còn quan trọng hơn nữa trong thần học Kitô giáo thời kỳ đầu - có thể là niềm tin bắt nguồn trực tiếp từ phái Pythagoras. Cuối cùng, Plato đã trở thành một thành viên của tổ chức này. Ông đặt nền móng trường Academia của ông trên nền tảng các khái niệm Pythagoras, và trên cổng trường có đề hàng chữ "Người không biết toán học thì miễn vào đây." Pythagoras giả thiết có hai thế giới, một vật lý và một trừu tượng, hai thế giới này tương tác với nhau. Trong hai thế giới, thế giới trừu tượng được coi trọng hơn. Pythagoras cũng giả thiết tính nhị nguyên nơi con người, ông cho rằng, ngoài xác thịt của thân xác, chúng ta có các khả năng suy luận cho phép chúng ta đạt đến sự hiểu biết về thế giới trừu tượng. Hơn nữa, suy luận là một chức năng của linh hồn mà người theo phái Pythagoras tin là bất tử. Triết học Pythagoras cung cấp một trong những thuyết nhị nguyên về tinh thần - thân xác rõ nét nhất trong lịch sử tư tưởng phương Tây. Chúng ta thấy nhiều yếu tố chung giữa tôn giáo Dionysiac - Orphic và triết học Pythagoras. Cả hai đều quan niệm thân xác là ngục tù mà linh hồn phải thoát ra, hay ít nhất linh hồn phải giảm thiểu những quyến rũ lăng loàn của thân xác là nơi giam giữ nó, nhờ việc chiêm ngưỡng bằng lý trí các chân lý bất biến. Cả hai đều chấp nhận khái niệm luân hồi, và cả hai cùng tin rằng chỉ có sự thanh tẩy linh hồn mới có thể cắt đứt "vòng tái sinh." Khái niệm luân hồi nuôi dưỡng nơi người Pythagoras một tinh thần quan hệ bà con với mọi sinh vật. Đây là lý do khiến họ chấp nhận phụ nữ vào các tổ chức của họ, lý luận để đòi sự đối xử nhân đạo với các nô lệ, và chống lại việc đối xử tàn nhẫn với súc vật. Người ta nói về Pythagoras rằng "khi ông đi qua một con chó con đang bị đánh... ông tỏ lòng thương hại nó và đưa ra nhận xét: Đừng, đừng đánh nó; vì nó là hồn của một người bạn thân" (Bames, 1987, tr. 82). Cũng vì lý do này mà người theo phái Pythagoras chuyên ăn chay. Chúng ta sẽ thấy ở phần sau trong chương này rằng Plato đã vay mượn nhiều điều của trường phái Pythagoras và chính nhờ triết học Plato mà các yếu tố của tôn giáo Dionysiac - Orphic trở thành một phần của di sản văn minh phương Tây. Empedocles Empedocles (khoảng 495 - 435 tr. CN) là một môn đệ của Pythagoras. Thực vậy, ông từng nói hồn ông đã hóa kiếp trong một thời gian: "Bởi vì tôi đã từng có thời là một bé trai và một bé gái và một bụi cây và một con chim và một con cá thầm lặng dưới biển" (Barnes, 1987, tr. 196). Thay vì một yếu tố sơ đẳng (physis) duy nhất, Empedocles đề nghị bốn yếu tố từ đó mọi vật trong thế giới được tạo thành: đất, lửa, khí, và nước. Con người cũng gồm bốn yếu tố này, với đất làm phần rắn của cơ thể, nước làm phần lỏng trong cơ thể, khí làm hơi thở sự sống, và lửa cung cấp khả năng suy luận. Ngoài bốn yếu tố này, Empedocles giả thiết có hai năng lượng nhân quả của vũ trụ yêu và ghét. Yêu là lực thu hút và hòa trộn các yếu tố. Ghét là lực phân rẽ các yếu tố. Cùng kết hợp hoạt động, hai lực này tạo ra một chu kỳ vũ trụ xoay vần không cùng, gồm bốn thời kỳ đắp đổi. Trong thời kỳ một, tình yêu thống trị và tạo ra sự hòa hợp hoàn hảo của bốn yếu tố "một - từ - nhiều". Trong thời kỳ hai, ghét phá vỡ sự hòa hợp hoàn hảo bằng cách phân rẽ chúng dần dần. Trong thời kỳ ba, ghét đã hoàn toàn phân cách các yếu tố "nhiều - từ - một" (many - from - one). Trong thời kỳ bốn, yêu lại thống trị trở lại, và các yếu tố dần dần được kết hợp lại. Khi chu kỳ này lặp lại, các thế giới mới xuất hiện rồi bị hủy diệt. Một thế giới các sự vật mà chúng ta có thể nhận ra chỉ có thể tồn tại trong các thời kỳ hai và bốn của một chu kỳ, khi có sự phối hợp của các yếu tố. Cùng với bốn yếu tố, loài người cũng có các lực yêu và ghét, và các lực này sinh rồi diệt trong chúng ta cũng giống như trong mọi vật thể. Khi yêu thống trị, chúng ta cảm thấy được thúc đẩy thiết lập sự hiệp nhất với thế giới và với những người khác; khi ghét thống trị, chúng ta tìm kiếm sự chia rẽ. Rõ ràng các yếu tố này cũng là các thành phần trong các kiểu xung đột bên trong và bên ngoài con người được mô tả bởi Freud và các tác giả khác sau này trong lịch sử loài người. Theo Empedocles, bốn yếu tố và hai lực yêu và ghét đã luôn luôn tồn tại. Thực vậy, bất cứ vật gì có thể tồn tại đều phải là sự pha trộn của các yếu tố và các lực này. Không có gì có thể tồn tại ngoài sự pha trộn này. Ông nói, "Không có gì có thể xuất hiện từ một cái gì không tồn tại, và cái gì đã tồn tại thì không thể bị hủy diệt hay hư hao" (Barnes, 1987, tr. 173). Lời phát biểu này rất gần với luật bảo toàn năng lượng của thời đại mới, luật này nói rằng năng lượng có thể mang các dạng khác nhau nhưng không thể được tạo thành hay hủy diệt. Empedocles cũng cống hiến một lý thuyết tiến hóa phức tạp hơn thuyết tiến hóa của Anaximander. Vào một trong các thời kỳ kể trên, khi có sự pha trộn của yêu và ghét, mọi loại sự vật đã được tạo thành, một số loài rất kỳ lạ. Các động vật không được tạo thành hoàn chỉnh một lúc, nhưng từng bộ phận một; và về con người cũng thế: "Ở chỗ này nhiều cái đầu không có cổ nhô lên...các cánh tay trần chìa ra không có vai, và các con mắt dáo dác một mình không có vầng trán" (Bames, 1987, tr. 180). Khi các bộ phận khác nhau này của thân thể đi lang thang khắp nơi, chúng được phối hợp một cách ngẫu nhiên: nhiều bộ phận hóa thành các tạo vật hai đầu, hai ngực - các con bò đầu người, và rồi các con người đầu bò - các tạo vật phối hợp một phần hình thù của giống đực và một phần hình thù của giống cái" (Barnes, 1987, tr. 181). Ở chỗ khác, Empedocles mô tả điều gì xảy ra khi bốn yếu tố được tác động bởi yêu và ghét: "Khi chúng pha trộn với nhau, vô số kiểu sự vật xuất hiện, mang đủ loại hình thù, quả là một quang cảnh kỳ lạ" (Barnes, 1987, tr. 170). Đa số các sự phối hợp ngẫu nhiên tạo thành các loài không có khả năng sinh tồn, và cuối cùng chúng bị tiêu diệt. Tuy nhiên một số loại kết hợp tình cờ tạo ra các loài có khả năng sinh tồn, và chúng còn tồn tại - trong số này có loài người. Chúng ta có thể coi đây là một mô tả ban đầu của thuyết chọn lọc tự nhiên khiến cho loài thích hợp nhất thì tồn tại được (Esper, 1964, tr. 97). Empedocles cũng là nhà triết học đầu tiên cống hiến một lý thuyết về tri giác. Ông cho rằng cả bốn yếu tố đều có trong máu. Các đồ vật ở môi trường bên ngoài phát ra các bản sao li ti của bản thân chúng gọi là các eidola, hay các "sự phát tỏa," chúng đi vào trong máu qua các lỗ nhỏ trên cơ thể. Vì mã tầm mã, ngưu tầm ngưu, các eidola sẽ phối hợp với các yếu tố giống như chúng. Sự hòa trộn các yếu tố bên ngoài với các yếu tố bên trong tạo thành tri giác. Empedocles tin rằng sự kết hợp các eidola với các yếu tố bên trong tương ứng của chúng xảy ra trong tim. Vì Empedocles là người đầu tiên cố gắng mô tả làm thế nào chúng ta hình thành các hình ảnh về thế giới qua một quy trình tương tự với nhận thức của giác quan, nên đôi khi ông được gọi là nhà triết học duy nghiệm đầu tiên. Quan niệm của ông là chúng ta tri giác các sự vật bằng cách nội tại hóa các bản sao của chúng. Với khái niệm của Pythagoras rằng sức khỏe phản ánh sự cân bằng của cơ thể, Empedocles thêm vào bốn yếu tố. Có sức khỏe khi bốn yếu tố của cơ thể có sự cân bằng; có bệnh khi chúng không cân bằng. Sau này chúng ta sẽ thấy các lý thuyết y học của Pythagoras và Empedocles sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với các nhà tư tưởng thời sau. Democritus Democritus (khoảng 460 - 370 tr. CN) là người cuối cùng trong số các nhà vũ trụ luận Hy Lạp thời kỳ đầu; các nhà triết học sau ông quan tâm nhiều hơn đến bản tính con người hơn là bản chất của vũ trụ tự nhiên. Democritus nói mọi vật đều được làm bởi các phần cực nhỏ, không thể phân chia, gọi là các nguyên tử. Sự khác biệt giữa các vật được cắt nghĩa bởi hình dáng, kích thước con số, vị trí, và sự sắp đặt của các nguyên tử. Các nguyên tử tự bản chất được coi là không thể thay đổi, nhưng chúng có thể có các sự sắp đặt khác nhau; vì vậy mặc dù các nguyên tử thực sự không thay đổi, các vật do chúng kết hợp thành thì có thể thay đổi. Con người cũng thế, là các tập hợp của các chùm nguyên tử, và linh hồn hay tinh thần được hợp thành bởi các nguyên tử lửa rất mịn và rất di động, chúng cung cấp các kinh nghiệm tinh thần của chúng ta. Do đó theo Democritus, các sự kiện sinh động, vô sinh, và tri thức đều được giản lược vào hoạt động nguyên tử. Vì hoạt động của nguyên tử được nghĩ là theo các quy luật, nên quan niệm của Democritus là quan niệm tất định. Nó cũng là quan niệm nhất nguyên vật lý (duy vật) vì mọi sự được cắt nghĩa trên cơ sở sự sắp đặt của các nguyên tử và không có một lực sự sống biệt lập; nghĩa là ông phủ nhận thuyết sinh lực. Quan niệm của Democritus cũng thuộc yếu tố luận, vì bất kể một vật phức tạp đến đâu, Democritus tin rằng nó có thể được cắt nghĩa trên cơ sở các nguyên tử và hoạt động của nguyên tử. Sau cùng, triết học của Democritus cũng đại diện cho giản lược luận, vì ông tìm cách cắt nghĩa các sự vật và sự kiện của một bình diện (bình diện hiện tượng có thể quan sát) trên cơ sở các sự kiện thuộc một bình diện khác (các nguyên tử và hoạt động của chúng). Thuyết giản lược tương phản với thuyết yếu tố ở chỗ thuyết giản lược bao gồm hai lãnh vực cắt nghĩa khác nhau, còn thuyết yếu tố cố gắng hiểu một hiện tượng phức tạp bằng cách phân tách nó thành các phần cấu tạo đơn giản hơn. Cố gắng cắt nghĩa hành vi con người theo các quy trình sinh hóa là theo thuyết giản lược, cũng như cố gắng cắt nghĩa các quy trình sinh hóa theo vật lý học. Cố gắng tìm hiểu các quy trình tư tưởng con người bằng cách tách rời và nghiên cứu từng quy trình một hay cố gắng tìm hiểu hành vi phức tạp của con người bằng cách tách rời các tập quán hay các sự liên kết kích thích - phản ứng là theo thuyết yếu tố. Democritus vừa theo thuyết giản lược vừa theo thuyết yếu tố. Democritus đồng ý với Empedocles rằng các tri giác và cảm giác phát sinh khi các nguyên tử phát ra trên bề mặt của các đồ vật nhưng ông nói rằng các eidola (sự phát toả) đi vào thân xác qua một trong năm hệ thống cảm giác và được truyền tới não. Khi vào đến não, các sự phát toả từ sự vật đưa đến làm cho các nguyên tử lửa rất di động tạo ra một bản sao của chúng. Sự hòa hợp giữa các eidola và các nguyên tử trong não tạo ra tri giác. Democritus nhấn mạnh rằng các eidola không phải là chính sự vật và sự hòa hợp giữa các eidola và các nguyên tử có thể không chính xác. Vì vậy, có thể có những khác biệt giữa đồ vật bên ngoài với sự tri giác về nó. Như ta đã nói ở chương một, một trong các vấn đề dai dẳng nhất trong tâm lý học là vấn đề xác định chúng ta thêm được gì hay mất gì khi các đồ vật trong môi trường được kinh nghiệm qua giác quan. Democritus đặt hoạt động tư duy ở não, cảm xúc ở tim, và dục vọng ở gan. Ông thảo luận về năm giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, và vị giác; và ông đề nghị bốn màu sơ đẳng: đen, đỏ, trắng, và xanh lục tử đó có tất cả các màu khác. Vì ông tin rằng mọi nguyên tử của thân xác bị phân tán khi chết, nên ông cũng tin rằng không có đời sống sau khi chết. Quan niệm của ông là quan niệm đầu tiên hoàn toàn tự nhiên về vũ trụ, không xét gì đến yếu tố siêu nhiên nào. Tuy trong quan niệm của ông không có các thần linh để hướng dẫn hành vi con người, Democritus không chấp nhận đời sống theo chủ nghĩa khoái lạc (tìm khoái lạc). Ông rao giảng sự điều độ giống như đồ đệ của ông, Epicurus, sẽ rao giảng một trăm năm sau ông. Created by AM Word2CHM NỀN Y HỌC HY LẠP THỜI KỲ ĐẦU NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 2. CÁC TRIẾT GIA HY LẠP ĐẦU TIÊN Trong Odyssey, Homer mô tả các người thực hành y khoa như những người đi bán rong các dịch vụ của họ cho những ai cần đến. Những thầy thuốc thành công đã đạt được nhiều tiếng tăm khiến họ đi đến đâu cũng được mọi người nghênh đón; một số ít đã được sùng bái như các vị thần, và sau khi họ chết, người ta đã dựng các đền miếu để thờ họ. Tại các đền miếu này, các tư tế thực hành y khoa theo các bài học của các thầy thuốc nổi tiếng đã quá cố. Các tư tế này giữ bí mật các bài học ấy và bảo vệ chúng cẩn thận. Kiểu y khoa đền miếu (temple medicine) này trở thành rất phổ biến, và nhiều ca chữa bệnh lạ lùng đã được nhắc đến. Trong thực tế, nếu là những căn bệnh tâm thể lý, thì hoàn toàn có thể kiểu y khoa đền miếu này thường hiệu quả bởi vì nó được thực hiện với rất nhiều nghi thức và lễ nghi đi kèm với việc chữa bệnh. Ví dụ, bệnh nhân thường phải chờ đợi trước khi một tư tế ra gặp họ, cho họ hàng nước thánh," mặc những y phục đặc biệt, và ngủ trong cung thánh. Trong thời gian họ ngủ, là cao điểm của thời gian chữa bệnh, bệnh nhân thường có một giấc mơ trong đó một tư tế hay vị thần trực tiếp chữa họ khỏi bệnh hay bảo họ phải làm gì để được khỏi bệnh. Như thế, mọi ca lành bệnh đều chủ yếu là chữa trị bằng đức tin, và các thực hành y khoa đều là ma thuật. Alcmaeon Trong số những người đầu tiên rời bỏ kiểu y khoa đền miếu và chuyển sang một nền y khoa hợp lý và tự nhiên hơn, có Alcmaeon (khoảng 500 tr. CN.). Alcmaeon (có lẽ thuộc phái Pythagoras) quan niệm sức khỏe là sự cân bằng các tính chất như nóng và lạnh, khô và ẩm, đắng và ngọt. Khi một hay nhiều tính chất này vượt trội trong hệ cơ thể của một người thì người ấy có bệnh. Theo Alcmaeon, nghề của thầy thuốc là giúp bệnh nhân lấy lại sự cân bằng đã mất, nhờ đó phục hồi sức khỏe. Ví dụ, sốt là do dư thừa nhiệt, và việc điều trị là làm mát cơ thể người bệnh; v.v...Chẩn đoán bao gồm việc tìm ra nguồn gốc phát sinh sự rối loạn thế cân bằng, và điều trị bao gồm một tiến trình phục hồi thế cân bằng. Quan niệm sức khỏe là sự cân bằng, hay sự hài hòa, sẽ có một ảnh hưởng sâu xa trong y khoa, cả cho tới hôm nay. Ngoài việc cổ võ nền y khoa tự nhiên, Alcmaeon cũng quan trọng vì những lý do khác. Ông là một trong những người đầu tiên mổ xẻ cơ thể người. Trong số những điều quan trọng ông học được từ các cuộc mổ xẻ này, ông nhận ra được rằng não có liên quan đến các giác quan. Ví dụ, ông mổ mắt và tìm ra các dây thần kinh thị giác dẫn lên não. Khác với các nhà tư tưởng khác sau này như Empedocles và Aristotle coi tim là trung tâm của các hoạt động tinh thần, Alcmaeon kết luận rằng cảm giác, tri giác, trí nhớ, tư duy, và hiểu biết đều xảy ra trong não. Các công trình của Alcmaeon thật đáng nể, nếu ta nghĩ rằng chúng đã diễn ra vào một thời rất xa xưa như thế. Ông đã có công lớn trong việc loại bỏ mê tín và ma thuật ra khỏi y khoa, và ông đã sử dụng kiến thức sinh lý học để đạt đến các kết luận liên quan đến hoạt động tâm lý. Là một thầy thuốc quan tâm đến các vấn đề tâm lý, Alcmaeon mở đầu cho một truyền thống lỗi lạc được tiếp nối sau này bởi các danh nhân như Helmholtz, Freud, Wundt và James. Hippocrates Hippocrates (khoảng 460 - 377 tr. CN) sinh tại đảo Cos của Hy Lạp trong một gia đình gồm các tư tế và thầy thuốc. Ông được giáo dục tại một trường nổi tiếng ở Cos và nhận được sự huấn luyện y khoa từ cha ông và các thầy thuốc khác. Vào lúc Hippocrates chuyển đến Athens, ông đã rất thông thạo trong việc chẩn đoán, dự hậu và điều trị bệnh. Ông ghi lại chi tiết các mô tả chính xác về bệnh quai bị, động kinh, rối loạn tâm thần, viêm khớp, và lao phổi, cùng rất nhiều bệnh khác. Từ sự đào luyện và quan sát của ông, Hippocrates đã kết luận rằng mọi rối loạn (tinh thần lẫn thể chất) đều có nguyên nhân là các yếu tố tự nhiên như tính mẫn cảm di truyền với bệnh, tổn thương cơ quan, và một sự mất cân bằng về các chất dịch trong cơ thể. Hippocrates thường được coi là ông tổ của y khoa, nhưng nói thế thì cũng chỉ đúng nếu ta coi ông như là "một đỉnh cao hơn là một sự bắt đầu" (Brett, 1965, tr. 54). Nhiều bậc thầy thuốc quan trọng trước ông (như Alcmaeon và Empedocles) đã từng thách thức các lối thực hành y khoa dựa trên mê tín và ma thuật. Tuy nhiên, thành tựu to lớn của Hippocrates là ông đã đưa sự phát triển y học tự nhiên tới các đỉnh cao mới. Hippocrates mạnh mẽ tấn công các vết tích của nền y khoa mê tín vốn còn tồn tại vào thời ông. Ví dụ, bệnh động kinh thời ấy được gọi là "bệnh thánh," ngụ ý rằng người bệnh bị quỷ ám. Hippocrates không đồng ý, ông cho rằng mọi bệnh tật đều có nguyên nhân tự nhiên chứ không phải do quỷ thần. Ông đồng ý với Empedocles rằng mọi sự được tạo thành bởi bốn yếu tố - đất, khí, lửa, và nước - và con người cũng được làm thành bởi bốn yếu tố này. Nhưng thêm vào đó, Hippocrates còn liên kết bốn yếu tố này với bốn chất dịch trong cơ thể. Ông liên kết đất với mật đen, khí với mật vàng, lửa với máu, và nước với đờm. Người có các chất dịch cân bằng đúng mức thì khỏe mạnh; người mất cân bằng về chất dịch thì bệnh. Hippocrates tin tưởng mạnh mẽ rằng cơ thể có khả năng tự chữa lành bệnh tật và nhiệm vụ của người thầy thuốc là giúp cho khả năng chữa lành tự nhiên này. Như thế các "phương thức chữa bệnh" mà Hippocrates khuyên dùng là nghỉ ngơi, ăn uống thích hợp, tập thể dục, không khí trong lành, xoa bóp, và tắm. Theo Hippocrates, điều tệ nhất mà người thầy thuốc có thể làm là can thiệp vào khả năng tự lành bệnh tự nhiên của cơ thể. Ông cũng nhấn mạnh việc điều trị toàn diện người bệnh chứ không chỉ chữa một căn bệnh. Phương pháp chữa bệnh của Hippocrates nhấn mạnh về người thầy thuốc có sự cảm thông và người bệnh có sự tin tưởng, hi vọng. Hippocrates cũng khuyên các thầy thuốc không lấy tiền nếu bệnh nhân gặp hoàn cảnh khó khăn tài chính. Hippocrates đồng ý với Alcmaeon rằng não là bộ phận chịu trách nhiệm về các khả năng tinh thần của chúng ta. Ông thêm rằng não cũng gây ra nhiều vấn đề về cảm xúc của chúng ta. Loài người phải biết rằng từ não và chỉ từ não mà thôi mới là nơi phát sinh các khoái lạc, cười đùa, cũng như các nỗi buồn phiền, đau khổ và khóc lóc. Nhờ não, mà chúng ta mới có thể suy nghĩ, thấy, nghe, và phân biệt được xấu với đẹp, tốt với xấu, thích và ghét... Nó cũng là cái làm chúng ta điên cuồng hay ngây ngất, sợ hãi và kinh hoàng dù ngày hay đêm, nó làm chúng ta mất ngủ, phạm những sai lầm không đúng lúc, những nỗi lo vu vơ, sự đãng trí, và những hành vi ngược với thói quen của chúng ta. Những điều gây đau khổ này cho chúng ta đều phát xuất từ não, khi nó không khỏe, nhưng trở thành nóng, lạnh, ẩm ướt hay khô ráo một cách bất bình thường, hay chịu những ảnh hưởng không tự nhiên khác mà nó không quen. (W. H. S. Jones, 1923, Q.2, tr. 175) Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về Hippocrates khi chúng ta xem lại việc điều trị các bệnh nhân tâm thần ở chương 15. Khoảng 500 năm sau Hippocrates, Galen (130 - 200 sau CN) liên kết bốn chất dịch của cơ thể với bốn loại tính khí. Nếu một trong các chất dịch trổi vượt, người ta sẽ bộc lộ tính khí gắn liền với chất dịch ấy (xem Bảng 2.1). Bảng 2.1. Galen mở rộng lý thuyết của Hippocrates về các chất dịch Ch ấ t dịch Tính khí Đ ặ c điểm Đờm Máu M ậ t vàng Mật đen Tính điềm đạm Tính đam mê Tính nóng Tính u sầu Lờ đờ, không cảm xúc Vui tươi hoạt bát Dễ n óng gi ậ n, nóng nảy Buồn sầu Các quan điểm của Hippocrates được Galen mở rộng đã tạo thành lý thuyết sơ đẳng đầu tiên về nhân cách, cũng như là một phương pháp chẩn đoán bệnh, là phương pháp đã thống trị nền y khoa trong khoảng 14 thế kỷ tiếp theo. Created by AM Word2CHM TÍNH TƯƠNG ĐỐI CỦA CHÂN LÝ NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 2. CÁC TRIẾT GIA HY LẠP ĐẦU TIÊN Bước quá độ từ cách giải thích siêu nhiên sang tự nhiên là một bước khổng lồ, nhưng có lẽ có quá nhiều nhà triết học đã thực hiện bước này. Nhiều nhà triết học khác nhau đã tìm ra yếu tố cơ bản (physis) là nước, lửa, con số, nguyên tử, và sự vô hạn, và một số nhà triết học đã tìm ra nhiều hơn là một yếu tố cơ bản. Một số nói rằng các sự vật trong vũ trụ thay đổi không ngừng, số khác cho rằng không có gì thay đổi, và số khác nữa lại nói có những vật thay đổi và có những vật không. Hơn thế nữa, đa số các nhà triết học này và các học trò của họ đều là những nhà hùng biện lỗi lạc, họ biết trình bày và bảo vệ quan điểm của họ một cách lý luận và có sức thuyết phục. Tình trạng này đặt con người tìm kiếm chân lý vào vị trí nào? Họ rất giống với người sinh viên đại học ngày nay đến với một lớp và được thuyết phục về một điều gì đó (tâm lý học là một khoa học) để rồi khi vào một lớp khác và được thuyết phục về điều ngược lại (tâm lý học không phải một khoa học). Điều nào đúng? Để trả lời cho sự hoang mang này, một số nhà triết học kết luận rằng không chỉ có một chân lý mà có nhiều chân lý. Thực vậy, họ tin rằng bất cứ điều gì cũng đúng nếu bạn có thể thuyết phục được người ta rằng nó đúng. Theo một nghĩa nào đó, họ cho rằng tin điều gì đúng thì điều đó đúng. Người ta gọi các nhà triết học này là các nhà Ngụy biện. Các nhà ngụy biện là những bậc thầy tu về từ học và luận lý học chuyên nghiệp; họ tin rằng việc truyền đạt hiệu quả sẽ quyết định một ý tưởng có được chấp nhận hay không, hơn là ý tưởng ấy có giá trị hay không. Chân lý được coi là tương đối, và vì vậy không có một chân lý duy nhất tồn tại. Sự tin tưởng này đánh dấu một chuyển biến lớn trong triết học. Câu hỏi bây giờ không còn là "Vũ trụ được làm bằng gì?” mà là "Con người có thể biết gì và làm thế nào họ có thể biết được nó?" Nói khác đi, có một sự chuyển đổi sang các câu hỏi về nhận thức. Protagoras Protagoras (khoảng 485 - 415 tr. CN), nhà Ngụy biện nổi tiếng nhất, đã tóm tắt lập trường của phái ngụy biện bằng câu phát biểu nổi tiếng: "Con người là thước đo của mọi sự vật: Cái gì có thì là có, cái gì không có thì là không có." (Brett, 1965, tr. 63). Phát biểu này bao hàm nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, chân lý tùy thuộc người nhận thức hơn là tùy thuộc thực tại vật lý. Thứ hai, vì các nhận thức thay đổi với các kinh nghiệm trước kia của người nhận thức, nên chúng cũng thay đổi từ người này sang người khác. Thứ ba, điều được coi là đúng sẽ được quyết định một phần bởi văn hóa bởi vì văn hóa của một người ảnh hưởng đến các kinh nghiệm của người ấy. Thứ bốn, để hiểu tại sao một người tin tưởng điều họ tin tưởng, người ta phải hiểu con người ấy. Do đó theo Protagoras, mỗi triết gia đi trước đều trình bày quan điểm chủ quan của mình thay vì "chân lý khách quan" về thực tại vật lý. Diễn đạt lại câu phát biểu nổi tiếng của Heraclitus, Protagoras nói, "Người ta không bao giờ bước xuống cùng một dòng sông một lần bởi vì dòng sông là khác cho mỗi cá nhân để bắt đầu. Với Protagoras, tiêu điểm của tra cứu triết học đã chuyển từ thế giới vật lý sang các quan tâm về con người. Bây giờ chúng ta đã có một lý thuyết về biến dịch khác với lý thuyết biến dịch của Heraclitus. Con người là thước đo của mọi sự vật, và vì vậy không bao giờ có chân lý hay quy luật đạo đức hay bất cứ cái gì là vĩnh cửu cả. Gorgias Gorgias (khoảng 485 - 380 tr. CN) là một nhà nguy biện có lập trường thậm chí còn cực đoan hơn cả Protagoras. Protagoras đã kết luận rằng, vì kinh nghiệm của mỗi người cung cấp cho người ấy điều mà họ cho là đúng, nên "mọi sự đều đúng như nhau." Tuy nhiên, Gorgias coi sự kiện tri thức là chủ quan và tương đối như là một chứng minh rằng "mọi sự đều sai như nhau". Hơn nữa, vì cá nhân chỉ có thể biết được các nhận thức của mình, nên không thể có cơ sở khách quan để xác định chân lý. Lập trường của Gorgias, cũng như của Protagoras, biểu thị hư vô luận bởi vì nó phát biểu rằng ta không thể có cách khách quan nào để xác định tri thức hay chân lý. Lập trường nguy biện cũng biểu thị duy ngã luận bởi vì ngã không thể biết về điều gì khác ngoài các kinh nghiệm và trạng thái tinh thần của chính nó. Như thế, Gorgias đã đi đến ba kết luận nổi tiếng của ông: Không có gì tồn tại (trừ các nhận thức cá nhân); nếu có gì ở ngoài cá nhân tồn tại, thì nó cũng không bao giờ có thể biết được; và nếu cái gì có thể biết được, nó không thể truyền đạt cho một người khác. Theo Gorgias, để có thể có sự truyền đạt giữa hai người, các điều kiện trong tâm trí của người nghe phải được làm cho nó trở nên giống các điều kiện trong tâm trí của người nói, và điều này không bao giờ có thể làm được. Tương tự, để biết một đối tượng bên ngoài trí khôn, vật ấy và trí khôn phải cùng là một vật. Do đó, cả việc biết một cái gì ở ngoài trí khôn lẫn việc truyền đạt tri thức từ một trí khôn sang một trí khôn khác đều không thể có được. Các nhà ngụy biện một cách rõ ràng và thuyết phục đã mô tả vực thẳm ngăn cách giữa thế giới vật lý và con người nhận thức. Sau này trong lịch sử, vực thẳm này sẽ được mô tả dựa trên các tính chất sơ đẳng của các đối tượng (các tính chất có khả năng tạo ra các cảm giác tương ứng với các tính chất có thực của sự vật vật lý) và các tính chất phụ của các đối tượng (các tính chất tạo ra các cảm giác không tương ứng với bất cứ thuộc tính nào của sự vật vật lý) Các nhà ngụy biện cũng nêu câu hỏi hóc búa là ý thức của một người có thể biết gì về ý thức của một người khác. Chưa từng có câu trả lời thỏa đáng nào được đưa ra cho câu hỏi này. Xenophanes Ngay cả trước thời các nhà ngụy biện, Xenophanes (khoảng 560 - 478 tr. CN) đã từng đả kích tôn giáo như là một sự bịa đặt của con người. Ông nhận xét rằng các vị thần của tôn giáo Olympia cũng hành động đáng ngờ y như con người: cũng gian dối, trộm cắp, tán tỉnh, và thậm chí giết người: "Homer...đã gán cho các thần mọi chuyện mà đối với loài người là đáng xấu hổ và đáng chê trách - trộm cắp và ngoại tình và lừa đảo" (Barnes, 1987, tr. 95). Ông cũng nhận xét rằng các dân da đen thì có các thần da đen và các dân da trắng thì có các thần da trắng. Xenophanes thậm chí còn đi xa đến độ nói rằng nếu như loài vật có thể mô tả các thần của chúng, các thần này sẽ có các tính chất của các loài vật đang mô tả các thần. Về lãnh vực tôn giáo, có thể coi Xenophanes như một nhà ngụy biện thời ban sơ. Con người không chỉ tạo ra bất cứ "chân lý" nào tồn tại, mà họ cũng tạo ra được bất cứ tôn giáo nào tồn tại. Cho nên, các quy tắc đạo đức không phải do thần linh ban cho, mà là do các phát minh của con người. Bản chất tương đối của chân lý mà các nhà ngụy biện chủ trương là điều ghê tởm đối với nhiều người muốn rằng "chân lý" phải là một cái gì khác hơn là sự dọi phóng của thực tại chủ quan của một người vào thế giới. Socrates thuộc số những người quan tâm nhất về điều này, ông vừa đồng ý vừa bất đồng với các nhà ngụy biện. Socrates Socrates (469 - 399 tr. CN) đồng ý với các nhà ngụy biện cho rằng kinh nghiệm cá nhân là quan trọng (bằng chứng là các câu nói nổi tiếng của ông, "Hãy tự biết mình" và "Sống mà không suy tư thì không đáng sống"), nhưng ông bất đồng với quan niệm của người ngụy biện rằng đã không có chân lý nào tồn tại ngoài các ý kiến cá nhân. Trong công cuộc tìm kiếm chân lý, Socrates sử dụng một phương pháp đôi khi được gọi là định nghĩa quy nạp, phương pháp này bắt đầu bằng việc xem xét các ví dụ về 1 các khái niệm như cái đẹp, tình yêu, công bằng, hay chân lý, và rồi tiếp tục đi đến các câu hỏi như "Cái gì là chung trong mọi trường hợp của cái đẹp?" Nói cách khác, Socrates hỏi cái gì làm cho một vật là đẹp, công bằng, hay đúng? Bằng cách này, ông tìm cách khám phá các nguyên tắc chung từ việc xem xét các ví dụ riêng biệt. Người ta nghĩ rằng các nguyên tắc chung hay các khái niệm này vượt lên trên các biểu hiện cá nhân và vì thế chúng vững bền và có thể biết được. Điều Socrates tìm kiếm là yếu tính của các sự vật như cái đẹp, công bằng, và chân lý. Yếu tính của một điều gì là bản chất cơ bản của nó, là các tính chất phân biệt và vững bền của nó. Biết thực sự một điều gì, theo Socrates, là thấu triệt yếu tính của nó. Xác định một cái gì là đẹp mà thôi không đủ; người ta phải biết tại sao nó đẹp. Người ta phải biết mọi trường hợp của cái đẹp có cái gì là chung; người ta phải biết yếu tính của cái đẹp. Theo Socrates, hiểu biết các yếu tính tạo thành tri thức, và mục đích của cuộc đời là đạt được tri thức. Khi hạnh kiểm của một người được hướng dẫn bởi tri thức, hạnh kiểm ấy tất yếu là đạo đức. Ví dụ, nếu một người biết công bằng là gì, người ấy hành động công bằng. Theo Socrates, tri thức và đạo đức liên hệ mật thiết với nhau; tri thức là nhân đức, và hành vi thiếu đạo đức phát sinh từ sự ngu dốt. Không giống đa số các nhà triết học trước ông, Socrates quan tâm chủ yếu tới việc con người là gì và các vấn đề liên quan đến tồn tại của con người. Chính vì các mối quan tâm này mà đôi khi Socrates được coi là nhà triết học hiện sinh đầu tiên. Năm 399 tr. CN., khi Socrates đã 70 tuổi, ông bị tố cáo là bất kính đối với các thần của thành phố và làm hư hỏng thanh niên của Nhã Điển. Ông bị xét xử, buộc tội và kết án tử hình. Tuy nhiên, sự khôn ngoan của Socrates đã được lưu truyền và được triển khai sâu rộng bởi người học trò nổi tiếng của ông là Plato. Plato cần được chúng ta chú ý nhiều hơn các nhà triết học khác bởi vì lý thuyết của ông đã tạo ra một chủ đề chạy dọc suốt lịch sử tâm lý học và vẫn còn tiếp tục gây ảnh hưởng trên tâm lý học hiện đại. Created by AM Word2CHM PLATO NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 2. CÁC TRIẾT GIA HY LẠP ĐẦU TIÊN Các tác phẩm của Plato (khoảng 427 - 347 t r . CN.) có thể chia thành hai thời kỳ. Trong thời kỳ thứ nhất, Plato chủ yếu thuật lại những tư tưởng và phương pháp của Socrates, sư phụ của mình. Nhưng sau khi Socrates bị hành hình, Plato đi lưu vong sang ý, tại đây ông chịu ảnh hưởng của phái Pythagoras. Sau khi trở về Nhã Điển, ông lập trường riêng của mình tên là Academia, và các tác phẩm từ thời kỳ này trở đi phối hợp phương pháp của Socrates với triết học thần bí của phái Pythagoras. Giống như Socrates, Plato muốn tìm ra một cái gì đó trừu tượng. Như vậy các cái ghế, cái xe, tảng đá, con mèo, con chó, và cả con người đều là những biểu thị thấp kém của các mô thể thuần túy. Ví dụ, hàng ngàn con mèo mà người ta gặp cũng chỉ là các bản sao thấp kém của một ý tưởng trừu tượng hay mô thể "mèo" tồn tại dưới hình thức thuần túy trừu tượng. Điều này đúng cho mọi vật mà chúng ta có thể gọi tên. Những cái chúng ta kinh nghiệm bằng giác quan đều phát sinh từ sự tương tác của mô thể với chất thể; và vì chất thể thì không ngừng thay đổi và được kinh nghiệm qua các giác quan, nên kết quả của sự tương tác này phải kém hoàn hảo hơn là chính ý tưởng thuần túy trước khi ý tưởng này tương tác với chất thể. Plato thay thế yếu tính mà Socrates đã tìm thấy bằng khái niệm về mô thể như là khía cạnh của thực tại có tính chất vững bền và vì vậy có thể biết được. Nghĩa là, Socrates chấp nhận sự kiện một định nghĩa đầy đủ thì xác định rõ yếu tính của một vật hay của một khái niệm; còn đối với Plato, yếu tính của một vật hay một khái niệm thì đồng nhất với mô thể của nó. Theo Plato, yếu tính (mô thể) có một sự tồn tại biệt lập với các biểu thị cá biệt của nó. Tuy nhiên, cả Socrates lẫn Plato đều đồng ý rằng chúng ta chỉ có thể đạt được tri thức nhờ lý trí. Biểu tượng của Đường Ranh Giới Vậy những người tìm cách đạt tri thức bằng việc tìm hiểu thế giới bằng kinh nghiệm giác quan thì sao? Theo Plato, chắc chắn họ vẫn còn ngu dốt, hay tối đa cũng chỉ đạt tới mức độ các ý kiến mà thôi. Tri thức đúng duy nhất bao gồm sự lãnh hội chính các mô thể, và điều này chỉ có thể đạt được nhờ tư tưởng thuần lý. Plato tóm tắt quan điểm này bằng biểu tượng Đường Ranh Giới nổi tiếng của ông, được minh họa trong Hình 2.1. CÁC Đ Ố I TƯ Ợ NG CÁC TRẠNG THÁI TINH TH Ầ N TH Ế GI Ớ I KH Ả TR I S ự thiện C á c mô thể C á c đối tượng toán học Sự hiểu biết (noesis) hay Tri th ứ c (episteme) Tư duy (dionoi) TH Ế GI Ớ I HIỆN TƯ Ợ NG C á c sự v ật hữu hình C ác hình ảnh S ự tin tưởng (pisfis) Tưởng tượng (eik a si a ) Hình 2.1 Biểu tượng Đường Ranh Giới của P l a t o Tưởng tượng được coi là dạng thấp nhất của sự hiểu biết bởi vì nó dựa trên hình ảnh - ví dụ, chân dung một người, đã được lấy ra khỏi người ấy. Các sự phản chiếu trong nước cũng là các hình ảnh bởi vì chúng đã xa rời một bước khỏi các đồ vật được phản chiếu. Chúng ta đối diện với chính các đồ vật thì khá hơn một chút so với các hình ảnh của đồ vật, nhưng cả khi đối diện trực tiếp các đồ vật tối đa chúng ta cũng chỉ có được các sự tin tưởng về chúng mà thôi. Tuy nhiên, sự tin tưởng không tạo thành tri thức. Tốt hơn nữa là chiêm ngưỡng các tương quan toán học, nhưng tri thức toán học cũng không phải loại cao nhất bởi vì nó thường lệ thuộc các sự kiện trong thế giới thường nghiệm và nhiều mối tương quan của chúng chỉ tồn tại bằng định nghĩa. Nghĩa là, các tương quan toán học được giả định là đúng, nhưng các giả định này cũng rất có thể sai. Tuy nhiên, tư duy toán học trong trừu tượng thì tốt hơn tư duy bằng các hình ảnh hay các sự vật trong kinh nghiệm. Hình thức tư duy cao nhất bao gồm sự lãnh hội chính các mô thể, và sự hiểu biết hay tri thức đích thực chỉ phát xuất từ việc lãnh hội các mô thể trừu tượng. "Sự Thiện" hay "Mô Thể của Sự Thiện" là dạng khôn ngoan cao nhất bởi vì nó bao gồm mọi mô thể khác và cho thấy sự tương quan của chúng. Mô thể của sự thiện thì giống như mặt trời, theo nghĩa nó soi sáng mọi mô thể khác và làm cho chúng có thể biết được. Nó là chân lý cao nhất. Sau này trong thần học Kitô giáo, mô thể của sự thiện được đồng nhất với Thiên Chúa. Ẩn dụ về Cái hang Trong ẩn dụ về cái hang, Plato mô tả những tù nhân hư cấu đã sống cả cuộc đời họ trong một cái hang sâu. Các tù nhân bị xiềng xích thế nào khiến họ chỉ có thể nhìn thấy phía trước mặt là một bức tường. Sau lưng họ là một con đường có những người qua lại, tay mang các đồ vật khác nhau. Bên kia con đường có một ngọn lửa cháy sáng chiếu dọi các bóng người qua lại và các đồ vật lên bức tường đá trước mặt các tù nhân. Đối với các tù nhân, bóng của những người và vật chiếu trên tường là chính thực tại. Sau đó Plato mô tả điều gì có thể xảy ra nếu một trong số những tù nhân thoát được ra khỏi hang động ấy. Quay mặt về phía ngọn lửa, ngọn lửa sẽ làm người này nhức mắt, và họ có thể quyết định quay trở về với thế giới của các cái bóng của họ. Nếu không, cuối cùng họ sẽ quen được với ánh lửa và thấy các người qua lại và các đồ vật mà trước kia họ chỉ thấy được các cái bóng của chúng. Bây giờ Plato xin chúng ta giả sử rằng người tù kia tiếp tục hành trình của họ và ra khỏi hang động. Khi đã lên được "thế giới bên trên," họ sẽ bị mặt trời làm lóa mắt. Chỉ sau một thời gian điều chỉnh họ mới thấy được các sự vật trong "thế giới bên trên" này và nhận ra rằng chúng có thực hơn những cái bóng mà họ đã từng thấy khi còn ở trong hang động. Sau cùng, Plato xin chúng ta tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu người tù này quay trở vào trong hang để soi sáng cho các bạn tù của anh. Vẫn còn bị lóa mắt một phần vì kinh nghiệm chiếu sáng vừa qua, anh ta sẽ thấy khó thích nghi lại với đời sống của các cái bóng trước kia. Anh sẽ lúng túng khi mô tả về các cái bóng và khi dự đoán vật nào sẽ theo sau vật nào. Điều này sẽ là bằng chứng hiển nhiên để các bạn tù của anh thấy không có lợi gì khi rời bỏ thế giới của các cái bóng mà họ thấy trên tường cả. Trong thực tế, nếu ai muốn tìm cách đưa các tù nhân ra khỏi thế giới của các cái bóng của họ, họ sẽ bị các tù nhân giết ngay. Các tù nhân bị xiềng xích là biểu thị về những người lẫn lộn thế giới hình bóng của kinh nghiệm giác quan với thực tại. Người tù thoát ngục biểu thị về con người mà các hành động của họ được điều khiển bởi lý trí thay vì bởi các ấn tượng của cảm giác. Người tù thoát ngục thấy được các đồ vật thực sự (các mô thể) là nguyên nhân của các cái bóng trong hang (thông tin của giác quan) và như thế họ có tri thức đích thực. Sau khi có một kinh nghiệm soi sáng như thế, người ta thường tìm cách lôi kéo những người khác ra khỏi sự mê muội để tiến đến sự khôn ngoan. Tình cảnh của Socrates là bằng chứng về điều gì có thể xảy ra cho người nào muốn giải phóng những người khác khỏi xích xiềng mê muội. Lý thuyết Tri thức bằng Hồi ức Làm thế nào chúng ta biết được các mô thể nếu chúng không thể biết được bằng kinh nghiệm giác quan? Trả lời cho câu hỏi này bao gồm khía cạnh huyền bí nhất trong lý thuyết của Plato. Câu trả lời của Plato chịu ảnh hưởng bởi khái niệm của phái Pythagoras về sự bất tử của linh hồn. Theo phái Pythagoras, hình thức tư tưởng cao nhất là lý trí, một chức năng của linh hồn bất tử Plato mở rộng ý tưởng này và nói rằng trước khi linh hồn được đặt vào trong thân xác, nó đã cư ngụ giữa các mô thể. Sau khi linh hồn nhập xác, thông tin của giác quan bắt đầu làm ô nhiễm sự hiểu biết này. Cách duy nhất để đạt tri thức đích thực là gạt bỏ kinh nghiệm giác quan và tập trung các tư tưởng của mình vào các nội dung của trí khôn. Theo lý thuyết tri thức bằng hồi ức của Plato, mọi tri thức đều bẩm sinh và chỉ có thể đạt được bằng nội quan, nghĩa là tìm kiếm các kinh nghiệm nội tâm của con người. Tối đa, kinh nghiệm giác quan chỉ có thể làm người ta nhớ lại những gì đã biết. Vì vậy, theo Plato, mọi tri thức đều đến từ sự hồi ức, từ sự nhớ lại các kinh nghiệm mà linh hồn đã có trước khi nhập thể. Như thế ta thấy Plato vừa là nhà bẩm sinh luận vừa là nhà duy lý luận, vì ông nhấn mạnh rằng chân lý người ta đạt được cơ bản là bẩm sinh (bẩm sinh luận). Ông cũng là nhà triết học duy tâm vì ông tin rằng thực tại cơ bản gồm các ý tưởng hay mô thể. Bản chất của Linh hồn Plato không chỉ tin rằng linh hồn có một thành phần lý tính bất tử, mà ông còn tin rằng nó có hai thành phần khác: cảm xúc và dục vọng. Hai khía cạnh cảm xúc và dục vọng này là thành phần của thân xác và thành phần này có thể chết. Với khái niệm này về linh hồn ba thành phần, ông giả định một hoàn cảnh mà con người luôn luôn ở trạng thái xung đột, một hoàn cảnh không giống điều mà Freud đã mô tả vào nhiều thế kỷ sau. Theo Plato, thân xác có các dục vọng (các nhu cầu như đói, khát, tính dục) cần phải thỏa mãn và chúng đóng một vai trò động lực quan trọng trong đời sống hằng ngày. Con người cũng có các cảm xúc khác nhau như sợ, yêu, và giận. Tuy nhiên, nếu muốn đạt đến tri thức, thì con người phải dẹp bỏ các nhu cầu của thân xác và tập trung vào các mục tiêu lý tính như nội quan. Vì các nhu cầu của thân xác không biến mất, con người phải mất nhiều công sức trong việc kiềm chế chúng - nhưng chúng phải được kiềm chế. Nhiệm vụ của phần lý tính của linh hồn là làm chậm lại hay ức chế các sự thỏa mãn tức thời khi lợi ích lâu dài của con người đòi hỏi điều đó. Con người mà phần lý tính của linh hồn làm chủ thì không sống theo bản năng. Đời sống họ được điều hành bởi các nguyên tắc đạo đức và các mục tiêu tương lai, không phải sự thỏa mãn tức thời các nhu cầu sinh vật hay cảm xúc. Mục tiêu cao nhất trong cuộc đời, theo Plato, phải là giải phóng linh hồn tối đa khỏi các sự phóng đãng của xác thịt. Về điểm này ông đồng ý với phái Pythagoras. Plato thấy rằng không phải ai cũng có khả năng tư duy sâu xa bằng lý trí; ông tin rằng nơi một số người, khía cạnh dục vọng của linh hồn làm chủ, nơi một số khác, khía cạnh cảm xúc làm chủ, và nơi một số khác nữa, khía cạnh lý tính làm chủ. Trong tác phẩm Nền Cộng Hòa, ông tạo ra một xã hội không tưởng trong đó ba hạng người có ba chức năng chuyên biệt. Hạng người mà khía cạnh dục vọng làm chủ là các người lao động và nô lệ, hạng người mà cảm xúc làm chủ là các binh sĩ, và hạng người mà lý trí làm chủ là các triết gia - nhà cai trị. Trong lược đồ của Plato, có một quan hệ đảo ngược giữa sự quan tâm đến các kinh nghiệm thân xác và địa vị của một người trong xã hội. Trong tập V của quyển Nền Cộng Hòa, Plato mạnh mẽ phát biểu niềm tin của ông rằng các xã hội ít có cơ may tồn tại nếu chúng không được lãnh đạo bằng sự khôn ngoan của các triết gia: Chỉ khi nào các nhà cai trị thế giới này là các triết gia hay các vua chúa của thế giới này có tinh thần và quyền lực của triết học, và sự hùng cường chính trị và sự khôn ngoan kết hợp thành một...thì chỉ khi ấy đất nước chúng ta mới có cơ may sống còn và nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Chúng ta thấy Plato là một người theo bẩm sinh luận không chỉ trong lãnh vực tri thức, mà cả trong lãnh vực tính cách hay sự thông minh. Ông cảm thấy rằng giá trị của giáo dục bị hạn chế đối với các trẻ em có tư chất thấp. Vì vậy, người ta sẽ là một nô lệ, binh sĩ hay triết gia - nhà cai trị, thì phần lớn là do bẩm sinh. Di sản của Plato Vì khoa học lệ thuộc việc quan sát thường nghiệm, nên lý thuyết của Plato giúp phát huy khoa học thì ít mà cản trở khoa học thì nhiều. Plato đã tạo ra một sự nhị nguyên phân chia con người thành một thân xác vật chất và khiếm khuyết, và một tinh thần (linh hồn) có tri thức thuần túy. Hơn nữa, linh hồn lý tính thì bất tử. Giả như triết học đã không bị khống chế bởi các quan tâm thần học, có lẽ lý thuyết của Plato đã bị thách thức bởi các nhà triết học thời sau và dần dần bị thay thế bởi các quan điểm triết học vững chắc hơn. Trong thực tế, Aristotle đã cố gắng rất nhiều để hiệu đính triết học Plato, nhưng sự thách thức đã bị bỏ dở. Thuyết thần bí của Kitô giáo thời kỳ đầu đã phối hợp với triết học Plato, tạo ra những giáo điều không bị thách thức của tôn giáo. Khi các tác phẩm của Aristotle được tái phát hiện nhiều thế kỷ sau đó, chúng cũng đã được sửa đổi một cách cẩn thận và đồng hóa với các tín điều của giáo hội. Phải đợi đến thời Phục Hưng, cuối cùng học thuyết Plato (và học thuyết Aristotle) mới bị tranh cãi công khai và phần lớn bị loại bỏ. Created by AM Word2CHM ARISTOTLE NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 2. CÁC TRIẾT GIA HY LẠP ĐẦU TIÊN Aristotle (384 - 322 tr. CN.) sinh tại Stagira, một thành phố ít được biết đến của Macedonia, nằm giữa Biển Đen và Biển Aegea. Cha ông là Nicomachus, quan thái y của vua Amyntas III của Macedonia. Theo tập tục Hy Lạp, cha của Aristotle đã giáo dục ông theo nghề y. Năm 367 tr. CN., Aristotle sang Nhã Điển và chỉ một thời gian ngắn sau đã trở thành một sinh viên xuất sắc nhất của Plato; lúc ấy ông 17 tuổi. Khi Plato mất năm 347 tr. CN., Aristotle đến Tiểu Á và tại đây ông chuyên nghiên cứu lãnh vực sinh vật và động vật học. Năm 343 tr. CN., Aristotle được mời dạy học cho hoàng tử của vua Philip, là Đại đế Alexander tương lai, và tiếp tục công việc này trong bốn năm. Sau một ít chuyến hành trình nữa, Aristotle quay trở về Nhã Điển, tại đây năm 48 tuổi, ông mở trường riêng, lấy tên là Lyceum. Vì trường Lyceum có nhiều giáo sư, có các lớp học thường xuyên, một thư viện dồi dào, và những sưu tập đầy đủ về khoa học tự nhiên, nên nó được coi là trường đại học đầu tiên trên thế giới (Esper, 1964, tr. 128). Khi Đại đế Alexander mất năm 323 tr. CN., Aristotle trốn khỏi Nhã Điển và một năm sau ông qua đời tại Challis. Aristotle là triết gia đầu tiên nghiên cứu sâu rộng nhiều đề tài mà sau này sẽ là thành phần của tâm lý học. Trong kho tác phẩm đồ sộ của ông, ông bàn đến các đề tài như trí nhớ, cảm giác, giấc ngủ, giấc mơ, lão khoa, và sự học tập. Ông cũng mở đầu tác phẩm De Anima (Về Linh Hồn) của ông với những điều được coi là lịch sử tâm lý học đầu tiên. Chỉ riêng những cống hiến của ông cho tâm lý học mà thôi thì cũng đã thực sự quá ấn tượng rồi. Tuy nhiên, phải nói rằng ông đã có những cống hiến cho mọi ngành khoa học, có lẽ chỉ trừ toán học. Ảnh hưởng các tư tưởng của ông đối với các đề tài triết học và khoa học như luận lí học, siêu hình học, vật lý học, sinh vật học, đạo đức học, chính trị học, tu từ học, và thi ca đã tồn tại lâu dài. Người ta thường nói Aristotle là con người cuối cùng biết mọi cái có thể biết khi còn sống. Khác biệt cơ bản giữa Plato và Aristotle Cả Plato lẫn Aristotle đều chủ yếu quan tâm tới các yếu tính hay chân lý vượt quá dáng vẻ bề ngoài của các sự vật, nhưng phương pháp họ sử dụng để khám phá các yếu tính này thì khác nhau về cơ bản. Đối với Plato, các yếu tính tương ứng với các mô thể tồn tại độc lập với thiên nhiên và chỉ có thể đạt tới bằng việc gạt bỏ kinh nghiệm giác quan và hướng các tư tưởng của chúng ta vào bên trong (nghĩa là, bằng nội quan). Đối với Aristotle, các yếu tính tồn tại nhưng chỉ có thể biết được bằng cách nghiên cứu thiên nhiên. Ông tin rằng nếu các biểu hiện cá nhân của một nguyên lý hay hiện tượng được tra cứu đủ, cuối cùng người ta có thể suy ra yếu tính mà chúng biểu thị. Triết học Aristotle cho thấy sự khó khăn thường gặp khi người ta muốn phân chia rạch ròi các triết học của thuyết duy lý và duy nghiệm. Như đã nói ở chương I, nhà duy lý luận tuyên bố rằng phải sử dụng các hoạt động lý luận của lý trí để đạt đến tri thức, còn nhà duy nghiệm luận nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thông tin giác quan trong việc đạt đến tri thức. Aristotle chọn cả duy lý luận lẫn duy nghiệm luận. Ông tin rằng phải sử dụng lý trí để đạt đến tri thức (duy lý) nhưng chính thông tin do giác quan cung cấp (duy nghiệm) là đối tượng của tư tưởng thuần lý. Tuy nhiên, Aristotle không phải người duy nhất có lập trường này. Trong lịch sử, đa số các nhà duy lý luận nhận ra và chấp nhận tầm quan trọng của kinh nghiệm giác quan, và đa số các nhà duy nghiệm đều giả thiết có một hay nhiều hoạt động tinh thần được coi là tác động trên thông tin của giác quan. Nói cách khác, rất khó mà tìm thấy một nhà duy lý luận hay duy nghiệm luận thuần túy và một nhà triết học thường được xếp vào loại này hay loại kia tùy theo họ nhấn mạnh đến các hoạt động tinh thần hay kinh nghiệm giác quan. Hiểu như thế, chúng ta có thể nói Aristotle là một nhà duy lý nhiều hơn là duy nghiệm. Các nguyên lý phổ quát mà Plato và Aristotle (và các nhà triết học khác) nghĩ là hiện thực và có thể biết được thì đã được gọi nhiều cách khác nhau theo thời gian - ví dụ, các nguyên lý đệ nhất, các yếu tính, hay các phổ quát thể. Trong mỗi trường hợp, người ta đều giả thiết rằng có một cái gì cơ bản tồn tại mà không thể khám phá ra nếu chỉ nghiên cứu các trường hợp hay biểu hiện đặc thù của nguyên lý trừu tượng liên hệ. Cần có một loại hoạt động thuần lý nào đó để tìm ra nguyên lý (yếu tính) ẩn bên dưới các trường hợp đặc thù. Việc tìm kiếm các nguyên lý đệ nhất, yếu tính, hay phổ quát thể là nét đặc trưng của đa số các quan niệm triết học thời kỳ đầu, và theo một nghĩa nào đó, vẫn còn tiếp tục trong khoa học hiện đại như là việc tìm kiếm các định luật chi phối thiên nhiên. Đối với Plato, người ta đạt được các nguyên lý đệ nhất bằng tư tưởng thuần túy; đối với Aristotle, người ta đạt được chúng nhờ nghiên cứu thiên nhiên trực tiếp. Với Plato, mọi tri thức đều tồn tại độc lập với thiên nhiên; với Aristotle, thiên nhiên và tri thức không thể tách rời nhau. Do đó, theo quan điểm Aristotle, thân xác không phải một trở ngại trong việc tìm kiếm tri thức như đối với Plato hay phái Pythagoras. Cũng thế, Aristotle không đồng ý với Plato về tầm quan trọng của toán học. Đối với Aristotle, toán học cơ bản là vô ích, và ông đặt tầm quan trọng vào việc cẩn thận quan sát và phân loại thiên nhiên. Ở đây chúng ta lại thấy yếu tố duy nghiệm trong triết học Aristotle. Trong trường Lyceum của Aristotle, người ta thực hiện nhiều quan sát về các hiện tượng vật lý và sinh học. Sau đó các quan sát phù hợp được thiết lập thành các phạm trù. Bằng phương pháp quan sát, định nghĩa, và phân loại Aristotle đã soạn ra được cả một bách khoa thư về thiên nhiên. Ông quan tâm tới việc nghiên cứu các sự vật trong thế giới thường nghiệm và học hỏi các chức năng của chúng. Vì Aristotle tìm cách cắt nghĩa các hiện tượng tâm lý dựa trên cơ sở sinh vật học, ông có thể được coi là nhà tâm sinh lý học đầu tiên. Triết học của Plato đi theo truyền thống toán học Pythagoras, và triết học Aristotle đi theo truyền thống sinh vật học Hippocrate. Các quan điểm của Plato và Aristotle về các nguồn của tri thức đã đặt tiền đề cho việc tra cứu tri thức luận còn kéo dài sau này. Hầu như mọi nhà triết học, và đa số nhà tâm lý đều có thể được đánh giá căn cứ trên sự nhất trí hay bất đồng với các quan điểm của Plato hay Aristotle. Nguyên lý Nhân quả và Nguyên lý Cứu cánh Theo Aristotle, để thực sự hiểu biết về một vật gì, chúng ta phải biết bốn điều về nó. Nghĩa là, mọi vật đều có bốn nguyên nhân: 1. Nguyên nhân chất thể là chất liệu của một vật. Ví dụ, một pho tượng được làm bằng cẩm thạch. 2. Nguyên nhân mô thể là hình dạng hay kiểu mẫu nhất định của một vật. Ví dụ, một phiến đá cẩm thạch có hình của thần Vệ Nữ. 3. Nguyên nhân tác thành là lực biến đổi chất liệu thành một hình dạng nhất định - ví dụ, sức lực của nhà điêu khắc. 4. Nguyên nhân cứu cánh là mục đích mà một vật tồn tại. Trong trường hợp pho tượng, mục đích có thể là đem lại sự vui thích cho người chiêm ngưỡng nó. Triết học Aristotle là triết học cứu cánh vì theo ông, mọi sự vật trong thiên nhiên đều tồn tại vì một mục đích. Tuy nhiên, mục đích theo Aristotle hiểu không phải là một ý hướng có ý thức. Đúng hơn, ông hiểu rằng mọi sự vật trong thiên nhiên đều có một chức năng bao hàm nội tại trong nó. Mục đích nội tại, hay chức năng này, được gọi là cứu cánh thể (entelechy). Cứu cánh thể làm cho một vật chuyển động hay phát triển theo hướng đã định trước cho tới khi tiềm năng của nó đạt tới mức hoàn hảo. Ví dụ, mặt có mục đích cung cấp thị giác, và nó tiếp tục phát triển cho đến khi nó làm được điều này. Nguyên nhân cứu cánh của các sinh vật là thành phần của bản tính của nó; nó tồn tại như một tiềm thể ngay từ khởi điểm của sinh vật. Một quả sồi có tiềm năng trở thành một cây sồi, nhưng không thể trở thành một con ếch hay một cây ô - liu. Nói khác đi, mục đích hay cứu cánh thể của một quả sồi là trở thành một cây sồi. Thiên nhiên có đặc tính là thay đổi hay chuyển động, và sự thay đổi này diễn ra khi các vật biến đổi dần dần từ tiềm thể của chúng sang hiện thể - nghĩa là khi các sự vật chuyển động hướng tới nguyên nhân cùng đích hay cứu cánh của chúng, như khi một quả sồi biến thành một cây sồi. Nguyên nhân mục đích hay cứu cánh của một vật cũng được Aristotle gọi là yếu tính của vật ấy. Theo Aristotle, mọi vật trong thiên nhiên, dù là sinh vật hay các vật vô sinh đều có một mục đích nội tại trong chúng. Nhưng hơn thế nữa, chính thiên nhiên cũng có một mục đích hay cứu cánh lớn. Mặc dù Aristotle tin rằng các phạm trù trong thiên nhiên luôn luôn cố định, và vì thế ông phủ nhận sự tiến hóa, nhưng ông cũng nói đến một bậc thang giá trị lớn giữa mọi sự vật ông gọi nó là scala naturae, bậc thang thiên nhiên, nghĩa là thiên nhiên được sắp đặt theo một bậc thang đi từ chất thể trung lập lên tới một tác nhân không bị tác động, hay tác nhân đệ nhất, là hiện thể thuần túy và là nguyên nhân của mọi sự trong thiên nhiên. Theo Aristotle, tác nhân không bị tác động là cái tạo cho mọi sự vật tự nhiên mục đích của chúng. Trong bậc thang thiên nhiên, vật gì càng gần với tác nhân không bị tác động thì càng hoàn hảo. Giữa các động vật, loài người ở gần nhất với tác nhân không bị tác động, còn mọi động vật khác đều ở các bậc thang khác nhau bên dưới loài người. Tuy Aristotle không chấp nhận sự tiến hóa, bậc thang thiên nhiên của ông cũng tạo ra một cấp trật các giống và loài đủ loại khác nhau, nhờ đó chúng ta có thể nghiên cứu các động vật "thấp hơn" để hiểu biết về con người. Tuy nhiên, sự hiểu biết này luôn luôn có giới hạn, vì theo Aristotle, con người là loài độc nhất vô nhị giữa các loài động vật. Ở đây vẫn thế, lập trường của Aristotle có tính chất hoàn toàn cứu cánh: Mọi vật trong thiên nhiên đều có một mục đích, và thiên nhiên tự nó cũng có một mục đích. Thứ bậc của các loại Hồn Đối với Aristotle, cũng như đối với đa số nhà triết học Hy Lạp, hồn là cái cho sự sống; vì vậy, mọi sinh vật đều có một hồn. Theo Aristotle, có ba loại hồn, và tiềm thể (mục đích) của một sinh vật được xác định bởi loại hồn mà nó có: 1. Các loại cây cỏ thì có hồn thực vật (hay dinh dưỡng). Hồn thực vật chỉ cho sự tăng trưởng, hấp thu sự dinh dưỡng, và sinh sản. 2. Các loài động vật thì có giác hồn mà các loại cây cỏ không có. Ngoài các chức năng trên, các sinh vật có giác hồn thì cảm giác và phản ứng với môi trường xung quanh, cảm nghiệm khoái lạc và đau khổ, và có trí nhớ. 3. Chỉ loài người có linh hồn (hay hồn lý tính). Nó cung cấp mọi chức năng của hai loại hồn trên nhưng còn cho con người biết suy nghĩ bằng lý trí. Cảm giác Aristotle nói rằng nhận thức về môi trường xung quanh được cung cấp bởi ngũ quan: thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, và khứu giác. Khác với các nhà triết học thời trước (Empedocles và Democritus), Aristotle không tin rằng các sự vật phát ra các bản sao cực nhỏ của bản thân chúng (eidola). Ngược lại, ông cảm thấy rằng tri giác được giải thích bằng chuyển động của các sự vật kích thích một trong năm giác quan. Chuyển động của các sự vật xung quanh tạo các chuyển động xuyên qua các môi trường khác nhau, và mỗi giác quan nhạy cảm với các chuyển động trong một môi trường nhất định. Ví dụ, thị giác là do chuyển động của ánh sáng phát ra từ một vật, thính giác và khứu giác phát xuất từ chuyển động của không khí, và vị giác và xúc giác phát xuất từ chuyển động của da thịt. Bằng cách này, Aristotle giải thích làm thế nào chúng ta có thể thực sự cảm giác các sự vật xung quanh mà không cần các vật ấy phát ra các bản sao vật lý của chúng. Khác với Phao, Aristotle tin rằng chúng ta có thể tin cậy các giác quan trong việc chúng cung cấp cho chúng ta một biểu thị chính xác về các vật xung quanh. Công cảm, Lý trí thụ động, và Lý trí chủ động Tuy dữ liệu của cảm giác đối với Aristotle rất quan trọng, nó cũng chỉ là bước đầu của tri thức. Nói khác đi, kinh nghiệm giác quan là một yếu tố cần nhưng không đủ để đạt đến tri thức. Trước hết, mỗi hệ giác quan cung cấp các thông tin riêng rẽ về mỗi môi trường, mà tự chúng không ích lợi bao nhiêu. Ví dụ, nhìn một đứa bé lăn lộn trên giường chỉ cung cấp cho chúng ta một phần hiểu biết về tình trạng của nó, nghe nó khóc cho chúng ta một chìa khóa khác, ngửi mùi nó toát ra có thể cho một chìa khóa khác, và sờ vào người nó có thể cho biết nó đang bị sốt. Chính sự phối hợp các thông tin của tất cả các giác quan sẽ cho chúng ta có những tương tác hiệu quả nhất với môi trường. Aristotle đưa ra một định đề cho rằng có một lương tri, như là cơ chế hoạt động phối hợp thông tin từ mọi giác quan. Giống như mọi chức năng tinh thần khác, lương tri được nghĩ là nằm ở tim. Nhiệm vụ của công cảm là tổng hợp các kinh nghiệm cảm giác, nhờ đó làm cho nó trở nên ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, các thông tin của giác quan, cả sau khi nó đã được tổng hợp bởi công cảm, cũng chỉ cung cấp thông tin về các trường hợp đặc thù của sự vật. Lý trí thụ động bao gồm việc sử dụng kinh nghiệm đã tổng hợp được để sống đời sống hằng ngày một cách hiệu quả, nhưng nó không tạo ra một sự hiểu biết về các yếu tính, hay nguyên lý đệ nhất của sự vật. Các nguyên lý đệ nhất chỉ có thể được trừu tượng hóa từ nhiều kinh nghiệm khác nhau của một người nhờ lý trí chủ động, được coi là hình thức tư duy cao nhất. Vì vậy Aristotle vạch ra các cấp tri thức hay hiểu biết rất giống với đường ranh giới của Plato. Các cấp tri thức này là: 1. Lý trí chủ động: Sự trừu tượng hóa các nguyên lý, hay yếu tính, từ các kinh nghiệm đã tổng hợp. 2. Lý trí thụ động: Sử dụng các kinh nghiệm đã tổng hợp. 3. Lương tri: Các kinh nghiệm được tổng hợp. 4. Dữ liệu cảm giác: Các kinh nghiệm riêng rẽ. Một ví dụ cho thấy các cấp độ tri thức này liên quan thế nào với nhau có thể là việc kinh nghiệm về điện nhờ các cảm giác như thị giác (thấy một tia điện phát ra), đau (bị điện giật), và thính giác (nghe tiếng tia điện xoẹt ra). Các kinh nghiệm này có thể tương ứng với cấp độ thu nhận cảm giác. Công cảm sẽ cho thấy tất cả các kinh nghiệm này có một nguồn gốc chung - điện. Lý trí thụ động sẽ cho thấy điện có thể được sử dụng vào các cách thực tế khác nhau, trong khi lý trí chủ động sẽ tìm ra các định luật chi phối điện và sự hiểu biết về yếu tính của điện. Cái bắt đầu là một tập hợp các kinh nghiệm thường nghiệm dẫn đến việc tìm kiếm các nguyên lý có thể cắt nghĩa các kinh nghiệm ấy. Phần lý trí chủ động của linh hồn cung cấp cho con người mục đích cao nhất của họ. Nghĩa là, nó cung cấp cho họ cứu cánh thể của họ. Cũng như mục tiêu cuối cùng của một quả sồi là trở thành một cây sồi, mục tiêu cuối cùng của một người là vận dụng lý trí chủ động. Aristotle cũng tin rằng hành động phù hợp với bản tính của mình tạo ra sự thích thú và hành động ngược lại tạo ra đau khổ. Trong trường hợp con người, hành động theo lý trí chủ động là nguồn khoái lạc cao nhất của con người. Về vấn đề này, Aristotle chủ yếu đồng ý với Socrates và Plato. Hơn nữa, vì Aristotle giả thiết có một tiềm năng nội tại mà con người có thể đạt đến hay không, nên lý thuyết của ông được coi là lý thuyết đầu tiên của tâm lý học về sự tự thể hiện mình. Các lý thuyết về sự tự thể hiện của Jung, Maslow, và Rogers phản ánh các tư tưởng của Aristotle về cứu cánh thể. Với khái niệm của ông về lý trí chủ động, Aristotle đưa một yếu tố thần bí hay siêu nhiên vào cho lý thuyết duy nhiên thông thường. Phần lý trí chủ động của linh hồn được coi là bất tử, nhưng khi nó rời bỏ thân xác khi chết, nó không mang theo một sự hồi tưởng nào. Nó được coi là một cơ chế hoạt động cho tư tưởng thuần túy và được tin là giống nhau nơi mọi người. Nó không được đánh giá theo tính cách đạo đức của con người có nó trước kia, và không có sự hợp nhất hay tái hợp với Thượng Đế. Phần chủ động của linh hồn không đi lên thiên đàng hay xuống địa ngục. Tuy nhiên, về sau cách giải thích của Kitô giáo về linh hồn theo Aristotle sẽ mang tất cả các tính chất này. Một thành phần thần bí khác trong lý thuyết của Aristotle là khái niệm của ông về tác nhân không bị tác động. Theo Aristotle, mọi sự vật trong tự nhiên có một mục đích đã được lập trình sẵn trong đó. Mục đích hay cứu cánh thể này giải thích tại sao một vật lại tồn tại như nó đang tồn tại và tại sao nó làm như nó đang làm. Nhưng nếu mọi vật trong thiên nhiên đều có một mục đích, vậy thì cái gì là nguyên nhân của mục đích ấy? Như chúng ta đã thấy, Aristotle giả thiết một tác nhân không bị tác động, hay một tác nhân tạo ra mọi vật khác nhưng chính nó không do một cái gì khác tạo ra. Theo Aristotle, tác nhân không bị tác động làm cho mọi vật chuyển động, ngoài ra nó không làm một điều gì khác; nó là một sự tất yếu lý luận, chứ không phải một thượng đế. Cùng với khái niệm Aristotle về tính bất tử của linh hồn, người Kitô giáo cũng thấy khái niệm của ông về một tác nhân không bị tác động rất phù hợp với giáo lý của họ. Trí nhớ và Hồi tưởng Hợp với khía cạnh thường nghiệm của triết học của ông, Aristotle cắt nghĩa trí nhớ và sự hồi tưởng như là kết quả của tri giác. Lý thuyết này tương phản với cách cắt nghĩa của Plato chủ yếu theo thuyết bẩm sinh. Theo Aristotle, sự nhớ lại là một sự hồi tưởng tự phát về một điều gì đã kinh nghiệm trước đó. Ví dụ, bạn thấy một người và nhớ lại rằng bạn đã thấy người ấy trước đó và có lẽ đã trò chuyện với người ấy. Tuy nhiên, hồi tưởng bao gồm một sự tìm kiếm chủ động của tinh thần về một kinh nghiệm quá khứ. Liên kết với hồi tưởng, Aristotle đã giả thiết các luật liên tưởng nổi tiếng của ông. Luật liên tưởng cơ bản nhất là luật tương cận, luật này phát biểu rằng khi chúng ta nghĩ đến một điều gì, chúng ta cũng có khuynh hướng nghĩ đến những cái gắn liền điều ấy trong kinh nghiệm của chúng ta. Luật thường xuyên phát biểu rằng một điều gì càng được kinh nghiệm nhiều lần, ta càng dễ nhớ lại nó. Luật tương tự phát biểu rằng khi chúng ta nghĩ đến một điều gì, chúng ta sẽ có khuynh hướng nghĩ đến các điều giống với nó. Luật tương phản phát biểu rằng khi chúng ta nghĩ đến một điều gì, chúng ta cũng dễ nghĩ đến điều trái ngược với nó. Các luật liên tưởng của Aristotle sẽ trở thành cơ sở của lý thuyết về việc học tập trong hơn hai ngàn năm. Sự tin tưởng rằng chúng ta có thể sử dụng một hay nhiều luật liên tưởng để cắt nghĩa nguồn gốc các ý tưởng, các hiện tượng của trí nhớ, hay các ý tưởng phức tạp được hình thành bởi các ý tưởng đơn giản, sẽ được gọi là thuyết liên tưởng. Như thế, Aristotle quả đã có ảnh hưởng rất to lớn đối với tâm lý học hiện đại. Chúng ta đã nói ở chương 1 rằng không một ý tưởng quan trọng nào trong lịch sử được tạo ra bởi chỉ một người. Ngay cả Aristotle, một trong những nhà triết học lớn của mọi thời, đã mở rộng hay sửa đổi các tư tưởng của các nhà triết học tiền bối, và nhiều nhà triết học chia sẻ với ông cuộc tìm kiếm các phổ quát thể (yếu tính). Ngay cả các luật liên tưởng, thường được gán cho Aristotle, cũng có thể thấy trong đoạn sau đây của tác phẩm Phaedo của Plato: Thế nhưng những người yêu nhau có cảm tưởng gì khi họ nhận ra một cây đàn lia, hay một bộ quần áo, hay bất cứ vật gì mà người yêu của họ từng quen dùng? Hẳn là khi biết được cây đàn, họ sẽ hình thành trong con mắt của trí khôn họ một hình ảnh của người yêu thời tuổi trẻ yêu quý cây đàn ấy. Và đó là sự hồi tưởng. Cũng vậy, bất cứ ai nhìn thấy Simmias cũng có thể nhớ đến Cebes; và có vô số ví dụ khác nữa... và hồi tưởng thường là một quy trình phục hồi những gì đã bị quên lãng qua thời gian và sự không chú ý… chúng ta thấy quá rõ - rằng khi chúng ta tri giác một điều gì dù là nhờ thị giác hay thính giác, hay một giác quan nào khác, từ tri giác ấy chúng ta có thể đạt được một khái niệm về một vật khác giống hay không giống với nó, có liên hệ với nó nhưng đã bị lãng quên. (Jowett, 1942, tr. 105 - 108). Tưởng tượng và Giấc mơ Chúng ta đã thấy triết học Aristotle có cả các thành phần lý tính lẫn thường nghiệm. Ví dụ, giải thích của ông về trí nhớ và sự hồi tưởng mang tính chất thường nghiệm. Chúng ta cũng gặp lại thành phần thường nghiệm này trong giải thích của ông về trí tưởng tượng và giấc mơ. Theo Aristotle, khi các cảm giác xảy ra, chúng tạo ra các hình ảnh còn kéo dài sau khi các kích thích tạo ra chúng đã kết thúc. Sự nhớ lại các hình ảnh này được gọi là trí nhớ. Các hình ảnh này cũng tạo ra sự nối kết giữa cảm giác và tư tưởng thuần lý bởi vì chính các hình ảnh do kinh nghiệm tạo ra được suy nghĩ bởi lý trí thụ động và chủ động. Do đó, trí tưởng tượng được cắt nghĩa như là sự giữ lại các hiệu quả của kinh nghiệm giác quan. Cũng vậy, giấc mơ cũng được Aristotle cắt nghĩa dựa trên cơ sở các hình ảnh của kinh nghiệm quá khứ. Khi ta ngủ, các hình ảnh của kinh nghiệm quá khứ có thể được kích thích bởi các sự kiện bên trong hay bên ngoài thân xác. Lý do khiến các ấn tượng (hình ảnh) còn giữ lại có vẻ kỳ quặc trong giấc mơ có thể là như sau: Khi ta ngủ, các hình ảnh không được tổ chức bởi lý trí. Khi thức, các hình ảnh phối hợp hay kiểm soát bởi sự kích thích giác quan đang diễn ra, nó tương tác với các hình ảnh của kinh nghiệm đã qua; khi ngủ, điều này không xảy ra. Về việc giấc mơ có khả năng cung cấp thông tin về các sự kiện tương lai, Aristotle tỏ ra rất hoài nghi. Rất thường xuyên chúng ta mơ về các hoạt động mà chúng ta vừa tham dự, nhưng cũng có thể một chuỗi hành động được chúng ta mơ một cách rất sống động khiến nó làm cho ta nghĩ rằng có một chuỗi hành động thực sự trong cuộc đời của người mơ. Tuy nhiên, theo Aristotle, đa số các trường hợp có vẻ như báo mộng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Động lực Theo Aristotle, hạnh phúc thể hiện một chức năng được coi là tự nhiên bởi vì làm như thế là nó thể hiện mục đích của con người. Mục đích của loài người là tư duy theo lý tính và vì vậy tư duy theo lý tính mang lại hạnh phúc lớn nhất cho con người. Tuy nhiên, con người cũng là những sinh vật có các chức năng dinh dưỡng, cảm giác, sinh sản, và cử động. Nghĩa là, mặc dù con người phân biệt với các động vật khác (do khả năng lý trí của chúng ta), chúng ta cũng có chung nhiều động lực với các loài động vật khác. Giống như các động vật khác, nhiều hành vi của con người được thúc đẩy bởi sự thèm muốn. Hành động luôn luôn hướng tới sự thỏa mãn một sự thèm muốn. Nghĩa là, hành vi được thúc đẩy bởi các trạng thái nội tại như đói, thèm muốn tình dục, khát hay sự thèm khát tiện nghi thân xác. Vì sự thèm muốn tồn tại tạo ra sự khó chịu, nên nó kích thích hành động để loại bỏ sự khó chịu ấy. Nếu hành động này thành công, con vật hay con người cảm thấy khoái lạc. Nhiều hành vi con người, do đó, giống với loại vật, nghĩa là nhằm đạt khoái lạc; mục đích của nó là đem lại khoái lạc và tránh đau khổ. Tuy nhiên, khác với các động vật khác, chúng ta có thể dùng khả năng lý trí của mình để ức chế các thèm muốn của mình. Hơn nữa, hạnh phúc lớn nhất của chúng ta không phát xuất từ việc thỏa mãn các nhu cầu sinh vật. Ngược lại, nó phát xuất từ việc thể hiện các khả năng lý tính của chúng ta một cách đầy đủ nhất. Vì con người có cả các thèm muốn lẫn các khả năng lý trí, nên thường xảy ra xung đột giữa sự thỏa mãn tức thời các thèm muốn với các mục tiêu lý tính xa hơn. Tuy nhiên, ngay cả những con người tuyệt nhất cũng có thể hành động theo khoái lạc hơn là theo lý tính: "Vì ước muốn là một con thú hoang, và đam mê làm cho tinh thần của các nhà cai trị trở thành đồi bại, cả khi họ là những con người tốt nhất" (Barnes, 1984, quyển 2, tr. 2042). Theo Aristotle, cuộc đời của nhiều con người không bị thống trị bởi điều gì khác hơn là khoái lạc và đau khổ, phát xuất từ việc các thèm muốn được thỏa mãn hay không được thỏa mãn. Những con người này không khác gì loài vật. Mọi con người đều mang nơi mình hai thành phần là thèm muốn và lý trí, nhưng tính cách của mỗi người được tỏ lộ tùy theo sự thèm muốn hay lý trí trội hơn. Các Cảm xúc và Tri giác chọn lọc Nói chung, các cảm xúc trong triết học Aristotle có chức năng tăng cường mọi khuynh hướng đang có. Ví dụ, khi sợ hãi, người ta có thể chạy nhanh hơn là khi họ chỉ chạy bộ để tập thể dục. Cũng vậy các cảm xúc cung cấp một động cơ hành động - ví dụ, người ta có thể dễ đánh nhau khi họ tức giận. Tuy nhiên, các cảm xúc cũng có thể ảnh hưởng cách thức con người tri giác sự vật; nghĩa là, chúng có thể tạo ra các tri giác chọn lọc. Aristotle đưa ra các ví dụ sau đây: Chúng ta dễ dàng bị đánh lừa về các hoạt động của tri giác giác quan khi chúng ta bị kích động bởi cảm xúc, và mỗi người mỗi khác tùy theo các cảm xúc khác nhau, ví dụ, người nhát gan khi bị kích động bởi sự sợ hãi và người đa tình bởi thèm muốn yêu đương; do đó dù chẳng có gì xảy ra, hạng người thứ nhất cứ tưởng mình thấy kẻ thù đang đến gần, và hạng thứ hai tưởng mình gặp được đối tượng yêu đương của mình; và người ta càng bị ảnh hưởng mạnh bởi cảm xúc, thì chúng cần giống với sự thật bao nhiêu cũng đủ để khơi dậy những ấn tượng ấy. Điều này cũng xảy ra như thế đối với những cơn tức giận, và trong mọi trạng thái thèm muốn, và càng đúng hơn nữa khi các cảm xúc bị kích thích. (Barnes, 1984, quyển I, tr. 732) Aristotle mắc phải nhiều sai lầm. Ví dụ, ông cho rằng suy nghĩ và lương tri đều nằm ở tim, và cho rằng chức năng chính của não là làm mát máu. Ông cũng tin rằng con số các loài sinh vật trên thế giới là cố định và vì thế ông phủ nhận sự tiến hóa. Nhưng so với nhiều cống hiến tích cực của ông, các sai lầm của ông được kể là nhỏ. Mặc dù nhiều quan sát của ông không chính xác, ông cũng đã quan sát được hầu hết mọi sự, và nhờ đó, ông đã đưa triết học Hy Lạp tới các đỉnh cao mới. Created by AM Word2CHM TẦM QUAN TRỌNG CỦA TRIẾT HỌC HY LẠP THỜI KỲ ĐẦU NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 2. CÁC TRIẾT GIA HY LẠP ĐẦU TIÊN Để thực hiện được tầm quan trọng của các triết gia Hy Lạp thời kỳ đầu, nhớ lại triết học về khoa học của Popper là điều quan trọng. Như ta đã thấy ở chương I, khoa học Popper bao gồm việc xác định một vấn đề, đề nghị các giải pháp cho vấn đề, và tìm cách bác bỏ các giải pháp đã được đề nghị. Cái gì còn tồn tại được sau một quy trình như thế sẽ là giải pháp cho một vấn đề mà vào lúc ấy không thể bác bỏ được. Hơn nữa, địa vị cao nhất mà một giải pháp đề nghị có thể đạt được là ở chỗ nó chưa bị bác bỏ. Giả thiết trong quan điểm của Popper về khoa học là mọi "sự kiện" và "lý thuyết" khoa học cuối cùng đều sẽ bị chứng minh là sai. Điều này có liên quan gì với tầm quan trọng của triết học Hy Lạp thời kỳ đầu? Theo quan điểm Popper, khoa học bắt đầu khi người ta lần đầu tiên bắt đầu chất vấn các câu chuyện mà họ đã nghe kể về chính họ và về vũ trụ. Theo Brett, "Các nhà vũ trụ luận Hy Lạp có vai trò quan trọng bởi vì họ đã phá vỡ các truyền thống tôn giáo vốn đã được chấp nhận và tạo ra được điều mà họ coi là các câu chuyện tốt hơn về nguồn gốc và chất liệu của vũ trụ. Họ đã suy tư." (1965, tr. 38). Các nhà triết học Hy Lạp không chỉ suy tư mà họ còn kính trọng sự suy tư của những người khác. Ngoại trừ các nhà triết học thuộc phái Pythagoras từng sáng lập một giáo phái bí nhiệm nhằm bảo tồn giáo điều của họ, các nhà triết học Hy Lạp khác đã có các cuộc thảo luận cởi mở, phê bình về các ý tưởng của nhau. Theo Popper, sự sẵn sàng đi vào thảo luận phê bình này của họ là khởi điểm của một truyền thống vô cùng quan trọng. Như ta đã thấy, Popper cho rằng Thales là người có công sáng lập truyền thống tự do mới này, ông là người không chỉ chấp nhận phê bình mà còn tích cực khuyến khích nó. Theo Popper, đây là một "cuộc canh tân quyết định" bởi vì nó đoạn tuyệt với truyền thống giáo điều vốn chỉ cho phép một giáo thuyết, và mở cửa cho mọi học thuyết được có cơ hội cố gắng đến gần chân lý thông qua con đường thảo luận phê bình. Đi đôi với truyền thống thảo luận tự do và phê bình này là sự nhận thức rằng các cuộc tìm kiếm của chúng ta không bao giờ là tiếng nói cuối cùng, nhưng luôn luôn mang tính chất thăm dò và có thể cải thiện. Aristotle qua đời năm 322 trước CN. thọ 62 tuổi. Cái chết của ông đánh dấu kết thúc Thời đại Vàng Son của Hy Lạp, bắt đầu khoảng 300 năm trước đó với triết học Thales. Đa số, thậm chí có thể là tất cả các khái niệm triết học từng được theo đuổi từ Thời Đại Vàng này cho đến nay đều đã được tạo ra trong thời kỳ này. Sau khi Aristotle mất, các nhà triết học hoặc bắt đầu dựa vào lời dạy của các bậc tiền bối hay họ quay chú ý sang các vấn đề liên quan đến các mẫu mực cho hành vi con người. Phải đến thời Phục Hưng, nhiều thế kỷ sau cái chết của Aristotle, truyền thống phê bình của các triết gia Hy Lạp thời kỳ đầu mới lại được tái khám phá và phục hưng. CÁC CÂU HỎI THẢO LUẬN 1. Mô tả một trong các sự kiện có thể đã làm các con người thời kỳ đầu quan tâm đến và thảo luận xem họ đã cắt nghĩa và tìm cách kiểm soát các sự kiện ấy thế nào. 2. Tóm tắt những khác biệt lớn giữa tôn giáo Olympian và tôn giáo Dionysiac - Orphic. 3. Điều gì phân biệt các cố gắng tìm hiểu thiên nhiên của các nhà triết học thời kỳ đầu với các cố gắng của những người đi trước họ? 4. Các nhà vũ trụ luận đã cố gắng làm những gì? 5. Tại sao các nhà triết học thời kỳ đầu được gọi là các nhà vật lý (physicists)? Hãy kể ra các yếu tố sơ đẳng (physis) đã được quan niệm bởi Thales, Anaximander, Heraclitus, Parmenides, Pythagoras, Empedocles và Democritus. 6. Tóm tắt quan niệm của Empedocles về vũ trụ. 7. Tóm tắt quan niệm của Empedocles về việc các loài động vật kể cả con người, đã xuất hiện như thế nào. 8. Triết học Heraclitus đặt ra vấn đề tri thức luận nào? 9. Nêu các ví dụ cho thấy luận lý học đã được sử dụng như thế nào để bênh vực niềm tin của Parmenides rằng biến dịch và chuyển động chỉ là các ảo tưởng. 10. Phân biệt giữa thuyết yếu tố và thuyết giản lược, nêu một ví dụ về mỗi thuyết. 11. Đâu là những khác biệt lớn giữa khoa chữa bệnh đền miếu và loại y khoa được thực hành bởi Alcmaeon và Hippocrate? 12. Các nhà ngụy biện khác với các nhà triết học trước họ như thế nào? Thái độ của các nhà ngụy biện đối với tri thức thế nào? Socrates đồng ý với các nhà ngụy biện về phương diện nào và bất đồng với họ về phương diện nào? 13. Xenophanes có những nhận xét gì về tôn giáo? 14. Theo Socrates, mục tiêu của tra cứu triết học là gì? ông đã sử dụng phương pháp nào để theo đuổi mục tiêu ấy? 15. Mô tả lý thuyết các mô thể hay ý tưởng của Plato. 16. Trong triết học Plato, biểu tượng đường ranh giới là gì? 17. Tóm tắt ẩn dụ về cái hang của Plato. Plato dùng ẩn dụ này để diễn tả điều gì? 18. Thảo luận lý thuyết hồi ức của Plato. 19. So sánh thái độ của Aristotle và của Plato đối với kinh nghiệm giác quan. 20. Dẫn chứng cho thấy triết học Aristotle vừa có thành phần lý tính vừa có thành phần thường nghiệm. 21. Theo Aristotle, bốn nguyên nhân của các sự vật là gì? 22. Thảo luận khái niệm về cứu cánh thể của Aristotle. 23. Thảo luận khái niệm bậc thang thiên nhiên của Aristotle và cho thấy khái ấy biện minh thế nào cho khoa tâm lý học so sánh. 24. Thảo luận sự tương quan giữa kinh nghiệm giác quan, công cảm, lý trí thụ động và lý trí chủ động. 25. Tóm tắt các quan niệm của Aristotle về trí tưởng tượng và giấc mơ. 26. Thảo luận các quan niệm của Aristotle về các động lực. 27. Thảo luận các quan niệm của Aristotle về các cảm xúc. 28. Trong triết học Aristotle, chức năng của tác nhân không bị tác động là chức năng gì? 29. Mô tả các luật về liên tưởng mà Aristotle đề nghị. 30. Tóm tắt các lý do tại sao triết học Hy Lạp quan trọng đối với sự phát triển văn minh phương Tây. Created by AM Word2CHM TỪ VỰNG NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 2. CÁC TRIẾT GIA HY LẠP ĐẦU TIÊN Active reason - Lý trí chủ động : Theo Aristotle, khả năng của linh hồn tìm kiếm các yếu tính hay các nguyên lý trừu tượng được tỏ lộ trong thế giới thường nghiệm. Aristotle nghĩ rằng lý trí chủ động là thành phần của linh hồn và bất tử. Allegory of the cave - ẩn dụ cái hang : Mô tả của Plato về những con người sống cuộc sống theo các cái bóng của thực tại do kinh nghiệm giác quan cung cấp thay vì sống theo thực tại chân thực vượt trên kinh nghiệm. Analogy of the divided line - Biểu tượng về đường ranh giới : Minh họa của Plato về quan niệm của ông rằng có một bậc thang tri thức. Loại tri thức thấp nhất căn cứ trên hình ảnh của các vật thường nghiệm. Tiếp đến là tri thức về chính các vật thường nghiệm, chỉ đưa đến mức độ ý kiến; cao hơn nữa là tri thức về các nguyên lý toán học trừu tượng; tiếp đến là tri thức về các mô thể; loại tri thức cao nhất (tri thức đích thực) là tri thức về mô thể của sự thiện và bao gồm tri thức của mọi mô thể và tổ chức của chúng. Animism - Thuyết duy hồn : Niềm tin rằng mọi sự vật trong thiên nhiên đều có sự sống. Anthropomorphism - Thuyết nhân hình : Sự đối chiếu các thuộc tính của con người vào các sự vật không phải con người. Associationism - Thuyết liên tưởng : Niềm tin triết học rằng các hiện tượng tinh thần, như học tập, trí nhớ, và tưởng tượng có thể được cắt nghĩa dựa trên các định luật của sự liên tưởng. Becoming - Biến dịch: Theo Heraclitus, là tình trạng của mọi sự vật trong vũ trụ. Không có gì ở yên và bất di dịch; ngược lại, mọi sự trong vũ trụ đều năng động, nghĩa là, luôn biến đổi thành một cái gì khác với chính nó. Being - Hữu thể: Một cái gì không thay đổi và vì vậy chúng ta có thể biết được về nó một cách chắc chắn. Hữu thể bao hàm sự bền vững và chắc chắn; biến dịch bao hàm sự không bền và không chắc chắn. Common s ense - Lương tri: Theo Aristotle, là khả năng nằm trong tim, tổng hợp thông tin do ngũ quan cung cấp. Cosmology - Vũ trụ luận: Nghiên cứu về nguồn gốc, cấu trúc, và các quy trình chi phối vũ trụ. Dionysiac - Orphic religion - Tôn giáo Dionysiac - Orphic : Tôn giáo có niềm tin chính là linh hồn bị giam giữ trong thân xác do một tội lỗi nào đó mà linh hồn đã phạm. Linh hồn tiếp tục tồn tại trong một vòng luân hồi cho tới khi nó đã được thanh tẩy khỏi tội, lúc ấy nó có thể thoát được kiếp sống trần gian và trở về đời sống thần linh thuần túy giữa các thần. Một số việc thực hành ma thuật được nghĩ là có ích để giải thoát linh hồn khỏi nấm mồ thân xác của nó. Dreaming - Giấc mơ: Theo Aristotle, kinh nghiệm về các hình ảnh được giữ lại từ lúc thức. Các giấc mơ thường kỳ quặc vì các hình ảnh kinh nghiệm khi ngủ không được tổ chức bởi các khả năng lý trí của chúng ta, cũng không được hỗ trợ bởi kinh nghiệm cảm giác đang diễn ra. Theo Aristotle, việc các giấc mơ tương ứng với các sự kiện trong tương lai hoàn toàn chỉ là sự trùng hợp. Efficient cause - Nguyên nhân tác thành: Theo Aristotle, là lực làm cho một vật biến đổi. Eidolon (số nhiều eidola) - Các sự phát tỏa : Một bản sao cực nhỏ mà một số nhà triết học Hy Lạp thời đầu nghĩ là được phát ra từ bề mặt của các sự vật trong môi trường, cho phép chúng ta tri giác được các sự vật. Elementism - Thuyết yếu tố : Niềm tin rằng chúng ta có thể hiểu các quy hình phức tạp bằng cách nghiên cứu các yếu tố tạo thành chúng. Empiricism - Duy nghiệm luận : Niềm tin rằng tri thức là dựa trên cái có thể kinh nghiệm trực tiếp. Entelechy - Cứu cánh thể: Theo Aristotle, là mục đích mà một vật tồn tại và ở trạng thái tiềm thể cho đến khi nó trở thành hiện thể. Ví dụ, lý trí chủ động là cứu cánh thể của con người, nhưng nơi nhiều người nó chỉ tồn tại trong trạng thái tiềm thể. Essence - Yếu tính : Các tính chất cốt yếu của một vật tạo nên thực thể riêng biệt của nó. Final cause - Nguyên nhân cùng đích : Theo Aristotle, là mục đích mà một vật tồn tại. Formal cause - Nguyên nhân mô thể: Theo Aristotle, là mô thể của một vật. Forms - vô thể: Theo Plato, là các thực tại thuần túy, trừu tượng không thay đổi và phi thời gian và vì thế có thể biết được các mô thể này tạo ra các biểu hiện không hoàn hảo của bản thân chúng khi chúng tương tác với vật chất. Các biểu hiện không hoàn hảo này của các mô thể chính là các sự vật của các ấn tượng cảm giác của chúng ta. (Cũng xem Lý thuyết các mô thể.) Idealist - Nhà duy tâm luận : Người tin rằng thực tại cơ bản gồm các ý tưởng. Plato là một nhà triết học duy tâm. Imagination - Tưởng tượng : Theo Aristotle, là việc suy tư về các hình ảnh được giữ lại trong các kinh nghiệm quá khứ. Inductive definition - Định nghĩa quy nạp: Kỹ thuật được Socrates sử dụng bằng cách xem xét nhiều ví dụ riêng rẽ của một khái niệm để khám phá xem chúng có điểm chung nào. Introspection - Nội quan: Việc xem xét kỹ lưỡng các kinh nghiệm chủ quan của một người. Law of contiguity - Luật tương cận: Một tư tưởng về một điều gì sẽ tạo ra các tư tưởng về các sự vật khác thường được kinh nghiệm đi cùng với nó. Law of contrast - Luật tương phản : Một tư tưởng về một điều gì sẽ tạo ra các tư tưởng về các sự vật tương phản với nó. Law of frequency - Luật thường xuyên : Một điều gì càng kinh nghiệm thường xuyên càng dễ được nhớ lại. Law of similarity - Luật tương tự: Một tư tưởng về một điều gì sẽ tạo ra các tư tưởng về các sự vật tương tự với nó. Laws of association - Các luật liên tưởng : Các luật được cho là nối kết các sự kiện tinh thần lại với nhau và vì thế làm cho chúng có ý nghĩa. Theo Aristotle, các luật liên tưởng gồm các luật tương cận, thường xuyên, tương phản, và tương tự. Magic - Ma thuật : Các nghi lễ và nghi thức có mục đích ảnh hưởng trên các thần. Material cause - Nguyên nhân chất thể : Theo Aristotle, là cái mà một vật được tạo thành. Nativist - Người theo bẩm sinh luận : Người tin rằng một thuộc tính quan trọng của con người là bẩm sinh và vì thế không phải do kinh nghiệm mà có. Nihilism - Hư vô luận : Niềm tin rằng không có chân lý chắc chắn, và cho dù có, nó cũng không thể thông truyền từ người này sang người khác. Các nhà Ngụy biện là các triết gia theo thuyết hư vô. Olympian religion - Tôn giáo Olympian: Tôn giáo dựa trên niềm tin vào các thần Olympia như được mô tả trong các bài thơ của Homer. Tôn giáo Olympian được cổ võ bởi giai cấp thượng lưu, trong khi các nông dân, công nhân, và nô lệ theo tôn giáo Dionysiac - Orphic bí nhiệm hơn. (Cũng xem Dionysiac - Orphic religion.) Passive reason - Lý trí thụ động : Theo Aristotle, là việc sử dụng thực tiễn các thông tin do công cảm cung cấp. Physicist - Nhà vật lý : Người chuyên tìm kiếm hay giả thiết một physis (yếu tố sơ đẳng). Physis - Yếu tố sơ đẳng : Chất hay yếu tố sơ đẳng mà người ta nghĩ là mọi sự vật được tạo thành từ đó. Rationalism - Duy lý luận : Niềm tin rằng con người đạt được tri thức nhờ lãnh hội một số nguyên lý hay khái niệm trừu tượng. Rational soul - Hồn lý tính hay linh hồn: Theo Aristotle, chỉ con người có linh hồn. Linh hồn gồm các chức năng của hồn thực vật và hồn cảm giác và cho phép con người suy nghĩ về các sự kiện trong thế giới thường nghiệm (lý trí thụ động) và trừu tượng hóa chúng thành các nguyên lý diễn tả tính chất của các sự kiện trong thế giới thường nghiệm (lý trí chủ động). Recall - Sự nhớ lại: Theo Aristotle, là việc tinh thần tích cực tìm lại các kinh nghiệm quá khứ. Reductionism - Thuyết giản lược: Cố gắng cắt nghĩa các sự vật hay sự kiện trong một lãnh vực bằng cách sử dụng các thuật ngữ, khái niệm, định luật, hay nguyên lý từ một lãnh vực khác. Một ví dụ là việc cắt nghĩa các hiện tượng có thể quan sát (lãnh vực 1) dựa trên lý thuyết nguyên tử (lãnh vực 2); một ví dụ khác có thể là cắt nghĩa hành vi và nhận thức của con người (lãnh vực 1) bằng các nguyên lý sinh hóa (lãnh vực 2). Theo một nghĩa nào đó, có thể nói rằng các sự kiện trong lãnh vực 1 được giản lược về các sự kiện trong lãnh vực 2. Remembering - Sự hồi tưởng : Theo Aristotle, là sự nhớ lại thụ động các kinh nghiệm quá khứ. Reminiscence theory of knowledge - Lý thuyết tri thức bằng hồi tưởng: Niềm tin của Plato rằng tri thức đạt được nhờ hồi tưởng lại các kinh nghiệm mà linh hồn đã có khi nó còn sống giữa các mô thể trước khi nhập vào một thân xác. Scala naturae (tiếng La Tinh) - Bậc thang thiên nhiên : Mô tả của Aristotle về thiên nhiên như được sắp xếp theo một cấp bậc từ vật chất vô hình tượng lên đến tác nhân không bị tác động (tác nhân đệ nhất). Trong bậc thang vĩ đại này, chỉ có tác nhân đệ nhất là cao hơn con người. Sensitive soul - Hồn cảm giác hay giác hồn : Theo Aristotle, là linh hồn của loài động vật. Nó cho phép các chức năng hoạt động của hồn thực vật và nó cung cấp khả năng tương tác với môi trường và giữ lại các thông tin nhận được từ sự tương tác này. Solipsism - Duy ngã luận: Niềm tin rằng thực tại chủ quan của một người là thực tại duy nhất tồn tại và có thể biết được. Sophists - Nhà Ngụy biện: Nhóm các nhà triết học - thầy giáo tin rằng "chân lý" là bất cứ điều gì người ta nghĩ là chân lý. Để thuyết phục người khác rằng một điều gì là "đúng" người ta phải có các kỹ năng truyền đạt hiệu quả, và các nhà Ngụy biện giảng dạy các kỹ năng này. Teleology - Cứu cánh luận : Niềm tin rằng thiên nhiên có mục đích. Triết học Aristotle mang tính cứu cánh luận. Temple medicine - Khoa chữa bệnh đền miếu : Một kiểu y khoa thực hành bởi các tư tế trong các đền miếu Hy Lạp thời kỳ đầu, mang tính chất mê tín và ma thuật. Các vị như Alcmaeon và Hippocrates nghiêm khắc phê bình kiểu y khoa đền miếu này và họ đã mở đầu cho việc thay thế nó bằng khoa y học tự nhiên-nghĩa là, khoa y học tìm kiếm các nguyên nhân tự nhiên của các rối loạn thay vì các nguyên nhân siêu nhiên. Theory of forms - Lý thuyết các Mô thể : Quan niệm của Plato rằng thực tại cơ bản gồm các ý tưởng trừu tượng hay mô thể tương ứng với mọi sự vật trong thế giới thường nghiệm. Tri thức về các mô thể trừu tượng này là tri thức bẩm sinh và chỉ có thể đạt được nhờ nội quan (xem Introspection). Transmiglation of the soul - Thuyết Luân hồi : Niềm tin của tôn giáo Dionysiac - Orphic rằng do một sự vi phạm nào đó linh hồn bị đày xuống một nơi giam giữ ở trần gian hết kiếp này đến kiếp khác cho tới khi nó được thanh luyện. Linh hồn trong kiếp luân hồi có thể thay đổi, khi thì ở trong cây cỏ, khi trong loài vật, khi trong loài người, cho tới khi nó được giải thoát. Unmoved mover - Tác nhân không bị tác động hay tác nhân đệ nhất: Theo Aristotle, là nguyên nhân tạo mục đích hay nguyên nhân cứu cánh cho thiên nhiên, nhưng tự nó không bị nguyên nhân nào khác tác động. Trong triết học Aristotle, tác nhân đệ nhất là một sự tất yếu lý luận. Vegetative soul - Hồn thực vật hay thảo hồn : Hồn của cây cỏ. Nó chỉ cho phép sự tăng trưởng, hấp thu chất dinh dưỡng, và sinh sản. Zeno's paradox - Nghịch lý của Zeno : Khẳng định rằng một vật muốn đi từ điểm A đến điểm B thì trước hết nó phải đi qua nửa khoảng cách giữa hai điểm ấy, và rồi phân nửa khoảng cách còn lại, và cứ như thế mãi. Bởi vì tiến trình này phải xảy ra với một con số vô hạn các lần, nên Zeno kết luận rằng, theo lý luận, một vật không bao giờ có thể tới được điểm B. Created by AM Word2CHM
TÔN GIÁO HY LẠP THỜI KỲ ĐẦU
CÁC TRIẾT GIA ĐẦU TIÊN
NỀN Y HỌC HY LẠP THỜI KỲ ĐẦU
TÍNH TƯƠNG ĐỐI CỦA CHÂN LÝ
PLATO
ARISTOTLE
TẦM QUAN TRỌNG CỦA TRIẾT HỌC HY LẠP THỜI KỲ ĐẦU
TỪ VỰNG
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip